TẬP SAN DƯỢC SƯ

Những Hành Vi Đạo Đức
Tâm Như
---o0o---
         
Nói đến hành vi đạo đức, chắc chắn mỗi con người chúng ta ai cũng có thể biết và làm được, vì những điều này không cần đòi hỏi khả năng hay tài nghệ gì đặc biệt hoặc mô tả những gì bí ẩn cả. Đây là những phương cách sống mà chúng ta thấy trong sự đối đãi với nhau qua cuộc sống hằng ngày.
Còn có gì cao quý hơn ngoài cuộc sống chúng ta đang phải sống hôm nay, và mỗi một ngày chúng ta sống là tất cả những gì ta thật sự nắm trong tay! Do đó mỗi ngày chúng ta phải cố gắng thể hiện những hành vi đạo đức, bằng cách tránh làm những điều ác, và coi nó cũng như những chất độc có hại cho tâm thức và cơ thể. Chúng ta phải sớm ý thức những thú vui trần thế là nguy hiểm hơn cả thuốc độc. Đã là thú vui trần thế thì dầu là thú vui theo hình thức nào đi nữa cũng đều nguy hiểm, do vậy tuy có thể đem đến cho chúng ta những cảm giác thoải mái nhất thời, nhưng sau đó cũng nhường chỗ cho khổ đau, sợ hãi và thất vọng. Bên cạnh những thú vui trần thế chúng ta còn có thể tìm thấy thú vui của đạo vị mà qua đó chúng ta có thể thực hiện được những hành vi đạo đức qua các phương cách:
- Tụng kinh, niệm Phật, thiều tọa và kinh hành.
Có thể nói thú vui thiền tập, tu hành là phương cách đơn giản và an toàn hơn tất cả các thú vui khác. Làm những điều lành mạnh không ngơi nghỉ là phương cách nhắc đến việc trau dồi không những về hành vi đạo đức mà còn về giáo lý của Đức Phật nói chung. Để thực hiện điều này, tất nhiên chúng ta phải cần tài liệu. Các giáo thuyết và thuật ngữ căn bản chúng ta đã biết đến, như:
- Nhân duyên, nhân quả, nghiệp, giới luật ...
Tất cả những khái niệm nầy đủ giúp chúng ta dựa vào đó mà sống một cuộc sống lành mạnh. Trong sự nỗ lực này, nếu chúng ta có căn bản của một tôn giáo lương thiện thì tốt, còn không thì chúng ta cũng không cần phải tuân theo một tư tưởng tôn giáo nào, mà chỉ sống hài hòa với những gì được thể hiện trong cuộc sống hằng ngày. Bằng cách sống đó chúng ta có thể áp dụng cho bản thân, đó là loại chân lý phổ cập và sâu sắc nhất.
          Nếu lúc nào chúng ta cũng nghĩ đến những vấn đề khó khăn của bản thân, thì chúng ta khó mà thực hiện được điều nầy. Như vậy thay vì xem xét chúng một cách riêng rẽ, nhưng chúng ta lại cố gắng quán sát chúng trong sự tương quan đến tất cả mọi người và cảnh vật chung quanh thì chúng ta sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Để thực hiện những hành vi đạo đức trong cuộc sống, điều trước tiên là chúng ta phải ghi nhận:
- Pháp là chân lý, một sự thật hiển nhiên, và việc làm lành không gây tác hại cho người khác.
Ngoài ra chúng ta còn phải ghi nhận, chúng ta chỉ là một phần tử nhỏ trong những thành phần của xã hội, vũ trụ vạn hữu. Ý thức được về thân phận con người của chính mình thì chúng ta sẽ có thể nhìn mình một cách khách quan hơn, và sẽ dễ dàng thực hiện những hành vi đạo đức trong cuộc sống một cách dễ dàng hơn. Như vậy, ngày nào mà chúng ta còn nghĩ rằng những vấn đề chỉ là của riêng mình mà không có liên quan gì đến người khác, thì chúng sẽ còn tiếp tục quấy rầy chính ta qua nhiều hình thức khác nhau. Do vậy để cho cuộc đời càng lúc càng thăng hoa, càng lúc càng an ổn thánh thiện hơn chúng tôi xin được giới thiệu một số căn bản cụ thể được coi là những vi của đạo đức:
          1- Tôn Kính & Khiêm Cung
          Những giá trị tình cảm gắn liền với sự tôn kính và đức khiêm cung giữ một vai trò rất quan trọng trong đời sống tâm linh. Khiêm cung là một đức tính phát sinh một cách tự nhiên. Nó hoàn toàn khác hẳn với mặc cảm tự ti. Khiêm cung thường bị lầm lẫn với sự khúm núm, với việc tự đánh giá mình hoặc chấp nhận người khác đánh giá mình là thấp kém, xấu xí và thua sút người khác. Sự đánh giá đó dựa trên đẳng cấp và thứ bậc, theo giai cấp xã hội, hoàn cảnh giàu nghèo hoặc bằng cấp. Sự đánh giá này thật sự không liên quan gì đến nhân cách con người. Chúng ta phải biết, biểu lộ đức khiêm cung là cách thể hiện lòng can đảm biết tự hạ mình. Ngược lại với nó là sự kiêu căng, sự tự tâng bốc. Tự hạ mình trước giáo pháp, trước người khác, giúp chúng ta uyển chuyển và sẵn sàng đón nhận sự chỉ giáo người khác đến mực tối đa, đồng thời nó làm giảm thiểu bản ngã trong chúng ta. Người có lòng vị kỷ càng cao, càng khó có thể tự hạ mình.Khiêm cung không có nghĩa là tự coi thường mình mà là tự trọng. Nhân bản chân thật là sự tôn trọng tất cả nhân loại, tôn trọng bản thân và người khác, biểu lộ qua cung cách chân thành và khiêm tốn.
