TẬP SAN DƯỢC SƯ

Hiện Thân Của Tâm Từ
Thông Trí
 --o0o--
 
            Qua một thời gian dài, hơn hai mươi lăm, hai mươi sáu thế kỷ qua, những điều giáo huấn của Ðức Phật được ghi thành kinh tạng, và những cuốn sách mộc mạc đó được lưu truyền từ quốc gia nầy đến quốc gia khác. Những tạng kinh sách tuy đã bị thời gian phủ bụi, song tư tưởng của những áng văn trác tuyệt đó bao giờ có giá trị. Không những từ ngàn xưa mà cho đến bây giờ cũng vậy, trước sau gì cũng vẫn là di sản bất di bất dịch, đượm hương sắc của đạo Từ Bi Trí Tuệ. Bởi vì cũng từ nơi đây đã sản xuất ra không biết bao nhiêu những con người thương đạo mến đời, không phải chỉ đóng khung ở Ấn Ðộ không mà thôi, mà là khắp nơi trên thế giới. Một trong những quốc gia ảnh hưởng sâu đậm nền đạo giáo này có Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước Việt Nam, những vị Vua, và những tướng lãnh của các triều đại Ðinh, Lê, Lý, Trần của Việt Nam đều là những con người thương đạo mến đời theo chiều hướng của Ðạo Phật. Với giáo lý của đạo Từ Bi và Trí Tuệ này đã làm đẹp cho cuộc đời, và giúp con người có tinh thần tự chủ, vui sống, đồng thời giải quyết bao nhiêu mối hoài nghi về vũ trụ và con người, về quan niệm sống và sự tiến hóa chung của nhân loại. Nơi đây, sau một thời gian tìm hiểu, ai cũng ghi nhận đạo phật có khả năng giải quyết tất cả mọi việc hầu như toàn mỹ.
Ðiều này cũng dễ hiểu. Chúng ta hãy ôn lại những lời dạy của đức Phật để làm tư lương trong khi hành xử:
            - Này các người hãy tự thắp đuốc lên mà đi. Hãy tinh tấn để giải thoát. Các ngươi hãy trở về lại với chính mình, các ngươi là Phật đấy.
Lời dạy, tự mình thắp đuốc lên mà đi, đã đào luyện con người có một tinh thần không tùy thuộc vào bất cứ ai, mà chỉ có chúng ta là chủ cho chính mình. Và lời dạy:
            - Các ngươi hãy trở về lại với chính mình, các ngươi là Phật đấy.
            Ðây là lời khích lệ hết sức có giá trị, bởi vì có được bao nhiêu người dám nhìn vào những hành vi tạo tác của mình, có được bao nhiêu người dám đối diện với khổ đau, chướng ngại để tìm những nguyên nhân gì đã làm cho sự việc xảy ra như vậy?
            Trước sau gì đạo Phật cũng đều chủ trương tinh thần tự chủ. Chính chúng ta làm chủ cho chúng ta chớ không nên ký thác, phó mặc cho bất cứ một ai điều khiển, hay có quyền thưởng phạt. Vì thế đức Phật luôn luôn khuyến khích con người phải tự mình làm chủ cuộc sống. Ngài còn cho biết con người còn có đặc quyền khám phá ra những gì bí ẩn trong nội tâm của chính mình, ngay cả những gì đã được tàng trử trong trời đất bao la. Bất cứ loài hữu tình nào cũng có năng lực tiến hoá và cải tạo, nâng cao địa vị chính mình và thay đổi hoàn cảnh chung quanh. Ðừng bao giờ tự tôn khi thấy mình được thời được thế, và cũng đừng bao giờ tự ti mặc cảm khi thấy mình bị lỡ bước sa chân.
