TẬP SAN DƯỢC SƯ

 

Gỡ Rối Tơ Lòng
Nguyên Hải
--o0o--
 
Đời người ít nhiều gì chúng ta ai cũng có ít nhất là một lần tâm tư rối rắm, khi đó chúng ta có khuynh hướng tìm sự an bình, tươi mát. Gở Rối Tơ Lòng hay còn gọi là Sự Nhận Thức Rõ Ràng có khả năng đem lại sự tươi mát và hạnh phúc cho con người và cuộc đời. Là người học Phật, chúng ta ai cũng nghe và cũng biết đến các việc như:
- Tụng kinh
- Niệm Phật
- Thiền tọa
- Kinh hành ...
Tất cả những việc làm nầy như chúng ta đã hiểu, một khi chúng ta thực tập, nó có khả năng đưa tâm thức chúng ta đến trạng thái:
- An bình
- Vắng lặng,
- Tập trung
- Và phát sanh tuệ giác.
Nói cho đúng hơn, một khi chúng ta thực tập các phương pháp: Tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành, thì tự bản thân chúng ta sẽ có một sự nhận thức rõ ràng về bất cứ điều gì đang xảy ra ngay ở giây phút hiện tại bằng một hình thức hết sức giản đơn. Do đó có thể nói sự quyết tâm để tạo nên sự vắng lặng, hoặc thực tập các phương cách làm phát sanh tuệ giác là một sự cố gắng bắt đầu trở về lại nơi con người chân thật của chúng ta. Nói một cách khác, tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành là một trong những phương pháp tôi luyện sự định tâm, một khi chúng ta thực tập thành tựu, nó có khả năng tạo nên sự truyền đạt từ nội tâm đến ngoại giới một cách hoàn hảo, và do vậy sống trong cuộc đời bình thường nầy của chúng ta càng lúc càng có những nhận định sâu sắc hơn. Có tính cách xác định hơn, chúng ta thấy không có sự khác biệt giữa nội tâm và ngoại cảnh khi tâm tư chúng ta chuyên nhất trong những công việc:
- Tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa, kinh hành ...
Nghĩa là chỉ cần thực hành bất cứ một trong các phương pháp đơn giản nầy, nhưng nó là toàn bộ của cùng một tiến trình không bị phân chia bởi nhiều khuynh hướng trong cuộc đời đưa đến. Ðối với người học Phật, chúng ta có thể hướng dẫn mọi người cùng tụng kinh, niệm Phật và thiền hành là chuyện bình thường. Tuy nhiên đối với người chưa biết và chưa thực tập giáo pháp của Phật, nhưng có nhiều kiến thức sách vở, mặc dầu không hẳn là một phật tử, hay một vị thiền sư, hoặc một nhà tư vấn ... Cũng có thể tôi luyện sự định tâm nhưng cần nhiều công phu hơn. Hầu hết con người trong xã hội, cần nhiều sự giúp đỡ để làm sáng tỏ những tâm tư khúc mắc, những rối rắm trong cuộc đời. Ðối với vấn đề này, là người học đạo, chúng ta có thể làm việc tư vấn và hướng dẫn họ tu học, trước là giải tỏa những tâm tư phiền muộn và sau là đưa họ đến cuộc sống an vui thanh thản.
Muốn làm điều nầy, trước tiên chúng ta cần phải tìm hiểu cuộc sống, công việc và những vấn đề của những người chung quanh, để biết được họ bị bế tắc ở chỗ nào, từ đó chúng ta mới có thể giúp họ nhận thức những vấn đề một cách rõ ràng và chính xác. Toàn bộ vấn đề chủ yếu của:
- Tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa kinh hành ...
Là làm sáng tỏ những rắc rối nội tâm và ngoại cảnh. Hay nói cách khác là giúp cho con người phương tiện để gỡ rối tơ lòng.
