Tát Cạn Biển Phiền Muộn
Trí Toàn ghi
--o0o--
 
Chúng ta thấy hành trình của những người đệ tử Phật đi vào đời trước sau gì cũng là tinh thần đem niềm vui đến và mang sự đau buồn khổ não của chúng sanh đi, và có hai phương diện:
            01- Phương Diện Tích Cực
Phương diện tích cực hay hiện thực. Trên phương diện nầy, sứ mạng của những người tu lưu tâm đến lợi ích chung cho chúng sanh, xúc tiến đời sống yên vui, là đẹp cuộc sống gia đình, xã hội và quốc gia.
            02- Phương Diện Tiêu Cực
           Phương diện tiêu cực hay phương cách tự tu tự độ. Ðộ bản thân mình trước, và độ người khác sau, và mục đích là cắt đức căn nguyên của dục vọng vật chất, không cho lợi dục chi phối, gây phiền não rắc rối.
            Trong giáo pháp của Phật thông thường phân loại gọi phương diện thứ nhất tức là phương diện tích cực đó là đạo tại gia. Theo phương diện trong tôn giáo học, phương diện thứ nhất cũng còn gọi là Nhân Thiên Thừa, loại thứ hai là La Hán Thừa, hay cũng gọi Thanh Văn Thừa.
Tuy nhiên trong Phật Giáo không phải chỉ dạy có hai phương diện trên mà còn có phương diện thứ ba để tổng hợp hai phương diện trên. Nếu chỉ có hai phương diện trên không thôi cũng có thể được, nhưng nếu tiếp tục quán chiếu thêm thì vẫn còn thiếu sót. Vì cứ theo hai phương diện trên dây tuy cũng là thực tế, nhưng vẫn chưa đủ. Bởi lẽ một đàng phải thoả hiệp với cuộc sinh hoạt hiện thực, và như thế tất phải nặng nề về thế tục. Ngược lại một đàng chỉ chuyên trừ khử dục vọng, trên thực tế, không những là công việc rất khó khăn, mà nó còn có vẻ tiêu cực, gần như xa lánh xã hội, và thuần túy cá nhân. Nếu lấy nhân loại chúng sanh làm đối tượng để tu tập và khảo sát thì hai phương diện nầy không tránh khỏi có nhiều khuyết điểm bất ổn.
            Như vậy vấn đề được đặt ra là có những phương pháp nào có thể thống hợp cả tai gia và đạo xuất gia không? Nghĩa là một phương pháp thừa nhận xã hội, khẳng định nhân sinh mà vẫn thể nghiệm được đạo xuất gia. Ðáp ứng nhu cầu nầy mà xướng nhân sinh quan tối cao của Phật Giáo chính là Ðại Thừa, hoặc còn được gọi là đạo Bồ Tát. Ðạo Bồ Tát chủ yếu là lấy sinh hoạt tại gia làm cơ sở mà tu hạnh Bồ Ðề, tức là ở tại gia mà cầu đạo giác ngộ. Sự kiện nầy, nếu đứng về phương diện tôn giáo học mà nói, tuy cũng là đạo Bồ Tát nhưng trong đó cũng có nhiều loại, vì thế nhân sinh quan của mỗi loại không chắc đã giống nhau. Quan niệm về Bồ Tát theo kinh điển nói:
            - Bồ Tát là những vị đã đắc quả Phật, song còn làm chúng sanh để độ đời. Bực đã được tự giác, đắc quả Bồ Ðề, song còn chờ lúc lên quả vị Phật Thế Tôn, liền chuyển phương tiện ra đi cứu độ chúng sanh, như đức Phật Thích Ca trải qua những đời trước làm Bồ Tát, đến đời sau rốt, ngồi nơi cội Bồ Ðề mà lên quả vị Phật.
            Từ xưa đến nay, và hiện thời trong các cõi nước có vô số Bồ Tát:
- Có hàng Bồ Tát mới phát tâm, vừa mới thành Bồ Tát.
- Có hạng Bồ Tát mạnh mẻ mà tấn tới ngôi chánh giác, không hề lui bước nơi đạo.
- Có Bồ Tát xuất gia tức là chư vị đại đức, tổ sư truyền đạo và thuyết pháp giúp đời.
- Có Bồ Tát tại gia, tức là các nhà đại chí chủ đại từ thiện đứng ra bố thí giúp đỡ chúng sanh và thường hộ trợ ngôi Tam Bảo.
