PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 
Từ phi trường Tân Sơn Nhất đi về trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, trên đường Nam Kỳ Khở Nghĩa, qua khỏi cầu Công Lý, du khách sẽ thấy hiện lên sừng sững ngọn tháp của chùa Vĩnh Nghiêm.
Có thể nói đây là ngôi chùa có kiến trúc bề thế vào bậc nhất nước ta hiện nay. Chùa mang tên Vĩnh Nghiêm, một trung tâm Phật giáo thời Trần ở tỉnh Bắc Giang cũ, nay là Hà Bắc. Vĩnh Nghiêm còn là tên tôn xưng Sư tổ Thanh Hanh (1838 - 1936), một cao tăng được tấn tôn Thiền gia Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Bắc Kỳ. Trước năm 1975, Tăng Ni Phật tử miền Bắc sinh sống tại miền Nam tụ tập thành miền Vĩnh Nghiêm, mà trung tâm chính là ngôi chùa này.
Chùa được khởi công xây dựng từ năm 1964 và khánh thành năm 1971 do kiến trúc sư Nguyễn Bá Lăng thiết kế với sự cộng tác của hai kiến trúc sư Lê Tấn Chuyên và Cổ Văn Hậu. Chùa làm theo kiểu chữ "Công" hai lớp mái chồng diêm, mang dáng dấp kiến trúc cổ kính Á Đông.
Chùa gồm một tầng trệt và một tầng lầu. Tầng trệt có phòng đọc sách, giảng đường, văn phòng, phòng tăng chúng. Tầng lầu có sân thượng rộng khoảng 10m, bên trái là tháp Quan Âm với 7 tầng mái, bên phải có tháp chuông treo quả đại hồng chung do Giáo hội Phật giáo Nhật Bản hiến cúng. Bái điện là một tòa phạm vũ nguy nga, bề rộng 22m, dài 35m. Những công trình chạm khắc gỗ ở đây có bao hàm tứ linh, bao lam Cửu Long. Đặc biệt có phù điêu trên hương án chạm các ngôi chùa danh tiếng trong nước và các nước châu Á.
Bàn thờ Phật được thiết kế rất trang nghiêm. Ở bảo điện: chính giữa thờ dức Phật Thích-ca, hai bên là Bồ-tát Phổ Hiền tượng trưng cho đạo hạnh và Bồ-tát Văn-thù tượng trưng cho trí tuệ.
Tại chánh điện đât 6 bức phù điêu La-hán: Khuyến Học La-hán, Thuyết Pháp Văn Pháp La-hán, Đạo Sơn Địa Ngục Tiếp Hóa La-hán, Cúng Dàng La-hán, Cúng Dàng Bố Thí La-hán, Đại Hàn Địa Ngục Tiếp Hóa La-hán. Đó là những tác phẩm chạm khắc gỗ dựa vào bản chính của phái Tịnh độ Nhật Bản. Ở hàng hiên, trước lối vào chánh điện mỗi bên có một pho tượng Kim Cương lớn.
Các mái chùa đều uốn cong theo kiểu chùa miền Bắc, mái trước chồng diêm. Giữa đỉnh nóc có bánh xe pháp luân và các góc chạm hình đầu phượng.
Nói đến chùa Vĩnh Nghiêm, ngoài tháp chuông, không thể quên hai ngôi tháp đặc sắc là tháp Quan Âm và tháp Xá Lợi Cộng Đồng. Tháp Quan Âm dựng ở bên trái sân thượng trên một diện tích 200m2 . Tháp có 7 tầng mái, từ mặt đất lên đến đỉnh tháp cao 35m. Tháp xây hình vuông, mỗi cạnh ở tầng một dài 7m. hai bên cửa ra vào có hai pho tượng Kim Cương đắp nổi, cao 1,48m, ngang 0,74m. Ở 7 tầng của tháp, trên vách đắp nổi 25 tượng Thất Phật Thế Tôn và các vị Tổ, mỗi tượng có khung vuông, cạnh 1,05m.
Tháp Xá Lợi Cộng Đồng xây ở phía sau chùa về bên phải, khởi công năm 1982 và hoàn thành năm 1984. Tháp có 4 tầng, cao 25m, mang nét đặc trưng của kiến trúc Việt Nam. Tháp là nơi đặt thờ tro hài cốt của những người do gia đình ký gởi, trong đó có những văn nhân thi sĩ tên tuổi như Chế Lan Viên, Vũ Hoàng Chương?
Chùa Vĩnh Nghiêm hiện là nơi đặt trụ sở của trường Cơ bản Phật học thành phố Hồ Chí Minh.
--o0o--