Thông Ðiệp Xuân Di Lặc

Nhất Quán

            Xuân qua, Hạ lại, Thu mãn, Ðông tàn. Ðịnh luật ngàn đời bất di bất dịch cứ như thế mà vận hành tiếp nối. Hôm nay, Xuân lại về với mọi người trong hoàn vũ nói chung, dân tộc Việt Nam trong đó có cả Tăng Tín đồ Phật Giáo Việt Nam đang sống nơi đất khách quê người nói riêng.
            Theo quan điểm Phật Giáo, nói đến mùa Xuân thường là ý niệm Xuân không thể tách rời nụ cười hoan hỷ phúc hậu của đấng Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc Tôn Phật, cho nên người con Phật thường nói:
            - Cứ mỗi độ Xuân Di Lặc về với mọi người, là mỗi độ trong ta ai ai cũng hấp thụ đức tính hiền hoà, và lòng vị tha vô bờ bến của Ngài, từ đây niềm tin tự tại và giải thoát lại cũng được tăng tiến thêm.
            Cho nên cứ mỗi độ tiết trời đổi thay từ nhiệt độ nóng bức của mùa Hè, cho đến khí trời nhẹ nhàng với từng chiếc lá vàng rơi của mùa Thu, và từng cơn gió lạnh như dao cắt vào da thịt xương của mùa Ðông. Cho đến có những dấu hiệu thời tiết ấm áp và sự trưởng thành đâm chồi nẩy lộc của cây cỏ, là lúc báo hiệu cho chúng ta biết mùa Ðông sắp hết và mùa Xuân sắp về, với những cành mai vàng nở rộ:
            - Những cội mai vàng khoe sắc thắm
            Là mùa Xuân đến chắc không xa.
            Quả thật mỗi khi khí trời đổi thay, là trong ta, trong tất cả mọi người như cũng có một cái gì đổi mới, trưởng thành, một cái gì nhã nhặn nên thơ. Tôi còn nhớ vào một mùa Ðông năm 1979, có lẽ lúc đó cũng gần Tết thì phải? Trên một chuyến hành trình thăm một vòng các tiểu bang từ miền Tây Nam cho đến miền cực Tây Bắc của Hoa Kỳ. Kế đó là Vancouver(Gia Nã Ðại). Lẽ đương nhiên cuộc hành trình bằng xe Bus Greyhound, vì lẽ chúng tôi là học sinh nghèo cho nên xe Bus Greyhound là thích hợp.
            Một lần nữa, cũng vào dịp mùa Ðông năm 2000, tôi cùng các thầy: Tịnh Trí, Viên Giác, Phước Toàn, Trí Thể, và Pháp Ấn đi California để phân ưu đám tang của thầy Thiện Tuờng vừa viên tịch tại Oakland. Một lần nữa, tôi có dịp chứng kiến lại cảnh tuyết rơi, mưa phùn giống như tôi đã từng gặp cách đây hai mươi mốt năm. Trong những chuyến hành trình đó chúng tôi nghỉ rất nhiều trạm, đặc biệt đoạn đường từ California đến Oregon, dọc theo I-5 có những giòng suối, sông đoạn lớn có, đoạn nhỏ có. Những âm điệu róc rách hòa tấu với những tiếng rì rào xào xạc của những cội thông già trẻ, thỉnh thoảng điểm nhẹ từng đám tuyết rơi rớt trên cành cây kẽ lá, trên những đám hoa vàng, cỏ dại hai bên đường. Với khung cảnh thơ mộng ấy, trong tâm tư tôi chợt khởi lên vài dòng thi cảm:
            - Suối reo như gợi lòng người
            Thông cười như đón khách từ phương xa
            Tuyết rơi giữa độ phong ba
            Ðầu non điểm trắng chan hòa niềm tin
            Ra đi còn ngoảnh lại nhìn
            Cành thông hoa trắng trăm ngàn ý thơ
            Ðường quanh quanh một giấc mơ
            Giật mình tỉnh giấc ai ngờ trăng lên
            Trăng lên rừng núi mông mênh
            Dưới tàng cây tuyết đôi bên mái nhà
            Người với người ta chính ta
            Hướng về tâm nội lựa là tìm đâu
            Tìm đâu cho đươc đạo mầu
            Bồ Ðề phiền não một câu kinh hành.
