Ngôn Ngữ
Tình Yêu Trong Nhân Gian
Bạch Y Thư Sinh
--o0o--
            
            Ngày xưa, trong chế độ phong kiến tại Việt Nam, sự giao thiệp giữa trai và gái rất là hạn chế bởi vì:
- Nam nữ thọ thọ bất tương thân
Vì thế khi mà trai lớn cưới vợ, gái lớn lấy chồng, và để cho có sự liên hệ giữa nhà trai và nhà gái thường do ông mai hoặc bà mai làm môi giới. Ở những nơi tỉnh thành đô hội lớn, có đôi khi ở tỉnh nầy cách xa tỉnh khác, hai bên không biết nhau, nên lời nói của người làm mối rất có ảnh hưởng lớn. Ông mai hoặc bà mối, thường được nhà trai trả công, hoặc được nhà gái mua chuộc, hoặc được hậu đãi cả hai bên. Những người nầy có nhiều đòn phép khi cần họ thường đem thi thố với cậu trai hay với cô gái còn chần chừ trong khi hai bên cha mẹ đã được thuyết phục rồi. Bởi lối trình bày có nghệ thuật, tâng bốc cái hay, che dấu cái dở, của đôi bên nên kết quả hai bên được dàn xếp thật là khéo léo. Những mánh khóe mà ông mai hoặc bà mối có thể đem hai họ đến gần nhau, thì họ cũng có những đòn phép làm cho hai họ xa nhau, vì thể cả hai bên nhà trai và nhà gái tốt nhất là đừng làm cho ông mai hoặc bà mối mất lòng, vì có thể sẽ ảnh hưởng xấu sau nầy cho con trẻ. Lý do cũng dễ hiểu là ăn không được cũng phá cho hư, vì thế mà họ không e ngại thêm mắm thêm muối vào câu chuyện để chia rẽ tình thân thương của đôi bên.
Thấy được những nguy cơ như vậy nên trong những gia đình bảo thủ cũng đã nhận thấy cần phải cho con cái được trực tiếp liên lạc, để tìm hiểu nhau trong việc hôn nhân, không dùng ông mai bà mối nhiều như ngày xưa. Ðó là nói đến đời sống ở thị thành. Còn ở thôn quê thì cuộc sống có mộc mạc chất phát, nhưng rất thực tiễn. Bởi vì ở thôn quê tình cảnh mọi nhà trong vùng hầu như ai cũng đều biết, nên vai trò của người làm mai kém phần quan trọng, đôi khi không cần thiết cho lắm. Có chăng chỉ là liên lạc với nhà gái buổi đầu để cho có lệ mà thôi. Ngoài ra bên cạnh những khắt khe của đạo lý, những phong tục Việt Nam vẫn tạo nên nhiều dịp để trai gái có cơ hội gặp gỡ nhau. Tại miền Bắc có những tục hát đối giữa Nam Nử như: Hát Quan Họ, Hát Ví, Hát Trống Quân. Tại miền Trung và Miền Nam có những buổi Hát Hò, Hát Chèo..v..v.. Ðây là những dịp trai gái gặp nhau, và có thể hiểu nhau qua câu ca, tiếng hát. Hiểu nhau để thương yêu nhau, để cùng nhau châu trần kết bạn chứ không phải hiểu nhau để thành cặp vợ chồng phạm lỗi với gia giáo. Trong những ngày hội làng, hội tổng, ngoài những cặp trai gái đối hát nhau, còn những cặp trai gái khác cũng nhân ngày hội mà gần gũi, hiểu rõ gia thế nhau. Trao đổi cùng nhau một vài câu chuyện trong lúc đi xem hội, xem hát. Nhiều làng có tổ chức những buổi hát chèo, hát tuồng để dân xã và cả thiên hạ tới mua vui. Ở đây trai gái cũng được gặp nhau, nhưng đôi bên cũng phải giữ vòng lễ giáo. Trai gái gặp gỡ nhau trong những ngày hội làm môi giới để đưa tới cuộc nhân duyên trăm năm, và phong tục cũng chỉ cho trong giới hạn đó.
1- Lựa Chọn
Những lúc gặp gở vào những kỳ hội hè nầy là những cơ hội cho trai kén vợ, gái kén chồng, nên có câu:
- Chim khôn đậu nóc nhà quan,
Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng
Hoặc:
- Trai khôn tìm vợ chỗ đông,
Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân.
Tâm lý thông thường, người con trai nào tìm vợ thì cũng coi người con gái đó có đức hạnh hay không, nhưng cũng có khi còn lựa chọn người con gái có hương sắc. Còn người con gái muốn lấy chồng thường lúc nào cũng kén chọn những bậc tài hoa:
- Lấy chồng cho đáng tấm chồng,
Bõ công rang điểm má hồng răng đen.
2- Chọc Ghẹo Tỏ Tình
A- Nam:
Thường những cuộc gặp gỡ tại hội hè, đình đám, người con trai bao giờ cũng thả lời ướm hỏi trước:
- Ai đi đâu đấy hởi ai
Hay là Trúc đã Nhớ Mai đi tìm?
Hoặc là:
- Cô kia áo trắng loà loà
Lại đây đập đất trồng cà với anh
Bao giờ cà chín cà xanh
Anh cho một quả để dành mớm con.
Chọc như thế vẫn còn nghĩ chưa đủ, nên người con trai không ngần ngại khen ngợi, và cũng để bày tỏ là mình đã gặp nhằm người:
- Ngó lên đầu tóc em tròn
Hàm răng em trắng, miệng cười dòn anh mê
Giếng khơi gạch lát tứ bề
Em liếc con mắt anh mê mẩn tình.
Hoặc là:
Ta đi khắp bốn phương trời
Chẳng ai tốt nết bằng người của ta
Ví bằng mình có thương ta
Ta đâu đến nỗi trôi hoa dạt bèo.
Trong khi nữa đùa giởn, nửa thật thì người con trai cũng tìm mọi cách để mà chọc ghẹo đối phương, bằng cách bạo dạn mà hỏi:
- Nguyệt hoa hoa nguyệt nao minh
Kìa như chú chuột ngồi rình bónh trăng
Liệu mà nên vợ chồng chăng
Thì ta chỉ bóng ông trăng ta thề
Khi đã gặp người yêu trong mộng, thì người con trai chắc chắn cảm thấy lòng xao xuyến. Nhưng làm sao để mở đầu cho câu chuyện? Cách duy nhất là giả vờ bỏ quên chiếc áo:
- Rủ nhau ra tắm ao đình
Bỏ quên cái áo trên cành cây si(Có nghĩa là si tình)
Ðường nầy có cô em đi
Em có mang về em cho anh xin.
