Duyên Tình & Văn Học Nhân Gian
Bạch Y Thư Sinh
                 Tiếng nói là biểu hiện của tâm hồn. Một tâm hồn cao thượng thì tiếng nói sẽ thanh thoát, bao hàm những lời hay, ý đẹp. Có lúc những lời hay ý đẹp đó được thay đổi cách điệu để chuyển thành những câu ca tiếng hát từ nơi quần chúng, và được ghi lại trong phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam. Nó không phải chỉ tỏ tình mà còn tỏ ý, có tính cách giáo dục, chỉ vẽ cho con người mọi lẽ sống ở đời, không những chỉ trong phạm vi gia đình, mà ngoài cả xã hội cũng như thế.
Ðó là sản phẩm quý giá và là quốc hồn quốc túy của Việt Nam. Dân tộc Việt Nam mãi cho đến ngày nay còn một chút gì đó hãnh diện phần nào, có thể nói một phần cũng do câu ca tiếng hát đó.
            Tình yêu của con người Việt Nam biểu hiện trong Văn Học Nhân Gian về nhiều mặt:
- Tình yêu đồng rộng,
- Tình yêu đất nước,
- Yêu giai cấp
- Yêu thiên nhiên
- Yêu hoà bình...
Không những thế Văn Học Nhân Gian còn biểu hiện tư tưởng đấu tranh của người Việt Nam trong cuộc sống xã hội, trong khi tiếp xúc với thiên nhiên và còn biểu hiện sự trưởng thành của tư tưởng ấy qua các thời kỳ lịch sử.
Do cảm xúc mà từ một ngôn ngữ bình thường được chuyển đổi cách điệu để trở thành lời ca, nên tính tình và tư tưởng của nhân dân Việt Nam được biểu lộ ở trong Văn Học Nhân Gian không những làm cho người đọc thông cảm tình yêu thắm thiết mặn nồng của họ, mà còn cho thấy phẩm chất của họ trong các cuộc đấu tranh thiên nhiên, đấu tranh xã hội. Cho thấy họ đã vất vả như thế nào trong việc chế ngự được thiên nhiên. Hào hùng như thế nào trong khi thu được thắng lợi. Họ đã vượt qua những ngang trái ở đời như thế nào, và đã vươn lên không ngừng như thế nào để giành lấy hạnh phúc. Tìm hiểu được những điều đó, chúng ta sẽ thấy được tính chất độc đáo của nền Văn Học Nhân Gian.
            Ngày xưa giai cấp thống trị Việt Nam dùng triết lý Khổng Mạnh, lấy luân lý Khổng Mạnh làm những sợi dây tinh thần để trói buộc tình cảm con người. Ðối với thanh niên, luân lý Khổng Mạnh cứng ngắc, khô đọng, thiếu sinh khí như được diễn tả trong truyện Lục Vân Tiên lúc Nguyệt Nga bị nạn, nhờ Lục Vân Tiên cứu thoát, nàng ta định bước ra khỏi rèm che để cảm tạ thì Vân Tiên vội vã bảo:
- Khoan khoan ngồi đó chớ ra
Nàng là phận gái ta là phận trai.
Nàng là con gái, ta là con trai thì đã sao? Ðâu phải gái, trai rồi không tình cảm, trong khi đó, tuổi thanh niên là tuổi tràn đầy nhựa sống, là tuổi mộng mơ tha thiết yêu đương, nhưng đối với tình yêu nam nữ, kỷ cương của thời phong kiến rất độc đoán. Ðộc đoán nhưng vẫn không ngăn được tình yêu nam nữ. Nghĩa là lúc Kiều Nguyệt Nga muốn bước ra để đáp tạ thâm ân người đã cứu mình, nhưng Lục Vân Tiên ngăn cản, lúc dó Nguyệt Nga chỉ viết giấy gởi ra. Sau khi đọc thơ Vân Tiên hiểu được ý của Nguyệt Nga muốn nói gì:
- Xem thơ biết ý gần xa,
Mai hòa vận điểu, điểu hòa vận mai.
Vì những luân lý độc đoán khắc nghiệt, nên việc hôn nhân, việc lập gia đình của thanh niên nam nữ thời xưa đều hoàn toàn do cha mẹ định đoạt. Do đó Văn Học Nhân Gian đóng một vai trò làm mới lại tinh thần trong mỗi con người:
            Ðối với tuổi trẻ:
            - Văn Học Nhân Gian là những bài hát có tính cách giáo huấn vô giá, những câu ca tràn đầy nhựa sống, và yêu đời từ thành thị cho đến tận hang cùng ngõ hẻm của những thôn xóm làng xa xa....
            Ðối với người lớn:
- Văn Học Nhân Gian là thứ ngôn ngữ văn chương, là quốc hồn quốc túy cần được nghiên cứu, phổ biến một cách sâu rộng.
            Ðôi với người già
- Văn Học Nhân Gian còn được coi là một trong những nguồn tiêu dao kỳ thú, trong khi càng đọc càng thấy được tâm tình bộc lộ hay tế nhị của con người Việt Nam qua bao nhiêu triều đại đổi thay.
Chúng ta phải hãnh diện vì được làm con cháu của dân tộc Việt Nam, dòng giống rồng tiên. Như thế, muốn hiểu biết về tình cảm của con người Việt Nam dồi dào, thắm thiết và sâu sắc đến mức độ nào, và rung động nhiều hơn cả về những khía cạnh nào của cuộc đời thì không thể nào không nghiên cứu Văn Học Nhân Gian.
Như vậy, ngoài sự biểu hiện đời sống tình cảm, đời sống vật chất của con người, Văn Học Nhân Gian còn phản ảnh ý thức và tình hình xã hội thời xưa về mặt kinh tế, chính trị, gia đình, tình cảm con người. Như chúng ta ai cũng biết, nói về Văn Học Nhân Gian là nói về cái tính đa dạng của nó, nhưng ở đây chúng tôi xin được nhắc đến khía cạnh trữ tình trong những dịp hội hè đình đám:
- Ðã đi đến chốn thì chơi
Ðã đi đến chốn tiếc lời làm chi
Nghe anh là khách tài hoa
Mời anh hát đáo một vài trống canh
Có lá mà lại có cành
Có em mà lại có anh mới tình.
A- Chọc Ghẹo
Nhóm Nam
Thường thường lúc nào cũng thế, khi mở đầu cho những cuộc đối đáp, có những câu chọc ghẹo, châm chọc không dễ chịu, nhưng cũng có những câu mời mọc trữ tình rất dễ thương, chẳng hạn như: Thấy các cô nho nhã mời mọc các chàng trai, như có có một cái gì ôn nhu, dễ chịu nên họ đã không tiếc lời ca ngợi:
- Người thanh nói tiếng cũng thanh
Thấy em lịch sự lòng anh cũng mừng
Ðêm trăng sáng chỉ có chừng
Ðôi ta gặp mặt thì đừng xa nhau.