Trong lịch sử truyền bá đạo Phật, cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm mươi bốn năm, với thời gian dài dằng dặc ấy, và hiện nay đạo Phật vẫn giữ địa vị quan trọng trong công việc hướng dẫn con người trên đường sáng. Chánh kiến trong việc tìm hiểu sự thật. Tôn trọng sự sống, quyền sống của hết thảy chúng sanh, thể nhận giá trị tuyệt đối mà con người là chủ động lực của tất cả vấn đề. Ðồng thời hoạch định cho con người có một đường lối thẳng tiến để tự giải thoát mọi phiền não khổ đau, mê tối. Kiến thiết một xã hội mới mà trung tâm điểm là giáo dục con người trên ba phương diện: Bi, Trí, Dũng nhằm giúp con người có một ý niệm chính xác trong cuộc sống, biết nhận rõ về mình một ý nghĩa chân thực là con người. Và có một đức tin vững chắc có thể vượt qua tất cả mọi chướng ngại, để tạo hoàn cảnh, tìm một lối thoát, một chương trình cải tiến thích hợp, với nhu cầu của tự thân và cho quần chúng thời đại, tạo cho đời một cảnh giới tốt đẹp hơn.
            Xưa kia con người có quan niệm Ðông Phương là Ðông Phương. Tây Phương là Tây Phương giữa hai thái cực không thể gặp nhau được. Ðây là một quan niệm sai lầm. Có người còn cho phong tục tập quán là phong tục tập quán, chúng ta không thể tách rời nó ở điểm nào hết, chỉ có quyền chấp nhận, không thể thêm và không thể bớt vì đó là phong tục tập quán của một dân tộc, một xứ sở.
            Tuy nhiên nếu hiểu cho chính xác thì những phong tục tập quán thì đó chẳng qua là thói quen, tập khí gây nên! Nếu chúng ta mãi cố chấp như vậy, sự thật chúng ta sẽ không có tiến bộ. Thành thật mà nói, có những phong tục tập quán hay chúng ta cần phải cố giữ, nhưng có những tập tục chúng ta cũng cần thay đổi, nếu không chúng ta sẽ không bao giờ nhận chân được bản thể chung cùng của một nguồn sống vô biên diệu dụng... Ở điểm này Ðạo Phật rất khoan dung, cho nên nơi đây, chúng ta phải thấy những trung thực, nguồn giáo lý cao đẹp của đạo Phật để chúng ta cùng suy nghĩ và thực hành. Sự cống hiến nầy, trong đó sẽ cho chúng ta có những khái quát, khái niệm về những gì nói về một tổng hợp của đạo lý, đồng thời giúp chúng ta có khả năng tham chiếu tư tưởng các bậc thánh nhân, hiền triết Đông Tây. Có thể nói đây là điểm tập hợp đáng kể, để mở ra một chân trời mới cho những ai muốn đi trên đường tìm về ánh sáng giác ngộ giải thoát.
Qua những sự kiện này chúng ta thấy Ðức Phật luôn luôn hướng dẫn hàng môn đệ phải hành động đúng trên bốn tâm vô lượng. Không những vậy mà chính bản thân của Ngài, Ngài cũng tuân theo những nguyên tắc đó để sống, cho nên Ðức Phật được người đời tôn xưng là người đã vứt bỏ gậy guộc, đã quăng đi mọi gươm đao giáo mác. Có người còn nói:
- Chính Ngài tự trang bị cho mình, và cho hàng đệ tử của Ngài hai loại vũ khí: Chân Lý và Từ Bi.
Quả thật như vậy, vì muốn cho nhân loại hiểu được làm thế nào để sống trong tình huynh nghĩa đệ, cho nên Ngài đem nguồn giáo lý nhân bản nầy truyền đến mọi người, do đó mà có thể nói toàn khắp cõi Ấn Ðộ, từ Bắc xuống Nam, từ Đông sang Tây, không có nơi nào là không có dấu chân của Ngài. Ngài là người đi bộ nhiếu nhất trên thế gian. Ngài đi và đi trên các con đường lớn, và kể cả các nẻo đường nhỏ của xứ Ấn Ðộ, không có nơi nào là không có dấu chân của Ngài. Ngài đến địa phương nào, thì nơi đó đều được bao bọc và chung cùng niềm an tịnh trong ánh hào quang từ Bi và Trí tuệ vô lượng vô biên của Ngài.
Ngài di chuyển giữa nhân quần xã hội thời bấy giờ, không phải như một đấng siêu nhân, một nhân vật siêu phàm hay hiện thân của một thần linh, mà là như một con người đúng thật là một con người. Trong thực tế, chính cái nhân cách ấy làm cho con người của Ngài sáng chói rạng ngời, xuyên qua kinh điển ghi lại cuộc đời và những sinh hoạt của Ngài. Ngài truyền dạy, làm cho người ta hiểu biết rằng tất cả mọi người đều có thể giác ngộ, thành Phật như Ngài nếu khai triển đúng mức, và trau giồi đầy đủ những phẩm hạnh cần thiết để giác ngộ.
