Long Thọ & Triết Lý Bát Bất
Thông Trí
--o0o--
           
            NĂM THỜI NÓI KINH
            Suốt 49 năm thuyết giáo để hóa độ chúng sanh của Ðức Phật, được các đệ tử kết tập và phân chia thành năm thời :
1- Thời thứ nhất Ðức Phật nói kinh Hoa Nghiêm.
            Thời kinh nầy Ðức Phật  khi mới thành đạo ở dưới cội Bồ Ðề, ngài nói kinh nầy trong 21 ngày. Mục đích ngài nói kinh nầy là muuốn chỉ bày chỗ cao sâu mầu nhiệm để:
- Dắt dẫn các bậc Bồ Tát lên địa vị Ðẳng Giác và Diệu Giác.
- Nêu bày giáo Pháp rốt ráo của Như Lai, để giúp phương tiện cho
Ðại chúng tu theo Ðại Thừa.
2- Thời thứ hai Phật Nói A Hàm.
            Thời Kinh nầy Ðức Phật kinh nói 12 năm, mục đích là chỉ rõ chân lý cho hàng Tiểu Thừa dễ thừa nhận để tự tu tự độ.
3- Thời thứ ba Phật nói Kinh Phương Ðẳng.
            Thời Kinh nầy Ðức Phật suốt 8 năm, mục đích Ðức Phật là muốn khuyến khích hàng Tiểu Thừa từ bỏ tâm niệm nhỏ hẹp, để tiến lên cái giác ngộ tích cực bao la bát ngát của Ðại Thừa.
4- Thời thứ tư Ðức Phật nói Kinh Bát Nhã.   
            Thời Kinh nầy Ðức Phật nói 22 năm, mục đích chỉ bày đạo lý chân không của vũ trụ, thuyết minh cái thật tướng, vô tướng của các pháp.
5- Thời thứ năm Ðức Phật nói Kinh Pháp Hoa và Niết Bàn.
Thời Kinh nầy Ðức Phật nói 8 năm, mục đích ngài nói rỏ bản hoài của chư Phật muốn: Khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật tri kiến.
NGUYÊN NHÂN PHẬT NÓI KINH BÁT NHÃ
Như trên chúng ta thấy, Ðức Phật đã khéo sắp xếp để đưa tư tưởng của các hàng Tiểu Thừa bước sang lãnh vực của Ðại Thừa bằng một giai đoạn chuyển tiếp, giai đoạn nầy không thuộc hẳn về tiểu, hay Ðại Thừa. Ðây là giai đoạn Thành Thật Tông khai triển chân lý Nhân Không và Pháp Không để cuối cùng hệ thống Bát Nhã mới xuất hiện. Như chúng ta cũng đã biết, Ðức Phật nói kinh Bát Nhã là chỉ bày đạo lý chân không của vũ trụ, thuyết minh thật tướng, vô tướng của các pháp. Kinh nầy được đức Thế Tôn nói ở bốn trụ xứ: Non Linh Thứu, Tịnh Xá Kỳ Viên, Tịnh Xá Trúc Lâm, và Vương Cung Cỏi Trời Tha Hóa Tự Tại, tất cả 16 hội, tổng cộng 600 quyển. Có tính cách chi tiết hơn chúng ta thấy Ðức Phật nói Kinh Bát Nhã do những nguyên nhân như sau:
            1- Phật vì ngài Di Lặc Bồ Tát mà giảng rộng các hạnh bồ tát.
            2- Muốn cho chư Bồ Tát tu theo Pháp môn Niệm Phật Tam Muội.
            3- Muốn cho chư Bồ tát trong tam muội thấy Phật hiện thần thông biến hóa.
            4- Phật nhận lời cầu thỉnh của Phạm thiên, cùng các cõi trời cõi sắc, vua Ðế Thích, cùng các trời cõi Dục và Tứ Thiên Vương trong sứ mạng Chuyển Pháp Luân.
            5- Muốn đoạn trừ nghi hoặc của chúng sanh, và khiến cho mọi người thấy Phật trụ ở thực tướng thanh tịnh như hư không trong vô lượng vô số pháp Bát Nhã Ba La Mật.
            6- Phật muốn tuyên thị tất cả các Pháp thực tướng đoạn nghi trừ kết của chúng sanh.
7- Muốn trừ cống cao tà mạn của ngoại đạo, muốn cho mọi người tin nhận chân Pháp, muốn cho chúng sanh hoan hỷ, và muốn trị bệnh kiết sử phiền não cho chúng sanh.