            Quả tình giữa trời nước bao la đầy ý vị nầy, nó làm cho tâm hồn tôi chợt nhiên se thắt lại, vì sao trong cõi vô định nầy lại có những chuyện đau lòng! Cũng con người, cũng quốc độ, thế mà có những nơi lại hưởng được cái an lạc thanh bình, cảnh vật xứ thanh bình có khác. Nhìn lại thật trạng của quê hương Việt Nam chúng ta, vừa nghèo nàn vừa chiến tranh tàn phá, hết nội chiến lại gặp nạn ngoại xâm. Chiến tranh cứ tiếp nối, người dân lúc nào cũng trong tư thế lên đường chạy trốn, họ không có được những giây phút thảnh thơi an lạc, ngừng nghỉ đề bồi dưỡng cho đời sống tâm linh.
            Nói đến tâm linh là món ăn tinh thần không thể thiếu đối với mọi người trên trái đất nầy, nhất là người con Phật. Dầu cho ở chân trời góc biển nào đi nữa, thì cuộc sống tâm linh cũng vẫn là món ăn tinh thần, tối cần thiết đối với đời sống trong hoàn cảnh hiện tại.
            Nói là món ăn tâm linh không thể thiếu trong từng mỗi người, là vì món ăn ấy nó có khả năng đưa con người trở về với lòng mình, với thực tại và biết được sự vật một cách rõ ràng, đâu là phải, đâu là trái, để làm sáng tỏ lời Phật dạy:
            - Dục tri tiền thế nhân, kim sanh thọ giả thị
            Dục tri lai thế quả, kim sanh thọ giả thị
            Nghĩa là:
            - Muốn biết kiếp trước của mình như thế nào, thì hãy xem ngay đời hiện tại nầy chúng ta đang thọ chịu những gì. Muốn biết trong đời tương lai của chúng ta sẽ thọ chịu những gì thì hãy xem nơi đời hiện tại chúng ta đang làm gì.
            Có thì giờ và chịu khó suy tưởng lại những gì mà chúng ta đang tạo tác hằng ngày, hoặc vô tình hay cố ý thì chúng ta mới thấy đời sống của tâm linh là nguồn sống tối cần thiết cho kiếp người. Vì si mê tham vọng, nên con người cứ mãi quay cuồng trong ảo ảnh, chiến tranh cướp bóc, hận thù, dục vọng, danh lợi, trong mộng tưởng điên đão cuối cùng đánh rơi mất cái bản tâm lương thiện ban đầu của chính mình, để rồi quên mất dấu chân về.
            Dấu chân về mà chúng tôi muốn nói ở đây đó là:
            - Rất có thể chúng ta từ nơi cõi Phật, cõi Trời, cõi A Tu La nhưng vì còn tham mê ngũ dục, nên phải đọa vào cõi đời nầy để mà chịu quả báo khổ. Cũng rất có thể chúng ta từ các nơi như: Ðịa Ngục, Ngạ Qủy, Súc Sanh mà thoát kiếp để được đầu thai làm người, để hưởng thọ chút ân huệ của dư báo..v..v..
            Như vậy khi mà trong đời sống chúng ta thiếu đi phần tư lương thì số phận tương lai xa, gần, hoặc đời sau khó mà biết được.
            Vấn đề được đặt ra như: Con người do ai sanh ra, sanh ra để làm gì, và sẽ đi về đâu? Thực ra giải đáp vấn đề nầy không khó khăn lắm khi chúng ta có một quá trình suy tư về cuộc sống tâm linh, nhưng nó cũng vô cùng khó khăn khi chúng ta từ chối cuộc sống tâm linh.