Để giải quyết vấn đề cái gọi là gở rối tơ lòng nầy, trước và trên hết chúng ta không nên làm quan trọng hóa vấn đề khi chúng ta đến với mọi người. Phải biết rằng, là con người ai cũng có tuệ giác và nhạy cảm và tùy theo độ nhạy cảm của mỗi người ít nhiều, do vậy chúng ta cần phải có sự linh động. Ai thích niệm Phật thì chúng ta hướng dẫn họ niệm Phật, ai thích ngồi thiền thì chúng ta hướng dẫn họ ngồi thiền ... Thời Đức Phật còn tại thế, Ngài cũng đã từng đưa ra những hướng dẫn khác nhau cho từng nhóm người hay mỗi cá nhân khác nhau. Như vậy, để cho công cuộc hướng dẫn đối tượng gở rối tơ lòng thành công tốt đẹp, theo sự hiểu biết của người học Phật, một người được coi là người có quá trình tu, học đạo phải là một người hết sức sâu sắc, nhạy cảm, và uyển chuyển trong việc hướng dẫn. Vị này phải hiểu rõ bản thân mình thật sâu sắc, và phải:
01- Biết những rắc rối phức tạp của mình
02- Rất sáng tạo trong sự tiếp xúc với mọi hoàn cảnh
03- Hiểu biết từng người một cách sâu sắc khi chúng ta phải đối diện
04- Dịu dàng và kiên nhẫn trong mọi hoàn cảnh
05- Không cần đến sự trừng phạt chính mình hoặc đòi hỏi tiến bộ có thể tạo nên một cảm giác thiếu khả năng và khó chịu.
06- Vị này phải hiểu mọi người có những khuyết điểm nào.
Ngoài ra chúng ta còn phải biết là chúng ta phải bắt đầu tìm hiểu chúng ta đến từ đâu, chứ không phải dùng chúng ta từ đâu. Như thế, chúng ta mới hiểu mọi người từ ở đâu và hướng dẫn họ để cho họ có thể khởi sự từ nơi mà họ muốn đến.
Tụng kinh, niệm Phật, thiền toạ và kinh hành được nhiều người dạy và tu tập, nhưng nó lại có những giới hạn của nó vì khả nằng giới hạn của người hành trì. Do vì không hiểu phương pháp nhị lực một cách chính xác, cho nên họ coi việc thực hành pháp môn nầy như thể là một điều gì đó tách rời khỏi cuộc sống của họ. Thật ra, muốn thực hành pháp môn nầy, chúng ta phải có thái độ thoải mái trong lúc làm việc, lúc lái xe, lúc nấu cơm, tưới nước ... Nói chung là làm bất kỳ việc gì, và  bất kỳ nơi đâu cũng đều có thể thực hành và dẫn chúng ta đến trạng thái chánh niệm, và thành tựu vượt bực khi chúng ta thực hành đúng mức. Lúc đó chúng ta có thể gom tâm về một mối, không còn rối rắm nữa. Do vậy chúng ta cần hiểu rõ ngọn ngành từng khía cạnh cuộc sống của chúng ta. Có như vậy chúng ta mới thấy sự tu tập là hài hòa, tự nhiên, uyển chuyển sống động, không giới hạn, nhưng chỉ cần phải liên tục tu tập với mọi thời gian, và bất cứ ở đâu .
Trong chiều hướng gở rối tơ lòng, khi xử dụng một phương pháp nào đó được coi là đặc biệt, nhưng chấp vá thì chúng ta không thể chấp nhận, bởi vì nó không đưa đến một kết quả như ý. Do vậy mỗi khi thực tập nếu chúng ta bắt đầu cảm thấy không yên lòng thì phải biết nó đang dẫn đến nguy hại, chúng ta phải ngừng ngay, và đừng bao giờ bắt buộc và ép bản thân chúng ta làm điều không kết quả đó. Hiểu như vậy thì chúng ta mới thấy là việc: Tụng kinh, niệm Phật, và kinh hành không phải là một điều gì đặc biệt khác lạ trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.