Hoặc là:
- Tìm nàng khắp chín từng mây
Bước xuống hạ giới hôm nay gặp nàng,
Gặp nàng anh mới thở than                                           
Vắng nàng anh biết phàn nàn cùng ai.
Tất cả các cuộc tình duyên trong thời phong kiến, mặc dầu trai gái có được tự do trong tiếng hát câu hò, nhưng thường cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy, vì thế mà người con trai khi thấy người con gái nào đó thích hơp với mình, nhưng cũng phải còn chờ ý kiến của cha mẹ, nên anh không ngần ngại tỏ tình kèm theo cái thông minh của mình, bằng cách là nói với nàng chờ đợi ý kiến của mẹ cha:
- Hởi nàng mà thắt bao xanh
Có cho anh gởi một cành kim thoa
Nàng về hỏi mẹ cùng cha,
Có cho em nhận kim thoa hay đừng.
Chàng còn cho biết, phải nhịn đói, ăn sim, uống nước để đi tìm người thương:
- Ðói lòng ăn nửa trái sim
Uống lưng bát nước đi tìm người thương
Người thương ơi hởi người thương
Ði đâu mà để buồng hương lạnh lùng.
Cá cậu con trai đều biết, các cô thường thích trai anh hùng, mới xứng đôi với gái thuyền quyên, nên người con trai lúc nào cũng tỏ ra mình là Nam Nhi Chí Lớn trước mặt người đẹp:
- Nhân khi tứ hải giao tình
Muốn cho hợp mặt, có mình có ta
Anh hùng gặp khách Hằng Nga
Rắp mong đây đấy một nhà ở chung.
            Người ta thường nói phận con gái mười hai bến nước, trong nhờ đục chịu. Vì thế mà bất cứ người con gái nào khi đến tuổi trưởng thành cũng có những mộng mơ. Hay nói đúng hơn là lo rằng không biết duyên phận mình sẽ đi về đâu. Thấy các cô có ý chần chờ chưa quyết định, người con trai đã khéo léo nói tiếp để trấn an các cô:
- Vợ chồng phận cải duyên kim
Gần thì chả hợp đi tìm nơi xa
Bắc Nam sum hợp một nhà
Nhân tình đạo ngãi chưa già đồng cân
Câu hò khoan, mấy mươi lần
Làm thân con nhện mấy mươi lần giăng tơ
Biết đâu trong đục mà chờ
Cắm sào đợi nước bao giờ cho trong.
Ngoài việc xử dụng son phấn cho môi thêm thắm, má thêm hồng, một trong những bộ phận phụ thuộc làm đẹp cho phái nữ đó là nón, hoặc là khăn. Khăn thì thường là hình vuông hoặc là hình chữ nhật, trong đó thường thêu thùa, những đường viền, những con chim, những cảnh trí tươi đẹp..v..v.. Vì thế đây cũng là đề tài để cho các cậu con trai chú ý trong việc chọc ghẹo tỏ tình:
- Khen ai khéo kẻ khăn vuông
Kẻ bao đường luồng, kẻ ngay thẳng tắp
Anh mượn khăn nầy, anh thắt ngang lưng
Khen cho nàng khéo cầm chừng
Khăn nầy anh thắt ngang lưng cũng vừa
Khăn nầy kết tóc xe tơ
Khăn nầy ta quyết đợi chờ lấy nhau
Hoặc là:
- Ai xuôi cho má em hồng
Ðể cho quân tử vừa trông đã thèm.
            Nói cho nhiều nhưng tâm lý là trai hay gái cũng thế, biết rằng cô ấy là người mình có thể thương được, tuy nhiên nếu cô ấy đã có ý trung nhâu rồi thì sao? Thế nên, nếu các cô không nói, thì người trai chỉ còn một cách là phải hỏi:
- Trăng suông sáng cả vườn đào
Ba cô nàng ấy cô nào còn không?
Cô nào đích thực chưa chồng?
Ðể anh mua cốm mua hồng sang chơi.
            Ðối với người con gái đẹp các cô thường có cái tự hào kiêu hãnh riêng, nên các cậu thanh niên muốn có vợ đẹp thì phải kiên trì chịu đựng, cực nhọc săn đuổi. Vì thế người đời thường nói: Nóng bụng không bao giồ húp được cháo nóng là như thế, nên có phải cực khổ thì cũng cam chịu:
- Mình đẹp như thể ngôi sao
Ðể ta lận đận ra vào bấy nhiêu.
Khi đến với người con gái, nếu người con trai đó có phong độ, thì các cô sớm muộn gì cũng tìm hiểu hoàn cảnh gia đình, nhưng dầu sao đi nữa cũng phải đòi hỏi thời gian để tìm hiểu. Vì thế, nếu người con trai kín đáo nói hoàn cảnh độc thân của mình thì các cô mạnh dạn chọc ghẹo hơn. Khi biết anh đây vẫn còn độc thân, nếu các cô mà ưng anh thì đây là người lý tưởng nhất. Lấy chồng độc thân dầu muốn dầu không thì chồng mình vẫn là chồng mình, vì thế các cô đừng ham sang giàu mà phải chịu số kiếp chồng chung:
- Một mình lọ nước cơm niêu
Nằm riêng một chiếu ấp yêu một chồng.
Tuy rằng lựa mũi thuyền rồng
Chăn bông nệm gấm, nhưng chồng người ta
Ðêm nằm khi tỉnh giấc ra
Giường không chiếu lạnh xót xa trong lòng.
Khi đã nói tình yêu thì không điều kiện, tuy nhiên để cho người bạn đường vui, đôi khi người con trai cũng phải tâm lý, tùy theo phận giàu nghèo mà mua sắm cho người thương chút quà cho vui, Người con trai vào tuổi đang yêu, nhất là đứng trước một người con gái có nhan sắc, thì lại càng muốn làm cho người mình thương đẹp càng đẹp thêm hơn:
- Yêu nhau, anh sắm cho mình
Gọi là ân nghĩa duyên tình bấy lâu
Anh sắm cho mình một đoạn khăn nâu
Vấn va vấn vít trên đầu cho xinh.