            Ðể làm hành trang cho công cuộc tìm lại tự tánh ban đầu, Ðức Phật Ngài dạy có rất nhiều phương pháp, tiêu biểu như hành trì niệm danh hiệu của Ðức Phật A Di Ðà, để minh tâm kiến tánh ngay trong đời hiện tại, và sẽ được Ngài tiếp độ lúc lâm chung.
            Nói đến Ðức Phật A Di Ðà là ta liên tưởng đến Tây Phương Cực Lạc và 48 lời nguyện của Ngài. Do hạnh nguyện đó mà Ngài lúc nào cũng sẳn sàng hoan hỷ cứu độ bất cứ một ai niệm đến danh hiệu của Ngài vang dội từ nơi cõi Ta Bà ô trọc. Sự kiện tâm quán nầy dường như đã thấm nhuần vào lòng mọi người, cho nên bất cứ cảnh ngộ nào cũng không thể lay chuyển được niềm tin của người con Phật có tâm hướng thiện. Thế nhưng, sự sanh về cảnh giới của Chư Phật không phải chỉ có một cảnh giới của Ðức Phật A Di Ðà, mà ngoài ra các cảnh giới của chư Phật và Bồ Tát khác cũng có khả năng đưa con người đến quả vị giải thoát, và cũng có những phước báo tương tự như vậy. Vì theo trong            kinh Ðức Phật thường dạy:
            - Nầy các Tỳ Kheo ngoài thế giới Ta Bà ngũ trược nầy còn có vô lượng, vô số, vô biên thế giới khác.
            Ðiều nầy chứng tỏ rằng cảnh giới của Chư Phật cũng có rất nhiều như vậy. Từ đây sự thoát sanh vào cảnh giới Chư Phật, Chư Bồ Tát, đều tùy thuộc vào sự mong cầu của mỗi người. Có người lại muốn sanh về cảnh Tây Phương Tịnh Ðộ của Ðức Phật A Di Ðà, có người lại muốn sanh về cảnh Ðông Phương Tịnh Ðộ của Ðức Phật Dược Sư, có người lại muốn sanh về Ðâu Suất Viện của ngài Di Lặc..v..v.. Cho nên trong kinh Hoa Nghiêm có dạy:
            - Nhất thiết do tâm tạo
            Nghĩa là:
                                                                                                                          - Tất cả đều do tâm mình muốn mà ra.
            Tâm con người như một ông thầy vẽ, muốn vẽ nên cảnh Thiên Ðường hay Ðịa Ngục, hay muốn làm bất cứ chuyện gì cũng có thể làm được. Do đó, với tâm mong cầu sanh về các cảnh giới của chư Phật sau khi vĩnh viễn xa rời cõi đời nầy, thì cũng với tâm mong cầu đó chúng ta cũng có thể xây dựng một cảnh Tây Phương Cực Lạc ngay trong đời sống hiện thực nầy? Theo tôi nghĩ chắc chắn được. Bởi vì căn cứ vào sự kiện căn bản, mục đích của chư Phật là:
            - Cứu Khổ Ban Vui
            Như thế thì hạnh nguyện của chư Phật và chư Bồ Tát nếu là đau khổ thì đau khổ thay cho nhân loại, nếu là hạnh phúc thì hạnh phúc chung cho kiếp người, đó là về phần của chư Phật, chư Bồ Tát. Tuy nhiên có được an lạc, hạnh phúc hay không, là phải do mỗi người chúng ta tự quyết định lấy số mệnh của mình, cho nên thành tựu sự giải thoát hay tự tại, mọi người cũng không thể tách rời nơi cõi đời hiện tại nầy. Cũng trong chiều hướng nầy, do đó hôm nay chúng tôi muốn giới thiệu đến quý vị cảnh Tịnh Ðộ của Ðức Phật Di Lặc.