            8- Muốn đoạn trừ ý nghĩ phàm phu cho rằng: Phật cũng giống như tất cả những chúng sanh khác, nghĩa là cũng có: Sanh, lão, bệnh, tử, đói, khát, nóng, lạnh..v..v.., và chỉ cho tất cả chúng sanh biết được thân Phật và đời sống của Phật không thể đo lường được.
            9- Muốn trợ duyên cho những người chấp nhị biên hiểu rõ được lý Trung Ðạo.
10- Muốn phân biệt Sinh Thân và Pháp Thân, và phước báo cúng dường.
11- Muốn nói tướng thối chuyển, tướng bất thối chuyển.
12- Muốn nói ma huyển, ma sự, ma ngụy.
            13- Vì nhân duyên cúng dường Bát Nhã Ba La Mật của người đời sau.
            14- Muốn thụ ký rộng cho ba thừa.
            15- Phật muốn nói tướng Ðệ Nhất Nghĩa Ðàn.
16- Muốn cho Tràng Trảo Phạm Chí và Ðại Luận Nghĩa Sư ở trong Phật Pháp sinh lòng tin.
            17- Phật muốn nói thật tướng của sự vật.
18- Phật muốn nói phi thiện, phi bất thiện, phi vô ký, các tướng của sự vật, pháp học, vô học, phi vô học, pháp đoạn kiến đế, đoạn tư duy, vô đoạn, có thấy hữu đối, không thể thấy hữu đối, không thể thấy vô đối; pháp trên, giữa, dưới, nhỏ, lớn, vô lượng pháp.
19- Muốn lấy pháp môn khác với Tứ Niệm Xứ.
20- Phật muốn nói vô thường , khổ, không, vô ngã.
NGÀI LONG THỌ VÀ TRIẾT LÝ BÁT BẤT
            Sau khi Ðức Phật nhập Niết Bàn, kinh Bát Nhã được xiển dương và trở thành hệ thống tư tưởng Bát Nhã Ðại Thừa. Người có công trong việc xiển dương tư tưởng Phật Giáo Ðại Thừa nói chung và Tư Tưởng Bát Nhã nói riêng là phải nói ngài Long Thọ.
Về việc vận động để hình thành Phật giáo Ðại Thừa, trước đây cũng đã có, nhưng chỉ là cái bóng mờ trong Sa mạc. Mãi cho đến khi ngài Long Thọ xuất hiện mới tổ chức thành Giáo Hội Phật Giáo. Như vậy nếu có lúc ngài Mã Minh là người thắp sáng ngọn đuốc Ðại Thừa ở đầu thế kỷ thứ sáu, thì ngài Long Thọ là người đốt cao ngọn đuốc chánh pháp vào giữa thế kỷ thứ sáu sau Ðức Phật nhập Niết Bàn. Theo truyện ký, ngài Long Thọ là người Tỳ Ðạt Bà thuộc Nam Ấn. Thuở nhỏ ngài thông hiểu các kinh Phệ Ðà, và trở thành người thông thái trong giáo lý của Bà La Môn. Khi xuất gia theo Phật Giáo, lúc đầu ngài tu theo hệ phái Tiểu Thừa, nhưng sau đó lại chuyển sanh Ðại Thừa, và trở thành nhà cổ xuý cho phong trào, và cũng là người thành công lớn trong việc thiết lập tám tông phái đại Thừa, và trong việc cổ xuý phong trào Phật Giáo Ðại Thừa tại miền Nam Ấn Ðộ. Sự đóng góp của ngài trong việc phát triển Ðại Thừa Phật Giáo, nên người đương thời coi trọng ngài như là Ðức Phật thứ hai. Sự đóng góp đáng lưu ý nhất của ngài là khái niệm về Tánh Không. Sự đóng góp nầy không những chỉ có tác dụng lớn lao trên tư tưởng Phật Giáo Ấn Ðộ, Trung Hoa, và Nhật Bản từ những thời xa xưa, mà những năm gần đây cũng đã thu hút được sự chú ý của những triết gia Tây Phương. Tiêu biểu, một trong những triết gia Tây Phương là ông Karl Jaspers, một triết gia hiện sinh người Ðức. Trong tác phẩm mang tên: Những Triết Gia Lớn, ông nêu danh sách mười lăm người mà ông cho là những triết gia đứng đầu Thế Giới. Trong số đó có đức Phật và ngài Long Thọ. Mười ba vị kia là: Khổng Tử, Socrates, Christ, Plato, Augustine, Kant, Anaximander, Heraclitus, Parmenides, Plotinus, Anselm, Spinoza, và Lão Tử. Việc Triết Gia Karl Jaspers xếp Ðức Phật và ngài Long Thọ vào danh sách những triết gia nổi tiếng đúng hay sai còn tùy sự nhận xét của từng cá thể. Nhưng chúng ta là người học Phật đừng bao giờ quên rằng  hai ngài không những là triết gia trong danh từ nhỏ hẹp nầy,  mà các ngài còn là những nhà lãnh đạo tôn giáo, và là những hành giả của tín ngưỡng. Vì lý do nầy mà các ngài được quần chúng hoan nghinh đón nhận, và coi là những bậc Giác Ngộ, những vị Phật ra đời để truyền giảng chân lý.