Bên cạnh những chàng trai nho nhã tế nhị, biết thưởng thức lời nói ôn nhu và cử chỉ diu hiền của các cô, chúng ta còn thấy có những chàng trai không được khéo. Vì họ đã đến đây, tất nhiên họ có quyền phát biểu:
- Tháng tám anh đi chơi xuân
Ðến đây có hội trống quân anh vào
Trước khi hát, có lời rao
Không chồng thì vào, có chồng thì ra
Có chồng thì phải tránh xa
Không chồng thì được lân la tới gần.
Nhóm Nữ
Ðã lịch sự mời các chàng trai tham gia vào cuộc chơi mà họ còn ra điều kiện. Ðây cũng là yếu tố làm cho các cô không thích cho mấy, nên cũng đã có cô trả lời dứt khoát:
- Trò chơi em lập lên đây
Mời anh, các bạn về đây chơi cùng
Cùng vui dưới ánh trăng trong
Có con cũng hát, có chồng cũng chơi
Có con cũng vẫn yêu đời
Có chồng cũng vẫn thích chơi một mình.
            Những trò chơi trong làng ai cũng có quyền tham dự, nhưng khi thấy mình bị coi thường nên các cô không vui. Có những cô tế nhị dễ thương trả lời:
- Hội vui nầy các cô là người tổ chức, còn các anh là người được mời đến tham dự, vì thế mà các anh không có quyền mời hay đuổi bất cứ một ai.
Tuy nhiên có cô cũng vì tâm tình không vui và đã thốt lên những lời thiếu khiếm nhã ngay cả việc chỉ trích những người con trai mặt dày, không biết tự trọng, được người ta mời tới mà còn làm cao:
            - Mấy người chép miệng thở dài
Suốt đời sầu khổ trai ai hẹn hò
Những người phinh phính mặt mo
Chân đi chữ bát, thì cho chẳng màng.
            Không những các cô chê mặt mo, mà họ còn châm chế là già mà còn mất nết, không lo yên phận ở nhà với cháu nội, cháu ngoại mà còn vác xác tới đây để dê đám trẻ con:
            - Ông thánh cũng có khi lầm
Huống chi con gái chín mươi tuổi đầu
Ông ơi, chả lấy ông đâu
Ông đừng cạo mặt sửa râu tốn tiền.
Nhóm Nam
Thông thường, người con gái đẹp hay không đẹp, ai cũng tự hào về nhan sắc của mình. Vì thế có những cô tương đối có nhan sắc thì cũng hay ỷ lại vào sắc đẹp của mình, cho nên các cô coi thường tất cả những đám trai làng tay lấm chân bùn. Ðành rằng cuộc sống nông nghiệp thì phải cần cù, tay lấm chân bùn, nhưng không phải vì thế hoàn toàn vô dụng, mà bên cạnh đó người ta cũng thấy có nhiều anh cũng đẹp trai và cao tay ấn:
            - Men tình không uống mà say
Nợ tình phải gặp, như vay bao giờ
Mẫu đơn trông đẹp khó ngờ
Nhưng lòng đâu biết tôn thờ ra sao
Thôi đừng bắc bực làm cao
Phèn chua anh đánh nước nào cũng trong.
Theo quan niệm nhân gian trai lớn cưới vợ, gái lớn lấy chồng đó là việc bình thường. Ngoài những tục lệ tảo hôn, thường thì cỡ tuổi để được người đời gọi là lý tưởng trong việc cưới gả, là cỡ tuổi mười tám, đôi mươi. Con gái đến cỡ tuổi nầy, mà không có nơi dạm hỏi thì quả là một điều lo ngại, vì sợ ế chồng. Vì biết trong số những người con gái nầy, có cô cũng không còn trẻ trung gì, do đó đây cũng là cơ hội để cho đám trai làng chọc ghẹo:
- Một mình lo bảy lo ba
Lo cau trổ muộn lo già hết duyên
Còn duyên còn bến còn thuyền
Hết duyên bến vắng đợi thuyền không đưa.
            Việc chọc ghẹo cũng tùy thuộc vào cá tánh của mỗi con người. Có những người tế nhị, và có những người cũng thô lỗ. Có những người không khoe khoang, mà có người cũng thích khoe của. Như anh trai làng nầy vì mê gái mà hy sinh cả tài sản của mình:
- Mình rằng mình chỉ lấy ta
Ðể ta bán cửa bán nhà ta theo
Còn một cái cối đâm bèo
Ðể ta bán nốt ta theo cô mình
Một mai đã bén duyên tình
Cô mình lại bán cột đình theo ta.
            Chiếc nhẫn là chứng tích của ngày cưới hỏi, thành hôn, đó là những kỷ niệm lớn trong đời của thời con gái. Khi đã nhận chiếc nhẫn là đã ký kết một hiệp ước sống chung, thì dầu cho cuộc sống có thanh nhàn hay gian khổ cũng không được than van từ chối. Muốn khoe của với các cô nàng, chàng thanh niên đã hiu hiu tự đắc về những gì mình có:
            - Vào Chùa Lạy Phật Thích Ca
Lạy ông Tam Thế, vua cha Ngọc Hoàng
Bước ra kết nghĩa cùng nàng
Anh đưa chiếc nhẫn cho nàng đeo tay
Dù ai bấm chí cô bay
Thì nàng cũng giữ nhẫn nầy cho ta.
            Nhóm Nữ
Người con gái thông thường dễ thương thì cũng rất dễ thương, nhưng cũng rất là tự phụ về tài và sắc của mình. Nếu là con nhà danh giá, cha mẹ khá thì lòng tự phụ của họ càng cao hơn, vì thế khi nghe những người trai làng chọc ghẹo, đã không những có những lời khiếm nhã, mà còn đem của ra để thị oai, họ cũng có những ngôn từ để trả lời:
            - Mưa trong đám sậy mưa buồn
Ðố anh có biết em buồn chuyện chi
Em buồn nhiều nỗi vân vi
Bạc lộn với chì, đôi chẳng xứng đôi.
Chẳng xứng đôi thì thôi bớ bậu
Chọc ghẹo làm gì cho lọt tiếng ra.
Nam vô tửu như kỳ vô phong, đó là câu nói thường của người thời đại. Tuy nhiên rượu chè mà quá độ, cũng là bác thằng bần, vì thế người con gái trước khi lên xe hoa đi theo chồng, là con nhà có gia giáo, chắc chắn sẽ được hướng dẫn kỹ lưỡng trong việc chọn lựa đối tượng. Ðặc biệt trong khi giao tiếp những người con trai từ lúc bắt đầu cho đến giờ, họ chưa thấy người con trai nào hợp nhãn của họ. Ðó cũng là đề tài được bàn thảo ở đây:
- Chê đứa nửa chai lấy thằng một xị
Bỏ đứa xấu xí lại bị thằng ngu
Chê tôm ăn cá lù đù
Chê thằng bụng phệ lấy thằng gù lưng.
