TẬP SAN DƯỢC SƯ

Quan Niệm Khổ Vui
Ngọc Liên
---o0o---
 
          A- Quan Niệm Khổ Đau Theo Đạo Phật
          Như tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết, ngược lại với đau khổ là hạnh phúc an vui. Tuy nhiên nói đến khổ thì nó có nhiều kiểu cách, nhiều dạng thức khác nhau, bây giờ đây chúng tôi thử đưa ra một số nhận định về cái Khổ theo quan niệm Phật Giáo.
Nhiều người khi đề cập đến Phật Giáo thường gán cho hai chữ bi quan, yếm thế. Theo quan niệm của họ, Đạo Phật chỉ để dành riêng cho những người già cả, không thích hợp với tuổi trẻ còn hăng say hoạt động. Đạo Phật chỉ là một triết thuyết bi quan, những người theo đạo Phật là những kẻ chán đời, chỉ biết than van, tìm lãng quên sự thế qua câu kinh tiếng kệ, qua nhãn quan Phật Giáo đâu đâu cũng thấy toàn cảnh đau khổ, chẳng hạn như:
- Sanh là khổ,
- Già la khổ,
- Đau là khổ,
- Chết là khổ,
- Mong muốn không được là khổ,
- Không sống được với người mình thương là khổ
- Thường gặp những người trái ý nghịch lòng là khổ.
- Năm ấm không thuận hoà là khổ ...
Họ lý luận rằng nếu đầu óc luôn luôn chứa đựng sự khổ, thì con người sinh ra chán nản, tiêu cực và lười biếng ...
Trước khi đưa ra những luận cứ phá nghi cho những nhận định hẹp hòi và có tính cách phiếm diện trên, chúng ta thử tìm hiểu xem:
- Thế nào là Bi quan? Thế nào là Lạc quan?
Chúng tôi xin đưa ra một thí dụ cụ thể để hiểu rõ các danh từ có tính cách trừu tượng đó, chẳng hạn như một bệnh nhân đang quằn quại, đau đớn trên giường bệnh. Thân nhân mời thầy thuốc đến điều trị. Vị thầy thuốc thứ nhất nhìn con bệnh rồi lắc đầu:
- Bệnh quá hiểm nghèo chắc không qua khỏi, chữa chạy cũng vô ích.
Vị thầy thuốc thứ hai nhìn con bệnh, kết luận:
- Ồ, không can gì, bệnh quá nhẹ, không cần thuốc vẫn khỏi.
Vị thầy thuốc thứ ba đến:
- Cầm lấy tay bệnh nhân coi mạch, tìm hiểu bệnh nhân đã lâm bệnh trong trường hợp nào, bệnh tình ra sao, nguyên nhân của căn bệnh và diễn tiến của bệnh trạng, rồi kê đơn cho thuốc.
Qua cách hành xử của ba vị thầy thuốc, vị thứ nhất chúng ta ông ta quá bi quan, vì chưa biết rõ ràng căn bệnh, nặng hay nhẹ mà đã bảo:
- Chạy chữa cũng vô ích.
Vị thầy thuốc thứ hai thì lại quá lạc quan, bởi vì cũng chưa biết được nặng hay nhẹ mà đã bảo là:
- Không, không cần uống thuốc cũng khỏi bệnh.
Chỉ riêng vị thầy thuốc thứ ba cầm tay tra xét mạch lý tìm hiểu nguyên do căn bệnh của bệnh nhân để điều trị, thì vị thầy thuốc thực tế nầy tượng trưng cho Đạo Phật. Quả thật như vậy, Đạo Phật là đạo thực tế, Giáo Pháp của Đức Phật là môn thuốc trị bệnh phiền não, khổ đau của tất cả chúng sanh.
