Kinh Pháp Hoa
Quảng Giáo ghi
--o0o--
 
Phẩm Tựa Thứ Nhất
Theo Luận của ngài Thế Thân Bồ Tát đã thuyết minh, Phẩm Tựa của Kinh Pháp Hoa có bảy thứ thành tựu, nay tôi căn cứ vào bản dịch của Hoà Thượng Thích Trí Tịnh, và chia Phẩm Tựa thành chín phần Thành Tựu trình bày như sau:
1-   Tựa Thành Tựu
            Kinh Văn:
            Tôi nghe như thế nầy:
            Giảng:
            Chữ tôi nghe như thế nầy là chỉ cho Tôn Giả A Nan, người nghe và thuật lại kinh nầy. Sở dĩ Tôn Giả An Nan phải nói lời nầy là vì có bốn lý do:
a- Tuân Theo Lời Giáo Huấn Của Ðức Phật.
Trước khi Ðức Phật nhập Niết Bàn, các ngài Ưu Ba Ly, A Nậu Lâu Ðà, và A Nan đã thỉnh cầu đức Phật chỉ dạy, sắp xếp kinh điển như thế nào trong những lúc ghi chép, và Ðức Phật đã dạy nên để câu: Tôi nghe như thế nầy ở phần mở đầu của các Kinh.
b-   Dứt Trừ Nghi Ngờ, Sanh Tín tâm   
Nêu rõ Pháp, và xác định: Tôi, Tôn Giả A Nan, ngày xưa đã từng thân cận hầu Phật mà được nghe như thế, tức là trước hết ngài A Nan xác nhận chính mình đã được nghe chớ không nghe qua trung gian một người nào, sau là làm cho đại chúng khởi lòng tin thuận.
c-   Ðúng Như Thật
            Muốn nói rằng Pháp Ðức Phật nói như thế, do Tôi, là A Nan đích thân nghe được từ kim khẩu của đức phật nói, nên hôm nay tôi thuật lại như thế chớ không thêm không bớt.
2- Chủ Thành Tựu
Kinh Văn:
Một thuở nọ đức Phật
Giảng:
Chữ một thưở nọ đức Phật là chỉ cho thời gian đức Phật cư trú ở tại nơi nào đó, tuy nhiên ở đây không ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm. Nghĩa là chỉ cho thời gian từ lúc chúng sanh có đủ căn cơ được nghe Ðức phật nói Kinh Pháp Hoa, cho đến cuối Hội Pháp Hoa.
3- Xứ Thành Tựu
Kinh Văn:
ở trong núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá,
Giảng:
Ðoạn ở trong núi Kỳ Xà Quật, nơi thành Vương Xá, là chỉ cho đức Phật hiện đang ở tại Núi Kỳ Xà Quật hay còn gọi là núi Linh Thứu thuộc thành Vương Xá thủ đô nước Ma Kiệt Ðà, ngày nay là tiểu bang Bihar của Ấn Ðộ. Ðây là địa danh sau cùng đức Phật dừng chân trên bước đường thuyết pháp giáo hóa chúng sanh. Trải qua bao nhiêu năm dìu dắt chúng hội đi khắp đó đây, cuối cùng ngài đưa chúng hội lên đỉnh núi Linh Thứu để nói Kinh Pháp Hoa. Trong khi đó tất cả các bộ kinh khác ngài đều nói ở Tịnh Xá. Ðiều nầy cũng có thể nói, sự kiện nầy là tiêu biểu cho sự nỗ lực của hành giả vượt qua tất cả những khó khăn, vận dụng tất cả những khả năng của chính mình để đạt tới tuyệt đỉnh trí tuệ mới có thể lãnh hội Kinh Pháp Hoa.
            4- Chúng Thành Tựu
            Kinh Văn:
            I- Chúng Nội hộ
            cùng chúng đại Tỳ Kheo một muôn hai nghìn người tụ hội. Các vị ấy đều là những bậc A La Hán, các lậu đã hết, không còn phiền não, việc lợi mình đã xong, dứt sự ràng rịt trong các cõi, tâm được tự tại. Tên các vị đó là A Nhã Kiều Trần Như, Ma Ha Ca Diếp, Ưu Lâu Tần Loa Ca Diếp, Dà Gia Ca Diếp, Na Ðề Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Ðại Mục Kiền Liên, Ma Ha Ca Chiên Diên, A Nậu Lâu Ðà, Kiếp Tân Na, Kiều Phạm, Ba Ðề, Ly Bà Ða, Tất Lăng Già Bà Ta Bạc Câu La, Ma Ha Câu Hy La, Nan Ðà Tôn Ðà La Nan Ðà, Phú Lâu Na Di Ða La Ni Tử, Tu Bồ Ðề, A Nan, La Hầu La..v..v..đó là những vị đại A La Hán hàng trí thức của chúng.