Chính vì vậy mà các đạo hiện thời đã có rất nhiều tôn giáo muốn tranh luận hơn thua với Ngài. Mặc dầu vậy Ngài luôn luôn tránh những va chạm không cần thiết. Có những lúc không thể tránh thì ngài giải quyết bằng tâm từ bi rộng mở một cách tế nhị, mà qua đó theo sự ghi lại trong kinh điển cho chúng ta thấy buổi tranh luận của đạo Ni Kiền Tử với đức Phật:
Đạo Ni Kiền Tử là một trong 92 học thuyết có trước Đạo Phật, tuy nhiên từ khi học thuyết của Đạo Phật có mặt thì đạo Ni Kiền Tử cũng như các học thuyết khác lu mờ dần dần. Do vậy mà cả giáo chủ lẫn tín đồ của các học thuyết rất căm hận Đức Phật và đệ tử của Ngài. Nhiều vị giáo chủ luôn luôn thách thức Đức Phật tranh luận, nhưng Đức Phật không bao giờ đáp ứng lời thách thức của họ, vì thấy không cần thiết phải có những buổi tranh luận vô vị như vậy.
Và rồi những gì sẽ xảy ra phải xảy ra. Sau nhiều ngày sắp đặt, giáo chủ của Ni Kiền Tử cho một tín đồ rất giàu có và nhiều uy tín mời Đức Phật và chư tăng đến cúng dường. Đức Phật đã biết đây là âm mưu của ngoại đạo Ni Kiền Tử, nhưng vì thấy cơ duyên hóa độ đã đến cho nên Ngài nhận lời mời thọ trai.
Sau khi Đức Phật và tăng đoàn thọ trai gần xong, người gia chủ giàu có đó cũng bắc ghế ngồi một bên trò chuyện:
- Thưa Cồ Đàm, đạo của Ngài là đạo từ bi, vậy từ trước đến giờ Ngài đã làm cho ai đau khổ chưa?
Khi hỏi câu hỏi nầy theo thâm tâm ông chủ nhà giàu này nghĩ Đức Phật sẽ không trả lời được. Vì từ khi có Đạo Phật, với tư cách sáng ngời của Đức Phật, cho nên muôn người vạn lòng đều quy hướng về Đạo Phật, vì thế đã làm cho rất nhiều giáo chủ và tín đồ ngoại đạo buồn phiền, trong số những người buồn phiền đó có Thầy của ông. Do vậy nếu Đức Phật nói chưa làm ai đau khổ thì hóa ra Đức Phật nói láo. Còn như nếu Đức Phật thừa nhận là đã làm nhiều người đau khổ thì Đạo Phật không còn được gọi là Đạo Từ Bi nữa. Do vậy ông hiu hiu tự đắc vì nghĩ Đức Phật sẽ không trả lời nổi câu hỏi hiểm hóc của ông. Chính trong lúc đang đàm đạo với Đức Phật, đứa con trai kháo khỉnh của ông chủ nhà giàu chạy ra. Nhân đó Đức Phật khen:
- Con trai của gia chủ kháu khỉnh dễ thương quá!
Nghe Đức Phật khen, ông chủ nhà giàu rất hài lòng và phụ họa theo:
- Con trai của tôi nó rất dễ thương dễ dạy, tôi cưng yêu quý nó lắm.
Lúc đó Đức Phật mới hỏi ông chủ nhà giàu kia:
- Nầy gia chủ, nếu trong lúc sơ ý đứa con trai cưng của gia chủ lỡ nuốt phải lưỡi móc câu, thì ông phải làm sao?
Ông chủ nhà giàu không cần suy nghĩ đáp:
          - Thưa Cồ Đàm, lưỡi câu là loại vật dụng hai mang khi đã nuốt nhằm nó, và khi nó đã móc vào rồi thì kéo ra không được mà đẩy vào cũng không xong. Nhưng mà vì đứa con trai yêu quý, nó đau đớn khổ sở cở nào tôi cũng phải tìm mọi cách lấy ra cho bằng được để cứu mạng sống của nó.