            Nói đến Ðức Phật Di Lặc, thì ai ai cũng có khuynh hướng Ngài Di Lặc đem đến cho mọi người những nụ cười Xuân. Có lẽ là ngày đản sanh của Ngài nhằm vào đêm giao thừa chăng? Có lẽ vì trên môi của Ngài lúc nào cũng với nụ cười hoan hỷ bao dung bất tuyệt chăng? Nhìn vào tinh thần sống động của Phật Giáo chúng ta sẽ thấy rõ hơn. Biết Phật thì dễ, còn hiểu Phật thì hơi khó. Bởi vì sự hiểu biết của người con Phật hay bất cứ một ai muốn hiểu Phật, muốn hiểu Pháp, thì sự hiểu biết đó phải đi đôi với thực hành chứ không phải hiểu biết Phật Giáo qua sự cúng kiến, hay một vài câu chuyện đạo lý mà được. Do đó Ðức Phật Ngài thường nhấn mạnh:
            - Tin ta mà không hiểu ta là hủy báng ta. Tu học mà không thực hành cũng không phải là thích tử chân chánh.
            Ðức Phật Ngài nhấn mạnh như thế vì ngày xưa khi Ngài còn tại thế cũng có rất nhiều ngoại đạo hủy báng Ngài:
            - Cồ Ðàm chỉ nói những gì người đã tu tập, và đưa ra những lý thuyết nào mà tất cả đều là những cặn bả mà ông ta đã thực hành qua rồi, như thế có gì mới lạ đâu...
            Qua câu chuyện xuyên tạc của ngọai đạo bỗng nhiên trở thành sự ca tụng. Những lời giáo huấn của Ðức Phật trải qua thời gian, không gian, xuyên qua không biết bao nhiêu quốc độ thế mà ngày nay âm hưởng đó vẫn còn vang vọng, bàng bạc khắp hang cùng ngõ hẻm trong các quốc gia trên thế giới. Ðồng thời cũng là điểm sáng cho các nhà khoa học để tâm nghiên cứu nữa. Sư kiện nầy chúng ta không lạ khi thấy sự tồn tại thăng hoa của đạo Phật trong đời sống hiện tại. Có được kết quả như vậy nếu đó không phải do từ sự tu tập, rút tỉa kinh nghiệm chính từ nơi bản thân của mỗi người con Phật thì còn gì nữa.
            Như quý vị đã biết, ngoài thế giới Ta Bà nầy ra, thì trong tâm tư mọi người ai cũng có khuynh hướng cầu sanh về Thế Giới Cực Lạc. lẽ dĩ nhiên đó là điều tốt, vì có được như vậy mới un đúc tinh thần con người, hy vọng một ngày mai tốt đẹp hơn, và cũng hy vọng môt ngày nào đó ta sẽ sanh lên các cảnh giới tốt đẹp hơn. Nhưng nếu mọi người ai cũng muốn trốn thoát thực tế, như vậy chúng ta nghĩ gì về thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống. Theo chúng tôi nghĩ, nếu mọi người cũng lấy thế giới Cực Lạc làm điểm tựa, và nơi đó là nơi lý tưởng cho cuộc sống tối hậu, để rồi từ bỏ thế giới mà ta đang sống là điều khiếm khuyết. Như thế ta chưa hiểu được ý nghĩa của chư Phật, chư Bồ Tát và chư Hiền Thánh Tăng. Do đó ta chưa thể đặt chân lên thánh đạo được. Chúng ta phải biết rằng hạnh nguyện được xây đắp kiên cố phải nói từ tâm nguyện của mỗi người đang sống trong thế giới năm trược mà thành. Vì cảnh Ta Bà đau khổ mà ta đang sinh sống đây là nơi ta cần phải sống, cho nên Ðức Phật Ngài đã từng nói:
            - Chính ta đã được thành Phật cũng từ nơi cảnh đời đau khổ nầy.
            Hoặc Ngài A Nan đã đứng trước Chư Phật, Chư hiền thánh tăng mà phát nguyện:
            - Ðời ác năm trược con thề vào trước, nếu một chúng sanh chưa thành Phật, con nguyện không bỏ chúng sanh đó mà vào cõi Niết bàn.