Giảng:
            Tất cả chúng Thanh Văn tổng cộng là 12,000.00 người, tuy nhiên ở đây chỉ ghi những vị Ðại Ðệ Tử thượng thủ trong hàng thánh chúng mà thôi. Trong số những vị Thanh Văn đệ tử nầy có A Nan là chưa chứng quả A La Hán, tuy nhiên ngài là vi Ða Văn Bật Nhất, được Ðức Phật thường khen ngợi cho nên cũng được liệt vào hàng Ðại A La Hán. Chư Thánh chúng nầy thường sống gần gũi với Phật và y theo Phật mà an trú, cho nên được coi là quyến thuộc Nội Hộ của Ðức Phật. Tất cả những vị Ðại A La Hán nầy, Các ngài đã có thể chế ngự được mọi ham muốn, và tất cả những nguyên nhân phát sanh ra phiền não, do đó mà các ngài thoát khỏi mọi sự ràng buộc trong cuộc sống, có thể tập trung được tư tưởng, không bị giao động trước mọi hoàn cảnh, tự tại trong mọi lãnh vực hiểu biết, và thành tựu ba công đức lớn:
            1- Ðáng thọ nhận sự cúng dường của Trời và Người cúng dường, đồng thời cũng xứng đáng làm ruộng phước điền cho trời người.
            2- Không còn sanh tử nữa vì đã chấm dứt được thân hữu lậu, vượt ra khỏi ba cõi.
            3- Thành tựu được trí thông thù thắng công đức, xứng đáng chánh trí giải thoát.
            Kinh Văn:
            Lại có bực Hữu Học, và Vô Học hai nghìn người.
            Giảng:
            Những vị Thanh Văn Tỳ Kheo nầy là Vô Danh Ðại Ðức, cũng là chúng Thanh Văn Nội Hộ của Ðức Phật. Gọi là Hữu Học là vì chư vị Thanh Văn nầy còn đang tu tập Giới, Ðịnh, Huệ chưa được viên mãn nên gọi là Hữu Học. Những vị Thanh Văn tu Giới, Ðịnh, Huệ đến chỗ viên mãn, chứng được quả vi A La Hán thì gọi là Vô Học vì không còn học nữa.
            Kinh Văn:
Bà Tỳ Kheo Ni Ma Ha Ba Xà Ba Ðề cùng với quyến thuộc sáu nghìn người tụ hội. Mẹ của La Hầu La là bà Tỳ Kheo Ni Gia Du Ðà La cùng với quyến thuộc tụ hội.
            Giảng:
Thanh Văn Tỳ Kheo Ni Ba Xà Ba Ðề và chư quyến thuộc cũng là đệ tử Nội Hộ của Ðức Phật. Ma Ha Ba Xà Ba Ðề còn có tên là Ðại Ái Ðạo Tỳ Kheo Ni là người có công nuôi dưỡng Thái Tử Tất Ðạt Ða. Nhân nghe Ðức Phật thuyết Pháp bà ngộ được lý Vô Thường nên xin Ðức Phật xuất gia. Lúc đầu Ðức Phật không bằng lòng, nhờ chư vị đại đệ tử khẩn cầu nên Ðức Phật chấp thuận cho Di Mẫu xuất gia. Khi được Ðức Phật cho xuất gia, bà trở thành vị Tỳ Kheo Ni đầu tiên và cũng là Thượng Thủ trong chúng Thanh Văn Tỳ Kheo Ni.
