Những Vị Vua Khác Của Phật Giáo
Tác Giả: D. C. Ahir
Dịch Giả: Trần Ðức Phi Bằng
(Tiếp Theo)
--o0o--
 
ANDHRA PRADESH
Sau khi Vương Triều Maurya(Khổng Tước) sụp đổ, bộ tộc Satavahana lập riêng một lãnh thổ ở Andhra-desa và Maharastra. Vương triều nầy trị vì cho đến năm 218 sau Tây lịch, tức là kéo dài 450 năm. Mặc dầu các vua Satavahana không phải là tín đồ Phật Giáo nhưng nhiều vị như Gautamiputra Satakarni, Vasistputra Pulumavi và Yajnasri Sata-Karni có cảm tình với Phật Giáo. Hầu hết các công trình kiến trúc lớn ở Andhra đều được xây dựng dưới triều đại Satavahana. Trong thời gian trị vì của các vua về sau, đóng đô gần Dhanyakataka, tháp Amaravati (maha-chaitya) được xây lớn và rào xung quanh bằng một hàng rào mới trang hoàng đẹp đẽ, với những hình chạm trổ đẹp và những trang trí thanh nhã.
            Yajnasri Satakarni (166-196 Tây lịch), vị vua quan trọng cuối cùng của triều đại Satavahana, là người bảo trợ và là bạn của vị Thánh Tăng học giả Phật Giáo Nagarjuana (Long Thọ), người thiết lập trường phái triết học Phật Giáo Trung Luận (Madhyamika). Ông được nói là đã xây một ngôi chùa cho ngài Long Thọ ở Sru-parvata, nơi mà ngài Long Thọ đã sống cho đến cuối đời. Sau khi vương triều Satavahana suy tàn, các Vua Ikshvaku nắm quyền vào khoảng năm 225 Tây lịch, Sri-parvata hay Nagarjunakonda trở thành một trung tâm hoạt động Phật Giáo tích cực.  Chamtasri, chị của Vasisthputra, vị vua sáng lập vương triều nầy là một người hết sức sùng kính đức Phật. Người đàn bà ngoan đạo và những bà công chúa Ikshvaku khác vì vậy là những nhà giúp đỡ chính cho các chùa chiền Phật Giáo trong và xung quanh Vijayapura, thủ đô của vương triều Ikshvak. Vị vua Ikshvaku thứ hai, Sri Virapurushatta, được nói là đã theo Phật Giáo. Con của ông và là người thừa kế, Ehuvalu hay Chamtamula II cũng là một Phật tử. Giống như vua cha, ông cai trị 24 năm. Triều đại của ông đánh dấu thời đại hoàng kim của Nagarjunakonda. Chính trong thời đại nầy mà việc xây dựng các nơi thờ phụng Phật Giáo lên đến đỉnh cao.  Tất cả có hơn ba mươi cảnh chùa tháp được xây dựng ở Thung lũng Najarjuan- kunda trong triều đại Ikshvaku. Như vậy sự xây dựng nền tảng Phật Giáo rộng rãi và quan trọng nhất ở miền Nam Ấn Ðộ là vào thế kỷ thứ ba sau Tây lịch.
            Triều đại Bodhi cai trị một số vùng ở Decan vào thế kỷ thứ ba sau Tây lịch cũng là một hoàng tộc Phật Giáo. Họ lấy hiệu từ chữ Bodhi ghép với tên của vua như được thấy trong các đồng tiền, như Sribodhi, Sivabodhi, Chandrabodhi và Virabodhị
            Vào khoảng giữa thế kỷ thứ tư nổi lên ở Andhra, Damodra Verma, một vị vua của vương triều Andhra. Vị vua nầy cũng là một Phật tử và xây dựng nhiều đền đài cho Tăng chúng. Một trong những ngôi tháp do ông xây được các học giả nhận ra cùng với ngôi chùa Kapilisvara ở Chezarla, và dường như nó bị người Ấn Giáo chuyển dụng khi Phật Giáo mất vị thế được ưu đãi.
            BIHAR
            Trong thời xa xưa, Bihar được biết đến là Maghada (Ma Kiệt Ðà). Ðến hậu bán thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, Bihar chứng kiến sự xuất hiện của Vương triều Gupta (Cấp Ða). Giống như Vương triều Maurya (Khổng Tước), Vương triều Gupta giữ một vai trò quan trọng trong đời sống chính trị, tôn giáo, xã hội ở Ấn Ðộ. Mặc dù những vị Vua đầu của vương triều Gupta không phải là Phật Tử nhưng họ có cảm tình với Phật Giáo và bảo trợ Phật Giáo ở một mức độ nào đó vì những lý do văn hóa. Ðại đế Samudragupta cho phép và cho một miếng đất để vua Tích lan, Srimeghvana (362-389), xây một nhà nghỉ và chùa ở BodhGaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng) dành cho những nhà hành hương Tích lan. Vị vua kế nghiệp ông ta là Chandra-gupta II tôn ngài Vasubandu (Thế Thân), một triết gia Phật Giáo nổi danh, làm quốc sư. Như vậy đến cuối thế kỷ thứ năm, hoàng gia Gupta hoàn toàn chịu ảnh hưởng Phật Giáo. Họ có hai vị vua quan trọng, Buddhagupta và em là Balađitya, là Phật tử Baladitya, trước kia có tên là Narasimhagupta, lên ngôi vào khoảng năm 500, sau khi người anh là vua Buddhagupta qua đời. Baladitya là một nhà bảo trợ lớn cho Phật Giáo và ông đã cho xây một tịnh xá ở Nalada. Ông cũng xây dựng một ngôi chùa với tượng Phật, tháp trên đỉnh rất cao. Trong kiếp tái sinh tiếp theo, Baladitya là một vị tỳ kheo, sống và qua đời ở Nalanda.
