Khả Năng Ðóng Góp Của Cư Sĩ
Việt Nam Ở Hải Ngoại
Nguyên Thiện
--o0o--
 
Trong khuôn khổ thời gian ấn định, chúng tôi không có tham vọng trình bày chi tiết với những luận giải, hay chứng minh với những thống kê dữ kiện, mà chỉ xin nêu lên những quán xét về hoàn cảnh thực tế để mong đi đến một vài kế hoạch hành động cụ thể hầu đáp ứng phần nào nhu cầu cấp bách của những người cầu học đạo Phật tại hải ngoại nói chung và tại Hoa Kỳ nói riêng, nhất là những người trẻ tuổi gốc Việt và những người bạn Hoa Kỳ. Bài tham luận này chia làm hai phần chính: Ðạo Phật ngày nay tại Âu Mỹ, Tổ Chức Cần Có Và Khả Năng Ðóng Góp Của Cư Sĩ Phật Tử Việt Tại Hải Ngoại trong việc hoằng pháp.
I- ÐạO PHẬT NGÀY NAY Tại ÂU Mỹ
            Ðạo Phật ngày càng bành trướng ở Tây Phương, nhất là trong ba thập niên qua. Số người học và thực hành theo giáo pháp của Phật tại Anh Quốc và các quốc gia Âu Châu khác cũng như tại Hoa Kỳ tăng gia nhanh chóng. Hằng trăm ngàn, nếu không muốn nói gần cả triệu người hăng say tìm học giáo lý Phật Ðà trong hằng ngàn trung tâm học Phật, thiền đường vừa mới được thiết lập từ Anh Quốc, các nước Âu Châu, Úc Châu cho đến Mỹ Châu... Theo các cơ quan truyền thông Tây Phương ước lượng Ðạo Phật là một tôn giáo đang phát triển nhanh nhất tại các nước Âu Mỹ. Và cũng theo các cơ quan truyền thông này, nhu cầu tìm học đạo Phật và sự phát triển của những cơ sở thực hành nếp sống theo giáo lý của Phật vẫn tăng triển đều đặn. Người Tây Phương đã tìm được ở đạo Phật những giải đáp thỏa đáng cho nếp sống tâm linh trong khung cảnh xã hội mà nền khoa học và những định chế dân chủ đã được phát triển đến mức tối đa. Nhưng cũng chính hệ thống xã hội rất tiến bộ về vật chất này đã tạo ra nhiều vấn nạn cho niềm tin và hạnh phúc đích thực mà những tôn giáo khác đã truyền bá tại các nước này từ trước không đủ khả năng giải đáp thỏa đáng. Người ta có thể khách quan khảo vấn rằng:
- Giáo lý và nếp sống theo đạo Phật đã có những gì mới khác có giá trị và hữu ích hơn các tôn giáo khác khiến đã hấp dẫn được người Âu Mỹ?(1)
            01- Không bắt buộc tin theo giáo điều mà mời gọi tìm chân lý theo khả năng của chính mình:
            Ðạo Phật không đòi hỏi hành giả phải hoàn toàn tin vào giáo điều, mà ngược lại khuyến khích họ thực nghiệm những điều Phật dạy. Nếu họ thấy lợi lạc thực sự thì hãy theo, chứ không cưỡng ép phải tin theo một cách mù quáng. Chính Phật đã dạy cho những người Kalama rằng:
- Ðừng thỏa mãn với những gì được trao truyền lại do lời đồn đại, hoặc theo tập quán hoặc do truyền thuyết, hoặc những gì viết lại trong kinh điển mà phải phân tích, luận giải, kiểm chứng với những kinh nghiệm và kết quả thực sự có lợi đích thực cho chính bản thân mình, cho người rồi hãy tin theo và đem ra thực hành. Những điều dạy nào không mang lại sự thật, có cơ nguy làm hại mình, làm khổ người, bị những hiền nhân phản kháng, thì phải dẹp bỏ, không tin theo.
