PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(SÙNG NGHIÊM TỰ)
 
Vào thế kỷ XVII ở làng Mía, nay thuộc xã Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, tỉnh Hà Tây, có bà Nguyễn Thị Dong tức Nguyễn Thị Ngọc Diệu là vợ của Chúa Thanh Đo Vương Trịnh Tráng, nên còn được gọi là Bà Chúa Mía. Một trong những công đức mà Bà Chúa Mía để lại cho quê hương là đã đứng ra hưng công đại trùng tu ngôi chùa Mía, tức Sùng Nghiêm Tự (nguyên được dựng từ đời Trần) vào năm 1632.
Nằm trên một ngọn đồi đá ong, lúc đầu chùa Mía chỉ có` cổng và hai tòa thượng điện, hậu đường, mỗi tòa 7 gian dựng song song. Chùa được tu bổ và hoàn chỉnh dần vào thế kỷ XVII và XIX.
Khuôn viên chùa được chia làm ba khu tương đối tách bạch nhau: ngoài cùng là cửa tam quan trông ra một bãi đất rộng bên cạnh là chợ Mía. Trên gác có treo một chuông đồng đúc năm 1743 và một khánh đồng đúc năm 1846.
Qua khỏi tam quan là hai khoảng sân liên tiếp, cách nhau bởi một cổng gạch giữa bức tường hoa cánh gà. Ở góc phải sân thứ nhất có một cây đa khoảng vài trăm tuổi, kế cây đa là Liên Đài bảo tháp cao 13,5m. Sân thứ hai có những bồn hoa và hòn non bộ. Phía bên trái có dãy nhà tổ và nhà trai.
Nằm trên độ cao cách sân 7 bậc thềm là khu chùa chính gồm: tiền đường, trung điện, nhà thiêu hương, hành lang và hậu điện. Tiền đường gồm 5 gian 2 chái, gian bên trái có một tấm bia dựng năm 1632 đặt trên lưng rùa, nội dung ghi lại sự tích Bà Chúa Mía xây chùa. Trung điện và hậu điện được nối với nhau bởi hai dãy hành lang quanh nhà thiêu hương. Trung điện và nhà thiêu hương nối vào nhau theo kiểu chuôi vồ.
Nghệ thuật điêu khắc ở chùa Mía nổi bật ở những đường nét chạm trổ tinh vi trên tòa gác chuông với các góc mái đều gắn đao triện, ở các hàng lan can, các ván long, xà nách? Nhưng di sản đáng quí nhất ở chùa là 287 pho tượng lớn nhỏ, trong đó một nửa tạc bằng gỗ, một nửa bằng đất luyện, sơn son thếp vàng. Tiêu biểu là tượng hai vị Hộ Pháp cao gần tới nóc nhà, tượng Bát bộ Kim Cương bằng đất luyện khắc họa những nét điển hình về ngoại hình, dung mạo của những con người giàu tinh thần thượng võ, sẵn sàng bảo vệ chính pháp. Chùa có tôn trí tượng Tuyết Sơn, biểu hiện đức Phật Thích-ca thời kỳ tu khổ hạnh, thân thể gầy gò đến mức tất cả xương cốt đều lộ ra, nhưng thần sắc của tư duy thì vẫn tồn tại. Chùa Mía còn có một tuyệt tác về điêu khắc là pho tượng Quan Âm tống tử, thường gọi là tượng Bà Thị Kính. Với đường nét chạm khắc mềm mại và sinh động, pho tượng này tái hiện hình ảnh một người phụ nữ Việt Nam hiền hòa, tay ẫm đứa bé bụ bẫm, vẻ mặt đượm buồn, mắt nhìn xuống đầy vẻ chịu đựng và bao dung.
Người làng Mía tự hào về pho tượng là điều dễ hiểu:
Nổi danh chùa Mía làng ta,
Có pho Tống Tử Phật Bà Quan Âm.
Và có lẽ đó là niềm tự hào không chỉ của riêng người làng Mía.
--o0o--