          Nghe ông chủ nhà giàu trả lời như thế, Đức Phật thong thả nói tiếp:
          - Nầy gia chủ, trường hợp nầy cũng giống như Như Lai vậy đó. Như gia chủ đã chứng kiến, các ngoại đạo thấy mọi người cùng về tu học đạo giải thoát với Như Lai, và sống cuộc sống hoàn toàn thánh thiện, thì các vị giáo chủ và tín đồ của họ buồn phiền đau khổ vì mất tín đồ, mất lợi dưỡng. Điều đó Như Lai biết, nhưng vì sự an lạc hạnh phúc của nhân loại cho nên không vì những buồn phiền của các giáo chủ ngoại đạo và tín đồ của họ mà Như Lai ngưng truyền bá đạo pháp đến cho những người cần tu dưỡng.
          Khi nghe Đức Phật nói như thế, vị gia chủ nhà giàu kia nhìn Đức Phật với cái nhìn thảng thốt và thay đổi cách xưng hô:
          - Bạch Đức Thế Tôn, lời dạy của Ngài sao đơn giản và có lý quá, vậy mà chúng con tìm câu hỏi nầy mất cả đêm bàn thảo, và cứ nghĩ là Ngài sẽ không bao giờ trả lời được. Nhưng không ngờ lời dạy của Ngài thật đơn giản, thật hữu dụng vô cùng. Không một chút do dự, người gia chủ nhà giàu nói tiếp:
          - Trước hết con xin vô cùng biết ơn lời khai thị của Đức Thế Tôn, và xin Ngài từ bi cho con và cả gia đình quy y làm đệ tử của Ngài.
          Nghe ông gia chủ nhà giàu trình bày, Đức Phật từ tốn trả lời:
          - Chỉ có đôi lời chỉ điểm xin gia chủ đừng bận lòng, còn việc làm đệ tử của Ta, gia chủ hãy suy nghĩ cho kỷ rồi quyết định sau cũng không muộn.
          Nghe Đức Phật nói thế, vị gia chủ nhà giàu lại càng kính trọng bội phần và nói với thái độ dứt khoát:
          - Bạch Đức Thế Tôn, thật ra trong thành này, vị giáo chủ nào cũng muốn con làm đệ tử của họ. Chỉ cần con hứa là họ đã rêu rao khắp làng trên xóm dưới ngay liền, thế mà Đức Thế Tôn khi nghe con nói còn bảo con suy nghĩ cho kỷ. Bạch Đức Thế Tôn, trước khi chưa nghe Đức Thế Tôn nói lời nầy thì con còn một thoáng do dự, nhưng bây giờ con quyết định dứt khoát phải làm đệ tử của Ngài mới được.
          Nghe ông gia chủ nhà giàu tỏ thái độ dứt khoát muốn làm đệ tử, Đức Phật từ tốn nói tiếp:  
          Này gia chủ! từ lâu gia chủ là đại thí chủ của Ni Kiền Tử, và những giáo phái khác, hôm nay do một đại nhân duyên ông trở thành đệ tử của Như Lai. Ta chấp cho ông và gia đình làm đệ tử của Như Lai, nhưng ông phải hứa, mọi sự cúng dường cho phái Ni Kiền Tử nói riêng và các giáo phái khác nói chung, từ  trước như thế nào thì bây giờ vẫn cũng phải cúng dường tứ sự như vậy không thay đổi. Có như thế thì ta mới yên lòng.
          Nghe Đức Phật dạy như thế ông gia chủ nhà giàu kia lại càng vô cùng kính trọng nhân cách của Đức Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn! Con xin y giáo phụng hành.