          Điều nầy không những là sự phản ảnh của nhân bản thực sự, mà đức khiêm cung còn bao gồm sự hiểu biết, có một giá trị cao đẹp hơn mà chúng ta có thể hướng tới. Khi chúng ta vượt ra khỏi giới hạn của con người, và thấy được tất cả những sự tầm thường nhỏ bé của chính mình, thì dù chúng ta vẫn còn bị ràng buộc trong cái khung nhỏ bé của tầm hiểu biết, nhưng chúng ta cũng đã bắt đầu nhận được bản chất chân thật của vũ trụ. Nếu chúng ta khiêm tốn nhìn nhận là có một cái gì cao cả hơn mình, thì chúng ta sẽ có thể tin tưởng vào điều đó, và tự dâng hiến cùng gắn bó đời mình với lý tưởng, đồng thời nương vào đó để tu tập. Do đó, khiêm cung và sự dấn thân do đó luôn luôn đi đôi với nhau. Người tự cho là mình quá quan trọng và lúc nào cũng nghĩ như thế thì không thể nào hiến dâng mình cho lý tưởng. Nhưng một khi chúng ta đã thấu hiểu với tất cả lòng khiêm tốn của mình, là có một cái gì cao cả hơn là các cảm quan bình thường mắt thấy tai nghe của ta, thì khi đó chúng ta có thể thật sự hiến mình cho chúng sanh vạn loại.
          Hành vi đạo đức thường là đi kèm với khiêm cung là lòng tôn kính. Như chúng ta đã biết, ngày nay con người thật xa lạ với sự tôn kính. Không những thế mà có người còn nêu vấn đề:
- Chúng ta tỏ lòng tôn kính với ai? Ai là người mà chúng ta ngưỡng mộ?
Thường thì là các tài tử điện ảnh, âm nhạc hoặc thần tượng thể thao là đối tượng của lòng ngưỡng mộ của con người trần thế, nhưng chắc chắn họ không phải là đối tượng của sự tôn kính mà chúng ta đang bàn đến ở đây. Chúng ta phải ý thức rằng chỉ có một điều gì đó vượt lên khỏi sự hiện hữu tầm thường và những kinh nghiệm sống hàng ngày, mới thực sự khiến ta đem lòng kính ngưỡng và tôn thờ với tất cả tấm lòng. Chúng ta cần có một sự đồng cảm tâm linh để tỏ lòng tôn kính đến bậc tối thượng, do vậy người phật tử chúng ta bày tỏ sự tôn kính ấy bằng cách quỳ lạy trước tượng Phật. Ở đây không phải là chúng ta lạy cái tượng mà là lạy hình ảnh của Đức Phật, tượng trưng cho bản tánh Giác Ngộ sẵn có ở trong mỗi con người.Việc lễ lạy gieo trồng trong ta lòng kính ngưỡng. Cuộc đời không bao giờ hoàn hảo như mơ ước và nó không bao giờ làm chúng ta hoàn toàn như ý, nhưng nếu biết là có một cái gì cao cả hơn, chúng ta có thể sống mãn nguyện.
          Về việc lễ lạy, đối với người phật tử chúng ta, ngoài việc tôn kính đức Phật là đấng cha lành của muôn loài, còn là cách bày tỏ lòng biết ơn đối với bậc Thầy vĩ đại luôn luôn vì chúng sanh nhân loại.
Hầu hết mọi người đều vui mừng biết ơn khi nhận được thứ gì mới, nhưng con người thường ít biết trân quý những gì mình hiện đang có. Do đó chúng ta cần nên nhắc nhở mình phải biết trân quý những gì mình hiện đang có thay vì xem thường chúng. Khi ốm đau, chúng ta lại nóng lòng mong mỏi hết bịnh nhưng đến khi hết bịnh ta lại xem thường sức khoẻ. Trong cơn đói, ta hết sức trân quý bất cứ thức ăn gì chúng ta có thể kiếm được, nhưng đến khi no đủ thì ta lại sinh ra kén chọn khó khăn. Do vậy là người học đạo, chúng ta phải luôn luôn nuôi dưỡng lòng trân quý trong bất cứ mọi hoàn cảnh. Thí dụ:
- Thay vì than phiền về tính xấu của người khác, nhưng chúng ta có thể trân quý những đức tính của họ.
