TẬP SAN DƯỢC SƯ

Ðạo Phật & Xã Hội Ngày Nay
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Trong xã hội ngày nay, có thể nói rằng sự hiểu biết hay kiến thức về phương diện khoa học, kỹ thuật, vật chất nhằm thỏa mãn nhu cầu về sự khám phá những bí mật của vũ trụ, hoặc nhằm thỏa mãn nhu cầu về tiện nghi cho cuộc sống của loài người tương đối khá cao. Tuy nhiên, sự hiểu biết hay kiến thức của nhân loại về phương diện tâm linh, về phương diện huyền bí, vẫn còn đang ở trong thời kỳ phôi thai, cho nên vẫn còn nhiều điều chưa giải thích được, nhiều hiện tượng không thể hiểu nổi. Vì thế, mặc dầu hiện nay đã có môn khoa học huyền bí, nhưng con người vẫn còn nhờ đến, và vẫn còn dựa vào đức tin của tôn giáo để giải thích, để thỏa mãn nhiều điều chưa giải thích được, nhiều hiện tượng không thể hiểu nổi, và do đó con người thường có hai khuynh hướng:
1- Con người cứ đặt niềm tin trọn vẹn, tuyệt đối vào những gì tôn giáo nói, nhưng không có sự giải thích.
2- Những sự kiện không thể giải thích được, hoặc giả có những sự giải thích nhưng lại vượt quá tầm hiểu biết của con người!
Qua sự nhận xét của nhiều nhà học giả về các tôn giáo, nhưng đặc biệt là Phật giáo. Phật Giáo như là một lăng kính muôn màu, phản ảnh mọi khía cạnh trên cuộc đời. Ðiều nầy tùy theo sự cảm nhận của mỗi con người. Nhưng điều khá rõ ràng, Phật Giáo là một tôn giáo hội đủ những yếu tố có thể đem lại đời sống tâm linh cho nhân loại. Chúng ta đã thấy, đang thấy và sẽ thấy Phật Giáo ngày càng phát triển mạnh mẽ, phát triển một cách hòa bình, một cách từ bi, xuất phát từ Ấn Ðộ và tiếp tục lan rộng đến các nước ở Á châu, Úc Châu, Âu Châu và Mỹ Châu theo hai đường truyền thừa. Nếu là Bắc truyền thì từ Bắc Ấn Ðộ rồi đến các nước vùng cận Ðông, Trung Ðông, Trung Quốc, Tây Tạng, Nhật Bản, Ðại Hàn, Việt Nam....  sang các nước Âu châu, Úc châu và Mỹ châu. Nếu là Phật Giáo Nam truyền thì từ Nam Ấn Ðộ rồi sang các nước như Tích Lan, Miến Ðiện, Thái Lan, Cam Bốt, Lào, Việt Nam.... Ðiểm đặc biệt là Phật Giáo phát triển đến đâu, hòa nhập nơi đó, biến thành tôn giáo địa phương, đáp ứng nhu cầu tâm linh của dân chúng tại những địa phương đó. Cho nên chúng ta có thể thấy:
- Người Ấn Ðộ thờ tượng Phật giống người Ấn Ðộ,
- Người Trung Hoa thờ tượng Phật giống người Trung Hoa,
- Người Việt Nam thờ tượng Phật giống người Việt Nam,
- Người Nhật Bản thờ tượng Phật giống người Nhật Bản.
Như vậy Ðức Phật ở khắp mọi nơi, trong tâm tất cả mọi người, chứ không phải chỉ có ở Ấn Ðộ hay riêng cho một quốc gia nào.
Theo quan điểm của Phật Giáo, không phải chỉ có Ðức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni mà là hằng hà sa số Phật trong mười phương. Hơn thế nữa tất cả mọi chúng sanh ai cũng đều có thể thành Phật, chứ không phải chỉ có một vị Phật duy nhất, độc tôn, bắt buộc mọi người phải thờ lạy và có trọn quyền ban phước giáng họa. Do vì đối xử nhau trong tinh thần bình đẳng, cho nên Phật Giáo phát triển đến đâu, đều đem lại an lạc và hạnh phúc cho con người đến đó, đó chính là giáo lý của bốn tâm rộng lớn:
- Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Ðồng thời Phật giáo phát triển đến bất cứ nơi nào trên thế gian này cũng đều thực hiện sáu không:
1- Không bao giờ gieo rắc hận thù,
2- Không bao giờ đem theo mọi hình thức chiến tranh,
3- Không bao giờ đem theo mọi hình thức cai trị, một cách trực tiếp hay gián tiếp,
4- Không bao giờ dùng quyền lực chánh trị hay kinh tế để ép buộc người dân địa phương bỏ đạo đang theo,
5- Không bao giờ dùng lợi lộc hay ân nghĩa để khuyến dụ lòng người,
6- Không bao giờ cấm đoán tín đồ kết hôn với người khác đạo.