Những người con trai mà rượu chè cờ bạc, không những một cô trong làng mà tất cả những con gái trong làng, họ cũng bảo nhau phải tránh cho xa những người rượu chè vô độ như thế:
- Từ rày buộc chỉ cổ tay
Chim đậu thì bắt chim  bay thì đừng
Từ rày buộc chỉ ngang lưng
Hể thấy người ấy thì đừng làm quen.
Cùng nhau chung vui trong câu hò, tiếng hát là để quên đi những mệt nhọc trong những lúc đồng áng bề bộn, nhưng lại không được như ý muốn, thôi thì đành vậy, các cô còn biết than thở với ai:
- Cũng đành thôi thế thì thôi
Cũng đành nuớc chảy hoa trôi lỡ làng.
Nhóm Nam:
Trong xã hội Việt Nam có câu:
- Trai khôn tìm vợ chợ Ðông
Gái khôn tìm chồng giữa đám ba quân.
Ðiều nầy muốn nói rằng giữa đám ba quan mà thấy người con trai có tài lãnh đạo, ăn nói, chỉ huy thì đó là đối tượng của một người chồng tốt. Ðối với người con gái mà biết đi chợ, biết nấu ăn, biết sắp xếp gọn gàn trong gia đình thì đó là hình ảnh của một người nội trợ giỏi. Một người vợ giỏi có thể gánh vác, gìn giữ giang sơn nhà chồng, trong khi đó nhìn trong đám chưa thấy một nhân tuyển nào thích hợp. Nếu có lúc bên các cô chưa tìm được tài năng của các cậu thanh niên trai làng, thì có lẽ các cậu trai làng cũng thế, cho nên các cậu không ngần ngại chỉ trích:
- Anh về hái đậu trồng cà
Ðể em đi chợ kẻo mà lỡ phiên
Chợ lỡ phiên tốn tiền thiệt của
Miệng tiếng đời cười rỡ sao nên.
Lấy chồng phải gánh giang sơn
Chợ phiên còn lỡ giang sơn còn gì?
Vì ảnh hưởng triết lý Khổng Mạnh, nên người Việt Nam có câu: Trai thời trung hiếu làm đầu, Gái thời tiết hạnh là câu trau mình. Trong tiết hạnh đó có Công Dung Ngôn Hạnh là khuôn mẫu của người phụ nữ Việt Nam. Vì thế muốn phẩm bình về phẫm cách của người con gái, người phụ nữ Việt Nam, chỉ cần căn cứ vào lời ăn, tiếng nói, cách cư xử thì sẽ biết được phần nào. Căn cứ vào những yếu tố đó, những chàng trai thấy các cô quá đèo bòng nên đã chỉ trích:
- Trèo lên cây tắc, tắc lòng
Bước sang cây bưỡi lại hòng thanh yên
Duyên sao cắt cớ hỡi duyên
Cam chanh bòng bưỡi bao phen leo trèo.
            Gái không chồng mà đã có con, theo luân lý Khổng Mạnh thì không thể chấp nhận một người con gái như vây. Nhưng dầu sao các cô cũng có quyền sống của con người, các cô vẫn có quyền đến những nơi tụ hội để tham gia. Ðó cũng là lý do các cô bị chỉ trích:
            - Tre không trồng, trồng ra nhảy nhánh
Mai không uốn uốn hẳn đơm bông
Nhìn xem con gái chưa chồng
Con dăm ba đứa, vẫn không thủ thường.
Có những chàng trai còn làm ra kẻ cả, chê các cô còn quá nhỏ, không xứng đáng để cho họ cua, nên đã thốt những lời trịch thượng:
            - Gió nam non thổi lòn hang cóc
Truyện lở rồi cạo tóc đi tu
Gió nam non thổi lòn hang chuột
Thương chị hai mày đứt ruột nát gan.
            Có những người con trai cũng tự phụ, họ coi những nguời con gái không bằng rơm rác. Vì thế mà:
            - Anh như hạt gạo trên sàng
Em như hạt tấm giữa đàng gà bươi.
Trong số những người con gái, có người thì nết na thuần hậu, nhưng cũng có người, tánh tình cũng không được đằm thắm. Ngay cả việc chồng con, họ cũng dám bỏ qua một bên, để đi đến chỗ chơi của lứa tuổi còn xuân sắc. Trên lý thuyết là thường tình của con người, tuy nhiên trên thực tế như có một cái gì không ổn thoả, nên đây cũng là cái cớ để cho đám con trai chỉ trích:
- Sáng ngày ra bến cửa Ðông
Xem một quẻ bói lộn chồng được chăng?
Ông thầy coi quẻ nói rằng
Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn.
Nhóm Nữ
Là con người như bao nhiêu con người khác, khi thấy đám đàn ông coi thường mình quá thì cũng phải giận. Một khi đã giận thì họ không cần biết văn chương, lễ nghĩa, lịch sự là gì? Miễn sao trả đũa được là họ nhất định phải trả đũa cho bằng được:
- Mồ cha đứa có sợ đòn
Miễn là lấy được chồng dòn thì thôi.
Có những chàng trai còn độc thân, tánh tình cũng rất ngạo nghễ, vì thế họ coi tất cả những người con gái hiện có mặt đều là loại bỏ chồng nằm nhà, còn mình thì đi kiếm bồ nhí. Phẩm cách các cô ở đây ai cũng giống nhau cho nên đã có những lời:
- Khăn lông thêu đẹp tợ rồng
Muốn tặng em đội, sợ chồng em ghen.
Trong số thanh, thiếu nữ tham gia vào tiếng hát câu hò, bao gồm đủ mọi thành phần, lẽ dĩ nhiên lỡ thì cũng có, và mới lớn lên cũng có, vì thế các cô đâu có chịu thua:
- Vịt bầu đòi tắm ao sen
Chồng tôi chưa có, ai ghen nỗi gì?
Duyên phận mỗi người có khác. Có người nhằm số đào hoa, một chàng trai mà năm ba cô gái theo đuổi, cũng là con trai nhưng đụng đến đâu các cô cũng chạy dài đến đó, vì thế từ làng trên cho đến xóm dưới ai cũng biết là kiếm vợ không được. Thế là làng xóm đều cho là trai lỡ thì. Anh chàng trai nầy cũng không tránh được sự mỉa mai chọc ghẹo của các cô:
- Con cá nọ, nó đà có cặp
Dẫu có câu hoài, chẳng gặp được đâu
Khuyên anh sửa lại lưỡi câu
Bắt chước Lã Vọng, câu công hầu hay hơn.
            Dưới thời phong kiến, cha mẹ đặt đâu con cái ngồi đó. Có những gia đình vì thiếu nợ phải cho con làm dâu nhà giàu. Nói là gã con cho văn vẻ một chút, nhưng kỳ thực là cho con ở đợ để trừ nợ. Trong khi đó có những cô con gái rất thông minh, thuần hậu và quý phái, nhưng vì phải vâng lệnh mẹ cha mà chịu bao điều tủi nhục:
            - Ðáng chi một chút thịt
Một tô gạo lức anh xô tôi hoài
Tiếc thay người trắng tóc dài
Cha mẹ ép gã cho người đần ngu.