Lòng trân quý do đó là một phản ứng tình cảm đầy khiêm tốn, thương yêu và đạo đức. Đức Phật thường nhắc đến loại tình cảm cao quý vì nó giúp chúng ta đạt được sự an lạc một cách tự nhiên. Ai cũng muốn tìm sự an lạc, nhưng lại không biết tìm kiếm thế nào và ở đâu. Lẽ tự nhiên là họ đổ lỗi cho chế độ xã hội, cho các chính trị gia gây ra tình trạng bất an của họ. Nhưng sự bình an là một phẩm chất của tâm mà ai cũng có thể tự mình đạt được qua nỗ lực cá nhân và chỉ có thể thấy ở những người biết tự tại.
          Nếu biết hài lòng với những người sống chung quanh và hoàn cảnh của mình, thì chúng ta sẽ ít mong cầu.Mỗi một điều mong muốn đều đem đến cho chúng ta sự bất như ý gọi là khổ. Càng mong ước thay đổi hoàn cảnh của mình, chúng ta càng dễ bị thất vọng. Cho nên nếu chúng ta biết nhìn lại cuộc đời mình, chúng ta sẽ thấy được sự thật hiển nhiên:
- Chúng ta không bao giờ toại nguyện với những gì cuộc đời ban cho ta.
Vì tất cả những điều mong muốn đều ở ngoài tầm kiểm soát của chúng ta, khiến chúng ta phải trông cậy vào người khác hoặc hoàn cảnh bên ngoài để được toại nguyện. Kết quả là không thể có một giải pháp thích đáng nào. Nếu muốn có sự thay đổi thật sự, chúng ta phải tự chuyển hóa bản thân.Một khi ta đã thật sự thay đổi, mọi sự sẽ hoàn toàn khác hẳn.
          Đức tánh khiêm cung là một trong những hành vì đạo đức giúp chúng ta có đời sống tự tại, đồng thời có khả năng đưa chúng ta đến Giác Ngộ và chúng ta có thể cảm thấy điều này qua sự thực tập giáo pháp giải thoát trong đời sống hằng ngày. Qua đó chúng ta dần dần nhận thức được là chúng ta chỉ có thể tự tại khi đã hết mong cầu.An lạc chỉ hiển lộ khi chúng ta không còn nhu cầu thay đổi bản thân hay bắt người khác phải thay đổi. Khi chúng ta nhận biết rằng tất cả mọi thứ trên đời không bao giờ hoàn hảo, và cái mà chúng ta muốn thay đổi là ở ngay trong chính tâm của mình. Chúng ta không cần phải bất mãn với những thất bại của mình, trái lại chúng ta hãy vui sướng vì đã tìm được một con đường dẫn đến đời sống tâm linh.
          Cho nên sự khiêm cung và tâm tự tại là những đặc điểm của đời sống tâm linh đem lại niềm an lạc cho cuộc đời ta. Chính trong kinh Đại Phước Đức, Đức Phật đã nói về những tình cảm và cảm xúc tích cực như thế được phát sinh khi chúng ta sống chung đụng với người khác. Cho nên, là người phật tử chúng ta phải biết trân quý những đức tánh cao thượng đó và nhất là khi nghe được chân lý đúng thời điểm, thì nên sẵn sàng tiếp nhận Pháp để hành trì cho nghiêm mật.
Có những người được có duyên nghe Pháp, nhưng lại chưa sẵn sàng tiếp nhận nó, nhưng điều này không có nghĩa là họ không bao giờ sẵn sàng. Trái lại, khi họ sẵn sàng tiếp nhận Pháp, chưa chắc họ đã có đủ cơ duyên để được nghe. Ghi nhận điều nầy và chúng ta phải nên nhận xét:
- Chúng ta không chắc sẽ có cơ duyên được nghe Pháp trong tương lai, do vậy chúng ta lại càng phải nỗ lực tối đa để biến giây phút hiện tại thành thời điểm thuận tiện bằng cách mở rộng lòng mình để đón Pháp, và thực hành thật chu đáo những gì ta đã có thể học được ở Pháp trong hiện tại.
          2- Giữ Lòng Kiên Nhẫn
Muốn giữ được lòng kiên nhẫn, chúng ta phải học hạnh lắng nghe không phiền giận khi bị người chỉ trích. Hầu hết mọi người chúng ta, có lúc thì kiên nhẫn, lúc thì nóng nẩy. Ở trạng thái cực đoan nào đó, tính nóng nẩy phản ảnh lòng mong muốn mọi việc đều phải như ý chúng ta. Nhưng thực sự thì ít khi nào mọi sự, mọi việc đều chìu theo ý của chúng ta, từ đó mà phát sinh tính nóng nẩy, đẩy ta vào tâm trạng bất an đau đớn.
