Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
ĐẠO TỪ BI KHỞI SẮC
NHÂN ÐẠI LỄ VESAK LIÊN HIỆP QUỐC 2008
PL: 2552 TỔ CHỨC TẠI VIỆT NAM
---o0o---
            Ðại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc (còn gọi là đại lễ Tam Hợp, kỷ niệm 3 sự kiện: Ðản Sanh, Thành Ðạo và Nhập Niết Bàn của Ðức Phật), tên gọi chính thức bằng tiếng Anh là “The United Nations Day of Vesak”, là một lễ hội văn hóa thế giới do Liên Hiệp Quốc khai sinh và chủ xướng, nhằm tôn vinh Ðức Thích Ca Mâu Ni-bậc vĩ nhân văn hóa tâm linh của nhân loại. Ðại lễ Vesak lần thứ V-2008 được Chính phủ nước ta đăng cai tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Hà Nội từ ngày 13 đến 17 tháng 5, đón tiếp hơn 600 phái đoàn Phật giáo trên thế giới, với khoảng 5.000 đại biểu đến từ 90 quốc gia. Sự kiện này càng làm nổi bật lên đường lối chủ trương đúng đắn tôn trọng nhân quyền ở một quốc gia độc lập, tôn trọng tự do tín ngưỡng của quần chúng nhân dân ở một nước tự do, cũng như làm nổi bật tinh thần đoàn kết dân tộc, bình đẳng tôn giáo...
            - "Vui thay Phật ra đời
            Vui thay chùa mọc lên
            Vui loang khắp đất trời
            Ðạo-Ðời ngát hương sen! "
            Lòng trào dâng cảm xúc khi còn ngồi trên chuyến xe đi tham quan các tự viện trên địa bàn thành phố Ban Mê Thuột, tôi đã bật thốt lên những vần điệu ấy với rộn rã niềm vui. Có lẽ cảm xúc vui sướng của tôi cũng giống như tâm trạng của một người thầy giáo khi bất chợt tận mắt ngắm nhìn những ngôi trường khang trang vừa được xây dựng xong trên những mảnh đất khô cằn sỏi đá, hay vừa hiển hiện ở những vùng ngoại thành đìu hiu… Là một người con Phật, hỏi ai không vui sướng khi xem- nghe- thấy- biết và nhận ra rằng Chánh Pháp của đạo Từ Bi Hỷ Xả đã và đang được hoằng dương rộng khắp? Không vui sao được khi hình ảnh hết tịnh xá nhỏ bé này, đến chùa tranh vách đất sơ sài kia, cùng đang trút bỏ bộ áo cũ càng để vươn lên như những đóa hoa sen thơm ngát trên vũng lầy nhầy nhụa tanh hôi? Không vui sao được khi ba mươi, hai mươi, mươi năm về trước tìm khó ra một bóng dáng tăng ni vào ra các chốn già lam tịch mịch, nay lại thấy những bóng y vàng, hay những chiếc áo nâu sồng đạo hạnh ngày đêm hiển hiện ở khắp các tự viện trang nghiêm? Không vui sao được khi khuya sớm nghe đều tiếng đại hồng chung ngân vang đi khắp phố phường làng xóm; và tiếng ê a kinh kệ tha thiết chân thành hòa âm cùng chuông mõ truyền lan nẻo vắng vùng xa?
            Từ những năm trước 1945, cao nguyên Daklak còn là một vùng đất đỏ hoang sơ chưa hề có bóng dáng của chùa chiền, càng không hề có dấu chân của người xuất gia đầu Phật; đến những năm đầu đất nước mới được thống nhất, tồn tại đó biết bao nhiêu tịnh xá tự viện bị đổ nát hoang tàn do bom đạn chiến tranh, số tăng ni còn rất ít ỏi, chỉ đếm không đủ mười đầu ngón tay… Vậy mà hôm nay toàn tỉnh có khoảng 120 tự viện chính thức, và khoảng 8 chùa đang chờ được công nhận, cùng với lực lượng tăng ni đông đảo tinh tấn tu học, phụng sự xã hội! Kìa một Tịnh xá Ngọc Ban (phường Tân Hòa) lặng lẽ nhô lên từ một bãi rác khổng lồ đầy ô nhiễm, buổi sơ khai khoác một hình hài khiêm tốn là một chòi tranh xiêu vẹo đủ để tu hành, theo năm tháng đã từng bước vươn lên thành tịnh thất, rồi tịnh xá trên mảnh đất rộng đến gần 2 mẫu, với một chánh điện tráng lệ được vây quanh bởi một vườn hoa cây kiểng đầy sắc màu thơm ngát, hòa chung với các Quan Âm Ðộng Ngũ Ðài, Di Lặc Ðộng, Tam quan mái đỏ, nhà khách, Trai đường, Ni xá… tạo nên một chốn thiền môn đẹp hơn cả những bức tranh thủy mặc tuyệt tác! 