Khổ là chân lý đầu tiên trong bốn thánh đế. Danh từ Khổ được dịch từ tiếng phạn là Dukkha. Vì nhiều người dịch Dukkha là Khổ và cho rằng lối sống theo Phật Giáo chỉ là đau khổ. Thật ra chữ Dukkha không chỉ có nghĩa là khổ đau. Lối phiên dịch và giải thích này rất sai lạc, đã gây ra ngộ nhận khiến nhiều người cho rằng Phật Giáo là bi quan yếm thế. Là người học Phật, chúng ta phải biết Khổ chỉ là một trong nhiều nghĩa của Dukkha. Bởi vì chữ Dukkha còn có nhiều nghĩa khác nhau như là:
- Bất toàn,
- Biến đổi,
- Giả tạo,
- Trống rỗng,
- Vô nghĩa lý ...
Phải nói là rất khó tìm ra một chữ thích hợp để dịch trọn nghĩa của danh từ Dukkha. Như vậy khi nói đến sự khổ không phải Đức Phật đã phủ nhận hạnh phúc trong cuộc sống này. Ngài công nhận có nhiều loại hạnh phúc chẳng hạn như:
- Tinh Thần và Vật Chất
- Hạnh phúc của cuộc sống xuất gia và hạnh phúc của cuộc sống gia đình
- Hạnh phúc của khoái lạc giác quan và hạnh phúc của sự từ bỏ thế tục.
- Hạnh phúc của sự ràng buộc và hạnh phúc của giải thoát .. v.. v...
Nhưng tất cả những hạnh phúc đó đều nằm trong Khổ. Ngay đến sự an vui hạnh phúc ở cõi Trời, những cảnh thiền với tâm an lạc, thuần khiết cũng là Dukkha. Bởi vì chúng đều là đối tượng của sự đổi thay. Do đó, những gì không vững bền, còn đổi thay đều là Khổ.
Đứng trước sự đau khổ của nhân loại, của chúng sinh, Ngài phân tích tìm hiểu cái khổ, không phải phân tích cái khổ để chán nản, tiêu cực trái lại tìm nguyên nhân của sự khổ để tìm cách thoát khỏi cái khổ, cái khổ đeo đẳng chúng sanh từ vô lượng kiếp. Phân tích cái khổ, tìm nguyên nhân sự khổ và đề ra một phương thức thoát khổ là chân lý của Bốn Chân Đế.
Nhiều người chỉ mới nghe nói đến khổ và nguyên nhân của sự khổ, đã vội cho đó là bi quan. Họ không biết, sau khi đề cập đến hai phần này, Đức Phật đã nói đến hạnh phúc của sự giải thoát và con đường thoát ly. Chẳng khác nào vị thầy thuốc trước khi chữa bệnh phải biết rõ căn bệnh.
Sau khi đắc quả Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, tức là thấu hiểu chân tướng của vạn vật, Ngài đem ra giáo hóa cho chúng sanh. Ngài cùng với hàng đệ tử của Ngài đã hoạt động một cách tích cực để đem lại sự an vui cho mọi loài. Tùy từng hạng người, tùy căn cơ, trình độ của mỗi chúng sanh, Ngài chỉ dạy một cách hành đạo riêng, nhưng chung quy vẫn đưa đến một mục tiêu là giải thoát. Ngài luôn luôn chỉ cho mọi người thấy rằng:
- Đây là khổ,
- Đây là nguyên nhân sanh ra khổ;
- Đây là sự diệt khổ và
- Đây là con đường đi đến nơi diệt khổ.
Bốn mục tiêu hướng tới để đem an lạc hạnh phúc cho con người Chúng ta có thể nói nó bàn bạc trong tám muôn bốn ngàn pháp môn thực tập của Đức Phật, chỉ nhằm mục tiêu chuyển mê khai ngộ, xa lìa đau khổ, có được an lạc. Lẽ tất nhiên, cái khổ của chúng sanh thì rất nhiều, kể không hết được, nhưng như cái khổ nào trọng đại nhất, chúng ta hãy nghe, trong lúc giảng đạo cho một vị Bà La Môn, đức Phật Ngài dạy rằng:
- Cái khổ vĩ đại nhất của chúng sanh là còn luân hồi trong vòng sanh tử.