          Lòng kiên nhẫn sở dĩ được coi là một trong những hành vi đạo đức bởi vì nó bao hàm một sự hiểu biết, hiểu biết là mọi vật đều vô thường, một sự ý thức rằng tất cả những gì chúng ta cảm nhận đều đang thay đổi. Cho dù đó là các cảm thọ hay tình cảm của chúng ta, cảm nhận của chúng ta ngay trong lúc này, về hôm nay hay về cả cuộc đời mình. Chúng ta không thể nắm giữ được mãi mãi một cái gì, vì mọi vật đều sẽ hoại diệt. Chính vì chúng ta luôn cố gắng nắm giữ của cải vật chất, cho nên lúc nào chúng ta cũng thấy thất vọng. Đức Phật dạy là do vì chấp ngã, cho nên hầu hết chúng ta đều không muốn nghĩ đến điều này.
          Giữa những bằng chứng hiển nhiên của vô thường, chúng ta vẫn không ngừng cố gắng biến chúng thành thường hằng, và những thứ vô thường khi mất đi đem lại cho ta đau khổ, trong khi đó chúng ta lại cho là niềm vui. Chúng ta phải biết, bản chất tạm bợ của mỗi tư tưởng, mỗi cảm giác, mỗi cử động của cơ thể được hiện hữu theo dõi từng phút giây. Nhưng tất cả rồi sẽ hoại diệt, không có gì là bất biến. Có nhiều phương tiện để lưu trữ các sự kiện như:
- Sách vở, phim ảnh và ký ức.
Nhưng nếu chúng ta nghĩ rằng mình có thể bám víu không để mất người thân, tình cảm, kỷ niệm hay các sự kiện, thì cuối cùng chúng ta cũng chỉ ôm lấy hư không. Ngược lại, nếu hiểu được là không có gì trường cửu, chúng ta sẽ chiêm nghiệm được lòng kiên nhẫn như là một kết quả tất yếu với một cảm giác nhẹ nhõm và an bình.Như thế chúng ta sẽ không còn cảm thấy bận tâm nữa.
          Tất cả chúng ta đều biết, là cần có tinh tấn để duy trì việc tu học của mình, nhưng chúng ta cũng cần đến lòng kiên nhẫn nữa. Không có kiên nhẫn, việc tu học của ta không có kết quả. Rất ít người có thể tu học một cách nghiêm túc vì thiếu kiên nhẫn. Chúng ta không những phải tự nỗ lực mà còn phải kiên nhẫn với chính mình, lần này đến lần khác, ngày này qua ngày khác.
          Nếu có thể kiên nhẫn hơn với bản thân, thì chúng ta sẽ dễ dàng kiên nhẫn với người khác, nhất là khi mọi việc không như ý chúng ta muốn. Nếu không, chúng ta sẽ có thái độ cứng nhắc, nhọc nhằn, ngoan cố với bản thân và với người khác. Vì thế lòng kiên nhẫn và từ ái đi đôi với nhau, và vun trồng lòng kiên nhẫn là một hành vi đạo đức.
Tiềm năng lớn nhất của con người nằm ở khả năng học hỏi. Chúng ta có thể đạt bất cứ mục tiêu nào khi chúng ta chú tâm và nỗ lực làm việc ấy.Nói như thế không có nghĩa là mọi sự sẽ xảy ra như ý chúng ta, và nếu nghĩ như vậy thì ta sẽ thất vọng càng nhiều.Tuy nhiên, nếu thực tập được tính kiên nhẫn, chúng ta sẽ dần dà làm được điều ấy. Bất cứ ai nếu tinh tấn tu tập cũng có thể đi theo con đường mà Đức Phật đã vạch ra cho tất cả mọi người, và đạt đến thành quả. Tục ngữ có câu:
- Muốn là được.
Vì chúng ta thường đạt được những điều mình thực sự muốn, cho nên chúng ta cần thận trọng để chỉ mong muốn những điều thiện và vừa phải mà thôi.Nhưng nếu muốn như thế thì không thể thiếu đức tánh kiên nhẫn.
3- Chấp Nhận Phê Bình
Hành vi đạo đức kế tiếp là lắng nghe không phiền giận khi bị người phê bình. Chấp nhận lời phê bình của người khác là một việc không dễ đối với nhiều người. Không giận dữ hay bực bội, hoặc chỉ trích lại người, hiển nhiên đều là nhờ rất nhiều vào lòng kiên nhẫn, nhưng nó cũng liên quan đến lòng tự tin. Trong khi những người mặc cảm tự ti, chỉ cần một lời phê bình nhỏ cũng làm cho họ mặc cảm, khiến họ nổi giận hoặc ít nhất là buồn bực khó chịu.