Kinh Văn:
Bậc đại Bồ Tát tám muôn người đều không thối chuyển ở nơi đạo vô thượng chính đẳng chính giác, đều chứng được pháp Ðà La Ni nhạo thuyết biện tài chuyển nói pháp luân bất thối chuyển, từng cúng dường vô lượng trăm nghìn chư Phật, ở các nơi đức Phật trồng các cội công đức. Thường được các Phật ngợi khen, dùng đức từ tu thân, khéo chứng trí tuệ của Phật thông đạt đại trí đến bờ bên kia, danh đồn khắp vô lượng thế giới có thể độ vô số trăm nghìn chúng sanh. Tên của các vị đó là: Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Quan Thế Âm Bồ Tát, Ðắc Ðại Thế Bồ Tát, Thường Tinh Tấn Bồ Tát, Bất Hưu Tức Bồ Tát, Bửu Chưởng Bồ Tát, Dược Vương Bồ Tát, Dõng Thí Bồ tát, Bửu Nguyệt Bồ Tát, Nguyệt Quang Bồ Tát, Mãn Nguyệt Bồ tát, Ðại Lực Bồ Tát, Vô Lượng Lực Bồ Tát, Việt Tam Giới Bồ tát, Bạt Ðà Bà La Bồ Tát, Di Lặc Bồ Tát, Bửu Tích Bồ Tát, Ðạo Sư Bồ tát..v..v..các vị đại Bồ Tát như thế tám muôn người tụ hội.
Giảng:
Bên cạnh số Thanh Văn quyến thuộc Nội Hộ, chúng ta còn thấy 80,000.00 vị Ðại Bồ Tát cũng thuộc đệ tử Nội Hộ của Ðức phật. Các vị nầy là những Bậc Ðại Bồ Tát đã từng thân cận chư Phật trong đời quá khứ, gieo trồng các phước đức nhân duyên sâu dày với chúng sanh trong tam giới, nên các vị nầy cũng gọi là Giác Hữu Tình. Giác Hữu Tình có ba nghĩa:
1-   Do bốn hoằng thệ nguyện, trên cầu Phật Ðạo dưới hoá độ chúng sanh.
2-   Ðầy đủ tự giác.
3-   Giác tha công đức.
Như thế chúng ta thấy các ngài phải trải qua khắp mười phương thế giới, trải qua A Tăng kỳ kiếp dũng mãnh tinh tiến để mà tự và độ tha, những vị Bồ Tát nầy từ nơi Bát Ðịa trở lên mới được gọi là Ðại. Tất cả chư vị nầy đều không thối chuyển ở đạo Vô Thượng Chánh Ðẳng Chánh Giác. Không thối chuyển ở đây có bốn ý nghĩa:
1-   Tín Bất Thối:
Ở ngôi Thập Tín, Tín thứ sáu tên là Bát Thối Tâm, kiên cố tin chánh pháp, không những một đời mà là đời đời kiếp lòng tin vẫn kiên cố.
2-   Vị Bất Thối:
Ở ngôi Thập Trụ, Trụ thứ bảy tên Bất Thối Vị, nghĩa không còn lui trở lại Tiểu Thừa nữa.
3- Chứng Bất Thối:
Từ Sơ Ðiạ trở đi là chứng bất thối, nghĩa là chứng Chân Như Pháp Thân không còn lui chuyển nữa.
4-   Hành Bất Thối:
Từ Bát Ðịa trở lên gọi là niệm niệm hành bất thối chuyển địa. Ðến bực nầy là rốt ráo không lui, những Pháp đã thành tựu hay chưa thành tựu đều quyết định có thể thành tựu.
Các vị Ðại Bồ Tát nầy đã được không thối chuyển, và có thể từ một pháp, một nghĩa có thể thu nhiếp vô lượng Pháp, Vô Lượng nghĩa, đồng thời đem ra hướng dẫn cho chúng sanh, làm cho tất cả các chúng sanh tùy theo căn cơ cao thấp mà được lợi ích. Nghĩa là các vị Ðại Bồ Tát nầy  luôn luôn sống trong trí huệ và sở nguyện, sở hành của Như Lai, vì các ngài đã từng thân cận, cúng dường, tu học với muôn ức Ðức Phật, do đó mà tiếng thơm trong khắp mười phương, trang nghiêm thân tâm bằng lòng từ, thường cứu vớt chúng sanh vì vậy mà được các Ðức phật thường khen ngợi. Nói là các Ðức Phật thường khen ngợi, có nghĩa không phải một Phật Thích Ca Mâu Ni mà là rất nhiều vị Phật khác cũng thường khen ngợi. Do sự khen ngợi nầy mà có thể dứt trừ được hai điều nghi:
1- Chư Bồ Tát thường nương theo Phật làm thầy, nên không biết những hạnh tự thân mình tu đã cùng với Phật có hợp hay không, nên thường nghi ngờ. Ngày nay được Phật ngợi khen, thời điều tự nghi ấy đã dứt được.
