TẬP SAN DƯỢC SƯ

Ðối Diện Với Khổ Ðau
Thông Trí
--o0o--
 
Trong cuộc sống hiện tại, chúng ta đã và đang gặp những hoàn cảnh:
- Hạnh phúc cũng có
- Khổ đau cũng có
- Bất hạnh cũng có......
Tất cả những cái gọi là khổ đau, hay rắc rối của con người có thể nói, nguyên nhân chính là do tâm của mỗi người không nhận chân được lợi ích của những hoàn cảnh mà mình đang có, cho nên không thể xem những khổ đau, rắc rối là nguyên nhân tốt đưa đến hạnh phúc. Người ta thường không thấy điều nầy, và không chịu luyện tâm để nhận thức được như vậy.
Nếu chúng ta chịu thực tập thay vì đau khổ, buồn phiền trước nghịch cảnh do điều kiện, hoàn cảnh của xã hội gây nên, thì chúng ta có thể phát khởi tâm niệm chuyển hoá và thực tập cho trở thành thói quen, xem những rắc rối, đau khổ là những trợ duyên hữu ích, là phương pháp duy nhất đưa chúng ta đến hạnh phúc.
Trước hết chúng ta hãy thực tập nhận ra sự lợi lạc trong những thiệt hại nhỏ, rồi dần dần thành thói quen, khi có được thói quen với những thiệt hại nhỏ chúng ta sẽ có thể thấy được lợi ích, thú vị ngay cả trong những vần đề trầm trọng, vì tất cả những yếu tố đó cần thiết để cho chúng ta thực tập cuộc sống có hạnh phúc.
Thói thường khi gặp những chưởi bới, mạ lỵ dù có hay không có, dù đúng hay sai, dù ít hay nhiều tất cả những thứ đó đều được xem là  những rắc rối, hay đó là một tai hại khó ưa. Nhưng khi luyện tập tâm, chúng ta sẽ thấy, những chưởi bới, mạ ly, bôi bác, tất cả những thứ rắc rối đó đều là phương tiện cần thiết để cho chúng ta thực tập cuộc sống có hạnh phúc.
Thực tập chuyển đổi tâm niệm không phải để không còn những chưởi bới mạ lỵ, vu khống và không còn rắc rối, mà là cốt để cho chúng ta có khả năng chấp nhận, chuyển hóa và xử dụng những chướng duyên chúng ta đã và đang gặp đó trở thành thuận duyên, để chúng ta tiếp tục tu tâm trên con đường giác ngộ. Do vậy, khi biết tu tâm rồi, không có nghĩa là từ đây trở về sau chúng ta sẽ không còn những người có ác tâm quấy phá chúng ta nữa, và những bệnh tật, phiền muộn không quấy rầy chúng ta nữa, mà là làm cho chúng ta có khả năng chấp nhận những thứ phá phách lặt vặt đó, và có khả năng xem những chướng ngại đó như là những cỏ rác bên đường, những thứ ấy không thể quấy rầy, không thể ngăn cản sự tu hành, bước tiến trên con đường giác ngộ của chúng ta.
Ðó là sự thật khi chúng ta biết thực tập chuyển hoá tâm cảnh thì những rắc rối không những không hại chúng ta được, mà thực sự còn giúp chúng ta tiến bộ trên bước đường phát triển tâm linh.
Trong công cuộc luyện tâm, chúng ta phải có thái độ chấp nhận hai khuynh hướng:
1- Trước hết là chấm dứt thái độ thù ghét rắc rối
2- Phải khởi ý thích thú mỗi khi gặp vấn đề.
Khi luyện tập được tâm niệm chấp nhận như vậy, thì chúng ta sẽ thật sự thấy vui chứ không bực bội, và rắc rối sẽ không còn là chướng ngại cho chúng ta trên đường tu đạo giác ngộ.
Tiếp theo đó là chúng ta phải có một thệ nguyện vĩ đại là chấp nhận những thiệt hại từ ngoại cảnh mang lại, và từ những khuynh hướng của những con người trong xã hội hiện đại, chẳng hạn như:
- Tâm niệm đầy dẫy những ích kỷ, hẹp hòi, cố chấp
- Những người có tâm niệm thấp kém, chỉ biết phá mà không có tinh thần xây dựng.
- Những thế lực từ nhiều khuynh hướng đưa đến.
Bên cạnh những ngoại cảnh còn có những chướng ngại từ trong thân tứ đại của chúng ta. Bởi vì, với một tâm bực bội phiền muộn về những con người đầy dẫy tâm niệm tham, sân, ích kỷ, thù hận, quen thói chưởi bới, bôi nhọ, chỉ trích, những hành động do vô minh tạo ra là những trở ngại, thì chúng ta càng ngày càng nhiều chướng ngại đến từ bên ngoài như những chúng sanh khác.
