Tổng Quan Phật Giáo Trung Hoa
Thông Nghĩa
--o0o--
 
Sau khi giáo đoàn phân phái cả hai Ðại Chúng Bộ và Thượng Tọa Bộ đều có sự phát triển theo Nam Truyền thì sự phát triển nầy từ khoảng Phật Nhập Niết Bàn sau 100-200 năm. Theo Bắc truyền thì khoảng Ðức Thích Ca nhậpNiết Bàn 100-200 năm có sự phân chia của Ðại Chúng Bộ và trong khoảngthời gian sau 200-300 năm có sự phân biệt về mạt phái của Thượng Tọa Bộ, sở mục của các hệ phái phân biệt theo nam Truyền và Bắc truyền có chỗ không đồng, nhưng căn cứ vào Dị Bộ Tôn Luân Luận thì sự phân biệt nầy của Tiểu Thừa lẫn Ðại Thừa có tất cả 20 bộ phái trong đó tiểu thừa có 11 bộ phái và Ðại Thừa có tất cả là 9 Bộ Phái. Phật Giáo vào Trung Hoa bằng sự truyền thừa của Phật Giáo Ðại Thừa là hậu thân của Ðại Chúng Bộ. Trung Hoa là một quốc gia có ảnh hưởng lớn với các nước lân bang như: Ðại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam... do đó mà muốn hiểu được cơ bản của sự truyền thừa Phật Giáo vào Trung Hoa thì chúng ta có thể dễ dàng tìn hiểu sự truyền thừa của Phật Giáo ở các nước lân cận.
A-  Thời Kỳ Phôi Thai
Theo sử liệu ghi chép cho biết, Ðạo Phật vào Trung Hoa rất sớm. Theo sách Liệt Tử có dẫn lời của đức Khổng Tử:
- Khâu nầy nghe phưong Tây có bậc thánh không trị mà không loạn không nói mà tự tin.
Sách Ngụy Thư Lão Thích Chi có ghi:
- Vua võ Ðế nhà Tây Hán(năm Kỷ Hợi 110 BC-39 AD cộng 149) sai tướng Hoạt Khử Binh đánh nước Hung Nô, bắt được hình người bằng vàng dài hơn một trượng, đem về dâng cho Vua, Vua đem thờ ở trong cung Cam Tuyền thường ngày thắp hương lễ bái.
Theo The Way of Lao Tzu dịch và ghi chú bởi Wing Tsit thì Lão Tử xuất hiện vào thế kỷ thứ sáu hoặc là thứ tư trước Tây Lịch. Ðạo Ðức Kinh của Lão Tử là một sản phẩm của thời Xuân Thu Chiến Quốc(720-481T.L.) Tuy nhiên trường phái của Lão Tử không có một ai nhắc, mãi cho đến thế kỷ thứ nhất Tây Lịch người ta mới biết. Ðạo Nho xuất hiện vào thời gian(551-479BC) Thời nhà Châu; do đó mà khoảng thời gian nầy cũng chưa mấy thịnh hành. Chúng ta không ngạc nhiên khi thấy trong sách Liệt Tiên Truyện của Lưu Hướng đời Tây Hán Thanh Ðế có ghi: 
- Từ đời Hoàng Ðế đến nay tu đắc đạo có hơn 700 người, nhưng trong số ấy theo đạo Tiên chỉ có 146 người còn bao nhiêu đều theo Ðạo Phật. Như trên đã nói người Trung Hoa biết Ðạo Phật rất sớm nhưng mãi cho đến đời Ðông Hán, niên hiệu Vĩnh Bình năm thứ 10 lúc đó vào 67 TL. Vua Hán Minh Ðế nhân dịp nằm mộng thấy Phật, mới sai ông Thái Hâm, Vương Tuân và phái đoàn cả thảy 18 người qua nước Nhục Chi( quốc gia nầy nằm về phía Tây của Trung Hoa) để rước Phật về thờ và có mời được hai vị cao tăng là Ca Diếp Ma Ðằng và Trúc Pháp Lan qua Trung Hoa. Vua Hán Minh Ðế cho dựng Chùa Bạch Mã để thờ Phật và hai vị Pháp Sư ở đó dịch kinh truyền đạo. Bấy giờ Phật Giáo được triều đình Trung Quốc thừa nhận, do đó mà chùa chiền được phép xây cất và tăng sĩ từ từ cũng rất đông, quyển  Kinh được dịch ra có Hán Văn sớm nhất có thể nói là Tứ Thập Nhị Chưong Kinh. Ðạo Phật càng ngày càng phát triển, lúc bấy giờ các nhà truyền đạo, từ Tây Trúc cũng bắt đầu truyền đến, trong số đó có các ngài: An Thế Cao, Chi Lâu Ca Sâm, Chi Diệu và Trúc Phật Sóc. Thời kỳ nầy kinh chữ phạn dịch ra chữ Hán khoảng 300 bộ.
B-  Thời Kỳ Phát Triển Và Hưng Thịnh
Phật Giáo đến Trung Hoa trước sau hơn hai ngàn năm. Ðạo Phật du nhập trong xứ sở nầy, hoà hợp với người bản xứ rất nhanh, và đồng thời cũng có những thời kỳ hưng thịnh, suy vong theo sự đổi thay của vận nước. Ðại để có bốn thời kỳ chính.
1- Thời Kỳ Hưng Thịnh Lần Thứ Nhất Từ Tam Quốc Ðến Ðời Tây Tấn, Thế Kỷ Thứ BA Thứ Tư Tây Lịch.