            Thật sự thế giới mà ta đang sống là thế giới của phàm phu tục tử, bẩn thỉu.. v..v điều đó không ai phủ nhận, thế nhưng nếu chúng ta quyết tâm thì chúng ta có thể noi gương chư Phật, Bồ Tát, Chư Hiền Thánh Tăng mà nỗ lực thánh hóa, tịnh độ hóa nó. Như thế chúng ta không cần phải chạy trốn, hoặc tìm cầu một cảnh giới cực lạc ở phương trời xa xôi nào khác, vì nơi đó mắt không thể thấy, tay không thể rờ mó, để rồi buông xuôi quên lãng thế giới thực tại mà ta đang sống. Sự móc nối hiện tại, quá khứ vị lai là điều thường nhắc nhở cho hành giả rất nhiều trong khi tu tập. Hiểu được mấu chốt quan trọng nầy, thì sự dự tưởng một ngày nào đó trong tương lai, ta sẽ được sanh về cảnh giới Tây Phương, hoặc bất cứ cảnh Tịnh Ðộ nào trong mười phương thế giới sẽ không còn cần thiết nữa, mà cảnh Tịnh Ðộ đó phải được nỗ lực của mỗi con người hiện hữu trên địa cầu nầy.
            Như đã có lần chúng tôi nói:
            - Tâm nguyện của Chư Phật là: cứu khổ ban vui cho mọi sanh loại trong cuộc sống hiện tại .....
            Vậy thì niềm vui và hạnh phúc của mọi người trước nhất là hiện tại trong cõi đời nầy, và sau đó là cảnh giới nào đó mà chúng ta muốn đến ở đời vị lai nào đó. Ðức Phật Ðương Lai Hạ Sanh Di Lặc là một vị Phật tiêu biểu cho sự hoan hỷ bao dung và hạnh phúc trong thời gian hiện tại, nhất là mỗi lúc Xuân về. Vậy thì khi nói đến niềm vui, niềm hạnh phúc của chư Phật Tử, hoặc những ai có tâm hướng thiện là phải nói đến tinh thần của Ðức Phật Di Lặc không thể thiếu trong tất cả mọi người chúng ta trong cuộc đời nầy. Nói đến đức Phật Di Lặc là mọi người con Phật ai ai cũng liên tưởng đến Ðâu Xuất Tịnh Ðộ. Sự tin tưởng về Ðâu Xuất Tịnh Ðộ căn cứ theo hai thuyết:
            1- Hiện nay Bồ Tát Di Lặc đang ở cung trời Ðâu Xuất(1) và thường thuyết pháp tại đó, mọi người chúng ta tu tập và nguyện cầu sau khi lâm chung được sinh về cõi trời Ðâu Xuất như những cảnh Tịnh Ðộ khác. Tín ngưỡng nầy được gọi là Di Lăc Tịnh Ðộ hay Ðâu Xuất Tịnh Ðộ, đã một thời trở thành Tịnh Ðộ Vãng Sanh Quang, và đã được thực hành một cách sâu rộng tại các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Ðộ....
            2- Bồ Tát Di Lặc trong quá khứ đã từng gặp Ðức Phật Di Lặc phát nguyện lấy tên là Di Lặc. Di Lặc ý muốn nói là tất cả những công năng tu hành để phát sanh tất cả rí tuệ của những bậc Tiên Nhân, Sa Môn, Phật, Bồ Tát..v..v.. cho nên còn có ý nghĩa Từ Thị. Như thế chữ Từ Thị còn được hiểu là Từ Bi Tam Muội, độ chúng sanh vô lượng không ngại, Ngài cũng còn có tên là Vô Năng Thắng, trong Câu xá Quang Ký nói:
            - Năng Thắng là hạnh cứu độ tất cả chúng sanh để cho họ có một cuộc sống an lành lợi lạc nên gọi là Năng Thắng.
            Nói tóm lại, Từ Thị là lòng thương xót tất cả mọi loài. Vô Năng Thắng là công đức trí tuệ của Ngài đã viên mãn vượt hẳn tất cả.