Có thân tất phải có khổ như trong Đạo Đức Kinh. Lão tử nói:
- Ngô sở dĩ hữu đại hoạn giả vị ngô hữu thân,
Cập ngô vô thân, ngô hữu hà hoạn.
Nghĩa là:
- Ta vì có thân này mới khổ,
Nếu không có thân lấy đâu có khổ.
Nhưng thật ra cái khổ của thân không đáng kể, chính vì sự chấp rằng thân này là của ta, hay nói một cách khác là ngã chấp mới đem lại khổ đau. Nói đến ngã chấp, chúng ta phải nói đến nguyên nhân sâu xa của nó tức là vô minh. Khi tâm không sáng suốt, tâm còn tối mê, thì còn tạo nghiệp dữ, vì thế mà phải sanh trở lại đời nầy để chịu nghiệp quả. Bậc thánh nhơn không sợ quả mà chỉ sợ nhân, diệt được gốc rễ của phiền não, thì diệt được khổ. Diệt khổ là diệt ngay cái nhân khiến cho những ác pháp dấy động lên không còn. Khi các ác pháp không còn đủ sức vươn lên, khi đã trừ diệt được nguồn gốc của cái khổ, lúc ấy sẽ được thoát khổ chắc chắn.
B- Thực Hiện Con Đường Vô Ngã
Phương pháp diệt khổ của Đạo Phật có rất nhiều, nhưng tựu trung có thể tóm tắt vào ba điểm chính yếu sau đây:
- Giữ không cho những bất thiện pháp phát sanh.
- Diệt trừ phiền não ngủ ngầm trong tâm.
- Diệt vô minh, vì vô minh là đầu mối mọi khổ đau của chúng sanh.
Muốn giữ không cho ác pháp phát sanh phải Trì Giới. Muốn diệt trừ phiền não ngủ ngầm trong tâm phải dùng Định. Muốn tận diệt vô minh phải dùng Minh Sát Tuệ.
Để đạt đến trạng thái lành mạnh nầy, điểm chính yếu cần thiết là chúng ta phải sống và thực hành giáo lý vô ngã. Vô ngã là một điều mà các nhà học giả từ Âu sang Á, từ cổ chí kim khi nghiên cứu giáo lý Đức Phật đều phải nhìn nhận là nổi bật nhất trong tư tưởng nhân loại. Trong khi hầu hết các tôn giáo, các nhà tư tưởng cũng như các triết gia đều chủ trương thuyết hữu ngã, dưới hình thức này hay hình thức khác, thì Đức Phật đã phát động một cuộc cách mạng tư tưởng, bẻ gẫy tất cả những luận cứ mập mờ của bản thể luận. Ngài đã ngang nhiên phủ nhận bản ngã của các tư tưởng thuộc hệ thống Ấn Độ, nhất là của Bà La Môn giáo. Ngài thẳng thắn gọi bản ngã là Vọng Ngã, không có thực thể tuyệt đối hay bất biến. Điều nầy đã được chứng minh qua đoạn kinh sau đây trong Tương Ưng Bộ Kinh, và đã làm đảo lộn thuyết thường tại, thuyết đoạn diệt của các triết thuyết bấy giờ, đoạn kinh nói:
Một ngày nọ Đại Đức Ca Diếp đến hỏi Đức Phật:
- Bạch Đức Thế Tôn phải chăng đau khổ do chúng ta tạo nên?
Đức Phật trả lời:
- Không phải.
Thầy Ca Diếp hỏi:
- Bạch Đức Thế Tôn, thế thì đau khổ do người khác tạo ra?
Đức Phật dạy:
- Cũng không phải như vậy.
Thầy Ca Diếp:
- Bạch Đức Thế Tôn, hay là đau khổ vừa do chúng ta vừa do người khác tạo ra?
Đức Phật dạy:
- Này Ca Diếp, cũng không phải vậy.
Thầy Ca Diếp lại hỏi:
- Bạch Đức Thế Tôn, có lẽ đau khổ ngẫu nhiên phát khởi?