- Cũng có Bồ Tát tại thế sanh lên cõi đời nầy giúp ích cho chúng sanh hoặc theo hầu Phật lúc sanh tiền, nhứt là những vị Bồ Tát Tỳ Kheo tuy làm Tỳ Kheo, La Hán mà có đủ hạnh Bồ Tát.
- Cũng có những vị Bồ Tát du hành tức là chư Bồ Tát ở các cõi Phật, ở các cõi trời thường du hành từ các nơi và đến viếng chư Phật, trong các cõi.
- Hồi Ðức Phật thành đạo có rất nhiều Bồ Tát tại thế xuất gia và tại gia theo hầu Ngài và cũng có nhiều Bồ Tát du hành đến viếng Ngài.
- Cũng có những Bồ Tát có thể thành Phật, như muốn làm Phật thì đã ở ngôi vị ấy lâu rồi, nhưng vì lòng từ bi, vì sức đại nguyện nên còn ở trong hàng Bồ Tát mà độ sanh, ấy là chư Bồ tát lớn như Văn Thù, Quán Thế Âm.....
            - Và cũng có những vị Bổ Xứ Bồ Tát, tức là những Bồ Tát thường du hành đến các cõi phật, chừng giáng thế đến cõi nào thì làm Phật Như Lai ở cõi đó. Như ở cõi cực lạc của đức Phật A Di Ðà có rất nhiều vị Bổ Xứ Bồ Tát.
            - Bồ Tát cũng là tiếng tôn kính để xưng người có đại hiếu đại hạnh dẫu người ấy đương thời chưa tu hành. Như trong Kinh Ðịa Tạng, Quỷ Vô Ðộc xưng người Bà La Môn Nữ đi tầm mẹ ở Ðịa Ngục là Bồ tát.
            Trong các bài thuyết pháp của đức Phật Thích Ca, ngài thường nhắc lại những đời trước của Ngài, hồi Ngài còn làm Bồ Tát, hễ sanh ra nơi nào thì cũng tận tâm mà giúp người giúp đời, thường thực hành các pháp Ba La Mật như: Bố Thí, Trì Giới, Nhẫn Nhục, Tinh Tấn, Thiền Ðịnh, Trí Tuệ.
Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa có kể sơ ít công đức của chư Bồ Tát lớn như thế nầy:
            - Các ngài đều không thối chuyển, và theo một mục đích, quyết tới quả Phật. Các Ngài có phép Ðà La Ni và sức hạnh nguyện huyền vi, chuyển bánh xe pháp đi tới chớ không trở lui, các ngài đã thờ cúng, phụng sự không biết bao nhiêu đức Phật. Các Ngài từng cúng dường, và tạo công đức trước mặt cả ngàn đức Phật, và từng nghe cả trăm ngàn đức Phật mở miệng mà khen tặng mình. Các Ngài tu thân lập hạnh bằng sự nhân từ, bố thí. Các Ngài rất thuần thục trong sự trí huệ Phật, thông đạt các trí, và rõ thấu Ba La Mật.
            Như vậy chúng ta biết có rất nhiều loại Bồ Tát, vị trí và hạnh nguyện của các Ngài cũng khác nhau, vì thế phương tiện thực hành cũng khác nhau. Tuy vậy, phương pháp hay phương châm cứu khổ ban vui căn cứ theo đạo Bồ Tát nầy thì không khác. Vậy thì phương pháp cứu khổ ban vui như thế nào?
Như đã nói ở trên, một mặt chúng ta phải sống theo sự vận hành tất nhiên của thiên nhiên, dù muôn dù không chúng ta cũng bị ràng buộc, không nhiều thì ít bởi những quy định tất nhiên của cuộc đời, trong khi đó cuộc sống tinh thần của chúng ta là đòi hỏi quán triệt tự chủ, tự do. Ðây chính là những ràng buộc, phiền muộn cố hữu của con người chính là chỗ đó, và dù cho Bồ Tát đạo cũng không ra khỏi công lệ xưa nay. Bởi vậy, công cuộc giải thoát bản thân, thoát khỏi quy định thiên nhiên, mở ra cảnh giới tự do tinh thần được coi là hạnh phúc tối cao của con người. Về điểm nầy, đạo Bồ Tát cũng tương đồng với đạo xuất gia nói trên, và đây cũng là lý do tại sao Bồ Tát cũng tán thán đạo xuất gia.
