Ý Nghĩa Thành Đạo
Quảng Giáo ghi
--o0o--
         
            Nếu có lúc chúng ta nói Mùa Ðản Sanh của Ðức Bổn Sư là Mùa Hoa Vô Ưu Nở thì mùa thành đạo của Ðức Từ Phụ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni là kết tinh của Hoa Vô Ưu. Ý chí từ bỏ đời sống vương giả để ra đi tìm đạo xuất phát từ con tim hiểu biết, thương người, thương chúng sanh vạn loại, vì thế Thái Tử Tất Ðạt Ða không thể chấp nhận một xã hội bất công, luôn luôn đặt trong tình trạng báo động: Nghi ngờ, áp bức, bóc lột, thủ tiêu..v..v..Tất cả những tai họa ấy đều do giai cấp Bà La Môn Giáo gây ra, nền đạo lý Ấn Ðộ gần như sụp đổ. Thái Tử Tất Ðạt Ða đau buồn với cái đau buồn của nhân thế, do đó mà Thái Tử quyết định hy sinh hạnh phúc cá nhân để tìm lẽ sống cho nhân loại. Ý tưởng đó càng vững chãi hơn khi Ngài cảm nhận được những nổi thống khổ của trần gian khi đi dạo chơi trong bốn cửa thành, và Thái Tử đã mục kích thấy những cảnh: Sanh, già, bệnh, chết. Mọi sự phán đoán đã định, ngài quyết định từ bỏ cuộc sống cá nhân gia đình, từ bỏ hoàng cung đi tìm chân lý giải thoát.
            Thế rồi một đêm, vị Hoàng Tử khả ái kia cùng người hầu cận là Xa Nặc đang đêm vượt thành rong ruổi trên đường thiên lý để tìm đạo. Sau khi cắt mái tóc xanh bảo Xa Nặc đem về cho vua cha, vị Hoàng Tử của nhân loại, nghe nơi nào có người giảng dạy đạo lý là Ngài đến để thọ giáo, Nơi nào nghe người ta đồn là có cao nhân tu sĩ là Ngài đến để tham vấn cầu đạo. Cứ thế mà Ngài đi lang thang hết chỗ nầy đến nơi khác, nhưng Thái Tử thất vọng khi thấy mớ giáo lý của các vị ấy tất cả đều không phải là giáo lý giải thoát, nên Thái Tử đành phải rũ áo ra đi. Trên con đường tìm đạo, ngài đến rừng Khổ Hạnh, nơi đây Ngài với năm người bạn đồng tu khác cùng nhau tu tập. Trong cuộc sống khổ hạnh, cơ thể mỗi ngày một gầy, sức khoẻ càng lúc càng mỏi mòn và kiệt quệ. Thấy thế cô thí chủ chăn cừu mới đem dâng một bát sữa, sau khi thọ dùng bát sữa đó Ngài cảm thấy khoẻ trở lại. Một ý nghĩ chợt khởi lên: Thân thể có cường tráng thì tinh thần mới lành mạnh, quá đầy đủ hay quá khổ đều không phải là lối tu chân chính. Con đường dẫn đến giải thoát là phải tránh xa hai cực đoan nầy. Từ đó Ngài quyết định thay đổi  lối tu tập, có nghĩa là ngài quyết định ăn uống trở lại bình thường. Năm người bạn đồng tu thấy thế cho rằng Ngài đã thối chuyển tâm tu, vì vậy mà họ xa lánh ngài. Sau khi năm người bạn đồng tu bỏ đi rồi, Ngài một thân một mình đi đến cạnh sông Ni Liên Thiền, một địa điểm rất đẹp và yên tĩnh gần thị trấn Ưu Lâu Tần Loa. Ngồi dưới tàng cây Tất Bát La Ngài phát ra lời thệ nguyện lớn: Nếu ta ngồi đây mà không tìm ra đạo lý nhiệm mầu, không tìm ra đạo lý huyền bí của Vũ Trụ Vạn Pháp thì thịt nát xương tan ta cũng quyết không rời bỏ chỗ ngồi nầy.
            Suốt 49 ngày đêm tư duy, ngày cuối cùng khi vầng sao mai vừa xuất hiện, thì bậc Bồ Tát thấy thân tâm trở nên vắng lặng, và sáng suốt, bao nhiêu cặn bã mê mờ và những phiền não đều rũ sạch. Giờ phút mà bậc Bồ Tát đi tìm từ lâu, bây giờ đã đến, ngài đã chứng đạo quả Vô Thượng và thành Phật. Cây Tất Bát La nơi mà ngài ngồi tư duy suốt 49 ngày đêm nay là Cây Bồ Ðề. Ðức Phật đã tìm ra Chân lý cùng bản thể chân chính của thực tại và giáo Pháp của ngài được mọi người biết tới, chính là sự giải thoát cho nhân loại. Công hạnh tu chứng của Ðức Phật  đánh dấu một quá trình cao cả, qua bao nhiêu chặng đường gai góc nhưng rất huy hoàng của một đấng toàn giác. Ngài đã thành công viên mãn.