Quả thật như vậy, pháp môn Nhị Lực là phương pháp có khả năng giúp chúng ta gỡ rối tơ lòng. Mới trông qua, chúng ta thấy mọi thứ dường như thật tầm thường, vì thế mà đối với những người chưa nắm vững nguyên lý nầy, nó sẽ thành vô nghĩa, không có tác dụng. Ðiều tốt nhứt chúng ta có thể làm cho bản thân là giữ chánh niệm. Hãy nhìn thẳng vào tâm của chúng ta, và nhận thức chúng ta phụ thuộc như thế nào vào những người khác và những cuốn sách. Đồng thời tìm hiểu nguyên do tại sao chúng ta dễ dàng buồn chán, và dễ bỏ cuộc là do đâu, như thế nào? Nếu chúng ta là một người chưa từng được hướng dẫn phương cách gở rối tơ lòng, chúng ta có thể sống trong sự buồn chán, điều nầy thật sự không phải dễ dàng. Tuy nhiên đối với người học phật, chúng ta biết là chúng ta có thể vượt qua mọi buồn chán từ những cảm nhận hay kinh nghiệm của chính mình, để coi việc gì xảy ra với chúng ta, tâm chúng ta và chúng ta có hành động gì chưa. Chúng ta đã từng quan sát theo dõi nó cẩn thận chưa?
Phải biết rằng một người mang tâm trạng buồn chán thì không thể chịu đựng được. Vì thế mà mọi người có khuynh hướng tìm cách thực hiện một điều gì để thoát khỏi sự buồn chán. Tuy nhiên theo các nhà tâm lý khuyên, muốn thoát khỏi buồn chán, chúng ta hãy cố gắng đừng làm một điều gì khác trong một vài ngày. Bởi vì không hành động là một trạng thái tâm thoát khỏi được cái ngã. Đây là loại hành động không có phản ứng, không có người thực hiện nó. Đây là loại hiểu biết sâu sắt, và sự hiểu biết nầy đến với những ai không vội vã đi tìm sự hiểu biết. Sự hiểu biết giống như trái của cây, nó cần thời gian để đậu quả. Người ta không thể buộc nó ra quả. Như vậy thay vì trốn tránh buồn phiền chán nản bằng cách làm một việc gì đó, hay hành động một động thái nào đó, thì chúng ta có thể làm việc chánh niệm để vượt qua, bằng cách nầy chúng ta sẽ tìm một hình thức cho cuộc sống tỉnh giác, trong sạch và sau đó kéo tâm trở về với thực tế.
Nói chung, chúng ta không nên đầu hàng nhưng phải làm cho chúng ta trở nên bận rộn, thật bận rộn với các pháp môn tu học. Khi bận rộn chúng ta cảm thấy có ích, và con người của chúng ta là quan trọng. Ngược lại, khi chúng ta không thực hiện pháp môn nào, thì chúng ta phải tự cảm thấy mình là người vô dụng và xấu hổ. Nhiều người đã gỡ rối tơ lòng bằng cách tự sắp xếp cho mình bận rộn với những pháp môn tu học.
Quả thật như vậy, nếu một khi có một hình thức buồn phiền nào đó ở trong tâm, và nó luôn luôn tồn tại ở đó. Chúng ta không nên tìm một động thái nào khác thiếu chánh niệm, mà chúng ta phải cần một điều gì đó phấn khởi, một việc gì kích thích, hoặc trò chuyện, đọc sách, hoặc đi lại... để giữ tâm tỉnh giác. Người đời thường nói:
- Phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Do vậy chúng ta có thể huấn luyện tâm tỉnh giác ở mọi lúc, mà không nên chờ cho đến sự việc rối rắm xảy ra mới thực tập. Ý thức được điều nầy thì chúng ta không cần những sự kích thích đó, mà chúng ta vẫn có thể tìm được mọi loại năng lực mới. Chỉ cần luôn luôn giữ tâm chánh niệm thì chúng ta không có những rối rắm trong lòng.