            Nhưng cái đặc trưng tối đãi của đạo Bồ Tát là trong khi mở ra cái cảnh giới tự chủ của tinh thần vẫn không xa lánh, vẫn không trốn tránh những thống khổ cố hữu của kiếp người, trái lại lấy những đau khổ nầy làm cơ duyên! Xa hơn nữa, còn coi đau khổ của kiếp người tự nó cũng là yếu tố nằm trong hoạt động tự chủ, và lấy đó hướng tới lý tưởng vĩnh viễn tối cao. Cái sắc thái đặc thù của nhân sinh quan Phật Giáo là ở ngay trong khổ đau mà tìm ra cái giá trị và ý nghĩa tôn giáo và đạo đức.
Theo như đạo tại gia và đạo xuất gia thì nếu theo phương pháp ấy mà diệt trừ khổ đau, lập tức chúng ta phát triển ngay trong khổ đau cái lý tưởng vĩnh viễn tối cao rồi, và đến đây thì không còn gì để tiến thêm nữa. Ngược lại theo đạo Bồ Tát, cái giá trị hay ý nghĩa cuộc đời không phải lấy sự sướng, khổ là tiêu chuẩn để phân biệt, mà lấy sự thực hiện sinh mệnh vĩnh viển là lý tưởng tối cao, và lấy đó làm tiêu chuẩn cho tất cả mọi giá trị.
Muốn thực hiện điều đó cần phải vượt qua mọi khổ đau, không lưu tâm tới nó, nhờ thế mà lý tưởng vĩnh viễn lần lần được thực hiện từng bước. Ðó là đặc sắc của đạo Bồ Tát và chính cũng ở điểm nầy mà đạo Bồ Tát khác với đạo tại gia và đạo xuất gia.
Nói một cách đơn giản thì đạo Bồ Tát coi giá trị cuộc sống là ở chỗ coi thường khổ đau và vui sướng không để chúng làm bận tậm, luôn luôn tự chủ cuộc sống. Chính ở đây, mà ta thấy ý nghĩa hay giá trị cuộc đời có hứng thú là nhờ cái phương châm tích cực là tinh thần căn bản của đạo Bồ Tát.
            Ai là người có khả năng thực hiện đạo Bồ Tát?
Bất luận là người nào, Nam hay Nữ cũng có thể thực hiện được, và những ai khéo léo điều khiển và làm chủ chính mình, chắc chắn những người ấy sẽ đạt đến Niết Bàn. Ðể đạt đến mục tiêu nầy, chúng ta cần phãi chuẩn bị tư tưởng để đối phó với những phiền não:
01- Chúng ta quán chiếu để thấy rõ danh sắc trong lúc làm còn tu nhân, và lúc đạt được tuệ giác nầy, chúng ta đã thoát khỏi thân kiến không còn chấp vào một cái ngã vĩnh cửu. Phải biết rằng sự từ bỏ tà kiến nầy chỉ tạm thời thôi. Khi nào đạt đến quả vị Bồ Tát, tà kiến mới vĩnh viễn được loại trừ. Người đạt quả vị Bồ Tát không còn ảo tưởng về tự ngã nữa.
            02- Loại phiền não thứ hai được loại trừ là hoài nghi. Loại phiền não nầy gần với tà kiến. Khi một người không hiểu rõ ràng, chính xác bản chất của sự vật thì sẽ khó hiểu biết được điều đúng, điều sai, như người đứng giữa ngã ba đường bối rối không biết lựa chọn đường nào, hoặc như khách lữ hành bố rối phân vân không biết làm sao đi dúng đường. Tình trạng tiến thoái lưỡng nan nầy làm cho thân tâm suy nhược, mòn mõi.
Như vậy khi thấy được bộ máy nhân quả chúng ta sẽ tạm thời loại bỏ hoài nghi. Chúng ta nhận thấy giáo pháp là chân lý là sự thật thấy rõ danh và sắc liên hệ nhân quả với nhau, mà không có việc gì trên thế gian nầy không có nhân duyên. Tuy nhiên, sự loại bỏ hoài nghi nầy chỉ có tính cách tạm thời. Bao lâu mà chúng ta có chánh niệm thì hoài nghi bị loại bỏ. Lúc không có chánh niệm hoài nghi sẽ xen vào. Chỉ khi đạt quả Bồ Tát. Hoài nghi mới hoàn toàn bị diệt tận. Người nào đã đi đến đích cuối cùng của bát Chánh Ðạo là Niết bàn thì người ấy sẽ có đức tin kiên cố vào đức Phật, vào những lời dạy dỗ chính xác và hiệu quả của Ngài, và tin vào những lời dạy của Chư thánh Tăng đã từng đi theo gót chân Ðức Phật.