            Tin tưởng rằng Ngài Di Lặc Bồ Tát là con người cũng như bao nhiêu con người khác trên địa cầu nầy, cũng đầu thai vào bụng mẹ và khi sanh ra với cái họ là Di Lặc. Theo Kinh Pháp Hoa Gia Tường Sớ có nói:
            - Ngài Di Lặc sinh ra ở nước Nam Thiên Trúc(Ấn Ðộ thời xưa) trong một gia đình Bà La Môn(2), trước khi Ðức Phật Thích Ca nhập diệt, Ngài đã sanh lên Ðâu Xuất Viện làm một đời bổ xứ Bồ Tát. Trong tương lai vào thời kỳ kiếp trụ ngài sẽ giáng sinh ra đời kế tiếp ngọn đèn chánh pháp theo Ðức Thích Ca Mâu Ni, và ngồi dưới gốc cây Long Hoa tu hành để thành Phật. Ngài thuyết pháp chỉ có ba pháp hội. Pháp hội đầu tiên độ 96 ức người, pháp hội thứ hai độ 94 ức người, và pháp hội thứ ba độ 92 ức người, vì lẽ đó mà gọi là Long Hoa Tam Hội(3). Trong công cuộc hoằng pháp lợi sanh của Ngài cho tới sáu vạn tuổi mới nhập Niết Bàn, chánh pháp trụ ở đời 6 vạn năm. Ðời sống của kiếp người vào thời Ðức Phật Di Lặc ra đời thọ 8 vạn tuổi và kiếp của nó gọi là hiền kiếp.
            Trong thời mạt pháp nầy, những chúng sanh nghe được danh hiệu của Phật Di Lặc mà phát tâm vui mừng cung kính lễ bái thì lúc lâm chung được sanh vào cõi trời Ðâu Xuất Viện(4) của Ngài. Còn những chúng sanh nào lỗi lầm phạm điều cấm giới, tạo các nghiệp ác, khi nghe được danh hiệu của Bồ Tát Di Lặc, năm vóc gieo mình xuống đất lễ lạy, thành tâm sám hối các nghiệp ác, thì tội liền được thanh sạch. Trong tương lai có chúng sanh nào nghe được danh hiệu của Ngài Di Lặc, mà phát tâm tạo tượng, đốt hương hoa, tràng phang lễ bái cúng dường, tưởng niệm, thì người đó khi sắp lâm chung được Bồ Tát Di Lặc phóng quang cùng với chư thiên đến gần và tiếp độ người lâm chung. Trong khoảnh khắc người lâm chung nghe được pháp âm của Bồ Tát cùng với sự tiếp rước của Chư Thiên, người đó liền phát tâm bồ đề chứng đạo vô thượng, thường gặp hằng ha sa số Phật và không còn luân hồi sanh tử nữa.
            Những kinh sách có liên quan đến sự tích thành Phật của Bồ Tát Di Lặc thì có rất nhiều, nhưng những bài kinh quan trọng, đại để có
            - Phật Thuyết Quán Di Lặc Bồ Tát Thượng Sanh Ðâu Xuất Ðà Thiên Kinh
            - Phật Thuyết Di Lặc Hạ Sanh Thành Phật Kinh
            - Phật Thuyết Di Lặc Ðại Thành Phật Kinh
            - Di Lặc Vấn Bổn Nguyện Kinh....
            Tất cả những kinh đều nằm trong Ðại Tạng Kinh.
            Sự kiện nầy từ xưa đã được các bậc cao tăng đại đức tin tưởng rất mãnh liệt. Tại Ấn Ðộ Ngài Ca Diếp vị tổ đầu tiên hiện nay đang nhập định ở núi Kê Túc chờ Ngài Di Lặc xuất thế, lúc bấy giờ Ngài Ca Diếp sẽ mang y bát đến chuyển giao cho Ngài Di Lặc, và cũng có nhiều vị La Hán vì tin tưởng như thế, cho nên các Ngài nhập định chờ Di Lặc Bồ Tát xuất thế. Tại Nhật Bản có Ngài Hoằng Pháp Ðại Sư cũng nói rằng khi nào Bồ Tát Di Lặc giáng sanh thì Ngài cũng xuất định trở lại, vì hiện tại Ngài đang nhập định.