            Hoặc là:
            - Ðêm nằm ngó lại mà coi
Lấy chồng hay chữ như soi gương vàng
Ðêm nằm ngó lại mà coi
Lấy chồng cờ bạc như voi phá nhà.
            Nhóm Nam
            Dẫu khôn cũng là đàn bà, dẫu dại cũng chồng, cũng thể đàn ông. Ðó là niềm hãnh diện theo quan niệm xưa thời phong kiến, cho nên dẫu cho người chồng có ngu đần đến đâu cũng được xã hội coi trọng. Nhất là con nhà giàu có lại càng được mọi người kính nể trọng vì. Thấy các cô chanh chua, nên các chàng trai cũng phải trả đủa:
            - Gió bên Ðông, động bên Tây
Tuy rằng nói đấy, nhưng đây biết rồi
Gái đâu có gái lạ đời
Chỉ còn có một ông trời không cua.
            Câu người ta thường nói:
- Có tiền mua tiên cũng được.
Vì thế những người nhà giàu họ chuyên dùng tiền bạc, phung phí, vung vãi để tìm thú vui trong phòng trà tửu điếm, nên cũng từ đó họ đánh giá nhân phẩm của người con gái quá thấp:
            - Trăm năm trăm tuổi trăm chồng,
Phải duyên thì lấy tơ hồng nào se.
Trăm năm trăm tuổi trăm chồng
Hể ai có bạc thì bồng trên tay.
Hoặc là:
- Chỉ đâu mà buộc ngang trời
Thuốc đâu mà chữa cho người lẳng lơ
Chém cha cái nước sông bờ
Tưởng rằng báng nước, ai ngờ báng con.
            Hoặc là:
- Cô kia đen thủi đen thui
Phấn đánh cả lùi, đen vẫn hoàn đen
Cô kia má tựa hòn than
Nằm đâu ngủ đấy lại toan lộn chồng.
Thực sự nếu cô gái nào đó muốn lộn chồng thì cũng coi họ có thể mượn được chồng người ta bao lâu? Chắc chắn là không lâu, vài ba canh giờ là nhiều:
- Ai trồng cây sung cho nàng ăn quả
Ai trồng bông trà cho nàng hái hoa
Áo người mượn phải cổi ra
Chồng người có mượn canh ba phải hoàn.
Thực sự, đến nơi đông người, trước là tìm vui trong tiếng hát câu hò, sau là tìm người bạn đường để có nơi nương tựa. Nhưng ai có thể biết được chữ ngờ. Bởi vì, lúc quen nhau thì thông minh đĩnh ngộ, nhưng khi về ăn ở với nhau lại trở nên lẳng lơ. Tâm trạng nầy người con trai cũng đã nói rõ:
- Lọng vàng che nải chuối xanh
Tiếc con chim phương đậu cành tre khô
Chính chuyên thì sang cũng nhờ
Rủi như em có lẳng lơ cũng đành.
Và chàng trai nói tiếp:
- Giàu trong làng trái duyên không ép
Khó đất người phải kiếp cũng theo
Hởi cô yếm thắm bùa đeo
Chồng cô cô bỏ, cô theo chồng người.
Trong số người tham gia câu hò, điệu hát, có những người sau một thời gian lấy chồng, và ly dị, nhưng họ vẫn thích sống lại thời thanh xuân, và họ cũng có mặt trong những dịp hội hè. Vì thế mà đám con trai tấn công không tiếc lời:
            - Nứa trôi sông chẳng dập thì gãy
Gái chồng rẫy không chứng nọ cũng tật kia
Chơi xuân nhưng đã hết mùa
Cắt sừng làm nghé để cua trai làng.
            Có những người có vẻ gay gắt hơn:
            - Gái phải hơi trai, như thài lài gặp cứt chó
Trai phải hơi vợ, như bò bợ mắc mưa
Gái khôn tránh khỏi đò đưa
Trai khôn tránh khỏi vợ thừa người ta.
            Những cô gái đẹp người, đẹp tính, đẹp nết không cần nói về mình nhiều, mà cũng không nên nói nhiều quá về kẻ khác. Ăn nói huyên thuyên, cũng là đề tài để cho đám con trai chỉ trích:
            - Chín người mười làng chồng đàng vợ xá
Gái thấy trai lạ như quạ thấy gà con
Nếu đẹp đã có tiếng đồn
Lọ là nhí nhảnh như trôn chích choè.
Hoặc là:
- Ở xa anh tưởng là tiên
Lại gần mới biết chính chuyên lộn chồng
Thài lài mọc cạnh bờ sông
Tuy rằng có tốt nhưng tông thài lài.
Nhóm Nữ
            Thấy đám con trai càng ngày càng nặng lời, nên các cô cũng bắt đầu thấy mình xui xẻo vì hôm nay không những gặp được người mình mong đợi, mà còn gặp đám cô hồn quấy phá. Nên có cô cũng đã than phiền:
- Số em là số ăn mày
Ba năm giặt váy phải ngày trời mưa.
Một lần gặp mười lần chừa
Tánh nết như thế ai ưa mà tìm.
            Người đời thường nói:  Tốt gỗ hơn tốt nước sơn. Ðó là câu nói một vài khía cạnh nào đó thôi, để an ủi cho những sự việc đã xảy ra rồi, hoặc để khuyên nhủ trong trường hợp người ta đang gặp phải. Tuy nhiên nếu nói về dung mạo bề ngoài, địa vị của những cô gái kén chồng thì chắc chắn họ luôn luôn nhìn lên. Dầu cho chàng trai đó bụng dạ như thế nào, điều đó không cần biết, nhưng có một bộ mã kha khá thì có thể thu hút sự chú ý của các cô một cách dễ dàng. Tuy nhiên những anh chàng có thể là lòng dạ họ rất tốt, nhưng không có được bộ vó như ý thì cũng không tránh khỏi sự chỉ trích của các cô:
- Mặt rỗ như tổ ong bầu
Hàm răng khấp khểnh như cầu rửa tay
Tay chân nhỏ như bắp cày
Cái lưng thắt đáy lại hay ăn hàng.
            Trong số thanh niên có những chàng trai chân tình, rất là chân tình, nhưng cũng có những chàng trai thuộc loại dụ dỗ để mua vui qua đường, nên các cô cũng đã cảnh giác đến các bạn đồng trang lứa:
- Chớ nghe quân tử nói òn
Mà rồi có lúc ẳm con một mình
Bên sông thanh vắng, góc đình
Có trăng có nước thấu tình mà thôi.
