PHẬT GIÁO VIỆT NAM

LỜI GIỚI THIỆU
 
Phật giáo bắt rễ đến đâu là thâm nhập ngay vào mọi sinh hoạt của quần chúng nhân dân. Phật giáo Việt Nam là một tiêu biểu rõ nét: trong suốt hai ngàn năm gắn bó với đất nước và dân tộc, những ngôi chùa là những chứng tích lịch sử, tư tưởng, văn hóa, nghệ thuật, in dấu những sinh hoạt của người Việt Nam qua các thời đại.
Trong những năm gần đây, khá nhiều công trình nghiên cứu, giới thiệu về chùa Việt Nam đã được xuất bản. Đây là dấu hiệu đáng mừng trong việc khơi dậy tinh thần tôn trọng văn hóa dân tộc cũng như văn hóa Phật giáo. Cuốn sách DANH LAM NƯỚC VIỆT do Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương biên soạn là một đóng góp đáng kể cho nỗ lực đầy ý nghĩa ấy. Đặc biệt, qua những hình ảnh và các bài viết miêu tả các ngôi chùa nổi tiếng, hai soạn giả còn giới thiệu một số sinh hoạt, hành trạng, có khi cả những tình cảm, tư duy và sự khéo léo tế nhị của Phật gia, danh nhân lịch sử, văn thi gia, nghệ nhân qua các mẩu chuyện, truyền thuyết, bài thơ gắn liền với những khung thời gian, không gian liên hệ. Tất cả tạo thành một màu sắc truyền thống, đa dạng và sáng tạo, khi thì rực rỡ sống động, khi thì lung linh thi vị.
Ở đây, dù khá công phu và cẩn thận khi trình bày các tư liệu, những người biên soạn hình như không đặt nặng tính chất khảo cứu khoa học mà chỉ nhằm giới thiệu một số nét kiến trúc và điêu khắc độc đáo của chùa Việt Nam lồng trong một tấm lòng hoài cổ.
Hơn mười bốn ngàn ngôi chùa được thống kê - và có lẽ con số thực sự còn cao hơn nữa - đã tô điểm cho non sông nước Việt. Người Việt thường dùng hai từ ghép "danh lam thắng cảnh" như mặc nhiên công nhận chùa nổi danh đi đôi với cảnh xinh đẹp. Thực vậy, thiên nhiên làm đẹp ngôi chùa và ngôi chùa tạo duyên dáng cho thiên nhiên. Ngay cả những nơi đô hội, sự hiện diện của ngôi chùa hẳn cũng làm dịu bớt không khí náo nhiệt, sôi nổi đến gần như hời hợt vô tình của nếp sống hiện đại. Trong ý nghĩa này, thật khó mà chọn hết được những ngôi chùa nổi tiếng.
Tại sao soạn giả chọn 45 trong số lượng lớn các danh lam của nước Việt? Hiển nhiên, trước hết là do khuôn khổ giới hạn của cuốn sách; kế đến, theo như Lời nói đầu, "? đây là những ngôi chùa tương đối tiêu biểu cho sự phát triển của đạo Phật ở Việt Nam, cho các hệ phái cũng như các địa phương trên cả nước". Có thể có độc giả sẽ không đồng ý về sự lựa chọn trên, vì tiêu chuẩn chọn lựa còn bị hạn chế ít nhiều. Tuy nhiên, đây không phải là một thống kê khoa học. Có lẽ những người biên soạn chỉ muốn cố gắng giới thiệu một số di sản văn hóa với lòng cảm xúc, sự kính mộ đối với tôn giáo Từ bi và Trí tuệ đã truyền sức sống của mình vào dân tộc và mang sức sống của chính dân tộc.
Nhận định như thế, tôi nghĩ rằng DANH LAM NƯỚC VIỆT của Võ Văn Tường và Huỳnh Như Phương là một công trình có giá trị và xin trân trọng giới thiệu cùng chư độc giả.
Chùa Từ Đàm, Trọng Đông Quý Dậu, 1993
Hòa Thượng THÍCH THIỆN SIÊU
 
--o0o--