Tìm Hiểu Chữ Như Thị
Thông Trí
--o0o--
 
Trong tất cả các kinh điển Ðức Phật Ngài di huấn phải để bốn chữ Như Thị Ngã Văn, có nghĩa là tôi nghe như thế nầy, ở trong mỗi đầu quyển kinh. Khi đọc bốn chữ đó, có người thắc mắc rằng trí tuệ của chư Phật là Nhất Thiết Trí, tức là loại trí tuệ không cần thầy dạy, không nhận pháp và dùng đạo của người khác, cũng không theo nghe người mà thuyết pháp. Vậy tại sao lại nói là Như Thị Ngã Văn. Mới nghe qua sự thắc mắc nầy dường như đúng, nhưng hiểu cho kỷ thì chúng ta mới thấy: Phật pháp không những phát xuất từ miệng Phật mà ngay cả ở trong thế gian tất cả những chân thực, lành tốt, vi diệu đều phát xuất từ Phật Pháp. Trong Tỳ Ni của Phật có nói: có năm thứ người nói pháp:
- Từ miệng Phật nói.
- Ðệ tử Phật nói.
- Người tiên nói.
- Chư Thiên nói.
- Người biến hóa nói.
Như thế chúng ta thấy rằng tất cả những cái gì được gọi là tốt đẹp, chân thực, không biến đổi thì được gọi là Phật Pháp, theo Luận Ðại Trí Ðộ có phân tích cho chúng ta thấy chữ Như Thị có những nghĩa chính yếu như sau:
I- Từ Ngữ Như Thị
01- Như Thị Có nghĩa là Niềm Tin.
            Nguyên do là trong biển cả Phật pháp có tin mới vào được, có trí mới vượt qua được. Vì thế trong kinh nói đức tin làm đầu, như người có tay vào trong núi báu, tự do mà thu lượm. Người có lòng tin cũng vậy, vào trong núi báu của Phật Pháp như: Vô lậu, căn lực, giác, đạo, thiền định. Người có niềm tin nên biết được giá trị của mỗi pháp, nên ưa thích tu tập thực hành, cũng như người có tay tự tại mà lấy của báu. Trái lại người không có tay thì dù có vào núi châu báu cũng không nhặt được gì. Cũng giống như người không niềm tin cũng thế, cho dù phật pháp có cao siêu huyền diệu đến đâu nhưng không chịu tu tập thực hành thì con người vẫn trầm luân trong biển khổ sanh tử.
Thế nên Ðức Phật thường dạy:
- Người có niềm tin thì vào trong biển lớn pháp của ta, hay được quả sa môn chẳng uổng công cạo đầu nhuộm áo, nếu không tin thì không thể vào trong biển pháp của ta, như cây khô không thể sanh hoa quả, tuy cạo đầu, nhuộm áo, đọc hết thảy kinh hay, khó, hay đáp, ở trong Phật pháp không được chút gì. Thế nên nghĩa chữ Như Thị ở đầu Phật pháp là tướng tín vậy.
            02- Như Thị cũng có nghĩa là Tâm Thiện.
            Ðược gọi là người có thiện tâm là người có tánh của thánh nhân. Nhờ có tánh ấy mà tự mình biết tu hành bố thí, dầu nhiều dầu ít cũng không đọa vào sanh tử. Cũng do nhờ tánh ấy mà biết tu hành, trì giới, nhẫn nhục, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh....
            03- Như Thị cũng có nghĩa là Ðại Lạc.
Là niềm vui lớn, tức là sự vui của Phật, Bồ Tát. Niềm vui nầy là niềm vui hoàn toàn trong sạch, không có một mảy may phiền não đau khổ, nên cũng gọi là thường lạc. Niềm vui lớn của Chư Phật có bốn đức tánh:
- Ðọan trừ các mối lạc của phàm phu, vì nếu chẳng đoạn trừ các mối vui sướng ấy thì vẫn còn đau khổ.
- Ðược sự yên tịnh to lớn, không có một mảy may vọng niệm.
- Hiểu rõ tất cả.
- Thân không hư hoại dường như chất kim cang, tức là không phải thân phiền não, cái thân vô thường.
Ðó là bốn đức tánh vì khi đã có niềm tin, chắc chắn ở đời hiện tại đời vị  lai sẽ được an vui, lợi ích lớn.