Nhà Ðông Hán mất, Ngụy, Thục, Ngô nổi lên, tức là đời Tam Quốc. Thời kỳ nầy là thời kỳ phát triển Tỳ Ðàm Tông, Tiểu Thừa, Hữu Bộ. Mặc dù sự phân chia theo chế độ chính trị khác nhau, thế nhưng trong nhân gian cho đến Vua Chúa đều quy ngưỡng về Phật Giáo mỗi nươc như Ngụy, năm thứ hai niên hiệu Gia Bình đời Vua Ngụy Minh Ðế(năm 250T.L.) thì có Ngài Ðàm Ma Ca La từ xứ Trung Ấn Ðộ truyền sang và bắt đầu truyền giới pháp, hay còn gọi là Thập Nhân Thọ về Tứ Phần Luật. Phép Thập Nhân Thọ nầy là 10 vị Tăng Già truyền giới, trong đó có tam sư: Hoà thượng, Yết Ma, Giáo Thọ và bảy vị Tôn Chứng. Việc thi hành giới luật là bắt đầu từ đó. Ðông Ngô thì có Tôn Quyền là đệ tử quy y của Ngài Khương Tăng Hộ. Ngài Khương Tăng Hội là một nhà sư người gốc Khương Cư Ấn Ðộ thương theo thân phụ sang Giao Châu buôn bán, sau đó đến Ðông Ngô.Theo trong sách cũng có nói khi sang Ðông Ngô Ngài Khương Tăng Hội đã có ghé ở Việt Nam. Tây Thục thì có ngài Châu Tử Hàng ở Lạc Dương khai đàn giảng Kinh Bát Nhã. Trung Quốc được công khai giảng Kinh Phật cho  nhân dân nghe cũng bắt đầu từ đó. Nhưng thời bấy giờ kho tàng Kinh Ðiển vẫn còn trong thời kỳ phôi thai, nên Ngài Châu Tử Hàng mới qua Tây Vực học và tìm nguyên bản kinh chữ Phạn để dịch lại. Chúng ta có thể nói Phật giáo Trung Hoa rất sớm trải qua các triều đại như trước nhà Tây Hán, Ðống Hán, Tam Quốc... Nhưng chưa phát triển mạnh, mặc dầu trong nhân gian có rất nhiều người theo Phật. tuy nhiên Phật giáo phải đợi cho đến đời Tây Tấn( 310TL.) mới được thịnh hành. Mở đầu cho phong trào có Ngài Phật Ðồ Trừng một vị sa môn từ Tây Vực sang thuyết pháp, nhân dân mộ theo rất đông có hàng vạn người. Nối tiếp ngọn đèn chánh pháp, có các đệ tử của Ngài là: Ðạo An, Pháp Hiền, Trúc Pháp Hải. Phật Giáo bắt đầu hưng thịnh tại Trung Hoa có thể nói là từ đó. Sau Phật Ðồ Trừng có Ngài Cưu Ma La Thập. Thời kỳ nầy là thời kỳ cực thịnh của Phật Giáo Trung Hoa ở giai đoạn đầu và cũng có thể nói là Ngài Ðạo An, Pháp Hiền và Cưu Ma La Thập là những vị cao tăng vĩ đại nhất ở thời kỳ nầy, do đó mà về cuộc đời của các Ngài không thể không tìm hiểu
a- Cưu Ma La Thập
Cưu Ma La Thập hay còn gọi là Ðồng Thọ. Gọi là Ðồng Thọ là vì tuổi của Ngài còn quá trẻ mà tài năng và đức độ không thua kém các vị trưởng lão. Theo Sách Bách Luận Sớ; cuốn thứ nhất có chép:
- Cha Ngài là Cưu Ma La Viêm, dịch là Ðồng, nguyên gốc là người Ấn Ðộ, dòng dõi làm quan tướng quốc Ấn Ðộ. Mẹ là Kỳ Bà, dịch là Thọ, Em gái của Vua nước Cưu Ty(Quy Từ). Như vậy Ngài Cưu Ma La Thập có tên Ðồng Thọ, ngoài việc chỉ Ngài là người tuổi trẻ tài cao, còn là cái tên ghép của tên cha và mẹ, như có lần đã nói Cưu Ma La Viêm là quan tướng quốc (Ấn Ðộ thời kỳ đó) sau vì chán ngán công danh, phú quý nên từ bỏ cuộc đời phồn hoa xuất gia theo Phật trên bước đường truyền giáo ra Hải Ngoại sang phương Ðông đến xứ Thông Lãnh rồi vào nước Quy Từ nay là huyện Khố Xá tỉnh Tân Cương của Trung Hoa. Ở đây vì Quốc Vương quý mến nên cầu thỉnh làm Quốc Sư. Nhà Vua có người em gái tên là Kỳ Bà mới 20 tuổi và rất thông minh. Vì mến tài và đức của Quốc Sư nên nhà Vua ép gã em gái, sau sanh ra Ngài Cưu Ma La Thập. Lúc mới lên 7, Ma La Thập đã tỏ ra là một người có tài năng quán chúng, nhân dịp theo mẹ vào Chùa để đi xuất gia, thấy bình bát bằng thiếc, ngài lấy đội lên đầu và tưởng tượng nặng, tức thì cái bình bát cũng nặng thêm bội phần. Bình bát nặng đến đâu thì Ngài La Thập cũng khoẻ mạnh đến đó để chịu đựng. Nhân việc nầy mà hiểu được vạn pháp duy tâm, nghĩa là muôn việc gì cũng chỉ bởi tự tâm mình tưởng, do tâm mình tạo ra. Vì thấy Ngài còn trẻ mà tinh thông Tam Tạng Kinh Ðiển, nên Vua nước Cưu Ty Quy Từ cho làm một cái tòa sư tử bằng vàng để cho Ngài ngồi thuyết pháp.