Phật giáo hoàn toàn tôn trọng sự tự do tín ngưỡng của con người. Cho nên bất cứ ai đến với Phật giáo hoàn toàn do tấm lòng và sự tự nguyện chọn lựa chứ không cưỡng bách bắt buộc, do vậy mà điểm tuyệt vời của đạo Phật là mời gọi chúng ta:
- Ðến để mà thấy, chứ không phải đến để mà tin.
Thực ra, đức tin không cần thiết, một khi con người đã thấy đúng như thực. Nghĩa là: thấy rõ, biết rõ và hiểu rõ. Bởi vì mục đích của Ðạo Phật là giúp con người đạt được giác ngộ và giải thoát. Cho nên con người đến với đạo Phật:
- Bằng trí tuệ
- Bằng sự hiểu biết chân chánh, tức là bằng chánh kiến, để đạt được mục tiêu giác ngộ.
Trong chiều hướng nầy, chúng ta hiểu rằng con người đến với đạo Phật không phải bằng đức tin, hay niềm tin mù quáng. Con người đến với đạo Phật cũng không phải qua các nghi lễ, các hình thức cúng kiến, lại càng không phải qua các hình thức mê tín dị đoan, mà con người đến với đạo Phật bằng niềm tin chân chánh và sáng suốt, tức là bằng chánh tín, để đạt được mục tiêu giải thoát.
Trong phạm vi của bài này, chúng ta sẽ học hiểu những giáo pháp Ðức Phật dạy trong Tam Tạng Kinh Điển, để có thể đến với đạo Phật bằng chánh kiến và đạt được chánh tín, nhằm mục đích tạo dựng cuộc sống an lạc, hạnh phúc trong xã hội ngày nay và nhằm mục đích giác ngộ, giải thoát mai sau. Là người Phật Tử chơn chánh, chúng ta phải tuyệt đối hiểu cho rõ ràng thế nào là chánh kiến, thế nào là chánh tín, những gì là tà kiến, và những gì là mê tín, để khỏi lầm đường lạc lối vào tà giáo, ngoại đạo.
Tuy chưa hoàn toàn đẩy lui được những niềm tin vô căn cứ, những mê tín dị đoan đầy dẫy trong xã hội ngày nay, ở Đông Phương cũng như ở Tây Phương. Nhưng những khám phá, những phát minh, những tiến bộ vượt bực của khoa học ngày nay về phương diện sâu xa, về nguồn gốc của mọi sự mọi vật, cũng đã làm cho niềm tin của tín đồ nhiều tôn giáo bị lung lay tận gốc rễ trước ngưỡng cửa của thế kỷ mới. Thế kỷ 21 đã đến là thế kỷ của khoa học hiện đại, của kỹ thuật tiến bộ. Ðời sống vật chất của nhân loại sẽ sung mãn hơn, tiện nghi hơn, đầy đủ hơn, văn minh hơn, hiện đại hơn. Thế kỷ 21 cũng sẽ là thế kỷ của những tôn giáo có chánh kiến, có chánh tín. Ðó là những tôn giáo chủ trương phát triển trí tuệ, phát triển kiến thức và sự hiểu biết sáng suốt, chân chánh của con người, gọi là chánh kiến. Chánh kiến là kiến thức chân chánh, hay sự hiểu biết sáng suốt, đúng lẽ thực, đúng chân lý. Chánh tín là niềm tin chân chánh, niềm tin có căn cứ, thông qua trí tuệ sáng suốt của con người. Nói một cách ngắn gọn là:
- Thấy đúng như thực và tin đúng như thực gọi là chánh kiến và chánh tín.