Người con gái có đôi khi cũng được coi là chim, con phượng hoàng biết nói, một khi mà đã bắt được rồi thì khó lòng thả ra. Cũng như người con trai, một khi đã tìm được ý trung nhân rồi, thì dầu khó khăn cách mấy cũng phải gắng công mà gìn giữ:
- Gió bay đôi giải yếm đào
Anh thò tay vào bắt lấy nhạn xanh
Thế nào? Nàng nói cùng anh
Thì anh sẽ thả nhạn xanh cho về.
            Theo thuyết duyên mệnh có đôi khi cũng rất đúng. Bởi vì có nhiều khi người con trai và người con gái ở gần sân, gần tường nhưng không có duyên thì dường như xa lạ. Trái lại khi đã có duyên thì tự nhiên trong dịp tình cờ nào đó gặp nhau, thì lại thương nhau trọn đời. Có thể nói duyên đi tìm người:
- Ai đi đâu đấy hởi ai,
Hay là trúc đã nhớ mai đi tìm
Ước gì ta hóa ra chim
Ðể ta chấp cánh đi tìm tận nơi.
            Duyên đi tìm người, có những lúc duyên của người con gái đi tìm con trai, và cũng có những lúc duyên của người con trai đi tìm con gái. Khi đã gặp nhau, người con trai ấy không muốn rời xa người đẹp nữa, lý do đơn giản là, chàng muốn với nàng mãi mãi bên nhau. Ðể cho thỏa lòng ước mong, người con trai cũng tự mình tưởng tượng một cảnh gia đình sum họp đoàn viên:
- Anh đi dạo khắp đất trời
Tiên thì chả thấy, thấy em chơi dưới trần
Anh thấy em ngoan, anh muốn kết ngãi Châu, Trần.
Ra vào một cửa cho gần mẹ cha
Ðèn xanh thấp thoáng la đà
Ước gì xum hợp một nhà đấy ơi.
Ðèn hoa, anh thắp em chơi,
Chàng ngồi đọc sách, em ngồi nghe kinh.
Ðèn ơi văng vẳng một mình,
Bao giờ soi tỏ, bóng mình bóng ta.
            Trong những xứ nông nghiệp, họ thường gặp nhau trong những dịp đình đám lúc Xuân về, nhưng sau đó trai gái, ai cũng trở lại cuộc sống nông nghiệp, và họ cũng thường gặp nhau nơi đồng áng, tay lấm chân bùn, nặng nhọc vất vả trong những mùa gặt hái. Trong những lúc nặng nhọc vất vả đó, là trai hay gái ai cũng phải gắng sức mà làm việc, theo quan điểm của người nông dân Việt nam là tay làm hàm nhai. Vì thế mà ai ai cũng phải làm. Tuy nhiên, là người con gái dầu cho cương nghị đến một lúc nào đó rồi cũng cần phải có người an ủi, vỗ về, nhất là những lúc mệt nhọc tại nơi đồng áng, nên sự giúp đỡ an ủi là một điều hết sức cần thiết:
- Mình ơi mình gặt với ta,
Thì ta lượm bảy bó ba cho mình
Ta bó cho mình vừa đẹp vừa xinh
Ta bó cho mình, ta bỏ trên vai
Hể mà đi gặt với ai
Ðến khi gánh nặng, chẳng ai đở cùng.
Trong khi gặp gỡ tất nhiên không phải chỉ một người con gái, mà là rất nhiều cô khác nhau. Sau khi nhận xét tánh tình, nhan sắc sau đó mới trả lời dứt khoát là anh đã tìm được người thương, nên dầu thế nào đi nữa anh cũng gắng công đợi chờ:
- Mười cô anh yêu cả mười
Lòng anh chí quyết lấy người ngăm ngăm
Ngăm ngăm thì mặc ngăm ngăm
Bác mẹ còn nằm chưa định nơi nao
Chưa định nơi thấp, chưa định nơi cao
Chưa định nơi nào, không vẫn hoàn không
Ngọn đèn anh đốt bên sông
Lấy anh kẻo để luống công anh chờ.
            Hoa nở chỉ có một lần, và cũng chỉ lần đó tỏa ngát hương thơm mà thôi. Ðời người con gái cũng thế. Còn xuân sắc, còn duyên thì những người con trai theo đuổi, săn đón, nhưng khi đã hết duyên thì giống như tổ ong tàn mắc mưa. Vì thế lợi dụng yếu điểm nầy, người con trai cũng cần nhắc nhở:
            - Hỏi đây, có các cô dì
Làm thân con gái có một thì mà thôi,
Chia hai, quá nửa phần đời
Bấm gan chịu mãi với đời được sao?
Quan niệm xưa và nay cũng thế, thường thường không những chỉ có phong tục Việt Nam, mà có lẽ phong tục các nơi trên thế giới cũng có những điểm tương đồng. Nghĩa là sau khi sức người cố gắng đã hết mực rồi thì phần còn lại đều phó mặc cho may rủi định mệnh:
- Trăm nghìn bởi tại hoàng thiên
Vợ chồng là nghĩa là duyên thiên đình
Nếu trời xe ta lấy mình
Cho bỏ công trình rày ước mai ao.
            Dò hỏi thân thế của các cô, những người con trai thông minh đôi khi hỏi, bằng cách xác định là các cô đã có chồng rồi để chọc tức, có thế các cô phải tự mình thú thiệt:
            - Cơm trắng, cũng gạo người ta
Cỗ bày ngàn ngạt, nhưng đà có nơi
Ăn sao cho được mà mời
Thương sao cho được vợ người mà thương.
            Khi đã tìm được người thương rồi, thì người con trai đi đến chỗ quyết tâm phải thành lập gia đình với người thương ấy:
            - Ai xinh thì mặc ai xinh
Ta quyết lấy mình, mình quyết lấy ta
Muốn cho chung cửa chung nhà,
chung thầy, chung mẹ, chung bà, chung ông.
Sáng cho chung việc ngoài đồng
Tối về ta lại chung phòng chung hơi
Muốn cho cơm chung một nồi
Canh chung một bát, ta ngồi chung mâm.
B-Nhóm Nữ
Phái Nam thường thì lúc nào cũng dạn dĩ, nên tấn công trước, nhưng các cô tuy nhút nhát nhưng cũng đâu phải là tay mơ, không biết chừng các cô còn thông minh và tinh nghịch hơn con trai là khác. Vì thế các cô cứ im lặng lắng nghe các người con trai tỏ tình. Sau khi nghe tỏ tình, các cô muốn về nhưng lại không chịu về, vì có lẽ men đã thấm tình đã nồng. Nhưng các cô đâu có chịu đó là yếu điễm của mình, nên bằng cách là giả vờ đòi khăn: 
- Mình ơi đưa khăn em về
Kẻo thầy mẹ mắng say mê vì tình
Khăn em có đẹp có xinh
Thì em đã để cho mình mình ơi.
