|
TRIẾT HỌC PHẬT GIÁO
- TRIẾT HỌC THẾ THÂN
-
Ngôn ngỮ
vỀ
nhỮng gì hIỆn
hỮu
- Lê Mạnh Thát
- --o0o--
-
- Từ những gì
đã nói, rõ ràng Thế Thân đã quan niệm chuyển biến của thức là
một cấu trúc ngôn ngữ, qua đó bất cứ cái gì được cấu trúc bằng
ngôn ngữ đều không tồn tại và chỉ có tác dụng của “cái khiến ta
biết”. Một câu hỏi lập tức được nêu lên về lý do tại sao chuyển
biến đó có thể được quan niệm như thế và nó đã cấu trúc cái gì
bằng ngôn ngữ để nó có thể được mô tả như thế. Để trả lời câu
hỏi này, ta không cần phải tìm đâu xa ngoài Tam Thập Tụng,
bởi vì một giải đáp đã được đề ra trong đó. Giải đáp này không
chỉ giúp giải quyết câu hỏi trực tiếp vừa nêu, mà còn cho ta một
cái nhìn rõ ràng về câu trả lời của Thế Thân đối với mối quan
tâm triết học ban đầu của ông. Hãy lưu ý rằng ông đã khởi đầu
với một vấn đề rất đơn giản, đó là, có phải đối tượng của thức
chỉ là tên gọi, một vấn đề xuất phát từ nghiên cứu có phê phán
của ông về hệ tư tưởng Tỳ Bà Sa. Trong hệ tư tưởng này, sau khi
loại bỏ một số danh tự giả tưởng được biết như “thần”, “ngã”,
v.v., ra khỏi thế giới biện giải của họ, Tỳ Bà Sa đã chủ trương
mọi danh tự khác còn lại phải có khả năng chỉ thị một vật thật
nằm đâu đó ở thế giới bên ngoài. Như vậy, theo Tỳ Bà Sa, phải có
tồn tại các thực thể như sinh, hoại, quá khứ, vị lai, v.v., bởi
vì đã tồn tại các từ ngữ tương ứng với chúng trong thế giới biện
luận của họ.
- Khi Thế Thân
tiếp cận hệ thống này, ông lập tức tự hỏi có thể đối tượng của
thức chỉ là một danh tự mà không cần phải giả định sự tồn tại
của bất cứ thực thể nào không, và điều này đã dẫn dắt ông một
cách hứng thú đến thuyết mô tả. Ông chỉ ra rằng nếu Tỳ Bà Sa chủ
trương cần phải mặc định sự tồn tại của môt thực thể như sinh,
chẳng hạn, để có thể xác chứng ý nghĩa của những câu nói như
“Tôi biết sự sinh ra của con trai tôi qua điện thoại”, trong đó
chữ “sinh” là đối tượng của hành động “biết”, thì người ta có
thể vạch ra một cách qua đó chữ “sinh” có thể được loại bỏ dễ
dàng mà không đánh mất bất cứ đơn vị có nghĩa nào của câu nói.
Thí dụ, ta có thể nói “Tôi biết con trai tôi đã ra đời qua điện
thoại”, hoặc còn rõ ràng hơn, “Qua điện thoại tôi biết cái gì đó
đang hiện hữu đã chưa từng hiện hữu trước đây và cái đó là con
trai tôi”, v.v. Vì thế, rõ ràng chữ “sinh” có thể được loại bỏ
mà không đánh mất những gì câu nói trên có ý nói ra. Vậy thì,
điều tất nhiên là ngay cả đối với những tên gọi được chấp nhận
trong thế giới biện luận của Tỳ Bà Sa, ta vẫn có thể chứng minh
rằng không cần phải giả định cho chúng bất kỳ loại thực thể nào
cả, bởi vì chúng cũng có thể được thay thế bằng các cách diễn tả
khác mà những cách này không đặt tên và cũng không đòi hỏi bất
kỳ sự vật nào tương ứng với chúng. Nói cách khác, những chữ như
sinh, hoại, quá khứ, vị lai, v.v., chỉ là những biểu tượng bất
toàn. Chúng chỉ là những mô tả, và vì chỉ là những biểu tượng
bất toàn cho nên có thể dễ dàng thay thế chúng khi tình huống
cần đến. Vì thế, ta có thể nói “Tôi biết sự sinh ra của con tôi”
mà không sợ phạm phải về mặt bản thể luận một giả định về sự tồn
tại của bất cứ thực thể nào có tên là “sinh”; bởi vì, với công
cụ mô tả mới này, ta cũng có thể nói “Tôi biết con trai tôi đã
ra đời”, trong đó không có một từ như “sinh” xảy ra hay cần đến.
- Từ thuyết mô
tả đó, Thế Thân tiếp tục tìm hiểu thêm về thể tính của ngôn ngữ
và kết quả là các thuyết luận lý mới đã được khám phá, đặt nền
tảng cho sự phát triển của luận lý học Ấn độ của rất nhiều người
nối tiếp ông. Trong số các thuyết mới này, có lẽ thuyết có giá
trị trường cửu nhất là quan niệm cho rằng giá trị của một chứng
cứ chỉ có thể được xác định trên cơ sở của chính nó chứ không
phải của bất cứ cái gì khác. Khái niệm này đã thúc đẩy ông tái
khảo sát vấn đề tri nhận, bởi vì nếu giá trị của một chứng cứ có
thể được xác định trên cơ sở của chính nó, thì cái gì là chứng
cứ của việc tri nhận các sự vật, một điều mà cho đến thời ông
vẫn được cho là thẩm quyền phán xét độc nhất của bất kỳ lập luận
nào. Việc tái khảo sát vấn đề này đã giúp ông biết được rằng tri
nhận phải được định nghĩa bằng ngôn ngữ mà nó được diễn tả nếu
muốn thoát khỏi những cạm bẫy mà rất nhiều thuyết được đề ra vào
thời ông về vấn đề này đã mắc phải. Thế nhưng, một khi tri nhận
được định nghĩa như vậy, điều hiển nhiên là phải tìm ra một cơ
cấu để có thể giải thích điều này. Và ở đây, Thế Thân buộc phải
tìm hiểu không chỉ tri nhận mà còn cả toàn bộ đời sống phức tạp
của thức sinh khởi một tri nhận riêng biệt, và kết quả là một
quan niệm về sự tự tri phải được giả định để có thể lý giải mọi
tri nhận nhất thiết phải là một sự tự tri. Có nghĩa là khi thấy
cái gì đó, tôi không chỉ thấy nó mà còn phải biết được sự kiện
tôi thấy nó.
- Khi giả định
một khái niệm như thế, điều tất nhiên là phải khảo sát để quyết
định xem nó bắt nguồn từ đâu và hoạt động như thế nào. Và điều
này đã mang lại nhận thức rằng không chỉ tri nhận phải được định
nghĩa qua ngôn ngữ nó được diễn tả, mà ngay cả thức cũng phải
được định nghĩa như vậy, bởi vì tự thân của thức chỉ là một sự
chuyển biến, và sự chuyển biến này lại là một cấu trúc ngôn ngữ.