Dù chúng ta có hoặc không có điều gì quan trọng đi nữa, chúng ta cũng hãy nên giữ tâm chánh niệm ở từng mọi lúc để cho tâm đừng rối rắm. Thực hiện sự từ bỏ thế gian là việc rất tốt, nhưng điều quan trọng là tiếp tục duy trì tu tập để chúng ta có thể giữ được sự thanh tịnh của mình. Ngược lại nếu chúng ta không cố gắng thì chúng ta có thể đi tuột xuống dốc, bởi vì:
- Nếu chúng ta không nổ lực liên tục thì chúng ta sẽ đi thoái lui.
Sự nỗ lực trong việc tu tập giống như sự cố gắng lái một chiếc xe đạp. Lúc ban đầu chúng ta phải dành nhiều nỗ lực để cho chiếc xe lăn bánh, nhưng sau đó bằng cách tiếp tục đạp, lập đi lập lại nhiều lần, chỉ cần vững trên chiếc xe đạp, ráng sức vừa đủ như thế chiếc xe cũng có thể di chuyển về phía trước. Chúng ta đã học hỏi được nguyên lý nầy và thực hành trong giáo pháp của Phật, cũng bằng cách thực hiện điều đó:
- Điều quan trọng nhất là sự liên tục.
Như thế nếu chúng ta đã biết ý nghĩa của chánh niệm rồi, thì hãy giữ chánh niệm càng nhiều hơn. Bằng vào việc giữ chánh niệm, chúng ta tìm hiểu chánh niệm ra sao với sự thoải mái mà chúng ta đã đạt được. Nếu chúng ta nghĩ là cần thêm sự nỗ lực, thì hãy thực hiện và nhận sự ảnh hưởng của nó bằng một tâm tình sâu xa của chúng ta. Chúng ta sẽ tìm hiểu làm cách nào để giữ tâm chánh niệm, do vậy một khi đã thực hiện được, chúng ta sẽ nhận ra tâm của mình không được thoải mái khi không có chánh niệm.
Lẽ tất nhiên ai cũng muốn sống cuộc sống tự tại, an lạc cả thân và tâm, vì thế chúng ta muốn đi tìm khi nhận thấy điều gì làm cho con người chúng ta không tự tại, không an lạc. Do vậy mà chúng ta có thể thấy những gì đang trói buộc chúng ta, và như vậy lại càng có những cơ hội tốt hơn để làm cho chúng ta trở thành người tự tại. Lúc đó thì chúng ta thấy nguyên do làm cho tâm tư chúng ta rối bời đó chính là:
- Chấp thủ và ngã mạn.
Chúng ta phải coi việc nhận thức được tâm chấp thủ và tư tưởng kiêu mạn đang diễn tiến trong tâm tư của chúng ta là việc rất quan trọng, chứ không nên chỉ suy nghĩ đơn thuần về chúng, tuy nhiên chúng ta cũng không nên quá lo lắng về việc nầy. Bởi vì nếu chúng ta lo lắng như thế, thì chúng ta lại bị rơi vào tình thế khó khăn, rồi một lúc nào đó chúng ta sẽ không nhận thấy những gì đang diễn ra trong tâm và chúng ta bị mất đi chánh niệm.
Muốn gỡ rối tơ lòng bằng cách chúng ta phải thành thật thực tập:
- Tụng kinh, niệm Phật, thiền toạ và kinh hành.
Và nếu chúng ta muốn gặt hái kết quả về pháp môn Nhị Lực, thì chúng ta hãy thực hiện một cách tích cực, đừng nên giống như cách hành xử của con thằn lằn. Cách hành xử của con thằng lằng là nó thậm thà thậm thụt. Bước tới một bước lùi hai ba bước, vì thế mà chưa bắt được mồi thì con mồi chạy rồi. Cũng vậy muốn gỡ rối tơ lòng, chúng ta chỉ có một con đường đúng nhất là thực hiện các phương pháp nầy cho đến khi thành tựu mới thôi chứ không cần làm điều gì khác nữa. Chúng ta cần thực hành một cách tích cực trong cuộc sống hiện tại của mình và đừng bao giờ hẹn ngày mai. Hãy thận trọng về tánh lơ đãng, thái độ mềm yếu và hành động chạy trốn của chính mình.