Vua và quân thần hết sức cung kính, và ngưỡng mộ uy đức của Cưu Ma La Thập. Bây giờ nhà Ðông Tấn(317-419), ông Phù Kiên hùng cứ đất Thiểm Tây, xưng Vương lấy Quốc Hiệu là Tấn, trong lúc sắp đi chinh tây, có quan Thái Sư tâu:
- Ở khu vực phía tây có một vì sao rất khác thường, điềm lành đó chắc có bậc thánh nhân ra đời ở nơi đó. Nghe thế Vua Phù Kiên nói: Trẫm nghe nói nước Cưu Ty Quy Từ có Ngài La Thập Pháp Sư, như vậy có phải người nầy không? Sau Vua Phù Kiên sai danh tướng Lữ Quang thống lãnh bảy vạn tinh binh để chinh Tây. Trước khi đi nhà Vua có ra lệnh cho tướng Lữ Quang là: Cuộc hành binh viễn chinh nầy, không phải vì tham lam đất đai, quyền lợi mà nghe nói bên nước Quy Từ có Ngài La Thập tinh thông Tam Tạng Kinh Ðiển, thấu suốt cả tánh và tướng của muôn pháp, nên muốn ruớc về làm Quốc Sư, nhà Vua còn căn dặn tướng Lữ Quang đưa bức thư nói rõ nguyên nhân trước. Khi nào Vua Cưu Ty Quy Từ không chịu giao Ngài La Thập thì sẽ dùng binh.
Chiến thắng quân Cưu Ty Quy Từ rước Ngài La Thập về đến Lương Châu, tướng Lữ Quang nghe nói Vua Phù Kiên bị ông Dao Tràng giết, nên tự tiện chiếm đất Lương Châu và xưng là Tam Hà Vương, lấy hiệu là nước Lương. Sau Dao Tràng cũng mến tài đức của Ngài La Thập nên muốn rước, nhưng Lữ Quang không cho. Khi Dao Tràng mất con là Dao Hưng lên ngôi cũng cữ binh qua nước Lương rước Ngài La Thập, Lữ Quang cũng không cho, khi Lữ Quang mất, con là Lữ Long lên ngôi. Lần thứ hai Dao Hưng cử đại quân qua đón rước Ngài La Thập, Lữ Long đầu hàng và tướng binh nhà Tấn rước Pháp Sư về Trường An Vua Dao Hưng tôn thờ Ngài làm Quốc Sư, và xây tịnh thất cho Ngài tại Tây Minh, để kiểm duyệt lại các kinh, cũng từ đó tuân lệnh chiếu Vua Ngài chuyên trách về việc phiên dịch Ba Tạng Thánh Ðiển thành Hán Văn. Trải qua mười ba năm như thế Ngài đã phiên dịch được ba mươi lăm bộ, gồm có hơn ba trăm quyển kinh sách như: Kinh Bát Nhã, Kinh Pháp Hoa, Kinh Di Ðà, Luận Thập Tụng, Luận Thành Thật, Luận Trí Ðộ, Trung Luận, Bách Luận..v..v.. Song song với việc phiên dịch Kinh Ðiển, Ngài còn dụng tâm duyệt xét những kinh cũ, thấy phần nhiền sai lệch so với bản văn tiếng phạn. Vì lẽ đó mà Ngài cho mời các bậc danh Tăng, học giả: Tăng Triệu, Tăng Duệ, Tăng Lãnh, Ðạo Sanh, Ðạo Dung, Ðạo Hằng, Huệ Quang, Huệ Nghiêm, Ðạo Thường, Ðạo Phiêu thời kỳ đó được mệnh danh là Thập Môn Thập Triết, cùng với các danh Tăng khác cộng chung tất cả là tám trăm người cùng nhau duyệt xét lại các kinh đã có từ trước, Ngài thị tịch vào ngày 13 tháng 4 năm Hoàng Thỉ thứ 15(413T.L.), hưởng thọ 70 tuổi.
Như trên chúng ta thấy Phật Giáo hưng thịnh ở thời kỳ nầy là do sự nhiệt tình của các Vua, Quan, dân chúng cũng như chư tăng ngọai quốc truyền vào rất đông, nhưng Ngài Cưu Ma La Thập có thể nói là ngôi sao sáng ở thời kỳ nầy. Ðời nầy bắt đầu có Tam Luận Tôn và Thành Thật Tôn lần lượt xuất hiện.
b- Pháp Hiền
          Năm 399, năm ấy Ngài 60 tuổi vì nhận thấy cuộc sống tu học thiếu căn bản về giới luật nên Ngài quyết tâm đi Ấn Ðộ để học hỏi. Những nơi mà Ngài từng đi qua như: Vùng Tây Bắc Ấn, Phật Thánh Ðịa tại lưu vực sông hằng, vùng phụ cận Calcutta, đảo Tích Lan. Năm 413 Ngài an toàn về tới Nam Kinh, như vậy cuộc du hành thỉnh kinh của Ngài trước sau là 11 năm. Ngài mang về Trung Quốc đủ loại như: Kinh, Luật, và Luận.
c- Ðạo An
          Là đệ tử của Ngài Phật Ðồ Trừng sinh năm 312 T.L. Năm 12 tuổi đã ở chùa, và xuất gia năm 18 tuổi, sau khi thọ giới cụ túc ngài chu du khắp nơi học hỏi và giảng đạo, sở trường của ngài là nghiên cứu về tư tưởng Bát Nhã, phiên dịch trước tác của Ngài Long Thọ, và Ngài La Thập. Ngài chủ trương là đệ tử của Phật thì phải lấy họ Thích do đó mà ngày nay người tăng sĩ ai cũng đều lấy họ Thích
           2- Thời kỳ Hưng Thịnh Thứ Hai Là Thời Kỳ Nam Bắc Triều (420-588T.L.) Trong khoảng thời gian nầy có sự suy vong lần thứ nhất và lần thứ hai.
