LÂM TẾ CHÚC THÁNH
& TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI BÌNH THUẬN
Nhất Quán-Thích Đồng Trung
CHƯƠNG III
 
TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI
BÌNH THUẬN
        
          1. TỔ KHAI SƠN TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI BÌNH THUẬN
- THỊ LẠC – HÀNH THIỆN – HƯNG TỪ (1911 – 1991), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 42, THẾ HỆ THỨ 9 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH   
Và là:
- ĐỆ TAM TỔ CỦA CHÙA MINH SƠN ( CHÙA HANG MINH ĐỨC), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 42.
1. VÀI DÒNG TIỂU SỬ:
Thiền sư Thích Hưng Từ, thế danh Bùi Vạn An, sanh ngày 01 tháng 8 năm Tân Hợi (1911) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ngài sanh trong một gia đình có truyền thống đạo Phật. Thân phụ Ngài là cụ Bùi thế Vĩ, pháp danh Như Chơn, thân mẫu là cụ bà Võ Thị Biểu, pháp danh Thị Bửu cũng là đệ tử tại gia của Tổ Sư Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước. Từ nhỏ ngài đã được song thân giáo dục trong tinh thần từ bi và chan chứa đức hỷ xả của nhà Phật, nên ngài sớm mộ cửa thiền.
Duyên lành đã đến, ngày mùng 08 tháng 02 năm Mậu Ngọ (1918), khi vừa bảy tuổi, Ngài được song thân cho phép xuất gia đầu sư với hòa thượng Thích Hòa Phước, trụ trì chùa Thiên Long. Được bổn sư ban cho Pháp danh Thị Lạc tự Hành Thiện, thuộc đời 42 tông Lâm Tế, thế hệ thứ 9 dòng Lâm Tế Chúc Thánh.
Nhờ túc duyên, ngài rất thông minh đỉnh đạt. Ngay từ nhỏ, từ hai thời công phu, bốn quyển luật Tỳ Ni cho đến các bộ kinh Địa Tạng, Thủy Sám ngài đều thuộc lòng. Ngoài sự dạy dỗ của bổn sư, ngài còn được tham học giáo điển với các vị Cao Tăng như Hòa thượng Từ Pháp chùa Thiên Tôn.
Năm 20 tuổi (1931) ngài thọ Tam đàn cụ túc tại Đại giới đàn chùa Linh Sơn do Đại lão Hòa Thượng Thích Hoằng Hóa làm Đàn đầu thí giới và được Phú pháp hiệu Hưng Từ. Sau khi thụ giới cụ túc xong, ngài tiếp tục học khóa Du Già Mật Tông với Hòa thượng Linh Quang và được Hòa thượng truyền trao pháp ấn.
Năm 23 tuổi (1934) ngài được Chư tôn túc trong hội Địa Tạng Phổ lúc bấy giờ giới thiệu và gửi học Tam Tạng giáo điển tại Phật học đường Tây Thiên ở Huế trong ba năm kể từ năm 1934 - 1936. Nhờ tâm cầu học vững bền, chẳng những ngài uyên thâm kinh điển mà còn thấu triệt lý tánh diệu dụng của khoa Du Già Chẩn Tế.
Sau khi tham học với các bậc Cao Tăng ở Huế và Phú Yên xong, nhằm lúc phong trào chấn hưng Phật Giáo đang dấy lên mạnh mẽ trên khắp ba miền đất nước, ngài nhận thấy đây là một cơ duyên thuận lợi để phục hưng chánh Pháp.
Trong những năm 1936 -1940 phong trào chấn hưng Phật giáo lan rộng, nơi nơi đều có giáo lý Từ bi ban rải, ngài được Bồ tát Thích Quảng Đức mời về tham gia trong công cuộc hoạt động truyền bá Phật Pháp tại nhiều nơi. Riêng ở Khánh Hòa, đặc biệt là ở Ninh Hòa có tổ đình Sắc Tứ Thiên Tứ (Núi Đất, Địa Sơn, Mỹ Trạch). Sau đó ngài được Bồ tát Thích Quảng Đức giao trọng trách kế vị trú trì tổ đình Thiên Tứ. Còn ở Tuy An (Tuy Hòa) thì có chùa Liên Trì, chùa Cổ Lâm. Riêng hoạt động tại Núi Đất, Mỹ Trạch, Ninh Hòa trong khoảng thời gian kể trên gặp được rất nhiều thuận lợi. Tại đây đã mở nhiều khóa Trường hạ và Phật học, do ngài làm giáo thọ là Pháp sư chủ giảng, có nhiều bậc Hòa Thượng nổi tiếng sau này như Hòa Thượng Vĩnh Thọ, Nhơn Duệ, Nhơn Thị, Thủ Thiên là những học viên xuất sắc thời đó. Số Tăng tín tham gia tu học tại đây có khoảng gần 100 vị từ các tỉnh ở miền Nam và miền Trung cũng như ở tại Ninh Hòa và Khánh Hòa.
