Hoàng Hậu Dương Vân Nga
Chính Sử & Truyền Thuyết
Nguyễn  Mộng Khôi
--o0o--
 
Bà Dương Vân Nga là Hoàng Hậu của 2 vị Hoàng Ðế và là mẫu hậu của 3 vua(Trong lịch sử nước ta, chưa người phụ nữ nào được vinh hạnh như vậy). Thân phụ là Dương Thế Hiển, quê Nga My, xã Gia Thủy, Huyện Nho Quan, Ninh Bình. Mẹ ở thôn Vân Lung, xã Gia Vân, Gia Viễn Ninh Bình. Vì vậy, cái tên Vân Nga là kết hợp hai địa danh quê hương của cha mẹ. 
Khi mới chào đời, Vân Nga cũng khác thường. Cô bé khóc dạ đề 3 tháng liền, cho tới một đêm có vị Thiền Sư đi qua làng, nghe tiếng khóc. Ông vào nhà, chỉ xoa nhẹ vào lưng Vân Nga khẽ ru:
- Nín đi thôi, nín đi thôi
Một thân gánh vác cả đôi sơn hà.
Cô bé bổng nín bặt. Năm Mậu Thìn(968), Đinh Bộ Lĩnh dẹp yên loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước, lên ngôi Vua, hiệu là Đại Thắng Minh Hoàng Đế. Một hôm Ngài cưỡi ngựa, rong ruổi về thăm Thung Lau, nơi căn cứ cũ. Đến vùng Nga My, non xanh, nước biếc hữu tình, chợt nghe tiếng hát giọng trong trẻo của một cô gái:
- Anh đi tán tía tàn vàng
Ðể em cắt cỏ bên đàng sao đang
Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Trăm ngàn ngọn cỏ lai hàng tay ta.
Nhà Vua xuống ngựa, cho người đến gọi cô gái, nhưng không thấy đâu nữa. Ông chợt nghĩ đến người bạn bố mình xưa kia là Tướng Quân Dương Thế Hiển ở gần đây, bèn ghé vào thăm. Thế Hiển sai con gái là Vân Nga bưng nước mời khách. Nàng có tiếng nói hệt giọng hát lúc nãy. Nhà Vua xin được đón về kinh đô, lúc đó Vân Nga tròn 16 tuổi.
Vân Nga là người thông minh, có học nên giúp Vua Đinh rất nhiều trong việc dựng nước. Mấy năm sau, bà được Vua phong chức Đại Thắng Minh Hoàng Hậu. Có hai người được Vua tín cẩn nhất để điều hành quốc gia bấy giờ là Hoàng Hậu và Lê Hoàn. Lê Hoàn sanh năm 941 ở Xuân Lập, Thọ Xuân, Thanh Hóa. Cha mẹ qua đời khi còn nhỏ. Vì vậy Hoàn phải làm con nuôi của một vị quan nhỏ, người cùng họ. Lớn lên Hoàn theo Nam Việt Vương Đinh Liễn con trưởng Vua Đinh. Trong việc đánh dẹp các sứ quân. Lê Hoàn tỏ rõ là người có tài, nên được Đinh Bộ Lĩnh cho chỉ huy 2000 binh sĩ. Đến khi thống nhất đất nước Lê Hoàn được phong chức Thập Đạo Tướng Quân(1), Điện Tiền Chỉ Huy đội cấm vệ bây giờ.
Năm Giáp Tuất(974), bà sinh hoàng tử Đinh Toàn, đầu năm 979, Toàn được Vua phong là Vệ Vương. Đêm rằm Trung Thu năm ấy, sau một tiệc say sưa Đại Thắng Minh Hoàng Đế và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên hầu cận là Đỗ Thích giết hại. Lý do mà Đỗ Thích giết Vua, vẫn còn nhiều nghi vấn. Chỉ thấy trong lịch sử ghi lại là đêm hôm trước Thích nằm mơ là có một ngôi sao rơi vào mồm. Hắn nghĩ là cơ hội đã đến, nên ra tay. Ba ngày sau Đỗ Thích bị bắt và bị chém ngay. Sau đó triều thần hội bàn rồi tôn Vệ Vương Đinh Toàn(chưa đầy 6 tuổi) lên ngôi Hoàng Đế, tôn Dương Vân Nga làm Hoàng Thái Hậu, thay Vua để coi việc nước. Thái Hậu chọn Lê Hoàn làm nhiếp chính. Các công thần nhà Đinh là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc, Ngoại Giáp Đinh Điền, Tướng quân Phạm Hạp ...  ganh tài và sợ Lê Hoàn cướp ngôi nên cùng nhau hội binh, chia hai đường thuỷ bộ từ Ái Châu(Thanh Hóa) kéo về Hoa Lư hỏi tội. Thái Hậu thấy vậy lo ngại bảo Lê Hoàn:
- Bọn Bặc giấy quân khởi loạn, làm kinh động nước nhà, vua còn nhỏ yếu, không đương nổi hoạn nạn, bọn ông mưu tính thế nào, chớ để sinh tai họa về sau.