          Phần lớn chúng ta không thấy khuyết điểm của chính mình, cho nên khó mà tự sửa những điều sai lầm. Vì vậy khi được các người bạn tốt chỉ bảo, thì chúng ta phảo coi đây là một điều may mắn. Để thực hiện được điều nầy, chúng ta phải tự biết mình và học cách cư xử hòa nhã, như thế sẽ dễ dàng hơn khi chúng ta được người khác nhắc nhở những sai lầm, nhưng ta phải sẵn sàng đón nhận sự nhắc nhở đó. Ngược lại, khi muốn nhắc nhở người khác, chúng ta cũng phải cảm nhận là họ có sẵn lòng nghe lời phê bình xây dựng hay không, nếu họ không sẵn lòng nghe, chúng ta không nên cố ép. Điều quan trọng là chúng ta có thể chấp nhận được cả hai trường hợp, đóng góp ý kiến xây dựng khi thấy có ích lợi, mà cũng vui vẻ kiềm chế sự phê bình khi bất lợi.Sự toàn hảo chỉ có được đối với những bậc toàn thiện, toàn mỹ, nhưng trong cõi nhân sinh thì hiển nhiên là không ai hoàn toàn, cho nên những lời phê bình xây dựng luôn cần thiết, nhưng phải biết đúng lúc, đúng chỗ và đúng người. Lẽ dĩ nhiên là đôi khi sự phê bình có thể không đúng. Nếu gặp trường hợp nầy, thì chúng ta không cần để ý và cũng không nên bực mình vì những sự phên bình không đúng. Chúng ta còn phải cảm ơn người đã bỏ công nói cho chúng ta nghe những điều họ nghĩ.          
4- Pháp Đàm:
Muốn có những giây phút thảnh thơi an nhàn thì pháp đàm không thể thiếu. Mà muốn thực hiện pháp đàm là chúng ta cần có những người bạn đạo cùng chung chí hướng. Bỡi vì, những điều bàn bạc là thức ăn nuôi dưỡng tâm chúng ta.Thức ăn càng bổ dưỡng, tâm càng được ích lợi, vì thế pháp đàm chính là món ăn tinh thần. Cho nên nói về chân lý không phải chỉ là thận trọng để những lời nói của chúng ta luôn luôn đúng với sự thật, mà nó còn đòi hỏi ta phải bàn luận về những đề tài cao xa hơn là những chuyện phù phiếm thường ngày, để chúng ta thấu hiểu hơn về con người, về bản thân của chúng ta. Đó là những vấn đề liên quan đến sự thật vũ trụ, chân lý phổ quát mà ai cũng có thể thấy. Chân lý ở đây chúng ta không nên bị nhầm lẫn với sự kiện khoa học, thí dụ như:
- Vũ trụ xoay vần ra sao, tại sao có thời tiết bốn mùa.
Về kiến thức khoa học lẽ tất nhiên cần thiết cho sự tìm tòi học hỏi trong công cuộc phục vụ nhân sinh, nhưng không giúp con người trở nên nhân ái và giải thoát như là chân lý về tâm linh mà Pháp của đạo giải thoát đã cho chúng ta. Cho nên bàn luận về Phật Pháp quả thật là một hành vi đạo đức đáng ca ngợi. Dĩ nhiên, không có nghĩa là chúng ta không bao giờ nên nói những câu chuyện đời thường, mà chỉ vì chúng ta phải nhận thức được rằng chúng chỉ là những nhu cầu tầm thường, và không lầm những điều nầy với những gì tạo nên đời sống thật sự của chúng ta. Cho nên một khi đã gặp thiện tri thức và bàn luận về chân lý của pháp giải thoát là chúng ta đã bắt đầu cuộc hành trình tâm linh, để theo đuổi chân lý. Chỉ có chân lý giải thoát mới có thể chỉ cho ta con đường dẫn đến sự tận diệt mọi khổ đau. Mặc dầu những sự thật đó dành sẵn cho tất cả mọi người, nhưng ít ai sẵn sàng tin theo sự thật đó.
Tất cả mọi người đều muốn được hạnh phúc, an bình và thảnh  thơi trong tâm, nhưng lại không có ai muốn buông bỏ cái ngã của mình.Trong khi đó chúng ta chỉ có thể chấm dứt khổ đau khi buông bỏ tự ngã, và vì hầu hết mọi người chưa làm được điều này, nên hòa bình và hạnh phúc vĩnh viễn không thể hiện được ở trên cõi đời nầy. Do vậy, gần gũi thiện tri thức và bàn luận về chân lý giúp ta tìm được an lạc, và chân an lạc chỉ có ở ngay trong tâm, và nó bắt đầu từ tâm chúng ta và tỏa rộng ra ngoài.
Trong cuộc sống thế tục, thật sự không thể có an lạc, luôn có những điều không hoàn toàn đúng, và cần được thay đổi hay sắp xếp lại.Trái lại, trong cuộc sống tâm linh, tâm ta chấp nhận mọi sự như những gì đã và đang có. Nếu chúng ta chấp nhận chân lý này và hành xử theo nó, là chúng ta sẽ được hưởng quả của hạnh phúc tốt đẹp
          5- Thanh Tịnh Hoá Tâm:
Muốn cho tâm thanh tịnh chỉ có con đường duy nhất là buông xả bản ngã thì tâm tự thanh tịnh. Cho nên khi tu tập, chúng ta phải cố gắng buông xả bản ngã bằng cách thanh tịnh hóa tâm, tức là gieo trồng những tình cảm tốt, thanh tịnh hóa trí năng, gạn lọc và đào sâu suy tư của mình. Không được gọi là hành vi đạo đức khi tâm không thanh tịnh, hoặc khi không có sự buông bỏ ngã chấp.