            04- Như Thị cũng có nghĩa là Không Tướng
            Thông thường đồ chúng ngoại đạo tự cho chỉ pháp của mình là mầu nhiệm, thanh tịnh đệ nhất, tự khen pháp hành của mình, chê gièm pháp của người khác, nên hiện đời chúng đấu tranh, đánh nhau, cãi nhau. Trong phật pháp, vất bỏ tất cả các yêu, tất cả kiến, tất cả ta mình, kiêu mạn, cắt đứt không đắm nhiễm, như kinh Phiệt Dụ, Ðức Phật dạy:
- Các ông muốn giải được pháp Phiệt Dụ của ta thì pháp lành còn phải xả bỏ huống chi là pháp chẳng lành.
Phật tự ở Bát Nhã Ba La Mật không niệm, không trụ, huống chi pháp khác mà có trụ. Cho nên ở đầu xưng là như thị. Ý Phật như thế, đệ tử Phật không yêu pháp, không nhiễm pháp, không bè đảng, chỉ cầu ly khổ, giải thoát, không có hý luận, các pháp tướng.
            05- Chữ như Thị còn có nghĩa là Không Tranh
            Ngoại đạo thường cho rằng pháp của mình chân thật, pháp của người vọng ngữ, pháp của mình nhất, pháp của người chẳng thực, đó là gốc của sự đấu tranh. Trong Phật pháp không tự tôn như vậy, nhưng lại còn chỉ bảo người không tranh cãi, không nói lỗi của người, nên các kinh Phật đều xưng là như thị.
II- Từ Ngữ Như Thị Ngã Văn & Ngài A Nan
A- Thân Thế Ngài A Nan:
Ngài A Nan gọi cho đủ là A Nan Ðà, là em ruột của ngài Ðề Ba Ðạt Ða con thứ của vua Bạch Phạn, tức là em con chú của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni, nước Ca Tỳ La Vệ.
Ngài A Nan sanh trong đêm đức Phật Thích Ca thành đạo nên, người đời sau còn dịch là Khánh Hỷ. Ngày trở về thăm thành Ca Tỳ La Vệ, khi gặp Ngài A Nan, Phật liền có ý định khuyến khích xuất gia. Với luật tương duyên, sau đó trong số các vương tôn công tử, xin được theo Phật đến Tịnh Xá Trúc Lâm xuống tóc xuất gia có A Nan.
Sau khi được theo Ðề Bà Ðạt Ða, A Na Luật, Ưu Ba Ly, La Hầu La về trú ngụ tại Tịnh Xá Trúc Lâm, dù tuổi còn nhỏ, A Nan vẫn siêng năng tham dự các buổi thuyết pháp của Phật. Với tính thông minh sẵn có, A Nan nhớ hết những lời Phật nói. Mặc dù A Nan thông minh có thể là người hoằng truyền giáo pháp mai nầy, nhưng phải chờ cho đến 20 năm sau, Ngài A Nan mới được tăng đoàn đề nghị làm thị giả hầu cận Phật.
Chúng ta biết rằng từ khi thành đạo cho đến lúc A Nan được đề cử làm thị giả, Ðức Phật không có một vị thị giả nhất định. Thân cận lúc ban đầu với Phật, có Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên và các vị Tỳ Kheo khác thay nhau hầu Phật. Mãi cho đến năm Phật 50 tuổi, tăng đoàn thấy Phật cần một thị giả thường trực bên cạnh, để giúp đỡ Phật mọi sự cần thiết. Vì thế, tăng đoàn mở đại hội để tuyển chọn một vị thị giả. Trong đại hội có rất nhiều vị Tỳ Kheo xung phong, nhưng Phật đều không thuận. Theo Phật, nhiều vị tuổi đã cao cần thời gian để tự lo bản thân. Còn những vị trung niên, cần có thời giờ để đi bố giáo. Lúc đó Ngài Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên biết Phật cần chọn vị trẻ tuổi, thông minh, lanh lẹ lại nhu hoà, ... Mục Kiền Liên và Xá Lợi Phất thấy trong số các vị Tỳ Kheo trẻ không ai hơn ngài A Nan. Bởi thế, Mục Kiền Liên liền đến khuyên A Nan rằng:
- Nầy A Nan, ý Ðức Thế Tôn muốn ông làm thị giả. Ông hội đủ nhiều yếu tố, đặc biệt là dựa vào trí nhớ, về  sau ông có thể thay thế Ðức Thế Tôn tuyên dương diệu pháp.
