Nguyên Thủy Phật Giáo
& KỶ NGUYÊN MỚI
Nam Phương
--o0o--
 
Chúng ta vẫn thường tự hào là con của đấng Từ Phụ, là một bậc Ðại Giác và là Thầy của cả Chư Thiên và nhân loại. Niềm tự hào này đã có tự ngàn xưa, từ những thế kỷ đầu sau Tây Lịch, từ khi đạo Phật có mặt trên quê hương đất Việt của chúng ta. Cho dù trải qua bao giai đoạn thăng trầm thì từ ngày ấy mãi cho đến tận bây giờ, Giáo Pháp tuyệt vời mà Ðức Phật khổ công tìm kiếm đã mang lại cho đất nước Việt Nam nói chung và cho mỗi cá nhân chúng ta những điều lợi lạc không thể nghĩ bàn.
            Chúng con xin đê đầu đảnh lễ Ðức Thế Tôn, Ngài là bậc Araham cao thượng, người có đủ mười đức tính cao đẹp mà nhân loại đã tôn xưng: Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Không có lời nói nào, bút mực nào có thể nói hết được lòng tôn kính và biết ơn vô hạn của chúng ta đối với Ðức Phật. Nhưng Ðức Phật dạy sự tôn kính và cúng dường cao thượng đến cho Ngài không gì hơn là thực hành những giáo pháp mà Ngài đã tuyên thuyết. Muốn thực hành đúng đắn thì chúng ta phải hiểu biết về giáo pháp một cách chân chánh mới không phụ công hóa độ của Ngài. Ngày nay lịch sử đã cho chúng ta biết Ðức Phật Thích Ca không phải là nhân vật hư cấu mà hoàn toàn có thật bởi những di tích tìm thấy đã chứng minh cho điều này. Ngoài ra trong sách Liệt Tử có dẫn lời của đức Khổng Tử:
- Khâu này nghe phương Tây có một bậc Thánh, không trị mà không loạn, không nói mà tự tin.
            Vậy chúng ta, những người tự nhận mình là Phật tử thì hẳn phải hiểu biết về cuộc đời của Ngài trước khi đi sâu vào giáo lý mà Ngài đã chỉ dạy. Bởi vì chỉ cần hiểu rõ về cuộc đời vô cùng phong phú của Ngài là đã hiểu rõ một phần giáo pháp. Cuộc đời của Ðức Phật quả thật là một bài thuyết pháp không lời.
            Mặc dù sau khi Ngài nhập diệt khoảng 100 năm thì giáo pháp có sự chia rẽ phái nhưng tựu trung chỉ là sự bất đồng ý kiến về những học giới nhỏ nhặt không đáng kể. Và tuy có sự phân chia nhưng các Tông Phái vẫn có thể dung hợp với nhau để cùng phát triển. Ðiều đó cho chúng ta thấy đạo Phật là đạo vô ngã nên mỗi cá nhân phải tự mình diệt trừ tự ngã mới có thể ngồi lại với nhau trong hòa khí được. Chỉ riêng các vị Thánh Tăng, các bậc A La Hán đã diệt tận ngã chấp hoàn toàn mới không còn phiền não và mang lại phiền não đến cho người khác. Chúng ta phải chấp nhận những phiền toái không thể tránh khỏi khi càng ngày càng xa thời kỳ Chánh Pháp, Tượng pháp và nay đang ở trong thời kỳ Mạt Pháp.
            Việt Nam chúng ta có lợi thế nằm trên trục lộ giao thông quốc tế nên Phật Giáo Nguyên Thủy đã đi vào Việt Nam khá sớm, trực tiếp từ Ấn Ðộ qua các thương buôn và các nhà truyền giáo thời bấy giờ. Nhưng vì tổ tiên chúng ta vốn nguồn gốc Trung Hoa lại bị họ đô hộ khá lâu nên ít nhiều cũng có ảnh hưởng. Do đó, Phật Giáo Nguyên Thủy(Theravada) không thể phát triển đuợc. Trong khi hai quốc gia láng giềng của chúng ta là Lào và Cao Miên lại ảnh hưởng nền văn minh của Ấn Ðộ nên họ hấp thụ Nam truyền Phật giáo một cách dễ dàng, còn chúng ta chịu ảnh hưởng Bắc truyền Phật giáo.