            Khi thấy người con trai ăn mặc xinh đẹp, nhất là có đội thêm cái nón làm duyên thì đó cũng là lợi điểm để cho các cô có cách tấn công tỏ tình:
- Nón chàng đẹp lắm chành ơi
Chàng cho thiếp mượn che trời nắng mưa
Nón chàng thiếp đội cũng vừa
Cái quai cũng đẹp, cái tua cũng dài.
Có những lúc chàng mơ tưởng thiếp, và đôi khi thiếp cũng nhớ tưởng chàng. Xưa nay anh hùng cứu mỹ nhân cũng là chuyện thường xảy ra. Ðêm khuya sương, chàng cho nàng mượn áo để che sương, thế thì chiếc áo cũng là vật trung gian để cho chàng và nàng tao ngộ:
- Áo chàng thiếp mượn hôm qua
Thiếp toan mang trả tận nhà chàng ơi
Nhưng mà sợ bác mẹ cười
Thiếp trông đến áo thiếp ngồi thiếp thương
Áo chàng thiếp ngã mùi hương
Chàng mặc đến áo, chàng thương thiếp cùng
Mong sao đào đến liễu cùng
Ðể cho đào liễu ở chung một nhà
Mong sao đẹp mặt đôi ta
Như chim cùng tổ, như hoa cùng vườn.
            Tình cảm giữa trai và gái có nhiều khi cũng có nhiều ngăn cách. Bởi vì lý do: Có thể cô gái chưa quen khi đứng trước một người con trai. Cũng có thể giữa chốn đông người nên cô nàng e lệ. Vì thế ở những nơi vắng vẻ không người là những nơi lý tưởng nhất cho cô nàng bày tỏ tâm tình bằng cách mượn nón che nắng che mưa:
- Hôm nay trời nắng chang chang
Ở đây xa nước, xa làng, xa dân,
Chàng cho em mượn nón anh
Nhà em xa lắm có gần đâu ai.
Trời làm gió trúc mưa mai
Không mượn của ấy, mượn ai bây giờ?
Nàng còn khẳng định, sự gặp gỡ đây chính là nhân duyên tiền định:
- Nón nầy đâu phải tình cờ
Ðã cất lấy nón, lại sờ đến quai
Nón nầy đã phải hơi ai
Mà vuốt chẳng sạch, mà mài chẳng ra,
Nón nầy của mẹ của cha
Hay là của khách đường xa, chàng cầm
Hay là của bạn tri âm
Chàng cho em mượn, em cầm che mưa.
Tâm lý con người ít khi cho những ai chưa quen mượn những vật dụng của mình. Nàng biết thế nên đã nói rõ ràng cho người con trai biết, nếu nón mất nàng sẻ đền, mà đền có lời chớ không phải chỉ tương trưng. Nàng khẳng định một cách táo bạo:
- Mất một em sẽ đền ba
Nhược bằng mất cả, đền ta cho mình.
            Bên cạnh những cô tế nhị hỏi về thân thế của những chàng trai, chúng ta còn thấy cũng có những cô thiếu tế nhị. Ðây chúng ta coi:
- Vợ anh như cóc leo tường
Leo lên tuột xuống có buồn không anh?
Vợ anh có cá mà nấu chả nên canh
Thổi cơm không chín cực anh muôn phần
Ước gì em được ở gần
Ðể em cai quản người đần, đở anh.
            Có những cô tinh nghịch, chọc ghẹo để thử lòng những người con trai:
- Thấy anh, em cũng muốn theo
Em sợ anh nghèo, bán vợ anh ăn
Ðể minh định tư cách của mình, người con trai ấy đã dứt khoát:
- Nghèo thì bán khố, bán khăn
Nào ai bán vợ mà ăn bao giờ.
            Thường thì người con gái ít khi đường đột mời con trai chưa quen hoặc mới quen về nhà. Nhưng một khi mời như thế có nghĩa là họ đã phải lòng hợp ý lắm rồi:
- Ðèo bòng chút nghĩa tào khang
Lẽ đâu tôi dám mời chàng về đây
Ở đâu cũng nước non nầy
Ở đây đất tốt đánh cây về trồng
Hoặc là:
- Ðôi ta như bấc với đèn
Bấc hời, bấc hởi làm quen với dầu.
Như chúng ta biết nhân duyên là do tiền định, có đôi khi gần chung ngõ mà không thương lại đi thương người chân trời góc biển. Trong trường hợp đặc biệt ở gần nhưng lại cũng có duyên, vì thế họ đã có cơ hội gặp nhau:
- Gần đây mà chả sang chơi
Ðể em ngắt ngọn mồng tơi bắc cầu.
Thật sự dây mồng tơi cũng có khả năng bắc cầu, nhưng không chắc bằng giải yếm của người đẹp, nên người con trai đã nói:
- Mồng tơi chả bắc được đâu
Em cởi giải yếm bắc cầu anh sang.
            Thường thì những nơi đình đám, không những chỉ có dân làng ở địa phương đó tham dự, mà còn có rất nhiều trai trẻ trong những làng phụ cận khác đến tham dự. Trong lời chọc ghẹo tỏ tình, khi đã phải lòng với một người con trai ở làng khác, các cô cũng đã xác định hoàn cảnh duyên phận lấy chồng xa xứ của mình:
- Rau răm ngắt ngọn còn tươi
Chè xanh nấu nước đãi người xứ xa,
Số em phải lấy chồng xa
Số anh lấy vợ quê nhà không yên.
            Tâm lý con người, có đôi khi hẹp hòi cố chấp cũng là yếu tố tự cô lập. Lẽ dĩ nhiên phóng túng quá thì vượt ra ngoài vòng lễ giáo thì cũng  không phải là cung cách của người Việt Nam. Cần phải minh định là, dẫu cho như thế nào đi nữa thì sự xã giao trong khi gặp nhau ở các hội hè, đình đám đó chỉ là trong phạm vi ở đó mà thôi, ngoài những lúc hội hè đình đám thì mỗi người con gái họ đều có nếp sống tuân thủ gia giáo của gia đình. Tại hội hè đình đám là cơ hội để các cô đùa nghịch, nhất là trong gia đình có cả ba bốn cô con gái thì sự đùa nghịch, chọc ghẹo các chàng trai lại càng nhiều hơn:
- Mình đâu mình chẳng biết ta
Ta ở xóm trại, tên là cô Năm
Dù mình đi tối về tăm
Cứ hỏi cái ngõ cô Năm mà vào
Nhà ta năm bảy cái ao
Trên thì trồng đào, dưới lại thả sen
Nhà ta ba bốn chị em
Cha mẹ còn thèm một chút rể xa.