Một lần nữa, nếu thật sự chuyển biến của thức là một cấu trúc
ngôn ngữ, thì ta phải đưa ra một giải thích tại sao nó lại như
thế. Giải thích đó sẽ không những giúp trả lời câu hỏi vừa nêu
mà đồng thời còn cho chúng ta một giải đáp trọn vẹn về quan tâm
triết học tiên khởi của Thế Thân. Tại sao? Bởi vì, mặc dù một
điều hiển nhiên là mọi vấn đề triết học đã nối nhau thu hút sự
chú ý của ông có thể được truy nguyên từ chính thuyết mô tả, vốn
là câu trả lời đầu tiên của ông về quan tâm triết học tiên khởi
của ông, nhưng vẫn không có lý do rõ ràng nào được đưa ra để
giải thích tại sao thuyết mô tả này nhất định đúng và hoàn toàn
phù hợp, có nghĩa là tại sao luật thay thế cơ bản có thể có giá
trị.
- Trở lại thí
dụ trên, ta có thể hỏi: Tại sao có thể thay phát biểu “Tôi biết
sự sinh ra của con trai tôi” bằng “Tôi biết con trai tôi đã ra
đời” mà không đánh mất đơn vị có ý nghĩa của nó? Những câu trả
lời cho câu hỏi này cũng như những câu tương tự cho đến nay đã
không tìm thấy mặc dù chúng rất quan trọng cho việc hiểu đúng
thuyết mô tả. Vì thế, để giải đáp vấn đề tại sao chuyển biến của
thức là một cấu trúc ngôn ngữ, Thế Thân đã đề ra một số câu trả
lời thuộc loại trên, như sẽ thấy. Vậy, tại sao chuyển biến của
thức là một cấu trúc ngôn ngữ?
- Chúng ta đã
nói rằng phát biểu sự chuyển biến của thức là một cấu trúc ngôn
ngữ là một kết luận được rút ra từ luận đề được trình bày trong
Tam Thập Tụng. Vì lẽ đó, bất kỳ xác chứng nào có được về
nó thì xác chứng đó phải được tìm thấy trong luận thư này. Luận
đề phát biểu “sự mô tả về ngã và pháp, vốn có tác dụng theo
nhiều cách, đều dựa vào sự chuyển biến của thức”.
Về mặt lịch sử, phát biểu này có thể hiểu theo hai cách. Thứ
nhất, nó có ý khẳng định mô tả về ngã và pháp là chuyển biến của
thức. Thứ hai, nó hàm ý chuyển biến của thức là nền tảng hoạt
động của mô tả về ngã và pháp. Cách nào trong hai cách trên là
đúng sẽ không phải là chủ đề thảo luận của chúng ta hôm nay; bởi
vì dù cách nào đúng, sự thật vẫn là sự mô tả về ngã và pháp được
quan niệm là nối kết bất khả phân với chuyển biến của thức, bất
luận nó đang được nối kết bất khả phân bằng cách nào. Nói cách
khác, dù mô tả về ngã và pháp có đồng nhất với, hay đặt cơ sở
trên, sự chuyển biến của thức, thì sự thật vẫn là sự mô tả được
nối kết bất khả phân với chuyển biến của thức. Vì thế, chừng nào
ta chưa biết được từ ngữ “mô tả” có nghĩa chính xác là gì, ta
vẫn chưa thể quyết định cách hiểu nào trong hai cách trên phản
ánh rõ hơn ý nghĩa mà Thế Thân muốn nói. Vậy, mô tả có nghĩa là
gì?
- Để trả lời
câu hỏi này, một lần nữa chúng ta lại không có một giải đáp cho
sẵn của chính Thế Thân. Và đây là một điều kỳ lạ bởi vì từ ngữ
này vốn có một vai trò quan trọng trong luận đề trên. Thật vậy,
nó xuất hiện rất sớm trong các tác phẩm của ông. Chẳng hạn,
chúng ta có thể tìm thấy trong Câu Xá Luận, nhưng dĩ
nhiên là không có định nghĩa nào về nó.
Kết quả, chúng ta phải giả thiết một lần nữa là từ “mô tả” đã
được dùng rất phổ biến vào thời ông và những người sử dụng đã
hiểu chính xác từ này mà không cần phải nói gì thêm về ý nghĩa
của nó. Độ chính xác của giả thiết này có thể dễ dàng chứng minh
qua việc thăm dò các tài liệu gốc chúng ta có được ngày nay về
từ ngữ này. Như vậy, nó đã xuất hiện với một nghĩa rất rõ ràng
và xác định trong một số văn bản thuộc những gì thường được gọi
là “Upaniṣad Tiểu Bản”.
Tuy nhiên điều đáng tiếc là ta không thể xác định thỏa đáng ngày
tháng xuất hiện của các bản này. Có người cho rằng chúng thuộc
về đời sau này, trong khi có người lại rộng lượng hơn khi giả
thuyết một tính chất cổ xưa nào đó cho chúng.
- Chúng ta
không thể bàn về vấn đề này ngay ở đây, vì nó không thật sự phù
hợp với chủ đề của chúng ta. Trong bất cứ trường hợp nào, cho dù
chúng ta có bàn đến thì nhiều lắm chúng ta chỉ đạt được một giả
thuyết mới không chắc chắn nào đó, một giả thuyết có lẽ không
khả quan hơn bất cứ giả thuyết nào đã cho. Vì thế, chúng ta sẵn
sàng chấp nhận những gì Upaniṣad
Tiểu Bản đã nói về từ “mô tả”, và quay sang các nguồn tư liệu
khác mà ta thừa nhận đã xác định đúng niên đại của chúng và,
trong vài trường hợp, có thể cho những thông tin tốt hơn về cách
dùng mà từ ngữ này có thể đã có. Nguồn tư liệu đầu tiên không gì
khác hơn Mahābhāṣya của
Patañjali.
- Khi bàn về
Pānini I.1.1, Kātyāyana đã đặt ra câu hỏi làm thế nào ta biết
được vṛddhi là chỉ cho
ā, āi, và āu, mà không phải trường hợp ngược lại, và rồi ông trả
lời bằng phát biểu rằng ta có thể biết được sự khác nhau “từ
cách dùng của Sư, như đã tìm thấy trong những gì có liên quan
đến ngôn ngữ Vệ đà và ngôn ngữ phổ thông”. Bàn về câu trả lời
này, Patañjali hỏi: “Nhóm từ ‘từ cách dùng của Sư’ có nghĩa gì?”