            Ðứng về mặt phát triển đạo thì hầu hết các quốc gia thuộc Bắc truyền Phật giáo hay Bắc Tông đều theo hệ phái Ðại Thừa( Mahayàna) vì phù hợp với dân tộc tính, địa phương nên Ðại thừa Phật giáo là điều kiện rất tốt cho đại đa số dự vào, tin theo dễ dàng, và phát triển nhanh chóng.
            Ngoài ra Ðại thừa còn có chủ trương ăn chay nhằm mục đích tôn trọng sự sống của muôn loài. Nhưng chúng ta biết rằng ngay khi đức Phật còn tại thế, đến Giới Luật Ngài cũng chưa hề tự chế để cấm đoán các hàng đệ tử. Do đó việc ăn chay, ăn mặn Ðức Phật không hề đặt ra. Lý do, vì pháp Khất thực cần đơn giản cho tín chủ dễ dàng cúng dường, nhưng phải dùng phẩm vật với sự trong sạch là Tam Tịnh Nhục: Không nghe, không thấy, không hoài nghi con vật vì mình mà bị chết, bởi vì Ðức Phật quan niệm rằng ăn uống chỉ là phương tiện nuôi dưỡng xác thân ngũ uẩn để lấy đó mà tu tập, hành thiền mong cầu giải thoát:
            ...Ta thọ thực đây cho thân tâm được mạnh khỏe, hầu tu hành theo đạo cao thượng...(Kinh quán tưởng tứ vật dụng)
Trong chiều hướng tu tập Ðức Phật Ngài kêu gọi sự tự giác, tự tin vào mình và chịu trách nhiệm về những hành động chính mình sau khi đã suy tư đúng đắn. Ðức Phật chỉ xem mình như một hướng đạo chứ không phải là đấng ban phước giáng họa, những ai thấy được lợi ích trong giáo pháp của Ngài thì hành theo. Và Ngài còn cho chúng ta thấy đời sống phạm hạnh của một thầy Tỳ kheo thật đơn giản nhưng lại đầy an lạc, giải thoát:
... Một vị Tỳ kheo lý tưởng là người sớm mai khoác y, mang bát đi vào thành khất thực, đúng ngọ về Tịnh xá dùng cơm, ăn xong rửa bát dọn dẹp, nghỉ trưa một chút rồi ngồi xếp tréo chân tĩnh toạ cho đến lúc lậu hoặc không còn móng khởi.
            Từ xa xưa chúng ta chỉ được biết một cách mơ hồ Phật Giáo Nguyên Thủy qua một số Sư người Việt gốc Miên với những ngôi chùa Miên chính thống trong các Sóc ở các tỉnh miền Tây mà các vị sư thường được gọi là ông Lục. Họ hành đạo hoàn toàn theo thể thức Nguyên Thủy nhưng trong nội bộ các Sóc làng với nhau mà không truyền bá được ra ngoài dù đang ở trên đất nước Việt Nam.
            Một cơ may khá lớn cho chúng ta là sau cuộc Chấn hưng Phật giáo từ năm 1930 mà một phần cũng nhờ vào ảnh hưởng của cuộc chấn hưng Phật Giáo tại Trung Quốc do Ngài Thái Hư Ðại Sư khởi xướng. Thêm vào đó với bối cảnh đất nước vào giai đoạn giao thời lúc bấy giờ đã phát sinh ra một số tôn giáo cũng dựa vào giáo lý của đạo Phật mà biến cải thành những tôn giáo riêng của mình. Chẳng hạn như:
- Tại Châu Ðốc có Phật giáo Hòa Hảo do Ðức Thầy Tây An và Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ sáng lập
- Tại Tây Ninh là cơ sở chính(Tòa Thánh) của đạo Cao Ðài do đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc cùng các đồng sự như Giáo Tông Lê văn Trung, Thượng sanh Cao Hoài Sang khai sáng.