            Nhóm Nam
            Là con người trong xã hội, nói theo triết lý nhà Phật: Tướng tốt hay xấu tất cả đều tùy theo nghiệp tốt hay xấu mà người ấy đã tạo. Như thế dẫu cho hiện đời thọ thân xấu xí, tuy nhiên vị trí của người con trai trong xã hội đâu phải vì vậy mà sút giảm. Con người trong xã hội thời phong kiến được đánh giá bằng tiền tài danh vị, cho nên người con trai dẫu như thế nào đi nữa thì họ vẫn có ưu thế của họ:
            - Còn duyên anh cưới ba heo
Hết duyên anh đánh ba hèo đuổi đi
Ba đồng một bát nước chè
Tuy rằng em đẹp nhưng què một chân.
            Thấy các cô gái lúc nào cũng có vẻ ta đây, nên có những chàng trai không kềm chế được sự thô lỗ của mình:
            - Nồi cám treo mà heo nhịn đói
Lửa gần rơm còn nói gì ai
Con gái chơi với con trai
Rồi ra hai vú bằng hai sọ dừa.
Thường thì các cô ưa dùng son phấn, nước thứ nhất là trang điểm, làm thơm thân thể, đó là lý do thân thể của người con gái có một sức quyến rủ khi họ đối diện với nam giới. Tuy nhiên nếu gặp phải những cô nàng hôi nách thì sao? Mặc dầu họ cũng xử dụng nước hoa, nhưng cũng khó làm sao hết được cái mùi khó chịu của hôi nách, nên đó cũng là lý do làm cho những chàng trai có cơ hội trào lộng:
 Bụng bàn mai, chân hai ống sậy
Lưng chữ cụ, vú thòng chữ tâm
Ngũ đêm mới biết tình thâm
Có vợ đái dầm thú vị tình khai.
Hoặc là:
- Ðêm nằm tàu chuối có đôi
Còn hơn chiếu miến lẽ loi một mình
Thối tai hôi nách rình rình
Chẳng ai hỏi đến cậy mình chính chuyên.
Các cô đẹp thì thật đẹp đấy, nhưng làm thân con gái mười hai bên nước, trong nhờ đục chịu chưa biết đi về đâu? Tuy nhiên trước khi có nơi gởi gấm thì cuộc sống, và tâm hồn của họ như thế nào? Ðiều đó không ai biết được, nên những người con trai cũng đã hỏi:
            - Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Thân em như tấm lụa mai
Còn nguyên hay xé cho ai phần nào?
            Giả sử đến một lúc nào đó người chồng biết không còn nguyên vẹn xuân sắc thì sao? Lúc đó khó nói lắm, rất có thể:
            - Còn duyên kén chọn trai tơ
Hết duyên ông lão cũng quơ làm chồng
Còn duyên buôn cây bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ.
            Mặc dầu các cô khôn ngoan, khó tính nhưng dầu sao cũng là nhi nữ thường tình, và bản chất của các cô là thích chìu chuộng săn đón. Ðây cũng là đặc tính làm cho nam phái có sự tự tin:
            - Gối chăn gối chiếu chẳng êm
Gối lụa chẳng mềm bằng gối đầu tay
Rượu nhạt uống lắm cũng say
Gái khôn trai dỗ lâu ngày cũng xiêu.
Có những người con trai có vẻ lố bịch, vì thế họ không ngần ngại tán tỉnh một cách tự nhiên:
- Chim khôn đâu nóc nhà quan
Trai khôn tìm vợ gái ngoan tìm chồng
Bờ sông lại lở bờ sông
Ðàn bà mà lấy đàn ông thiệt gì.
Nhóm Nữ:
Biết rằng trong các bạn, bên cạnh những người đang tuổi thanh xuân, còn có những người đứng tuổi, hoặc đã một hai lần tình duyên không trọn, nhưng dẫu sao đi nữa cũng là đàn bà con gái. Vì thế những người con trai vẫn thấy còn có giá trị xử dụng, cho nên có những người lố bịch trong việc tán tỉnh:
            - Của chua ai thấy chẳng thèm
Em cho anh mượn thân em vài ngày.
            Của chua là của bỏ, mọi người quan niệm như vậy, nhưng mỗi người ai cũng có niềm tự hào riêng tư, vi thế các cô cũng đã nhẹ nhàng trả lời:
- Thân em đâu phải trâu cày
Mà anh đòi mượn cả ngày lẫn đêm.
Càng lúc những chàng trai càng tỏ vẻ thiếu sự tôn trọng, nên có cô cũng đã lên tiếng dạy dỗ một cách khéo léo:
            - Hoa thơm thơm ngát núi rừng
Ong chưa dám đậu, bướm đừng xôn xao.
Nghe các cô ví đám con trai như loài bướm lang thang, có người không chịu được phải buột miệng nhắc nhở các cô:
- Hoa thơm mất nhụy đi rồi
Còn thơm đâu nữa mà người làm cao.
            Nói chuyện với những con người thiếu quan niệm sống, thiếu cởi mở, trong vai của một người đàn bà thông minh và phẩm hạnh các cô đã trả lời:
            - Ai cũng muốn phấn dồi trên mặt
Không ai muốn phấn đặt gót chân
Gái ngoan lấy phải chồng đần
Dẫu giỏi mười phần ai biết rằng ngoan.
Thật ra thanh nữ hay thiếu nữ cũng tùy theo người để đánh giá nhan sắc của họ. Có những người tuy là thiếu nữ nhưng không có nhan sắc mặn mà, cũng khó mà tạo sự gợi ý của đám thanh niên mới lớn. Trong khi đó các cô thanh nữ nhưng lại có đủ tiêu chuẩn của một con người sắc nước hương trời, vì thế các cô thanh nữ cũng có niềm tự phụ của họ:
- Già thì già tóc già tai
Già răng già lợi đồ chơi chưa già
Già thì già mặt già mày
Già xương già thịt cái nầy còn non.
B- Tỏ Tình
Nhóm Nam
Thông thường, trong điệu hát câu hò, lúc nào cũng thế nghĩa là lúc ban đầu thì có những tế nhị dễ thương, và giữ gìn phẩm cách cho nhau, nhưng càng đối đáp, càng có những ý kiến vô tình hoặc cố ý làm cho hòa khí ban đầu mất đi. Vì thế mà cuộc đối đáp càng lúc càng căng thẳng. Tuy nhiên, cuộc hội thoại nào cũng phải đến lúc kết thúc, nhưng mục đích của những cuộc hẹn hò là để tìm bạn tâm tình, người mà mình sẽ trao thân gởi phận trọn đời, đó là nói về các cô gái. Còn người con trai là nói đến người bạn đường, cùng nhau đi trên đường đời vô tận. Vì thế khi thấy đối phương có vẻ bất bình thì cũng có người đứng ra dàn xếp:
- Hởi cô gánh nước quang mây
Cho anh một gáo tưới cây ngô đồng
Cành ngô đồng cành cao cành thấp
Rễ ngô đồng, rễ dọc rễ ngang
Quả dưa gang trong vàng ngoài trắng
Quả mướp đắng trong trắng ngoài vàng
Từ ngày anh gặp mặt nàng
Lòng anh ngao ngán dạ càng ngẩn ngơ.
