Nghệ Thuật Trau Giồi Tâm Niệm
Trúc Giao ghi
--o0o--
 
Trau giồi tâm niệm là một phương thức làm phát khởi lên sự hay biết sắc bén có quan hệ đến bản thân chúng ta. Bốn Niệm Xứ tức là:
a- Thân Niệm Xứ: Nhìn lại bản thân của mình, và tự biết rằng thân mình là xác thịt của cha mẹ sinh ra, ở trong và ngoài thân đầy dẫy những chất dơ bẩn, không có chút gì gọi là sạch sẽ. 
b- Thọ Niệm Xứ: Nơi thọ mạng, quán tưởng lẽ thọ khổ. Thọ là sự cảm đối với hai cảnh khổ, vui. Cảnh vui theo cái nhơn duyên của cảnh khổ mà sanh ra cảnh khổ. Cảnh vui, trên cuộc đời nầy không có cảnh vui thật sự, cho nên quán tưởng và thấy đó là thọ khổ.
c- Tâm Niệm Xứ: Niệm nơi tâm mình, quán tưởng tâm mình không thường, Tâm mình là tâm thức của những căn: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân ý... mỗi giây sanh diệt, không lúc nào trụ, cho nên quán tưởng lẽ vô thường.
d- Pháp Niệm Xứ: Quán tưởng các pháp không có thực thể. các Pháp không có cái tánh tự chủ, tự tại cho nên quán tưởng là không có, không thật của sự vật.
Là điều kiện căn bản giúp cho chúng ta hay biết rõ ràng đối tượng, có khả năng khơi động năm căn và năm lực, bảy giác chi... trong việc trau dồi tâm niệm:
            a- Năm Căn
Tín Căn: Lòng tin Tam bảo
            Tấn Căn: Lòng dõng mãnh tu tập ác thiện pháp
            Niệm Căn: Ý niệm về chánh pháp
            Ðịnh Căn: Tâm suy xét một cách cẩn mật không thất thoát.
            Tuệ Căn: Sự suy xét và thấu rõ chân lý.
            b- Năm Lực
            Khi một người đã có năm căn mà dốc lòng chuyên cần thì tự đó sẽ phát sanh năm lực:
            Tín Lực: Cái Tín căn tăng trưởng có sức phá tan những sự tà tín, dối trá.
            Tấn Lực: Tinh tấn căn tăng trưởng phá tan cái tâm giải đãi
            Niệm: Niệm căn tăng trưởng phá tan những tà niệm
            Ðịnh: Ðịnh căn tăng trưởng phá tan những loạn tưởng
            Tuệ: Tuệ căn tăng trưởng phá tan những điều mê hoặc trong Tam Giới.
            Như thế thì Bốn Niệm Xứ là con đường duy nhất để chúng ta tự thanh lọc tư tưởng của chính mình, để loại trừ những buồn phiền, bực tức, đau khổ, thất vọng, từ đó có thể đạt đến chánh đạo và chứng ngộ sự an lạc.
            Mặc dầu điểm chính yếu ở đây là bốn niệm và sự chú tâm hay sự quan sát, nhưng yếu tố giúp chúng ta có thể giữ cho tâm an trụ, hay thành tựu tâm định, là nhờ sự phối hợp ba yếu tố của Bát Chánh Ðạo là:
- Chánh Tinh Tấn,
- Chánh Niệm,
- Chánh Ðịnh.
Ba yếu tố nầy liên quan rất mật thiết. Tuy nhiên trong ba yếu tố nầy niệm là quan trọng hơn hết. Bởi vì không có niệm thì công trình tu tập khó có thể đạt đến trạng thái vắng lặng, và thiền tuệ.
Nếu không có chánh niệm tối trọng yếu nầy ta không thể, hoặc là khó nhận ra những suy tư thầm kín, những đối tượng của giác quan, và chúng ta cũng không thể hay biết đầy đủ tác phong con người thật của chính chúng ta.
Một người được gọi là có chánh niệm, khi chúng ta thấy người ấy luôn luôn làm chủ lấy mình, để tự mình có thể tránh xa sự ồn ào náo nhiệt, giữ gìn không để tâm hồn mình lạc lõng vào những sai lạc thị phi của trần thế, và họ luôn luôn không để tâm vào những điều bất thiện. Khi tâm không sai lạc thì trong đó ta biết đã có những chất liệu và chí nguyện lợi tha, những tư lương nầy có thể hướng dẫn chúng ta trên con đường chân chánh, trong sạch và tự do.