Và đây là trả lời của ông:
- Từ sự mô tả
của Sư, thì nó giống như những gì được thực hiện trên thế gian
và trong các bộ Vệ đà. Trên thế gian, khi một đứa bé sinh ra,
cha mẹ ở phòng bên đặt tên cho nó là Devadatta, Yajñadatta. Từ
sự mô tả về những tên gọi này, người khác biết rằng nó chỉ cho
đứa bé. Tương tự, trong Vệ đà khi một vị tế quan đặt tên các
dụng cụ tế lễ của ông ta như sphya, yūpa,
casāla, v.v., thì từ sự mô tả của các tên gọi đó bởi những
vị tôn kính đó, người khác biết rằng chúng chỉ cho các dụng cụ
đó. Đó cũng [là trường hợp] ở đây. Ngay cả ở đây có người nói
rằng chữ vṛddhi là cái
chỉ thị, và ā, āi và āu là những cái được chỉ thị, trong khi
những người khác đọc sūtra suci vṛddhiḥ
[Pānini VII.2.1] và minh họa nó bằng ā, āi và āu. Vì vậy, chúng
ta hiểu rằng, cái mà cùng với nó một cái khác được đề cập đến là
một cái chỉ thị và những cái mà chúng được đề cập đến là những
cái được chỉ thị.[5]
- Qua đoạn văn
trên, rõ ràng đối với Patañjali mô tả là một cách dùng được chấp
nhận của một tên gọi nào đó. Khi tôi gọi một bông hoa là cúc,
thì những người khác chỉ biết nó là bông cúc nhờ sự mô tả này,
tức cách dùng của cái tên “cúc” đó. Tính chất đồng nghĩa của hai
từ “mô tả” và “cách dùng” được chấp nhận rộng rãi thật lâu sau
thời của Patañjali và vẫn còn được dùng ngay cả sau thời của Thế
Thân. Trong luận giải của mình về Nyāyasūtra, Vātsyāyana
ít nhất đã một lần xem như đồng nhất hai từ “mô tả” và “cách
dùng” một cách đặc biệt,
cho dù chính Nyāyasūtra đã định nghĩa từ “mô tả” theo
cách khác.
- Trong đó, từ
này xuất hiện đến chín lần, tức Nyāyasūtra I.2.11, 14,
15; II.2.14, 30, 61, 62, 64; và IV.1.54, trong số đó chỉ có một
lần là không được hiểu theo cách Nyāyasūtra định nghĩa
chúng. Đó là trường hợp ngoại lệ chúng ta vừa chỉ ra, liên quan
đến Nyāyasūtra II.2. 62, trong đó Vātsyāyasūtra
diễn giải mô tả có nghĩa là “cách dùng”. Vậy, Nyāyasūtra
định nghĩa, và Vātsyāyana hiểu, các trường hợp còn lại như thế
nào? Chuỗi xuất hiện đầu tiên của từ này chủ yếu nói về các loại
“bẫy” luận lý khác nhau do cách dùng mơ hồ của ngôn ngữ.
Nyāyasūtra định nghĩa các bẫy này như sau:
- Bẫy luận lý
là sự phản bác về một phát biểu bằng cách đưa ra một cấu trúc
ngôn ngữ về một đối tượng, và nó có ba loại: bẫy từ ngữ, bẫy
tương tự và bẫy mô tả. Bẫy luận lý từ ngữ là cấu trúc ngôn ngữ
về một đối tượng khác với cái được dự định của người nói khi đối
tượng đó được anh ta nói đến một cách mơ hồ. Bẫy luận lý tương
tự là cấu trúc ngôn ngữ về một đối tượng không thật bằng cách
nối kết nhiều sự tương tự với đối tượng đó hơn là cái nó thật sự
có. Bẫy luận lý mô tả là phủ nhận hiện hữu thật sự của một đối
tượng trong khi đưa ra một cấu trúc ngôn ngữ về một vật [thay
chỗ nó]. Nay, có phải bẫy luận lý mô tả chỉ là một bẫy luận lý
từ ngữ do chúng không khác nhau? Không, không phải, bởi vì chúng
có các loại đối tượng khác nhau. Hơn nữa, nếu chúng không khác
nhau, vậy tất yếu là chỉ có một bẫy luận lý, bởi vì cả ba loại
trên cùng chia sẻ một loại thuộc tính chung nào đó.
- Đó là lời bàn
đầy đủ về vấn đề các bẫy luận lý mà Nyāyasūtra đưa ra. Nó
được dịch trọn ở đây, không chỉ vì nó bàn đến từ “mô tả” đang là
chủ đề khảo cứu của chúng ta, mà còn vì sự tương tự giữa ngôn
ngữ nó đã sử dụng để bàn đến vấn đề đang được nó nói đến và ngôn
ngữ chính Thế Thân đã dùng trong các tác phẩm của ông, đặc biệt
là Tam Thập Tụng. Như vậy, khi Nyāyasūtra định
nghĩa bẫy luận lý mô tả là “sự phủ nhận hiện hữu thật sự của một
đối tượng trong khi đưa ra một cấu trúc ngôn ngữ về một vật thay
chỗ nó”, ta không thể không nghĩ ngay đến phát biểu của Thế Thân
“chuyển biến của thức là một cấu trúc ngôn ngữ” và “chuyển biến
đó là sự mô tả về ngã và pháp”. Dĩ nhiên sự quá giống nhau về
ngôn ngữ không tạo thêm điều gì cả, ngoài việc nó bảo đảm cho
chúng ta sự chính xác của cách tiếp cận của chúng ta với vấn đề
định nghĩa những gì mà tự thân Thế Thân đã bỏ lững không định
nghĩa. Có nghĩa, nếu Thế Thân không để ý đến hoặc không bỏ công
định nghĩa bất kỳ từ ngữ nào có ý nghĩa rất quan trọng đối với
chúng ta ngày nay để hiểu được tư tưởng ông, thì chúng ta có thể
giả định một cách an toàn là vì ông nghĩ rằng đã có người khác
làm việc đó và không cần phải lập lại.
- Lời bàn được
Nyāyasūtra đưa ra ở trên hiển nhiên không phải là một
định nghĩa rõ ràng về mô tả là gì. Điều muốn nói là nó cho chúng
ta một cái nhìn sơ bộ về vị trí mà định nghĩa đó chiếm lĩnh
trong thế giới biện giải của con người. Chẳng hạn, nó chỉ ra
rằng có người chủ trương cạm bẫy luận lý mô tả hoàn toàn không
khác với cạm bẫy từ ngữ. Chúng thuộc cùng loại bẫy luận lý như
nhau. Mặc dù qua nhiều thế kỷ, Nyāyasūtra cùng với các
nhà bình giải nó đã không chỉ ra chính xác ai là người chủ
trương như thế, nhưng chúng ta ngày nay biết rằng ít nhất cũng
có một trong các tác giả của Carakasaṃhitā
đã chủ trương như thế.[8]
Vì vậy, ở khía cạnh này chúng ta có thể chắc chắn rằng mô tả là
một dạng, nếu không phải là dạng độc nhất, của ngôn ngữ có thể
được xem như đồng nhất với chính ngôn ngữ, bất luận mô tả có thể
được định nghĩa như thế nào. Kết quả là ngay cả khi không có cố
gắng nào nhằm định nghĩa mô tả một cách minh nhiên thì
Nyāyasūtra, qua việc trình bày nhiều quan điểm khác nhau về
tương quan giữa bẫy luận lý từ ngữ và bẫy luận lý mô tả, rõ ràng
đã định đặt giới hạn cho các mô tả và định vị chúng một cách dứt
khoát trong các biên giới của ngôn ngữ. Vì lẽ đó, không có chút
mơ hồ nào về vị trí chúng phải có, chừng nào chúng vẫn còn được
nối kết với từ ‘cấu trúc ngôn ngữ’, và khi mà chúng được dùng
với từ đó.