Kể từ năm 1940 trở đi, vì tình hình chính trị bất ổn, hoạt động Phật sự tại Tổ đình Sắc Tứ Thiên Tứ bị gián đoạn, các Tăng học đường tạm thời đóng cửa, nhưng ngài luôn tìm mọi cách tổ chức các lớp tu học, giảng kinh luật dưới hình thức an cư-kiết hạ. Mở Đại giới đàn ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Tuy để đào tạo các bậc Tăng tài hữu ích cho Đạo sau này như các Hòa thượng Ấn Tâm, Viên Quang, Đồng Huy và giảng dạy khoa Du Già Chẩn Tế cho chư Tăng ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa. Đặc biệt là ở vùng đất Khánh Hòa. Vào năm 1942 ngài mở Đại giới đàn tại chùa Kim Long (Phú Hòa, Ninh Quang) do Hoà thượng Phước Huệ chùa Hải Đức, Nha Trang làm Đàn đầu. Từ đó đạo tràng lớn mạnh không ngừng.
Ngoài ra ngài còn tranh thủ thời gian để mở lớp giảng dạy khoa Du Già Chẩn Tế cho chư Tăng tại tỉnh Bình Thuận. Song song với việc giảng dạy, đào tạo Tăng Ni, ngài còn đem hết sức mình khai sơn và trùng tu rất nhiều ngôi chùa để có nơi tu học cho Tăng Ni và sớm hôm lễ bái của Phật Tử xa gần như:
- Tổ đình Sắc Tứ Thiên Tứ (1937) Núi Đất (Địa Sơn) Ninh Hòa,
- Chùa Thiên Long ở Phú Yên (1938),
- Chùa Kim Long (1942) Phú Hòa, Ninh Quang,
- Tổ đình Minh Sơn (1957),
- Chùa Linh Đài, Tuy An (1959).
- Khai sơn Linh Sơn Tự, Lạc Tánh ở Tánh Linh (1961)
- Tổ đình Pháp Hội ở Hàm Tân, Bình Thuận (1967).
Riêng Tổ đình Hội Phước từ lâu thiền sư thường thăm viếng và sách tấn chư Tăng. Ngài là Y Chỉ Sư của TT. Thích Quảng Thiện. Năm 1986, ngài đã quang lâm Tổ đình chứng minh, đặt đá đại trùng tu Tổ đường và năm 1989, quang lâm chứng minh, đặt đá xây dựng Liên Hoa Bảo Tháp.
2. NHỮNG ĐÓNG GÓP CHO ĐẠO PHÁP & DÂN TỘC
Trong suốt cuộc đời tu học và hành đạo, ngài không từ nan bất cứ nhiệm vụ nào khi được chư Tăng và Giáo hội giao phó cũng như Phật tử cần đến. Đối với dân tộc, ngài luôn đem hết sức mình góp phần vào công cuộc bảo vệ quê hương. Theo nhà viết sử Phật Giáo triều Nguyễn cho rằng:
- Một cảnh tượng suy thoái, một giai đoạn không mấy vẻ vang khi nhìn chung đạo pháp, nhưng riêng ở Phú Yên xuất hiện rất nhiều danh tăng hoằng hóa trong tỉnh và thành đạt chứng quả ở nhiều địa phương khác... Khách quan mà nhìn nhận, ta có thể nói đây là thời kỳ có được những bước tiến khá dài trong lịch sử Phật giáo trước đây.
Từ khi hội An Nam Phật Học và hội Phật Học Trung Việt ra đời vào năm 1932 thì ở Phú Yên Hội Phật học cũng được thành lập mà thành phần của Hội là thẩm phán Trần Kỳ Quỳ quê ở xã An Dân và bác sĩ Lê Văn Kỷ, quê ở Sông Cầu. Các cố vấn của Hội Phật Học Phú Yên là thiền sư Thiền Phương (chùa Phước Sơn - Đồng Tròn) và thiền sư Phúc Hộ chùa Từ Quang.