3- Sầu Tương Tư:
            A- Tâm Sự Người Con Gái
Khi đã phải lòng nhau thì bắt đầu suy tư về cuộc sống mai sau, nhưng không gặp được nhau thường thì làm sao nói hết những điều muốn nói. Nói sao hết nỗi nhớ niềm thương, thôi thì nàng đánh liều hò hẹn chàng một chuyến, biết rằng hành động đó đã vượt ra ngoài vòng lễ giáo, nhưng vì thương nhau nên phải chấp nhận tiếng đời:
- Thấy em anh cũng yêu đời
Sợ rằng bác mẹ không rời em ra
Tối nay ra trước vườn hoa
Mình ngồi tri kỷ với ta vài lời.
            Truyền thống lễ giáo nghiêm mật ngày xưa cũng là điều rất tốt, nhưng cũng làm cho không biết bao nhiêu cuộc tình của tuổi trẻ đau khổ, khi mà cha mẹ không cảm thông được tình cảm của con cái mình. Không cảm thông được thì khó mà chấp nhận những sự trao đổi tâm tình của các bạn trẻ:
            - Ra đường mấy bận gặp mình
Mồm thì muốn nói nhưng tình còn e
Lòng ta như sợi gai xe
Thương mình nhưng lại còn e mẹ Thầy.
            Các cô gái có đôi khi họ bạo dạn hát hò trong những lúc hội hè đình đám, nhưng sau đó trở lại cuộc sống bình thường thì họ rất nhu mì, e dè khi nói chuyện trước đám đông. Ðám đông cô đã khiếp mà đến nhà của người con trai cô để ý thương trong một gia đình đông đảo cô lại càng khiếp hơn:
- Tôi với chàng nhân duyên cũng đáng
Mới buổi chiều buổi sáng đi qua
Bướm nào bướm chẳng thích hoa
Muốn sang chơi lắm, sợ nhà anh đông.
Một khi đã tìm được người trong mộng, mà không được gần nhau. Hoặc gần nhau nhưng không có điều kiện để tâm sự thì trong ruột tất nhiên phải sầu khổ:
- Dao vàng lại liếc đá vàng
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa
Làm thinh kẻo thế gian ngờ
Lòng như lửa đốt bây giờ tính sao?
Hoặc là:
- Em như trái ớt chín cây
Tuy tươi ngoài vỏ nhưng cay trong lòng.
            Sự nhớ nhung mong đợi người thương thật là triền miên bất tận, như trong Truyện Kiều cụ Nguyễn Du đã từng nói: Sầu đong càng lắc càng đầy, Ba Thu dồn lại một ngày dài ghê. Quả thật như vậy, nhớ người thương đi tìm người thương, là nỗi niềm đau khổ nhất của những ai đang yêu, cho nên khi gặp được người thương thì còn gì sung sướng cho bằng, không có gì ngọt hơn là được nếm giọt mật của tình yêu:
            - Thương anh quá giá vô chừng
Trèo đèo quên mệt, ngậm gừng quên cay
Em trông thấy bóng anh đây
Miệng em ăn chín lạng ớt,
Nhưng cảm thấy ngọt ngay như đường.
            Thương nhau trong lúc gần kề, xa nhau thì những ủ ê trong lòng, đó là tâm bệnh chung của người biết yêu thương. Vì thế trong lúc xa nhau những kỷ niệm vui buồn đều hiện ra trong ký ức:
- Em cầm tấm mía, em tiện làm ba
Phần chàng khúc giữa phần ta đôi đầu
Tam Giang quấn chỉ đội đầu
Mình về, mình để, mối sầu cho ta
Hoặc là:
- Chàng về thiếp vẫn trông theo
Trông nước nước chảy, trông bèo bèo trôi.
Trông hoa hoa chẳng muốn cười
Trong núi núi đứng, trông người người xa.
            Hoặc là:
- Sầu nầy biết thuở nào nguôi
Tưởng chừng như đã để rôi hạt vàng
Có chàng, tôi mới thở than
Vắng chàng tôi biết phàn nàn cùng ai.
Có chàng, vui một cười hai,
Vắng chàng tôi biết lấy ai bạn cùng.
            Công cha nghĩa mẹ sánh bằng trời cao đất rộng, nếu nói đáp đền công ơn thì đạo làm con không bao giờ nghĩ là mình có thể trả xong, đó là nói người con hiếu thảo. Nhưng nếu nói đến nỗi nhớ, niềm thương mà đem ra cân để so sánh nặng nhẹ giữa bên tình bên hiếu, thì bên tình có lẽ nặng hơn. Bởi lẽ dễ hiểu: Khi nói đến cha mẹ, thì con cái chỉ nghĩ là người sinh ra mình, mình phải có bổn phận quý kính và phụng dưỡng. Còn người tình và cũng là người chồng hoặc vợ tương lai, là người sẽ cũng mình đi suốt quãng đường dài trong cuộc đời, và cũng là người chia ngọt xẻ bùi với nhau, nên sự quý kính là dành cho cha mẹ, nhưng nhớ thương lại để trọn cho người tình:
- Nhớ cha, nhớ mẹ dễ nguôi
Nhớ chàng như nước hồ vơi lại đầy
Nhớ cha nhớ mẹ có ngần
Nhớ chàng biết mấy mươi phần cho nguôi.
Còn đêm nay nữa mà thôi
Chả còn khắc khoải xin xôi với trầu.
            Những nhung nhớ dành cho người mình thương, nếu có người hỏi thương nhớ bao nhiêu thì làm sao diễn tả cho hết nỗi lòng. Chỉ biết là thương nhớ nhiều mà thôi:
- Trên trời có đám mây mưa
Dưới sông nước chảy đò đưa dập dìu
Em thương anh nhiều nhiều, lắm lắm
Em chả như người, thắm thắm phai phai.
            Những nhớ thương cùng với tâm tư lo lắng không được chung sống với những người mình thương quả thật mãnh liệt:
            - Chiếu hoa trải lẫn giường nầy
Ðêm qua không ngủ, đêm nay không nằm
Buồng trong mắc dở chăn tằm
Nhà ngoài chứa khách biết nằm nơi mô.