            Khi đã có người mở đầu cho ý niệm hoà bình, thì những người con trai khác cũng bắt đầu phụ hoạ:
- Ðôi ta như thể con tằm
Cùng ăn một lá cùng nằm một nong
Ðôi ta như thể con ong
Con quấn con quít con trong con ngoài
Ðôi ta như thể con bài
Chồng đánh vợ kết chẳng sai con nào.
            Cũng là tỏ tình, tuy nhiên có những chàng trai có vẻ vồn vã săn đón, có nhiều khi thực tình nhưng có vẻ thô lỗ:
            - Mẹ em khéo đẻ em ra
Ðẻ em mười bốn đẻ ta hôm rằm
Ði đâu mà vội mà lầm
Sao em chẳng đợi trăng rằm cho trong
Trời ơi có thấu tình chăng
Bước sang mười sáu ông trăng đã già
Hoặc là:
- Liệu cơm mà gắp mắn ra
Liệu cửa liệu nhà mà lấy chồng đi
Nữa mai qua lúc lỡ thì
Cao thì chẳng tới, thấp thời không ưng.
Bên cạnh những người con trai vội vả gần như thô lỗ, chúng ta còn thấy có những chàng trai tế nhị và tha thiết hơn:
            - Nàng về giã gạo ba trăng
Ðể anh gánh nước Cao Bằng về ngâm
Nước Cao Bằng ngâm thì trắng gạo
Không biết rằng nàng liệu được chăng
Trần trần như cuội cung trăng
Biết rằng cha mẹ có bằng lòng không?
Ðể anh chờ đợi uổng công.
Và có những chàng trai thành thật hơn:
- Ấy ai dắt mối tơ mành
Cho thuyền quen bến cho anh quen nàng
Tơ tằm đã vấn thì vương
Ðã trót dan díu thì thương nhau cùng.
Hoặc là:
- Thân em như cái nón cời
Như cái áo rách, vá rồi chưa may
Chẳng lo gì áo rách tay
Trời kia ngó lại vá may lại thường
Áo rách có cách anh thương
Nón cời có nghĩa anh thương nón cời.
Nhóm Nữ
Nếu có lúc người con trai nói: Ðã trót dan díu thì thương nhau cùng, thì tâm lý người con gái cũng vậy:
            - Vì sông nên phải lụy đò
Vì chiều tối phải lụy cô bán hàng
Vì tình nên phải đa mang
Vì duyên thiếp biết mặt chàng từ đây.
            Có những cô gái tế nhị, nhất là tư tưởng Xuất giá tùng phu:
- Muốn lấy chồng mà chồng không lấy
Biết họ nhà chồng bán mấy mà mua
Ba đồng một chục khế chua
Bán bao nhiêu khế mới mua được chồng.
Mặc dầu trước đây, có những lời trịch thượng, các cô trong lòng cũng còn đang giận. Tuy nhiên đã thấy những chàng trai làm hòa thì họ cũng quên đi tất cả để nối lại những tâm tình bị đổ vỡ, và nguyện một lòng chí quyết đi theo:
- Rau răm hái ngọn còn tươi
Lặng nghe anh nói mấy lời mà cay
Kể chi những chuyện trước đây
Lòng em còn tưởng núi nầy non kia
Bây giờ đã một lời thề
Lòng em chí quyết một bề theo anh.
Khi đã có cảm tình với nhau thì sự suy nghĩ cũng bắt đầu khác. Nghĩa là họ vui khi gần nhau, và lo buồn, nhung nhớ khi xa nhau. Ðiều đó được diễn tả qua hình ảnh của Ngưu Lang Chức Nữ:
- Vị vì một chút sông Ngân
Ðể cho Chức Nữ chẳng gần Ngưu Lang
Vì đâu cho thiếp võ vàng
Vì ai tư lự, hoa tàn nhị rơi
Cực lòng thiếp lắm ai ơi
Biết rằng lên ngược xuống xuôi đàng nào.
            Những khi yêu nhau đêm đợi đêm chờ, ngọn đèn khuya một bóng đó để mong mỏi người thương là lẽ thường. Vì thế chúng ta cũng thấy tâm trạng của người con gái trong thời kỳ mộng mơ:
- Năm con ngựa bạch sang sông
Năm gian nhà ngói đèn trong đèn ngoài
Ðèn yêu ai đèn thời chẳng tắt
Ta yêu mình nước mắt nhỏ ra
Ðầm đìa như giọt mưa sa.
            Ðể làm đẹp lòng nhau, người con gái trong lứa tuổi mộng mơ, thương yêu sầu nhớ chắc hẳn là rất đẹp, nhưng nét đẹp còn sắc sảo mặn mà hơn khi họ đứng trước gương phấn, lược là:
            - Chén tình là chén say sưa
Nón tình em đội nắng mưa che đầu
Lược tình em chải trên đầu
Gương tình soi bóng làu làu sáng trong.
            Và rồi cứ từng giây từng phút mỏi mòn trông đợi:
- Ngày này em đứng em trông
Trông non non ngất, trông sông sông dài
Trông mây, mây kéo ngang trời
Trông trăng, trăng khuyết trông người, người xa.
            Nhóm Nam:
            Ðứng trước nhan sắc của người khác phái, ai mà không rung động, nhất là những lời tỏ tình thắm thiết của các cô, chắc hẳn những lời chọc ghẹo cay cú chua ngoa trước đây sẽ không còn nữa, để nhường chỗ cho những cảm tình nồng nàn:
- Non non nước nước khơi chừng
Ái ân hai chữ xin đừng có quên
Tình sâu ân trả nghĩa đền
Ðừng vui chốn khác mà quên chốn nầy
Nước vơi rồi nước lại đầy
Tình kia chưa trả nghĩa nầy đừng xa.
            Hoặc là:
- Ðầu năm ăn quả thanh yên
Cuối năm ăn bưởi cho nên đèo bòng
Vì cam cho quít phải lòng
Vì em nhan sắc, cho lòng anh thương.
            Ai cũng biết, người đi trong sương ướt áo lúc nào không hay, thì tình cảm của con người cũng giống như vậy. Quen biết nhau rồi tiến đến có cảm tình, từ cảm tình bước sang lãnh vực của yêu thương là lẽ thường. Trong ba giai đoạn nầy thường thì cần một khoảng thời gian, ngắn hay dài để bồi dưỡng cảm tình, nhưng chắc chắn khó mà nhận ra sự tiến triển của tình yêu đi đến đâu. Cho đến khi xa nhau thì nhớ, nhớ nhau thì tìm, lúc đó mới biết là mình đã yêu:
            - Anh thương em đừng cho ai biết
Cũng đừng tiết lộ cho ai hay
Ðừng nghe ai biểu ai bày
Thâm thâm dịu dịu, càng ngày càng thương.