          Thời gian nầy có Ngài Huệ Lâm là một trong các cao tăng học cao hiểu rộng được nhà vua mời tham chánh. Có thể nói từ trong hoàng cung đến ngoài dân gian ai cũng mến mộ tài của Ngài cũng trong lúc nầy có nhiều cao tăng từ bên Tây Trúc sang, và lập nhiều tông phái mới. Trong đó có một tông phái mới đáng được chú ý đó là Thiền Tôn do Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma cũng từ Tây Trúc sang. Ngài Tam Tạng Chân Ðế dịch và truyền vào Trung Hoa Luận Ðại Thừa Khởi Tín lúc đó ở Trung Quốc mới đề xướng ra pháp môn: Chân Như Duyên Khởi. Ngoài ra còn có Ngài Ðàm Vô Sấm truyền sang Niết Bàn Tông, Ngài Nam Nhạc lập ra Thiên Thai Tôn. Ðây là thời kỳ biến đổi hưng thịnh lần thứ hai tại Trung Hoa. Những vị cao tăng đã đóng góp trong thời kỳ hưng thịnh nầy thì có rất nhiều, tuy nhiên những vị có ảnh hưởng lớn trong việc hoằng truyền Phật Pháp ở thời kỳ nầy thì có Ngài Chân Ðế và Bồ Ðề Ðạt Ma, Ngài Nam Nhạc và Ngài Ðàm Vô Sấm.
a- Ngài Bồ Ðề Ðạt Ma
          Theo truyền thuyết Bồ Ðề Ðạt Ma là con trai thứ ba của một vị Vua ở Miền Nam Ấn Ðộ, ngài thông minh và thâm trầm, học cái gì cũng hiểu thông tường tận. Sau đó bỏ nhà đi tu và đắc pháp với Ngài Bát Nhã Ða La, là vị Tổ thứ hai mươi bảy, tính từ Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Truớc Khi Tổ Bát Nhã Ða La viên tịch, Ngài có dặn:
- Ngươi hãy tạm giáo hóa ở đây, nước nầy, sau sang Trung Hoa mới thật là nhân duyên lớn. Nhưng phải đợi ta diệt độ khoảng sáu mươi năm, sau đó ngươi sẽ đi, nếu đi sớm, sau e có việc không tốt. Theo lời Thầy dặn Ngài Ðạt Ma ở tại nước nhà đi đây đó để giáo hóa quần sanh. Người huynh đệ đồng sư với Ngài là Phật Ðại Tiên cùng chung sức lo Phật sự. Người đương thời gọi hai Ngài là: Mở Hai Cửa Cam Lộ. Tuy nhiên sau đó môn đồ của Ngài Phật Ðại Tiên lại chia thành sáu tôn:
1- Hữu Tướng Tôn
            2- Vô Tướng Tôn
            3- Ðịnh Huệ Tôn
            4- Giới Hạnh Tôn
5-Vô Ðắc Tôn
            6- Tịch Tịnh Tôn.
Thấy sự phân chia ấy mà ngại cho chánh pháp suy vi, Ngài dùng phương tiện cảm hóa khiến tất cả đều quay về với chánh pháp. Theo huyền ký của Tổ Bát Nhã Ða La, và thời điểm đã đến, Ngài xuôi thuyền buôn sang Trung Hoa. Sau ngót ba năm trên biển cả, thuyền mới cặp bến Quảng Châu, nhằm đời nhà Lương niên hiệu Phổ Thông năm đầu(năm 20 T.L.). Ngày 21 tháng 9 năm Canh Tý Thích Sử tỉnh nầy ra đón Ngài, đồng thời dâng sớ về triều tâu vua Lương Võ Ðế. Vua được sớ liền sai sứ lãnh chiếu chỉ đến thỉnh Ngài về Kim Lăng Kinh Ðô của Nhà Lương. Sau vài ba câu chuyện qua lại, Bồ Ðề Ðạt Ma đã biểu lộ khí chất ngang nhiên của một con người phàm vượt thoát, trong khi đó Vua Lương Võ Ðế chỉ là một vị Vua ngoan đạo thuần thành, nhưng vẫn chưa thoát tục, nên không thể lãnh hội được lời chỉ giáo của bậc cao nhân. Thấy thế Ngài bỏ Vua đi về Giang Bắc. Vượt qua sông Giang Bắc đi tới Lạc Dương thuộc Hà Nam nhằm vào đời Hậu Ngụy, Vua Hiếu Minh Ðế niên hiệu Chánh Quang năm đầu năm 520 T.L. Ngày 23 tháng 11 Ngài ngụ tại Chùa Thiếu Lâm, núi Tung Sơn quay mặt vào vách ròng rã suốt chín năm. Ở đây, nơi thâm sơn cùng cốc, một học tăng Thần Quang đã đến cầu đạo, mặc dầu đã đủ mọi nghi lễ mà ngài vẫn ngồi yên lặng ngó mặt vào vách không màng đến. Không giống như những người truyền đạo của các tôn giáo khác, vì muốn có tín đồ đông mà phải năn nỉ, cầu cạnh, dụ dỗ mua chuộc..v..v.. Với thái độ dững dưng đó làm cho ta thấy Ngài là một con người đặc biệt trong lịch sử tôn giáo. Ngài có một đời sống khác thường mang một tâm hồn siêu thoát, xem công hầu khanh tướng như cỏ rác, Ngài là một con người đi trên thị phi, tầm thường, vượt hẳn ra ngoài những công lệ, phá hủy những chủ nghĩa công thức đến tận gốc rễ, và nuôi trong lòng một niềm đau đớn trước sự đi xuống của con  người. Có thể nói Bồ Ðề Ðạt Ma đã làm một cuộc cách mạng toàn diện thổi luồng sinh khí vào tư tưởng đương thời, để mở đầu một tiến trình sinh hoạt mới cho thế hệ sau nầy.