Những chuyện qua lại ân đền nghĩa trả, thù tiếp nhau trong cuộc sống hằng ngày cũng đủ khiến cho tâm chúng ta bực bội, buồn phiền khi người ta không đủ lễ với mình hoặc mình sẽ cảm thấy ray rức khi mình không trong vẹn với người khác. Căn nguyên của tất cả các vấn đề đều là tâm vị kỷ quá to lớn của chúng ta mà ra.
Một tâm hồn ích kỷ hẹp hòi thì bất cứ chuyện gì dù là nhỏ đến đâu cũng xé ra cho thành chuyện lớn, ngay cả những việc không có liên hệ chúng ta, chúng ta vẫn cứ cảm thấy khó chịu. Chúng ta sẽ không vui khi thấy những người nào đó có:
- Thái độ thô tháo 
- Ăn mặc hơi kỳ cục
- Có vẻ hơi khác thường
Nghĩa là làm chuyện gì đó mà hơi trái ý thì chúng ta sẽ không ngần ngại nổi quạu quá đáng.
Thường thì chúng ta quen theo thói nhìn sự vật một chiều theo một lề lối nhất định, cho nên ít khi chúng ta có đuợc tâm hồn cởi mở phóng khoáng. Do đó thường xem mỗi chuyện, một việc trái ý nhỏ nào đó đến, chúng ta dễ dàng xé chuyện nhỏ thành ra to chuyện. Ngay cả một nổi khổ tâm tầm thường, nếu tâm hồn không biết cởi mở thì nổi khổ tâm đó trở thành một chuyện ghê gớm để rồi cuối cùng chúng ta rối loạn vì nó.
Một khi trong tâm tư của chúng ta luôn luôn bị cái tâm nặng nề bất an đè nặng, thì chúng ta khó mà có được những giây phút thảnh thơi an lạc trong tâm hồn. Từ đó mọi người, mọi sự, mọi việc, sẽ trở thành kẻ, thành vật đối nghịch của chúng ta. Lúc đó bất cứ một đối tượng nào mà chúng ta thấy, va chạm vào giác quan, thấy nếm ngửi, hoặc sờ mó được đều làm chúng ta bực mình, làm khó chịu. Tình trạng như thế cứ dồn dập đầy ắp trong tâm, thì những vấn đề khó chịu càng lúc càng gia tăng, và đời sống của chúng ta cũng bắt đầu đầy ắp những phẩn nộ, chán chường, căng thẳng và suy sụp tinh thần.
Trong cuộc sống hằng ngày, nếu chúng ta luôn luôn bị cái tâm bất an nó chế ngự, thì khó mà có được một ngày, hay ngay cả một giờ thảnh thơi hạnh phúc. Do vậy, nếu xét thấy trong cuộc sống hiện tại không có gì làm cho chúng ta vui, không có gì làm cho chúng ta thỏa mãn, thì chúng ta sẽ không bao giờ có cơ hội nào nếm được hạnh phúc, an lạc trên đời. Dù làm bất cứ việc gì, đi đến bất cứ nơi đâu thì cũng đều cảm thấy thất vọng chám chường. Nếu chúng ta không kịp thời nhận ra đó chính là lỗi lầm của chúng ta, do tâm chúng ta đã thành thói quen cố hữu của chính mình, mà lại cho những khó khăn, đau khổ buồn chán đó chính do ngoại cảnh, do người khác tạo ra, hay thời tiết, thức ăn... là nguyên nhân của mọi vấn đề, thì chứng tỏ rằng chúng ta không hiểu gì hết. Như vậy dù cho miệng chúng ta cứ bảo rằng tôi đã làm việc thiện nầy, tôi tu tập pháp kia đủ thứ việc, thì những việc đó cũng không có giúp ích gì cho chúng ta cả.
Càng nghĩ đến những rắc rối của mình, và mình cứ đổ thừa do từ bên ngoài, từ các các khía cạnh trong cuộc sống, do người khác thì chúng ta càng nổi sân. Như ngọn lửa đang cháy mà chúng ta lại tưới thêm dầu vào, thì lửa càng cháy hơn. Cũng như vậy, sân càng lớn thì nghiệp càng tệ, sân càng vô lý thì nghiệp xấu càng tăng. Chúng ta càng nổi sân với tất cả mọi người, mọi sự việc xuất hiện trước mắt, những người thân trong nhà, và những người hàng xóm láng giềng, thì cuộc sống của chúng ta càng trở cô đơn, buồn tẻ, thất vọng chán chường. Ðây chính là mọi hiện tượng trước sau gì tất cả đều trở thành kẻ thù, và cuối cùng tự giam mình trong lâu đài đau khổ của chính mình.