- Ngoài ra, qua
việc định vị các mô tả như thế, Nyāyasūtra rõ ràng đã cố
gắng minh định chính xác những gì chúng bao gồm. Ở đây, để đánh
giá đúng cố gắng này, ta phải biết bẫy luận lý từ ngữ và mô tả
là gì. Vātsyāyana cho chúng ta biết bẫy luận lý từ ngữ thuộc
kiểu sau đây. Khi có người nói “navakambalo ’yaṃ
mānavakaḥ”, một câu nói
tiếng Phạn có thể được hiểu theo hai nghĩa: “thằng bé này có một
cái mền mới” hoặc “thằng bé này có chín cái mền” vì từ nava
trong đó có nghĩa là mới hoặc chín, thì người đó đã dựng lên một
cái bẫy luận lý từ ngữ cho chính anh ta, một cái bẫy mà đối thủ
của anh ta có thể dẫn anh ta vào cuộc tranh luận bằng cách chỉ
ra rằng nếu thằng bé chỉ có một cái mền, tại sao anh ta nói nó
có chín cái. Mặt khác, nếu thằng bé có chín cái mền, tại sao anh
ta lại nói nó có một cái mền mới. Vì thế, khi một câu nói có khả
năng tạo ra nhiều câu hỏi khác nhau thuộc loại này, nó sẽ thuộc
nhóm các bẫy luận lý từ ngữ.
- Về bẫy luận
lý mô tả, Vātsyāyana đưa ra các thí dụ kiểu sau. Khi có người
nói “cái bục thét lên” thì anh ta đã mắc phải bẫy luận lý mô tả,
bởi vì đối thủ của anh ta có thể phản ứng, “những người trên bục
thét lên chứ cái bục không thét lên”. Trong trường hợp này,
những gì đối thủ của anh ta làm là phủ nhận “hiện hữu thật của
đối tượng”, đối tượng mà câu nói của anh ta nhắm đến và ở đây có
nghĩa là những người ở trên bục, trong khi đặt vào chỗ của nó
“một cấu trúc ngôn ngữ về một vật”, một cấu trúc có thể khiến
cho câu nói “cái bục thét lên” có nghĩa chính xác như những gì
mà mỗi một từ cấu thành nó nói ra, tức “cái bục thét lên” chứ
không phải gì khác hơn.
- Vậy, rõ ràng
là cả hai loại bẫy luận lý đều được thực hiện bằng cách bóp nắn
từ ngữ.
Mặc dù Nyāyasūtra phân biệt sự khác biệt vi tế giữa bẫy
luận lý từ ngữ và bẫy luận lý mô tả bằng cách chỉ ra rằng trong
khi loại đầu chỉ liên quan đến sự bóp nắn nghĩa chính của một
từ, thì loại sau lại chỉ nói đến nghĩa phụ của nó,
nhưng chừng đó cũng đã đủ cho mục đích của chúng ta ở đây để
thấy rằng cả hai loại này đều xảy ra thông qua một loại bóp nắn
từ ngữ nào đó, không kể là nó liên quan đến nghĩa chính hay phụ.
Như vậy, mô tả bao gồm các từ ngữ thuộc một kiểu nào đó. Vì thế,
chúng không những được định vị trong lãnh vực ngôn ngữ mà còn
được biểu trưng bởi một loại từ ngữ của riêng chúng. Các thành
phần của mô tả vì thế được chỉ định rõ ràng. Và từ đây trở đi,
sẽ không còn câu hỏi về mô tả có nghĩa là gì, và chúng ta không
chờ đợi lâu mới có một trả lời về nó.
- Ở chương kế
tiếp, khi bàn đến vấn đề đối tượng của từ ngữ là một vật riêng
rẽ hay một nhóm các vật, Nyāyasūtra thấy rằng cần phải
nói rõ, theo quan điểm của nó, mô tả là gì. Ý nghĩa của việc
chọn thời điểm đó để đưa vào quan điểm của nó về mô tả sẽ không
bị bỏ qua, như sẽ thấy; và lý do tại sao nó quyết định làm thế ở
giai đoạn đó cũng sẽ rất rõ ràng sau đó. Điều lôi cuốn chúng ta
ở điểm này là nó đã định nghĩa từ ‘mô tả’ như thế nào. Nó nói: “mô
tả là cái ở tình trạng không phải chính nó do sự kết hợp của nó,
vị trí của nó, ý nghĩa của nó, hành động của nó, sự ước tính của
nó, sự trực thuộc của nó, môi trường của nó, sự nối kết của nó,
sự cho quả của nó và năng lực của nó, như trong trường hợp các
từ ‘bà la môn’, ‘cái bục’, ‘cái mền’, ‘nhà vua’, ‘bữa ăn lúa
mạch’, ‘đàn hương’, ‘sông Hằng’, ‘vải’, ‘đồ ăn’ và ‘con người’.”
Những gì định nghĩa này nói về từ ‘mô tả’ thì rất rõ ràng. Theo
đó, mô tả là bất cứ từ nào không chỉ cho chính nó, mà cho một
cái khác. Các thí dụ trên được Vātsyāyana giải thích thêm như
sau:
- Nói mô tả là
cái ở tình trạng không phải là chính nó tức nói rằng việc đặt
tên của một từ không áp dụng cho chính nó bởi chính từ đó. Điều
này vì (1) sự kết hợp của nó, như khi có người nói, ‘ai đó bẻ
cong cây gậy’ thì anh ta có ý chỉ cho vị bà la môn làm điều đó,
[vì] bà la môn luôn luôn được kết hợp với cây gậy. Hoặc vì (2)
vị trí của nó, như khi có người nói, ‘cái bục thét lên’ tức anh
ta có ý chỉ cho những người trên bục làm thế. Hoặc vì (3) ý
nghĩa của nó, như khi có người nói ‘ai đó làm một tấm thảm’, tức
anh có ý chỉ cho một tấm thảm rơm, vì tấm thảm có nghĩa là một
sự trải ra của rơm. Hoặc vì (4) hành động của nó, như khi có
người nói ‘cái chết là vua’, ‘của cải là vua’, tức anh ta có ý
nói những thứ này hành động như một ông vua. Hoặc vì (5) sự ước
tính của nó, như khi bữa ăn lúa mạch được đo bằng một adhaka,
người ta nói ‘bữa cơm lúa mạch bằng một adhaka’. Hoặc vì (6) sự
trực thuộc của nó, như khi gỗ đàn hương được giữ trong một bó
cỏ, người ta nói ‘đàn hương của bó cỏ’. Hoặc vì (7) môi trường
của nó, như khi có người nói ‘những con bò quanh quẩn trên sông
Hằng’, tức anh ta có ý nói ‘chúng quanh quẩn ở những nơi gần
sông Hằng’. Hoặc vì (8) sự nối kết của nó, như khi có người nói
‘vải đen’, tức anh ta có ý nói tấm vải được nối kết với màu đen.