Ruột tằm bối rối tơ vò
Biết chàng có đợi có chờ ta chăng.
            Sự mong đợi thương nhớ, nó ray rứt khó chịu, tâm trạng ấy không diễn tả được. Cuối cùng chỉ có thể nói: Không có gì bằng thương nhớ người yêu:
- Ðêm qua em nằm nhà ngang
Mành thưa gió lọt, thương chàng xót xa.
Mong chàng chẳng thấy chàng ra
Mồ hôi răm rắp chảy ra yếm đào.
Hoặc là:
- Ðèo bòng chút ngãi tào khang
Cho nên em phải lang thang tìm chàng.
Và rồi những người con gái nhiều tình cảm ấy phải quyết băng rừng lội suối để theo người thương:
- Ðêm năm canh em ngủ có ba
Còn hai canh nữa em ra trông trời
Gió phất, thuyền chạy ra khơi
Tàu chạy xứ Bắc em thời xứ Nam
Mưa đâu chớp đấy cho cam
Mưa trên đỉnh Lạng, chớp choàng tỉnh Thanh.
Chàng về thiếp ở sao đành
Nên chăng thiếp đón thuyền mành thiếp theo.
Khi quen biết nhau và đã có một đoạn giao tình, mặc dầu chưa có sự ưng thuận của mẹ cha, nhưng là một con người biết trọng tình nghĩa thì cũng có thể coi nhau như tình chồng, nghĩa vợ. Tình nghĩa đó cũng có thể gìn giữ mãi mãi trong cuộc đời:
- Từ khi vắng mặt Lang Quân
Vắng chàng tôi biết ân cần cùng ai
Một đêm, năm trống canh dài
Thề rằng tôi có yêu ai hơn chàng
Dù ai cho bạc cho vàng
Thì tôi cũng chả quên chàng chàng ơi.
            Hoặc là:
- Trầu kia tơ tưởng vì cau
Ðôi ta tơ tưởng vì nhau phen nầy
Rồng kia tơ tưởng vì mây
Phượng kia tơ tưởng vì cây ngô đồng
Trúc kia tơ tưởng vì thông
Thuyền quyên tơ tưởng anh hùng mà thôi.
B- Tâm Sự Người Con Trai
            Tâm sự chung, trai gái ai cũng thế. Khi đã vướng vào vòng tình yêu thì không ai có thể vượt ra ngoài thông lệ thường tình ấy, nên chàng cũng đã thốt lên lời sầu khổ:
- Tay cầm cây mía con dao
Thấy em ăn nói ngọt ngào anh thương
Chuồn chuồn mắt phải tơ vương
Ai làm nên thảm, nên thương, nên sầu.
            Cái đau khổ nhất là gặp người thương mà tại chỗ đông người thì làm sao tâm sự. Tại vì gia giáo cổ truyền Việt Nam ta không cho phép tình tự riêng tư ở chỗ đông người. Lẽ dĩ nhiên tình tự riêng tư nầy nó không giống những giọng hát câu hò trong khi đối đáp trong lúc hội hè, mà đây chỉ cho những ai đã phải lòng phải ý nhau, họ chỉ cần nơi thanh vắng mới bày tỏ hết nổi niềm nhớ thương. Nhưng hoàn cảnh không cho phép, có phải khổ lắm không:
- Ðã toan nói chuyện cùng nhau
Ðằng trước mắc bạn, đàng sau mắc người
Than sao cho được nàng ơi
Than sao cho xiết khúc nôi sự tình.
            Nhớ quá làm sao biết ngõ tìm, tay trắng anh nào mơ với mộng, nên tình hai đứa vẫn chưa yên. Ðó là lời than của những người con trai nghèo đã được yêu nhưng vì hoàn cảnh gia đình nghèo thiếu. Trong trường hợp khác, đã được gặp mặt và có hứa hẹn tình cảm yêu thương, nhưng vì quan san cách trở nên phải đi tìm:
- Ðêm qua gió Trúc mưa mai
Chỉ thêu nên gấm sắt mài nên kim
Nhớ thương, anh phải đi tìm
Ðể mà kết nghĩa nhân duyên với nàng.
            Nhưng khi tìm đến nhà nàng, mà không đươc gặp nhau vì cửa đóng then cài thì còn gì đau khổ cho bằng:
- Khen ai khéo xẻ gổ thông
Ðể em đóng cổng anh không được vào
            Nhớ quá có đôi khi cũng trách sao nàng vô tình, bởi vì muốn đi thì xa đến đâu cũng tới, huống gì đường không xa lắm:
- Xa gì bên ấy bên nầy
Sao em không lấy một ngày sang chơi?
Thế thì cho dù gian lao cực khổ, hoặc tối tăm đến mức độ nào đó cũng chẳng màng lao khổ, miễn gặp được người thương là việc cần thiết thôi:
- Sáng trăng sáng cả vườn đào
Vì em anh phải ra vào tối tăm
Tối tăm thì mặc tối tăm
Chờ cho cha mẹ đi nằm sẽ hay.
Vì nhớ nàng quá, nên khi gặp nhau anh chàng nhất định phải hành động:
Thoạt vào anh nắm cổ tay
Em đừng hô hoán kẻo việc nầy ra to
Tài trai năm  liệu bảy lo
Bận nầy bận nữa chẳng cho anh cũng liều.
            4- Chấp Nhận
Ðể làm vui lòng người thương, nhất là người con gái biết đảm đang, đôi khi cũng phải cho chàng trai biết là lòng của chính mình cũng rộng rãi, không phân biệt mẹ chồng nàng dâu. Nếu có lúc em thương và quí trọng cha mẹ của em như thế nào thì em cũng quý trọng cha mẹ của anh như vậy, có như thế anh mới yên tâm trên bước đường công danh:
- Thương anh đi học đường xa
Phòng hương bỏ vắng, mẹ già ai nuôi
Em xin kết tóc ở đời
Phòng hương em giữ, em nuôi mẹ già.