            Chánh niệm chắc chắn sẽ làm tăng trưởng năng lực quan sát của Chánh Kiến và Chánh Tư Duy, đồng thời cũng có thể hỗ trợ làm cho yếu tố nầy trở nên sâu sắc. Hiểu biết và Tư Duy được có trật tự cũng nhờ Chánh Niệm.
Bài kinh Bốn Niệm Xứ chỉ dạy tận tường và rành mạch làm cách nào một hành giả có thể hay biết:
- Luồng tư tưởng của mình,
- Giác tỉnh
- Theo dõi
- Ghi nhận
- Quan sát mỗi ý nghĩ của mình.
- Tư tưởng tốt cũng như tư tưởng xấu
- Thiện hay bất thiện.
Nội dung bài kinh cảnh giác chúng ta đừng lãng quên, mơ mộng, mà thúc dục chúng ta nên luôn luôn giữ tâm chú niệm.
Trong thực tế, một hành giả chuyên cần tu niệm sẽ ghi nhận rằng chính nhờ kinh Tứ Niệm Xứ làm cho ta:
- Giác tỉnh hơn,
- Quyết tâm hơn,
- Thận trọng và chánh niệm nhiều hơn.
            Như thế chánh niệm không những giúp ta thành đạt tâm an trụ, mà còn đưa đến sự hiểu biết chân chánh và có một lối sống chân chánh.
Chánh niệm là một yếu tố quan trọng trong tất cả hành động của chúng ta, dầu đó là:
- Hành động trong cuộc sống hằng ngày thế gian,
- Thuộc về vật chất
- Hoạt động tinh thần,
- Tâm linh siêu hình
- Lãnh vực xử thế có tính cách đạo đức.
            Như vậy chúng ta thấy rằng thực tập thiền không phải là đào tẩu, trốn trách nhiệm, tách rời khỏi cuộc sống và xã hội, cũng không phải là tự hành hạ bản thân, mà là một hình thức tốt đẹp của đời sống lý tưởng.
Muốn cảm nhận những huyền dịu nầy, chỉ khi nào chúng ta chịu ngồi xuống hành thiền, chúng ta mới có thể tự tìm hiểu và phân tách bản thân mình một cách đầy đủ và chân thật, và chừng ấy khái niệm về kẻ thân người thù không còn nữa. Khi không còn trạng thái phân biệt kỳ thị như thế thì chúng ta sẽ cùng sống chung với nhau trong tinh thần đồng thể đại bi của chư Phật.
Trong lúc ngồi định tâm như vậy chúng ta chỉ còn thấy hai dòng sông trôi chảy đó là tâm linh và vật chất.
Quán chiếu cho tường tận chúng ta thấy trong hai dòng sông đó tuyệt nhiên không có cái gì là một thực thể đơn thuần và thường còn.
Từ đó nhìn trên phương diện nầy thì chúng ta sẽ thấy đời sống không có phương đông hay phương tây, mà chỉ còn là một tiến trình vượt qua khỏi mọi giới hạn giai cấp, chủng tộc, màu sắc, tín ngưỡng và không gian.
Vậy ta hãy cố gắng thành thật, thẳng thắn để tự nhìn mình, ghi nhận những cảm giác của mình và những tư tưởng của mình một cách sáng suốt.
Hãy cố gắng nhìn thấy mình đúng như con người thật của mình là vậy, chớ không phải thấy mình như bề ngoài người khác thấy mình có vẻ như vậy.
Ðiều nầy chỉ có thể thực hiện được khi mà chúng ta hết lòng thành thật và tin tưởng nơi ta.
Trong công trình hành thiền như Ðức Phật dạy:
- Mở rộng tâm trí
- Tìm tòi quan sát một cách thẳng thắn về con người thật của mình là điều kiện tối cần thiết, không thể thiếu.
Thiếu điều nầy một người sơ cơ sẽ không thể đặt nền tảng vững chắc cho những sự tu tập lâu dài. Rất có thể đi vào con đường tà đạo
Mỗi cá nhân chúng ta ai cũng đều có một cá tánh riêng biệt, thì mỗi cá nhân chúng ta phải tự lo tìm hiểu mình chớ không phải tùy thuộc vào sự chỉ dẫn của một đấng siêu nhiên nào đó giúp chúng ta. Ngoại trừ chúng ta tự chấp nhận những phương pháp tu tập để tự hiểu mình.