Tin tức ông gia chủ nhà giàu kia trở thành đệ tử của Đức Phật lan rộng nhanh chóng, và chẳng mấy chốc đã bay đến tai của vị giáo chủ Ni Kiền Tử. Khi nghe những sự việc xảy ra ngoài ý muốn, vị giáo chủ kia vô cùng phẩn uất, vội vả tìm đến nhà ông gia chủ giàu kia để hỏi cho ra lý lẽ. Nhưng khi đến nơi, ông bị người gác cổng từ chối không cho vào, thay vì trước đây mỗi lần vừa thấy bóng dáng vị giáo chủ kia đến ngõ là mọi người hân hoan chào đón mời mọc vào nhà trong. Đã bực tức lại càng phẩn uất thêm. Trong lúc đang cãi cọ với người gác cổng thì ông gia chủ nhà giàu từ trong nhà bước ra. Thấy vị thầy cũ, ông gia chủ nhà giàu vẫn chào đón nhưng không nhiệt thành như trước đây. Cũng mời vào nhà nhưng không mời ngồi lên ghế bành như trước mà chỉ mời ngồi chiếc ghế thông thường. Thấy tình thế thay đổi, vì giáo chủ Ni Kiền Tử tức giận nói như hét:
- Ta sắp xếp cho nhà ngươi gặp lão Cồ Đàm để vặn hỏi một vài câu cho lão ta mất mặt, vậy mà người làm cũng không xong. Trái lại còn ăn bùa mê thuốc lú gì của lão mà nhà ngươi đối đãi với ta như thế này? Tức thật đấy.
Nghe những lời hằn học của vị thầy cũ, ông gia chủ nhà giàu trả lời trong từ tốn:
- Quả thật tôi đã ăn phải bùa mê thuốc lú của ông Cồ Đàm, nhưng tôi muốn cả thế gian nầy ai cũng ăn trúng phải bùa mê thuốc lú của ông Cù Đàm, để cho họ có thể sống một cuộc sống an lạc hạnh phúc.
Nghe người tín đồ cũ của mình nói kiểu đó, ông giáo chủ Ni Kiền Tử tức quá trào máu miệng ngất xỉu tại chỗ ...
Qua câu chuyện trên cho chúng ta thấy, Đạo Phật là Đạo Từ Bi, không bao giờ tranh giành với đời, nhưng khi đời cần, thì đạo sẵn sàng giang tay đón tiếp mà không phân biệt giàu nghèo sang hèn ... Phong thái, cốt cách khoan thai dịu dàng từ bi và vui vẻ của Ðức Phật làm cho tất cả những ai được duyên may tiếp xúc với Ngài đều cảm mến, kính phục. Nhiều người cũng lấy làm vui mà nhận xét rằng:
- Đã có nhiều bậc Thầy vào thời bấy giờ đặc biệt là những vị ở các tín ngưỡng khác, lấy làm lo sợ không dám gỡi đệ tử hay tín đồ đến gặp Đức Phật, vì họ e rằng tín đồ của họ sẽ từ bỏ đạo cũ mà về với Đức Phật.
Và như thế, các vị giáo chủ của ngoại đạo cứ cho rằng Đức Phật đã xử dụng bùa mê thuốc lú để dụ dỗ đệ tử họ, nhưng thực ra đó chính là do tâm từ rộng lớn vô biên vô cùng tận của đức Phật đã thu hút người khác về với Ngài chứ không phải bùa phép. Vì vậy có người hiểu, cho rằng Ðức Phật là hiện thân của tâm từ, là người đã ban truyền những lời dạy và nêu lên những gương lành đượm nhuần từ bi, qua những nguyên tắc và cuộc sống của mình.
Phong thái đó trong khi tranh luận, Ngài rất trầm tĩnh và đón nhận lời đối nghịch một cách khiên tốn, thản nhiên, không chao động không tỏ ý phiền giận. Cho đến những nhà hùng biện trứ danh thời bấy giờ, sau một cuộc tranh luận với Ðức Phật, không thể cầm lời khen tặng:
- Quả thật kỳ diệu, quả thật tuyệt vời, trong khi bị người ta nặng lời như vậy, trong khi bị đả kích dữ dội bằng những lời buộc tội, màu da của sa môn Cồ Ðàm vẫn trong sáng và thái độ vẫn tươi tỉnh như một vị A La Hán.
Cho đến có những lúc bị tấn công một cách thô tục đê hèn và bị khiển trách với những lời lẽ nặng nề, Ðức Phật không bao giờ mất bình tĩnh. Kinh sách ghi rằng ngài luôn luôn có nụ cười dịu hiền trước khi mở lời. Do vậy khi người Cơ Ðốc Giáo quan sát về Ðức Phật đã có những nhận xét:
- Lần đầu tiên nhìn thấy gương mặt ấy của Ðức Phật, tôi vô cùng cảm kích vì tánh thánh thiện thâm dịu của Ngài, không có người nào theo Cơ Ðốc Giáo một cách tín thành và tâm mở rộng mà có thể tự chế, tự ngăn cản lòng cảm phục, và sự lễ lạy trước nụ cười hiền hòa đầy năng lực của Đức Phật.