Trong công cuộc hoằng dương giáo Pháp Ðại Thừa, ngài Long Thọ đã trước tác rất nhiều tác phẩm như:
- Trung Quán Luận
            - Thập Nhị Môn Luận
            - Ðại Trí Ðộ Luận
- Thập Trụ Tỳ Bà Sa Luận
            -Lục Thập Tụng Như Ý Luận
            - Thất Thập Không Tính Luận
- Hồi Tịnh Luận
- Ðại Thừa Phá Hữu Luận
- Ðại Thừa Nhị Thập Tụng Luận
- Thập Bát Không Luận
- Bồ Ðề Tư Lương Luận
- Bồ Ðề Tâm Ly Tướng Luận
- Bồ Ðề Hạnh Kinh
- Thích Ma Ha Diễn Luận
- Khuyến Phát Chư Vương Yếu Kệ
- Tán Pháp Giới Tụng
- Quảng Ðại Pháp Nguyện Tụng.
            Như trên đã nói ngài Long Thọ viết rất nhiều sách, nhưng bộ sách căn bản hơn hết đó là Trung Quán Luận. Lập trường của Trung Quán có ba tiền đề lớn;
            1- Phương Pháp Quán Sát Nhị Ðế.
            Phương pháp nầy, căn cứ trên sự vật, quan sát trên hai lập trường: Ðệ Nhất Nghĩa Ðế(Chân Ðế), và Ðệ Nhị Nghĩa Ðế(Tục Ðế).
            2- Bộ Phái Phật Giáo.
            Ðây muốn nói về Hữu Bộ, dùng phương pháp phân tích để thành lập Thực Tại Luận. Ðây là kết quả của sự quan sát Ðệ Nhất Ðệ Nhất Nghĩa Ðế.
            3- Quan Niệm Chân Không.
            Ðây là nói về giáo nghĩa của Bát Nhã, là kết quả của sự quan sát Ðệ Nhất Nghĩa Ðế. Và được coi là chân lý tối hậu.
            Nhiệm vụ của Trung Quán Luận là theo lập trường của Chân Ðế để quét phá sự quan sát sai lầm của Tục Ðế, mục đích là đem hết thảy đều quy về nghĩa không. Kinh Bát Nhã tuy đã quán phá, và cho hết thảy năm uẩn, 18 giới, và 12 nhân duyên đều không, và phân biệt tính không của các pháp, đó là phần thô. Có khi lại nói các pháp thế gian tức là Niết Bàn, đó là phần thâm thúy. Căn cứ vào đó chúng ta thấy cuộc sống chân thực và công năng của nó đã được thuyết minh một cách khoáng trương trong Kinh Bát Nhã, nghĩa là phán đoán về giá trị nhân sinh theo kết quả hoán chuyển căn bản. Ta có thể nói: Từ trước những cái thường làm cho ta bận tâm như Khổ, vui, nghèo giàu, mê, ngộ, thiện, ác thì bây giờ siêu việt hết. Từ đó dù ở trong hoàn cảnh nào, bao giờ hành giả cũng triệt để biểu dương cuộc sống làm chủ ý chí mình. Tuy nhiên,  trên thực tế Bát Nhã vẫn chưa đưa những thuyết ấy đến lập trường lý luận. Ngài Long thọ tiến thêm một bước nữa, và đây là điểm độc đáo của Ngài, đó là dùng biện chứng luận Hữu để đả phá Thế Giới Quan của Tiểu Thừa, rồi đem tất cả quan niệm Không của Ðại Thừa trên phương diện thần học, để biện chứng thành Trung Quán. Ðể đạt tới mục đích Trung quán, nên trước hết ngài Long Thọ đã gạt bỏ sự quan sát thế giới theo hai mặt: Sinh-Diệt, Thường-Ðoạn, Một-Khác, Ði-Lại. Chân tướng của Thế Giới chỉ có thể nói là ở chổ: Không sanh, không diệt; không thường, không đoạn; không đi, không lại. Lấy lý thuyết Bát Bất nầy  để chứng minh thuyết đôi: Sanh-Diệt, Thường-Ðoạn, Một-Khác, Ði-Lại không còn có lý do để đứng vững. Như ở trong Trung Quán Luận có đoạn nói về cái Không Ði trong triết lý Bát Bất như sau:
- Ði rồi, không có cái chi đi
Chưa đi, cũng không có cái đi
Ngoài cái đi rồi và chưa đi
Thì khi đi cũng chưa có cái đi.