Pháp hành thiền quả thật là quan trọng, bởi vì nhờ hành thiền mà ta có thể mở khóa cửa bước vào những bí ẩn, sâu thẳm của nội tâm mình.
Như quý vị đã biết Bốn Niệm Xứ là căn bản có thể giúp chúng ta trau dồi tâm niệm và hiểu rõ cuộc sống tâm linh, giúp chúng ta đạt đến chính kinh nghiệm của đời sống. Ðể từ đó có thể khám phá những tật bệnh sâu kín trong tâm trí con người, và giải thoát cái tâm ra khỏi mọi ràng buộc trong cuộc sống hiện tại.
Niệm Xứ đầu tiên là pháp niệm thân, hay đây là Pháp Quán Chiếu thân thể.
- Trước hết quán niệm về hơi thở. Quán niệm hơi thở là phương cách phát khởi ý thức về hơi thở. Khi thở vào, ta biết là ta đang thở vào. Khi thở ra là ta biết ta đang thở ra. Thực tập như thế hơi thở ta trở thành có ý thức.
Trong khi thở vô ba lần đầu tiên, hãy tưởng tượng rằng ta đem vào trong con người chúng ta tất cả những gì tốt đẹp, cao cả và trong sạch bên ngoài của vũ trụ.
Khi thở ra ba lần đầu tiên, hãy tưởng tượng là ta đang vứt bỏ tất cả những ưu tư những tư tưởng đầu độc, tất cả những gì xấu xa thấp hèn và nhơ bẩn bên trong chúng ta.
Ðó là phương cách chuẩn bị thân tâm để thực hành pháp hành thiền.
Như thế khi ngồi lại hành thiền, chúng ta hãy tập cho thân tâm của chúng ta an nghỉ hẳn, đồng thời hãy tự tách rời ra khỏi những sinh hoạt của thế gian. Những sinh hoạt có tính cách khích động tâm tư, môi trường ồn ào rộn rịp và căn thẳng của nó.
- Kế đến là theo dõi hơi thở có nghĩa là tâm phải chú tâm trong suốt chiều dài của hơi thở đừng để một tạp niệm nào xen tạp. Tạp niệm ở đây có nghĩa là những tư tưởng, những ý niệm xấu, và cả những tư tưởng, những ý niệm tốt, nhưng không liên hệ gì đến việc thực tập hơi thở.
- Tiếp theo là sự phối hợp giữa giữa thân và tâm. Có nghĩa là đến giai đoạn nầy không còn đơn thuần là hơi thở nữa mà là một sự phối hợp giữa thân, tâm và hơi thở, như trong kinh Phật dạy:
- Tôi đang thở vào và có ý thức rõ rệt về toàn thân tôi.
Khi đã thực tập đưa thân tâm và hơi thở về một mối thì đó là trạng thái toàn vẹn nhất của con người chúng ta.
- Kế tiếp đến là thực hiện sự an tịnh trong toàn thân. Khi cơ thể ta thiếu sự an hoà thì tâm ta khó mà an tịnh, vì vậy ta phải dùng hơi thở để giúp cho sự vận hành của cơ thể được điều hoà và an tịnh trở lại. Nếu hơi thở ta hổn hển đứt quảng thì ta không thể nào làm được việc ấy. Vì thế trước hết ta phải điều hoà hơi thở, thở ra và thở vào nhẹ nhàng và liên tục. Khi hơi thở bắt đầu điều hòa thì cơ thể cũng bắt đầu điều hoà.
Lúc nào ta cũng thở ra thở vô, thở một cách tự nhiên. Bình thường không mấy ai để ý đến hơi thở. Nhưng khi hành thiền theo pháp niệm hơi thở thì điều chánh yếu là chúng ta phải chú niệm và hay biết hơi thở. Cái hơi thở mà chúng ta thở vô hay thở ra phải được ghi nhận và quan sát.
Sự chú niệm nầy làm cho thân trở nên yên tĩnh và được chuẩn bị sẳn sàng để công trình hành thiền tiến sâu thêm, nhằm tăng trưởng năng lực của tâm định và sự vắng lặng.
Hiện nay các nhà tâm lý học đã xác nhận giá trị và tầm quan trọng của sự chú niệm vào hơi thở sẽ làm êm dịu sự căng thẳng của thể xác và tâm linh.