Khi đã thương thì phải biết chấp nhận, nhất là đối với người con trai tự lập luôn luôn tự an ủi cho mình, mà cũng còn cổ võ cho người bạn đường. Thật sự là như thế! Nếu một con người có vận mệnh giàu sang thì cho dù lấy chồng trong một hoàn cảnh nghèo xơ xác, nhưng khi đã có tinh thần tự lập, thì họ vẫn có cơ hội làm ăn khá giả. Còn trái lại, nếu không có số giàu, thì cho vàng bạc kho đụn đầy nhà, nhưng rồi cũng chỉ biết ăn xài, cuối cùng cũng trở thành tay không: 
- Số giàu lấy khó cũng giàu
Số nghèo chín đụn mười trâu cũng nghèo
Phải duyên phải kiếp thì theo
Xin em chớ ngại khó nghèo làm chi.
Nhân duyên thiên tải nhất thì
Giàu ăn khó chịu. Lo gì mà lo.
            Khi đã thương nhau thì chẳng quản giàu nghèo, mà tùy theo cái nhân cách của người mình thương. Khi nhân cách của người thương thật trọn vẹn, xứng đáng thì cho dù ở chòi tranh vách lá vẫn thấy hạnh phúc:
- Yêu nhau chả quản giàu nghèo
Chăn rơm gối rạ cũng theo nhau cùng.
            Hoặc là:
- Hôm mai chẳng quản cháo rau
Trèo đèo lội suối, nuôi nhau trọn đời
Ðêm qua nguyệt đổi sao dời
Nghe chàng năn nỉ mấy lời sắt son.
            Theo quan điểm của người Việt Nam, dầu muốn dầu không, đều có ít nhiều ảnh hưởng đến tinh thần của người Trung Hoa qua thuyết: Lấy chồng thì phải theo chồng. Vì thế người con gái khi đã thương chồng thì chẳng màng tới gian lao cực nhọc, sẳn sàng đi theo chồng lên non xuống biển:
- Hồng nhan anh chín em mười
Cổ tay đáng nén miệng cười đáng trăm
Chàng về, em vẫn hỏi thăm
Hỏi rằng buôn bán làm ăn nghề gì?
Yêu nhau chữ vị là vì
Chữ dục là muôn chữ tùy là theo
Yêu nhau chẳng quản giàu nghèo.
Có những cô con gái không cần nhà cao cửa rộng, vì có lẽ nàng đã nhận thức được sự cực nhọc của người con dâu trong một gia đình giàu. Thôi thì nàng yên phận với cuộc sống chòi tranh vách lá, nhưng an nhàn trong cảnh sớm đồng ruộng, chiều đàn trâu, cơm canh hai bửa cho yên phận:
- Chẳng tham của nả sang giàu,
Chỉ tham một nổi chăn trâu đầu đàn
Chẳng tham nhà gỗ bức bàn
Tham nhà tre, cột nứa cho nhàn tấm thân.
5- Tình Phụ:
            A- Tâm Sự Người Con Gái
Trong lớp tuổi mộng mơ thường thơ từ trao đổi để bày tỏ tấm lòng thương nhớ, nhớ thương. Cũng vì lý do đó mà ngày xưa cha mẹ không cho con gái đến trường học chữ, vì chỉ sợ học chữ biết đọc biết viết để viết thơ cho trai. Ðó là nói đến những trai và gái nơi phồn hoa đô hội. Nhưng còn ở thôn quê thì sao? Ở thôn quê đồng ruộng chất phát, nhưng cũng có những lối trao đổi khác như là khăn tay, vòng nhẫn..v..v.. Có đôi khi khăn tay đó là do cha mẹ cho, rồi trai gái đem tặng cho nhau. Nhưng đến khi canh không lành cơm không ngon thì đòi lại:
- Nhác trông cái khăn nhiểu tình
Có đôi giải dọc xinh xinh chăng là
Khăn nầy của mẹ của cha
Có đôi bướm trắng say hoa liệng vòng.
Chẳng nên nghĩa vợ tình chồng.
Thì chàng trao lại khăn hồng cho em.
            Quan niệm xưa đàn ông con trai thường thường năm thê bảy thiếp, nhưng con gái thì chỉ có một chồng. Quan niệm thì như vậy, nhưng là con người khi đã biết yêu, thì ai ai cũng muốn mình chỉ một vợ một chồng chứ không muốn sống cảnh chồng chung. Vì thế, người đàn bà khôn ngoan thường nhắc nhở chồng luôn luôn chung thủy:
- Xin đừng bắt cá hai tay
Ngẫm xem câu chuyện đắng cay hơn gừng
Em với anh đứt đoạn nửa chừng
Chữ chung bẻ nửa xin đừng anh ơi.
Lòng anh như bát nước vơi
Vợ chồng là nghĩa già đời
Ai ơi đừng nghĩ những lời thiệt hơn.
            Lúc thương nhau thì thề non hẹn biển, khi đã chấp nhận cuộc sống chung, thì tất cả đều chia xẻ cho nhau những ngọt bùi ấm lạnh, những vui buồn, đau khổ, cũng như hạnh phúc trong cuộc đời. Tuy nhiên nếu là con trai hay là con gái không có lòng chung thủy thì sẽ dẫn đến cảnh gia đình tan vỡ. Nhất là vợ hoặc chồng nên biết cưng quý người mình thương, để sau nầy không ân hận khi gặp nhau:
- Ngày xưa miếng trầu xẻ hai
Ngày nay, nghiêng nón chạm vai không chào
Quả cau phơn phớt lòng đào
Chàng còn tơ tưởng chốn nào hơn đây
Lạt mềm buộc chặc hơn dây
Những lời chàng nói biết ngày nào quên
Ai làm trái kiếp lỡ duyên
Ðể cho lòng thiếp buồn phiền chàng ơi
Sông kia bên lở bên bồi
Nở nào tình phụ thiếp tôi hỡi chàng.
            Con chim khi xa nơi nó sống còn biết đau thương nhung nhớ nơi nó sống, huống chi là con người có lý trí tình cảm. Vì thế mà đừng vì một lý do nào đó mà tạo sự đau khổ cho nhau:
- Làm chi để dạ em sầu
Chàng ơi đã vội lìa nhau làm gì?
            Lòng thương nhớ sâu đậm tình xưa nghĩa cũ, dù cho không còn chung sống, nhưng những dư âm giọng nói, tiếng cười của ngày xưa cũng không vì thế mà dễ quên. Từng dấu chân đi, từng bóng hình, tất cả đều là những nguyên nhân gợi lên sầu nhung nhớ. Muốn từ chối nhưng sự thật đâu phải dễ quên:
- Nhác trông cái bóng anh đi
Cái chân anh bước ruột thì quặn đau
Anh ơi, anh bước cho mau
Kẻo em trông thấy lại đau đớn lòng.