            Kìa một chùa Phổ Minh (đường Nguyễn Văn Cừ) suy tàn hoang lạnh do bom đạn, vào ra âm thầm chỉ một bóng hòa thượng Trí Minh, chỉ còn được hai báu vật là tượng Di Ðà tọa thiền bằng đồng và đại hồng chung nặng 450kg, đất chùa được trưng dụng để dựng trạm xá, nhà trẻ… Nay như có phép nhiệm mầu, trong thoáng chốc đã trở thành một ngôi đại tự với chánh điện nguy nga, với Quan Âm Ngũ Ðài Sơn uy nghi, với Ðiện Di Lặc kiến trúc độc đáo, với tượng Thích Ca Thành Ðạo dưới cội bồ đề thanh thoát trang nghiêm, với vườn Lâm-Tỳ-Ni xanh tươi có đầy đủ Phật hài nhi, Hoàng hậu, Cung nữ, Voi sáu ngà, thành quách, tiên nhân… hợp cùng với trăm hoa tươi thắm được bài trí hài hòa chung quanh, tạo thành một cõi thanh tịnh tu hành hôm sớm, để cho Phật tử khắp nơi thường xuyên hân hoan lui tới nương nhờ Tam Bảo mà tu học Chánh pháp, đem Ðạo hòa vào Ðời…
            Kìa một Nam Thiên Tự (xã Hòa Thuận) xưa nay an lạc khiêm tốn ở một vùng ngoại thành, qua bao thăng trầm của thế sự phải có lúc chịu cảnh hoang lạnh rêu phong, sau đó đã vươn dậy vào năm 1993 xây dựng lại ngôi chánh điện, thu hút đông đảo tín đồ với trên con số nghìn; rồi mới đây chỉ trong vòng 6 tháng kể từ khi về nhận chùa, đại đức trụ trì đã thực hiện “một cuộc đại trùng tu quy mô và mạnh mẽ nhất”: xây một dãy nhà dài và rộng có sức chứa khoảng 400-500 người để mở những khóa tu phật thất cho cư sĩ áo lam khắp nơi tề tựu về, cùng lúc xây dựng cả một tượng đài Quán Thế Âm lộ thiên trang nghiêm và đẹp như một tác phẩm điêu khắc đầy tính nghệ thuật trên mảnh đất bên đường người lại xe qua…
            Kìa một tịnh xá Ngọc Quang (đường Ðoàn Thị Ðiểm) xưa kia chỉ là một tịnh thất mái tranh của đức thầy Giác An từ Bạc Liêu xa xôi về dựng lên tu hành và truyền bá Chánh pháp, qua nhiều biến đổi bể dâu đã từng bước tu sửa dựng xây cho có được chiếc áo lành lặn của chốn thiền môn tịnh độ, nay đang rầm rộ vươn lên trên trời cao bằng công trình hùng vĩ ba tầng: tầng1 giảng đường, tầng 2 chánh điện, tầng 3 Tịnh xá hình Bát Giác, với kinh phí xây dựng trên 2 tỷ đồng,  hứa hẹn với Ðời một ngày mai quang minh xán lạn …
            Kìa một chùa Dược Sư (phường Tân Lập) cách đây 40 về trước chỉ là một thảo am nhỏ của thượng tọa Viên Ðức dựng lên để tu tịnh Mật Tông, chuyển mình chậm chạp để trở thành một ngôi chùa không được bao lâu thì lâm vào nghịch cảnh phải hoá thân thành trụ sở dân phòng, rồi trụ sở của UBND Phường, cho đến năm 1993 mới được chính quyền trao trả lại, để từng bước vượt qua khó khăn khôi phục lại hình hài… Hôm nay, chùa đã trở thành một ngôi đại tự thật hoành tráng uy nghiêm với chánh điện nguy nga, Ðiện Quán Thế Âm ngoài sân sáng ấm, với Bảo Tháp Xá Lợi 7 tầng cao 19m, với Ni xá, giảng đường, nhà trù, nhà nghỉ cho khách thập phương… đều khang trang ngăn nắp, xinh xắn gọn gàng được bố trí hài hòa giữa trăm hoa khoe sắc, xứng danh là một cõi tịnh độ thanh khiết trụ vững ngay chốn phàm trần nhiêu khê nhốn nháo!