            Bihar là "Ðất Giác Ngộ" vì chính tại Bodhi Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), Tất Ðạt Ða chứng quả Vô Thượng Chánh Giác dưới gốc cây Pial, về sau được gọi là cây Bồ Ðề. Vào khoảng năm 600 sau Tây lịch, cây Bồ đề thiêng liêng bị Sasaka, một ông vua Bà la môn Bengal, đốn ngã và đốt chết. Hai mươi năm sau, vào năm 620, một vị Vua Phật Giáo sùng đạo, Raja Purnavarma, phục hồi lại cây Bồ đề và xây một bức tường cao 24 bộ ở xung quanh để đề phòng bị chặt phá lần nữa. Ngài Huyền Trang có thấy bức tường nầy vào năm 637.
GUJARAT
            Rudra Sena I, là một thủ lãnh Saka, cai trị các vùng Malwa, Gujarat, Kathwar, Konkan và Rajputana từ năm 200 đến 220 sau Tây lịch. Sau khi ông qua đời, hai người em là Sangh-Daman và Dama-Sena (cả hai đều là tên Phật Giáo) thừa kế cai trị từ 222-238. Giòng họ này tiếp tục làm vua với Yaso Daman, Vijaya Sena, Damajada và Rudra Sena II cai trị từ 238-279 sau Tây lịch. Những thành phần trong hoàng tộc nầy đều là Phật tử.
            Vào thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch, những thủ lãnh Samanta ở Valabhi nắm quyền hành trong vùng nầy sau khi Vương triều Gupta (Cấp Ða) suy tàn. Họ là những nhà bảo trợ lớn của Phật Giáo. Kinh đô của họ, Valabhi, có một trường Ðại học Phật Giáo lớn hàng thứ hai trong thời kỳ nầy. Vilabhi có đến mười ba ngôi chùa.  Hai bà hoàng, Dudda và Memma, là hai vị nữ tu sĩ Phật Giáo thuần thành, với sự giúp đỡ của các vua, đã xây những ngôi chùa riêng. Theo ngài Huyền Trang, viếng Valabhi vào thế kỷ thứ bảy, có 100 ngôi chùa và 6,000 tu sĩ Phật Giáo ở Valabhi.
            KASMIR
            Asoka được nói là đã dựng 500 ngôi chùa ở Kasmir và về sau cúng dường nơi đây cho Tăng Già Phật Giáo. Giống như Asoka, Kanishka (Ca Nhị Sắc Ca) cũng cúng dường Kasmir cho Tăng Già. Như vậy Kasmir là một địa bàn mạnh mẽ của Phật Giáo trong nhiều thế kỷ. Tuy nhiên Phật Giáo bị Mihirkula, một người Hung nắm quyền vào năm 515 sau Tây lịch, ngược đãi. Khi Mihirkula qua đời, Kasmir lại có được một vị Thủ lãnh là một Phật tử địa phương. Ông tên là Meghavahana. Ông nhiệt tâm trong việc truyền bá Phật Pháp và lập nhiều ngôi chùa. Những người vợ của ông cũng đua nhau lập chùa. Trong số nầy có ngôi chùa nổi danh là Amritabha-vana, do hoàng hậu Amritaprabha xây dựng. Vì hoàng hậu là một người đàn bà Ladakhi và sư phụ bà cũng là người Ladakhi, bà dùng ngôi chùa nầy thờ Ðức Phật Vô Lượng Thọ (Amitayu). Chỗ nầy ngày nay là Antbhavan và nằm trong vùng lân cận Vichrnag, Srinagar. Mặc dù những thủ lãnh sau Maghavahva không phải là Phật tử, những chùa tháp của Phật Giáo vẫn tiếp tục được xây dựng trong thời gian họ trị vì. Trong triều đại Pravarsena II vào hậu bán thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch, một ngôi chùa lớn được xây dựng ở Srinagar do người cậu của vua là Jayendra. Chùa nầy có tên là Jayendravihara và ngài Huyền Trang đã trú ngụ tại đây khi ngài viếng Kasmir. Skanda cũng xây một ngôi chùa hùng vĩ tên là Skandabhavanvihara, còn giữ tên địa phương ở Srinagar là Skandabhavan. Lalitaditya, một thủ lãnh bản xứ lớn ở Kasmir mặc dù không phải là Phật tử, cũng rất ưa thích Phật Giáo. Ông xây dựng một ngôi chùa lớn Rajavihara ở Parihasapora. Những di tích của ngôi chùa nầy được khai quật ở Paraspone. Chankuna, Tướng quốc của Lalitadiya là một Phật Tử và ông cũng xây dựng một ngôi chùa lấy theo tên ông là Chankuna-Vihara.
            KERALA
            Vị lãnh tụ Phật Giáo đầu tiên của Kerala là Jayasimha Perumal, cai trị vùng Travancore vào thế kỷ thứ nhất trước Tây lịch. Một vị vua Phật Giáo khác của Kerala là Bana Perumal sống vào thế kỷ thứ ba sau Tây lịch. Tên công chúng gọi ông là Baudha Perumal. Vị vua Phật Giáo quan trọng thứ ba của Kerala là vua Vikramaditya Vargunan. Thủ đô của ông là Srumulavasam ở gần Alwaye trong tỉnh Travancore ngày nay. Những vị vuaSrumulavasam được gọi là vua Moosbaka. Một tác phẩm Sanscrit cổ tên là Mooshhakavamsam diễn tả sống động thành phố và những vị vua ở Srimulavasam. Theo tác phẩm nầy, có nhiều nơi thờ phượng và chùa trong thành phố nầy. Vua Varagunan truyền bá Phật Giáo không chỉ ở miền Nam Ấn Ðộ mà còn ở nhiều nơi khác trong xứ.
