TỦ SÁCH PHẬT HỌC

THẬP BÁT A LA HÁN
Tác Giả: Lâm Thế Mẫn
   Việt Dịch:
Thích Đạo Luận
--o0o--
            12- NA-GIÀ-TÊ-NA
 
 
Tôn giả Na-già-tê-na là vị La-hán thứ mười hai trong mười sáu vị La-hán. Hiện tại, ngài đang cùng một ngàn hai trăm vị đệ tử trú tại núi Bán-độ-ba. Trong kinh, tên ngài được gọi tắt là Na-tiên.  
Thật ra hai tên này chỉ là một nhưng do phiên âm khác nhau.
Tôn giả sinh ra và lớn lên ở phía bắc Ấn Ðộ, nhằm thời vua Di-lan cai trị. Vua Di-lan là người Hy Lạp rất thâm tín Phật pháp. Do đó, vua thường lui tới Na-tiên thỉnh vấn Phật pháp.
Là một người bác học đa văn, bản thân lại khắc khổ tu tập nên Tôn giả chứng quả A-la-hán rất sớm.
Có lần, vua Di-lan hỏi:
- Thưa tôn giả! Ngài là bậc thánh xuất gia chứng quả, vậy còn hàng Phật tử chúng tôi không xuất gia rốt cuộc có thể đắc quả A-la-hán không?
Na-tiên không do dự đáp: 
- Ðương nhiên là có thể. Bất kỳ người nào chỉ cần chịu hạ thủ công phu nghiên cứu nghĩa lý Phật pháp, tinh tấn tu hành trang nghiêm, lâu ngày đạo hạnh ắt tự cao thâm, lúc đó lo gì mà không chứng quả!
- Thật không?- Vua bán tín bán nghi hỏi.
- Ðương nhiên là thật!
- Nhưng theo trẫm biết thì sao các bậc A-la-hán hầu như toàn bộ đều là người xuất gia?
- À, vì người xuất gia tu hành ít bị các tạp niệm thế gian chi phối nên dễ thành tựu hơn.
Vua Di-lan nghe nói, đối với người lúc sắp lâm chung chỉ cần chí thành niệm Phật sẽ được vãng sanh cực lạc, không bị đọa địa ngục thì cảm thấy nghi ngờ nên nói:
- Trẫm không tin pháp môn niệm Phật.
- Này đại vương! Giả sử có người lấy một viên đá ném xuống nước, viên đá sẽ nổi hay chìm?
- Ðương nhiên sẽ chìm!
- Còn nếu đem viên đá thả trong thuyền thì đá nổi hay chìm?
- Vậy thì sẽ không chìm.
- Vì sao không chìm?
- Vì đã có thuyền chở!
- Thế thì đúng rồi, đức Phật A Di Ðà từng phát đại nguyện làm thuyền từ cứu độ chúng sanh. Do đó, nếu chúng ta nhứt tâm niệm danh hiệu Ngài thì Ngài sẽ phóng quang tiếp dẫn về thế giới Tây phương cực lạc không còn bị trầm luân trong biển khổ.
- Ồ, thì ra là vậy, trẫm thật cảm phục ví dụ của ngài, nó đã giúp trẫm hiểu được pháp môn niệm Phật thật thù thắng vi diệu, là chỗ dựa vững chắc không chút hư dối.
Cách mấy ngày sau, vua lại đến thăm Na-tiên và hỏi một vấn đề khác:
- Thưa tôn giả! Ngài chưa chứng Niết-bàn sao biết Niết-bàn là cảnh giới an lạc giải thoát.
- Tâu đại vương! Tuy tôi chưa chứng Niết-bàn nhưng chư Phật quá khứ đều nói Niết-bàn là cảnh giới an lạc giải thoát nên tôi biết.
- Ðiều đó liệu có đáng tin không?
- Ðáng lắm chứ đại vương!
Tôi xin hỏi đại vương: chặt tay chân có đau không?
- Ðương nhiên là đau!
- Ðại vương! Từ trước tới giờ ngài chưa bị chặt tay chân sao biết chặt tay chân là đau?
- Vì trẫm thấy người bị chặt tay, chặt chân họ ngã nhào xuống đất kêu la rên xiết thống thiết nên trẫm biết.
- Cũng vậy đó, đại vương! Ðức Phật là bậc đã thành Phật. Ngài nói Niết-bàn rất an lạc, tất nhiên là đáng tin lắm chứ.
Vua Di-lan cười liễu ngộ:
- Ồ, rất có lý!
Vua Di-lan rất cảm phục sự đa tài bác học của Na-tiên. Vì thế, họ nghiễm nhiên trở thành đôi bạn chí thân. Cuối cùng vua xin qui y làm đệ tử Na-tiên.
Vào một buổi chiều xuân ấm áp, hoa nở ngát hương, vua lại đến thỉnh giáo Na-tiên. Họ ngồi dưới gốc tùng đàm đạo với nhau rất vui vẻ tâm đầu ý hợp.
Vua hỏi:
- Thưa tôn giả, trẫm luôn thắc mắc không hiểu vì sao cũng là người mà có kẻ sống lâu, người chết yểu; kẻ đẹp, người xấu; kẻ giàu, người nghèo; kẻ thông minh, người ngu dốt?
- Tâu đại vương! Có gì lạ đâu. Ngài xem cũng là nho nhưng lại có trái ngọt, trái chua, trái to, trái nhỏ, trái tròn, trái méo, trái đen, trái hồng, nguyên nhân là do hạt giống khác nhau. Cũng vậy, con người vì chỗ tạo nghiệp lành dữ sai khác nên quả báo chiêu cảm không giống nhau.
- Tôn giả nói chí lý, khúc mắc của trẫm tợ mây đen được gió cuốn trôi không còn lưu dấu. - Vua Di-lan vội rời tọa sụp lạy để tỏ niềm tôn kính.
Nội dung đàm luận Phật pháp giữa Na-tiên và vua Di-lan được người đời sau kết tập, viết thành quyển kinh gọi là “kinh Na-tiên tỳ-kheo”. Ðây là vị La-hán duy nhất trong mười tám vị La-hán có kinh sách lưu truyền đến đời sau.
Nhờ sự chỉ dạy của Na-tiên mà cuối cùng vua Di-lan trở thành một quân vương anh minh, dốc lòng ủng hộ Phật pháp, khiến Phật giáo ngày càng huy hoàng rực rỡ.
Một hôm, Na-tiên nói với vua:
             - Ðại vương! Nay tôi muốn đi.
             - Dạ đi đâu?
             - Tôi muốn đến núi Bán-độ-ba.
 - Sao ngài muốn đến đó?
             - Khi đức Thế Tôn còn tại thế, Ngài dạy tôi phải đến đó.
 - Khi nào ngài đi?
             - Bây giờ.
             - Bây giờ ư ?
 - Ðúng vậy!
Nói xong, Na-tiên nhảy lên một ngọn núi cao rồi bay về hướng núi Bán-độ-ba.
--o0o--