Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
(03)
Luận Giải Về
Pháp Thiền Quán Dzogchen
Tác giả : Gyatrul Rinpoche
Việt dịch : Nguyễn Hòa
--o0o--
 
Thanh tịnh là bước kế tiếp trong kinh nghiệm duy trì tình trạng định trong một thời gian dài vô hạn. Bây giờ có sự sáng tỏ rất mực . Mặc dầu tâm  yên lặng, nó rất trong sáng. Hành giả nhớ lại được trọn vẹn  các kinh nghiệm  trong lúc thiền quán, và kinh nghiệm  sau buổi thiền. Trong giai đoạn đầu của sự tĩnh lặng bất tịnh, bát thức bị ngăn ngại trong lúc thiền quán. Khi hành giả trải qua kinh nghiệm của tĩnh lặng bất tịnh , sự trong sáng của tâm không bị ngăn ngại vì cảm nhận bằng giác quan hoạt động bình thường, tuy là tâm không bao giờ  dao động ra ngoài trạng thái Định. Trong khi thiền quán, bạn có tùy ý ở trong trạng thái Định bất cứ lúc nào, bằng bất cứ cách nào. Khi chấm dứt buổi thiền chánh thức cũng không  chấm dứt sự tĩnh lặng bởi vì sức mạnh của trạng thái tỉnh giác sẽ thấm nhập vào kinh nghiệm sau buổi thiền định để đi vào sinh hoạt của đời sống hàng ngày. Cần phải mất bao lâu mới đạt tới tâm thanh tịnh? Kinh nghiệm này đến được do kết quả của cố gắng rất lớn trong việc tu tập . Đây không phải là kết quả đến nhanh chóng, và dễ dàng.
Lợi ích khác của sự thành tựu này là niềm vui tràn ngập thân tâm; và vì không còn sự xao lãng của tâm, việc tu tập này có thể kéo dài rất lâu. Ngay bây giờ khi bạn thực tập, cả thân tâm đều dễ bị mỏi mệt; và khi mà bạn cảm thấy không thoải mái, dễ chịu, bạn quay qua chuyện gì khác để tránh có kinh nghiệm  khó chịu. Khi đã đạt tới mức thanh tịnh, thân và tâm luôn luôn được thoải mái. Tuy nhiên, nếu tâm tham luyến vào kinh nghiệm hỷ lạc  của thân tâm nó sẽ tạo ra nhân để tái sinh vào cõi dục (cõi trời dục), đưa bạn trở lại vòng luân hồị Cho nên không bao giờ mê luyến vào bất cứ kinh nghiệm nào. Nói chung, bạn nên giữ nhớ trong lòng là khi việc tu tập thiền quán bắt đầu đi vào tầng sâu, sẽ có ba kinh nghiệm xảy ra. Thứ nhất, là hỷ lạc, thứ hai là sự sáng tỏ, và thứ ba là kinh nghiệm về vô niệm. Khi bạn có được những kinh nghiệm này, nếu bạn cho phép mình tham luyến kinh nghiệm và nghĩ là bạn đã đạt được kết  quả cuối cùng, thì bạn sẽ tạo ra nhân để sanh lại trong cõi luân hồi nữa. Đừng lầm lẫn những kinh nghiệm đó với kết quả cứu cánh của giác ngộ. Nếu bạn tham luyến hỷ lạc, bạn sẽ tạo ra nhân tái sinh vào cõi dục (dục giới thiên), nếu bạn mê luyến vào sự minh chiếu, sáng tỏ thì nó sẽ tạo nhân để tái sinh vào cõi sắc . Tham luyến vào vô niệm sẽ tạo nhân để tái sinh vào cõi trời vô sắc. Ba cõi này (dục, sắc, và vô sắc) của cuộc luân hồi là lục đạo mà chúng sinh xoay chuyển. Bằng pháp thiền quán, bạn thật sự có thể tạo ra   nhân  để tái sinh vào ba cõi đó, nếu bạn không cẩn thận. Đây là sự giải thích ngắn gọn về các thực tập để đạt được sự tĩnh lặng, nó cũng bao gồm lời khuyên phải có ý thức về những điều gì khi tu tập. Nếu bạn có thể thực tập thành công, bạn sẽ đạt  được sự tĩnh lặng trong một thời gian dài và thiền quán với tâm sáng tỏ, như thế chuẩn bị bạn vào giai đoạn thứ hai, thực tập chủ yếu  để sinh khởi tuệ giác.
Lời chỉ dạy và cách thực tập về sự  phát sinh trí tuệ ban sơ có hai phương cách. Thứ nhất là phương cách  tìm học kinh điển để hiểu biết chắc chắn về bản tánh không của tâm. Ở đây,   Không được nhận thức rõ qua sự tìm hiểu phân tích, cuối cùng minh chứng được Không là bản chất của hiện hữu. Quan điểm về Không này được dựa trên sự hiểu biết bằng trí tuệ (tri thức). Phương cách thứ hai là biết rõ về Không tánh bằng cách đi sâu vào thiền định. Quan điểm về Không này được dựa trên sự thực chứng bên trong. Nếu ai có thể thực chứng Không tánh theo cách thứ hai, thì phương cách thứ nhất không còn cần thiết. Nếu bạn muốn theo đuổi học hiểu kinh điển rồi áp dụng việc thực tập quán tưởng, thì đó là cách tốt nhất và là cách mà nhiều nhà tu hành lớn đã đi theọ Tuy nhiên, vào giai đoạn này của đời sống, bạn nên thấy là bạn không còn nhiều năm nữa để tu tập, vì không biết cái chết sẽ đến lúc nào. Hơn nữa, với cuộc sống bận rộn như thế, cơ hội để tập thiền quán rất ít. Vì vậy  có thể là tốt hơn nên thực tập để có kết quả nhanh hơn. Thời bây giờ dường như mọi người đều muốn có được kỹ thuật nhấn nút để làm việc cho nhanh, đem lại kết quả ngay tức khắc. Mọi người tự nhiên muốn có kết quả nhanh nhất. Nếu bạn nghĩ là bạn có thể tìm được kinh nghiệm nhấn nút trên đường học đạo, thì bạn nên thực tập quán tưởng, đừng chỉ có nghe giảng dạy, đừng chỉ nghĩ về chuyện thực hành sau này, nhưng hãy ngồi xuống và thực tập thật sự. Thường khi người ta chỉ nghe pháp, thỉnh thoảng nghĩ về pháp, và không thực tập. Làm sao có kết quả nếu không thực hành ?  
--o0o--