03- Loại phiền não thứ ba được loại trừ khi đạt quả Bồ Tát là giới cấm thủ, nghĩa là tin tưởng vào lối thực hành sai lầm. Chúng ta có thể hiểu biết điều nầy một cách tổng quát. Sự hiểu biết nầy trọn vẹn hơn nếu được xem là dưới ánh sáng của Tứ Diệu Ðế, một khi chúng ta có khả năng đắc đạo Bồ Tát, khai triển Bát Chánh Ðạo thì trước tiên chúng ta đã hiểu chân lý:
            Thứ nhất, tất cả mọi vật đều khổ và bất toại nguyện. Thân và Tâm là khổ,
Sự phát triển đầu tiên của chúng ta bao gồm trong việc quán sát các sự khổ nầy. Khi chân lý thứ nhất được thấy trọn vẹn thì chúng ta sẽ được thấy ba chân lý sau, đó là sự loại bỏ tham ái(chân lý thứ hai) sự chấm dứt đau khổ (chân lý thứ ba) và sự phát triển Bát Chánh Ðạo(chân lý thứ tư)
Phần sơ khởi hay phần trí tuệ của Bát Chánh Ðạo sẽ được phát triển trong từng sát na chánh niệm. Ðến một lúc nào đó, phần thế tục của bát Chánh Ðạo nầy sẽ được chín mùi trở thành trí tuệ siêu thế. Ðó cũng là lý do, khi giác ngộ Niết Bàn, lúc bây giờ chúng ta mới hiểu rỏ rằng:
            - Thực hành là con đường duy nhất để giải thoát.
            Phải biết rằng kinh nghiệm của cuộc đời muốn có an lạc phải chấm dứt khổ đau thực sự, chấm dứt được các nhân duyên, mọi khổ đau đó là Niết Bàn. Những ai trong chúng ta khi tu tập đến mức thành đạt cũng đều có những cảm giác như vậy.
Có thể nói Bát Chánh Ðạo là con đường duy nhất dẫn đến Niết Bàn. Niết Bàn chỉ có thể đạt được qua sự thực hành. Với sự hiểu biết nầy, vị Bồ Tát không còn tin tưởng vào phương pháp thực hành nào khác nếu trong đó không có Bát Chánh Ðạo.
Khi chúng ta đã quyết định dấn thân, và có khái niệm về phương cách tự làm chủ lấy mình, là chúng ta đã hiểu và chấp nhận những lời Phật dạy và tức khắc trở thành một vị Ðại Bồ Tát. Ðược như vậy, trong nhân gian chúng ta có thể làm chủ được chính mình, và cũng có thể làm nơi nương tựa cho những chúng sanh khác. Mặc dầu các bài pháp của Ðức Phật trực tiếp hướng đến mục đích tối hậu là quả vị Phật, nhưng khi chúng ta chưa đủ phước duyên đạt được đạo quả cuối cùng, thì chúng ta chỉ có thể trở thành một vị Bồ Tát
            Khi đã đạt quả vị nầy thì lúc đó Bồ Tát đã có thể: Làm Cạn Biển Phiền Muộn trong Tam Giới. Người đạt đến địa vị Bồ Tát không còn bị tái sanh vào các đường ác.
Ðến địa vị nầy, Bồ Tát không còn tham lam, sân hận, và si mê tấn công, và thánh đạo tâm đã nhổ tận gốc rễ các phiền não dẫn đến sự tái sanh vào ba đọa xứ nên các vị Bồ Tát không còn tái sanh vào các cảnh dữ nầy.
            Như vậy Bồ Tát đã thành công trong việc: Tát Cạn Biển Phiền Muộn trong ba giới. Bao giờ chưa đắc quả thì ta vẫn còn tiếp tục luân lưu trong vòng luân hồi bất tận không biết đâu là khởi điểm nầy. Phạm vi của tam Giới rộng vô cùng, ta cứ đi mãi miết. Người đắc quả Bồ Tát sống trong Tam Giới chỉ là phương tiện để hoàn thành tâm nguyên của mình.
            Các pháp không lương thiện chỉ có thể xuất hiện dưới ảnh hưởng của si mê và tham ái. Khi một số si mê, và tham ái biến mất thì một số nghiệp không lương thiện như tái sanh vào các cảnh khổ cũng bị mất hiệu lực. Khi còn bị các loại phiền não như tà kiến, ngã kiến, hay nghi ngờ về đạo quả và nghiệp báo chi phối thì con người làm biết bao nhiêu điều bất thiện. Các hành động không lương thiện mà họ đã làm chắc chắn sẽ dẫn họ đến ba cõi dữ.