Ý nghĩa vừa được trình bày ở trên cho chúng ta thấy cái trạng thái Ði Rồi thì không còn có sự đi nữa. Trong trạng thái Chưa Ði, thì lại không có sự đi. Ngoài cái Chưa Ði và Ði Rồi, thì dù ở trong trạng thái Ðang Ði cũng không có sự đi. Như vậy cuối cùng cũng không có sự đi, cho nên ngài Long Thọ kết luận rằng tất cả đều không. Ðó là kết cấu của Trung Luận. 
            Căn cứ vào tri thức thông thường, một khi giải thích về thế giới thì tất cả đều lấy Vô minh, tham vọng làm khởi điểm để dẫn tới tất cả duyên sinh. Vô minh và tham vọng đó có đều do sự nhận biết sai lầm lấy cái không làm có, cho nên rốt cuộc cũng chỉ là không.  Do đó mà trong Bát Nhã nói: Không không, đại không. Ở đây ngài Long Thọ muốn đem thuyết Chân Không của Bát Nhã thành lập biện chứng luận. Ngài Long Thọ tuy dựa vào Chân Lý Bát Nhã để thành lập thuyết biện chứng không, nhưng thật ra lập trường chính của ngài Long Thọ thì lại không
nhất định ở cái không. Bởi vì chính cái không cũng là không, vậy thì lại trở về cái thế giới giả danh. Trong Trung Quán Luận có nói rõ ý nghĩa nầy: Các pháp do nhân duyên sanh, tôi nói đó là không, cũng gọi là giả danh mà cũng là Trung Ðạo. Nghĩa là giữa khoảng Không và Có để khai triển một thế giới thật tướng đó là Trung Ðạo. Ðây mới thực sự là lập trường chính của ngài Long Thọ.
            Nói tóm lại, lập trường của Bát Nhã xuất phát từ vọng tâm duyên sinh quan, bao giờ nó cũng đưa về tính không, thì lúc đó mới mở được chân trời tự do giải thoát. Căn cứ trên lập trường ấy, cuối cùng Bát Nhã đã khai triển một thế giới diệu hữu vô cùng linh động, và thiết thực. Chân Không Diệu Hữu đó là nền tảng  của tất cả tư tưởng Ðại Thừa. Chỉ có một điểm khác biệt đó là: Chú trọng ở Chân Không hay Diệu Hữu. Lấy nó làm phương châm hoạt động hay chỉ để quán chiếu thế giới. Chú trọng ở sự hành đạo hay chỉ để thuyết minh? Ðó là những điểm bất đồng, nhưng xét cho cùng chúng ta có thể nói tất cả các kinh điển Ðại Thừa đều xuất phát từ Bát Nhã, và lấy Bát Nhã làm trung tâm. Do đó chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong Phật Pháp Kinh Bát Nhã đã chiếm một địa vị trọng yếu cho việc tu tập và nghiên cứu. Không những cho chư liệt lịch đại tổ sư, chư đệ tử Tại Gia hay Xuất Gia của Ðức Phật và ngay cả cho tất cả các hàng học giả sau nầy khắp nơi trên thế giới.
             Tài Liệu Tham Khảo:
- Bát Nhã Cương Yếu
- Ðại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận
- Ðại Trí Ðộ Luận
- Những Kỷ Nguyên Ðầu Của Ðạo Phật.
-- o0o --