            Và kia, còn những chùa Sắc Tứ Khải Ðoan đang được trùng tu cho xứng tầm là một “thắng tích Phật giáo”, cùng với các chùa A Dục, Liên Hoa, Kỳ Viên, Bồ Ðề, Phước Ðiền, Lộc Uyển, Ngọc Thành… ở trong và ven thành phố Ban Mê Thuột đều đã “thay y đổi mão” trở nên những danh lam thơm nức tiếng lành. Xa hơn ra các huyện, ở các vùng sâu vùng xa đều có sự hiện diện của những tự viện mới được xây dựng, hoặc trùng tu trong mấy năm gần đây như các chùa Phước Nghiêm, Phước Huệ cùng huyện Krông Păk; các chùa Phước Minh, Khánh Vân, Thọ Thành… ở huyện Cư Jút; các chùa Bửu Quang, Hoa Nghiêm, Pháp Bảo, ở huyện Cư M’Gar; các chùa Tam Giang, Huệ An ở huyện Krông Năng…
            - "Vui thay Pháp nhiệm mầu
            Khai tâm cõi xa sâu
            Vạch đường tu cứu độ
            Râm ran tiếng nguyện cầu… "
            Không vui sao được khi Pháp Phật đã được lan truyền soi rọi đến tận những nơi xa xôi hiểm trở, diệu âm vang dội khắp các cõi tối tăm nghèo nàn, điểm đạo cho bao tâm hồn, cũng như khai sáng cho bao trí tuệ ngủ quên nơi xó xỉnh lạc hậu vô minh? Không vui sao được khi từng trăm, rồi từng nghìn đồng bào dân tộc thiểu số đã cúi đầu đảnh lễ quy y Tam Bảo, để tiếp đến là những trang kinh, cuốn sử nhà Phật được dịch thuật, chuyển ngữ kịp thời để đáp ứng ngay lòng khát khao được hiểu biết và tu học Chánh Pháp của bao chúng sinh mới tìm được nguồn sáng mà nương tựa về mặt tinh thần?
            Không thể không nhắc đến một “pháp bảo” hiếm hoi đã và đang lớn dần lên theo từng năm tháng, đó chính là Nội San Vô Ưu, tiếng nói của Tỉnh Hội Phật giáo Daklak, cũng là tiếng nói của bao tâm hồn Phật tử yêu chuộng hòa bình, yêu quý Chân Thiện Mỹ. Khắp đất nước có 63 tỉnh thành, ngoại trừ tạp chí Nghiên Cứu Phật Học của Giáo hội Phật giáo Trung ương, và báo Giác Ngộ của Thành hội Phật giáo TP.HCM ra, hỏi còn có tỉnh thành nào xuất bản và phát hành rộng rãi được một tờ đặc san chuyên đề về Phật Giáo như ở Daklak?  Chỉ là một tỉnh vùng cao nguyên trắc trở xa xôi, so với các tỉnh thành ở miền xuôi vốn có quá dư thừa phương tiện thuận lợi, tỉnh Daklak gặp muôn vàn khó khăn trở ngại, vậy mà Nội san Vô Ưu đã hình thành từ những bước dè dặt non trẻ, bước tập tễnh với băn khoăn phập phồng, đến hôm nay đã có thể bước những bước đầy đại hùng đại lực để cất lên tiếng nói của Chánh đạo vì nước vì dân!
            Chỉ một vòng dạo quanh thành phố Ban Mê Thuột như cưỡi ngựa xem hoa, vậy mà tôi vẫn đủ thấy, kịp thấy những biến chuyển không ngừng của dòng Ðạo đang hòa quyện vào dòng Ðời, khiến cho lòng người phải tràn ngập niềm hoan hỷ:
            - "Ánh ÐạoVàng lung linh khởi sắc
            Bóng Từ Bi ngời sáng cao nguyên
            Mừng thay bất biến thuận duyên
            Con về nở Nụ Cười Thiền bừng tâm! "
            Tâm Không Vĩnh Hữu
            07-09-2008 11:23:46
--o0o--