            Thông thường muốn học hoặc nghiên cứu một vấn đề gì đó, trước nhất chúng ta phải chấp nhận một số dữ kiện cần thiết để làm căn bản. Thí dụ như một học sinh muốn làm một bài toán giải phương trình bậc hai, điều kiện tiên quyết là người học sinh đó phải chấp nhận công thức, và sau đó mới có thể làm bài được. Người học phật cũng vậy, muốn vào thế giới của Chư Phật thì trước tiên phải có đủ ba điều kiện: Tín, Nguyện, và Hành. Ðủ ba điều kiện nầy thì muốn sanh vào thế giới nào là tùy theo bản nguyện của mỗi người. Như muốn sanh về Ðâu Xuất Viện của Ðức Phật Di Lặc, không những khích lệ được tinh thần con người phải đối diện với mọi khổ đau để sống mà nó còn có ý nghĩa rất cao sâu. Cao sâu không phải ở chỗ sanh lên cõi trời Ðâu Xuất hay ở một thế giới siêu hình tưởng tượng nào khác, mà cao sâu ở chỗ trong tương lai Phật Di Lặc, hay nói đúng hơn đó là tinh thần Hỷ Xả, Lợi Tha của Ngài Di Lặc sẽ thấm nhuần trong lòng mọi người khắp năm châu. Từ đây con người mới đối diện với mọi khổ đau, cũng từ đây chúng ta mới có thể biến nông nô thành tịnh độ đạo tràng trong cuộc sống hiện tại, mà khỏi cần tìm cầu một cảnh tịnh độ siêu hình vĩnh viễn nào khác. Nếu mọi người ai cũng có tinh thần đó và thể hiện được trọn vẹn trong cuộc sống, thì nó sẽ hiện hữu, và nó có thể biến cải thế giới Ta Bà đau khổ hiện chúng ta đang sống trở thành cảnh Tịnh Ðộ tùy theo tâm nguyện của mỗi người. Như vậy nơi Ta Bà nầy cũng là điểm tựa vững vàng cho kiếp người.
            Ðược gọi là tinh thần tịnh độ chân chính của chư Phật, trước tiên chúng ta phải hiểu và nương theo thế giới hiện thực để thể hiện Tịnh Ðộ và tinh thần đó một cách trọn vẹn. Khi nhận thức được ý nghĩa sâu sắc nầy thì tất cả các loại tịnh độ không phải chỉ thuộc ở lãnh vực tinh thần không mà thôi, mà ngay cả trong thế giới vật chất cũng có thể thực hiện được những điều đó, vì theo Kinh nói:
            - Tịnh Ðộ Di Lặc đất bằng lưu ly, hàng rào toàn bằng dây vàng, bảy hàng cây báu, đủ các loại màu sắc và hoa lá bốn mùa.
            - Thế giới Tịnh Ðộ của Phật Di Lặc, đường xá bằng phẳng như gương, tất cả mọi người trong thế giới đó đều nói chung một ngôn ngữ duy nhất, tâm tư của mọi người cũng thống nhất nên coi nhau như anh em ruột thịt.
            Trong Kinh A Di Ðà cũng diễn tả cảnh Tây Phương Tịnh Ðộ tương tự như vậy.
            Ðiều nầy chứng minh cho chúng ta thấy trong cảnh Tịnh Ðộ, ngoài sự sung mãn về phương diện tâm linh đạo đức ra, chúng ta còn thấy Tịnh Ðộ cũng là nơi hoàn bị về phương diện vật chất mỹ thuật và văn hoá nữa.
            Chúng sanh vì dục vọng, vô minh che lấp cho nên bị luân hồi mãi trong vòng sanh tử, tuy nhiên nếu chúng ta ý thức được tất cả những gì chúng ta làm, và tự nguyện sống trong luân hồi sanh tử để kiến thiết Tịnh Ðộ, như ngài Ðịa Tạng đã tự nguyện:
            - Chúng sanh độ tận phương chứng bồ đề, địa ngục vi không thệ bất thành Phật.