Ðiều nầy cho chúng ta cái nhìn dứt khoát, là một người được mọi người kính mến phải là người có đầy đủ phẩm hạnh. Như vậy phẩm hạnh là những yếu tố cần thiết một con người cần phải có, và cũng được coi là điều kiện tiên quyết để làm tín đồ của một tôn giáo, làm công dân của một quốc gia, một chủng tộc. Tất cả những ai có mắt để thấy, và có tâm trí để hiểu biết đều nhận thức rằng những đức tánh như:
- Tình huynh đệ giữa người và người,
- Lòng trắc ẩn, và tình thương đại đồng ..,
Là con người ai ai cũng cần phải có, vì đó là yếu tố cần thiết để sống, để kiến thiết một xã hội tươi mát lý tưởng nhất. Nhưng do những hiểu biết bị đóng khung, hướng về những mục đích tham vọng khác, cho nên con người đã bị hướng dẫn dưới sự lãnh đạo sai lầm của một số tôn giáo. Vì vậy mà có những nhọc nhằn tranh giành, chiến tranh và công lý, và nhiều khi chúng ta còn nghe nhắc đến Thánh Chiến nữa. Thực sự chiến tranh là chiến tranh. Dù là thánh chiến hay chiến tranh thì tất cả cũng đều để bênh vực công lý, nhưng khi nói đến chiến tranh thì sẽ không bao giờ là hòa bình. Tất cả mọi cuộc chiến tranh đều tàn nhẫn đều đưa con người đến chỗ tiêu diệt lẫn nhau. Nhưng theo tôn chỉ và nhất là sự thể hiện tâm từ bi của Đạo Phật, Đức Phật luôn luôn muốn mọi người sống trong tình huynh đệ, không ai làm khổ ai, không bộ lạc nào tiêu diệt bộ lạc nào, không có quốc gia nào xâm lăng quốc gia nào ...
Theo chiều hướng này, trong kinh nam truyền có ghi lại một diễn biến:
- Những người Sakya và người dòng Koliya vốn là hai nước láng giềng, đang chuẩn bị gây chiến tranh với nhau để giành quyền xữ dụng nước của một dòng sông. Khi hay biết cuộc chiến tranh đẩm máu sắp xảy ra, Ðức Bổn Sư cùng tăng đoàn đến gần và hỏi họ:
- Máu người và nước sông cái nào quý hơn?
Cả hai đều nhìn nhận máu người là quý hơn. Ðức Bổn Sư giảng cho họ, và cuộc chiến sắp bùng nổ đã được ngăn chận.
Những hành vi của Ðức Phật đến với mọi người rất bình dị, Ngài chỉ muốn hướng dẫn cho con người thấy, muốn sống với nhau trong tình huynh đệ toàn khắp là phải thể hiện tâm từ thương yêu mọi người mọi loài. Vì lẽ ấy Ðức Phật dạy hàng tín đồ không nên xem Ngài là vị cứu thế, là một người cứu rỗi linh hồn của những sinh vật do mình tạo nên, mà Ngài là vị Thầy, hướng dẫn chúng ta trên con đường đến chân thiện mỹ, và khuyến khích chúng ta tự nương nhờ lấy vào chính chúng ta. Ngài cũng giảng giải hàng tín đồ rằng sau khi Ngài tịch diệt họ phải tìm nương tựa và tìm sự bảo vệ nơi chính chúng ta cũng như trong giáo Pháp, chớ không nên nương tựa vào bất cứ một ai khác.