            Thiên sử Manimekalai, một tác phẩm cổ điển tiếng Tamil phát xuất ở Vanji (Srivanjikalam) hay Cranganore, thủ đô của các Vua Chera. Chính trong thành phố nầy mà Manimekalai gặp Aravana Adigal và quy y Tăng Già trong Ni Ðoàn Phật Giáo. Những Vua Chera là những người bảo trợ lớn của Phật Giáo và làm cho Phật Pháp được hưng thịnh. Ðiều nầy có thể là lý do Chradasa cổ thời được coi là Dhrmarajyam, hay đất Phật Pháp.  Thủ đô Vanju gắn liền với những nhà truyền bá Phật Giáo.
MAHARASHTRA
            Khi Vương quốc Maurya (Khổng Tước) suy tàn, vương triều Satavahana nắm quyền ở Maharashtra. Vương triều nầy được dựng lên do Simukha, cai trị từ năm 230 đến năm 212 trước Tây lịch. Simukha được thừa kế do người em tên là Satakarni I, con trai của Simukha là vị vua thứ ba (202-192 trước Tây lịch). Giòng họ Satavahana cai trị khoảng 450 năm ngoại trừ một thời gian ngắn họ bị Thủ lãnh Saka là Nahapana đánh đuổi. Gautamiputra Satakarni, vị vua thứ hai mươi ba, là một vị vua vĩ đại nhất của triều đại Satavahana, trong thời gian ông trị vì, vương quốc thịnh vượng tột đỉnh. Ông cai trị 24 năm từ năm 106-130 sau Tây lịch.  Những câu khắc của ông và của mẹ ông là Gautami Balasri được tìm thấy trong các động Phật Giáo ở Nasik. Vị vua vĩ đại cuối cùng của triều đại Satavahana là Yajnasri Satakarni (166-196 sau Tây lịch).
            Chính trong thời gian dài triều đại Satavahana trị vì, Maharashtra đón nhận sự phát triển cao tột của nghệ thuật và văn hóa. Hầu hết các động Phật Giáo ở Maharashtra đều được tạo lập trong thời gian nầy (200 trước Tây lịch đến 200 sau Tây lịch). Các thủ lãnh Saka cũng ủng hộ Phật Giáo. Một số câu khắc trong động III ở Nasik của Usavadata, con trai của Dinaka và rể của Nahapana, thủ lãnh Nasik vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, cho chúng ta biết về việc tạo lập các động mới cũng như những sự cúng dường của ông và gia đình ông cho Tăng Ðoàn Khất Sĩ.
            Giai đoạn tạo lập các hoạt động Phật Giáo tại Maharashtra lần thứ hai bắt đầu vào thế kỷ thứ năm sau Tây lịch với sự phục hưng của đại thừa Phật Giáo và tiếp tục cho đến thế kỷ thứ bảỵ Những động Ajanta và Ellora được tạo lập trong giai đoạn nầy dưới triều đại các Vua Vakataka. Một số đại thần trong triều đình nầy là Phật tử. Một câu khắc trong động Số XVI ở Ajanta ghi lại sự cúng dường một động do Vaharadeva, một đại thần của Vua Vakataka Harisena (vào khoảng 475-500 sau Tây lịch). Một câu khác ở động XVII ở Ajanta ghi những sự cúng dường của Hastibhoja, một đại thần của Vua Vakataka Devasena.
            PUNJAB
            Punjab cổ thời là một quốc gia hổn hợp gồm các tỉnh Pujab, Haryana và Himachal Pradesh cũng như Tây Punjab, ngày nay là một phần của Pakistan.
            Cuộc vận động truyền bá Phật Pháp của Asoka gây sự khuấy động trong Vùng Ngũ Hà tạo ra một Vương Quốc Phật Giáo trong vùng với thủ đô là thành phố Sugh, nằm gần Jagadhri trong quận Ambala, và bao trùm một địa bàn chu vi khoảng 1.000 dặm.  Raja Dhanabhuti, một vị vua nổi bật của giòng họ nầy trị vì từ 240-210 trước Tây lịch. Ông Vua sùng tín Phật Giáo nầy, ngoài việc xây dựng các ngôi tháp tráng lệ trong thành phố thủ đô của ông, còn làm những cuộc cúng dường lớn cho Ngôi Tháp nổi danh thế giới ở Bharut tại Trung Ấn được xây dựng vào khoảng giữa năm 250 và 200 trước Tây lịch. Theo Cunningham, câu khắc ở Cửa Ðộng đọc như sau:
            "Cổng vào có trang trí nầy được tạo dựng do vua của Srughna là Dhanabhuti, do (hoàng hậu) thuộc gia đình Vasta sinh, (và) con trai của Agaraja, do (hoàng hậu) của gia đình Gota sinh, (và) cháu của vua (Visa Deva), do (hoàng hậu) của bộ tộc Gageya sinh, và công đức đạt được (từ đó)."
            Noi gương Asoka, Raja Dhanabhuti cũng dựng một số tháp trong và xung quanh kinh đô của ông. Ngài Huyền Trang, viếng Sugh vào năm 635 sau Tây lịch, thấy ở đó, ngoài một ngôi tháp của Vua Asoka, nhiều ngôi tháp có xá lợi của Ðức Phật, Sariputa (Xá Lợi Phất) và Moggallana (Mục Kiền Liên), hai vị đại đệ tử của Ðức Phật, và các vị A La Hán khác. Những di tích của một trong những tháp nầy được tìm thấy ở Chaneta, một làng nhỏ tọa lạc khoảng 3 cây số về hướng đông của Jagadhari, và gần cùng khỏang cách về hướng tây-bắc với Sugh.