Đức Phật dạy:
- Này Ca Diếp, Như Lai không hề chủ trương như thế.
Thầy Ca Diếp:
- Bạch Đức Thế Tôn, như vậy có lẽ Ngài muốn dạy là không có đau khổ?
Đức Phật dạy:
- Không, Ca Diếp. Như Lai xác nhận có đau khổ.
Thầy Ca Diếp:
- Bạch Đức Thế Tôn, nếu ngài nói như vậy, có phải chăng Ngài không thấy và không biết đau khổ?
Đức Phật dạy:
- Này Ca Diếp, quả thật Như Lai đã từng thấy và biết đau khổ.
Lúc bấy giờ, Thầy Ca Diếp vô cùng ngạc nhiên, vì từ xưa, ai ai cũng nghĩ rằng Đức Phật dạy:
- Người nào tạo nghiệp ác thì kẻ ấy phải gánh chịu quả khổ.
Vậy mà hôm nay chính Đức Phật đã phủ nhận tất cả những điều chúng ta hằng tin tưởng. Vì chưa hiểu rõ lời giáo huấn thậm thâm vi diệu của Đức Phật, nên Thầy Ca Diếp kính cẩn hỏi tiếp:
- Bạch Đức Thế Tôn, một đàng Ngài dạy đau khổ không do chúng ta tạo nên, không do kẻ khác tạo nên, cũng không ngẫu nhiên phát khởi. Một đàng Ngài xác nhận có đau khổ và Ngài đã từng kinh nghiệm đau khổ. Thật là ý nghĩa không thể dùng sự suy tư thông thường mà có thể hiểu được. Kính xin Đức Thế Tôn mở lòng từ bi khai thị cho đệ tử.
Đức Phật ôn tồn đáp:
- Nầy Ca Diếp, ai bảo rằng người hành động là kẻ nhận lấy kết quả, tức là nói rằng đau khổ của một chúng sanh do chính chúng sanh ấy tạo ra. Đó chỉ là thường kiến.
Ai bảo rằng một người hành động, một người gặt quả tức là bảo rằng đau khổ của một chúng sanh do chúng sanh khác tạo ra. Đó cũng chỉ là đoạn kiến.
Nầy Ca Diếp, không theo hai biên kiến đó, Như Lai chủ trương rằng:
- Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là căn nguyên của mọi đau khổ. Đoạn diệt được tham, sân, si tức là hủy diệt động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ phải chấm dứt.
Chúng tôi xin thảo luận thêm đoạn kinh trên để chúng ta dễ lãnh hội lời giáo huấn cao siêu của Đức Phật. Trước hết chúng tôi xin nhắc lại:
- Đạo Phật bác bỏ thuyết thường tại hay thường kiến.
Các thuyết này chủ trương con người, hay bên trong con người, là một bản ngã trường cửu không thay đổi, sau khi chết còn tồn tại mãi mãi. Mặt khác, Đạo Phật cũng phủ nhận cả thuyết đoạn diệt hay đoạn kiến, chủ trương sau khi chết là hết và như thế người tạo nhân không thể nào gặt quả được.
Như thế nếu bảo rằng chúng ta tạo nghiệp chính là người gặt quả, có nghĩa là lúc tạo nghiệp và lúc gặt quả, chúng ta vẫn là một, không có gì thay đổi. Đã không thay đổi tức là thường tại, bất biến, điều nầy đạo Phật gọi là thường kiến. Chúng tôi xin lấy một ví dụ:
- Như một người tên A tạo một nhân bất thiện, sau khi chết người ấy bị đọa vào cảnh khổ, dưới hình thức một súc sanh B chẳng hạn. Nếu bảo chính người tạo nghiệp sẽ gặt quả khổ, thì ở đây điều đó đã bị chứng minh sai, vì rõ ràng là người tên A tạo nghiệp mà chúng sanh B gặt quả.
