TẬP SAN DƯỢC SƯ

XUÂN DI LẶC
Thích Nữ Giác Minh
--o0o--

 

Hàng năm vào cuối mùa đông, khi mai vàng nở rộ và những cành đào khoe sắc thắm, chim trên cành hát líu lo đón mừng xuân đã về trên đất nước. Bên vệ đường bày bán những câu đối cạnh những quả dưa hấu chín đỏ, đó đây tưng bừng đàn trẻ nhỏ hớn hở vui xuân. Đó là một trong những nét đặc biệt của ngày Tết trong truyền thống dân tộc Việt Nam.
Theo phong tục tập quán cổ truyền, ngày đầu năm là ngày Tết thiêng liêng, khi thấy pháo giao thừa nổ giòn khắp nơi, mọi người đều chỉnh tề trong bộ y phục mới đẹp, đến chùa lễ Phật cầu phước, cầu an và hái lộc với một năm mới nhiều may mắn tốt đẹp. Mặc dù giờ đây chúng ta không ở trên đất nước Việt, nhưng vào 00h00 ngày mồng Một Tết âm lịch, là Phật tử các nơi đều câu hội về chùa Dược Sư để lễ Phật và hái lộc cầu một năm Như Ý. Trong niềm vui đó, mọi người trao cho nhau những nụ cười hoan hỷ và chúc cho nhau những lời tốt đẹp nhất.
Ngày mồng Một Tết cũng là ngày vía của Đức Di Lặc. Hai chữ Di Lặc đã biến thành một hình dung từ, để diễn tả niềm vui hay sự hoan hỷ, như Xuân Di Lặc, nụ cười Di Lặc... và cũng chính vì vậy mà đồng cảm với tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Một ngày mới chúng ta nhìn lại quá khứ, hướng đến tương lai với nhiều hy vọng. Do đó chọn ngày kỷ niệm Phật Di Lặc vào thời điểm ấy bằng hình tượng hoan hỷ, đảnh lễ chiêm bái Ngài thật là hân hạnh và lạc quan. Tin tưởng, hy vọng để làm chất liệu bổ sung năng lượng cho cuộc sống là rất cần. Thiết nghĩ, chúng ta cũng nên biết sơ lược về đức Phật Di Lặc, vị Phật có nụ cười hoan hỷ giải thoát, khiến nhiều người thích chiêm ngưỡng.
Khi vào lễ Phật ở chùa Phật Giáo Bắc Tông, chúng ta thấy ở giữa chánh điện có chùa thờ theo Tam Thế Phật. Đức Thích Ca ngự ở giữa, bên phải là Đức Phật A Di Đà, bên trái là Phật Di Lặc. Phật A Di Đà là Phật quá khứ, Đức Di Lặc là Phật tương lai và Đức Thích Ca là Phật hiện tại. Chư Phật nói chung và Phật Di Lặc nói riêng, ngự trên một tòa sen, vì hoa sen được biểu thị cho sự thanh tịnh và giải thoát. Hoa sen phát xuất nơi ao hồ nước đọng mà vẫn tỏa ra mùi hương thanh khiết. Đó là đặc tính không thể tìm được trong các loài hoa khác. Ngài Di Lặc cũng sống trong cảnh đời nhiều ô trược mà vẫn tu hành giải thoát và an lạc.
Hình ảnh Ngài Di Lặc có đôi mắt hồn nhiên, nụ cười hoan hỷ, vui vẻ, thân hình mập phệ biểu hiện sự tự tại, an lạc giữa cuộc đời. Ngài có cái bụng phình ra tượng trưng cho tâm trống rỗng. Rồi cũng có hình tượng một vị Hòa Thượng mập mạp, miệng cười toe toét, mặc áo phơi ngực, bày cái bụng to tướng, chung quanh có 5 đứa trẻ quấy nhiễu, chơi đùa nghịch ngợm bu quanh như: đứa móc miệng, đứa chỉ tay vào mắt, đứa ngóay lỗ tai, đứa chọt vào mũi, đứa đấm vô ngực, đứa loi vào hông là tượng trưng cho năm trần:
- Sắc,
- Thinh,
- Hương,
- Vị,
- Xúc.
Lẽ ra sáu trần, nhưng do pháp trần không có hình tướng nên không biểu hiện được. Sáu trần khêu gợi sáu thức, vực dậy chủng tử nghiệp mê lầm, nhưng đối với Đức Di Lặc chúng không quấy phá được, vì vậy mà Ngài vẫn nở nụ cười tự tại.
Cũng có chỗ nói 5 đứa trẻ quấy nhiễu tiêu biểu cho 5 căn đó là:
- Mắt