            Raja Dhanabhuti truyền ngôi cho con trai là Vadha Pala vào năm 210 trước Tây lịch, và ông nầy truyền ngôi cho con trai là Dhanabhuti II vào khoảng năm 180 trước Tây lịch. Hai câu khắc tìm thấy ở Bharut và Mathura chứng tỏ rằng hoàng gia nầy đã cúng dường rộng rãi cho các nơi thờ phụng và tu học của Phật Giáo bên ngoài Punjab. Theo câu khắc Bharut thứ hai- Hàng rào của Ngôi Tháp nầy là do con trai của Raja Dhanabhuti, Hoàng tử Vadha Pala, cúng dường. Câu khắc nói:  "Dhanabhuti rajano putasa Kumarasa Vadha Palasa (danam)."Theo câu khắc Mathura,"sự cúng dường của Dhanabhuti II ở Mathura gồm có một Vedika hay một ngôi nhà đọc sách, một Torana hay cổng có trang trí, và một Ratnagriha hay một kho báu."
            Sau khi không còn sự cai trị của người Hy Lạp vào khoảng 100 trước Tây lịch, Punjab bị chia cắt làm nhiều vương quốc nhỏ của người bản xứ. Những vương quốc quan trọng nầy là: Audumbara, Trigarta, Kuninda, Yaudheya và Arjunayna. Giòng họ Audumbara cai quản vùng Bea Thượng khoảng giữa Gurdapur và Hoshiarpur với thủ đô có thể ở gần Pathankot. Giòng họ trigarta cai quản các khu vực ở giữa Sutlej (Ludhiana) và Yamuna (Saharanpur) với thủ đô đóng tại Sugh gần Ambala. Giòng họ Yaudheya cai quản vùng đất miền nam của Knuidas và có thể Sonepat là trung tâm.
            Mặc dù chúng ta không biết nhiều về các giòng họ khác nhưng chúng ta biết chắc rằng Audumbara và Kuninda theo Phật Giáo. Giòng họ Audumbara thấy có đề cập trong một số văn bản Phật Giáo. Trong Luật Tạng tiếng Tây tạng của phái Nhứt Thiết Hữu (Sarvastavada), thủ đô của vương triều Audumbara được ghi là thành trì Phật Giáo vùng Tây Bắc. Theo Przyluski, Audumbara đã đạt đến đỉnh cao về văn hóa và sự thịnh vượng về vật chất trước khi kỷ nguyên Cơ Ðốc bắt đầu và là một trong những vương triều bảo hộ Phật Giáo ở miền Ðông. Một số đồng tiền của vương triều Audumbar được đào ở Rupar có hình tháp Phật Giáo chạm nổi trên mặt.
            Những vị vua Kuninda được Cunningham nhận ra là thuộc giòng họ Srugha-na (Sugh) truyền từ Raja Dhanabhuti được đề cập ở trên. Quan điểm của ông dựa vào những đồng tiền của Vua Amoga-bhuti, tự xưng là "Vua của Kuninda", được tìm thấy nhiều quanh vùng Sugh, nhất là dọc theo Jamuna Thượng. Sự nhận diện các vua Kuninda còn được xác nhận vững chải với việc khám phá ra những đồng tiền ở Sugh của Aga-Raja, cha của Raja Dhanabhuti I, và Raja Bala-bhuti, có thể là những thành viên về sau của cùng triều đại. Tộc Kuninda cũng được nhận diện là bộ tộc Kanet trên vùng đồi núi cao của Mimachal Pradesh, họ được nói là đã bị đẩy lên đó với một làn sóng di dân lớn. Một việc đáng lưu ý là phần lớn người Kanet ở Kinnaur, Kangra (Kulu) và Lahaul ngày nay vẫn còn quy y theo Phật Giáo.
            Trong thời gian ngài Huyền Trang viếng, vương quốc Jalandhara được cai trị do một vị vua Phật Giáo là Wuddhi hay Udito. Ngoài quận Jalandhar ngày nay, vương quốc nầy còn bao gồm các quận Hoshiarpur, Kangra cũng như Chamba, Mandi và Suket. Ngài Huyền Trang viếng thành phố Jalandhar vào năm 635 sau Tây lịch và ở lại chùa Nagardhara bốn tháng. Theo ngài vương quốc Jalandhara có khoảng năm mươi ngôi chùa và 2,000 tu sĩ. Vua Udito là một đồng minh của Vua Harsha. Khi trên đường về, ngài Huyền Trang đi ngang qua Jalandhar vào khoảng năm 643, Vua Uditi sắp xếp để ngài Huyền Trang đi an toàn đến biên giới.
            TAMIL NADU
            Kanchipuram là một trung tâm Phật Giáo quan trọng nhất Tamil Nadu trong thời xưa. Skanda-Varman của triều đại Pallawa ở Kanchi khởi nghiệp vào khoảng gần thế kỷ thứ ba sau Tây lịch và là một người kính ngưỡng, cũng có thể là một tín đồ thuần thành, của Phật Giáo. Ông có một người con trai tên là Buddha Varman.  Một người con trai khác tên là Buddhyankara. Nhờ sự giúp đỡ của triều đình, nhiều ngôi chùa được thiết lập ở Kanchipuram về sau trở thành những trung tâm tu học và thu hút nhiều học giả Phật Giáo từ khắp các nơi trong nước. Một trong những tăng sĩ Phật Giáo ở Tamil quan trọng nhất là ngài Bodhidharma (Bồ Ðề Ðạt Ma), một hoàng tử Kanchi, đã đến Trung Hoa vào năm 526, sáng lập nên tông phái Thiền.
