Hoa Ðào Thăng Long &
Quang Trung Nguyễn Huệ
Trúc Giao
--o0o--
 
            - Mà nay áo vãi cờ đào
            Giúp dân dựng nước xiết bao công trình
            (Ai Tư Vãn-Lê Ngọc Hân)
 
I- Trai Anh Hùng
            Nói đến trai anh hùng, lẽ tất nhiên trong nhân loại cũng đã có rất nhiều bậc anh hùng. Nhưng trong phạm vi của bài viết nầy, trai anh hùng được hiểu là người anh hùng áo vải đất Tây Sơn. Nói đến người anh hùng áo vải đất Tây Sơn không ai là không liên tưởng đến Quang Trung Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ sanh năm 1753, thuở nhỏ Nguyễn Huệ còn có tên là Thơm, sau gọi là Bình. Cả ba anh em đều theo học Thầy Hiến, một nhà Nho bất đắc chí với chính sách ngược đãi của Trương Phúc Loan nên bỏ trốn vào Quy Nhơn mở trường dạy học ở ấp Yên Thái.
            Tổ tiên xưa của Nguyễn Huệ là họ Hồ ở làng Quỳnh Ðôi, huyện Quỳnh Lưu, trấn Nghệ An. Sau đó một chi dời vào Huyên Hưng Nguyên và Huyện Nghi Xuân. Theo các cụ ở Hưng Thái, Hưng Nguyên cho biết thì họ Hồ ở Hưng Thái hằng nằm thường có sang Nghi Xuân nhận họ. Trong trận tấn công ra Bắc vào tháng 6 năm Ất Mùi 1655, quân Nguyễn chiếm được bảy Huyện phía nam sông Lam (Nghệ Tĩnh), bắt dân đưa vào đàng trong khai hoang. Sách cũ đều có nói bốn đời của Nguyễn Huệ cũng ở trong số Di Dân đó. Lúc đầu đến lập ấp, ở ấp Tây Sơn Nhất thuộc Huyện Quy Ninh, phủ Quy Nhơn. Ðến đời Nguyễn Phi Phúc mới đến ở ấp Kiên Thành, Huyện Tuy Vĩnh, nay là làng Kiên Mỹ, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, Tỉnh Nghĩa Bình. Nguyễn Phi Phúc và Nguyễn Thị Ðông sinh ra Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ và một người con gái.
            Theo tài liệu thì Nguyễn Huệ tóc quắn, da sần, mắt như chớp sáng, tiếng nói sang sảng như tiếng chuông, nhanh nhẹn khỏe mạnh, can đảm. Sách Tây Sơn thuật lược còn miêu tả đôi mắt của Quang Trung Nguyễn Huệ ban đêm ngồi không có đèn thì ánh sáng đôi mắt soi sáng cả chiếu.
            Mùa Xuân năm 1771, đất Tây Sơn sôi động, lá cờ khởi nghĩa bằng lụa đỏ màu hoa đào dài 10 mét được dựng lên với khẩu hiệu:
            - Lấy của nhà giàu cho dân nghèo, và lời hịch kể tội Trương Phúc Loan được truyền đi khắp nơi.
            Các tầng lớp nhân dân, người Kinh, người Thượng đều hăng hái tham gia. Từ cuộc khởi nghĩa Tây Sơn nầy, Nguyễn Huệ trở thành lãnh tụ kiệt xuất của phong trào nông dân thế kỷ XVIII, và cũng trở thành người anh hùng dân tộc đã đánh đổ cả hai tập đoàn thống trị ở Ðàng Trong và Ðàng Ngoài. Người đã lập nên những chiến công hiển hách chống quân xâm lược Xiêm và mãn Thanh, thực hiện được khát vọng thống nhất đất nước của dân tộc vào cuối thế kỷ thứ XVIII.
            Có thể nói Nguyễn Huệ là một nhà quân sự thiên tài. Trong hoạt động quân sự Ông luôn luôn chủ động tập trung lực lượng đánh vào những mục tiêu chiến lược trọng yếu nhất, và hành động liên tục, bất ngờ chớp nhoáng, quyết liệt làm cho đối phương không kịp đối phó, những chiến tích đó được ghi lại trong các trận đánh:
            Năm 1777, Nguyễn Huệ đem quân vào Gia Ðịnh đánh tan sào huyệt của quân Nguyễn, bắt được Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Phúc Thuần. Sau khi chiến thắng ông giao quyền cho các tướng và trở lại Quy Nhơn.