Từ bỏ quê hương, Bồ Ðề Ðạt Ma đi qua xứ lạ để rao truyền đạo lý của đấng giác ngộ, tuy nhiên khi vào đất Trung Hoa, lần gặp Vua Lương Võ Ðế làm Ngài cảm thấy thất vọng. Những tâm huyết của ngài gần như khô cạn, tiếng nói của người như là tiếng nói cô liêu trong bãi sa mạc hoang vu. Người đương thời không ai hiểu nổi, vì thế mà Ngài phải quay mặt vào vách để thiền định suốt thời gian dài 9 năm âm thầm lặng lẽ không nói năng, đi, đứng, đôi mắt nhìn trừng trừng vào hư vô thăm thẳm của trần gian, nhìn vào kiếp người phù du, và đày đọa thống khổ. Thái độ trầm lặng của Bồ Ðề Ðạt Ma chúng ta thấy con người đó mang một tâm hồn kiêu hãnh hiên ngang, không quỳ lụy trước hoàn cảnh mới, dám sống ngoài vòng cương tỏa của xã hội. Lúc đầu chúng ta cứ tưởng Bồ Ðề Ðạt Ma có những cử chỉ tàn bạo đối với môn đệ, như những lúc Huệ Khả cầu đạo..v..v.. Nhưng thật ra những cử chỉ lạnh lùng đó là hành động tích cực nhất để giúp cho những ai có tâm thành tiến tu trên con đuờng giải thoát. Và rồi ngài mở đầu cho một tôn phái Thiền Tôn của Phật Giáo Trung Hoa. Trước khi Ngài an nhiên thị tịch, Ngài truyền cho Ðệ Nhị Tổ là Huệ Khả, tức là Thần Quang bốn quyển Kinh Lăng Già và bài kệ:
- Ta sang đến cõi nầy
Truyền pháp cứu mê tình,
            Một hoa nở năm cánh
            Nụ trái tự nhiên thành.
b- Ngài Chân Ðế
          Vào thời kỳ Vua Lương Võ Ðế, niên hiệu Ðại Ðồng năm thứ 12, Ngài Chân Ðế do đường thủy mà đến Trung Hoa, lúc đó thời buổi loạn lạc, do đó mà ngài Chân Ðế cũng phải chạy đi tỵ nạn khắp nơi, tình trạng như vậy suốt 20 năm. Thấy một thời gian quá dài mà chưa thực hiện được đại chí hoằng pháp của mình, do đó Ngài mới có ý niệm trở về cố quốc. Nhưng khi Ngài đến Quảng Châu thì gặp Ngài Huệ Khải Pháp Sư, ở đây ngài Huệ Khải thỉnh cầu ngài ở lại giảng bộ Nhiếp Ðại Thừa Luận, sau hai năm làm việc ngài đã dịch xong bộ luận, và Ngài muốn đi nơi khác. Tuy nhiên vì Ngài Huệ Khải và Tăng Nhẫn thỉnh cầu ở lại để giảng dịch Câu Xá Luận nên Ngài đã nhận lời. Lúc bấy giờ là đời vua nhà Trần tự Văn Ðế niên hiệu Thiên Gia năm thứ tư ngày 15 tháng giêng thì Ngài dịch và giảng xong bộ Câu Xá Luân tại Chùa Chế Chỉ. Khi Ngài giảng đến Phẩm Hoặc chưa xong thì lại phải dời đến Nam Hải. Cho đến tháng 10 mới dịch xong thành luận kệ một quyển luận văn 20 quyển. Ðến niên hiệu Thiên Gia năm thứ năm, ngày 2 tháng 2 ngài Huệ Khải và Tăng Nhẫn lại khẩn cầu ngài Chân Ðế đem luận nầy dịch lại một lần nữa. Ðến Quảng Ðại nguyên niên, ngày 15 tháng 12, thì bộ luận mới hoàn thành(hiện tại đang nằm trong Ðại Tạng Kinh). Ðây là lần đầu tiên bộ luận được dịch sang tiếng Trung Quốc. Ngài Chân Ðế Pháp Sư dịch kinh điển rất nhiều, đặc biệt là kinh điển có liên hệ đến Phái Duy Thức Pháp Tướng Học của ngài Thế Thân và Vô Trước. Trong thời kỳ nầy kinh sách dịch sang Hoa Ngữ phần lớn đều do ngài Chân Ðế. Về Ngài Ðàm Vô sấm và Nam Nhạc xin được trình bày ở các tông phái Ðại Thừa
c- Thời Kỳ Suy Vong Lần Thứ Nhất Dưới Thời Hậu Ngụy Thái Võ Ðế (439-450TL.)
          Giữa thời Nam Bắc triều(420-588TL.) trong lúc Ðạo Phật đang thời cực thịnh, nhân dân sống cuộc sống an nhàn. Nhưng đến niên hiệu Thái bình Chân Quân thứ 7 tức là vào khoảng 446TL. Vua Hậu Ngụy là Thái Võ Ðế, một ông Vua tàn bạo nghe lời sàm tấu, nên ông tàn sát các tăng lữ, phá hoại Chùa tháp, kinh tượng đều bị đốt phá. Cai trị được bốn năm thì ông mất. Văn Thành Vương lên ngôi thấy việc làm tàn ác, vô lý và mất nhân tâm nên đã truyền chiếu chỉ phục hưng Phật Giáo. Dần dần các vị Vua kế tiếp cũng có thiện cảm với Phật Giáo nên cũng hô hào chấn hưng, đạo Phật lại được phục hưng. Trong thời gian nầy có ngài La Ma Na Ðề dịch và truyền Ðịa Luận Tôn. Ðến đời Tuyên Võ Ðế(508 TL.) Phật Giáo lại cực thịnh, các cao tăng từ Tây Trúc đến có khoảng 3000 vị, chùa tháp trong nước có hơn một vạn, tăng lữ gần hai triệu.
d- Thờ Kỳ Suy Vong Lần Thứ Hai
            Ðến đời Bắc Chu Võ Ðế(574 TL.) Phật Giáo lại bị ách vận lần thứ hai: Vua bãi bỏ Phật Giáo, dùng Chùa tháp làm nơi phủ đệ cho các vương hầu, tăng sĩ già thì đuổi về làn dân, tăng sĩ trẻ thì sung vào quân đội. Dân chúng bị cấm đoán không cho cúng Phật, thờ Phật. Sau khi Vua Võ Ðế mất, Tuyên Ðế nối ngôi, lại sắc chiếu phục hưng Phật Giáo. Nhà Vua còn truyền chiếu chỉ tuyển chọn cao tăng để phiên dịch kinh luận. Nhà Bắc Chu suy vong nhà Tùy được thiên hạ, Vua, quan, dân ai cũng có thiện cảm với Phật Giáo, nhờ đó Phật Giáo mới bắt đầu hưng thịnh trở lại. Ở giai đoạn nầy các Vua, quan ai cũng quy y Phật Pháp, các tăng lữ trong lúc nầy cũng trước tác rất nhiều kinh luận.