Hoặc vì (9) sự cho quả của nó, như khi có người nói ‘thức ăn là
cuộc sống’. Hoặc vì (10) năng lực của nó, như câu nói ‘người đàn
ông này là vương quốc’, ‘người đàn ông này là giòng tộc’. Ở điểm
này, ta có thể nói rằng ngay cả từ ‘loại’ cũng sẽ chỉ thị một
vật thể riêng biệt do sự kết hợp hay sự nối kết của nó.
- Với giải
thích của Vātsyāyana, ý nghĩa của câu nói “mô tả là cái ở tình
trạng không phải là chính nó do sự kết hợp của nó, vị trí của
nó, v.v.,” thật quá rõ ràng. Một từ là một mô tả khi nó không
chỉ cho chính nó mà cho cái khác. Như vậy, khi có người nói “cái
bục thét lên”, từ ‘bục’ là một mô tả vì nó không chỉ thị một vật
thể có tên là ‘bục’, mà chỉ cho cái khác, trong trường hợp này
là những người đứng trên bục. Tương tự, câu nói ‘những con bò
quanh quẩn trên sông Hằng’ không có nghĩa là những con bò đang
đi đi lại lại trên mặt nước sông Hằng, mà là chúng đi lại ở
những nơi ở gần hoặc dọc theo sông Hằng. Vì thế, cụm từ “trên
sông Hằng” là một mô tả, vì nó không chỉ cho cái mà lẽ ra nó
phải chỉ, tức nước sông Hằng, nhưng thay vì thế nó lại chỉ một
cái khác, tức những nơi gần nó. Ý nghĩa của từ “mô tả” vì thế
hoàn toàn được xác định và định nghĩa rõ ràng.
- Ta có thể
nói, mô tả là bất cứ từ ngữ nào không chỉ cho vật thể mang từ
đó, mà thay vì thế lại chỉ cho một vật thể khác nào đó không
mang từ ngữ này. Một khi được định nghĩa như thế, ta có thể thấy
ngay tại sao định nghĩa về mô tả lại được đưa vào việc bàn luận
rằng đối tượng của một từ có phải là một vật riêng rẽ hay một
nhóm sự vật; và từ đó, ta có thể đánh giá sự chính xác trong
hiểu biết của Vātsyāyana về Nyāyasūtra khi ông giải nghĩa
từ ‘mô tả’ là ‘cách dùng’, như đã chỉ ra ở trên.
- Ta đã thấy
rằng Nyāyasūtra dùng từ ‘mô tả’ một vài lần trước khi cố
gắng nói rõ ý nghĩa của nó vào thời điểm mà sự thảo luận về đối
tượng của một từ là gì đã đạt đến điểm cao của nó với luận đề
cho rằng một sự vật riêng lẻ thật sự là đối tượng của một từ.
Biện luận đó như sau:
- Vẫn còn nghi
ngờ về liên hệ giữa [từ ngữ] và các sự vật riêng lẻ, hình dạng
và chủng loại, bởi vì [sự có mặt] của các mô tả. [Có người cho
rằng đối tượng của một từ là một] sự vật riêng lẻ do có các mô
tả, nơi mà chữ ‘đó’, nhóm, sự cho, sự sở hữu, số lượng, sự tích
tập, sự suy giảm, màu sắc, tổ hợp và huyết thống đều được áp
dụng cho mỗi sự vật riêng lẻ. [Chúng tôi trả lời], không phải
như vậy bởi vì điều đó sẽ là một diễn tiến vô cùng (progressus
ad infinitum). Mô tả là cái ở trạng thái không phải chính nó do
sự kết hợp của nó, vị trí của nó, ý nghĩa của nó, hành động của
nó, sự ước lượng của nó, sự thuộc về của nó, môi trường của nó,
sự nối kết của nó, sự cho quả của nó và năng lực của nó như
trường hợp các từ ‘bà la môn’, ‘cái bục’, ‘tấm thảm’, ‘nhà vua’,
‘bữa ăn lúa mạch’, ‘đàn hương’, ‘sông Hằng’, ‘tấm vải’, ‘thức
ăn’, và ‘con người’. [Vậy thì], hình dạng phải là [đối tượng của
một từ], vì ta có thể dựa vào nó để thiết lập sự xác định của
mỗi hữu thể. [Chúng tôi trả lời rằng không phải như vậy] vì nó
không dùng được cho việc hiến cúng, v.v., như trong trường hợp
của con bò bằng đất sét, nơi ngay cả [những yêu cầu của] sự vật
riêng lẻ và của hình dạng được thực hiện chính xác. [Vậy thì,
đối tượng của một từ là] chủng loại của một vật. [Chúng tôi trả
lời rằng] không phải như vậy, vì sự hiển bày của chủng loại là
nhờ sự phụ thuộc của nó vào hình dạng và sự vật riêng lẻ. Vì
vậy, đối tượng của một từ đồng thời cũng là một vật riêng lẻ,
một hình dạng và một chủng loại.
- Đọc hết đoạn
này, ta có thể thấy rõ chính do các mô tả mà đã xuất hiện những
nghi ngờ về đối tượng của một từ là gì. Vì lẽ đó cần phải minh
định mô tả là gì để có thể khiến cho những người tham dự thảo
luận này nhận thức rõ ràng các ý nghĩa được hàm chứa trong quan
niệm mô tả đối với vấn đề đối tượng của một từ là gì. Nếu chủ
trương rằng đối tượng của một từ là mỗi sự vật riêng lẻ, thì ta
có thể nói gì về những từ như “cái bục” trong câu nói “cái bục
thét lên”, trong đó đối tượng của phát biểu không phải là một
cái bục như ta tưởng mà là những người trên cái bục đó? Cuối
cùng, nếu nói rằng đối tượng của một từ là chủng loại của một sự
vật thì cũng gặp phải khó khăn trên, bởi vì làm thế nào ta có
thể sắp xếp những người trên bục và cái bục vào cùng một loại?
Với những khó khăn này, thật không ngạc nhiên chút nào nếu ta có
thể kết luận rằng từ ngữ chỉ là những mô tả và đối tượng chỉ là
cái được từ ngữ mô tả chứ không phải biểu trưng. Chúng ta không
ngạc nhiên, bởi vì đó là một kết luận độc nhất, chính xác và có
thể có. Thế nhưng, điều kỳ dị là Nyāyasūtra chỉ bằng lòng
lập lại những gì đã rất phổ biến từ thời của Pānini. Một điều tệ
hơn là trong khi Pānini đã thành công đưa ra một giải đáp chính
thức cho vấn đề này, và vì thế thoát khỏi mọi nghi vấn kèm theo
có thể sinh khởi từ đó, thì Nyāyasūtra lại thất bại trong
cố gắng này. Như vậy, theo Patañjali, để giải đáp thắc mắc “Đối
tượng của một từ là hình dạng hay sự vật?”, Pānini đã đề nghị
câu trả lời sau đây:
- Ông ta nói cả
hai. Làm sao biết được điều đó? Bởi vì các kinh điển đều thừa
nhận hai quan điểm trên đã được viết ra. Như Kinh I. 2. 58 nói
rằng số nhiều có thể đồng thời xem như số ít khi nó biểu thị một
chủng loại, có nghĩa hình dạng là đối tượng của một từ; trong
khi Kinh I. 2. 64 nói rằng khi các từ có cùng dạng và có cùng
phần đuôi thì một trong số chúng vẫn giữ nguyên, có nghĩa, vì
dựa vào khái niệm về cái giữ nguyên nên đối tượng của một từ là
một sự vật.