Từ kinh nghiệm bản thân, chúng ta ai cũng đều biết là mình đã khổ sở và phiền muộn ra sao khi có ý nghĩ và cảm giác không lành mạnh. Nó làm chúng ta cũng như người khác khổ đau. Nhưng điều đáng tiếc là chúng ta lại không sẵn sàng chấp nhận là sự thay đổi phải bắt đầu từ con người chúng ta. Hầu hết chúng ta đều cho rằng chính hoàn cảnh chung quanh khiến chúng ta khổ đau, như thế chỉ cần thay đổi hoàn cảnh theo ý muốn thì chúng ta mới bớt đau khổ. Đó là cách suy nghĩ của hầu hết mọi người, cho nên chúng ta chỉ muốn thay đổi bất cứ điều gì ngoại trừ bản thân. Nhưng thực tế, một số hoàn cảnh có thể được thay đổi cho tốt hơn đôi chút, nhưng chủ yếu chính là phải thay đổi tư tưởng, tình cảm nơi bản thân của chính chúng ta mới mong có được an lạc. Muốn thế, chúng ta phải không ngừng thực tập chánh niệm, hành trì chánh niệm trong lúc tu tập cũng như duy trì chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Chúng ta cần phải quán sát bản thân thường xuyên để không bỏ lỡ cơ hội thanh tịnh hóa tâm của chúng ta, vì suy cho cùng, không ai có thể làm việc này cho chúng ta ngoài trừ chúng ta.
          Thanh tịnh hóa tâm cũng là một hành vi đạo đức thực tiển nhất, lẽ tất nhiên không liên quan gì đến lối sống, cách ăn mặc sang trọng hay không sang trọng mà là về phẩm chất của cuộc đời, cách chúng ta đang sống cuộc đời của mình.Và thanh tịnh hóa là một tiến trình lâu dài, và bắt đầu có hiệu lực từ giây phút chúng ta bắt đầu thực tập điều này. Ai cũng có những khó khăn, cho nên không bao giờ sự việc xảy ra như dự tính của chúng ta, nhưng không vì thế mà ta phải chán nản và buồn bực.Trái lại, ta nên vui mừng vì đã nhận biết được điều gì đang xảy ra trong chúng ta. Do vậy, nếu tiếp tục thay thế những tư tưởng và tình cảm bất thiện bằng những điều thiện, thì chúng ta sẽ nhận ra việc buông bỏ ngã chấp là giải pháp duy nhất để thoát ra khỏi thân phận đau khổ của con người. Trí tuệ của người hướng dẫn có thể giúp chúng ta chút ít,nhưng đó chỉ là ngón tay chỉ đường, không phải là kinh nghiệm cá nhân, và chỉ có cách thanh tịnh hóa ta mới có thể biến trí tuệ đó thành kinh nghiệm của chính mình.
          Càng tiến xa hơn trên quá trình này, chúng ta càng có cái nhìn rõ hơn về bản thân và càng thấy rõ hơn là tất cả những loạn động trong ta đều do có cái ngã, cái cảm giác nhất định phải sở hữu một cái gì đó. Cái ngã này tự coi mình là quan trọng, và muốn ai cũng phải để ý đến mình. Khi tự quán sát và chuyển đổi tự thân, chúng ta sẽ thấy rõ ràng hơn bao giờ hết. Cho nên cách duy nhất để thanh tịnh hóa tâm là phải đem bản ngã ra phân tích một cách thật tỉ mỉ.
          Sự thực hành để hoàn chỉnh hành vi đạo đức khởi sinh, khi chúng ta nhìn xuyên qua được tấm màn ảo tưởng này.Đó là một khám phá hết sức tuyệt vời, cho nên Đức Phật gọi đó là Giác Ngộ. Vì thế, nếu đã có được chút khái niệm gì về nó, là chúng ta đã có một khởi đầu tốt đẹp. Nhận biết được ảo tưởng này trong chúng ta, có nghĩa là chúng ta đã khám phá được sự sai lầm trong cách chúng ta nhìn mọi việc. Sự sai lầm này đã bén rễ lâu đời trong tâm, nhưng nếu chúng ta có thể diệt trừ được nó, và không tự xem mình như một cá thể riêng biệt tuyệt đối thì mọi khổ đau sẽ chấm dứt. Tuy nhiên sự diệt trừ ngã tưởng không phải là một điều dễ dàng, và chúng ta chỉ có thể thực hiện được khi ý thức rằng không có cách nào khác để chế ngự khổ đau, ngoài trừ tiêu diệt tự ngã. Do vậy, ngày nào chúng ta còn đi theo bản ngã trong việc truy tìm hạnh phúc, thì dù chúng ta có tu tập để tâm được bình an, thay vì xem đó là một phương tiện để phát triển tuệ giác, hoặc tham gia đời sống xã hội vui vẻ, hay sống ẩn dật, hay các sinh hoạt nào khác, thì chúng ta cũng sẽ không thể nào nắm bắt được ảo tưởng ấy. Chỉ khi nào tâm chúng ta biết nói:
- Không có tôi, không có cái của tôi, không có gì cả ...