Nhưng nếu bảo rằng chúng ta tạo nghiệp không phải là người gặt quả, tức là chủ trương đoạn kiến, vì cho rằng chúng ta là người hành động không còn tồn tại nữa, và kẻ gặt quả là một chúng sanh nào đó. Điều nầy cũng bị chứng minh là sai lầm. Ví dụ:
- Như một người bị kết án 10 năm khổ sai vì phạm pháp, nhưng anh ta trốn biệt tích trước khi thi hành án lệnh. Mãi đến 10 năm sau nhân viên công lực mới bắt được anh ta. Lúc bấy giờ anh đã già đi và hoàn toàn đổi khác nên khó nhận ra chính anh là người đã phạm pháp trước đây. Tuy nhiên khi điều tra kỹ lưỡng, anh vẫn bị tống giam như bản án đã phán xử. Vì anh không thể viện lẽ rằng lúc anh phạm pháp là một người khác và lúc này là một người khác được.
Cả hai luận cứ về bản ngã nêu trên đều bị Đức Phật cho là biên kiến, nghĩa là những phán đoán theo cái nhìn không trọn vẹn, bởi vì khi ở một cách nhìn này thì thấy bản ngã trường tồn, ở một cách nhìn khác lại thấy là đoạn diệt. Như vậy thuyết Vô Ngã của Đức Phật là gì?
Đạo Phật chủ trương Vô Ngã, không có nghĩa là không có cái Ta, nhưng mà là một cái Ta không có thực thể, vì biến đổi không ngừng và luôn luôn trở thành cái gì không phải là chính nó. Không có thực thể, nghĩa là không có một bản ngã hay cái Ta trường tồn, bất biến. Nhiều người khi nghiên cứu Giáo Lý Đức Phật, sau khi nhìn nhận không có cái giả ngã, lại đi chấp vào một cái gọi là chân ngã, đó là:
- Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh.
Phật tánh là cái chân ngã trường tồn bất biến. Hiểu như thế hóa ra đi từ bác bỏ đoạn kiến đến chỗ chấp vào thường kiến. Quả thật như vậy, nếu bảo có chân ngã tức Phật tánh là trường tồn, bất biến thì lý do nào mà kinh Bát Nhã lại dạy Phật tánh là:
- Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm ...
Đã bất sanh, bất diệt thì còn cái gì để trường tồn, bất biến? Và giả sử có cái trường tồn, bất biến thì tự nó đã nằm trong vòng tương đối với hủy diệt, biến dịch. Vậy chúng ta không nên gán cho Phật tánh cái tên chân ngã đối với giả ngã.
Cũng xin quý vị đừng hiểu lầm Cái Ta luôn luôn trở thành cái gì khác không phải là chính nó, bởi vì như chúng tôi vừa nói trên là đồng nghĩa với thuyết đoạn diệt.
Đạo Phật nhìn nhận rằng khi A trở thành B, B trở thành C, thì A, B và C không thực có. Nhưng không bảo rằng A hoàn toàn khác B, khác C vì đó là đoạn kiến. Cũng không bảo rằng A giống B, giống C hay nói cách khác A, B, C chỉ là một, không biến đổi, vì đó là thường kiến.
Cái Ta theo Đạo Phật chỉ là một sự kết hợp của năm uẩn tức là năm yếu tố: Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức. Trong Năm Uẩn dụ, Đức Phật ví năm yếu tố cấu thành bản ngã như sau:
1- Sắc Uẩn Như Mây Nổi:
Về phương diện vật chất, chúng ta thấy xác thân của chúng ta tan hợp, hợp tan như bọt nước trôi giạt đó đây không định hướng.
2- Thọ Uẩn Như Bong Bóng:
Những cảm giác vui khổ của thân và tâm của chúng ta đều sinh diệt bất thường giống như những bong bóng trên mặt nước.
3- Tưởng Uẩn Như Ảo Ảnh:
Tri giác của chúng ta ví như những giả cảnh mà người lữ hành trong sa mạc thường thấy, chỉ là những ảo ảnh của thị giác.
4- Hành Uẩn Như Cây Mềm:
Những tác động thiện ác của chúng ta đều không vững chắc giống như loại cây mềm yếu, dễ uống theo chiều gió.