Thay vì xem mọi người, mọi chuyện là kẻ thù, chúng ta là Phật Tử, có thực tập giáo pháp giải thoát, chúng ta phải biết chấp nhận tất cả mọi sự kiện tốt cũng như xấu trong cuộc đời, và chuyển hóa nó giống như người làm vườn chấp nhận những rác rưới để biến chúng thành phân bón cho những cây kiểng, để rồi không bao lâu chúng ta sẽ có những đóa hoa tươi mát.
Ý thức được như thế thì chuyện gì cũng tốt, một con người dù có chướng đến đâu cũng có thể làm bạn được. Cái gì xẩy đến cũng đều là những yếu tố tốt đẹp và có thể giúp ích, hoặc lợi lạc cho mình trên bất cứ mọi phương diện nào đó. Khi biết tu tập, chuyện gì cũng là hạnh phúc, chuyện gì cũng không đáng cho chúng ta để vào trong lòng. Do vậy, mỗi khi gặp rắc rối, nếu chúng ta nhớ đến những lợi lạc của nó, để rồi phối hợp nó với sự thực tâp, chuyển tâm của chính mình, thì mọi vấn đề sẽ trở nên thuận lợi, chẳng những tệ hại không chi phối được chúng ta, mà còn làm cho việc tu học của chúng ta càng ngày càng tốt hơn, có ích hơn.
Từ khuynh hướng nầy, chúng ta biết dù bao nhiêu rắc rối thật vô ích có xẩy ra, đương nhiên chúng quấy nhiễu làm chúng ta bực mình. Tuy nhiên khi gặp tình huống khó chịu, đáng ghét, cần nhất đừng xem nó là đối tượng quan trọng, đừng bao giờ nóng nảy. Vì có nóng nẩy, khó chịu đến đâu thì cũng không có lợi ích gì mà còn làm chúng ta rối trí.
Chúng ta phải biết rằng, có vài sự việc xảy ra một chút rồi thôi, nhưng cũng có một số sự việc cứ xảy ra liên tục thì chỉ có nước ráng chịu. Chẳng hạn như:
- Chúng ta cứ bực mình không biết vì sao người kia cứ vu khống mạ lỵ tôi hoài, trong khi đó tôi đâu có làm gì họ đâu..
Trong trường hợp nầy, nếu chúng ta cứ phiền não thì chúng ta cũng không thể nào làm cho người kia hết vu khống mình. Dù chúng ta có bực mình về một vấn đề gì đó, hoặc bực tức vì một chuyện nhỏ liên hệ đến một người nào đó, thì chúng ta cũng chẳng giải quyết được gì cả. Như vậy, nếu những vấn đề thuộc loại không có cách nào giải quyết, thì cũng không cần cảm thấy buồn phiền hay chán ghét. Dù bất cứ việc gì xẩy đến, chúng ta có nổi quạu hay buồn phiền, thì cũng là vô lý, vì buồn phiền đau khổ cho lắm thì những sự việc cũng không vì vậy mà giảm bớt hay mất đi. Cho nên khi gặp bất cứ một sự việc nào, hãy luôn quan niệm:
- Thật là một dịp hên, là một chuyện tốt ...
Nói thí dụ như trường hợp bị tai nạn xe cộ, chiếc xe của mình bị tan nát, nhưng cơ thể mình không sao cả. Ðúng ra của cải bị hư hao ai mà không tiếc. Nhưng nghĩ cho kỷ thì chúng ta thấy:
- Ồ chúng ta vẫn còn may mắn, vì thân thể còn được khoẻ mạnh và nguyên vẹn.
Nghĩa là chúng ta biết lấy những tổn thương làm đề mục quán chiếu. Hãy suy gẫm đến mọi sự việc đã xảy ra trong đời, và nghĩ đến hậu quả đã ra sao khi mà chúng cứ quan trọng hóa những chuyện như vậy. Hãy phát một sự thệ nguyện như sau:
- Từ nay trở đi, dù có đối đầu với bất cứ những rắc rối nào, tôi sẽ không bực mình vì những rắc rối đó. Tôi sẽ không xem chúng là vấn đề khó khăn xui xẻo, mà còn thấy được khía cạnh hữu ích là chúng giúp cho tôi có nhiều suy tư, và biết tự bảo vệ cho chính mình mỗi khi sự cố có xảy ra.
Lời thệ nguyện và thái độ dũng cảm quyết định ấy vô cùng cần thiết cho mỗi khi gặp những khó khăn trở ngại, chúng ta nên lập tức công nhận chúng là tốt, một cách không gắng gượng, thì ý nghĩ thích đối phó vấn đề sẽ khởi lên một cách tự nhiên, như đến giờ ăn cần phải ăn cơm, đến giờ ngủ thì đi ngủ mà không cần phải xét lý do. Khi đã  thực hành được như vậy, mỗi khi gặp chuyện không đáng ưa, ngay tức khắc chúng ta xem chúng là tốt, chúng ta sẽ sung sướng dù gặp những lúc bị chỉ trích, nghèo đói, thất bại, ốm đau hoặc cả đến cái chết, chẳng có gì quấy động được tâm của chúng ta.