Sự quyết tâm trong việc gỡ rối tơ lòng phải tự chính mình thực hiện, điều nầy cũng tương tự giống như chúng ta muốn học bơi lội.  Muốn biết bơi như thế nào thì chúng ta phải nhảy xuống nước thực tập. Với một vài cách hướng dẫn chúng ta có thể lội dưới nước và tự chúng ta học bơi thì chúng ta mới biết bơi. Chúng ta sẽ không bao giờ biết bơi khi chúng ta cứ ngồi trên bờ và đề nghị người khác dạy chúng ta bơi lội. Cũng tương tự như vậy, hãy chọn một hoặc hai đề mục cho thích hợp với chúng ta, và hãy giữ chánh niệm về nó một cách liên tục là điều quan trọng nhất. Suy nghĩ mông lung, hay ghi nhận nhiều ý kiến từ nhiều khuynh hướng không thể làm tâm chúng ta an vui, trái lại còn làm cho rối rắm thêm.  
Hãy luôn luôn ghi nhận tư tưởng của chúng ta mà không cần kiểm soát chúng. Khi chúng ta có nhận thức rõ ràng thì chúng sẽ dừng lại khì có những hành động không có ý nghĩa. Ðiều quan trọng nhất là biết được tâm của chính chúng ta muốn gì. Cũng như những năng lượng khi chúng ta muốn thực hiện những vấn đề gì đó. Có người không biết xử dụng những năng lượng của họ, vì vậy khi họ nói hoặc làm một việc gì đó, nhưng khi họ biết được những năng lượng tiêu dùng vào việc không có ý nghĩa, hay không có kết quả thì sẳn sàng vứt bỏ và quay trở lại khuynh hướng khác. Như thế thì phí thời giờ vô ích.
Gỡ rối tơ lòng bằng cách giữ gìn chánh niệm, là nhận biết mọi việc đang xảy ra qua các cửa sổ của sáu căn ở mọi lúc, từ giây phút chúng ta tỉnh giấc cho đến giây phút cuối cùng chúng ta thiếp ngủ của mỗi ngày. Càng quan trọng hơn nữa là hãy luôn luôn chánh niệm và hiểu được những ý nghĩ và những sự tưởng tượng mà chúng ta dính mắc vào, kể cả những điều như:
- Chán nản,
- Cô đơn,
- Và bất kỳ những ý tưởng khác, yếu hoặc mạnh cũng thế.
Nếu một phương pháp nào có khả năng giúp chúng ta gỡ rối tơ lòng thì chúng ta hãy ghi nhớ và thực hiện nó. Thực hiện trong một thời gian lâu dài để chúng ta biết tất cả những lợi ích và bất lợi của nó. Nếu tâm chúng ta chánh niệm và khôn ngoan, thì chúng ta không bao giờ mất mát một điều gì cả, trong đó kể cả thời gian và năng lượng. Một khi ý tưởng chúng ta luôn luôn trong chánh niệm chính là lúc trong lòng chúng ta hết sức an bình, là chúng ta đã hạnh phúc rồi. Lúc chúng ta hạnh phúc thì chúng ta không có khuynh hướng cô đơn, và chán nản.
Ðừng nên giữ trong lòng những cảm xúc quá nghiêm trọng, cũng như những sự huyên náo không cần thiết. Chúng ta phải biết là chúng ta đang sống cho chính cuộc đời mình và chúng ta có quyền làm bất cứ điều gì chúng ta nghĩ là đúng cho mình ngay giây phút này. Nếu chúng ta đã lỡ gây ra lỗi lầm, thì chúng hãy tìm hiểu, học hỏi để tránh những sai lầm có thể xảy ra nữa. Nếu chúng ta đã lỡ gây lỗi lầm và chúng ta bị nhiều phiền toái, thì hãy nhìn thẳng vào nó mà không than van hoặc đổ lỗi kể cả cho bản thân hoặc người khác. Cũng không chạy trốn, không đánh giá thấp về bản thân hoặc buồn phiền về nó. Nếu chúng ta có thể nhận thức điều này mà không có bất cứ sự chống trả, phản kháng nào, thì chúng ta có thể vượt qua điều đó rất nhanh chóng và dễ dàng. Lúc bấy giờ dầu muốn hay không, chúng ta cũng đã trở nên tốt hơn.