Nghe nói, thấy trách nhiệm lớn lao quá sợ không kham, A Nan từ chối, nhưng Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên khuyên mãi, cuối cùng A Nan nhận. Nhưng e ngại tỵ hiềm có thể xảy ra, A Nan yêu cầu Mục Kiền Liên trình lên Ðức Phật năm thỉnh nguyện:
01- Không mặc áo Phật dù mới hay cũ.
02- Nếu không được thí chủ mời, không theo Phật đến nhà Phật Tử thọ sự cúng dường, khi Phật được mời thỉnh.
03- Ðược ra ngoài hay đi chỗ khác, khi Phật tiếp tín chúng đến hỏi đạo, nếu sự hiện diện của thị giả không cần thiết.
04- Không ăn thức ăn thừa của Phật.
05- Ðược tùy tiện sắp xếp, hoặc cho hay không cho, mỗi khi khách đến gặp Phật.
Năm nguyện vọng trình lên, Phật chấp thuận ngay. Vì không những thấu hiểu tâm tư của A Nan, Phật còn khen ngợi A Nan là người thông minh, tế nhị, vui vẻ, biết lường trước những điều không đẹp có thể xảy ra. Từ đó A Nan làm thị giả suốt 25 năm.
B- Y Theo Lời Di Huấn
Tại rừng Sa La Song Thọ, thành Câu Thi Na trước khi Phật nhập Niết Bàn, Phật hỏi đại chúng còn gì nghi ngờ hãy nêu rõ vấn đề. Ðối trước Phật, Ngài A Nan thưa thỉnh:
Bạch Ðức Thế Tôn con có bốn thắc mắc, xin đức Thế Tôn chỉ giáo:
01- Sau khi Thế Tôn Niết Bàn, chúng con nhận ai làm thầy?
02- Sau khi Thế Tôn Niết Bàn chúng con an trú vào đâu?
            03- Sau khi Thế Tôn Niết Bàn làm sao hàng phục kẻ dữ?
            04- Sau khi thế Tôn Niết Bàn khi kiết tập kinh điển nên để lời gì đầu kinh?
            Ðức Phật từ tốn trả lời:
            01- Hãy lấy Ba La Ðề Mộc Xoa là Giới làm Thầy.
            02- Hãy an trú vào Tứ Niệm Xứ.
            03- Hãy dùng pháp Mặc Tẩn(có nghĩa là làm lơ) để điều phục kẻ dữ.
            04- Ðầu câu mỗi Kinh ghi bằng câu: Như Thị Ngã Văn để kiết tập Kinh điển.
            Trả lời xong Phật còn khuyên A Nan và đại chúng hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi. Ta và giáo pháp chỉ là phương tiện chỉ đường. Còn đến đích hay không, mọi người phải tự mình cất bước. Tỳ Kheo nào thật tình thương nhớ ta, hãy áp dụng đức từ bi và trí tuệ vào thân, khẩu, ý đó là cách nhớ tưởng ta một cách chân chính.
            C- Kết Tập Kinh Ðiển:
01- Các Thánh Ðệ Tử Phật
Sau khi Phật diệt độ, Ngài Ca Diếp suy nghĩ:
- Ta phải làm thế nào cho Phật Pháp được lưu hành mãi mãi trên thế gian! Muốn cho pháp ấy có thể ở lâu nơi đời thì phải kết tập Ba Pháp Tạng để truyền cho đời sau. Phật đời đời thương chúng sanh nên vì họ nói pháp, ta nay cũng theo lời Phật dạy mà tuyên dương mở dạy. Suy nghĩ rồi liền lên núi Tu Di đánh kiền chùy và nói kệ rằng:
- Các đệ tử Phật
Nếu nhớ niệm phật
Thì báo ân Phật
Chớ vào Niết Bàn
Lúc đó giọng nói của Ngài Ca Diếp và kiền chùy vang tới ba ngàn đại thiên thế giới, các vị đệ tử có thần lực đều lại họp nơi ngài Ðại Ca Diếp, Ngài Ðại Ca Diếp nói với đại hội rằng:
- Phật vì thương chúng sanh học được pháp nầy, nay Phật vào Niết Bàn rồi, các đệ tử biết pháp trì pháp, tụng pháp ấy cũng theo Phật diệt độ. Chúng sanh đời sau mất con mắt trí tuệ, ngu si mù tối, rất đáng thương xót! Chúng ta nên thể theo lời dạy của Phật, đợi kết tập kinh xong, lúc đó các vị tùy ý diệt độ.