2- Ðại chúng trong pháp hội có người ngờ rằng công đức của vị Bồ Tát nầy hơn kém Bồ Tát kia, mà nay các Ðức Phật ngợi khen công Ðức Bồ Tát, nên sự nghi ngờ đó cũng dứt hẳn.
Ngoài ra chư vị Ðại Bồ Tát hiện hữu nơi Pháp Hội Pháp Hoa bằng thân Vô sanh của các ngài. Vô Sanh mà Vô Bất Sanh. Vô Sanh nên mới vượt ra khỏi ba cõi. Vô bất Sanh nên mới thị hiện vào trong Lục Ðạo, tu thân ấy tức là tu cái thân đã thị hiện ra ở trong Pháp Giới. Bên trong các ngài đã chứng đắc quả vị, bên ngoài thì thuyết pháp lợi sanh, tất cả đều xử dụng tâm Ðại Từ Ðại Bi để tu thân, để khuyến hóa quần sanh. Thâm nhập vào trí tuệ của phật, tức là chứng vào cảnh giới Chân Như, nên gọi là nhất thiết trí bất thối chuyển. Thông đạt Ðại trí ấy, tức là chứng ngã không, pháp không đó là chân như Pháp Tánh, là cảnh giới chân thật Bất Thối Chuyển. Vì vậy các ngài có thể trụ trong vô lượng thế giới để truyền bá chánh Pháp, làm cho chánh pháp không tiêu diệt mà không có một sự chướng ngại nào. Vì có thể vượt ra khỏi ba cõi, nên các ngài đến dự đông đảo trong một hội trường hữu hạn như ở núi Kỳ Xà Quật, nhưng không chướng ngại cho chúng Thanh Văn, là vì các ngài hiện hữu trong tư thế siêu hình, thông được tất cả các pháp. Vì vậy lúc đó trong đạo tràng, chúng Thanh văn thấy có Ðức Phật Thích Ca bằng xương bằng thịt trước mặt thuyết pháp, nhưng đối với chúng Bồ Tát, Ðức Phật đang nói Pháp đó là một Ðức Phật siêu thực có tầm vóc tương xứng với họ.
Như trên là nói về chư vị Thanh Văn Tỳ Kheo Hữu Danh Cao Ðức, Chư Vị Tỳ Kheo Vô Danh Ðại Ðức. Chư vị Thanh Văn Tỳ Kheo Ni Tôn Trọng Chư Ni, và Tỳ Kheo Ni Nội Quyến Chư Ni, và Chúng Bồ Tát. Ðó là Năm Chúng Nội Hộ của Ðức Phật
Kinh Văn:
II- Chúng Ngoại Hộ
Lúc bấy giờ Thích Ðề Hoàn Nhân cùng quyến thuộc hai muôn vị thiên tử tụ hội.
            Giảng:
Trong chúng Ngoại Hộ trước tiên là:
1-   Người
2-   Không Phải Người.
Trong chúng Không Phải Người lại phân biệt thành hai:
- Chúng Không Phải Trời.
- Chúng Trời
Trong chúng Trời lại chia thành hai:
            - Chúng Trời Ở Trên Không(là những tầng trời tính từ Sắc Giới trở lên Vô Sắc Giới)
- Chúng Trời Ở Dưới Ðất(là những tầng trời gần mặt đất, cõi trời Dục Giới)
Chúng Trời Ở Dưới Ðất lại chia thành hai:
- Vua Trời
- Thần Tôi
Như vậy chúng Ngoại Hộ gồm có: Chúng Trời Ở Dưới Ðất, Chúng Vua Trời, Chúng Thần Tôi; Không Phải Người, Rồng, Khẩn Na La, Càn Thát Bà, A Tu La, Ma Hầu La Già, và Người,tổng cộng tất cả là mười chúng. Thích Ðề Hoàn Nhân cũng gọi là Thiên Ðế Thích thuộc chúng Trời Ở Dưới Ðất, là một trong mười chúng Ngoại Hộ của Ðức Phật, trụ trì ở trên đỉnh núi Tu Di là chúa tể của 33 cung trời trong các cõi Trời Ở Dưới Ðất.