Ðối với người Phật Tử, ngài còn nhấn mạnh, lời dạy của Ngài là những phương cách để sống cuộc đời chân thiện mỹ, nhưng nếu mọi người có coi đạo Phật như là một tôn giáo, thì tôn giáo và nguồn gốc của tôn giáo Phật Giáo không phải là một vấn đề siêu hình, mê tín, cuồng tín mà là vấn đề tâm lý và trí thức, có hiểu biết và biết sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Vì thế là người Phật Tử chúng ta phải có cái nhìn chính xác, Ðạo Phật là một tôn giáo không phải là tín ngưỡng suông. Không vì do quyền lực thiêng liêng khai sáng chỉ bảo, do đó chúng ta không phải kinh sợ một cái gì mà chúng ta không biết, cũng không kinh sợ một chúng sanh, hay một thần thánh siêu hình nào đó có quyền ban thưởng những hành động thiện, và hình phạt những hành động bất thiện. Thay vì chúng ta cứ quan tâm đến vấn đề thần thánh, thì chúng ta nên cố gắng tu tập, sửa đổi tâm tánh, chú trọng đến khía cạnh tâm lý và trí thức để thăng tiến trong cuộc sống, làm giảm bớt những suy tư, lo âu, phiền muộn để không còn đau khổ, không còn những xung đột và những bất toại nguyện của đời sống. Có được như thế thì thật sự chúng ta đã thực nghiệm tinh thần đạo Phật và thể hiện Tâm Từ ngay trong kiếp sống sinh tồn nầy.
Khi xem qua nội dung những lời được giảng dạy trong Phật Giáo chúng ta thấy rằng lời giáo huấn của Ðức Phật có phần khác biệt với các hệ thống tôn giáo khác, và điểm chánh là khái niệm về một Thần Linh Tạo Hóa.
Có rất nhiều đặc tính tôn giáo trong đạo Phật, nhưng không thể xếp Phật Giáo vào chung với những tôn giáo mà phần nồng cốt chỉ xoay quanh vấn đề thần linh và những năng lực siêu phàm. Phật Giáo không nhìn nhận một thần linh tạo hoá trường tồn vĩnh cửu, không khuyên dạy một hệ thống nghi thức sùng bái, và van vái nguyện cầu những thần linh. Do đó không có sự tin tưởng vào một quyền lực cao siêu nào kiểm soát định mạng con người. Trong Phật Giáo con người xem tất cả những gì mình thực hiện tốt đẹp và thành tựu hoàn mãn đều do sự cố gắng, và hiểu biết của chính mình. Phật Giáo là một tôn giáo có nền giáo lý lấy con người làm trung tâm điểm, không phải thần linh. Như vậy đối với người Phật Tử, tôn giáo là một lối sống an vui hạnh phúc. Trong ý nghĩa một người có tu có học, tự tạo cho mình một nếp sống luân lý, đạo đức và trí thức dẫn đến ánh sáng nội tâm cao siêu nhất để chấm dứt mọi hình thức đau khổ, và những kiếp sinh tồn triền miên trong vòng luân hồi, cuối cùng giải thoát toàn vẹn cái tâm.
Nhìn về phương diện triết học, Ðức Phật không quan tâm đến những vấn đề vốn làm bận tâm các triết gia, Ðông và Tây Phương, từ xưa đến nay. Theo quan điểm của Ngài những vấn đề siêu hình ấy chỉ làm rối trí con người và xáo trộn mức quân bình tâm trí. Những giải đáp của họ, Ngài biết như vậy là sẽ không ngăn chận được nổi đau khổ và tình trạng không vừa ý, vốn là bản chất của đời sống. Vì lẽ ấy, Ngài thường không giải thích những thắc mắc được nêu lên một cách lầm lạc.
            Nói tóm lại, sự thử thách lớn của Phật Giáo nhằm hướng dẫn chúng ta tìm hiểu sâu sắc những gì mà chúng ta biết và thực tập, đồng thời xét lại định nghĩa xưa của danh từ tôn giáo Phật Giáo, mà có một số người vì không biết, vì vô tình hay cố ý gán ghép cho Phật Giáo, và tìm ra một định nghĩa cho thích hợp với đạo Phật. Ðối với tự thân phương cách nắm lấy chân lý cao siêu nhất của người Phật Tử, là tất cả mọi người phải hiểu và thực hành cho được tâm từ bi. Thực hành ngay từ trong cuộc sống hiện thực, từ trong vô minh tham vọng, cho đến lúc bừng tĩnh giác ngộ mới thôi. Chúng ta phải biết rằng tất cả đều không tùy thuộc nơi sự phát triển thuần túy của trí thức, mà tất cả đều tùy thuộc nơi sự chấp nhận một sự giáo huấn thực hành nghiêm túc của tâm từ bi rộng mở. Chính công trình phối hợp chặt chẽ lý thuyết và thực hành ấy chăc chắn sẽ dẫn đến giác ngộ và giải thoát cùng tột.
--o0o--