Lê Hoàn đem quân đi đánh chỉ một trận là dẹp tan quân của Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp.
Phò Mã Ngô Nhật Khánh(cháu Ngô Quyền, là một trong 12 sứ quân, mẹ Khánh là một trong những vợ của Vua Đinh, em Khánh lấy Đinh Liễn) nhân cơ hội trong nước rối loạn, sang cầu cứu Chiêm Thành rồi dẫn 1000 chiến thuyền tiến đánh nước ta. Lê Hoàn chưa kịp ra quân thì được tin thuyền của quân Chiêm bị bảo, đắm gần hết, Ngô Nhật Khánh chết đuối phải rút lui.
Lê Hoàn vừa dẹp xong bọn Nguyễn Bặc thì tháng 6 năm 980, nhà Tống kiếm cớ gây sự. Hầu Nhân Bảo dâng thư tâu với Vua Tống Thái Tông rằng:
- An Nam Quận Vương cùng với con là Đinh Liễn đều bị giết, nước ấy sắp mất, có thể nhân lúc nầy đem một cánh quân sang đánh lấy. Nếu bỏ lúc nầy không mưu tính, sợ lỡ mất cơ hội.
Tháng 3 năm Tân Tỵ(981), quân Tống khởi binh đánh Đại Cồ Việt(quốc hiệu nước ta lúc bấy giờ). Thái Hậu Dương Vân Nga sai quan Thập Đạo Tướng Quân chọn tướng sĩ cự địch và cử Phạm Cự Lượng làm Đại Tướng tiên phong. Trước khi xuất quân, Lượng họp tất cả quân sĩ lại ở trong điện, rồi nói rằng:
- Bây giờ quân nghịch sắp vào cõi mà Vua thì còn bé, lấy ai mà thưng phạt cho chúng mình. Dẫu chúng mình có hết sức lập chút công nào, thì rồi ai biết cho? Chi bằng nay ta tôn Thập Ðạo Tướng Quân lên làm Vua rồi ra đánh thì hơn.
Quân sĩ nghe nói đều tung hô vạn tuế. Thái Hậu thấy quân sĩ thuận cả, mới lấy áo long cổn mặc vào cho Lê Hoàn.
Lê Hoàn lên làm Vua tức là Đại Hành Hoàng Đế, giáng Đinh Toàn(2) xuống làm Vệ Vương, sử gọi là phế đế rồi thống lĩnh đại binh thủy bộ tiến đánh quân Tống. Dương Vân Nga ở lại kinh thành Hoa Lư buông mành chấp chánh, lo toan công việc hậu phương, cùng bách quan huy động lương thực cho đại quân.
Quân Tống do Hầu Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng theo đường bộ đánh mặt lạng Sơn. Lưu Trừng đem thủy quân tới Bạch Đằng Giang, khí thế mạnh lắm, quân Lê đánh không lại phải lui. Đồng thời bộ binh Hầu Nhân Bảo tiến rất nhanh, đã qua khỏi Lạng Sơn, nhưng đến Chi Lăng thì Bảo rơi vào phục binh, bị bắt rồi bị giết. Quân Lê thừa thắng đuổi theo, chém giết quá nửa và bắt được 2 người bộ tướng.
Bọn Lưu Trừng thấy lục quân tan vỡ vội vàng đem thủy quân rút về.
Quân ta tuy thắng trận, nhưng Vua Đại Hành sợ thế lực không chống với Tàu được lâu, bèn sai sứ đem hai viên tướng bắt được sang trả nhà Tống và xin theo lệ triều cống. Lúc đó ở phía Bắc nước Tàu có quân Khiết Đan(Hung Nô) đang đánh phá, cho nên Vua Tống cũng thuận, thoi việc chiến tranh với nước ta, sắc phong cho Đại Hành Hoàng Đế làm Tiết Độ Sứ rồi mấy năm sau lại phong Bình Nam Vương.
Bấy giờ sứ Tống thường hay đi lại, có khi Vua Đại Hành phụng chiếu mà không lạy, nói dối rằng đi đánh giặc ngã ngựa đau chân. Nhà Tống biết là dối, nhưng cũng làm ngơ đi.
Sau khi Vua Lê Đại Hành phá được quân Tống rồi, không còn lo mặt trận phương Bắc nữa nên quyết định chinh phạt Chiêm Thành, lấy cớ là lúc Vua Đai Hành lên ngôi có sai sứ sang Chiêm bị Vua nước ấy bắt giam, nên bây giờ nhà Vua thân chinh mang quân sang đánh báo thù. Kinh Thành nước Chiêm bị chiếm, quân Việt bắt được nhiều tù binh và lấy được của cải rất nhiều mang về nước.