3- Thời Kỳ Hưng Thịnh Thứ Ba. Nhà Ðường(700-900TL. Trong Khoảng Thời Gian Nầy Có Hai Lần Suy Vong, Lần Thứ Ba & Lần Thứ Tư.
            Nhà Tùy suy nhà Ðường nổi dậy, Vua Ðường Cao Tổ cũng sùng tín Phật Giáo, tuy nhiên có quan Thái Lịnh là Phó Dịch bảy lần dâng sớ bài bác Phật Giáo nên Vua Cao Tổ phải hạn chế việc xây Chùa và truyền đạo.
a- Ðường Huyền Trang
            Sau Vua Cao Tổ là Lý Thế Dân nối ngôi hiệu là Ðường Thái Tôn(700-900 TL.), đời nầy nhân dân an cư lạc nghiệp, đường xá giao thông với ngoại quốc cũng được mở rộng, nên không những Phật Giáo hưng thịnh mà các giáo phái của ngoại quốc cũng được truyền vào như Tiên Giáo, Ma Ni Giáo, Hồi Giáo ..v..v.. Trong khoảng thời gian nầy, ngài Ðại Tam Tạng pháp Sư Huyền Trang phát nguyện sang Thiên Trúc để cầu kinh. Lý do là kinh điển Phật giáo bấy giờ phần lớn đều bị các vua chúa thiêu hủy, tuy có dịch lại ở những lần phục hưng, nhưng phần lớn đều bị thiếu xót thất lạc. Cuộc Tây Du của Ngài Huyền Trang nhằm ba mục đích rõ rệt:
1- Chiêm bái Phật Ðịa
            2- Nghiên cứu Phật Lý
            3- Sưu tầm Kinh Ðiển
            Vào tháng 8 niên hiệu Trinh Quán thứ ba năm 629 TL. Pháp Sư một mình một bóng khởi sự cuộc hành trình, mặc dầu các bạn của Ngài ai cũng đều bỏ cuộc. Lùc bấy giờ Ngài 26 tuổi. Từ Trường An thủ đô của Ðại Ðường, Ngài đi Tây Du cầu pháp đã thành tựu trở về Trung quốc.Trong thời gian ở Ấn Ðộ ngài đã đi trên 130 quốc gia. Nơi nào Ngài nghe nói có Ðức Phật đã đặt chân đến giáo hóa thì Ngài cũng có mặt ở đó. Ðặc biệt những Phật tích như: Rừng Nê Hoàn Kiên Cố, Gốc Bồ Ðề Hàng ma, Tháp Ca Lô, Núi Lưu Ảnh Na Kiết ..v..v.. không có Phật tích nào mà Ngài không đặt chân tới đảnh lễ. Trong thời gian du học đó, đặc biệt ngài lưu lại Trung Ấn Ðại Học Na Lan Ðà thuộc nước Ma Kiệt Ðà 5 năm, ở đây Ngài được Luận Sư giới Hiền đem hết sở học truyền trao cho. Ngài tinh tấn tu tập không bao giờ giải đãi. Trên đường về lại Trung Quốc, Ngài có ghé tại Vilasana để thăm lại hai người bạn cũ là Sư Tử Quang, và Sư Tử Nguyệt. Trong chuyến trở về nầy, lúc đầu có khoảng 100 vị tăng sĩ đi theo ngài, nhưng vượt qua khỏi núi Tuyết Sơn thì đoàn tăng lữ chỉ còn lại bảy vị tăng, 20 người hộ vệ, một voi, 10 lừa, và 4 ngựa. Những người có công hộ tống Ngài Huyền Trang trở về Trung Quốc thì rất nhiều, nhưng đoàn người cuối cùng đưa Ngài đến xứ Navapa của đất Lâu Lan để đi vào nội địa Trung Quốc thì chỉ có đoàn người của Vua Kustana. Pháp Sư Huyền Trang về đến Trung Quốc vào tháng giêng mùa Xuân niên hiệu Trinh Quán 19 (645 TL.). Pháp Sư đã mang về Trung Quốc:
1- 150 hột Xá Lợi Phật
            2- Một tượng Phật theo mẫu đứng trong hang Long Khốt trong núi Chánh Giác. Ma Kiệt Ðà cao độ 3 bộ 4 tấc Anh  tính luôn cả đế.
            3- Một tượng Phật gỗ bằng trầm hương, trình bày Ðức Phật Chuyển Pháp Luân lần đầu tiên tại Varanasi. Tượng cao 3 tấc 5 Anh kể cả đế.
             4- Một tượng Phật bằng gỗ trầm hương do Vua Udajana xứ Kausambi tạc cao 2 tấc 9 Anh gồm cả đế.
            5- Một tượng Phật bạc cao 4 tấc Anh cả đế, tạc hình Ðức Như Lai từ cung trời giáng xuống Ca Tỳ La Vệ.
            6- Một tượng Phật vàng cao 3 tấc 5 Anh kể cả đế,tạc hình Ðức Phật đang thuyết Kinh Pháp Hoa và những kinh khác trên đỉnh núi Linh Thứu Phong xứ Ma Kiệt Ðà.