5- Thức Uẩn Như Ảo Thuật:
Tâm thức của chúng ta biến ảo như trò quỉ thuật. Theo Phật Giáo sự biến đổi của tâm 16 lần nhanh hơn sự biến đổi vật chất.
Năm uẩn hay bản ngã của chúng ta được tạo thành bởi những yếu tố bất định, cho nên chính nó cũng bất định và không thực có vì luôn luôn biến đổi. Những biến đổi không có nghĩa là hoàn toàn đổi khác một cách ngẫu nhiên, mà biến đổi theo định luật Nhân Quả:
- B là quả của A và là nhân của C, do đó chúng không giống nhau cũng không khác nhau mà liên hệ với nhau mật thiết. Vì có A mà B sinh, vì có B mà C sinh. Nếu không có A thì B và C cũng không có. Như vậy bản ngã chỉ là một tiến trình biến đổi của danh và sắc theo mối dây liên hệ nhân quả mà chúng ta có thể hiểu theo ngài Buddhaghosa rằng:
- Không có cái tôi tạo nghiệp, cũng không có cái tôi gặt quả, chỉ có dòng nghiệp báo triền miên.
Và động lực vận chuyển dòng nghiệp báo triền miên đó chính là Tham, Sân, Si. Vì bị chi phối bởi tham lam, sân hận, si mê mà nghiệp hình thành, đó là nguyên nhân của mọi đau khổ. Đoạn diệt được ba nhân ấy là phá hủy động lực hình thành của nghiệp và mọi đau khổ chấm dứt.
C- Sự Lựa Chọn Thông Minh
Qua sự trình bày, chúng ta thấy thân con người quả thật như bông phù du, sớm nở tối tàn. Do vậy, muốn tạo dựng một cuộc đời có ý nghĩa chúng ta phải xử dụng thân giả tạo chúng ta đúng nghĩa khi chúng ta còn có mặt trên cuộc đời nầy giả tạm nầy như có một nhà thơ đã từng nói:
- Ta đi vào cõi trần sa
Nhặc từng hạt bụi kết hoa sen vàng
Rồi đem cắm giữa thế gian
Tỏa hương ngào ngạt giữa ngàn tanh hôi
Ai hay trong nẻo luân hồi
Mà ta đã vạn muôn đời khổ đau
Dừng chân vọng tiếng kinh cầu
Hóa trầm giải thoát bụi sầu thế gian.
Để góp phần sinh lực trong cuộc duy trì nhựa sống của chính mình, chúng tôi thử xin được giới thiệu đến đại chúng tám phương thức sống thiết yếu:
1- Không Nên Tàn Phá Sức Khỏe
Sức khoẻ là quan trọng, có nhiều người trong chúng ta, lúc còn trẻ, thường ỷ lại vào sức sống tràn trề chúng ta đang có. Chúng ta làm việc như điên, vui chơi thâu đêm, ăn uống không điều độ ... Cứ như thế, cơ thể mệt mỏi và lão hoá nhanh. Khi về già, cố níu kéo sức khoẻ thì đã muộn. Từ khuynh hướng chúng ta không nên hoang phí tuổi trẻ, tuổi trẻ là quãng thời gian mà con người có nhiều sức khoẻ và trí tuệ để làm những điều lớn lao, cho nên chúng ta đừng bao giờ quên điều này. Để rồi:
- Trẻ ăn chơi, già hối hận.
Đó là lời khuyên dành cho những ai đã từng hoang phí tuổi thanh xuân cho những trò chơi không có lợi ích.
2- Thời Gian Là Vàng:
Chúng ta phải ghi nhận, thời gian là vàng bạc, mỗi thời khắc vàng ngọc qua đi là không bao giờ lấy lại được. Vậy mà đã có rất nhiều người đã ném mỗi ngày tám tiếng đồng hồ làm việc qua cửa sổ. Như thế là hoang phí, xin được đề nghị, hãy nhìn lại xem mình đã làm được điều gì. Nếu câu trả lời là không, thì chúng ta phải xem lại trương mục thời gian của chúng ta, và cố gắng làm một cái gì cho có ý nghĩa.