Năm Nhâm Ngọ(982) Lê Đại Hành phong cho Dương Vân Nga là Đại Thắng Minh Hoàng Hậu(vẫn cái tên cũ từ thời bà làm hoàng hậu của Vua Đinh). Việc Dương Vân Nga là Hoàng Hậu của Vua Đinh, nay là vợ Vua Lê, lại được cùng một tước phong nên bị dư luận chê bai. Họ bảo là:
- Trai khôn một chúa, gái ngoan một chồng.
Nhân dân khi làm đền thờ, tô pho tượng Dương Vân Nga mặt đỏ là cốt thể hiện sự ngượng ngùng của người đàn bà thờ hai chồng. Đến thời Lê mạt, An Phủ Sứ Lê Thúc Hiển ra lệnh cấm thờ chung ba pho tượng:
- Vua Ðinh, Vua Lê và Thái Hậu.
Truyền thuyết Hoa Lư kể lại rằng:
- Lê Thúc Hiển làm nhục Thái Hậu, sai buộc lụa trắng vào cổ tay bức tượng, rồi dong bà từ đền Đinh Bộ Lĩnh về đền thờ Lê Đại Hành. Khi trở về kinh, viên quan họ Lê đứt ruột lăn đùng ra chết.
Nhưng người bênh vực bà thì bảo rằng, trong khi đất nước đang lâm nguy, nếu chỉ vì quyền lợi của dòng họ và ngôi vị của con mình thì có thể giữ được nước không? Sự lựa chọn và quyết định của Dương Vân Nga trong hoàn cảnh ấy, đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một người có khối óc lớn thức thời, xứng đáng được coi là anh hùng. Nếu bà không biết đặt lợi nước lên trên quyền lợi dòng họ, bà có thể dựa vào một quyền thần để chống lại một quyền thần khác, ngoan cố bảo vệ ngai vàng cho đứa con nhỏ của mình, sẽ gây ra nạn tranh giành, đẩy đất nước vào thăm cảnh rối loạn và kết cục là bị mất nước vào tay giặc ngoại xâm nhà Tống. Bà cũng không phải là hạng người ham giàu sang dục lạc. Những năm cuối cuộc đời, khi đã bình Chiêm, phạt Tống xong, bà xin Đại Hành xuất gia. Bà tu ở Chùa Am Tiên(3). Một bài thơ truyền khẩu khắc trên tường Chùa đã tóm tắt cuộc đời Hoàng Hậu Dương Vân Nga:
- Hai vai gồng gánh hai Vua
Hai triều hoàng hậu, tu Chùa Am Tiên
Theo chồng đánh Tống bình Chiêm
Có công với nước, vô duyên với đời.
Bà mất năm 1000, hưởng dương 48 tuổi.
 
Ghi Chú:
1- Thập Ðại Tướng Quân: Quân đội của nhà Ðinh thời bấy giờ phân ra: Ðạo, quân, lữ, tốt, ngũ.
- Một đạo có 10 quân
- Một quân có 10 lữ
- Một lừ có 10 tốt
- Một Tốt có 10 ngũ
- Một ngũ có 10 người.
Như vậy Thập Ðạo Lê Hoàn chỉ huy 1 triệu lính. Sử Gia Trần Trọng Kim bảo rằng thời đó nước ta có khoảng 10 vạn quân. Nói thập đạo quân là để dọa các nước lân bang.
2- Vua Lê Ðại Hành giáng Ðinh Toàn xuống Vệ Vương như tước cũ, nhưng vẫn được nhà Vua thương như con ruột. Lúc nào Ðinh Toàn cũng ơ gần Vua. Năm 1001, Vệ Vương Ðinh Toàn theo Vua đi đánh giặc ơ Cử Long (Thanh Hoá), chẳng may trúng tên độc bị chết. Ðại Hành ôm xác Vệ Vương khóc ngất.
3- Am Chùa Tiên: Từ đền Ðinh tới Am Tiên(hay động Am Tiên), phải đi theo con đường đất, qua cây cầu nhỏ nối hai bờ sông Trường Yên, đi tiếp về hướng Nam rẽ trái theo lối mòn, đến khu động Am Tiên. Muốn vào động ta vượt qua một dốc nhỏ có 62 bậc thang đá, chung quanh là núi bao bọc, núi dựng đứng, ngút ngàn lau sậy và những cụm trúc rễ ăn sâu vào vách núi nên thân không cao, toàn là trúc cảnh, trúc đuôi công ... Ðộng Am Tiên như một thế giới riêng biệt. Có một tấm bia cổ, từ thời Lý, chữ đã mờ hết đọc không được. Nhưng tấm bia dựng thời Vua Ðồng Khánh nhị niên và Bảo Ðại thất niên(1887-1932), chữ viết còn rõ ràng, nói về việc tu sửa chùa và động.  
-- o0o --