PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 
Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng, vượt qua cầu sông Hàn đi khoảng 8km trên một quãng đồng bằng phẳng thuộc xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang, du khách sẽ thấy Ngũ Hành Sơn hiện ra ở ven biển Đông. Thắng cảnh bậc nhất của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng này gồm nhiều ngọn núi mọc lên giữa thiên nhiên kỳ tú: Thủy Sơn ở phía Đông Bắc; Mộc Sơn ở phía Nam; Kim Sơn, Thổ Sơn ở phía Tây và Dương Hỏa Sơn ở phía Tây Nam. Nơi đây gió lộng quanh năm, bốn bề sông biển bát ngát. Dân gian thường gọi chung Ngũ Hành Sơn là hòn Non Nước.
Quê em có dải sông Hàn
Có hòn Non Nước, có hang Sơn Trà
Còn người châu Âu thì đặt tên cho Ngũ Hành Sơn là núi "Cẩm Thạch" (Montagnes de Marbre) vì ở dây có loại đá cẩm thạch rất quý được dùng trong xây dựng cũng như sản xuất các đồ mỹ nghệ tinh xảo.
Nằm trong khu thắng cảnh Ngũ Hành Sơn này có hai ngôi chùa cổ danh tiếng là Tam Thai và Linh Ứng. Cả hai ngôi chùa này đều được xây ở lưng chừng núi Thủy Sơn trong vị trí hài hòa với cảnh quan thiên nhiên chung quanh. Chùa Tam Thai ở sườn núi phía Nam, phải đi lên 156 bậc đá mới đến nơi. Còn chùa Linh Ứng nằm trên sườn núi phía Đông, đường đi lên phải qua 108 bậc đá. Gần chùa Tam Thai có Vọng Giang đài (Đài ngắm sông), từ đó nhìn thấy sông Hàn nước xanh uốn khúc giữa làng xóm, ruộng đồng; xa xa là đèo Hải Vân và dãy Trường Sơn trùng điệp ở phía Tây. Cạnh chùa Linh Ứng lại có Vọng Hải đài (Đài ngắm biển) nhìn về phía biển Đông bao la có cù lao Chàm mờ mờ ẩn hiện.
Chùa Linh Ứng được xây dựng vào khoảng thế kỷ XVI, tương truyền là do một vị Tiên hiền khai sáng làng Khải Đông đến ẩn tu tại động Tàng Chơn lập ra. Lúc đầu nơi đây gọi là Dưỡng Chơn am, sau đổi thành Dưỡng Chơn đường. Đến đời Minh Mạng trở thành ngôi chùa có tên Ứng Chơn Tự do Hòa thượng Quang Chánh, hiệu là Bảo Đài trụ trì. Tên Linh Ứng Tự ngày nay chính thức được đổi từ đời vua Thành Thái. Hiện trong chùa Linh Ứng có bộ tượng Thập bát La-hán rất quý được tạc công phu bằng đá Ngũ Hành Sơn theo mẫu của chùa Phước Lâm ở thị xã Hội An. Tượng cao 0,34m, ngang gối 0,23m, đế 0,04m.
Từ động Tàng Chơn phía sau chùa Linh Ứng có đường dẫn đến động Tam Thanh, động Chiêm Thành và hang Gió. Gần đó là động Ngũ Cốc: thạch nhũ nơi đây tượng hình những trái phật thủ, củ khoai, bắp cải, hạt mè, hạt đậu. Dân gian còn gọi đây là hang Lồng Đèn vì có nhiều thạch nhũ hình lồng đèn. Trước cửa tam quan chùa Linh Ứng có giếng Tiên, trên đường xuống núi du khách đi qua hang Âm Phủ thông ra biển Đông.
Trải qua gần 4 thế kỷ tồn tại, chùa Linh Ứng bị hư hại và đã được trùng tu nhiều lần. Gần đây nhất, vào năm 1993, Thượng tọa Thích Thiện Nguyên đã tổ chức trùng tu và xây dựng thêm một số công trình phía trước như tượng đức Phật Thích-ca cao 10m (phần tượng cao 7,50m), mười bức tranh minh họa cuộc đời đức Phật Thích-ca và Quan Âm Phật đài cao 5m.
Điều đáng tiếc là hiện nay, do việc khai thác vật liệu xây dựng một cách vô ý thức, cảnh quan Ngũ Hành Sơn đang bị tàn phá một cách nghiêm trọng. Bảo vệ quần thể di tích này là một việc làm cần thiết để cho mai hậu cảnh đẹp này không chỉ là danh thắng được ghi lại trong những áng văn thơ mà thôi.
--o0o--