Kinh Văn:
Lại có Minh Nguyệt Thiên Tử, Phổ Hương Thiên Tử, Bửu Quang Thiên Tử, bốn vị đại Thiên Vương cùng với quyến thuộc một muôn thiên tử tụ hội.
            Giảng:
            Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ hai, Chúng Thần Tôi trong cõi Trời Ở Dưới Ðất cũng gọi là Chúng Tứ Vương. Bốn vị nầy cư trú ở bốn mặt trên nữa lưng chừng núi Tu Di. Tất cả những vận hành của mặt trời, mặt trăng, tinh tú đều bị chi phối bởi Tứ Ðại Thiên Vương, là bốn vị đại tướng của Vua Trời Ðế Thích. Những sự kiện như trên cho nên trong kinh Phật nói Thượng Ðế chính là Vua Trời Ðế Thích là đệ tử ngọai Hộ của Ðức Phật.
            Kinh Văn:
Tự Tại Thiên Tử, đại tự tại Thiên Tử cùng với quyến thuộc ba vạn Thiên Tử tụ hội.
            Giảng:
            Ðây là chúng Ngọai Hộ thứ ba, chúng ở cõi trời Dục Giới, trong cõi Trời Ở Trên Không.
            Kinh Văn:
            Chủ cỏi Ta Bà: Phạm Thiên Vương, Thi Khí Ðại phạm, Quang Minh Ðại Phạm..v..v..cùng với quyến thuộc một muôn hai nghìn vị thiên tử tụ hội.
            Giảng:
            Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ tư của Ðức Phật. Chúng nầy ở cõi Sơ Thiền của cõi trời Sắc Giới, thuộc về Trời Ở Trên Không. Nơi nầy không còn phiền não, và năm món dục lạc nữa, nhưng vẫn có hình tướng. Theo trong Kinh nói, thời kỳ hỏa tai trong tam tai lửa cháy đến Phạm Thiên mới dứt.
            Kinh Văn:
            Có tám vị Long Vương: Nan Ðà Long Vương, Bạt Nan Ðà Long Vương, Sa Dà La Long Vương, Hòa Tu Cát Long Vương, Ðức Xoa Ca Long Vương, A Na Bà Ðạt Ða Long Vương, Ma Na Tư Long Vương, Ưu Bát La Long Vương..v..v..đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc tụ hội.
            Giảng:
            Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ năm của Ðức Phật. Chúng nầy là chúng Không Phải Trời. Tám vị Long Vương nầy đều là Thượng thủ trong hàng Long chúng.
            Kinh Văn:
Có bốn vị Khẩn Na La Vương: Pháp Khẩn Na La Vương, Diệu Pháp Khẩn Na La Vương, Ðại Pháp Khẩn Na La Vương, Trì Pháp Khẩn Na La Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc tụ hội.
Giảng:
Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ sáu của Ðức Phật. Chúng nầy là chúng Không Phải Trời, chuyên về việc âm nhạc để cúng dường Phật, cũng là để xiển dương giáo pháp.
Kinh Văn:
Có bốn vị Càn Thát Bà Vương : Nhạc Càn Thát Bà Vương, Nhạc Âm Càn Thát Bà Vương, Mỹ Càn Thát Bà Vương, Mỹ Âm Càn Thát Bà Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc tụ hội.
Giảng:
Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ bảy của Ðức Phật. Chúng nầy là chúng Không Phải Trời. Những vị nầy có đầu giống như đầu người, nhưng trên đầu có sừng, chúng nầy có tiếng hát rất hay.
Kinh Văn:
Có bốn vị A Tu La Vương: Bà Trĩ A Tu La Vương, Dà La Khiên Ðà A Tu La Vương, Tỳ Ma Chất Ða La A Tu La Vương, La Hầu A Tu La Vương, đều cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc tụ hội.
            Giảng:
            Chúng nầy là chúng Ngoại Hộ thứ tám của Ðức Phật. Chúng nầy là chúng Không Phải Trời. Chúng nầy bên đàn ông thì có tướng mạo xấu xí, ưa tranh đấu với những người ở các cõi trời khác, trong khi đó người phụ nữ A Tu La thì có thân hình thùy mỵ, đoan trang và hiếu hòa. Vì lòng sân si của chủng loại nầy còn nhiều nên mặc dầu họ cũng có thần thông, nhưng không có được địa vị lớn như những vị ở cõi trời.