Chánh kiến là bước thứ nhứt trong Bát Chánh Ðạo, gồm có:
- Chánh Kiến,
- Chánh Tư Duy,
- Chánh Ngữ,
- Chánh Nghiệp,
- Chánh Mạng,
- Chánh Tinh Tấn,
- Chánh Niệm,
- Chánh Định.
Chánh kiến là điều kiện thiết yếu hàng đầu, để giúp con người có chánh tín, để giúp con người có thể phán đoán, nhận xét và nhìn thấy vạn hữu sự vật đúng với bản chất của nó, đúng với chân thật tướng, không tự dối, không trốn tránh sự thực, và không trốn tránh cuộc đời. Ðạo Phật là đạo xuất thế gian nhưng không xa rời thế gian. Ðó là một tôn giáo đem lại những niềm tin có căn cứ, những niềm tin chân chánh cho nhân loại, gọi là chánh tín. Ðó là một tôn giáo không ép buộc, không hù dọa, không bắt tín đồ phải nhắm nghiền đôi mắt, giơ đôi tay lên trời và chấp nhận những đức tin không cần giải thích, không được giải thích, không thể giải thích.
Có thể nói rằng Phật Giáo bắt nguồn từ rừng vắng dưới gốc cây Bồ Ðề, sau sự giác ngộ của Ðức Phật, rồi từ rừng vắng mang về thành thị, từ nơi thành thị lại mang trở lại khắp hang cùng ngõ hẻm trong các vùng sâu xa, khắp các nẻo đường trong nhân gian, cho nên Phật Giáo đúng ra không phải là một tôn giáo, mà chỉ tạm gọi là tôn giáo. Nhưng nếu là một tôn giáo, thì đây là một tôn giáo hội đủ những yếu tố nhân bản cho con người, cho xã hội tiên tiến ngày nay, có khả năng đem lại đời sống tâm linh sung mãn cho nhân loại trong thế kỷ 21, trong một xã hội hiện đại.
Ðạo Phật có mặt trên cuộc đời nầy là để đánh thức và giải thoát cho người đời, khỏi phiền não và khổ đau, khỏi sanh tử luân hồi, nhưng không bị vẩn đục vì đời, ví như hoa sen mọc từ bùn nhơ nhưng không nhơ vì bùn, mà vẫn tỏa hương thơm ngát. Ðạo Phật cứu độ nhân loại đang còn ở thế gian này được giác ngộ và giải thoát, chứ không phải đợi đến khi con người chết mới độ về Tây phương Cực Lạc, mới được giác ngộ giải thoát!
Nhìn chung trong xã hội hiện đại, đặc biệt là tại Hoa Kỳ, dù ước lượng không chính xác con số Phật Tử gia tăng tại Hoa Kỳ mỗi năm, nhưng chúng ta có đầy tự tín mà nói rằng người dân Hoa Kỳ đã và đang trên đà hấp thụ các tư tưởng Phật Giáo và đã thực hành giáo lý Ðạo Phật ngày càng gia tăng. Ðiều ấy sẽ làm thay đổi các định chế và đời sống của họ. Một số khác, các tín đồ của Giáo Hội Ca Tô thực tập thiền quán và kết hợp thiền vào những sinh hoạt của họ. Các quan niệm về Khổ, Vô Thường, Vô Ngã và những nguồn giáo lý dẫn tới an lạc của Phật Giáo hiện nay được nhiều người thừa nhận, trong số những người thừa nhận nguồn giáo lý nhân bản nầy có những linh mục của đạo Ca Tô, đó là lý do giúp chúng ta lý giải tại sao quý Phật tử cứ nghe các tín hữu Ca Tô thường nhắc đến các từ ngữ như:
- Trầm Luân,
- Sanh Lão bệnh tử,
- Luân hồi,
- Tứ Đế ...
Ngoài ra chúng ta còn thấy Thiền cũng còn được sử dụng như một phương pháp chữa bệnh tâm trí, được các cộng đồng khoa học chấp nhận, không những chỉ chấp nhận mà còn có dấu hiệu phát triển trong tích cực để áp dụng vào những phương cách trị liệu một cách sâu rộng trong ngành nghề của họ. Trong chiều hướng nầy, không những hiện nay, mà có lẽ đặc biệt là trong những thập niên tới sẽ có nhiều người chú ý hơn đến ngành tâm lý và khoa phân tâm học đặc thù của Phật Giáo. Ðiều chắc chắn những người thừa hưởng di sản tinh thần của Phật Giáo sẽ tìm thấy an lạc hơn, thoải mái hơn, nhất là trong sự yên lặng nội tâm, từ bỏ những ham muốn dục lạc và bằng lòng đời sống giản dị.