Những sự rối rắm trong tâm tư, có thể nói đây là trạng thái thật khó chịu, mà chúng ta ai cũng biết. Khi chưa biết cách chuyển hoá, chúng ta trở nên cô đơn, và trở nên ích kỷ, có khi tuyệt vọng. Nhưng một khi chúng ta hiểu rất kỷ về những cách hành xử thì chúng ta không cần tự ẩn mình trong vỏ bọc. Nếu chúng ta theo dõi tâm thật chặt chẽ, nhưng không cần có sự phân biệt, thì tự nó sẽ giải quyết những rắc rối, trong khi đó nếu mục đích theo dõi tâm của chúng ta chỉ để giải quyết những rắc rối, thì nó lại không có tác dụng. Bởi vì điều đó sẽ gây nên một sự mâu thuẫn, do vậy trước tiên chúng ta hãy nhận thức sự vô ngã trong tâm của chúng ta.
Khi đã coi bản ngã của mình là quan trọng, có thể vào một ngày nào đó chúng ta sẽ sống đơn độc, buồn chán ở một nơi nào đó, để rồi  cuối cùng chúng ta lại chạy đua theo đà thế tục để tìm kiếm tâm thanh tịnh của mình. Với sự thực tập tụng kinh, niệm Phật thiền tọa và kinh hành nhiều hơn thì chúng ta mới cảm thấy thật vô cùng sung sướng khi được sống một mình. Đến một giây phút nào đó chúng ta sẽ không còn muốn giao tiếp với mọi người, kể cả đọc sách cũng có sự giới hạn, nghĩa là muốn ít giao tiếp với mọi người, hoặc đọc sách càng ít càng tốt. Lúc bây giờ chúng ta muốn hiểu rõ tâm của chúng ta nhiều hơn,  cho nên chúng ta không muốn tìm hiểu bất cứ điều gì sâu xa trong sách vở. Quả thật như vậy, vì khi chúng ta tìm hiểu được tâm của chính chúng ta, thì cuộc sống của chúng ta đã rõ ràng, và chúng ta đã tìm thấy một điều gì sâu sắc khác lạ hơn trong tâm, vì thế mà chúng ta mà không cần bận bịu vào những sách vở cũng như phương tiện phụ thuộc bên ngoài.
Có người cũng cho rằng, hiểu biết được bản chất con người một cách tổng quát và hiểu rõ tâm của chúng ta một cách đặc biệt là điều thành tựu nhất. Cho nên những gì chúng ta đang làm ở đây, trong giây phút nầy thật quan trọng đối với chúng ta, do đó chúng ta không nên cắt ngang nó trừ khi có một lý do tốt. Thực tế, chúng ta không nên đi tới những nơi hẻo lánh sống đơn độc để thực hiện việc tụng kinh, niệm Phật, thiền tọa và kinh hành trong lúc không có sự gián đoạn, không có gì đáng để gây phiền toái cho chúng ta. Vì nếu làm như vậy, chúng ta chỉ có thể tránh lúc đó, nhưng khi đối diện với cuộc sống, khi tiếp xúc với ngoại cảnh thì chúng ta vẫn sẽ bối rối hoang mang. Do vậy nếu ở trong sự ồn ào náo nhiệt mà chúng ta thực tập chánh niệm thì những gì thu gặt được mới thực sự là chánh niệm. Vì sự trong sạch này làm cho tâm ít đi sự chấp giữ. Tâm của chúng ta bây giờ không còn chấp giữ nhiều nữa và rất trong sạch, do đó mà chúng ta không còn bị xao lãng. Như thế chúng ta không còn hoang mang về sự bị hoang mang. Một số người không biết mình đang bị hoang mang, cho nên họ trở nên rối loạn hoặc quá quẩn trí khi nghĩ về điều đó. Chúng tôi muốn nói là đừng suy nghĩ quá nhiều và hãy giữ chánh niệm. Chúng ta phải biết sự suy nghĩ quá nhiều làm chúng ta càng hoang mang nhiều.