            7- Một tượng gỗ trầm hương cao 1 tấc 3 Anh kể cả đế, tạc hình Ðức Phật khắc phục mãng xà ỡ Nagaraha.
            8- Một tượng Bổn Sư bẳng gỗ trầm giống như lúc Ngài đi khất thực quanh thành Veisali và vài tượng khác. Về kinh điển, Ngài mang về 224 bộ Kinh Ðại Thừa, 192 bộ Luận Ðại Thừa, 15 bản của phái Thượng Toạ Bộ, 15 bản của phái Ðại Chúng Bộ, 15 bản của phái Chánh Lượng Bộ, 22 bản của phái Di Sa Tắc, 17 bản của phái Ca Thấp Di La, 42 bản của phái Pháp Mật, 67 bản của phái Nhất Thiết Hữu Bộ, 36 bộ Nhân Minh Luận, 13 bộ Thanh Minh Luận. Tổng cộng 520 hòm có tất cả 675 cuốn. Ngài phải dùng 20 con ngựa để chuyên chở tấtcả các kinh điển như đã nói từ nước Kustana vào nội địa Trung Quốc. Tính đoạn đường ngài đi từ Tràng An đến Vương Xá Thành, chu du các nước cho tới lúc trở về Trung Hoa mất 17 năm và Ngài đã đi 8,333 dặm Anh(Khoảng chừng 10,000 Km) Ðường Thái Tôn là người rất mến mộ Phật Giáo và trọng kinh điển, nên Ngài đã ban cho Pháp Sư ở Chùa Ðại Từ Ân và Chùa Hoằng Phước để dịch kinh truyền đạo. Nghỉ một thời gian rất ngắn, Ngài bắt đầu sự nghiệp phiên dịch kinh luận từ năm Trinh Quán thứ 19 tháng 3 đến năm Long Sóc thứ 3 tháng 10 Ngài mới nghỉ. Tính ra trong suốt 19 năm phiên dịch ngài chưa hề gián đoạn. Ngài hết sức truyền bá chánh pháp, nên Phật Giáo được hưng thịnh lẫy lừng trong khắp nhân gian. Ðây là thời kỳ hưng thịnh lần thứ ba của Phật Giáo Trung Hoa.
Có thể nói trong lịch sử các cuộc hành hương Phật Tích, chỉ có cuộc hành hương của Pháp Sư Huyền Trang là quyến rũ, ly kỳ nhất, bởi khoảng thời gian của cuộc hành trình 19 năm, bởi những gian nan nguy hiểm ở dọc đường, bởi số lượng các nước Ngài đã đi qua, bởi những tường thuật Ngài để lại đã là nguồn cảm hứng bất tận cho các học giả.
b- Ngài Nghĩa Tịnh
            Sau Vua Cao Tổ đến Võ Tắc Thiên Hoàng Ðế cũng sai sứ qua Khotan và Kustana cầu Kinh Hoa Nghiêm thêm, và các kinh điển chữ Phạn và đồng thời cũng mời Ngài Thật Xoa Nan Ðà về dịch kinh chữ Phạn và Ngài Bồ Ðề Lưu Chi Tam Tạng dịch Kinh Hoa Nghiêm. Số lượng Kinh Hoa Nghiêm dịch 80 quyển gọi là Thập Bát Hoa Nghiêm do bà Võ Tắc Thiên đích thân đề tựa và viết bài Kệ Khai Kinh:
- Vô thượng thậm thâm vi diệu pháp
Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ
Ngã kim kiến văn đắc thọ trì
Nguyện giải Như Lai chân thiệt nghĩa.
            Dịch Là:
            - Pháp Phật cao siêu rất nghiệm mầu
            Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu
            Con nay nghe thấy chuyên trì niệm
            Nguyện tỏ Như Lai nghĩa nghiệm mầu.
Trong thời gian nầy Ngài Nghĩa Tịnh Tam Tạng cũng phát tâm qua Ấn Ðộ du học và cầu kinh. Trong cuộc hành trình sang Ấn Ðộ thỉnh kinh, từ năm 671 Ngài đi bằng đường thủy từ Quảng Ðông, cho đến năm 673 Ngài đến vùng Calcutta, sau đó lưu trú tại Ðại Học Na Lan Ðà 10 năm. Năm 685 Ngài trên đường trở lại Trung Hoa cũng bằng đường biển, cho đến năm 695 mới về đến cố quốc. Trên đường về Ngài có ghé lại đảo Sumatra và trước tác 2 quyển Kiến Văn Kục. Sự nghiệp phiên dịch của Ngài Nghĩa Tịnh được 60 bộ cộng tất cả là 230 quyển. Trong số đó có:
- Kim Quang Minh Kinh thuộc Phật Giáo Ðại Thừa
- Nam Hải Kỳ Quy Nội Pháp Truyền: Nội dung nói về cuộc sống các tăng sĩ Phật Giáo Ấn Ðộ và vùng Nam Hải.
- Ðại Dương Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện: Nội dung nói cuộc sống của 16 vị tăng của Trung Hoa và các quốc gia lân cận sang Ấn Ðộ. Nhờ có sự ghi chép của Ngài Nghĩa Tịnh mà ngày nay chúng ta mới biết được hành trình của chư Cao Tăng đã hy sinh cao cả cho công cuộc tìm đạo và truyền đạo tại Ấn Ðộ, và từ Ấn Ðộ sang Trung Hoa. Bên cạnh Ngài Nghĩa Tịnh  ta còn thấy hết dời Vua nầy đến đời Vua khác, Vua nào cũng ủng hộ Phật Pháp, tăng sĩ có nhiều người Tây Du, hoặc phiên dịch nên Phật Giáo càng ngày càng hưng thịnh.