TÂY BENGAL
          Triều đại Phật Giáo đầu tiên của vương quốc Bengal Ðộc Lập là Khandga.  Các Vua Khandga cai trị từ năm 625 sau Tây lịch đến năm 725 sau Tây lịch. Phật Giáo trong triều đại nầy, nhất là dưới thời Vua Rajabhata, phát triển đáng kể.  Rajabhata là một Phật tử nhiệt thành và mỗi ngày trước khi bắt đầu việc nước, đều làm lễ nhận sự ban phúc của các vị Ðại Ðức Tăng. Trong thời gian ông trị vì, chỉ ở Samata đã có tới 4,000 tu sĩ và 30 ngôi chùa. Có một Ðại Học Phật Giáo ở Tamralipti với 1,000 tu sĩ.
 
THÁNH TĂNG VÀ HỌC GIẢ PHẬT GiÁO
CÁC THÁNH TĂNG HỌC GIẢ HỆ PALI
1- MOGGALIPUTTRA TISSA (Mục Kiền Liên Ðế Tu)
Ngài Moggaliputtra Tissa là một vị Thánh Tăng, một bậc chứng ngộ và học giả Phật Giáo sáng chói của thế kỷ thứ ba trước Tây lịch. Ngài không chỉ là một cố vấn của vua Ashoka (A Dục) mà còn hướng dẫn vị Hoàng Ðế Phật Giáo đầu tiên trong mọi vấn đề tôn giáo và hoằng dương Giáo Pháp.
            Theo Mahavamsa (Biên niên sử), ngài là con của Moglli ở Pataliputra (Hoa Thị). Câu chuyện ngài được Siggava hướng dẫn vào Phật Giáo như sau. Một ngày nọ, cậu bé Tissa, lúc nầy đã thành thạo các kinh điển Veda (Phệ Ðà), tỏ ra bực tức khi ngài Siggava, một tu sĩ Phật Giáo, ngồi lên chỗ ngồi của cậu. Nhưng ngài Siggava vẫn tỏ ra ôn tồn và hỏi Tissa một câu hỏi từ Citayamaka. Tissa không trả lời được và do đó tỏ ý muốn học về Phật Pháp. Với sự ưng thuận của cha mẹ, Tissa xuất gia dưới sự hướng dẫn của ngài Siggava. Ngài Siggava dạy Tissa về Luật, vã ngài Candavajji dạy về Kinh và Luận. Sau khi học xong, Tissa trở nên một vị lãnh đạo uy tín của hàng ngũ Phật Giáo tại Patakiputra (Hoa Thị) [50].
            Sau khi Ashoka theo về Phật Giáo, có nhiều người dị giáo mặc y phục tu sĩ Phật Giáo để được đặc ân và sự tôn trọng của chính phủ và nhân dân. Ðiều nầy đã làm cho Tăng Ðoàn trở thành mục nát. Thấy vậy, ngài Moggaliputtra Tissa khuyên vua Asoka triệu tập một Hội Ðồng Phật Giáo để duy trì sự trong sáng của Tăng Ðoàn. Vì một số người dị giáo bắt đầu làm méo mó giáo pháp của Phật, ngài Moggaliputtra Tissa soạn một bộ luận tên là Kathavattu trong đó ngài bác bỏ tất cả những quan điểm trái với Phật Pháp. Kỳ Kết Tập Lần Thứ Ba do vua Asoka tổ chức xảy ra vào năm 253 trước Tây lịch tại thành Pataliputra (Hoa Thị), dưới sự chủ trì của Ngài Moggaliputra Tissa [51]. Kỳ Kết Tập nầy được 1,000 vị Tăng sĩ ưu tú tham dự, không  những chỉ đọc lại Tam Tạng, mà còn thông qua và chấp nhận thêm vào các luận thư một bộ luận mới là Kathavatthu do ngài Moggaliputra biên soạn.  Chúng ta nghe nói rằng hàng ngàn Tỳ kheo phạm lỗi bị buộc phải cởi áo tăng sĩ sau kỳ Kật tập nầỵ  Ngài Moggaliputra Tissa cũng tổ chức gởi nhiều nhà truyền giáo [52] đến nhiều nơi. Ngài cũng tháp tùng nhà vua đi đến những di tích thiêng liêng của Phật Giáo. Ngài cũng giúp đỡ nhà vua thành lập những trung tâm tu học Phật Giáo ở nhiều địa phương. Như vậy, ngài Moggaliputra Tissa trên mọi phương diện vừa là bạn, triết gia và thầy của Ðại Ðế Ashoka.
            Ngài Moggaliputra Tissa qua đời lúc ngài được tám mươi tuổi vào năm thứ hai mươi sáu của triều vua Asoka. Xá lợi [53] của ngài Moggaliputra Tissa và chín vị La Hán khác cùng thời với ngài được tìm thấy trong một ngôi tháp số 2 ở Sanchi.  Xá lợi của các vị kia là: (1) Koskuputta, (2) Gotiputta, (3) Mahavanaya, (4) Apagira, (5) Kodiniputta, (6) Kasapagota, (7) Majjhima, (8) Haritaputta, và (9) Vachya-Suvijayta.