- Tông phái Khất Sĩ do giáo chủ Minh Ðăng Quang sáng lập.
- Tịnh độ Cư Sĩ do đức Tôn Sư Minh Trí Nguyễn văn Bông hay còn gọi là ông Ðạo bán khoai sáng lập.
- Ngoài ra còn có ông đạo Dừa ở Cồn Phụng Mỹ Tho, Nguyên là Kỹ sư hóa học Nguyễn Thành Nam tốt nghiệp ở Pháp về lập đạo. Tuy không phát triển như những tôn giáo khác nhưng cũng có được một số tín đồ.
            Và một điều đặc biệt chen chân trong phong trào Tôn Giáo trăm hoa đua nở, chúng ta được may mắn gặp lại Phật giáo Nguyên Thủy đã bao nhiêu năm mất dạng, nay do những vị cao Tăng có công hàng đầu trong việc mang hệ phái Nam Tông hay Nguyên Thủy Phật giáo (Theravada) như các:
- Hòa Thượng Hộ Tông, Bửu Chơn, Thiện Luật, Giác Quang, Tối Thắng, Giới Nghiêm, Kim Quang ...
            Hẳn chúng ta không thể hiểu hết những khó khăn, những cam go, những hy sinh cao cả mới có thể hình thành được Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam đầu tiên vào ngày 18 tháng 12 năm 1957. Từ ngày đó cho đến bây giờ so với các tôn giáo ra đời cùng thời ấy thì quả thật Nguyên Thủy Phật Giáo(NTPG) đã có một chỗ đứng không những vững vàng mà còn phát triển nữa. Ðiều đó là điều rất đáng mừng vì chúng ta đang đi gần lại được những giáo lý căn bản thực tế mà đức Phật đã tuyên dạy.
            Sự phát triển PGNT rõ rệt nhất là sự hình thành khắp nơi từ Miền Trung cho đến Miền Nam. Những ngôi chùa Nguyên Thủy với những khóa Tu Thiền và giảng dạy của các bậc cao Tăng càng làm cho giáo lý Phật Giáo Nguyên Thủy thấm nhuần trong tâm tư của người con Phật nhiều hơn.
            Ngôi chùa đầu tiên được xây dựng năm 1940 là Tổ Ðình Bửu Quang ở Gò Dưa, Thủ Ðức. Sau đó là chùa Kỳ Viên 1949 ở quận 3 Saigon. Chùa Giác Quang 1950 ở Bình Dông, Chợ Lớn. Ở Huế chúng ta có chùa Thiền Lâm, Tăng Quang, Ðịnh Quang và Huyền Không.  Ở Ðà Nẳng có chùa Tam Bảo Tự. Hội An có chùa Nam Quang, Quảng Ngãi có chùa Tăng Bảo. Bình Ðịnh có chùa Huệ Quang.  Phan Thiết có chùa Bình Long. Ðà Lạt có chùa Pháp Quân. Ðồng Nai có chùa Phước Sơn. Tam Bảo Thiền Viện ở Núi Lớn, Vũng Tàu. Chùa Pháp Bảo ở Mỹ Tho. Gia Ðịnh có nhiều chùa hơn: Chùa Nguyên Thủy ở Giồng Ông Tố, Thủ Ðức; chùa Nam Tông ở An Dưỡng Ðịa, Phú Lâm; chùa Bửu Long, Thủ Ðức; Chùa Từ Quang, Phổ Minh, Pháp Quang, Pháp Luân ở Gò Vấp; Chùa Phật Bảo và Chùa Bửu Thắng ở Tân Bình... Với số lượng các chùa không phải là nhỏ đó đã chứng minh cho sự hồi sinh và phát triển của Nguyên Thủy Phật Giáo tại Việt Nam.