            Năm 1785 được tin báo quân Xiêm xâm lược, Nguyễn Huệ lại đem đại quân vào Gia Ðịnh. Trong mấy trận đầu quân Tây Sơn rút lui để nhử giặc vào trận địa mai phục sẵn. Quân Xiêm kéo vào Rạch Gầm và Xoài Mút(phía Tây Mỹ Tho) bị phục binh Tây Sơn ở các mặc cùng ập ra tiến công bất ngờ, quyết liệt, năm vạn quân thủy bộ cùng ba trăm chiến thuyền bị đánh tan tác, chỉ còn lại vài nghìn sống sót chạy trốn về nước theo đường núi.
            Năm 1786 Nguyễn Huệ đem quân ra bắc với khẩu hiệu phù Lê diệt Trịnh, cô lập triệt để quân Trịnh nên lấy được Bắc Hà một cách dễ dàng. Trong dịp nầy Nguyễn Huệ nói với Nguyễn Hữu Chỉnh:
            - Ta đem mấy vạn quân đây chỉ đánh một trận mà dẹp yên được cả thiên hạ.... Ví phỏng ta muốn xưng đế, xưng vương gì mà chẳng được. Sở dĩ ta nhường nhịn không giành địa vị ở những người ấy, là vì tôn trọng hậu đại nhà Lê đó thôi.
Nhưng Nguyễn Huệ cũng biết trong nhân dân và nho sĩ Bắc Hà còn nhiều người luyến tiếc nhà Lê, nên ông bằng lòng lấy công chúa Ngọc Hân nhà Lê rồi lui về Thuận Hóa.
            Năm Ðinh Mùi(1787), hay tin Nguyễn Hữu Chỉnh chuyên quyền ở Thăng Long (Hà Nội), Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ sai Vũ Văn Nhậm ra giết đi, Nguyễn Huệ vẫn cho Lê Chiêu Thống làm giám quốc. Ðược ít lâu, Vũ Văn Nhậm lại cũng chuyên quyền, Nguyễn Huệ lập tức lên đường đi Thăng Long (1788). Sau khi cho võ sĩ đâm chết Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ trở về Phú Xuân (Huế), giao Bắc Hà cho Ðại tư mã Ngô Văn Sở coi việc quân sự; và Tả thị lang Ngô Thời Nhiệm đảm trách việc chính trị.
            Lê Chiêu Thống thấy Nguyễn Hữu Chỉnh là người thân tín bị thảm sát, vội bỏ kinh đô, chạy lên Bắc Ninh rồi tìm đường sang Tàu cầu cứu,. Vua Càn Long chấp thuận đề nghị, rồi huy động binh mã bốn tỉnh Vân Nam, Qúi Châu, Quảng Ðông, và Quảng Tây dưới quyền tổng chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị. Ðại quân gồm 200 ngàn dân công, chia ra làm 3 đạo sang đánh nước ta vào đầu tháng 11 năm 1788. Lê Chiêu Thống cũng theo gót quân Thanh trở về nước.
- Ðạo thứ nhất do chính Tôn Sĩ Nghị và đề đốc Hứa Thế Hanh theo đường Lạng Sơn, qua cửa Nam Quan đánh vào.
- Ðạo thứ nhì do Ðề đốc họ Ô thống lĩnh quân đội Vân Nam và Qúi Châu từ Tuyên Quang tới (khi xưa đất Hà Giang, Lào Kay, Yên Bái thuộc tỉnh Tuyên Quang)
- Ðạo thứ ba do Ðiền Châu tri phủ Sầm Nghi Ðống từ Cao Bằng đổ xuống.
Ngô Văn Sở được tin quân Thanh xâm phạm lãnh thổ, bèn họp các tướng lãnh để tính kế cự địch, và đồng thời báo tin về Phú Xuân cho Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ. Sau trận ở Tam Tầng, Ngô Thời Nhiệm tính kế rút lui vào đèo Tam Ðiệp là chỗ hiểm yếu để đợi quân Phú Xuân của Bắc Bình Vương. Vì Thăng Long bỏ ngỏ nên ba đạo quân Thanh tiến vào mà không tốn thêm một mũi tên, viên đạn. Giành được thắng lợi tương đối dễ dàng, Tôn Sĩ Nghị tỏ ra rất chủ quan. Hắn ra lệnh cho quân sĩ tạm đóng quân ở Thăng Long để nghỉ ngơi ăn Tết, và chuẩn bị mọi mặt cho thật chu đáo rồi sau Tết sẽ tiến vào tận sào huyệt của giặc, bắt sống Nguyễn Huệ. Tôn Sĩ Nghị nghĩ ngay tới việc lập đồn lũy bốn phía chung quanh để phòng thủ Thăng Long. Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí thì Tôn Sĩ Nghị đóng đại bản doanh ở cung Tây Long bên bờ sông Nhị và bố trí lực lượng phòng thủ quanh Thăng Long, nhất là hướng đường thiên lý và đường thượng đạo mà quân Tây Sơn có thể bất ngờ tiến công.