Mọi người đồng ý ở lại họp. Bấy giờ Ngài Ca Diếp chọn một ngàn vị A La Hán để kiết tập kinh điển. Lý do Ngài Ca Diếp chọn 1000 vị A La Hán để kiết tập, vì theo truyền thống, lúc còn đương thời Vua Tần Bà Sa La có sắc chỉ trong cung mỗi ngày sửa soạn món ăn uống cúng dường 1000(*) vị Tăng, cho đến khi Vua A Xà Thế nối ngôi vẫn không bỏ lệ nầy. Vì Ngài Ca Diếp e ngại việc đi lại khất thực mỗi ngày sẽ ngăn trở việc kiết tập Tam Tạng của Ðại Hội, nên chỉ chọn một ngàn vị, dẫn đến thành Vương Xá, trong núi Kỳ Xà Quật, nơi Vua A Xà Thế hằng ngày cho người mang thức ăn đến nơi đại hội để cúng dường, chư tăng khỏi phải ra ngoài.
Bắt đầu mùa an cư vào ngày rằm năm ấy, khi họp tăng thuyết giới, Ngài Ca Diếp vào thiền định lấy thiên nhãn xem coi trong chúng ai chưa sạch phiền não nên mời ra, thì thấy chỉ có mình Ngài A Nan. Xuất định ngài Ca Diếp kéo tay ngài A Nan và nói:
- Nay chúng hội thanh tịnh kết tập Tam Tạng, ông chưa hết kiết sử(ràng buộc) nên không được ở đây.
Bấy giờ A Nan hổ thẹn, khóc và nghĩ rằng:
- Hai mươi lăm năm theo hầu Ðức Thế Tôn, ta chưa bao giờ bi não như nay! Phật thực là bậc ân đức cao cả, đức lành thương xót chúng sanh. Nghĩ rồi bạch ngài Ca Diếp rằng:
- Kính thưa trưởng lão sư huynh, Tôi đủ sức để đắc đạo, ngặt vì phép của chư Phật không nhận A La Hán làm thị giả để sai khiến, vì thế tôi còn giữ lại một chút Kiết Sử mà không đoạn kết, chứ không phải tôi không tinh chuyên tu tập.
Ngài Ca Diếp không bắt tội chưa đắc quả A La Hán mà Ngài lại nói sang qua tội khác:
- Việc đó kể như ông có lý. Nhưng theo ý Phật không cho người nữ xuất gia, vì ông nài thỉnh, Phật mới cho người nữ nhập đạo. Do đó, chính pháp suy giảm mất năm trăm năm. Ông phải tội Ðột Kiết La.
Ngài A Nan nói:
- Tôi thương Bà Kiều Ðàm Di, vả lại ba đời chư Phật đều có bốn bộ chúng, tại sao Phật Thích Ca ta lại không?
Ngài Ca Diếp nói tiếp:
- Khi sắp nhập Niết Bàn Phật bảo ông là Người muốn dùng nước, mà ông không dâng, ông phải tội Ðột Kiết La!
Ngài A Nan kính cẩn thưa:
- Kính bạch trưởng lão sư huynh, không phải tôi không biết Ðức Phật muốn dùng nước, nhưng ngặt vì khi đó năm trăm cỗ xe vừa đi ngang qua, nước vẩn đục nên tôi không dám lấy nước dâng Phật.
Ngài Ca Diếp nghiêm giọng bảo:
- Ðức Phật có đại thần lực có thể khiến cho biển lớn nước đục thành trong sạch, tại sao ông không lấy dâng Ngài? Ðó là ông có tội, ông phải đi sám hối tội Ðột Kiết La.
Ngài Ca Diếp nói tiếp:
- Ðức Phật bảo ông, nếu có người khéo tu được phép bốn thần túc có thể trụ thọ một kiếp hoặc kém hơn một kiếp. Phật nói tới ba lần mà ông đều lặng thinh không đáp. Ðức Phật là bậc có bốn thần túc, nếu ông cầu thỉnh, Phật có thể ở đời lâu một kiếp, hoặc kém hơn một kiếp. Vì ông không nói cho nên đức Phật phải vào Niết Bàn sớm. Do đó ông phải tội Ðột Kiết La.
