THIỀN ĐẠO DIỆU SƠN


"Này các Tỳ kheo! Đây là những cội cây, đây là những căn nhà trống, hãy hành thiền, chớ có phóng dật, chớ để hối hận về sau".
(Song Tưởng - Trung Bộ I)
            "Tỳ kheo hãy tu thiền!
            Chớ buông lung phóng dật!
            Tâm chớ đắm say dục
            Phóng dật nuốt sắt nóng
            Bị đốt chớ than khổ"
                                            (Pháp cú 371)
            Đây là những lời nhắc nhở ân cần nhất của đức Phật khi Ngài giáo hóa hàng đệ tử. Lúc nào Ngài cũng nhấn mạnh đến tam học Giới- Định-Tuệ. Chớ buông lung, chớ phóng dật, chớ đắm say dục lạc tức là giữ giới. Hành thiền mà không giữ giới thì không thể phát triển định và tuệ được.
            - Ai sống một trăm năm
            Ác tuệ không thiền định
            Tốt hơn sống một ngày
            Có tuệ tu thiền định
                                            (Pháp cú 111)
            - Tu thiền trí tuệ sanh
            Bỏ thiền trí tuệ diệt
            Biết con đường hai ngã
            Đưa đến hữu, phi hữu
            Hãy tự mình nỗ lực
            Khiến trí tuệ tăng trưởng
                                            (Pháp cú 282)
            Qua các kinh điển hệ nguyên thủy, đức Phật luôn luôn xác định rõ "có thiền định mới có trí tuệ". Chỉ có trí tuệ mới phá tan vô minh, tùy miên bám sát chúng ta từ vô thủy đến nay. Trí tuệ có công năng giúp chúng ta giải thoát và giải thoát tri kiến. Nếu nội tâm không an định trí tuệ khó tăng trưởng. Như vậy định huệ không rời nhau.
            Trong kinh Pháp Bản Đàn, Lục Tổ Huệ Năng dạy: "Đại chúng chớ lầm nói là định huệ sai khác. Định huệ đồng thể, không phải là hai. Định là huệ, huệ là định" (phẩm Định Huệ)
            Trong A Hàm Phật dạy "Vô ngã là Niết Bàn". Thiền sư thì bảo "Vô tâm thị đạo", "tâm bình thường là đạo". Các Ngài khi thì nói Niết Bàn, khi thì nói Phật, tâm, thiền, đạo... thiền đạo có hay không có? Nếu chúng ta cứ đem phàm tình lý giải các danh từ ấy, các Ngài sẽ quở là "lấy tranh che đầu" hay "kẻ ngu vào biển đếm cát..." Do đó khi khách đến hỏi Thiền sư Duy Khoan:
            - Đạo ở đâu?
            Sư đáp:
            - Ở trước mắt.
            Khách hỏi tiếp:
            - Sao con không thấy?
            Đáp:
            - Vì ngươi có ngã nên không thấy.
            - Con có ngã nên không thấy, Hòa thượng thấy chăng?
            - Có ngươi, có ta nên chẳng thấy.
            - Không con, không Ngài lại thấy chăng?
            - Không ngươi, không ta, ai còn thấy?
                                                (Thiền sư Trung Hoa I)
            Khi không ngươi không ta tức dứt hết nhơn ngã, bỉ thử... thấy nghe hiểu biết rõ ràng thì cần gì hỏi đạo ở đâu, và cũng không có ai để chạy đông chạy tây tìm thầy điểm đạo.
           Nhục thân của hai Thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường để lại trên 300 năm, nay còn thờ tại chùa Đậu, Hà Nội, đáng cho chúng ta suy gẫm và tin sâu. Tin vào sự hành thiền đưa đến chứng đạo, và điều này không hạn cuộc bởi thời gian, không gian. Và sở dĩ hành thiền là một phương tiện đưa đến chứng đạo là vì trong ta đã có sẵn chủng tử Phật; phải chăng đó là như lời Thiền Sư Trí Huyền diễn tả:
            - Ngọc lý bí thinh diễn diệu âm
            Cá trung mãn mục lộ thiền tâm
            Hà sa cảnh thị bồ đề cảnh
            Nghĩ hướng bồ đề cách vạn tầm
            Nghĩa là:
            - Trong ngọc ẩn thinh diễn diệu âm
            Nơi kia đầy mắt bày thiền tâm
            Hà sa cảnh là bồ đề cảnh
            Nghĩ đến bồ đề cách vạn tầm.
 
--o0o--