            2- NAGASENA (Na Tiên hay Long Quân)
            Chúng ta biết rất ít về cuộc đời ngài Nagasena, tác giả bản kinh quan trọng nhất trong các kinh Pali ngoài truyền thống - Milindapanth (Kinh Na Tiên Tỳ Kheo).  Một đoạn rất ngắn về thân thế ngài Nagasena trong Milindapanha cho chúng ta biết rằng vị Tăng sĩ trí tuệ nầy sinh ra tại Kajagala, một thị trấn lớn gần núi Hy Mã Lạp Sơn nằm trên vùng biên giới phía đông gần Trung quốc, và cha ngài tên là Sonuttara. Khi còn nhỏ, ngài đã tỏ ra rất thông minh và ham học. Sau khi học xong các kinh điển Vedas (Phệ Ðà), lịch sử và những môn học khác trong truyền thống Bà la môn, tâm ham chuộng hiểu biết đưa ngài hướng về giáo lý Phật giáo. Ngài học Phật Pháp với Ðại Ðức Rohana, và sau đó xuất gia.  Về sau, ngài học với Trưởng lão Assaguta ở Vattaniya. Sau đó, ngài được trưởng lão Assagutta gởi đến Pataliputra (Hoa Thị). Nơi đây ngài đã học trọn vẹn tất cả các bộ môn của Phật Giáo dưới sự hướng dẫn của ngài Dharmarakshita ở chùa Ashokarama. Như vậy khi ngài Nagasena đến chùa Sankheyya ở Punjab, ngài đã thông hiểu về Phật Giáo. Và khi cơ hội đến để giải quyết những vấn nạn gút mắc của vua Milinda, ngài đã trả lời một cách tuyệt vời.
            Menander hay Milinda, một ông vua Hy Lạp, cai trị vùng Tây Bắc Ấn Ðộ vào nửa sau thế kỷ thứ hai trước Tây lịch. Milinda là một học giả thông thái và thiết tha muốn tìm hiểu về các tôn giáo Ấn Ðộ. Ông đã gần gũi nhiều vị thầy nhưng không vị nào làm ông thỏa mãn. Do đó, ông đâm chán nản và tuyên bố rằng: "Hóa ra toàn quốc Ấn Ðộ chỉ là một chuyện phù phiếm rỗng tuếch. Không có người nào có thể tranh luận với ta." Rồi có một hôm, tình cờ ông nhìn thấy ngài Nagasena đi ngang qua cung điện của mình ở Sagala (ngày nay là Sialkot). Milinda bị lôi cuốn với dáng vẻ thanh tĩnh của ngài Nagasena. Ông thỉnh ngài vào hoàng cung và cuộc đối thoại bắt đầu. Sau những lời chào hỏi xã giao, nhà vua hỏi "Thưa ngài, tên ngài là gì?".  "Thưa Ðại Vương, người ta gọi tôi là Nagasena. Các huynh đệ tôi gọi tôi bằng tên gọi ấỵ  Mặc dù các bậc cha mẹ gọi con họ bằng Nagasena, Surasena, Virasena, và đại loại như vậy, nhưng tất cả những tên ấy đều là những qui ước. Trong thực tế, không bao giờ có một cá nhân nào như vậy". Vị vua không thể chấp nhận câu nói này. Ðiều nầy đưa đến việc ngài Nagasena giải thích về giáo lý vô ngã của Phật Giáo. Ngài hỏi ngược lại Milinda rằng ông đã đến dự cuộc họp mặt bằng cách nào.  Khi nhà vua trả lời ông ta đến bằng xe, Nagasena cười nói: Các vị hãy làm chứng, vua Milinda bảo rằng:  Tôi đến bằng xe". Nếu đại vương đến bằng xe, xin hãy nói cho nghe "cái xe" ấy là gì vậy. Và tiếp tục giải thích rằng bánh xe, căm xe, trục xe cũng không tạo thành chiếc xe, cũng tương tự, những thành phần của một cá thể và ngay cá thể đó cũng không hiện hữu một cách độc lập. Sau một câu hỏi khác về tuổi tác của Nagasena, Milinda yêu cầu được thảo luận thêm. Nagasena đồng ý nếu nhà vua tranh luận trên tư thế của một hiền triết chứ không phải trên tư thế của một vị vua. Milinda đồng ý, Vì vậy, cuộc thảo luận bắt đầu vào ngày hôm sau và kéo dài nhiều ngày trong bầu không khí trầm tĩnh và có tính cách học hỏi.
            Cuộc đàm luận giữa vua Milinda và Ðại đức Nagasena được ghi lại cho chúng ta trong cuốn kinh Milindapanha [54], một tác phẩm viết bằng tiếng Pali. Tác phẩm chia làm bảy phần và gồm cả thảy 304 câu hỏi bao trùm hầu như mọi phương diện của Phật Giáo. Trong đó, chương đầu có tính cách giới thiệu, các chương còn lại đề cập đến những vấn đề giáo lý. Chương thứ hai đề cập đến những vấn đề đức hạnh.  Trong đó, những vấn đề quan trọng nhất về đạo đức học và tâm lý học Phật Giáo được thảo luận với những tỉ dụ thích đáng. Chương thứ ba, Vimuticchedana, gồm 44 câu hỏi về nhiều vấn đề khác nhau của Phật Giáo. Trong một vấn nạn, vua Milinda hỏi: [55]
            "Thưa Ðại Ðức, thật có Niết Bàn hay không?"
            "Thưa Ðại Vương, có."
            "Nhưng thưa Ðại Ðức Nagasena, có thể chỉ Ðức Phật hiện ở chỗ nào trong cõi Niết Bàn ấy hay không?"
            "Thưa ngài, Ngài đã nhập Niết Bàn, mà Niết Bàn là tịch diệt thì làm sao chỉ được."
            "Xin cho ví dụ."
            "Ví như có người đốt lên một đám lửa lớn, khi đám lửa ấy đã tắt thì có thể chỉ được đám lửa ấy ở chỗ nào được không?"
            "Thưa không, vì ngọn lửa đã dứt, nó đã biến mất."