Chỉ khi nào chúng ta luôn tinh tấn, khiêm cung và ý thức cảnh đời vô thường, thì lúc đó chúng ta đã đi đúng đường. Khi chúng ta có thể từ bỏ, buông xả ngã chấp, dù chỉ là trong giây lát, chúng ta cũng sẽ chứng nghiệm được ngay trong lúc đó có niềm an lạc và thư thái vô biên, giống như tất cả các gánh nặng trên vai ta đã rơi xuống. Điều này không phải một sớm một chiều mà đạt được, mà nó khởi sinh trên con đường thanh tịnh hóa, cùng lúc chúng ta phải luôn cố gắng để nhận ra rằng khổ đau chính là nghiệp quả của ngã tưởng.
          6- Đức Vững Chãi:
          Tám ngọn gió trong cuộc đời thường làm bận tâm chúng ta là:
- Được và mất,
- Vinh và nhục,
- Khen và chê,
- Sướng và khổ.
Tất cả chúng ta đều đã nếm trải qua chúng lúc này hay lúc khác, nhưng chúng ta quen chấp nhận bốn thứ dễ chịu:
- Được,
- Vinh,
- Khen,
- Sướng
Và tránh né bốn thứ khó chịu:
- Mất,
- Nhục,
- Chê,
- Khổ
Cho nên chúng ta chẳng bao giờ được an lạc. Chúng ta luôn tìm những cái có vẻ thoải mái và tránh né những điều trái nghịch, và vì ai cũng như thế nên thế giới không bao giờ có an lạc. An lạc chỉ đến khi chúng ta không còn bị quyến rũ bởi bốn thứ dễ chịu và trốn tránh bốn thứ khó chịu. Chỉ khi nào ta đã chấp nhận là những đối nghịch đó nẩy sinh ra nhau, khi đó ta mới có thể sống một cuộc sống quân bình.
          Chúng ta phải hiểu rằng bốn thứ dễ chịu được, vinh, khen, sướng trong đời sống của chúng ta cũng vô thường như những thứ gì khác. Bất cứ những gì chúng ta có, dù đó là tiền bạc, tình yêu, người thân, một dịp vui .., tất cả đều vô thường. Nó đã đến với ta, thì rồi nó cũng sẽ đi. Để chấp nhận được điều này đòi hỏi không chỉ một sự hiểu biết sâu sắc về vô thường mà còn phải hoàn toàn buông xả. Thí dụ:
- Nếu chúng ta đau khổ khi bị mất mát và vui sướng khi được một cái gì ..,
Chạy theo cảm giác như thế là chúng ta chưa hiểu được điều này. Chúng ta phải luôn đối diện với vô thường, chấp nhận nó. Nhận thức là thời gian chúng ta sống trên đời rất ngắn ngủi và chúng ta lại nhỏ bé so với vũ trụ vạn hữu.Nếu khác chăng nữa là do ở sự quyết tâm của ta trong việc thanh tịnh hóa tâm, chánh niệm trong đi, đứng nằm, ngồi, có một tấm lòng thương yêu và sẵn lòng giúp đỡ người khác. Điều này giúp chúng ta đối diện với tám ngọn gió nghiệt ngã trong cuộc đời với cái nhìn buông xả, để chúng không chi phối chúng ta nữa.
          Một trái tim vững chãi như thế, dù cho có gặp tám ngọn gió bão tố trong cuộc đời, chúng ta cũng có thể chấp nhận với tâm buông xả như nhau, không yêu thích mà cũng không ghét bỏ. Đây là một tiến bộ quan trọng, cũng là một bước khó khăn, vì thế chúng ta không nên kỳ vọng là mình sẽ làm được ngay như thế, song ít nhất hãy cố gắng thực tập. Qua sự nhận biết tính chất của tất cả những hoài vọng hay ghét bỏ, đến và đi, có đó rồi mất đó là chúng ta đang thực tập hạnh buông xả. Buông xả là một trong bảy yếu tố đưa đến Giác Ngộ và chúng ta không nên nhầm lẫn nó với thái độ dửng dưng. Buông xả là một tuệ giác sâu sắc với một trái tim vững chãi tràn đầy thương yêu. Dửng dưng là thái độ lạnh nhạt, không muốn can dự vào bất cứ một chuyện gì hết, kết quả là làm cho cuộc đời càng thêm khó sống. Buông xả là tình cảm cao đẹp nhất trong tất cả những tình cảm, và đòi hỏi lòng can đảm. Cần có lòng can đảm để làm một con người, để có thể chấp nhận mọi thứ, và không bị lóa mắt vì các hào nhoáng bên ngoài của cuộc đời.