            Có những chàng trai dạn dĩ thì bày tỏ tình yêu với đối tượng không chút e dè, nhưng cũng có người nhút nhát thì chỉ biết thương trộm nhớ thầm:
            - Vừa đi là gặp em đây
Là duyên kỳ ngộ, trời xoay đất vần.
Thương em, thương lén thương thầm
Cha mẹ hay đặng, đánh đòn cũng thương.
            Nhóm Nữ:
            Tâm tình những người con trai thì làng nước ai cũng đã biết rồi. Nhưng còn bên các cô thì sao? Tâm lý của các cô chắc chắn cũng mòn mỏi mong đợi không thua gì các chàng trai:
- Anh đi đường ấy xa xa
Ðể em ôm bóng trăng tà năm canh
Nước non một gánh chung tình
Nhớ ai ai có nhớ mình vào ra.
            Không biết nhau thì thôi, nhưng khi đã biết nhau rồi thì sợ nhất là những giây phút biệt ly phải chịu khổ sầu:
- Tối trăng còn sáng hơn sao
Phơn phớt lòng đào, hơn thắm màu vang
Thấp cao vàng biết tuổi vàng
Dầu xa cách mấy lòng càng chẳng xa.
            Và vì vậy các cô nhất quyết phải theo nhau cho đến thủy tận sơn cùng:
            - Bấy lâu anh đợi em trông
Bây giờ anh hỏi, nói không sao đành
Nghiêng tai em nói cho rành
Theo anh dầu thác cũng đành dạ thôi.
            Hoặc là:
            - Anh có thương em thì thương cho chắc
Bằng có trục trặc thì mất cho luôn
Ðừng làm theo thói ghe buôn
Nay về mai ở cho buồn dạ em.
            Gặp và biết nhau qua tiếng hát câu hò, tưởng rằng chỉ để mua vui trong những dịp hội hè, nhưng biết nhau rồi thì lại muốn cùng nhau sống đến trọn đời:
            - Trầu Ðồng Nai ăn rồi nhả bã
Thuốc Ðồng Môn hút đã một hơi
Em tưởng anh gá nghĩa mà chơi
Ai dè gá nghĩa ở đời với nhau.
            Trong ý niệm chung lưng đấu cật trong cuộc sống chung, người con gái đã thật lòng bày tỏ:
            - Lòng ta đã quyết thì đành
Ðã đốn thì vác cả cành lẫn cây
Lòng em đã quyết thì đành
Ðã cấy thì gặt với anh một mùa.
            Trai thì vợ đôi vợ ba đó là thông lệ của xã hội thời phong kiến ngày xưa. Tuy nhiên là con người ai cũng có lòng ích kỷ, nhất là các cô khi đã quyết định trao thân, gởi phận cho người con trai nào, thì người con trai đó phải là một người duy nhất trong đời họ:
            - Ðói lòng ăn nắm lá sung
Chồng một thì lấy, chồng chung thì đừng.
Ðói no một vợ, một chồng
Một niêu cơm tấm mặc lòng ăn chơi.
            Khi đã một vợ, một chồng thì tất nhiên câu phu xướng phụ tùy cũng là điều phải được thực hiện trong một gia đình có hạnh phúc:
            - Tình nhân ơi hởi tình nhân
Lại đây ta kể mưa xuân nắng hè
Sông sâu thuyền phải theo bè
Làm thân con gái phải nghe lời chồng.
Khi đã lấy chồng, theo chồng và nghe lời chồng thì chấp nhận tất cả:
- Thấy anh tôi đã yêu rồi
Biết rằng chị cả cưới rồi anh ra
Tình thương quán cũng như nhà
Lều tranh có nghĩa hơn tòa ngói xây.
Miếng trầu là đầu câu chuyện, đó là tập tục của người Việt Nam trong thời phong kiến. Những ảnh hưởng đó không phải chỉ có ở những ông già bà cụ, mà ngay cả các cô cậu thanh niên nam nữ cũng phải mở đầu câu chuyện bằng miếng trầu:
            - Muốn gần chồng mà chồng hờ hững
Trâu tìm cọc, cọc chẳng tìm trâu
Tiện đây đưa một miếng trầu
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng.
            Khi đã thương nhau thì cố lòng tìm nhau, nhất là vào những dịp lễ hội là cơ hội tốt để cho trai gái gần nhau, do đó khi không thấy người mình thưong thì chắc chắn sẽ buồn:
            - Thấy bạn mà chẳng thấy chàng
Bâng khuâng như mất lạng vàng trên tay
Thẩn thơ đứng dưới gốc mai
Bóng tôi tôi ngỡ bóng ai tôi lầm.
            Nhóm Nam:
            Chân tình cũng là một trong những yếu tố đáng trân quý, vì thế những chàng trai trẻ, trong tuổi mộng mơ khi được nghe những lời tâm tình của các cô, chắc chắn ai cũng sẽ vui và chấp nhận mọi gian khổ để cho vừa lòng nhau:
            - Yêu nhau chẳng quản đường xa
Một ngày chẳng tới thì ba bốn ngày
Yêu nhau chẳng quản chiếu giường
Dẫu là tàu lá che sương cũng tình.
            Tìm được ý trung nhân là khó, tìm được rồi mà muốn giữ cũng khó, nhưng làm cho ý trung nhân hiểu được lòng dạ của mình lại càng khó hơn. Nên biết rằng không phải một chàng thanh niên đam mê người con gái ấy, mà còn có nhiều chàng trai khác cũng dòm ngó tới người mình thương, cho nên phải lẹ làng để giữ người mình thương, nếu chậm trể sẽ mất:
             - Dù ai cho bạc cho vàng
Không bằng được nói với nàng vài câu
Biển về nói với ông câu
Cá cắn thì giật để lâu mất mồi.
Ðể cho cô nàng biết được lòng dạ sắt son của mình, nên chàng thanh niên không ngần ngại khẳng định:
- Quả năm ngăn, trong lòng sơn đỏ
Mấy lời to nhỏ, bạn bỏ sao đành
Chừng nào xáng nọ bung vành
Tàu kia liệt máy, dạ đành xa em.
Hoặc là:
- Qua với bậu thương nhau dĩ lỡ
Nói ra bỡ ngỡ, để bụng bị đau
Dầu cho không trước không sau
Nguyện lòng chung hiệp bỏ nhau sao đành.
Thông thường người con trai mới vào đời, ai cũng mộng mơ mình sẽ có một người bạn tri kỷ như ý muốn. Vì thế những nơi hội hè đình đám là cơ hội để cho họ trao đổi tâm tư, và sau đó sẽ là cơ hội tốt để họ trở thành vợ chồng với nhau:
- Ðũa bếp có đôi, chìa vôi có bạn
Tôi với nàng đồng chạng hát chơi
Câu nầy câu nữa rồi thôi
Hát rồi ta sẽ kết đôi vợ chồng
Hoặc là:
- Biển cạn, nghĩa lòng anh không cạn
Núi lở non mòn, nghĩa bạn nào quên
Ðường mòn đi xuống đi lên
Tình qua, nghĩa bạn quyết nên vợ chồng.