Một khi chúng ta đã có quá trình suy tư, và thực hành như thế, thì chúng ta sẽ không cần dụng công nổ lực, chúng ta cũng ý thức được lợi ích của mọi vấn đề một cách tự nhiên. Và càng thấy ích lợi của nghịch cảnh, thì chúng ta càng sung sướng khi gặp nghịch cảnh trên đường đời.
Do đào luyện tâm và tạo thói quen không xem nghịch cảnh là khó khăn, thì ngay những vấn đề trọng đại có xảy đến cho tâm và thân cũng sẽ trở nên dễ chịu, lúc đó chúng ta có cảm tưởng như chúng ta không còn gặp chút khó khăn nào khi đương đầu với chúng.
Nhờ đã đào luyện, nên khi một sự việc nghiêm trọng xảy ra, chúng ta có thể áp dung pháp thiền hoặc pháp chuyển tâm mà chúng ta đã quen thuộc.
Muốn chuyển nghịch cảnh thành an vui, ngoài việc chúng ta xem nghịch cảnh giúp cho chúng ta luyện tâm cũng chưa đủ, mà chúng ta còn phải xem chúng là điều kiện cần thiết để giúp chúng ta tu hành, thì chúng ta sẽ thấy từ nơi chúng có một hạnh phúc thường hằng, bền bỉ. Như vậy, khi gặp khó khăn, hãy nghỉ rằng những rắc rối làm lợi cho chúng ta rất nhiều, vì nhờ vậy mà chúng ta được hạnh phúc tạm thời trong đời nầy, và đời sau được giải thoát, giác ngộ. Dù các vấn đề có rắc rối khó chịu đến đâu, thì những rắc rối đó vẫn là những yếu tố làm lợi cho chúng ta.
Thôi, đừng ghét những nghịch cảnh nữa, mà hãy khởi lên niềm vui thích để tâm chúng ta được an vui. Như thế chúng ta mới có thể tiếp tục sống, tiếp tục tu tập mà không hề nản chí hoặc thất vọng. Cứ tiếp tục nghĩ như vậy để luyện tâm, thì tất cả những chướng ngại đều biến thành an lạc. Tin rằng có trải qua các rắc rối mới thấy được an vui, nên khi đối diện với nghịch cảnh, chúng ta coi chúng như pha, thì chúng sẽ không làm cho chúng ta rối trí, do đó chúng ta sẽ dễ dàng chấp nhận chúng.
Ðây là cách đối phó với cuộc đời đầy bất trắc và chướng ngại, như phải đối phó với kẻ thù hoặc những hung thần mà chúng ta nghĩ là đang phá rối hạnh phúc hoặc sự tu tập của mình, thì chúng ta sẽ vượt qua tất cả, dù còn tiếp tục bị quấy rối, tâm của chúng ta sẽ an nhiên tự tại.
Khi chúng ta xem trọng một chuyện gì và bị nó quấy nhiểu, tức là vấn đề đó đã hoàn toàn thao túng chúng ta, thì chúng ta khó có thể đem tâm đại thừa mà chuyển hoá nó. Nhưng nếu chúng ta biết lợi dụng khổ đau làm đường lối tu tập, thì những khó khăn sẽ giúp chúng ta phát triển thiện nghiệp, và chúng trở thành nguyên nhân đưa đến hạnh phúc. Tuy nhiên, điều nầy phải do kinh nghiệm bản thân của chính chúng ta.
Ðương nhiên, chúng ta sẽ không thể nào bổng dưng có khả năng đối diện các vấn đề trong đại và chuyển chúng thành đề mục tu tập được. Tùy theo khả năng, khi chúng ta quyết tâm thực tập chuyển hoá những nỗi khổ nhỏ, thì khi gặp sự việc trầm trọng hay những thảm họa to tát hơn ngay cả chuyện đáng sợ nhất là cái chết, chúng ta cũng sẽ đối phó được nhờ áp dụng phương pháp chuyển hóa đại thừa.
Tóm lại, hãy tập nhìn khía cạnh tốt của mọi vần đề khi gặp nghịch cảnh, chúng ta đừng chú ý đến những cái khó chịu mà chỉ thấy khía cạnh tốt và lợi ích. Cuộc đời có sung sướng hay không là do lối cảm nhận được và giải thích của tâm ta. Chúng ta có thể đặt tên một kinh nghiệm là may mắn hay xui xẻo, điều nầy tùy thuộc hoàn toàn vào tâm, và sự suy luận của chúng ta.
--o0o--