Sự biến đổi của các định chế hiện hữu và cách thức sinh hoạt do ảnh hưởng của Phật Giáo là điều hiển nhiên sẽ xảy ra trong thời gian  tới tại Hoa Kỳ. Đồng thời sự gia tăng đối thoại hiểu biết, cởi mở của những người theo Ðạo Phật, và những người theo Ðạo Ca Tô hay các người láng giềng theo Ðạo Do Thái mỗi ngày càng thêm thắm thiết, sẽ tạo nên mối tương giao trong tinh thần hòa bình cố hữu của bản chất con người là điều có thể thực hiện được trong một tương lai rất gần.
Từ lý do đó, chúng ta có thể nói ảnh hưởng của Ðạo Phật tại Hoa Kỳ đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng nhiều hơn trong những năm tháng gần đây. Trong quyển The Spring Of American Buddhism, Giáo Sư Harnand nói:
- Ước lượng có hai triệu người Hoa Kỳ theo Phật Giáo, và sáu triệu người Ca Tô Giáo và Tin Lành Giáo tại Hoa Kỳ đã thực hành pháp môn Thiền Ðịnh. Nhiều vị tu sĩ Ca Tô Giáo nổi tiếng như Linh Mục Thomas Merton, Linh Mục Dom Galam đã viết nhiều tác phẩm cổ vũ ứng dụng thiền quán trong đời sống Ðạo.
Còn tác giả Donal Swearer thì nhấn mạnh đến các tư tưởng và sự thực hành:
- Ðạo Phật giúp cho người tín đồ Ca Tô Giáo vượt lên khỏi sự yếu đuối thể xác mà không cần phải dựa vào tha lực. Sự xả trừ vô minh sẽ giúp chấm dứt thù hận, tham lam và ham muốn. Sự chấp nhận tánh cách tương quan của mọi vật trong thế giới nầy sẽ giúp cho người Ca Tô Giáo bỏ đi được nhiều thành kiến sai lầm. Ðặc biệt là sự hiểu biết, thực hành Bát Chánh Ðạo giúp cho họ có một phương thức cụ thể để giải trừ khổ đau, và việc thừa nhận luật nhân quả sẽ giúp cho mỗi người có trách nhiệm về cuộc sống của chính mình hơn là tùy thuộc phó thác thân mạng cho Thượng Đế.
Nhìn vào các lãnh vực khoa học thực nghiệm như vật lý hóa học, y khoa cũng như về các khoa học tâm lý, xã hội học, quản trị hành chánh, giáo dục ..v..v.. Nhiều nhà khoa học đã từng dùng các tư tưởng căn bản của Ðạo Phật để giải thích về nguồn gốc của vũ trụ, sự bất khả phân của tâm và vật, tánh chất liên hệ hỗ tương của mọi sự, mọi vật cùng việc ứng dụng kinh nghiệm tâm linh do Ðạo Phật xướng xuất để gia tăng hạnh phúc cá nhân và giải trừ các khổ đau trong cuộc sống càng ngày càng được ứng dụng nhiều hơn. Một trong những nguồn giáo lý được Ðức Phật dạy có tính chất hỗ tương tác dụng để tồn tại hoặc hoại diệt đó là giáo lý trùng trùng duyên khởi. Giáo lý Trùng trùng Duyên khởi theo trong Kinh Hoa Nghiêm Ðức Phật dạy:
- Khi hiện tượng kết hợp và chuyển biến xẩy ra cho một sự vật thì chúng ta gọi là duyên khởi, khi xẩy ra muôn triệu sự vật liên hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng qua lại lẫn nhau trùng trùng điệp điệp thì Phật Giáo gọi đó là trùng trùng duyên khởi.