            02- Khoan dung:
            Nếu mình muốn dành quyền tìm chân lý cho chính mình thì dĩ nhiên mình cũng phải đồng ý để cho người khác cũng có quyền như mình, và nếu họ có những giải đoán khác mình, mình cũng phải tôn trọng ý kiến của họ. Ðạo Phật là một tôn giáo duy nhất chưa hề có những cuộc thảm sát vì khác niềm tin, những cuộc thánh chiến, thiêu đốt kinh sách hay hỏa thiêu tín đồ tôn giáo khác... Chủ trương khoan dung của đạo Phật rất cần thiết cho thế giới ngày nay mà những khác biệt chủ thuyết, tôn giáo, hệ thống chính trị, quyền lợi kinh tế.. v..v... ngày càng trầm trọng.
            03- Truyền thống cởi mở và bình đẳng tự khảo nghiệm:
            Tiến trình đi tìm chân lý tự giải thoát của đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một gương sáng dũng mãnh đầy khích lệ, và là một nguồn hứng khởi vô biên cho nhân loại. Những khuyến tấn đầy nhân tính và bình đẳng của Ngài là những thúc dục thiết tha và thực tiễn:
- Phật là chúng sanh đã giác ngộ, chúng sanh là Phật sẽ giác ngộ.
Ðây là một khuyến khích vô cùng tích cực và bình đẳng mà chưa có một vị giáo chủ nào từ trước đến nay và có lẽ mãi mãi về sau dám xác quyết. Không những thế Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni, vị Phật thị hiện làm người để chỉ bày chân lý vốn đã có sẳn muôn đời do chư Phật trong mười phương khai truyền, lại đích thân dùng tất cả những phương tiện thiện xảo để giáo hóa cho tất cả mọi lớp người từ cùng đinh ngu dốt đến bậc đại trí tuyệt chủng thông minh đều có thể hiểu và thực chứng những điều Ngài dạy, để mang lại an lạc giải thoát cho chính mình và cho người. Hệ thống tu Bồ Tát đạo là một nguồn hứng khởi cao thượng vô biên, đầy tình người, chuyên chở nhiều xã hội tính của con người.
            04- Thực tiễn, thực chứng:
            Ðạo Phật là một tôn giáo khuyến khích hành giả tự khảo nghiệm để thực chứng những lời Phật dạy tùy theo căn cơ và khả năng tu trì của chính mình ngay trong cuộc đời này, chứ không bắt buộc phải tin theo một hệ thống tín điều viễn vông nào, hay không phải chờ đợi được phán xét hay tưởng thưởng bởi một đấng bề trên siêu hình đầy quyền năng nào trong tương lai sau khi chết. Ðạo Phật là một triết lý sống, một tiến trình tìm học và thực hành một cách nghiêm chỉnh, có phương pháp, hợp lý, hợp căn cơ của mọi trình độ. Ðạo lý căn bản về Tứ Diệu Ðế(3), Duyên Khởi(4), Sáu Ba La Mật(5), và Tám Chánh Ðạo(6) là nền tảng cho tất cả mọi tông phái Phật giáo, từ Tiểu Thừa cho đến Ðại Thừa, từ Hiển Giáo cho đến Mật Giáo, từ Thiền Tông cho đến Tịnh Ðộ Tông... Học, hiểu, và thực hành năm giới cấm(7), hay mười giới thiện(8)... lạy Phật, đọc tụng tên chư Phật, chư Bồ Tát, đọc tụng thần chú, ngồi thiền, quán chiếu thân tâm... không phải là những tín điều mù quáng, mà là một nếp sống thực có khả năng chuyên chở và khai mở nhiều năng lực mầu nhiệm giúp hành giả ngày càng phát triển sự hiểu biết, lòng thương người, biết tôn trọng sự sống và hạnh phúc của mọi loài, dễ khoan dung và thông cảm nỗi khổ đau của mọi người, mọi loài. Chính những khả năng này là chìa khóa đem lại sự an lạc cho tâm hồn hành giả, làm giảm bớt những căng thẳng thần kinh, giảm bớt khổ đau vì nhiều tham muốn, thù hận, thiếu hiểu biết, thiếu kiên nhẫn tạo nên một phần do thói quen của nếp sống bản thân, gia đình, phần khác do nền giáo dục, phong tục, tập quán, và hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trao truyền.