- Tai
- Mũi
- Lưỡi
- Thân
Còn một căn nữa là Ý, tuy nhiên căn vì Ý luôn luôn ẩn tàng không thấy được, do vậy các nhà tạc tượng chỉ tạc năm đứa bé thấy rõ ràng tiêu biểu cho 5 căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ở phía trước thấy được. Còn một đứa bé nữa tiêu biểu cho Ý không thấy được, cho nên các nhà tạc tượng tạc ở phía sau tượng. Có khi cũng không cần tạc, vì vậy khi nhìn tổng quát chúng ta chỉ thấy có 5 đứa bé mà thôi. Đây là y cứ vào điển tích Bố Đại Hòa Thượng.
Bố Đại Hòa Thượng xuất hiện đời nhà Lương ở Trung Hoa. Ngài mặc áo xốc xếch, đi đâu thường mang cái bị lớn, ai cho món gì thì thu nhận món ấy dồn vào bị, gặp những bọn trẻ đem ra phân phát và dạy chúng niệm Phật, làm hiền. Do vậy mà trẻ nhỏ đi theo Ngài rất đông . Hôm sắp tịch Ngài ngồi trên tảng đá bên chùa Nhạc Lâm nói bài kệ:
- Di Lặc chơn Di Lặc
Phân thân thiên bách ức
Thời thời thị thời nhơn
Thời nhơn tự bất thức
Dịch:
- Di Lặc thật Di Lặc
Phân thân trăm ngàn ức
Luôn luôn hiện vì đời
Người đời tự chẳng biết.
Theo Kinh Di lặc Hạ Sanh Thành Phật, cho rằng tương lai Đức Di Lặc sẽ giáng sanh cõi Diêm Phù Đề, thành Phật dưới cội Long Hoa và thuyết pháp ba hội để hóa độ chúng sanh. Hội thứ nhất độ 96 ức người, hội thứ hai độ 94 ức người và hội thứ ba độ 92 ức người, cho nên gọi là:
- Long Hoa tam hội.
Nếu chúng sanh tu tạo nhân duyên lành, trụ sanh ở Diêm Phù Đề thì khi Đức Di Lặc giáng sanh sẽ được trực tiếp giáo hóa thành Phật. Vì tin tưởng là trong tương lai đức Di Lặc hạ sanh thành Phật để cứu độ chúng sanh, và lý tưởng nầy được các vua chúa Trung Hoa tôn sùng, nên việc khắc tạo tượng Phật Di Lặc ở Trung Quốc rất là cực thịnh và đà ảnh hưởng nhiều đến các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam...
Như vậy, mỗi vị Phật chủ về một hạnh. Đức Phật Thích Ca chủ hạnh tinh tấn, đức Phật A Di Đà chủ hạnh thanh tịnh, Đức Phật Di Lặc chủ về hạnh Hỷ Xả. Đầu năm chúng ta đến Chùa lễ chư Phật để cầu an cầu phuớc nói chung và đức Di Lặc nói riêng. Nếu trong Chùa nào có tượng Phật Di Lặc, chúng ta đảnh lễ Ngài, có nghĩa là chúng ta đã mượn tâm Ngài để trang nghiêm cho tâm của chúng ta, do vậy mà chúng ta phải thực tập tâm thương yêu và hỷ xả. Nếu như hiện tại Đức Di Lặc có ra đời mà tâm chúng ta không hoan hỷ thì làm sao dự vào pháp hội Long Hoa!
Thật ra kiếp sống của con người trong cuộc đời nầy vốn đã ngắn ngủi, mọi thứ khổ não cứ treo lơ lửng trước mắt thì chúng ta căng thẳng và khúc mắc với nhau để làm gì? Thôi chúng ta hãy mĩm cười và hỷ xả với nhau cho khỏe. Nếu được cứ cười thoải mái, cười thanh thản, cười vui tươi, dầu cho đó chỉ là phút giây ngắn ngủi cũng giúp cho chúng ta hạnh phúc lắm rồi. Nếu trong cuộc sống chúng ta luôn trao cho nhau những nụ cười vô nhiễm như Đức Phật Di Lặc, thì lẽ sống trong cuộc đời này sẽ an lạc biết bao. Tây Phương Cực Lạc ở ngay trần gian này. Và còn gì hạnh phúc bằng khi Xuân đến giữa đất trời mênh mông ... Dưới Phật đài, trong mái chùa thân thương đầm ấm đạo vị, mọi ưu tư của đời thường xả bỏ, với nụ cười Di Lặc trên môi là chúng ta đã tô thắm cho hoa mai, hoa cúc, hoa đào mãi xinh tươi giữa mùa xuân bất tận.
--o0o--