Tính cách trùng trùng duyên khởi có mặt ở trong mỗi sự vật và giữa mọi sự vật trong vũ trụ. Vì bản thân của mỗi sự vật không phải là một khối duy nhất, không biến đổi mà chính là một tập hợp của muôn triệu thứ khác nhau nên gọi là vô ngã. Tiêu biểu như một hòn đá khi nhìn thì chúng ta thấy chỉ là một khối đặc, nặng nề cứng ngắt. Nhưng nếu ta nhìn chúng qua kính hiển vi điện tử thì thấy viên đá đó chỉ là một khối xốp có rất nhiều khoảng trống ở giữa các hạt nguyên tử với các điện tử chạy vòng quanh với tốc độ rất nhanh, nhanh như chớp nhoáng.
Phật Giáo giải thích rõ ràng, con người là một tổng hợp của rất nhiều thứ quy tụ vào hai nhóm gọi là Danh và Sắc. Sắc là phần vật chất, và Danh là phần tinh thần. Phần vật chất ở dưới bốn dạng thức chính là các chất rắn gọi là đất. Các chất lỏng gọi là nước, các chất hơi gọi là gió, và năng lượng gọi là lửa. Bốn loại ấy hoà hợp tạo ra cơ thể chúng ta.
Danh là phần tinh thần, hay còn gọi là phần tâm lý của mỗi người gồm có cảm giác, tâm tư, và nhận thức
Con người là một toàn thể của các yếu tố, mà qua đó chúng có những liên hệ mật thiết với nhau, tác động lên nhau, ảnh hưởng lẫn nhau để duy trì và phát triển đời sống. Ðó là trường hợp thuận duyên. Có những lúc chúng không duy trì được sự quân bình chung, vì sự liên hệ giữa các thành phần trong cơ thể bị trục trặc, chúng ta sẽ bị bệnh tật suy thoái và có thể bị chết. Ðó là trường hợp nghịch duyên.
Ngoài ra con người lại là một đơn vị sống động ở trong hệ thống hoạt động phức tạp:
- Xã hội loài người,
- Các thực phẩm hàng hóa,
- Các tiện nghi được chuyển đến mỗi cá nhân để tiêu thụ, sử dụng sản xuất mãi không ngừng nhằm duy trì sự sống còn, sự quân bình và phát triển của xã hội.
Ðó chính là những đặc điểm mà Ðạo Phật lưu ý chúng ta về tính cách năng động và chuyển biến không ngừng của muôn vật theo định luật duyên khởi hay trùng trùng trùng duyên khởi. Theo định luật ấy, sự tương quan, tương duyên, ảnh hưởng và liên hệ hỗ tương của các sự vật xảy ra trong phạm vi không gian lẫn thời gian mà ta gọi là ảnh hưởng dây chuyền lan ra mọi chiều hướng, nối tiếp nhau mãi mãi không ngừng. Trong thế giới đó mọi thứ là chính, và mọi thứ cũng là phụ đều bình đẳng như nhau. Do vậy Ðạo Phật chú trọng đến sự hòa hợp và hạnh phúc chung của cá nhân và tập thể nên nhìn thấu suốt các sự thay đổi trong chuỗi trùng trùng duyên khởi và đề cao trách nhiệm của người Phật Tử trong vai trò thực hành Bồ Tát Ðạo, đóng góp yếu tố lành và tốt để tạo ra hay nuôi dưỡng niềm an vui hạnh phúc chung cho nhân loại.
Thời đại của chúng ta là thời đại trao đổi cho nhau những gì hay đẹp để trưởng dưỡng tự tâm và làm đẹp cuộc đời, do vậy người Phật Tử chúng ta cũng phải học hỏi nhiều điều hay của xã hội về tổ chức, lý thuyết về kỹ thuật, phối trí sinh hoạt để cung ứng những nhu cầu cần sự giúp đỡ của các tôn giáo bạn và các nhu cầu khác trong xã hội. Cho nên sự trao đổi tin tức, sự tìm hiểu và cần học hỏi lẫn nhau để cải thiện chính mình là điều cần thiết trong mọi nơi và mọi thời, trong mỗi người phật tử chúng ta.
Ðạo Phật không phải chỉ qua ánh sáng nhận thức và quán chiếu, mà:
- Quan trọng hơn Ðạo Phật là phương pháp thực nghiệm để đạt trí tuệ viên mãn, thấy rõ sự mầu nhiệm ẩn tàng trong con người và trong các đối tượng của nhận thức siêu việt.