          Bao nhiêu năm tháng qua lại đợi chờ để chung sống, nhưng sự thật phụ phàng không như ý muốn. Kết cuộc rồi cũng phải chia tay, đó là một sự thật đau lòng, vì thế người con gái ngày tháng mõi mòn mong đợi kia hờn trách chàng tệ bạc là phải:
- Ðường nầy em vẫn đi qua
Sao chàng bẻ lá bẻ hoa cho đành
Ðường đi lối lại rành rành
Sao chàng dứt mối tơ tình cho đang.
Chả ai tệ bạc hơn chàng
Ðang cơn sóng gió chia vàng giữa sông
Vàng thì em vất xuống sông
Vàng thì không tiếc, công em đợi chờ.
            Tình duyên trắc trở không phải một lý do đơn thuần mà nên. Phải nói rằng trong xã hội có truyền thống như Việt Nam như chúng ta biết, sự cưới hỏi, mặc dầu trai gái có sự tự do lựa chọn người tình trong những hội hè đình đám. Tuy nhiên phần quan trọng vẫn là sự kén lựa của cha mẹ. Nghĩa là cha mẹ ngày xưa thường có việc lựa chọn môn đăng hộ đối. Vì thế, sự trắc trở nếu nói thì cũng có nhièu lý do, nhưng nếu cha mẹ không ưng , chỉ cần một lời phán quyết thì tình duyên của hai trẻ dù cho mặn nồng đến đâu cũng phải chia tay:
- Ðôi ta trắc trở vì đâu
Mà ta không lấy được nhau hởi trời?
Ðôi ta trắc trở tại người
Như cả phận thiếp, nửa lời cũng xong.
            Hôn nhân ngày xưa, ngoài sự đồng ý của cha mẹ, người ta còn thấy có sự can thiệp cả dòng họ của hai bên đàng trai hoặc là đàng gái, như: Bà cô, ông cậu, bà dì, ông chú, ông bác..v..v.. Với ngần ấy ý kiến, thì chúng ta thấy trai thường mất vợ, gái thường mất chồng cũng là chuyện thường. Nên trách cũng là đúng thôi:
- Hoa ơi hoa hởi là hoa,
Mùa Xuân chả nở, nở ra mùa Hè.
Trách bà cô, ông cậu, bà dì,
Trách người làm mối, người thì cầm hương
Trách ai trải chiếu kê giường
Vợ chồng cách trở đôi đường xa nhau.
            Hoặc là:
- Trăng vàng trải bóng bên thềm
Trước nhà thấp thoáng cây mềm gió lay
Ðôi ta, nầy đấy với đây,
Vì ai chẳng được sum vầy đêm trăng?
            Hoặc là:
            - Ai làm nên thảm nên sầu
Bỏ cái ngao ngán cho nhau, mà về
Ðang sầu, đang thảm, đang mê,
Chàng bỏ chàng về đường cái phân đôi.
            Sự hờn giận duyên nợ không thành, một phần cũng do người con trai hoăc người con gái thích đèo bòng bên ngoài nên thường bị người ngoài lung lạc:
- Lòng em năm đợi tháng chờ
Sao chàng đứt chỉ đường tơ cho đành
Khen ai khéo léo dỗ dành
Chàng bỏ chốn cũ cho đành chàng ơi.
            Hoặc là:
- Nghĩ đời mà ngán cho đời
Khen ai khéo đặt những lời bướm ong
Một sông mà chảy đôi dòng,
Biết đâu mà trải tấm lòng cho ra.
            Có đôi khi người con trai, hay người con gái có người bạn trăm năm dõi dang lịch thiệp mà không biết quý trọng, cũng như người trong nhà có của mà không biết xài:
- Chàng ơi ở thế sao đành
Công em gắn bó chẳng thành thì thôi
Gánh vàng đi đổi lò vôi
Cạn tình cạn nghĩa, khó nguôi dạ phiền
            Hoặc là:
- Trách chàng ăn ở đảo điên
Chưa đứng núi nọ đã nhìn non kia
Trách ai bóc sách, lột bìa
Lúc yêu yêu vội, lúc lìa lìa ngay.
            B- Tâm Sự Người Con Trai:
Trong nhân gian, chúng ta thấy có lúc con gái bị tình phụ, chúng ta cũng thấy có lúc con trai bị phụ tình như:
- Ai cho em mặc áo nâu non
Ðể cho em đẹp, em dòn, em xinh
Ai cho em đứng một mình
Giang tay dứt mối tơ tình làm đôi
Hoặc là:
- Thương em lắm lắm em ôi
Sao em ở bạc như vôi trát nhà.
            6- Kết Luận:
            Cuộc tình trong nhân gian có hai trường hợp xảy ra: Hạnh Phúc và Khổ Ðau. Hạnh phúc mà có được đều tùy thuộc vào sự hiểu biết của song phương. Khổ đau mà có là do sự thiếu hiểu biết của hai bên, để rồi dẫn tới cảnh: Tình phụ hay phu tình là như thế. Tuy nhiên không vì vậy mà trai thôi cưới vợ gái không dám lấy chồng. Tình phụ hay mình phụ tình cũng thế mà thôi. Phần còn lại chúng ta có đủ can đảm nhìn vào thực tế để sống, để chấp nhận sự thật phủ phàng, chấp nhận cảnh tình duyên ngang trái để rồi chúng ta tự hóa giải nó hay không, đó là một điều cần thiết. Sự đời là thế, thế nên cứ để giòng thời gian cuốn trôi về đâu cũng được, suy tính trước không phải là cách giải quyết hay. Ðiều thiết yếu trong cuộc sống hiện tại là làm sao cho cuộc sống tương đối đó, khi xa nhau thì nhớ, vắng nhau thì buồn. Trong Văn Học Dân Gian có nói điểm nầy:
- Gặp đây ăn một miếng trầu
Không ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng
Miếng trầu em têm có công
Từ vua, từ chúa còn dùng, nữa ta?
Ngoài xanh trong trắng như ngà
Vua quan cũng chuộng Phật Bà cũng yêu.
Miếng trầu ăn ít nhớ nhiều
Ăn rồi ta sẽ lấy điều thở than
Bỏ công vượt bể qua ngàn
Bõ công lận đận mà mang khăn trầu
Có ăn mới nhớ được lâu
Không ăn nói trước quên sau mất rồi.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Ðất Lề Quê Thói
- Tâm Hồn Mẹ Việt Nam
- Tiếng Hát Ðồng Quê
- Văn Hóa Việt Nam
-- o0o --