            Nghĩa là:
            - Tất cả chúng sanh tôi chưa độ hết thì tôi chưa chứng quả Bồ Ðề. Ðịa Ngục mà chưa trống không thì tôi sẽ không bao giờ thành Phật.
            Ðược như vậy chúng ta sẽ không cảm thấy khổ đau trong lúc quay cuồng trong vòng luân hồi sanh tử nữa, mà trái lại đó là niềm vui, niềm hy vọng tin tưởng độ sanh bừng dậy trong tâm thức. Ý nghĩa cũng như công năng tự nguyện, tự phát là tác dụng lớn lao trên con đường tu tập đạo giải thoát không phải do từ ngoài người khác đem lại, cũng không ai có quyền cưỡng bách hoặc chi phối được, mà sự giải thoát phải do chính chúng ta.
            - Người với người, ta chính ta
            Hướng về tâm nội lựa là tìm đâu
            Tìm đâu cho được đạo mầu
            Bồ đề phiền não một câu kinh hành.
            Kiếp người quá đau khổ đọa đày, mà những sự đau khổ đọa đày có là từ nơi tâm của con người lúc nào cũng như lúc nào cứ tại, bị, bởi..v...v.. nghĩa là có vô số lý do vướng mắc, chôn chặt. Có người đã giàu thì muốn giàu thêm, có người lại bỏn xẻn, keo kiệt, cho nên trong cuộc sống lúc nào cũng lo âu. Do đó họ không có dịp thưởng thức những trận lá Thu vàng rơi rụng, những lúc mưa tuyết rơi rơi giá buốt của mùa Ðông, những lúc đâm chồi nẩy lộc của cây cỏ trong dịp Xuân, Hạ về, và họ không có dịp cảm nhận được những thơ mộng ấm áp của kiếp người. Cứ như thế suốt cả thời gian của cuộc đời, họ sẽ không có được những giây phút thánh thiện cho đến khi tan biến mất khỏi cuộc đời nầy, thì tay không cũng trở về với tay không. Ai là người có tâm hướng thiện, và là người đã vượt khỏi những vướng mắc đó, thì sự hoan hỷ, thanh tịnh giải thoát do Ðức Phật Ngài chủ trương sẽ không còn bí mật xa vời nữa, mà ngay trong cõi đời hiện tại nầy cũng có thể đạt được. Với tinh thần đó, thoát khỏi những vướng mắc lưu luyến, thì chính quý vị đã tìm đến với Ngài Di Lặc, với Chư Phật ba đời. Chính quý vị đang sống trong cảnh Tịnh Ðộ của Ngài Di Lặc rồi vậy.
 
            Ghi Chú:
            1- Ðâu Xuất Thiên: Là từng trời thứ tư cõi Dục Giới, ở cõi nầy một ngày một đêm bằng bốn trăm ngày đêm ở thế gian. Người ở cõi nầy sống lâu 4000 tuổi, so với ở thế gian thì khoảng 5 ức 7 vạn 600 vạn năm.
            2- Bà La Môn: Là một tôn phái lớn nhất ở Ấn Ðộ chuyên thờ Phạm Thiên và tu phạm hạnh.
            3- Long Hoa: Là tên của một loài cây có bông hình dáng giống như đầu của một con rồng, cho nên người Ấn Ðộ lấy hình của hoa mà đặt tên.
            4- Ðâu Xuất Viện gồm có nội viện và ngoại viện.
            - Ngoại viện: Dành riêng cho Trời và Người, những ai có công tu tập vun trồng cội phúc, thì được sanh vào viện để hưởng phước.
            - Nội viện: Là nơi cư trú cuối cùng của các vị Bồ Tát sắp được bổ xứ thành Phật để hóa độ chúng sanh.

Trang Nhà / Mục Lục Xuân / Xem Trang Kế Tiếp