Mỗi người phật tử chúng ta phải luôn luôn chủ động trong cuộc sống của mình, nhưng lại luôn luôn tôn trọng đời sống chủ động, tự do, an vui, và phát triển của kẻ khác. Bởi vì một con người giác ngộ là con người có tự do, có sáng tạo, có an lạc, có hạnh phúc tuyệt vời trong mối liên hệ mật thiết với mọi loài. Ðó là cái thấy linh động rõ rệt, chân thật của Phật Giáo về vũ trụ và con người, đó cũng là cái thấy của người giác ngộ về tánh tự nhiên, chân thật trong sáng của mọi sự vật trong vũ trụ. Ðiều nầy quý vị sẽ không ngạc nhiên mỗi khi tụng kinh, đứng trước bàn Phật chúng ta xướng lớn bài tán Phật như thế nầy:
- Phật chúng sanh tánh thường rỗng lặng
Ðạo cảm thông không thể nghĩ bàn
Lưới Ðế Châu ví đạo tràng
Mười phương Phật ảnh hào quang sáng ngời
........
Như vậy chúng ta thấy, toàn thể vũ trụ là một sự liên hệ mật thiết nhiệm mầu như một tấm lưới đế châu bao la rực rỡ mà các đơn vị, mỗi con người sống trong thiên nhiên là những viên ngọc, tự nó chiếu sáng và phản chiếu đầy đủ ánh sáng các viên ngọc khác. Hay nói khác đi tự nó hiện hữu đầy đủ và đón nhận sự hiện hữu đầy đủ của mọi viên ngọc quanh nó.
Sự liên hệ con người, loài vật thiên nhiên cũng như thế ấy. Ðó là một sự tương quan mật thiết, linh động đầy đủ và an lạc, trong đó mỗi một người, mỗi một sự vật vừa là chủ thể vừa là đối tượng. Nghĩa là vừa là chính vừa là phụ và luôn luôn hòa hợp để cùng nhau tồn tại, cùng nhau phát triển.
Khi sống được với sự hiểu biết và chân thật đó thì con người sống tràn đầy hạnh phúc do lòng thương bao la và sự hiểu biết chân thật mang lại. Nhờ đó xã hội loài người sẽ bớt đi sự ham muốn hận thù, bớt chiến tranh sát hại, bớt tàn phá giết hại lẫn nhau, cùng hủy hoại loài vật và thiên nhiên.
Nói tóm lại, trên phương diện nầy, Ðạo Phật đi xa hơn các nhà khoa học thực nghiệm cũng như nhân văn, bởi vì Ðạo Phật đã thấy được sự thật bao trùm mọi sinh hoạt trong vũ trụ, thấy rõ sự liên hệ chặt chẽ và sự biến chuyển nhịp nhàng ổn định trong chuỗi đổi thay náo nhiệt hỗn loạn. Trong xã hội ngày nay, trên đà tiến của nhân loại, chúng ta cũng đã thấy phim trường Hollywood đã có những cuốn phim được dàn dựng nội dung có liên quan đến đạo Phật. Và nhiều nhà khoa học, Vật Lý, Nguyên Tử, Sinh Vật Học, Xã Hội Học, Tâm Lý Học ... đã dùng các tư tưởng Phật Giáo để giải thích các khám phá mới mẻ trong thế kỷ hai mươi mốt. Ðiều nầy nhắc nhở chúng ta thấy được tầm quan trọng vai trò của người Phật Tử trong xã hội hiện đại, là phải biết sử dụng và mang tư tưởng Phật Giáo áp dụng trong đời sống hằng ngày ở mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, khoa học xã hội, tâm lý giáo dục ...v..v.... Làm thế là vì trước là để cải thiện tự thân, sau là để cải thiện hoàn cảnh của xã hội. Bởi vì nguồn giáo lý nhân bản của Phật Giáo là những tư tưởng, là một lý thuyết được thoát thai từ những kinh nghiệm thực trong cuộc đời, do Ðức Phật chủ trương và khám phá, những khám phá nầy bao gồm toàn bộ mọi sinh hoạt đời sống và chính đó là đời sống linh động, trong sáng an vui chân thật, đẹp đẽ biểu lộ trong mọi sinh hoạt kinh tế chính trị, văn hóa, xã hội. Vì thế Ðạo Phật chính là nguồn sống trong xã hội ngày nay.
--o0o--