            Kinh Văn:
Có bốn vị Ca Lầu La Vương: Ðại Uy Ðức Ca Lầu La Vương, Ðại Thân Ca Lầu La Vương, Ðại Mãn Ca Lầu La Vương, Như Ý Ca Lầu La Vương, đều cùng bao nhiêu quyến thuộc câu hội.
Giảng:
Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ chín của Ðức Phật. Chúng nầy là chúng Không Phải Trời. Ðây là loài chim Kim Súy Ðiểu. Có vị có oai đức lớn làm cho các vị loài Rồng hoảng sợ, có vị với thân hình to lớn, một khi xòe ra thì cánh rộng cả 30 dặm, có vị thì dưới cổ luôn luôn đeo một tràng hạt châu.
Kinh Văn:
Vua A Xà Thế con bà Vi Ðề Hi cùng bao nhiêu trăm nghìn quyến thuộc tụ hội.
            Giảng:
Ðây là chúng Ngoại Hộ thứ mười của Ðức Phật. Vua A Xà Thế là vị Quốc Vương của nước nơi Ðức phật đang thuyết pháp. Trước khi biết Phật Vua A Xà Thế là người cũng đã từng giết Vua Cha để cướp ngôi. Nhưng về sau ông hối hận việc tàn bạo đó, ông quay đầu về với Phật, được Phật thu nhận làm đệ tử Ngoại Hộ. Cũng từ đó Quốc Vương A Xà Thế hết lòng hộ trì và xiển dương giáo Pháp. Bà Vi Ðề Hy là mẹ của Vua A Xà Thế, là người làm nhân duyên phát khởi để cho Phật nói Kinh Ðại Thừa Vô Lượng Thọ.
Kinh Văn:
Cả chúng đều lễ Phật, rồi lui ngồi một phía.
Giảng:
Tất cả mọi chủng loại như chúng Trời và Không Phải Trời, vì nghiệp lực lôi kéo tâm thức họ theo những đường hướng không đồng, và vì ở những cảnh giới khác nhau, nên không cùng với một luật tắc và điều kiện như thế giới vật chất của loài người. Tâm niệm của chư Thanh Văn và Bồ Tát cũng khác nhau nên Uy lực cùng tuệ nhãn cũng không thể giống nhau. Tuy nhiên tất cả đều được tụ họp lại trong Pháp Hội Pháp Hoa mà không bị chướng ngại nhau, đó là phải nói nhờ vào năng lực không thể nghĩ bàn của Ðức Phật. Trong Ðại Chúng nghe Pháp gồm có tất cả là 15 chúng, năm chúng Nội Hộ và Mười Chúng Ngoại Hộ, như đã trình bày ở trên, và biểu đồ được tóm tắt như sau:
            I- Chúng Nội Hộ
A- Thanh Văn
1-   Tỳ Kheo
a- Hữu Danh Cao Ðức
b- Vô Danh Ðại Ðức
2- Tỳ Kheo Ni
a- Tôn Trọng Chư Ni
b- Nội Quyến Chư Ni
B- Bồ Tát
1-   Loại số
            2- Khen Ðức 
3- Liệt Danh
II- Chúng Ngoại Hộ
A- Phi Nhân
            1- Thiên
a- Cõi Trời Ở Dưới Ðất
- Vua
- Quân Thần
b- Cõi Trời Ở Trên Không
            - Dục Giới
- Sắc Giới
2-   Không Phải Trời
a- Long
b- Khẩn Na La
c- Càn Thát Bà
d-   A Tu La
e- Ma Hầu La Già
B- Nhân
Như vậy chúng ta thấy Pháp Hội Pháp Hoa không giống như những pháp Hội khác, nghĩa là hàng thính chúng vây quanh Pháp Hội Pháp Hoa không bị giới hạn bởi con số và chủng loại. Chúng hội tuy đông và không đồng nhưng nhờ oai đức của Phật nên không có sự chống trái, nên cùng nhau lễ Phật rồi ngồi xuống để nghe Pháp.
-- o0o --