Sau năm 1932 Tuần vũ Tôn Thất Toại chịu ảnh hưởng về cách tổ chức Phật giáo ở Huế - Thừa Thiên nên mời chư tăng thành lập Giáo Hội Tăng Già Phú Yên mà Tòng lâm Pháp chủ là Hòa Thượng Pháp Ngữ huynh đệ đồng môn với thiền sư Chơn Thật - Đạo Thông – Pháp Ngãi chùa Từ Quang (Đá Trắng), ở Tuy An.
Đến năm 1945 trong thời kỳ kháng chiến chống pháp, Hội Phật Giáo Cứu Quốc tỉnh Phú Yên ra đời mà Ban chấp hành lâm thời có ông Nguyễn Thọ Dực, nguyên là quyền Tri phủ Tuy Hòa. Tháng 3 năm 1946 Ban chấp hành chính thức gồm:
- Thiền sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ là Chủ tịch và Cư sĩ Nguyễn Nguyên Huân - Phó chủ tịch.
Từ đó trở đi, thiền sư dấn thân hành đạo, vào những năm:
- Năm 1955, ngài đảm nhận chức vụ tri sự trưởng Giáo hội Tăng già tỉnh Khánh Hòa liên tiếp trong hai nhiệm kỳ.
- Năm 1963-1964 ngài lãnh đạo phong trào đấu tranh bảo vệ Phật Giáo và dân tộc tỉnh Bình Tuy (Hàm Tân).
- Năm 1964-1978, ngài được Hội đồng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất suy tôn vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống.
- Từ năm 1982 cho đến ngày viên tịch, ngài được suy tôn Cố vấn Chứng minh kiêm ủy viên Tăng sự Ban trị sự Tỉnh hội Phật giáo Thuận Hải (cũ) cũng chính là tên gọi tỉnh Bình Thuận trước kia và sau này, và là thành viên Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật Giáo Việt Nam.
Với đức độ, tài năng và uy tín của Ngài, nhất là ảnh hưởng từ lúc Ngài tham gia vào phong trào kháng chiến chống Pháp, sau nầy có một hòa thượng (9*) đã xử dụng tên và uy tín của ngài để hoạt động cho phong trào chống Mỹ cứu nước. Chính vì vậy mà Ngài đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì và phát triển phật sự tại Linh Sơn Tự, Lạc Tánh, Tánh Linh và Linh Sơn Trường Thọ Tự, núi Tà Cú, Bình Thuận.
Ngài đã có công dịch bộ kinh Thập Lục Quán và trước tác quyền Lịch sử Tổ Hữu Đức (Tổ linh Sơn Trường thọ, núi Tà Cú) và Chư hậu Tổ. Đặc biệt ngài đã sáng tác ra nhiều Liễn Đối hiện nay nhiều Tự viện còn lưu lại bút tích một thời vang bóng giới đức và trí đức trang nghiêm của ngài.
3. TRÊN ĐƯỜNG HÀNH ĐẠO
Là đệ tam tổ chùa Minh Sơn, trong thời gian trú trì, thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ khởi công trùng tu tổ đình Minh Sơn (1957) và chùa Linh Đài (1959) cho đến năm  cho đến năm 1962 mới khánh thành chùa mái ngói vách gạch. Theo Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn thì:
- Thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ có một cách truyền thừa hơi khác. Thiền sư truyền hiền chứ không truyền cho đệ tử. Sư Tâm Thủy đệ từ của thiền sư Vạn Ân nhận chùa Minh Sơn. Sư Quảng Vân đệ tử của sư Trí Giác nhận chùa Pháp Hội ở Bình Tuy là hai ví dụ cụ thể trong đời của thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện -  Hưng Từ.
Sau đó thiền sư vân du hoằng hóa ở phương Nam, những địa phương thiền sư đã đặt chân tới như Khánh Hòa, Ninh Thuận, rồi đến núi Trà Bang - làng Bình An - Phú Quí - Phan Rang. Sau đó, thiền sư đến vùng Vĩnh Hảo để hoằng dương Phật pháp ở vùng Phan Rang, Phan Rí, Phan Thiết, Bào Trâm gần mũi Kê Gà, rồi Hàm Tân Bình Tuy, Bình Thuận …. hoằng dương Phật pháp.