            "Cũng như thế, Ðức Phật đã nhập Niết Bàn làm sao có thể chỉ được Ðức Phật hiện đang an trú ở chỗ ấy hay chỗ kia trong Niết Bàn. Nhưng thưa Ðại Vương, có thể chỉ Ðức Phật bằng Pháp Thân của Ngài, vì Giáo Pháp đã được chính Ðức Phật dạỵ"
            "Rất hay, thưa Ðại Ðức Nagasena."
            Chương thứ bốn có tên là Mendakapanha bao gồm rất nhiều vấn đề của 83 tiểu mục: tiểu mục cuối cùng đề cập đến Niết Bàn. Chương thứ năm có tên là Anumana gồm hai phần, mà một số học giả tách phần thứ hai thành một chương riêng (nên cho kinh gồm có 7 chương). Chương thứ sáu có tên là Opammakapanha hay thí dụ gồm có sáu tiểu mục bao trùm 67 vấn đề.
            Lai lịch của vua Milinda hoàn toàn có nền tảng trong lịch sử, trong khi đó, Ngài Nagasena thì không. Ðiều nầy tạo ra mối nghi ngờ trong giới học giả về vấn đề tác giả của kinh Milindapanha. Có một số học giả có cảm tưởng rằng bản kinh Pali hiện nay là một bản dịch của một bản gốc có thể đã được viết ra trong vùng Tây Bắc Ấn Ðộ bằng tiếng Sancrit hay một ngôn ngữ Prakrit miền bắc. Xa hơn, một quan điểm của một vài học giả cho rằng bản kinh Milindapanha nguyên thủy của Ngài Nagasena có thể chỉ bao gồm ba chương đầu, và các chương khác được thêm vào về sau. Quan điểm khác [57] cho rằng bản dịch tiếng Trung Hoa chỉ có ba chương do ý định của người dịch và rằng toàn bộ tác phẩm có thể là công trình của Ngài Nagasena. Bỏ qua những nghi vấn về tác giả của ba chương sau, ta thấy kinh Milindapanha bao trùm phần lớn những vấn đề Phật Giáo, siêu hình, đạo đức và tâm lý. Ðó là một tác phẩm Pali duy nhất ngoài truyền thống được cả Phật Tử Ðại Thừa cũng như Tiểu Thừa ưa thích. Về sau, ngài Buddhaghosha, một học giả và nhà luận giải Pali lớn vào thế kỷ thứ năm thường trích Milindapanha trong các luận của Ngài và đặt thẩm quyền ngang hàng với các kinh điển truyền thống [58].
3- BUDDHAGHOSHA
            Với sự phát triển của Ðại Thừa vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, sự học hỏi về văn học Pali hầu như bị xao lãng. Tuy nhiên, những vị trong Thượng Tọa Bộ vẫn tiếp tục trung thành với truyền thống Pali. Vị học giả và luận giải Pali lớn lao nhất là ngài Buddhaghosha xuất hiện vào thế kỷ thứ năm sau Tây lịch. Theo Mahavamsa, một bản biên niên sử ở Miến Ðiện, nơi ngài Buddhaghosha đã đến du học hoàn tất việc học của ngài, ngài sinh ra ở gần Bodh Gaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng). Một truyền thống khác cho rằng ngài đến từ miền Nam Ấn Ðộ.
            Theo sách Mahasamva, Ghosha (tên nguyên thủy của Buddhaghosha) rất thông thạo về các điển kinh Vedas và những ngành văn học Bà la môn khác từ khi còn rất trẻ. Ngài đã đi nhiều nơi để tìm đối thủ. Một hôm, Ðại đức Maha Thera Revata, viện trưởng tu viện Boha Gaya, nghe Ghosa tụng kinh Patanjali ở một nơi gần Bodh Gaya. Lưu tâm vì cách phát âm chính xác của Ghosha, Ðại Ðức Revata hẹn một cuộc tranh luận. Tò mò, Ghosha hỏi: "Ông có hiểu những kinh điển này không?" "Vâng tôi hiểu; chúng ta hoàn toàn sai lạc." Ngài Maha Thera Revata phê phán kinh Patanjali mãnh liệt đến nổi làm cho Ghosha cảm thấy bị xỉ nhục.  Ghosha yêu cầu Revata nói về giáo lý của mình. Khi Ðại đức Maha Thera Revata đọc một đoạn trong luận A Tì Ðàm, Ghosha thấy rằng vượt quá sự hiểu biết của mình và xin ngài Revata dạy. Ngài Maha Thera nói: "Cho phép được gia nhập Chúng theo giới luật của Tăng Già." Ghosha đã quy y theo Phật Giáo trong những tình huống như vậy và được đặt cho tên là Buddhaghosha.
            Vào thời Buddhaghosha, Phật Giáo theo văn hệ Pali không còn thịnh vượng ở Ấn Ðộ. Càng ngày các học giả càng chuyển sang Sancrit nhiều hơn. Tuy nhiên các tăng sĩ ở Bodh Gaya vẫn giữ truyền thống Pali. Dưới sự hướng dẫn của họ, Buddhaghosha đã học hỏi triết lý Phật Giáo một cách cần mẫn. Ngài cũng viết một bộ luận Phật Giáo tên là Nanodaya. Ngài cũng dự định làm sớ giải về Luận và kinh.  Biết ý định của ngài, sư phụ ngài là ngài Maha Thera Revata khuyên ngài nên sang Tích Lan, nói: [59]
            "Tam Tạng nguyên điển chỉ có thể tìm thấy ở Tích Lan. Ở đây chúng ta không có cả những sớ giải cũng không có sự truyền thừa từ các vị Thầy. Nhưng ở Lanka, có các sớ giải từ các vị Ðại Sư trí tuệ và về sau được dịch sang ngôn ngữ của đảo nầy. Con hãy đến đó để học hỏi để có thể lợi ích cho mọi người."