            05- Khả năng hàn gắn và chuyển hoá:
            C. G. Jung từng viết:
- Toàn thể thế giới mong muốn hòa bình và toàn thể thế giới chuẩn bị chiến tranh. Nhân loại đang bất lực trong tiến trình chống lại nhân loại. Và thượng đế, như tự bao giờ, vẫn chỉ bày cho chúng ta con đường định mệnh(9). Ðây là tình trạng không lối thoát(tiến thoái lưỡng nan) của nhân loại ngày nay. Chúng ta đang phải đối đầu với quá nhiều vấn đề nan giải, từ hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế, tâm lý, môi sinh, và dĩ nhiên là thường trực dưới sự đe dọa bị hủy diệt của chiến tranh nguyên tử. Quả đất chúng ta đang sống đích thực là một quả bom nổ chậm, mà từng giây phút chúng ta cảm thấy như đang tiến dần về vô vọng của những thế lực đen tối mà chúng ta không đủ khả năng hiểu biết và nhất là không có khả năng kiềm chế. Chúng ta đã dễ dãi qui hướng những sai trái thảm họa này cho nhóm người này, cho quốc gia nọ... Thỉnh thoảng một vài nhà chính trị, nhà xã hội tuyên xướng như họ đã tìm ra lối thoát, nhưng kỳ thực chỉ là những giải pháp phiến diện nếu không nói là ảo vọng(chủ thuyết tư bản, cộng sản, dân chủ, chuyên chính...)
Những giải pháp này chỉ giải quyết tạm bợ và nhất thời trên bề mặt một số vấn đề của nhân loại chứ chưa thực sự luận giải nguyên nhân đích thực của những sai trái thảm họa. Nếu chúng ta thực tâm quán xét một cách thâm sâu thì nguyên nhân của tất cả thảm họa sai trái bắt nguồn từ tâm trí của chính mỗi cá nhân chúng ta. Chính cái tâm tham lam, sân hận, ngu dốt, nhiều đố kỵ và kiêu căng của mỗi cá nhân đã được khuếch đại và vận dụng tập thể tạo nên những khổ nạn cho toàn nhân loại. Chỉ nhận định suông về những ma lực đen tối trong mỗi cá nhân chưa đủ khả năng giải quyết những thảm họa mà chúng ta đang phải đối phó, mà chúng ta cần phải tinh tấn đào luyện sự hiểu biết cần thiết và can đảm mang chúng ta ra ánh sáng để kiến giải. Sự tỉnh thức và hiểu biết giúp chúng ta chuyển hóa những ma lực đen tối này thành nguồn sáng trí tuệ để phát triển lòng từ bi. Ðạo lý Phật giáo có thể tích cực giúp chúng ta phương hướng, tài liệu và tài nguyên để thực hiện tiến trình kiến giải này. Vì vậy hơn bao giờ hết, nhân loại thật sự cần tìm học và thực hành những giáo lý của Phật dạy.
            Trên đây là tóm yếu những đặc tính tiêu biểu và khả năng đóng góp của Phật giáo vào tiến trình kiến giải những vấn nạn của nhân loại ngày nay. Ðó cũng là những lý do tại sao những người Âu Mỹ chuộng khoa học, thích dân chủ và phóng khoáng đang và sẽ càng ngày càng ưa chuộng tìm học và thực hành đạo lý Phật Ðà. Hơn thế nữa, những tiến bộ khoa học trong mọi lãnh vực trong bốn thập niên vừa qua đã nâng cao trình độ hiểu biết của loài người, đã giúp nhân loại không những luận giải các vấn đề của quả đất chúng ta đang sống, mà còn cống hiến những hiểu biết mới lạ về toàn thể sự cấu thành, chuyển hóa của cả vũ trụ. Những hiểu biết mới này đã chiếu rọi những tia sáng cực mạnh làm tan biến những huyền luận sau sự thật của nhiều hệ thống tôn giáo theo tín điều trước đây.