3- Nên Đọc Sách Báo:
Sách truyền bá văn minh. Không có sách, lịch sử im lặng, sẽ bị bỏ rơi trong quên lãng, văn chương trở thành câm điếc, khoa học trở nên tê liệt, tư tưởng và suy xét trở nên ứ đọng. Nhờ vào sách vở mà chúng ta có thể khám phá biết bao điều kỳ thú trên khắp thế giới. Do vậy chúng ta không nên hoang phí thời giờ, phải tìm cách đọc sách vở báo chí mỗi ngày.
4- Luôn Luôn Học Tập:
Một người luôn biết trau dồi kiến thức sẽ dễ thành công hơn so với người chỉ biết tự mãn với những gì mình biết. Nếu không học hành, thì chúng ta đang lãng phí bộ óc của chúng ta.
5- Cuộc Sống Có Hợp Đoàn:
Nhiều người ngày nay theo trào lưu chủ nghĩa độc thân. Thực tế là khi sống một mình, chúng ta rất cô đơn và dễ cảm thấy thiếu vắng vòng tay yêu thương của chồng vợ và con cái. Theo quan niệm thế gian, bận bịu gia đình chính là một niềm vui. Sống độc thân, là chúng ta đã lãng phí tình cảm đẹp đẽ ấy. Bên cạnh cơ hội để dương danh với đời, là điều không dễ dàng đến với chúng ta. Do vậy, nếu một cơ may có thể biến chúng ta thành giám đốc thành đạt hay một tỷ phú lắm tiền, thì chúng ta cũng không nên thờ ơ để vận may vụt khỏi tầm tay chúng ta. Nhưng nếu cơ duyên phải xuất gia tu học để làm một con người xuất trần thượng sĩ, bạt tục siêu phàm để hóa độ chúng sanh thì cũng không nên từ bỏ, phải nắm lấy thời cơ dấn thân trên con đường học đạo càng sớm càng tốt.
Tóm lại, cái Ta chỉ là một hiện tượng tâm vật lý chứ không phải là một bản ngã trường tồn, vĩnh cửu. Cũng không phải là một chân ngã thường tại dù dưới hình thức Phật tánh như nhiều người đã lầm tưởng. Chúng ta đang sống trong cõi đời nầy, và chúng ta đã biết thân người là giả tạm, cho nên trên con đường học đạo, bỏ giả tìm chân, chúng ta phải biết xử dụng thân huyển mộng của chúng ta để đừng lãng phí một đời. Vì mặc dầu chúng ta biết thân là huyển mộng, nhưng sự khổ là điều có thật, một sự thể đương nhiên. Khổ phát sinh do phiền não, do lòng ái dục. Muốn hết khổ để sống an vui chúng ta phải diệt ái dục. Phương pháp có hiệu quả nhất để diệt trừ ái dục là thực hành Bát Chánh Đạo. Nếu chỉ quan niệm, chỉ xét về phần:
- Đây là khổ,
- Đây là nhân sanh khổ;
Có thể hiểu lầm Phật Giáo là bi quan. Nhưng tìm hiểu thêm hai phần:
- Đây là sự diệt khổ và
- Đây là con đường đi đến nơi diệt khổ.
Chúng ta mới thấy rõ Đạo Phật là một lối sống thực tế. Đây là con đường đi đến nơi diệt khổ, là lối thoát duy nhất của chúng ta, là con đường dẫn chúng ta thoát khỏi những nỗi thống khổ, đến nơi an vui tuyệt đối, là chiếc bè vững vàng đưa chúng ta thoát qua bờ khổ sông mê. Thực hành Bát Chánh Đạo là tích cực đạt đến Chơn Như, là bẻ gẫy bánh xe sanh tử luân hồi. Như vậy giáo lý của Phật giáo là một kho tàng linh dược trị tất cả tâm phiền não trầm kha của chúng sanh.
--o0o--