PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 
Vị trí bề thế, nhưng quy mô lại khiêm tốn, chùa Giác Lâm là một trong những ngôi chùa cổ nhất của thành phố Hồ Chí Minh đã được Bộ Văn hóa ra quyết định số 1288 VH/QĐ ngày 16 - 11 - 1988 công nhận là một di tích lịch sử - văn hóa. Chùa tọa lạc ở số 118 đường lạc Long Quân, phường 23, quận Tân Bình, trong vùng Phú Thọ Hòa.
Chùa vốn ở trên gò Cẩm Sơn, còn gọi là Cẩm Đệm và Sơn Can, do ông Lý Thụy Long, người Minh Hương, quyên tiền của xây dựng vào mùa xuân năm Giáp Tý (1744), đời Chúa Nguyễn Phúc Khoát. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức miêu tả khu vực này như sau: rộng ba dăm, cây cao như rừng, hoa nở tựa gấm, sáng chiều mây khói nổi bay quanh quất, địa thế tuy nhỏ mà có nhã thú. Thi nhân du khách, mỗi dịp tết Thanh minh, Trùng cửu rảnh rỗi, kết bầy năm ba người đến mở tiệc thưởng hoa, chuốc chén ngâm vịnh, ngó xuống chợ búa rộn ràng xa cách ra ngoài tầm mắt?"
Năm 1772, Hòa thượng Viên Quang thuộc dòng Lâm tế tới trụ trì, từ đó mới đổi tên là Giác Lâm.
Chùa đã trải qua nhiều lần trùng tu. Lần thứ nhất, vào khoảng năm 1799 - 1804, Hòa thượng Viên Quang cho xây lại ngôi chùa. Đến năm 1906 - 1909, Hòa thượng Hồng Hưng với sự giúp sức của Hòa thượng Như Phòng, đã cho tôn tạo lại ngôi chùa một lần nữa. Các sự kiện này được ghi lại trong đôi liễn mừng lạc thành, nay còn treo ở chánh điện.
Khuôn viên chùa khá rông, nằm lọt giữa phố phường đông đúc, chung quanh là những bức tường xây. Qua cổng chùa, ngay giữa sân có dựng tượng Bồ - tát Quan Thế Âm dưới bóng cây bồ đề tán lá xanh tốt. Đây là cây bồ đề do Đại đức Narada mang từ SriLanca sang trồng ngày 18-6-1953. Nhân dịp này Ngài cũng cúng cho chùa Xá-Lợi Phật Thích-ca.
Ngày 17 tháng 6 năm 1994, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tổ chức lễ khánh thánh Bảo tháp Xá-lợi và cung nghinh Xá-lợi Phật từ chùa Long Vân, Bình Thạnh về chùa Giác Lâm, tôn trí tại Bảo tháp (nguyên từ năm 1953, Xá-lợi Phật được đưa về tôn trí tại chính điện chùa Long Vân). Bảo tháp gồm 7 tầng, hình lục giác, mỗi tầng đều có mái ngói, cửa ra vào. Tháp được xây từ năm 1970 theo đồ án của kiến trúc sư Vĩnh Hoằng, đến năm 1975 thì tạm ngưng cho đến năm 1993 mới được tiếp tục. Tháp cao 32m, mặt hướng Đông, là một trong những bảo tháp lớn và nổi triếng nhất thành phố.
Ngôi chùa có hình chữ nhật, dài 65m, rộng 22m, gồm 3 lớp nhà chính: chánh điện, giảng đường và nhà trai, không kể các dãy nhà phụ. Chùa có tất cả 98 cột. Trên cột có khắc 86 câu đối dính liền, chữ thếp vàng, khung viền chung quanh được trạm trổ rất công phu. Các đầu kèo đều tạc hình đầu rồng. Các bàn thờ trong chánh điện đều được làm bằng gỗ quý nên rất chắc chắn. Gian giữa có ba tấm bao lam hình Tứ quí (mai, lan, cúc, trúc), Tứ linh (long, lân, qui, phụng) và Cửu Long.
Chùa có 113 pho tượng cổ, chủ yêu bằng danh mộc (gỗ mít nài) được sơn son thếp vàng. Ngoài ra có 7 pho tượng đồng. Toàn bộ tượng, bao lam, ghế bàn, bảo tháp đều được chạm khắc cực kỳ tinh xảo. Pho tượng Phật cổ nhất ở chùa là tượng đức Phật Thích-ca Mâu-ni ngồi trên tòa sen, bằng gỗ, cao 0,65m; bề ngang hai gối 0,38m, được tôn trí ở giảng đường, có niên đại vào khoảng thế kỷ XVIII. Toà Cửu Long diễn tả sự tích đức Phật Thích-ca đản sinh, được đúc bằng đồng, tôn trí ở bàn thờ chánh điện. Khá đặc sắc về nghệ thuật tạc tượng là hai bộ Thập bát La-hán. Bộ La-hán nhỏ, mỗi pho tượng cao khoảng 0,57m (tượng cao 0.50m và đế cao 0.07m) được tạo tác vào đầu thế kỷ XIX; bộ La-hán lớn, mỗi pho tượng cao khoảng 0.95m (tượng cao 0.80m và đế cao 0.15m) được tạo tác vào những năm đầu thế kỷ XX, đặt hai bên điện Phật ở chánh điện.
Bên trái khuôn viên chùa có khu mộ tháp của các vị Tổ đã trụ trì ở đây: Viên Quang, Hải Tịnh, Minh Vi, Minh Khiêm, Như Lợi, Như Phòng? Ở đây còn có cả tháp của Tổ Phật Ý, thầy của Tổ Viên Quang, trụ trì Sắc tứ Từ Ân, được dời về chùa Giác Lâm vào năm 1923.
--o0o--