            Ðạo Phật đã đi vào lòng dân tộc gần 2000 năm nay bằng con đường Ðại Thừa Phật Giáo, với những đóng góp vô cùng to lớn qua những triều đại vàng son làm cho Phật Giáo hưng thịnh và cho dân tộc an lạc, phú cường. Ðào tạo nên những nhân vật lỗi lạc, những vị cao Tăng, những nhân tài lưu danh hậu thế. Bên cạnh những ích lợi đó, chúng ta còn được một số sản phẩm vĩ đại về những ngôi chùa cổ thể hiện nét văn hoá đặc thù của dân tộc. Những ngôi chùa xây dựng lâu đời nhất vẫn còn như chùa Pháp Vân (Chùa Dâu) vào thế kỷ thứ hai sau Tây Lịch. Chùa Keo, Chùa Dậu, Chùa Bút Tháp, Chùa Mía, Chùa Thầy, Chùa Tây Phương ... cho đến nay trở thành những danh lam cổ tự mà mỗi khi nhìn thấy cái mái ngói rong rêu trên những đường nét cong cong cổ kính khiến cho chúng ta chạnh lòng nghĩ đến công ơn các vị Thầy Tổ trong giai đoạn kỹ thuật còn thô sơ, rất thiếu thốn mà đã khổ công xây dựng được những nơi chốn tôn nghiêm để phụng thờ chư Phật và hoằng hóa Ðạo mầu.
            Phải công nhận rằng Ðại Thừa Phật Giáo đã có công rất lớn trong việc truyền bá đạo Phật một cách rộng rãi vì như chúng tôi đã nói ở trên, Ðại Thừa giúp cho con người tu tập chỉ cần dựa vào đức tin để cầu xin sự giúp đỡ từ bên ngoài của các vị Bồ Tát là những biểu trưng cho các hạnh nguyện cứu độ chúng sanh.
            Chẳng hạn như sau khi thân hoại mạng chung, muốn được sanh vào cảnh giới an lạc thọ nhàn thì phải thường xuyên niệm danh hiệu Phật A Di Ðà để được tiếp dẫn vãng sanh về cảnh Tây Phương Tịnh Ðộ. Muốn được tai qua nạn khỏi, thoát cảnh khổ đau thì niệm hồng danh Quan Thế Âm Bồ Tát. Muốn tật bệnh tai ách tiêu trừ thì niệm Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Phật. Ngoài ra còn có Văn Thù, Phổ Hiền, Ðịa Tạng Vương Bồ Tát cũng là những vị Bồ Tát được phái Ðại Thừa tô tạo cho hàng tín đồ dựa vào mà cầu nguyện dễ dàng.
            Do đó hàng Trưởng tử Như Lai, Hành Như Lai Sứ, Tác Như Lai Sự, cần phải biết dung hòa giữa Nam Tông và Bắc tông để rút tỉa những ưu điểm của mỗi hệ phái hầu đem lại lợi ích cho nhân loại chúng sanh như lời kêu gọi của Ðức Phật và được xem như Thông Ðiệp Truyền Giáo đầu tiên:
            - Này hởi các Tỳ Kheo ! các con hãy ra đi đem lại sự tốt đẹp, đem lại hạnh phúc cho nhiều người. Vì lợi ích của Chư Thiên và nhân loại, các con hãy ra đi. Hãy công bố đời sống thiêng liêng và cao thượng vừa toàn thiện vừa trong sạch. Không nên dẫm hai bước chân lên cùng một con đường. Như Lai cũng sẽ ra đi về hướng Uruvela để hoằng dương chánh pháp.