Sự thực tập nầy hết sức đơn giản, rất là dễ làm, nhưng hiệu quả rất lớn lao. Bí quyết của sự thành công là ở chỗ trong khi thở ta chỉ để tâm tới hơi thở mà thôi, chúng ta không để tâm vào một đối tượng nào khác. Giả dụ khi chúng ta đang thở nửa chừng mà chúng ta nghĩ đến một việc khác, thì tâm ta bị tán loạn, ta đã bỏ rơi hơi thở vào việc khác. Do đó hơi thở vào kia không trọn vẹn là một hơi thở có ý thức, và niệm xứ không thành công.
Muốn thành công, tâm ý ta phải theo dõi lấy hơi thở trong suốt quá trình của nó, trong thời gian theo dõi hơi thở, tâm ta chỉ để ở hơi thở thôi, và tâm ta hoàn toàn là một với hơi thở. Ðó là ý nghĩa quán niệm thân thể trong thân thể
Ai cũng có thể thành công khi thực tập một hơi thở có ý thức. Nếu ta tiếp tục thở như thế được mười hơi và tâm ta không tán lọan, ấy là ta đã bước được một bước đáng kể trên đường thực tập. Thực tập như thế được mười phút thì ta sẽ thấy một sự đổi mới trong ta, như thế chúng ta  đã có thể được gọi là có tiến bộ.
Ðây là phương pháp hành thiền rất phổ thông và được nhiều người ưa thích hành theo trên khắp thế giới, vì pháp nầy có thể thích hợp với nhiều người trong việc thực tập lắng tâm cũng như gom tâm an trụ. Pháp nầy xưa kia cũng được Ðức Phật áp dụng khi Ngài tận lực hành trì để chứng đạt đạo quả Vô Thượng Toàn Giác dưới cội Bồ Ðề, và chính Ðức Phật cũng quả quyết khẳng định tầm quan trọng của pháp hành thiền nầy. Pháp hành thiền nầy được diễn tả là làm cho có tâm thực tập có đươc trạng thái an lạc cao thượng, tinh khiết, và sống hạnh phúc.
Theo pháp hành thiền nầy ta cần phải ở thế ngồi. Ngồi thẳng lưng, tréo hai chân. Có thể là tư thế bán già, kiết già, hoặc ngồi tự do, nhưng không gồng cứng mình, giữ tâm chú niệm vào giác tỉnh.
Vì hai chân tréo khóa cứng lại hay vì nền nhà cứng, đôi khi ta cảm nghe không được thoải mái, và như vậy tâm bị chi phối, không gom lại được.
Vì thế chúng ta có thể ngồi trên một cái ghế có dựa thẳng. Dầu ngồi thế nào, đặc biệt trong pháp hành thiền nầy không phải như các pháp hành khác, ta phải giữ thân mình và đầu ngay thẳng không nghiêng ngã bên nào.
Ta nên ngồi cách nào cho được thoải mái, nhưng không nên dựa lưng hay nằm xuống để tránh khỏi buồn ngủ. Hai tay có thể gác trên vế hoặc tay mặt đặt trên tay trái, cả hai tay đều lật ngửa lên. Mắt có thể nhắm hi hí lại phân nửa hoặc nhắm kín luôn một cách tự nhiên, không có cố gắng. Hai môi ngậm lại và giữ lưỡi sát hàm trên.
Tất cả những chi tiết nầy cho thấy rằng người hành thiền cũng cố gắng điều phục thân, và thân điều phục sẽ giúp tâm chú niệm và an trụ.
Giữ thân càng bất động càng tốt, tâm phải giữ giác tỉnh và quan sát sâu sắc. Thân và tâm giữ làm sao cho thư thả không nên căng thẳng quá độ.
Pháp hành thiền là một công phu thực nghiệm. Người hành thiền che chở, giữ gìn ngũ quan của mình và chế ngự dục vọng bằng tâm chú niệm, và dành tất cả năng lực mình để trau dồi tâm trí
Sự hành thiền đều đặn vào những giờ giấc nhất định của mỗi ngày thì đó chính là những yếu tố giúp chúng ta thành công trong pháp hành thiền.
Thực tập thiền là một nghệ thuật trau dồi tâm niệm, là việc làm có tính cách thực tiễn, là một phương thức trị liệu có ý nghĩa lợi ích cao cả cần được giới thiệu rộng rãi đến mọi người mọi giới. Pháp nầy không phải chỉ phát huy kiến thức suông, mà để tự giải thoát khỏi bợn nhơ tinh thần và đạt đến sự trong sạch và vắng lặng, tự tại của tâm linh.
-- o0o --