Ngài A Nan vô cùng ân hận, với tâm thành kính thưa:
- Kính bạch trưởng lão sư huynh, có lẽ lúc đó ma che tâm tôi, nên tôi không nói được! Tôi thật không có ác tâm mà không đáp lại lời Phật.
Vẫn một giọng nghiêm trang, Ngài Ca Diếp nói:
- Ông gấp áo Tăng Già Lê của Phật mà ông lấy chân đạp lên. Ông phải tội Ðột Kiết La.
Ngài A Nan thưa:
- Bấy giờ gió to quá, không có người giúp tôi mang áo, gió thổi làm áo rơi xuống dưới chân, không phải tôi không cung kính, và cố ý đạp lên áo Phật.
Ngài Ca Diếp nói:
- Sau khi Ðức Phật vào Niết Bàn ông cho nữ nhân coi tướng âm tàng của Phật, ông phải tội Ðột Kiết La.
Ngài A Nan cung kính trình bày:
            - Kính thưa trưởng lão sư huynh, bấy giờ tôi nghỉ rằng nếu các nữ nhân được thấy tướng âm tàng của Phật, họ tự hổ thẹn cái hình nữ nhân mà được thân nam tử, tu hành tướng Phật, trồng căn lành phúc đức. Tôi thực không hổ hoặc cố ý phá giới!
            Giọng nghiêm trang Ngài Ca Diếp dạy:
- Ông có ngần ấy tội Ðột Kiết La, ông phải ở trong chúng tăng sám hối hết.
Ngài A Nan lẳng lặng đáp:
            - Dạ, tùy trưởng lão Ðại Ca Diếp và chư tăng dạy.
            Nói rồi Ngài A nan quỳ thẳng chắp tay hở áo vai bên hữu, sám hối các tội Ðột Kiết La.
            Bấy giờ Ngài Ðại Ca Diếp ở trong chúng tăng kéo tay ngài A Nan mà nói rằng:
            - Bao giờ ông dứt hết lậu hoặc mới được vào đây! Nói xong Ngài Ca Diếp đóng cửa lại.
             Trong hội nghị, các vị A La Hán nêu lên câu hỏi:
            - Ai là người kết tập Tỳ Ni(Luật) Pháp tạng?
            Ngài A Nậu Lâu Ðà nói:
            - Ông Xá Lợi Phất có đệ tử tốt tên là Kiều Phạm Ba Ðề mềm mỏng, hoà nhã, thường ở nơi nhàn vắng, trụ tâm tịch tĩnh, rõ biết luật Tạng, nay ở trên trời, trong vườn cây Thi Lợi Sa, nên cho người đi mời. Ngài Ca Diếp bảo vị tăng ít tuổi ngồi bên cạnh:
            - Ông làm sứ giả của tăng được không?
            Nghe Trưởng Lão dạy vị tăng ít tuổi cung kính thưa:
- Kính bạch trưởng lão, Tăng sai tôi điều chi?
Ngài Ca Diếp dạy:
- Chư Tăng nhờ ông lên trời, trong vườn cây Thi Lợi Sa, mời ngài A La Hán Kiều Phạm Ba Ðề. Ông bạch với ngài rằng, ông Ðại Ca Diếp và các lậu tận Tỳ Kheo đều hội ở Diêm Phù Ðề, có pháp sự lớn thỉnh ngài về ngay!
            Hạ Tọa Tỳ Kheo đầu mặt lễ tăng, đi nhiễu bên hửu ba vòng xong bay lên hư không như chim Kim Súy Ðiểu. Ðến chỗ ngài Kiều Phạm Ba Ðề làm lễ xong rồi bạch rằng:
            - Ðại Ðức ít muốn biết đủ, thường ở thiền định, ngài Ca Diếp có lời thăm hỏi và mời Ngài về lại thế giới Ta Bà, tăng có việc pháp lớn
            Ngài Kiều Phạm Ba Ðề sinh nghi liền hỏi rằng:
- Có phải có việc phá tăng hoặc đấu tranh trong thánh chúng? hay
là Phật diệt độ?
            Hạ Toạ Tỳ Kheo thưa:
- Ðúng như lời Ngài nói, Phật đã diệt độ!
            Ngài Kiều Phạm Ba Ðề thảng thốt:
            - Phật diệt độ mau thế! Con mắt của thế gian đã mất rồi! Ðại tướng quay bánh xe pháp của Phật là Xá Lợi Phất bây giờ ở đâu?
            Hạ Tọa Tỳ Kheo trả lời:
- Ðã nhập niết bàn trước Phật.