          Cuộc đời có một đặc điểm lạ thường là nó rất dễ dàng đưa chúng ta đi vào nẻo xấu. Dưới ánh nắng của mặt trời, thế giới bên ngoài dường như rất đẹp. Giống như chúng ta có thể ngắm một cầu vồng tuyệt đẹp, nhưng nó lại không mang cho ta những gì ta thật sự muốn, mà nó chỉ có những màu sắc bắt mắt, nhưng không ai có thể chiếm hữu được nó. Cuộc đời cũng thế. Nó có không biết bao vẻ hào nhoáng làm chúng ta say mê nhưng đó là những thứ mà chẳng ai có thể thực sự sở hữu.Do đó, công việc chính của chúng ta là thanh tịnh hóa tâm, là nhận ra sự huyễn ảo của cái ngã và tất cả những nguy hiểm của tám ngọn gió trong cuộc đời:
- Được mất, vinh nhục, khen chê, sướng khổ.
          Một tâm vững chãi, không sầu khổ, trong sạch và an trụ là tâm đã Giác Ngộ. Những ai đạt được như vậy là kẻ chiến thắng, ở mọi lúc mọi nơi. Họ tìm thấy hạnh phúc ở khắp cùng các chốn, và đây chính thực là người biết sống hạnh phúc.
          Thực tập những hành vi được coi là đạo đức nhằm chỉ cho chúng ta con đường tìm ra chân hạnh phúc. Khi đã nói là chân hạnh phúc thì tất nhiên không phải là thứ hạnh phúc tạm bợ, mà là một thứ hạnh phúc sẽ còn mãi không ai có thể cướp đoạt. Những ai là người có được chân hạnh phúc thì những người ấy luôn là kẻ chiến thắng, cho dù ở thế giới nầy hay ở cảnh giới nào đi nữa cũng hưởng được phước báu tối thượng.
          Việc chúng ta có đến được trạng thái hạnh phúc này hay không hoàn toàn tùy thuộc vào chúng ta. Nếu chúng ta còn coi trọng cuộc sống thế tục, và cho rằng chúng ta có nhiều việc quan trọng phải làm, chắc chắn là ta sẽ không có đủ thời gian dành cho chính mình một cuộc sống tâm linh. Chúng tôi xin lưu ý, việc gác bỏ chuyện đời không có nghĩa là chúng ta quay lưng với cuộc đời, mà nó chỉ có nghĩa là chúng ta không còn vướng mắc. Nếu đã thực sự chọn con đường này, thì chúng ta cần phải phân tích những vướng mắc của mình bằng cách viết chúng xuống, sau đó xét xem chúng ta bám víu vào những gì nhiều nhất:
- Có thể là người thân, của cải, hoài niệm, tuổi trẻ hay sắc đẹp ..
Khi đã liệt kê ra rồi, chúng ta xem xét coi tự thân có thể buông bỏ được điều gì không, hay là sự bám víu quá sâu dày, quá mãnh liệt khiến ta không thể tách rời.
Nói tóm lại, khi nào chúng ta còn bám víu vào cuộc sống, khi nào mà chúng ta còn ham muốn của cải vật chất, còn muốn sở hữu mọi thứ, thì chúng ta còn bị xiềng xích trói chặt. Lúc đó chúng ta rõ ràng nằm trong gọng kềm của những bám víu của mình, và mạnh mẽ nhất là sự bám víu vào cái ngã. Sự bám víu của chúng ta rõ ràng đã tạo ra không biết bao tình cảm tiêu cực và những thứ khó khăn cho chính ta, cho nên bất cứ phương pháp tu tập nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chính chúng ta chắc chắn sẽ hết sức lợi lạc trên con đường đi đến giác ngộ.
          Nhưng dầu sao đi nữa, và cho dù tu tập theo phương pháp nào cũng được, chúng ta cũng cần phải chuyển hướng sự suy nghĩ của mình ra khỏi những sinh hoạt có tính cách lập đi lập lại những tệ hại của cuộc sống, và hướng chúng ta đến những việc làm có giá trị chân thiện mỹ. Căn bản của quá trình buông bỏ ngã chấp và tự thanh tịnh hóa tâm chúng ta có thể dùng cac phương pháp:
- Tụng kinh, niệm phật, thiền tọa kinh hành ...
Những phương pháp nầy, dù rằng tự nó không đầy đủ, nhưng vẫn tuyệt đối cần thiết trong đời sống tâm linh của chúng ta, vì tất cả những phương pháp nầy đều có khuynh hướng tu hành kiến tạo hành vi đạo đức, đồng thời cũng góp phần đem an lạc đến cho nội tâm và luôn theo chúng ta trên con đường tiến đến sự giải thoát tối thượng.   
--o0o--