- Vậy thì, với
Pānini, vấn đề xác định đối tượng một từ là gì hình như rất đơn
giản, nếu không muốn nói là quá đỗi bình thường. Ông đề ra một
số quy tắc chính thức để ta có thể dễ dàng chứng minh đối tượng
của một từ có phải là một sự vật hay một chủng loại sự vật. Vì
lẽ đó bất cứ khi nào áp dụng quy tắc I.2.58 của ông thì từ ngữ
được nói đến có đối tượng của nó là một chủng loại. Và bất cứ
khi nào quy tắc I.2.64 được dùng thì từ đó lại biểu trưng cho
một sự vật. Ta có thể thấy Pānini đã khôn khéo né tránh vấn đề
mà nó có thể nhận chìm ông một cách hiển nhiên vào mọi loại câu
hỏi khó chịu bằng cách nương vào một giải pháp hoàn toàn chính
thức, giải pháp mà ta phải thừa nhận là rất thỏa đáng đối với
chủ đề của ông.
- Tuy nhiên,
khi vay mượn thuyết của Pānini, hình như Nyāyasūtra không
biết rằng nó không có được điểm thượng thặng mà Pānini có. Vì
thế, nó không đưa ra được bất kỳ chỉ dẫn rõ ràng nào về vấn đề
làm thế nào có thể xác định khi nào đối tượng của một từ là một
sự vật, một hình dạng hay một chủng loại, hay cả ba cùng một
lúc, một vấn đề mà như đã nói có thể được giải quyết không chút
khó khăn bằng sự thử nghiệm chính thức do Pānini cung cấp. Và
đây có lẽ là thất bại đáng kể nhất của Nyāyasūtra trong
thuyết minh thú vị của nó về vấn đề đối tượng của từ ngữ. Trong
bất kỳ trường hợp nào, khi đưa vấn đề mô tả vào sự thảo luận về
vấn đề đó, chắc chắn Nyāyasūtra đã cho thấy rằng vào thời
của nó khái niệm mô tả đã đặt ra một thách thức mạnh mẽ cho mọi
giải pháp có thể có về đối tượng của từ ngữ là gì. Thật vậy, như
đã chỉ ra trước đây, qua việc định nghĩa mô tả là “cái ở vào
trạng thái không phải chính nó”, thì khái niệm đó có thể thách
thức nghiêm trọng tất cả các giải pháp truyền thống, kể cả giải
pháp của Pānini cũng như rất nhiều giải pháp khác. Vì thế, ít ra
ở điểm này, ta phải xem đó là một trong những đóng góp nổi bật
nhất của Nyāyasūtra cho sự hiểu biết của chúng ta về lịch
sử tổng quát của khái niệm mô tả. Nó nhận ra ý nghĩa của khái
niệm đó ngay cả khi những người luận giải về nó qua bao thế kỷ
đều thất bại không nắm bắt được một cách đúng đắn.
- Vào lúc
Vātsyāyana viết luận thư tiêu chuẩn của ông về Nyāyasūtra,
mặc dù ông đã dành một chỗ đáng kể để bàn về đối tượng của một
từ là gì với một mô tả toàn bộ các quan điểm truyền thống ông
biết đến, nhưng hầu như ông đã không nói gì về từ ‘mô tả’. Hơn
nữa, ông lại giải nghĩa nó là “cách sử dụng” hay “sự sử dụng”,
một giải thích cho thấy ông không đánh giá đầy đủ ý nghĩa quan
trọng của từ này, bởi vì, như chúng ta thấy, chính do các mô tả
mà sự nghi ngờ về mối liên hệ giữa từ ngữ và sự vật, hình dạng
và chủng loại đã sinh khởi. Chính do chúng mà toàn bộ thảo luận
về chủ đề được nói đến đã xảy ra. Ngoài ra, ngay cả việc giải
nghĩa nó là “cách sử dụng” hay “sự sử dụng” hình như cũng không
được thực hiện trọn vẹn. Vātsyāyana đã bình giải như sau về phát
biểu của Nyāyasūtra nói rằng “có người chủ trương đối
tượng của một từ là một sự vật riêng lẻ bởi lẽ có những mô tả mà
trong đó từ ngữ ‘cái đó’, nhóm, sự cho, sự sở hữu, số lượng, sự
gia tăng, sự suy giảm, màu sắc, tổ hợp và huyết thống, tất cả
đều được dùng cho mỗi sự vật riêng lẻ”:
- Đối tượng của
một từ là một sự vật riêng lẻ. Tại sao? Vì có các mô tả như từ
ngữ ‘cái đó’ được áp dụng cho một sự vật riêng lẻ. Ở đây, mô tả
có nghĩa là cách sử dụng. Một câu nói như ‘con bò đó đứng’, ‘con
bò đó đang nằm’, không phải là một chỉ thị về một chủng loại bởi
vì không có phức tính trong đó. Nhưng nếu có phức tính, thì nó
lại là một biểu thị về một vật. Nếu có phức tính, thì một diễn
tả như “một nhóm các con bò” là tên của một sự vật chứ không
phải của một chủng loại, bởi vì không có phức tính đối với chủng
loại. Câu nói “ông ta trao con bò cho người thầy thuốc” có nghĩa
rằng thật sự có việc từ bỏ một sự vật chứ không phải từ bỏ một
chủng loại bởi vì chủng loại không phải là vật chất và không thể
được trao đổi bằng cách này hay cách khác. Tính sở hữu có nghĩa
là có một quan hệ sở hữu như trong các câu nói “con bò của
Kaundinya”, “con bò của người bà la môn”. Vì thế đương nhiên là
ta có thể có quan hệ phức tính với các sự vật được gọi tên nếu
có nhiều sự vật. Nhưng người ta nói rằng chủng loại không có
phức tính, có nghĩa là không thể phân chia. Số có nghĩa là mười
con bò, hai mươi con bò, v.v. Như vậy, chính nhiều sự vật được
đếm chứ không phải chủng loại, bởi vì không có phức tính đối với
chủng loại. Gia tăng có nghĩa là sự tích tập các phần của một sự
vật được tạo ra, như trong câu nói “con bò lớn lên”. Nhưng người
ta nói chủng loại không có thành phần. Suy giảm cũng như thế,
được giải thích tương tự. Màu sắc thì như trong các câu nói “con
bò màu trắng”, “con bò màu nâu”, ..., vì thế tính chất được gắn
vào một sự vật mà không phải vào một đặc tính chung chung. Tổ
hợp thì như trong cách nói “tốt cho con bò”, “thoải mái cho con
bò”,..., nơi mà các từ “tốt”, v.v., được nối kết với một sự vật
chứ không phải với chủng loại. Huyết thống có nghĩa là một chuỗi
sinh đẻ liên tục của cùng một loại như con bò sinh ra một con
bò, và sự sinh đẻ này không dành cho một chủng loại. Vì thế, đối
tượng của một từ không gì khác hơn một vật thật, một vật thật
riêng lẻ.