            Thật vậy nếu chúng ta tìm hiểu tiến trình phát triển đạo Phật tại Hoa Kỳ trong bốn thập niên qua, chúng ta sẽ nhận thấy rõ ràng những yếu tính sau đây:
            01- Dân chủ:
            Tại Á Châu, đạo Phật là một hệ thống tổ chức có tính cách tôn ti từ dưới lên trên mà quyền hành tập trung vào một thiểu số trưởng lão tăng già. Từ việc quản trị điều hành tu viện, đến chương trình huấn luyện việc tu học cũng như trao truyền những kinh nghiệm thực chứng tâm linh đều tập trung vào một số nhỏ các vị trưởng lão tăng già. Sự chỉ bảo và phán xét của quí vị này là chung quyết tối thượng, không một tăng sinh nào dám chất vấn mà chỉ biết tuân hành, chứ đừng nói đến hành giả đại chúng chỉ là những vai thụ động giới hạn trong việc hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tu học của tăng chúng. Tại Bắc Mỹ, nhất là tại Hoa Kỳ, với tinh thần dân chủ và tập quán phóng khoáng coi trọng tự do cá nhân và bình đẳng giữa các giai cấp, tuổi tác... hệ thống tổ chức trên đây không còn thích hợp mà đã phải biến cải. Phật tử Âu Tây được huấn luyện để suy nghĩ và kiến giải đạo lý Phật Ðà cho lợi lạc của chính mình đã không thích ứng được với mô thức tổ chức nêu trên. Tại Hoa Kỳ, sự tham gia bình đẳng và sinh hoạt dân chủ giữa tất cả thành viên của tăng thân( tăng ni  đoàn, tăng ni sinh, hành giả nam nữ), trong tinh thần hợp tác và lưỡng lợi hai chiều trong các quyết định về sở hữu cơ sở, quản trị, điều hành, sinh hoạt của tổ chức là đặc tính nổi bật của một hệ thống tăng thân Phật giáo mới tại đây.
            02- Bình đẳng Nam Nữ:
            Phong trào khai phóng Nữ giới tại Hoa Kỳ là một thực lực quan trọng. Không như tại Á Châu, từ ngôn ngữ trong kinh điển và các lễ nghi, cho đến tổ chức, quản trị và diều hành các tu viện, đều mang nặng Nam tính. Ðiều này cũng dễ hiểu vì từ khi đạo Phật được khai sáng bởi Ðức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hơn hai ngàn năm trăm năm trước cho đến nay, phần đông chư Tăng đã góp phần lớn vào tiến trình xây dựng hệ thống giáo điển cũng như hoằng truyền giáo pháp của Ðấng Thế Tôn. Nhưng đạo lý Phật Ðà không phân biệt Nam Nữ, đơn thuần là một hệ thống tu học và khảo nghiệm chân tâm để đạt tới giác ngộ giải thoát. Do đó, sự kiện người nữ không được đối xử bình đẳng trong tiến trình hành đạo là điều không ổn và không hợp lý. Thực vậy đạo lý bình đẳng và duyên khởi vốn là một cái nhìn cốt tủy khoa học và khách quan về thế giới thực tại mà đạo Phật đã cống hiến cho nhân loại. Do đó, phong trào bình đẳng nam nữ tại các quốc gia Tây phương là một thử thách lớn giúp thiết lập một hệ thống hành đạo quân bình và hợp lý hơn cho đạo Phật ngày nay vậy.