c- Thời Kỳ Suy Vong Lần Thứ Ba
            Như tất cả mọi người chúng ta ai cũng biết đời Ðường là thời kỳ cực thịnh của lịch sử Phật Giáo Trung Hoa, các vua chúa ở đời nầy đều quy y Phật. Ðến đời Võ Tôn sau Võ Tắc Thiên là ông Vua sùng mộ Lão Giáo, nghe lời các đạo sĩ xúi dục nên đã thẳng tay đàn áp Phật Giáo. Trong thời kỳ pháp nạn lần thứ ba nầy có tới 44,600 ngôi Chùa bị phá hủy, và 265,000 tăng sĩ bị bắt buộc hoàn tục. Những pháp khí như chuông đồng, khánh, lư nhang, chân đèn đều bị tịch thu để đúc tiền. Võ Tôn mất, Vua Tuyên Tôn lên ngôi lại ra lệnh tu bổ chùa tháp, chấn hưng Phật Giáo. Thời kỳ chấn hưng lần nầy có thêm các tôn phái mới tại Trung Hoa như là: Tịnh Ðộ, Câu Xá, Luật, Hoa Nghiêm, và Chân Ngôn Tôn.
d- Thời Kỳ Suy Vong Lần Thứ Tư
            Nhà Ðường suy, thiên hạ thay nhau cai trị là đời Ngũ Ðại: Hậu Lương, Hậu Ðường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu. Trong thời gian nầy chiến tranh triền miên, dân tình rối loạn. Ðạo Phật cũng bị ảnh hưởng bởi thời cuộc. Nhưng nếu chỉ có chiến tranh loạn lạc, thì Phật Giáo cũng không đến độ xuống dốc một cách bi thảm. Phật Giáo suy tàn ở giai đoạn nầy là do một tay phá phách của Vua Thế Tôn nhà Hậu Chu không thích Phật Giáo cho nên đã ra sắc lệnh phá hủy đến 30,336 ngôi chùa tháp, các tượng Phật bằng đồng, khánh, lư nhang, chân đèn, đều bị đem ra đúc tiền. Các kinh điển bị thất lạc gần hết. Tình trạng suy đồi đó mãi cho đến nhà Tống được thiên hạ lúc bấy giờ Phật Giáo mới bắt đầu khôi phục trở lại. Những Chùa, Tháp, tượng Phật ngày xưa nay lại được trùng hưng. Nhà Vua cũng sắc chỉ cho sứ qua Cao Ly và Tây Vực thỉnh kinh và chư Pháp Sư về giảng đạo. Ðời nhà Tống Phật Giáo có phục hưng nhưng so với thời thịnh Ðường thì còn thua kém rất nhiều.
4- Thời kỳ Hưng Thịnh Lần Thứ Tư
            Nhà Tống mất ngôi, nhà Mãn Châu trị vì thiênhạ. Mông Cổ, Hốt Tất Liệt diệt Kim và nhà Nam Tống thống nhất thiên hạ, lập ra nước Nguyên. Các vị vua của nhà Nguyên cũng sùng Ðạo Phật. Tuy nhiên phải đợi cho đến nhà Nguyên mất ngôi, nhà Minh trị vì Phật Giáo mời bắt dầu hưng thịnh. Minh Thái Tổ lúc nhỏ đã từng là một vị sa di trong cửa thiền. Do đó khi lên ngôi ông hết lòng ủng hộ Phật Pháp. Ngài quy định Pháp tắc cho tăng lữ, đặt ra ty Tăng Cang, Tăng chánh, Tăng Hội ..v..v.. Những chức tước mà có ngày hôm nay cũng bắt nguồn từ đó. Dưới thời Minh Thái Tổ cũng có nhiều tăng sĩ phiên dịch và trước tác Kinh Luận nên Phật giáo lại được trùng hưng.
Nhà Minh suy, nhà Mãn Thanh được thiên hạ, các vị vua của Mãn Thanh cũng sùng tín đạo Phật, nhưng không có gì đặc sắc. Trong thời kỳ nầy Phật Giáo cũng từ từ suy tàn.... Cho đến khi Tôn Văn đề xướng thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa, tiêu diệt nhà Mãn Thanh, lập nên Dân Quốc, trong thời gian nầy dân chúng bắt đầu ảnh hưởng văn minh của Tây Phương. Càng ảnh hưởng văn minh của Âu Tây, thì Phật Giáo lại đi vào con đường nghiên cứu nhiều hơn. Ðể phổ cập vào đời sống nhân sinh nhiều hơn nên về sau nầy Chư Tăng và các Cư Sĩ có kiến thức Phật Học uyên thâm cũng hô hào đẩy mạnh phong trào trùng hưng thời bấy giờ như các ngài: Ðế Nhàn Pháp Sư thành lập giảng đường Chùa Quán Tôn, ở Ninh Ba Chiết Giang. Ở Võ Xương Hồ Bắc có Phật Học Viện do Thái Hư Ðại Sư diễn giảng, ở Tô Giang có Phật Học Viện Hoa Nghiêm, ở Nam Kinh có Nội Học Viện do Âu Dương Cảnh Vô chủ giảng, và các Tạp Chí như Phật Học Tùng Báo, Hải Triều Âm, Cư Sĩ San Lâm ..v..v.. lần lượt xuất hiện.
Nói tóm lại Phật Giáo Trung Hoa có những lúc cực thịnh như các triều đại: Nhà Tây Tấn, Nam Bắc triều, Thạnh Ðường, và Nhà Minh, và những thời đại suy vong được các nhà viết sử Phật Giáo thường nói tóm gọn là: Tam Võ Nhất Tôn Chi Ách. Nghĩa là: Ba ông Vua hiệu: Hậu Ngụy Thái Võ Ðế, Bắc Chu Võ Ðế, Ðường Võ Tôn, và Hậu Chu Thế Tôn như đã nói ở trên. Sau nhà Hậu Chu là nhà Minh, Phật Giáo được trùng hưng không thua kém thời Thạnh Ðường, có thể nói đó là lần trùng hưng cuối cùng của Phật Giáo Trung Hoa.
-- o0o --