- Bình giải
trên của Vātsyāyana rõ ràng cho thấy ông không phải dựa vào khái
niệm mô tả như Nyāyasūtra định nghĩa nó, có nghĩa mô tả
là cái ở trạng thái không phải chính nó do sự kết hợp, v.v. Thay
vì thế, ông chỉ diễn giải nó là “cách sử dụng” như truyền thống
của Patañjali đã làm, theo đó vấn đề đối tượng của một từ là gì
chỉ có thể được quyết định theo cách dùng của nó. Vì thế, ở đây
hình như Vātsyāyana ít ra cũng tin rằng Nyāyasūtra đã vay
mượn không chỉ câu trả lời của Pānini về vấn đề đối tượng của
một từ mà còn vay mượn cả cách thử nghiệm chính thức của ông để
xem câu trả lời này có phù hợp hay không. Đây có phải là lý do
Nyāyasūtra chỉ bằng lòng lập lại điều Pānini đã nói về đề
tài đó? Dù sao đi nữa, chúng ta biết chắc rằng Nyāyasūtra
đã công nhiên định nghĩa chính xác mô tả là gì, và định nghĩa đó
vẫn thịnh hành vào thời của Vātsyāyana, như đã được chứng thực
trong trích dẫn của ông về nó.
- Như vậy, vấn
đề họ đã rút ra từ đó một kết luận sai hay đúng là điều không
quan trọng, mặc dù về mặt luận lý ta vẫn nghĩ là họ đã làm như
thế. Và với điều này, họ đã làm chúng ta quá thất vọng. Ngoài
ra, khi đưa khái niệm mô tả vào thảo luận về đối tượng của từ
ngữ, Nyāyasūtra đã chứng thực rằng nó biết rõ tính chất
bất khả thi của nhiều giải pháp liên quan đến vấn đề này. Vì
thế, sự thất bại đã không rút ra được một kết luận chính xác
càng trở nên đáng tiếc hơn. Thật vậy, trước thời Thế Thân, khái
niệm mô tả đã nhận được rất ít sự chú ý đến độ nó bị xem như
chẳng có giá trị nào trong việc giúp giải quyết nhiều vấn đề
khác nhau mà khoa ngữ học cao cấp của Ấn độ đặt ra. Và sau thời
Thế Thân, cũng chỉ có Bhartṛhari
và An Huệ để ý đến khái niệm này trong tư duy triết học của họ,
mặc dù vẫn không rút ra được nhiều điều từ đó do sự khác biệt về
quan điểm triết học của họ. Thế nhưng, nhờ quan tâm đến khái
niệm này mà họ đã đưa ra nhiều thuyết minh hiếm thấy và giá trị
không những về chính triết học Thế Thân mà cả những người trước
ông; và nhờ thế, chúng ta có thể thấy được tư tưởng của ông đã
phát triển như thế nào về mặt lịch sử. Đồng thời, chúng ta cũng
phải thừa nhận đó là đóng góp quý báu nhất của họ trong việc làm
sáng tỏ triết học phong phú của Thế Thân, có lẽ là trong nỗ lực
hoàn trả món nợ mà họ đã vay của Thế Thân.
- Vì thế, sau
khi lập lại định nghĩa tiêu chuẩn về mô tả là gì qua phát biểu
mô tả là cái được áp dụng cho những gì không phải là nó và ở
những nơi không có nó, An Huệ đã thuyết minh vấn đề mô tả, qua
định nghĩa đối tượng của từ ngữ là gì, như sau:
- Nhưng có
người khác nói rằng nếu không có ngã và pháp dùng làm ý nghĩa
đầu tiên của một từ, thì không hợp lý để nói đến mô tả. Vì một
mô tả chỉ có giá trị khi có đủ ba điều kiện: nếu thiếu một trong
số đó sẽ không có mô tả. Ba điều kiện là: (1) một đối tượng dùng
làm ý nghĩa đầu tiên của một từ, (2) một đối tượng khác tương tự
như đối tượng đó và (3) sự tương tự giữa chúng. Chẳng hạn, lửa
là đối tượng đầu tiên dùng làm ý nghĩa ban đầu của từ đó. Rồi,
đứa con trai là một đối tượng khác tương tự với lửa. Và cuối
cùng có một đặc tính chung giữa chúng, đó là trạng thái chúng
đều đỏ hay ấm. Vì thế, ta có thể tạo ra một mô tả ‘đứa con trai
lửa’.
- Về điểm này
chúng tôi hỏi: lời mô tả ‘đứa con trai lửa’ mô tả một chủng loại
hay một sự vật? Trong cả hai trường hợp đều không có sự mô tả.
Vì ở đây đặc tính chung chúng đều đỏ hoặc ấm không thuộc một
chủng loại; và khi không tồn tại một đặc tính chung, thì không
đúng để nói về sự mô tả một chủng loại qua đứa con trai đó, do
sự vượt quá ý nghĩa của nó. Nếu [người ta lập luận rằng] cho dù
một chủng loại không hiện hữu trong một đặc tính chung, thì
trạng thái có màu đỏ và ấm vẫn được nối kết bất khả phân nhờ vào
một chủng loại; vì thế, vẫn có thể nói về mô tả một chủng loại
qua đứa con trai đó; lúc đó ta có thể đáp rằng một khi [đã thừa
nhận] một chủng loại không hiện hữu trong một đặc tính chung,
thì không đúng để chủ trương rằng trạng thái có màu đỏ và ấm
được nối kết bất khả phân như những gì được nhìn thấy ở đứa con
trai. Hơn nữa, trong trường hợp chúng được nối kết bất khả phân,
sẽ không có mô tả vì một chủng loại thật sự hiện hữu ở đứa con
trai và lửa. Vì thế, một mô tả chủng loại đối với đứa con trai
thì không thể được.
- Một mô tả về
pháp cũng không thể được bởi lẽ không có đặc điểm chung. Bởi vì
tính chất có màu đỏ hay hơi ấm của lửa không giống như cái được
tìm thấy ở đứa con trai. Thật vậy, chúng hoàn toàn khác nhau, vì
sự đặc trưng hóa này gắn liền với các thực thể riêng của chúng.
Và nếu không có tính chất của lửa thì không hợp lý để áp dụng
một mô tả về lửa cho đứa con trai. Nếu lập luận rằng vẫn hợp lý
bởi vì sự tương tự giữa tính chất của lửa và tính chất của đứa
con trai, thì vẫn hoàn toàn hợp lý để áp dụng tính chất đỏ và ấm
của lửa cho tính chất đỏ và ấm của đứa con trai, thế nhưng không
hợp lý để áp dụng một mô tả về lửa cho đứa con trai vì sự tương
tự về tính chất không đòi hỏi một quan hệ cần thiết giữa chúng.