Ngài Kiều Phạm Ba Ðề lại hỏi:
            - Thế ngài Ðại Mục Kiền Liên ở đâu?
            Hạ Tọa Tỳ Kheo thưa:
            - Cũng đã diệt độ rồi!
            Ngài Kiều Phạm Ba Ðề sửng sốt nói:
            - Phật pháp muốn tàn, các bậc đại nhân đã qua đời cả, chúng sanh thật đáng thương! Thế trưởng lão A Nan ở đâu?
            Hạ Tòa Tỳ Kheo:
- Sau khi Phật diệt độ ngài A Nan khóc lóc, buồn thương không tả xiết!
Nghe nói thế, Kiều Phạm Ba Ðề gật đầu nói:
            - A Nan buồn rầu bởi còn ái kiết, biệt ly sinh khổ! Còn La Hầu La thế nào?
            Hạ Tòa Tỳ Kheo:
- La Hầu La đắc A La Hán cho nên không lo buồn chỉ quán sát các pháp vô thường!
Bằng một giọng nghiêm nghị Kiều Phạm Ba Ðề nói:
            - Ái khó dứt đã dứt, cho nên không ưu sầu! Tôi mất đại sư ly dục thì ở trong vườn trời nầy làm gì nữa! Hoà Thượng thầy tôi đã diệt độ, tôi không thể xuống cõi đời nữa, ở đây vào niết bàn!
            Nói xong vào thiền định bay lên hư không phóng đại quang minh, tay xoa mặt trời, mặt trăng, hiện nhiều thần biến, tự trong thân xuất ra lửa, trong thân phun ra nước tứ phía, chảy đến chỗ ngài Ca Diếp trong nước có tiếng nói bài kệ:
            - Kiều Phạm Ba Ðề dập đầu lễ
            Diệu chúng đệ nhất đại đức tăng.
            Nghe Phật diệt độ tôi đi theo
            Như voi lớn đi voi con theo.
            Bấy giờ hạ tọa tỳ kheo đem y bát về nộp cho đại tăng.
            02- Tình Huynh Nghĩa Ðệ
            Nhắc lại khi Ngài A Nan rời khỏi hội trường, đêm ấy tư duy thiền tọa, kinh hành cho hết cái tàn lậu, ân cần cầu đạo. Vì trí tuệ của Ngài nhiều, mà định lại ít nên không đắc đạo mau, định trí mới có thể mau được đạo quả. Quá nửa đêm mỏi mệt, Ngài lại gối định nằm nghỉ. Ðầu chưa tới gối, hốt nhiên ngài đại ngộ, như ánh sáng điện phụt ra, trong tối thấy đạo. Như thế ngài A Nan đã vào Kim Cang Ðịnh, phá tất cả núi phiền não, được ba minh, sáu thần thông và giải thoát, làm đại lực A La Hán. Ngay đêm ấy, ngài đến phòng tăng gõ cửa, ngài Ca Diếp hỏi:
            - Ai gõ cửa?
            Ngài A Nan đáp:
            - Tôi là A Nan?
            Ngài Ca Diếp hỏi:
            - Ông lại đây để làm chi?
            Bên ngoài Ngài A Nan trả lời:
            - Ðêm nay tôi đã sạch hết lậu hoặc.
            Ngài Ca Diếp nói:
            - Không mở cửa cho ông, nếu ông đắc đạo thì cứ theo lỗ khóa cửa mà vào!
            Nghe Ngài Ca Diếp cho phép, Ngài A Nan liền đáp:
            - Có thể được. Nói rồi liền dùng thần lực đi qua lỗ khóa cửa vào, lễ dưới chân chư tăng xin sám hối!
            Ngài Ca Diếp không trách cứ gì nữa, lấy tay xoa đầu ngài A Nan và nói:
            - Tôi cố vì ông khiến ông đắc đạo, ông không hận hiềm chứ? Tôi làm như thế để ông tự chứng. Ví như tay vẽ hư không, A La Hán cũng thế, tâm không đắm nhiễm tất cả pháp. Mời ông về tòa ngồi của ông.
            03- Ðại Hội Viên Thành
            Nghi thức kết tập rất là uy nghi. Ngài Ðại Ca Diếp, thăng tòa giữ ghế chủ tịch. Hôm ấy chư tăng lại bàn rằng:
            - Kiều Phạm Ba Ðề đã diệt độ, còn ai để kết tập Tam Tạng?