            Sau khi hành đạo, Ðức Phật thấy việc trước hết là phải thực thi một cuộc cách mạng Xã Hội. Ngài thấy những tư tưởng cũng như sự hiện diện của tất cả các giáo phái, các thế lực đương thời đã không giải quyết được gì cho con người trong Xã Hội. Muốn cải thiện xã hội thì việc trọng đại hơn là giáo hoá những vị lãnh đạo tinh thần, để các vị nầy ý thức trách nhiệm của mình và chuyển hoá xã hội. Vì vậy mà việc đầu tiên Ngài đến và độ cho năm người bạn đồng tu, sau đó ngài độ những vi lãnh đạo tinh thần như Ca Diếp, Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên..v..v..Sau giới lãnh đạo tinh thần là giới Vua Chúa, giới tài phiệt, thương nhân và thường dân. Tất cả Ngài đều giáo hóa bình đẳng. Thế là Ðạo Phật được thành tựu và phát huy tại rừng vắng, rồi truyền vào kinh thành, rồi từ kinh thành truyền trở lại các nơi thôn dã do các tăng sĩ đệ tử của Ngài. Ðức Phật đã thẳng thắn nói lên những tệ đoan xấu xa trong xã hội, tin dựa vào thần quyền. Ðức Phật cũng không quên những hạng người vô lý tưởng buông trôi kiếp sống trong giòng luân lưu lãng bạt để kéo họ về với thực tế cuộc đời. Ðó là những nguyên tắc chỉ đạo, là cương lĩnh cho một xã hội Văn Minh Nhân Bản và Tiến Bộ. Ðức Phật đã trực tiếp khai sinh ra phương thức hoằng pháp mới đó là: Ðưa các hàng môn đệ vào cuộc đời để thực kiến, thực giải các thắc mắc của quần chúng, để giúp mọi người, mỗi người sớm được Chuyển Mê Khai Ngộ. Như vậy Ngài đã chu du khắp nước Ấn Ðộ, nơi nào cũng có dấu chân của Ngài, dân chúng khắp nơi, từ những người giàu cao sang, cho đến những người thấp kém nghèo khổ đã noi theo phương pháp sống, hoặc trở thành đệ tử của Ngài. Mặc dầu nhiều người ủng hộ Ðức Phật, trong số đó có Vua, Chúa, Hoàng Tử, nhưng Ngài vẫn không thừa nhận giai cấp, trừ phi người đó có được đời sống đaọ đức và thanh tịnh. Tinh thần bình đẳng là một điểm son quý giá nhất trong lịch sử Ðức Phật, cũng như trong tâm hồn Ngài. Ngay từ khi còn thơ ấu tinh thần ấy đã được bộc lộ trong những cử chỉ cứu giúp những kẻ bần cùng, những con vật lâm nạn. Khi thành đạo, tinh thần bình đẳng ấy lại bộc lộ rõ ràng hơn. Ngài có những câu nói bất hủ khiến cho người đời nay coi đó là khuôn vàng thước ngọc. Như Ngài xin nước của một người thuộc giai cấp hạ tiện, người ấy sợ làm ô uế Ngài, Ngài kêu đến và dạy:
- Không có giai cấp trong dòng máu cùng đỏ, trong nước mắt cùng mặn. Mỗi người sanh ra đều có Phật Tánh và có thể thành Phật.
Trong giáo đoàn của Ngài, cũng có nhiều vị từ Vương Tôn Công Tử cho đến những thứ dân nghèo cùng. Chính vì vậy mà các vua chúa bất mãn, nhân đây Ngài dạy:
- Người hèn hạ mà phát Bồ Ðề Tâm xuất gia tu hành, chứng được quả thánh thì quý báu vô cùng, chẳng khác gì hoa sen mọc ở bùn lầy mà vẫn tinh khiết thơm tho. Một người sanh ra không phải liền thành Bà La Môn hay Chiên Ðà La, mà vì sở hành của người ấy tạo thành Chiên Ðà La hay Bà La Môn.
Còn cuộc cách mạng nào đẹp hơn cuộc cách mạng của Ngài. Ngài cảm hoá mọi người bằng giáo lý nhiệm mầu, nên không ai bảo ai, họ tự động trở về với Ðức Phật, tất cả đều được giáo hoá. Bốn giai cấp ở Ấn Ðộ cùng một lúc sụp đổ. Ngài phá tan những thành kiến sai lầm về Vũ Trụ nhân sinh, về quan niệm cuộc sống.. Nhờ đức hy sinh, với lý tưởng cao cả, và với lòng thương vô tận của đức Phật, mà từ ngàn xưa cho tới bây giờ đã có hàng vô lượng chúng sanh trong khắp tinh cầu đã tìm được lẽ sống cao cả cho mình ngay trong đời sống đầy tội lỗi, xấu xa, độc ác nầy.
            Chúng ta là Phật Tử đã biết qua con đường chông gai của Ðức Phật đã đi để đạt tới quả vị giác ngộ giải thoát. Bài học của ngài dạy cho ta nhiều ý nghĩa và nhiều phương diện quý báu. Ðể thâm tạ đấng giáo chủ vì đời mà hy sinh hạnh phúc cá nhân, chúng ta nên cố gắng phát tâm dỏng mãnh tích cực trong sự tu hành hơn, một khi đã vào đường đạo thì dù gặp nguy nan, hiểm trở khó khăn cũng quyết không thối lui quay gót. Chúng ta phải tập cho được cái đức kiên trì như Ðức Phật khi ngồi thiền dưới gốc cây Bồ Ðề, được như vậy là chúng ta mới không cô phụ bao nhiêu ngày tháng trải tuyết dầm sương trên con đường tìm đạo giải thoát của đức Phật. Có như vậy chúng ta đã tô đậm nét son trên trang sử liệu muôn đời, tuyệt nhiên trang sử đó không có cậy quyền ỷ thế để khuynh loát xã hội, trái lại còn đầy đủ phương tiện lợi sinh và thuần tuý nền đạo học. Nét son ấy phải được tươi mãi và ấn hằng trong tâm khảm của mọi người, để tạo cho mọi người có một đời sống cao rộng, phóng khoáng đầy hương hoa, đạo vị trong kỷ nguyên Công Bình Tự Do và Chánh Nghĩa.
-- o0o --