Vì thế, một mô tả về vật cũng không hợp lý.
- Ngoài ra,
không có tồn tại đối tượng của một từ có thể dùng làm ý nghĩa
đầu tiên của từ đó, bởi vì hình thể riêng của nó nằm ngoài lãnh
vực của mọi hiểu biết và diễn đạt. Thật vậy, sự hiểu biết và
diễn đạt chỉ có tác dụng đối với ý nghĩa đầu tiên của một từ nhờ
vào hình thể tính chất của nó, vì chúng không có bất cứ tiếp xúc
nào với chính hình thể của đối tượng được nói đến. Nói cách
khác, điều tất yếu là tính chất chẳng có công dụng gì cả. Thật
vậy, không có phương tiện nào khác hơn sự hiểu biết và diễn đạt
để định nghĩa hình thể riêng của đối tượng của một từ. Và vì
hình thể riêng của đối tượng dùng làm ý nghĩa đầu tiên của một
từ thì nằm ngoài sự hiểu biết và diễn đạt, cho nên tất yếu là
không có đối tượng của một từ dùng làm ý nghĩa đầu tiên của từ
đó. Như vậy, đối với từ ngữ, không có tồn tại sự hiểu biết cũng
như sự diễn đạt bởi lẽ không có tồn tại một quan hệ cần thiết.
Vì vậy, do không tồn tại tên gọi và cái được gọi tên, cho nên
cũng không có đối tượng của một từ dùng làm ý nghĩa đầu tiên của
từ đó. Vì lẽ đó, mọi sự vật đều được gọi tên theo tính chất của
chúng; không đối tượng nào dùng làm ý nghĩa đầu tiên của một từ.
Bởi vì tên gọi chỉ tính chất có tác dụng ở nơi mà hình thể riêng
của một đối tượng không được tìm thấy, và mọi từ ngữ đều có tác
dụng trên đối tượng mà nó chỉ có thể dùng làm ý nghĩa đầu tiên
của một từ nhờ vào hình thể tính chất không được tìm thấy ở đó.
Kết quả, không có bất kỳ đối tượng nào có thể dùng làm ý nghĩa
đầu tiên cho một từ.
- Về điểm này,
thật không đúng để nói rằng nếu không có ngã và pháp dùng làm ý
nghĩa đầu tiên của một từ thì không hợp lý để nói về mô tả.
- Những gì An
Huệ nói ở trên nay giải thích cho chúng ta tại sao Nyāyasūtra
lại nói về điều “vẫn còn nghi ngờ về quan hệ giữa từ ngữ và sự
vật, hình thể và chủng loại do các mô tả”. Người ta nghĩ rằng
mỗi từ phải biểu trưng một sự vật hoặc hình thể hoặc một chủng
loại các sự vật. Tuy nhiên, khi ta dùng các từ như “đứa con
trai-lửa” thì từ ‘lửa’ có liên quan gì với từ ‘đứa con trai’? Cả
hai đều không có quan hệ nào với nhau, bất kể ta nghĩ đối tượng
của một từ phải là gì. Nếu nghĩ rằng đối tượng của nó là một sự
vật riêng rẽ thì lửa là một vật và đứa con trai là một vật khác.
Cả hai khó có thể có cái gì chung. Thật vậy, nếu thằng bé không
cẩn thận, nó có thể bị lửa đốt chết. Tương tự, thằng bé cũng có
thể dập tắt lửa. Một mặt, nếu ta nghĩ rằng chính hình thể, tức
cấu trúc của một vật làm đối tượng của từ thì lại không có gì
chung giữa hình thể của lửa và hình thể của thằng bé. Như vậy,
thật phi lý để nói về một “thằng bé-lửa” về mặt này. Mặt khác,
nếu viện lẽ đối tượng của một từ là chủng loại của nó thì chủng
loại của lửa có liên quan gì đến chủng loại thằng bé. Chắc chắn
chúng không thuộc cùng loại. Từ phân tích như thế, ta chỉ có thể
rút ra một kết luận duy nhất, đó là, những từ như “lửa”, “thằng
bé”, v.v., phải là những mô tả, bởi vì là mô tả thì chúng mới có
thể được dùng cho những gì không phải chúng và cho những nơi
không thuộc về chúng, và vì thế không cần phải đáp ứng bất kỳ
điều kiện nào mà phân tích dẫn trên nêu ra. Nói cách khác, đối
tượng của từ không phải là một sự vật, một hình thể, cũng không
phải chủng loại; nó không có đối tượng nào cả. Nó chỉ là một mô
tả có thể mô tả một tính chất nào đó, một khía cạnh nào đó của
đối tượng tùy theo cách nó được sử dụng, và như thế có thể giúp
nhận ra đối tượng đó. Vậy, rõ ràng mọi từ ngữ đều là những mô tả
do cách chúng được sử dụng. Có lẽ, do lý luận này mà Vātsyāyana
và người trước ông là Patañjali đã diễn giải sự mô tả là sự sử
dụng hay cách sử dụng.
- Đối với An
Huệ, trong trường hợp nào đi nữa thì từ ngữ không biểu trưng một
đối tượng, mà được dùng để ám chỉ nó qua một số các tính chất
của nó. Mô tả vì thế có nghĩa là mô tả tính chất một đối tượng
và không còn gì khác. Vì vậy, bàn luận trên của An Huệ cho ta
một khái niệm chính xác tại sao Nyāyasūtra lại đưa định
nghĩa của nó về mô tả vào phần trình bày đối tượng của một từ là
gì, đồng thời cho thấy từ ‘mô tả’ chính xác có nghĩa gì đối với
những ai tiếp tục ủng hộ truyền thống tư tưởng của Thế Thân. Vì
lẽ đó, trong một phạm vi đáng kể nó rất hữu ích, nhất là trong
việc xác định rằng định nghĩa của Nyāyasūtra về từ đó
được chấp nhận một cách thoải mái và được sử dụng ngay trong
phạm vi triết học của chính Thế Thân. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng
khi thuyết minh như thế về vấn đề trên, An Huệ đã không vào được
phần trọng tâm của nó. Cần chấp nhận một sự thật là khi những
diễn tả như “đứa con trai-lửa” được dùng đến, giống như trong
ngôn ngữ hàng ngày mà ai cũng có thể hiểu được, thì ta không thể
không kết luận rằng một tên gọi chỉ là một mô tả và chỉ có thế.
Nhưng kết luận đó cũng chỉ là sự khái quát hóa có giá trị đáng
ngờ, bởi vì có thể vẫn còn một từ nào đó không chịu sự phân tích
đã được áp dụng cho những loại diễn tả như “đứa con trai-lửa”,
v.v… Và ở đây, tìm hiểu của Bhartṛhari
về vấn đề mô tả đã đưa ra những kết quả thú vị nhất.
(còn tiếp)
- dịch Việt: Đạo Sinh
- ***
-
-
-
-
由假
説
我
法
有
種
種
相
轉
-
彼依
識
所
變
此
能
變
唯
三 .
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
--o0o--
|
|