            Trên cuộc hành trình đi tìm cầu giải thoát, chúng tôi nghĩ rằng Ðại Thừa Phật Giáo là con thuyền đưa con người qua sông để chúng ta tìm đến với đạo Phật.  Khi đã sang sông rồi chúng ta phải để lại con thuyền bên bờ sông mà tiếp tục bước đi trên chính đôi chân của mình để tìm đến nơi đích thực giác ngộ như lời Ðức Phật đã chỉ dạy :
            - Chỉ có ta là nơi nương tựa, là hải đảo của chính mình!
            - Tất cả các pháp hữu vi đều vô thường. Hãy tận lực chuyên cần để thành đạt giải thoát
            Hôm nay chúng ta đã thực sự bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên của khoa học và sự hiểu biết. Khoa học càng tiến bộ, càng xác minh cho những chân lý chắc thật mà Ðức Phật đã tuyên thuyết cách đây hơn 2500 năm. Ðạo Phật là đạo của Trí Tuệ. Quả thật như vậy, Ðức Phật luôn luôn nhắc nhở chúng ta phải suy nghiệm cẩn trọng mọi điều trước khi đi đến đức tin thì niềm tin đó mới thực sự vững chắc. Ðạo Phật ngày nay đã được truyền bá khắp năm châu, bốn biển. Nhiều sắc dân trên thế giới đã quy ngưỡng, đã tìm đến với đạo Phật để tìm chút an lạc tự thân với những phút giây tọa thiền tĩnh lặng.
            Muốn biết rõ cuộc đời của Ðức Phật, muốn tìm hiểu kho tàng Pháp bảo vô giá mà Ðức Phật đã để lại không gì đơn giản và dễ hiểu hơn là tìm về với nguồn gốc ban đầu là Nguyên Thủy Phật Giáo. Những người Tây Phương cũng như những thành phần trẻ trí thức nghiên cứu và tìm hiểu đạo Phật họ đều phải nhờ vào kinh điển Nguyên Thủy mới thấy rõ sự chắc thật của giáo lý, thấy gần gủi, thấy hạnh phúc an lạc ngay trong hiện tại. Ðức Phật có bài kinh Mangalasutta(Hạnh Phúc kinh) giảng về 38 Pháp Hạnh Phúc là Ngài muốn giúp cho chúng ta biết sống thực tế để thấy hạnh phúc thật sự.
            Kinh Pháp Cú (Dhammapàda) cũng dạy:
            - Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình. Tự thắng mình là chiến công oanh liệt nhất.
            Tự kiểm soát mình là chìa khóa mở vào cửa hạnh phúc! Ðúng thật như vậy. Với đời sống hiện tại này thì lời dạy của Ðức Phật chính là những lời vàng mà ai có tâm muốn lắng nghe. Muốn có đời sống an lành giữa kiếp nhân sinh đầy phiền trược thì hãy tự tìm đường về với chính mình, về với chân tâm thanh tịnh mà bao lâu nay ta đã lãng quên.
            Hôm nay chúng ta có nhân duyên được hạnh ngộ với Nguyên Thủy Phật Giáo dù thời gian chỉ mới hơn nữa thế kỷ nhưng chắc chắn đây là con đường sẽ mang lại cho chúng ta, nếu không được giác ngộ hoàn toàn thì ít ra trong cuộc sống mỏng manh, vô thường, chúng ta cũng có được sự bình thản, an vui nhờ vào công năng quán tưởng và giữ tâm tĩnh lặng. Chúng ta là những người con Phật biết ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Bởi vì hạnh tri ân và báo ân cũng là một trong những điều đức Phật thường dạy. Nên chúng ta luôn luôn ghi nhớ và suy niệm ân đức của các Ngài Bửu Chơn, Thiện Luật, Giới Nghiêm ... nhất là ngài Hộ Tông, người được xem như là vị Tổ Khai Sơn Phật Giáo Nguyên Thủy Việt Nam.                          
            Chicago, 24 tháng 2 năm 2000
-- o0o --