Có thể nói những nơi trước đây tổ Bảo Tạng đã từng đi qua thì sau nầy thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ cũng đặt chân đến. Quả thật, như nói về việc thiền sư Bảo Tạng tìm được đường ngầm vào núi Tà Cú, gần Hàm Tân, Bình Thuận nơi có nhiều long mạch và vào đó tu hành sau nầy được gọi là Hang Tổ. Sau đó thiền sử Bảo Tạng rời hang tổ vân du hoằng hoá, thì thiền sư Thông Ân - Hữu Đức vào ẩn tu trong hang Tổ. 
Tương truyền thiền sư Hữu Đức cảm hóa được thú dữ, khi thiền định có hai con cọp hầu bên cạnh. Ngài tu thiền chỉ ăn rau rừng uống nước suối. Khi ra khỏi hang thì tóc râu dài. Nhiều người chí tâm muốn đến cầu học thì được cọp dẫn đường. Số người đến thăm viếng càng đông, họ cất am tranh ở gần hang Tổ để thiền sư tu hành, sau này các đệ tử xây dựng thành chùa Linh Sơn Trường Thọ, và trãi qua nhiều thay đổi của thời gian, chùa nhiều lần trùng tu nên mới được như ngày nay.
Thừa kể tổ Thông Ân - Hữu Đức là thiền sư Vĩnh Thọ, ngày xưa là học viên của thiền sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ, sau khi công trình tạc tượng bổn sư Niết bàn dài 49 m còn chưa hoàn chỉnh thì cuộc chiến tại miền nam trở nên khốc liệt, và thiền sư Vĩnh Thọ phải đi lánh nạn nhiều nơi, cho nên Chùa Linh Sơn Trường Thọ lúc nầy chỉ nhờ vào sự trông nom của thiền sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ.
Mặc dầu trong năm 1961 thiền sư Hưng Từ đã xây dựng Linh Sơn Tự, Lạc Tánh, Tánh Linh, nhưng vì phải trông nom chùa Linh Sơn Trường Thọ, núi Tà Cú, cho nên thiền sư đã uỷ nhiệm cho đệ tử là hòa thượng Thích Đồng Hương trụ trì. Bản thân thiền sư và một số đệ tử của Ngài phải cư trú tại chùa Linh Sơn Pháp Bửu Đường, Hàm Tân, Bình Tuy để tiện việc trông nom phật sự của chùa Linh Sơn Trường Thọ, núi Tà Cú.
Đến năm 1967 thiền sư đề cử ni trưởng Thích Nữ Bổn Đại làm trú trì và khai sơn Tổ Đình Pháp Hội Bình Thuận như chúng ta đã biết.
Nhìn chung, công việc hoằng pháp tại Tỉnh Bình Thuận, kể từ khi các thiền sư: Thích Hoằng Phúc, Thích Quảng Hưng, Thích Hưng Từ đến hoằng pháp thì dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh phát triển mạnh. Tuy nhiên chỉ có sự truyền thừa của thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ là sâu rộng hơn cả.
          4. XẢ BỎ BÁO THÂN
Dù tuổi già sức yếu, nhưng ngài vẫn tinh tấn tu hành không một phút giây trễ nải và phục vụ chúng sanh đến giây phút cuối cùng. Ngày mồng 02 tháng 8 năm Tân Mùi (1991), thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ đã an nhiên thị tịch, trụ thế 81 tuổi với 61 hạ lạp, môn đồ xây thờ Bảo tháp của ngài được toạ lạc trong khuôn viên chùa Pháp Hội, thuộc huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận.
Thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ là một trong những bậc cao Tăng thạc đức của Phật Giáo Việt Nam đã trọn đời lo cho Phật Pháp và đặc biệt là ngài chú trọng đến việc tiếp Tăng độ Chúng. Cuộc đời tu hành và hóa đạo của Thiền sư là tấm gương hy sinh tận tụy, không từ nan bất cứ công việc gì dù nhỏ, đem hết sức mình để giáo huấn Tăng tín đồ Phật tử. Với đức tính khiêm cung hiếu hạnh và mô phạm cao cả của ngài là thân giáo quan trọng đã tác thành nên những đệ tử hữu danh trong giáo hội.
--o0o--