Nếu chúng ta có chánh niệm, ngay như khi bị đau ốm chúng ta sẽ hiểu một điều gì đó sâu sắc và có ý nghĩa. Chúng ta cũng sẽ cảm nhận sự cô đơn và ý nghĩa của nó. Cho nên có thể nói:
- Khi điều tồi tệ nhất của sự việc tồi tệ nhất xảy ra, thì chúng ta sẽ thấy được sự thật của cô đơn.
Có rất ít người có thể gần gũi và hiểu rõ chúng ta, do vậy giữa mỗi người đều có một sự ngăn cách to lớn của sự hiểu lầm. Chánh niệm có thể là, sáng tỏ sự hiểu lầm đó. Như chúng ta đã biết, chánh niệm là một phần bản chất của chúng ta và nó phát triển tự nhiên không ngừng. Chánh niệm là một cách sống. Dù bất cứ khi chúng ta ở đâu và bất cứ việc gì chúng ta đang làm, chúng ta phải thực hiện nó với tâm chánh niệm. Suy nghĩ nhiều là một sự cản trở lớn lao với chánh niệm. Chúng ta phải giữ chánh niệm, vì thật sự nó rất quan trọng để nhận biết về sự suy nghĩ hay hành động của chúng ta. Hãy theo dõi tâm của chúng ta mà không có sự đổ lỗi hoặc phán xét người khác. Hãy xem mọi sự việc bằng bản chất của nó:
- Không phải là chúng ta,
- Không phải là người khác
- Không phải là của chúng ta.
- Không phải là của người khác
Do vậy, trong việc tu tập, chúng ta hãy chấp nhận bất cứ điều gì xảy đến một cách dễ dàng và tự nhiên. Ðiều quan trọng nhất là cần được quan tâm và nó phải có thú vị, phải có vui thích thì sẽ có những điều hài lòng trong việc thực hiện nó. Trong chiều hướng nầy, nếu khi có một vài sự việc trở nên buồn chán, có những thái độ tiêu cực, với thái độ tiêu cực đó nó làm sự buồn chán tiếp tục gia tăng thì lúc đó chúng ta tự nhủ:
- Hãy tự tin.
Khi chúng ta có tự tin trong việc tu tập, thì chúng ta sẽ có nghị lực để thực hiện nó. Như vậy chúng ta nên quan tâm theo dõi tâm của mình nhiều hơn, vì việc hoàn chỉnh tâm là điều thú vị nhất trong cuộc sống. Vì thế chúng ta phải thực tập nhiều để huân tập thói quen chánh niệm. Đừng nên để cho tâm tư chúng ta rối loạn rồi mới tìm cách tháo gỡ, vì lúc đó càng nghĩ nhiều về làm cách nào để cải thiện tình huống của mình, thì chúng ta càng đau khổ hơn. Chẳng hạn như khi chúng ta luôn luôn đặt kế hoạch cho tương lai:
- Chúng ta sẽ sung sướng nếu chúng ta sống một nơi tốt đẹp.
- Và chúng ta sẽ sung sướng nếu ...
Không bao giờ chúng ta sung sướng khi mà chúng ta phóng tầm mắt quá xa về tương lai. Một sự thành tựu mà có quá nhiều ảnh hưởng chi phối lớn lao trong cuộc sống của chúng ta, đó là một mơ ước xa vời. Cho nên chúng ta hãy nhìn những gì đang xảy ra vào giây phút hiện tại này để nhận thấy một tương lai đầy sáng sủa và sống động.
