Vài Ý Nghĩ Về
Khoa Học & Tôn Giáo
Tâm Hương
--o0o--
 
Thông thường chúng ta không thấy những điểm tương đồng giữa tôn giáo và khoa học. Tôn giáo thuộc về lãnh vực tâm linh, lý trí. Khoa học thuộc về lãnh vực thực nghiệm, vật chất. Tuy nhiên nhận xét kỹ chúng ta thấy hai địa hạt đó không có sự khác biệt mà trái lại còn có sự tương đồng trên những căn bản đáng kể. Có những khoa học gia cho rằng tư tưởng tôn giáo đã phổ biến từ ngàn xưa như Phật Giáo; ngày nay khoa học càng tiến bộ, họ chứng minh được tinh thần đó càng gần gũi với khoa học nhiều hơn. Gần đây ông Fritof Capra người Áo là một Nhà Vật Lý Học nổi tiếng trên thế giới, hiện nay ông đang dạy tại University Of California, Berkeley đã chứng minh sự tương quan giữa Khoa học và Tôn giáo. Không những thế mà ông còn nói Tư Tưởng tôn giáo, Ðạo Phật là tư tưởng khoa học trong thời kỳ phôi thai. Khoa học thực nghiệm là khoa học trong thời kỳ phát triển trưởng thành. Thật vậy, như chúng ta thấy từ ngàn xưa đức Phật đã từng dạy các môn đệ:
- Trong một chén nước có tám vạn bốn ngàn con vi trùng, nếu uống nước mà không cầu nguyện, thì như ăn thịt của chúng sanh.
Lời nói đó, mãi cho đến khi khoa học phát triển có kính hiển vi mới công nhận:
- Trong một chén nước có vô số vi trùng.
Trong Ðạo Ðức Kinh cũng đã có những tư tưởng rất là khoa học:
- Con người tầm thường tuân theo định luật của vật chất, quả đất tuân theo định luật của Vũ Trụ, Vũ Trụ phải tuân theo Ðạo, là cái định luật tối thượng tự nó có, không cần phân tích, mà cũng không thể nào phân tích được bằng tư tưởng thông thường của con người, như nói:
- Ðạo khả đạo phi thường đạo,
Danh khả danh phi thường danh.
Nghĩa là:
- Ðạo mà nói được cái Ðạo là không phải đạo
Tên mà nói được cái tên là không phải tên.
Cái lý, cái đạo của Ðông Phương, tương đương với định luật tự nhiên ( law of nature ) của khoa học Âu Tây. Ðó là trật tự nguyên thủy sẵn có của vũ trụ (Vũ trụ của vật chất và vũ trụ của tâm linh). Cái tư tưởng của con người chỉ là một mảy may của vũ trụ, dầu là tư tưởng thiêng liêng tôn giáo, hay là tư tưởng khoa học. Cái đạo bao quát tất cả, trật tự, tối thượng và hiển nhiên. Các nhà thần thông của Ðông Phương chỉ chấp nhận chứ không đi tìm cái tối thượng đó, không muốn phân tích nó mà chỉ đi tìm cái nhất quán của nó. Ðó là thái độ của Phật Thích Ca khi ngài trả lời những câu hỏi về vũ trụ và sự sống bằng một sự im lặng cao quý. Một vài đấng Thiền Sư cũng không trả lời các câu vấn nạn của các đệ tử như khi hỏi:
- Phật là gì?
- Cái cuộn tơ nầy nặng ba cân.
Như có người hỏi Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma, tại sao ông đến đây để giảng đạo? Bồ Ðề Ðạt Ma đã trả lời:
- Có một cây cổ thụ trong vườn.
Những thắc mắc trong vòng lẩn quẩn của tư tưởng, là cái ta cần phải vứt bỏ, vì nó không đem lại sự lợi ích nào cho chúng ta trong cuộc sống. Ðông Phương luận như thế vì cho rằng tư tưởng thông thường của con người không theo kịp sự giải thích nguyên ủy của sự vật như các Thiền Sư và Thi Sĩ nói:
- Một cái là tất cả, tất cả là một cái.
Hoặc là:
- Có thì có tự mảy may,
Không thì cả thế gian nầy cũng không,
Kìa xem bóng nguyệt dòng sông,
Ai hay không có, có không làm gì!