            Nhập Thế:
            Một đặc điểm khác của đạo Phật đang phát triển ở Tây phương và Bắc Mỹ là nhập thế. Ở Á Châu đạo Phật thường biểu trưng bằng tu viện, chùa chiền, hang động, những người ẩn tu trong núi cao, rừng thẳm... Những tăng sĩ, ông đạo, tu sĩ ẩn tu, thường là những người xuất thế gian, xa lìa cuộc sống bận rộn ngoài xã hội. Ðại đa số Phật tử là những người ở ngoài đời, bận rộn với cuộc sống thường nhật, họ không ngồi thiền hay hạ thủ công phu hằng ngày, họa hoằn chỉ có một số nhỏ người già hay đã về hưu mới thực tập tụng kinh niệm Phật hằng ngày. Khối đa số quần chúng Phật tử này chỉ biết cúng dường hỗ trợ cho những ngôi chùa, tăng ni đoàn để họ có phương tiện chăm lo việc tu hành. Ngược lại ở Âu Mỹ, hành giả Phật giáo không thoả mãn với vai trò chỉ hỗ trợ cho người khác tu, mà họ muốn chính họ phải được tu học để giải thoát cho chính họ. Họ muốn tìm học và thực tập những phương pháp có khả năng mang lại sự an định cho tâm hồn, phát triển trí năng, và nguồn an lạc cho chính bản thân và gia đình ngay trong cuộc sống bận rộn thường nhật. Những người theo đạo Phật ở Âu Mỹ là những người tại gia, có gia đình, có công ăn việc làm, họ muốn thực hành nếp sống theo lời Phật dạy ngay trong cộng đồng xã hội họ đang sống, chứ không có ý niệm rút lui vào chùa viện, thoát ly gia đình. Dưới mắt họ, tăng ni đoàn là những hướng đạo tâm linh, những người bạn lý tưởng có khả năng giúp họ học, hiểu và thực hành giáo pháp của Phật để giúp họ đạt được cứu cánh hạnh phúc thực tế ngay bây giờ và trong cuộc đời này. Vì vậy chùa viện, tăng ni đoàn không mang nặng tính chất thiêng liêng trang nghiêm cao cả như Phật Tử Á Châu thường cung kính tôn thờ, mà chỉ là những phương tiện cần có cho việc tu học như tranh tượng, ghế ngồi thiền, chuông mõ, hương trầm, kinh sách, băng video thuyết pháp..v.. v... không hơn kém. Họ thường biểu lộ sự thân thương bằng cách ôm vào lòng rất tình người, hoặc chấp tay nở nụ cười chào thân thiện, chứ không sụp lạy từ xa đầy cung kính như người Phật tử Á Châu thường làm. Ngay cả lối xưng hô cũng rất bình đẳng và dân chủ, điều này cũng dễ hiểu vì ngôn ngữ Âu Tây không có khả năng phân biệt giai cấp, địa vị, tuổi tác... như số lớn ngôn ngữ Á châu. Nói như vậy không có nghĩa là họ thiếu cung kính lễ độ đối với tăng ni đoàn. Sự kiện này đã làm nản lòng rất nhiều tăng ni được huấn luyện từ các nước Á Châu, nhất là từ Trung Hoa, Nhật Bản, Ðại Hàn và Việt Nam... và một số nghiêm tăng Tây Tạng. Nhưng kinh nghiệm của hơn hai ngàn năm trăm năm truyền pháp cho chúng ta một cái nhìn rộng rãi nhiều tin tưởng hơn, vì chính bản chất bao dung, giải thoát của đạo Phật sẽ hội nhập và biến cải một cách mầu nhiệm để cống hiến lợi lạc thiết thực cho bất cứ một quốc độ nào có cơ may tìm đến với Phật pháp. Những tăng ni trẻ, những cư sĩ học giả Phật Giáo được đào tạo tại Âu Mỹ sẽ có những phương pháp và cung cách truyền pháp phóng khoáng, dân chủ thích hợp với văn hóa phong tục và khung cảnh xã hội địa phương. Ðiều quan trọng là đạo lý căn bản và nếp sống đạo hạnh của Phật giáo phải được trao truyền một cách chính xác không bị bóp méo hay biến thể vượt ngoài chánh pháp vì nhu cầu văn hóa địa phương.
            Cơ sở tôn giáo biệt lập với tổ chức chính quyền:
            Một đặc điểm khác không kém phần quan trọng là tại Hoa Kỳ, theo hiến pháp, cơ sở tôn giáo biệt lập với tổ chức chính quyền. Do đó các cơ quan chính quyền không thể giúp đỡ hay ban ưu quyền gì cho các hội đoàn tổ chức tôn giáo được. Nhưng ngược lại, các hội đoàn được ưu đãi bằng cách được miễn các sắc thuế, và tiền cúng dường, đóng góp của hành giả vào các tổ chức, hội đoàn tôn giáo được khấu trừ thuế lợi tức liên bang và tiểu bang. Tài sản của các cơ sở bất vụ lợi, hội thiện thuộc về quyền sở hữu của cộng đồng khi ngưng hoạt động hay giải tán. Ðây là điểm then chốt quan trọng cần phải lưu tâm khi thành lập các tổ chức, tạo mãi các cơ sở, chùa viện.(Còn tiếp)
-- o0o --