Phần lớn là người học Phật, chúng ta thực tập để trước là tự gỡ rối cho mình, sau là hiểu được sự phấn đấu và nỗi khổ tâm của người khác. Chúng ta cũng biết mọi người đang cố gắng hết sức mình để trở thành một người đệ tử tốt của Ðức Phật. Ðiều này thật không khó khi chúng ta quyết tâm. Ðể đi đến sự nhận thức rõ ràng rằng giáo pháp của Đức Phật là con đường đúng nhất có thể dẫn đến giải thoát, hạnh phúc, chỉ khi nào chúng ta không còn lòng ganh tị, và hoan hỉ cùng với sự giàu có phát đạt của những người khác, chia xẻ những gì chúng ta có với những người khác và phải vượt qua tất cả những hoài nghi về sự tu tập của chúng ta, dù đó là con đường đúng hoặc không. Chúng ta phải hạnh phúc khi chúng ta không phải có những hoài nghi về con đường mà chúng ta đã và đang theo đuổi nó.
Nói tóm lại, chúng ta không thể gỡ rối tơ lòng khi chúng ta không biết thực tập chánh niệm, và lại càng không gỡ nổi mớ bòng bong đối với những người đang có một cuộc sống bận rộn đảo điên của trần thế. Ðiều tốt hơn hết, nếu chúng ta có thể hạn chế bớt bất cứ những hoạt động nào đó không cần thiết, thay vào đó là chúng ta có thể lắng nghe những bài chính tả của tâm, và chạy vòng vòng làm những việc mà tâm chúng ta mách bảo phải làm. Đây là một cách nói. Nhưng thật ra, nếu chúng ta theo dõi tâm của mình kỹ lưỡng hơn, thì chúng ta sẽ nhìn thấy rằng chúng ta không thể tin tất cả mọi điều mà tâm của chúng ta bảo chúng ta tin tưởng, và chúng ta không phải chạy vòng vòng giống người điên làm mọi điều mà tâm bảo chúng ta làm. Chính chúng ta là người luôn luôn hoàn tất bất cứ điều gì, nhưng chúng ta phải tìm hiểu để hạn chế bản thân. Vì thấy chúng ta phí quá nhiều thời gian trong việc theo đuổi tầm thường. Ðức Phật dạy:
- Ít trách nhiệm hoặc bổn phận.
Nói là ít trách nhiệm và bổn phận là muốn nói đến những việc bao đồng trong thiên hạ, vô ý nghĩa thì chúng ta không nên dính líu tới, nhưng phải có trách nhiệm và bổn phận với tổ chức giao phó. Nếu chúng ta biết hạn chế bản thân cẩn thận hơn, thì chúng ta sẽ có thể phát huy sự nhận thức sâu sắc hơn. Nếu chúng ta không thể giữ chánh niệm trong cuộc sống hằng ngày, thì chúng ta không thể phát huy sự hiểu biết cuộc sống. Sự hiểu biết cuộc sống và sự hiểu biết giáo pháp đi song đôi với nhau. Trên hết, chúng ta phải biết tìm hiểu để sống một cuộc sống hàng ngày có ý nghĩa, một cách tỉnh táo.
Nếu chúng ta là người nhiệt tình với giáo lý giải thoát, chúng ta sẽ nhận thấy không có được bao nhiêu người quan tâm sâu sắc đến giáo pháp bằng như chúng ta đã quan tâm. Ngay cả có người còn không biết đến những trạng thái tâm của họ thì khó có thể biết nhiều hơn nữa. Tất cả chúng ta đều có những trạng thái tâm tốt hoặc xấu. Ðể nhận biết cả hai trạng thái của tâm: Tốt và xấu là điều trước tiên và quan trọng nhất phải làm. Thấy được điều này thì chúng ta sẽ gỡ rối được tơ lòng và không tạo những trạng thái tâm xấu xa.
--o0o--