            Trưởng Lão Nậu Lâu Ðà nói:
            - Trưởng lão A Nan là người thường hầu gần Phật, nghe kinh có trí nhớ, Phật thường khen ngợi. Hôm nay A Nan đã đắc quả A La Hán, Ông A Nan có thể kết tập Tam Tạng.
            Lúc đó trưởng lão Ca Diếp xoa đầu ngài A Nan và nói:
            - Phật phó chúc cho ông giữ gìn pháp tạng. Các đại đệ tử có năng lực giữ gìn pháp tạng đã diệt độ cả rồi, duy còn có mình ông, ông nên báo đền ân phật, theo tâm Phật, thương xót chúng sanh mà kết tập pháp tạng của Phật!
Bấy giờ ngài A Nan lễ tăng xong, lên ngồi tòa sư tử. Ngài Ðại Ca Diếp bèn nói bài kệ:
- Phật thánh sư tử vương
A Nan là Phật Tử
Ngồi trên tòa sư tử
Nhìn chúng không có Phật
Như thế chúng đại đức
Không Phật mất oai thần
Như không trung không trăng
Có sao mà không nghiêm
Ông là người đại trí nói
Ông là Phật Tử nên diễn
Nơi nào Phật nói trước
Nay ông nên hiện bày.
Lúc đó trưởng lão A Nan nhất tâm chắp tay hướng về phương xa nơi Phật nhập Niết Bàn mà tuyên bố: Theo lời di huấn của Ðức Từ Phụ, tất cả các đầu kinh đều phải ghi Như Thị Ngã Văn, nay con xin được trình bày những lời Người đã dạy:
            - Khi Phật mới nói pháp
Bấy giờ con không thấy
Như thế dần dà nghe
Phật ở Ba La Nại
Vì nhóm năm Tỳ Kheo
Mới mở môn cam lộ
Nói pháp bốn chân đế
Khổ, Tập, Diệt, Ðạo đế
A Nhã Kiều Trần Như
Trước hết được thấy dạo
Tám muôn chúng chư thiên
Cũng đều theo vết đạo.......
Sau đó trả lời các câu hỏi của chư thánh chúng. Ngài A Nan đã nói rõ ràng thời gian thuyết pháp, địa điểm, vì lý do gì mà Phật nói kinh gì, khi đó có bao nhiêu người ..v..v.. Ðại hội công nhận không sai, quyết định từ kim khẩu Phật nói ra. Về kinh do Ngài A Nan trùng tuyên, có 4 bộ Kinh A Hàm, tức là: Trường A Hàm, Trung A hàm, Tăng Nhất A hàm, và Tạp A hàm, hiện nay còn lưu hành...
Sau khi Ngài A Nan kết tập Kinh Tạng, Ngài Ưu Ba Ly là vị chuyên trì giới luật đệ nhất cũng được đại chúng thỉnh lên pháp tòa để tuyên thuyết Luật Tạng. Ngài Ưu Ba Ly nhận lời thỉnh của đại tăng, lên ngồi tòa sư tử, trước hết là trả lời những câu hỏi của chủ tịch Ðại Ca Diếp, và sau bắt đầu tuyên thuyết về giới luật:
- Như Thị Ngã Văn, nhất thời Phật ở Tỳ Sá Ly, bấy giờ con trưởng giả Tu Lân Na Ca Lan Ðà mới phạm tội... Ngài Ưu Ba Ly đọc tụng các văn luật gồm trong 90 ngày, qua 80 lần mới hoàn tất do đó gọi là 80 luật tụng. Về sau diễn biến có Luật Thập Tụng, Luật Tăng Kỳ, Luật Tứ Phần, Luật Ngũ Phần..v..v...
Sau phần kết tập Kinh, Luật ngài A Nan lại được đại chúng thỉnh cầu trùng tuyên Luận Tạng.... Ðại hội thành công mỹ mãn. Tuy nhiên lần kết tập đầu tiên nầy chỉ đọc tụng lại những gì mà Ðức Phật nói, và hướng dẫn lúc Ðức Phật còn tại thế, nhưng không có ghi chép thành văn.
 
Ghi Chú:
            (*)- Theo nhiều tài liệu nói là kỳ Kết Tập Kinh điển lần đầu tiên chỉ có 500 vị A La Hán, Tuy nhiên theo Luận Ðại Trí Ðộ thì nói là 1000 vị A La Hán.
-- o0o --