            Ðược khuyến khích như vậy, Buddhaghosha đi đến Tích Lan dưới triều vua Mananama (410-432) sau Tây lịch và ngụ tại chùa Manavihara (Ðõi Tự) ở Anuradha-pura. Ở chùa Mahavihara, ngài Buddhaghosha học qua hết các luận thư viết bằng chữ Sinhalese. Ngài cũng được nghe về truyền thống các Trưởng lão từ ngài Thera Sanghpala. Thấy được sự lợi ích, ngài xin Tăng chúng ở chùa Mahavihara được dịch những luận thư từ tiếng Sinhalese sang tiếng Pali. Ðể thử nghiệm kiến thức và khả năng của ngài, những vị Thượng Tọa thông thái yêu cầu Buddhaghosa làm một bản luận bằng kệ Palị. Vâng theo, ngài Buddhaghosha làm một bản tóm tắt về toàn bộ Tam Tạng giáo điển, tên là Visuddhimaga hay "Con Ðường Thanh Tịnh". Rất hài lòng với tác phẩm của ngài, các vị Tỳ Kheo ở Mahavihara cung cấp mọi phương tiện cần thiết cho ngài Buddhaghosha và các luận thư Sinhalese theo đề nghị của ngài.
            Tác phẩm Visuddhimaga gồm có 23 chương.  Trong đó, hai chương đầu nói về giới và mười chương sau cùng nói về huệ. Như ngài U.Dhammaratana nói [60], "Thiền định là phần nền tảng của Ðạo Phật. Do đó những thực hành Thiền định không thể được giải thích bên ngoài những giáo lý nền tảng của Phật Giáo. Trong khi giải thích, Buddhagosha đã tạo đầy đủ cơ hội đào sâu những giáo lý nầy. Vì vậy, không quá đáng khi nói rằng tác phẩm Visuddhimaga, tác phẩm lớn của ngài Buddhaghosha, chiếm một vị trí duy nhất trong lãnh vực Phật Giáo nói riêng và trong văn học tôn giáo thế giới nói chung."
            Bên cạnh Visuddhimaga, ngài Buddhagosha còn viết các luận về Vinaya-Pikata, Patimokha, Digha-Nikaya, Majjhima-Makaya, Anguttara-Nikaya, Khuddaka-Patha, Sutta-Nipata, và toàn bộ bảy văn bản của Abhidhamma-Pitaka. Những luận giải về Dhamapada và Jakata cũng được cho là do Buddhaghosha làm. Số lượng lớn những tác phẩm của ngài Buddhaghosha còn lại cho đến ngày nay và "là nền tảng cho việc giải thích nhiều điểm then chốt trong triết học Phật Giáo mà nếu như không có nó sẽ vô cùng khó hiểu."Những sớ giải và Visuddimagga của ngài Buddha-ghosha không những là một thành tựu lớn của văn học hậu Tam Tạng mà còn là chìa khóa cho Tam Tạng.
4- BUDDHADATTA
            Một vị học giả Pali khác sống vào thế kỷ thứ năm sau Tây lịch là ngài Buddhatta, một người lớn hơn và đồng thời với ngài Buddhagosha. Ngài đã đến Ceylon sớm hơn. Sau khi học xong ở Ceylon, trên đường trở về Ấn Ðộ, thuyền của ngài gặp thuyền của ngài Buddhaghosha lúc đó đang trên đường đi Ceylon. Khi gặp nhau, hai ngài đã giới thiệu và thăm hỏi nhau. Khi chia tay, ngài Buddhadatta hình như đã yêu cầu ngài Buddhaghosha gởi những bản sao các luận về Ấn Ðộ cho ngài sau khi chúng được soạn. Ngài Buddhaghosha hình như cũng đã thực hiện việc nầy.  Khi từ Ceylon trở về Ấn Ðộ, ngài Buddhadatta tu trong một ngôi chùa do một cư sĩ tên là Krisnadasha hay Vihnudasa (Tóm lược những luận giải của Buddhaghosha về luận Abhidhamma), Vinaya-Vimicchaya (Tóm lược luận giải của Buddhaghosha về Vinaya-Pitaka), và Madhuratthavilasini (Luận giải về Buddhavamsa).
5- DHAMMAPALA
            Vị học giả cuối cùng của văn hệ Pali, sống vào thế kỷ thứ sáu sau Tây lịch, cũng đến từ miền Nam Ấn Ðộ. Ngài là dân miền Badaratittha, một nơi nằm trên vùng bờ biển miền Nam Ấn Ðộ. Theo ngài Huyền Trang, ngài sinh tại Kanchi, thủ đô của Tamil Nadu thời đó. Dhammapala có thời gian ở tại Nagapatana trong một ngôi chùa cổ. Có nhiều khả nghi rằng ngài Dhammapada đã lưu học tại Anuradhapura ở Sri Lanka như ngài đã đề cập trong những tác phẩm của ngài. Dhammapala đã trước tác bảy luận giải về Khuddaka-Nikaya. Tác phẩm nổi tiếng của ngài, Parmat-tha dipani, là một luận giải về Khudddka-Nikaya phần chủ yếu là về Udana, Itivuttaka, Vimanavathu, Peta-vathu, Thera-gatha, Their-gatha, và Cariya-Pitaka. Những luận giải khác được gán cho ngài là: Parmattha-manjusa (Luận giải về Visuddhimagga của Buddhaghosha), và Nettipakarnassa Attha Samvannana (Luận giải về Netti).
 
-- o0o --