Không còn các loại phiền não nầy nên vị Bồ Tát không còn làm những hành động ác có thể khiến họ tái sanh vào ba cảnh khổ. Thêm vào đó, những nghiệp ác mà trước đây họ đã tạo có thể dẫn họ tái sanh vào cảnh cũng bị ắc đứt vào lúc họ đạt được chánh đạo tâm. Bởi thế, một vị Bồ Tát không còn phải lo sợ sinh vào ba đường dữ nữa.
            Phần thưởng dành cho những ai đã đạt đến địa vị nầy, đó là vị Bồ tát đó làm chủ bảy kho báu của thánh nhân. Thánh nhân là người trong sạch, có tư cách thanh cao, đã đạt được một trong những mức giác ngộ. Bảy kho báu nầy là:
- Ðức tin,
- Giới hạnh,
- Hổ thẹn,
- Ghê sợ tội lỗi,
- Học nhiều hiểu rộng,
- Bố thí
- Trí tuệ.
            01- Ðầu tiên là đức tin:
            Các bậc thánh có đức tin bất thối vào Phật Pháp và Tăng. Ðức tin của các Ngài không thối chuyển vì nó phát sinh từ kinh nghiệm trực tiếp và hiểu biết. Bậc thánh nhơn không bao giờ bị mua chuộc, lung lạc hay hư hỏng đến nổi từ bỏ Phật Pháp, Tăng. Không có phương tiện nào, dù ngọt ngào hay đe doạ, dù gian trá, hay nguy hại đến tánh mạng có thể làm cho các ngài từ bỏ đức tin.
            02- Kho Báu Thứ Hai Giới Hạnh.
            Giới hạnh là thanh lọc phẩm. Bực Bồ Tát không thể phạm năm giới, không bao giờ có tư tưởng hay hành động sai lầm, có thể tái sanh vào bốn khổ. Bậc Bồ Tát thoát khỏi thân ác nghiệp, thoát khỏi phần lớn các khẩu ác nghiệp, thoát khỏi tà mạng và cuối cùng không bao giờ thực hành theo tà đạo
            03- Kho Báu thứ ba & thứ tư là Hổ Thẹn & Ghê Sợ Tội Lỗi:
            Ở vị Bồ Tát yếu tố nầy được phát triển một cách mạnh mẽ. Bởi thế các Ngài không thể nào làm nghiệp ác.
            04- Kho Báu Thứ Năm Là Học Rộng Hiểu Nhiều:
            Liên quan đến lý thuyết thiền cũng như các thực tập thiền. Thật vậy, bậc Bồ Tát đã học được kỷ thuật đi trên Bát Chánh Ðạo, biết thực hành theo Bát Chánh Ðạo để tiến đến Niết Bàn.
            05- Kho Báu Thứ Sáu Là Bố Thí:
            Hay lòng từ thiện. Thật ra đây là sự dứt bỏ. Vị Bồ Tát từ bỏ một cách hào hiệp mọi phiền não dẫn đến sự tái sanh vào các khổ cảnh. Thêm vào đó, vị Tu Ðà Hoàn bố thí một cách rộng rãi. Lòng từ thiện của các Ngài liên tục và chân thật.
            06- Kho Báu Thứ Bảy Cuối Cùng Là Trí Tuệ.
            Ðiều nầy liên quan đến các tuệ giác phát sinh từ tu tập. Khi tu tập chúng ta không bị tà định và tà niệm chi phối, không còn có các thô tướng phiền não bùng khởi bên trong và biểu hiện qua hành động, lời nói và tư tưởng. Các Ngài cũng thoát khỏi nỗi sợ hãi bị tái sanh vào khổ. Sự bình an cá nhân là điều quan trọng thiết yếu. Sự bình an nầy có thể đạt được nhờ thoát khỏi sợ hãi.
Thực tập đạo Bồ Tát đến chỗ tròn đầy như vậy, chúng ta sẽ làm chủ bảy sở châu báu, mà trong cuộc đời không có châu báu nào quý giá hơn. Theo quý vị nghĩ, nếu ai cũng ý thức được như vậy và muốn làm chủ bảy kho quý báu nầy thì nhân loại sẽ ra sao?
- Nếu nhiều người trên thế gian nầy ai cũng tham vọng làm chủ bảy kho báu vật nầy, thì chắn chắn trong tâm mỗi người sẽ có được sự an bình, và như vậy thì thế giới sẽ hoà bình an lạc. Thế giới an bình chỉ có thể bắt đầu từ tâm và hành động lương thiện của con người.
-- o0o --