Nhóm Nữ:
Khi đã quen nhau thì không cần khách sáo nhiều, mà phải thực tế. Thực tế đây muốn nói là phải nhờ mai mối đến để làm gạch nối cho hai bên cha mẹ biết nhau, để cho hai trẻ có cơ hội tiến tới việc thành thân, vì thế cô nàng đã nhắc nhở:
- Ðắng khổ qua, chua là chanh giấy
Ngọt thế mấy cũng thể cam sành
Thương em anh chớ dỗ dành
Cậy mai dong tới, sẽ thành lứa đôi.
Ông mai là gạch nối để hai họ trở thành thông gia, khi hai bên đã ưng thuận rồi thì không luận là giàu với nghèo họ cũng dìu dắt lẫn nhau:
- Ðôi ta như rắn thìu điu
Nước chảy mặt nước ta dìu lấy nhau
Ðôi ta như lúa phơi màu
Ðẹp đôi thì lấy nghèo giàu làm chi.
Muốn biết cho chắc chắn là người con trai có thương thật mình không, người con gái đã hỏi:
- Rồng giao đầu, phụng giao đuôi
Nay tui hỏi thiệt, mình thương tui không mình?
Nhóm Nam:
Chuyện tình là một trong những đề tài khó giải, nhưng khi thương nhau rồi, thì dù khó khăn đến đâu cũng không thể nào cản trở được lòng thương mến sâu sắc của họ:
            - Lầu nào cao bằng lầu ông phó
Truyện nào khó bằng chuyện gái trai
Anh về cậy mối với mai
Chớ đừng liếc mắt xem ai họ đồn.
            Hoặc là:
            - Sông sâu sóng bủa vắng đò,
Thương em vì bởi câu hò có duyên
Chưa chồng ở vậy cho nguyên,
Ðặng anh dọn chiếc thuyền quyên ruớc về.
            C- Tình Nhớ
            Trong lúc đợi chờ để cùng nhau chung sống, tâm hồn của người đang yêu cứ luôn nghĩ ngợi về phương trời xa lạ. Và rồi cơm quên ăn, đêm mất ngủ:
            - Kể từ ngày đó xa đây
Sầu đêm quên ngủ, sầu ngày quên ăn.
            Người con trai khi chưa cưới được người mình thương thì tâm hồn như thế. Còn tâm hồn người con gái thì sao? Tâm hồn người con gái có lẽ cũng không thua gì người con trai:         
- Nước mắt láng lai chùi hoài vẫn ước
Trời hỡi trời sao chẳng bớt nhớ thương
Sợi tơ hồng em lỡ vấn vương
Gặp anh một bữa nhớ thương ngàn ngày.
            Hoặc là:
- Ðêm năm canh, ngày sáu khắc rõ ràng
Ðặt lưng xuống chiếu, mơ màng nhớ anh.
            Nếu người mình thương mà ở xa xôi vạn dặm thì nỗi nhớ nhung còn có thể chịu được, nhưng nhà cách vách, mà vì hoàn cảnh bắt buộc phải sống đúng tinh thần nam nữ thụ thụ bất thân trong một gia đình nề nếp, thì nỗi nhớ nhưng lại càng không nguôi:
            - Có võng mà chả có đòn
Có chồng mà chả có con cũng buồn
Cách vách chẳng được nói luôn
Hỏi người bên ấy có buồn ta chăng?
            D- Tình Buồn
            Nhớ nhung sầu khổ đó là tâm trạng chung của lứa tuổi mộng mơ. Tuy nhiên chuyện đời ai biết được chữ ngờ, nhớ thương nhiều thì xa nhau cũng vội. Không biết ai là người bội ước trước, nhưng chúng ta hãy coi cặp nam nữ nầy họ trách cứ lẫn nhau. Người con trai thì cho rằng cô ấy có chồng mà không nói trước:
            - Bước ra ba bước lại dừng
Quế đây không ngậm, ngậm gừng chi cay
Có chồng rồi em chẳng cho hay
Ðể anh mòn mỏi đêm ngày đợi trông.
            Có lẽ vì em tham giàu nên phụ rẫy tình anh:
            - Anh với em làm đôi sao xứng
Bạc với vàng sao đứng đồng cân
Trách ai tham phú phụ bần
Tham xa mà bỏ nghĩa gần ngày xưa.
            Hoặc là:
            - Chim chuyền nhành ớt
Rớt xuống bụi cà
Hồi nào gắn bó đôi ta
Bây giờ bội nghĩa đi xa lấy chồng.
            Khi người tình sang ngang, trong lòng oán hận có lẽ trai và gái tâm lý cũng như nhau, cho nên các cô cũng không cầm được lòng mình và lên tiếng phiền muộn:
- Khi xưa ai biết ai đâu
Chỉ vì điếu thuốc miếng trầu nên quen
Khi xưa cầu lụy trăm đường
Khi nay, sao lại phủ phàng làm ngơ.
            Những kỷ niệm thân ái ngày xưa, dù cho thời gian có mõi mòn, nhưng trong tâm thức thì không thể xóa nhoà được, nên những kỷ niệm buồn vui ấy trong cuộc đời cứ mãi mãi ở trong lòng:
- Ngày xưa anh bủng anh beo
Tay cất chén thuốc tay đèo muối chanh
Bây giờ anh khỏi anh lành
Anh âu duyên mới, anh tình phụ tôi.
            Cô nàng đã không kềm chế được sự đau lòng nên đã có những lời khiếm nhã:
- Mặt làm thinh là tình đã chịu
Quyết ăn thua quyết níu lấy con
Mồ cha con bướm không ngoan
Hoa tươi bướm đậu, hoa tàn bướm bay.
Theo tình hình căng thẳng như thế, câu chuyện tình đến đây có vẻ dường như sẽ bế tắc:
- Anh đi đường anh, tôi đi đường tôi
Tình nghĩa đôi ta chỉ thế thôi.
E- Kết Luận:
Chúng ta có quyền nghĩ là đôi bạn trẻ nầy không bao giờ chung sống với nhau, vì theo tình hình chung, chúng ta thấy đôi bạn trẻ nầy hiểu lầm nhau hết sức trầm trọng, không biết là họ còn có duyên gặp gở nhau không? Tuy nhiên theo tinh thần của người học Phật, chúng ta biết đời là vô thường, chính vì đời vô thường nên rất có thể hôm nay vì một duyên cớ nào đó mà hiểu lầm nhau, nhưng chắc chắn sẽ có một ngày nào đó đôi bạn trẻ nầy sẽ hiểu nhau. Khi đã hiểu lòng nhau họ sẽ thương yêu rất mực, như đã có người từng nói:
- Em ơi trái đất vẫn tròn
Chúng mình hai đứa sẽ còn gặp nhau.
-- o0o --