Cái nhất quán đó đã được Phật Giáo Ðại Thừa đưa lên đến cực điểm của vũ trụ luận.. thấy tất cả vũ trụ trong một hạt cát, tất cả thiên đàng, địa đàng trong một cánh hoa dại, tất cả những gì mình có trong một nắm tay, và tất cả vô tận trong một khắc đồng hồ. Diễn tả rất đạt chứ không có máy móc như cách khoa học thông thường. Chính một đại khoa học gia Tây phương là ông Leibnitz, cách đây hai trăm năm đã viết:
-Một mẫu nhỏ vật chất là một cái vườn hoa thơm, cỏ lạ. Một cái hồ đầy cá, chỉ cần một cánh hoa, một con cá cũng đủ đại diện cho khu vườn hay cái hồ cá rồi.
Lão Tử đã từng viết rằng:
- Ðã nói ra là chưa biết rõ,
Biết rõ rồi thì không nói.
Khi đó, trong lúc khoa học còn đang chập chửng mà tư tưởng thần bí của tôn giáo thì đã chín muồi. Giờ đây các nhà vật lý học đã phát hiện ra nhiều điểm tương đồng giữa tư tưởng khoa học thuần túy và tư tưởng tôn giáo ngàn xưa. Hồi còn thôi nôi loài người, các nhà thi sĩ, các tay hề trứ danh, ngay cả đến lời nói của con trẻ, mỗi người một cách đã phản ảnh phần nào cái hiểu biết đi thẳng vào thực chất của mỗi hiện tượng, nhưng không ai thấu triệt được cái nhất quán của mỗi hiện tượng.
Người đã giác ngộ thì không phân biệt thân thể với linh hồn, nội tâm với ngoại thức của mình, cũng như ta không phân biệt mặt trời với phương hướng của mặt trời vì chỉ là hai khía cạnh của một nhận thức mà thôi. Mỗi hiện tượng đều có kết cấu với nhau, người ngồi thiền cũng như nhà khoa học đều đi đến một quan niệm chung, dầu là suy từ trong ra ngoài, hay đi ngược lại. Thần học Ấn Ðộ xem Brahman có nghĩa là ngoại vật và Atman có nghĩa là nội tâm là một. Thiền Sư ở Phương Ðông hồi xưa và nhà Vật Lý Học nguyên tử hiện nay không hẹn mà cùng có một mẫu số chung của hình và bóng. Những máy móc tân kỳ của hiện đại cũng do nhờ nguyên lý nhất quán của vật lý học là anh em sinh đôi với nguyên lý nhất quán của Phật Giáo. Hai con đường đó đồng nguyên và đi song song, như một câu nói xưa của bậc cổ đức:
- Con người hiểu biết đến cội rễ, nhưng không hiểu biết đến ngọn ngành. Còn nhà Khoa học thì rất chi tiết từng cành nhánh, nhưng lại không hiểu biết cái cội rễ.
Con người cần đến cả hai, vì con người có sự sống và ý thức đến sự sống đó. Cần có sự kết hợp, hoà đồng và chắp nối giữa thần bí và khoa học. Xã hội Ðông Phương và xã hội Tây Phương đều có khuyết điểm vì quá chú trọng về một phía. Thành kiến cho rằng Tây Phương có quá nhiều dương tính, đòi hỏi quá nhiều lý trí, năng động và phục vụ cho khuynh hướng vật chất, không hẳn là sai. Còn xã hội Ðông Phương có quá nhiều âm tính, tiêu cực, hướng nội và duy tâm, duy linh có vẽ lơ là những ràng buộc của vật chất cũng có phần đúng.
Ngày nào đó có sự hoà đồng quan niệm thì mới thật sự đi đến thiên hạ đại đồng. Còn hiện nay tính cách thần bí của vũ trụ quan Ðông Phương vẫn còn làm cho người Âu Mỹ ngạc nhiên và tò mò tìm hiểu, trong khi đó thì khoa học của Âu Mỹ đã được bắt đâu thâu nhận và áp dụng tại một vài nước tân tiến ở Á Châu. Vấn đề thật sự là làm sao tăng tiến đời sống của con người về phẩm cũng như về lượng. Ðiều đó hy vọng sẽ không còn xa vời cho cả Ðông Phương lẫn Tây Phương trong những ngày gần đây.
-- o0o --