Phía Ðông Thăng Long có sông Hồng như một chướng ngại thiên nhiên. Nghị còn lập đại bản doanh ngay trên bãi cát giữa sông rồi bắc cầu phao để tiện việc đi lại.
Từ phía Bắc Thăng Long, chạy ôm vòng sang phía Tây rồi bọc xuống phía Nam, Nghị cho đắp những chiến lũy như Tây Long Cung, Ðống Ða, Văn Ðiển, Quỳnh Ðô, Ngọc Hồi, Hà Hồi... Như vậy, Thăng Long nằm trong khu tứ giác phòng thủ. Sự phòng thủ chặt chẽ và kỹ lưỡng chưa từng thấy so với thời quân Nguyên, Minh... Trên các hướng phòng ngự nầy, đồn Ngọc Hồi và đồn Ðống Ða giữ vị trí then chốt
Những ngày giáp Tết năm đó, nhân dân kinh thành Thăng Long đã chứng kiến biết bao tội ác của quân giặc:
- Kiếm mọi cách vu hãm người lương thiện, áp bức, cướp bóc những nhà giàu có, thậm chí giữa chợ giữa đường cũng cướp giật của cải, hảm hiếp đàn bà, không còn kiên sợ gì cả.
Ngày 21 tháng 12  năm 1788 nhận được tin báo khẩn cấp của Ngô Văn Sở, Bắc Bình Vương lập tức hội các tướng sĩ để bàn việc đem binh ra đánh. Các tướng đều xin Ngài lên chính ngôi tôn, để yên lòng người rồi hãy khởi binh. Thấy chư tướng một lòng, nên ngay ngày hôm sau, tại Phú Xuân Nguyễn Huệ sai đắp đàn ở núi Bàn Sơn, ngày 25 tháng 11 năm Mậu Thân. Vương làm lễ lên ngôi Hoàng Ðế lấy hiệu là Quang Trung, rồi lập tức thống lãnh thủy bộ đại quân tiến ra Bắc đánh giặc Thanh. Ðến Nghệ An nghỉ lại 10 ngày để kén lấy thêm binh. Cả thảy 100 ngàn quân và 100 con voi trận. Như vậy Vương chỉ chính thức lên ngôi Hoàng Ðế thay thế nhà Lê, khi Lê Chiều Thống lộ rõ bộ mặt phản quốc, rước quân Thanh về dày xéo đất nước.
Với những phán đoán tình hình và công việc chuẩn bị chỉ trong vòng 35 ngày từ ngày 25 tháng 11 đến 30 tháng 12 năm Mậu Thân(22-12-1788 đến 25-01-1789), Quang Trung đã hoàn tất mọi việc chuẩn bị cho chiến dịch đại phá quân Thanh. 
Ngày 25 tháng 01 năm 1789, quân Tây Sơn đã tập kết ở Tam Ðiệp. Khi cho quân ăn Tết trước ở đây, Quang Trung tuyên bố:
            - Nay hãy làm lễ ăn Tết Nguyên Ðán trước, đợi đến sang xuân, ngày ta vào Thăng Long sẽ mở tiệc lớn. Các ngươi hãy ghi nhớ lấy lời ta xem có đúng thế không?
Ngày 30 Tết, quân Tây Sơn tới bến đò Giản Thủy, tức Gián Khẩu, Ninh Bình bây giờ(cách khoảng 80 cây cố phía Tây Nam Thăng Long). Tướng nhà Lê là Hoàng Phùng Nghĩa hoảng sợ bỏ chạy. Bọn quân tiền sát nhà Thanh cũng bở vía chạy theo, nhưng tới Phú Xuyên, Hà Ðông bị bắt và bị giết hết; vì vậy giặc mất liên lạc, không biết chiến cuộc đang ở thế bất lợi cho chúng. Trong lúc quân Thanh và bọn vua tôi Lê Chiêu Thống đang vui chơi ăn Tết thì quân Tây Sơn cũng đang âm thầm tiến về phía Thăng Long.
Mục tiêu đầu tiên là đồn Hà Hồi(phía Nam Thăng Long khoảng 20 km). Ngày mồng 3 Tết, năm Kỷ Dậu(1789), nữa đêm khoảng giờ Tý. Quân Thanh đang ngủ say sưa, bỗng một tiếng pháo lệnh; rồi tiếng loa nổi lên, tiếng gào thét thay đổi nhiều giọng; nhất là tiếng trống trận Tây Sơn càng khủng bố tinh thần. Quân giặc tưởng như có thiên binh vạn mã, đang ào tới, khủng khiếp như trời long đất lở. Quân giặc không còn hồn vía, liền kéo cờ hàng. Quân Tây Sơn không tốn một mũi tên, một viên đạn nào, vào tiếp thu quân nhu và khí giới.
Chiếm xong Hà Hồi, đại quân tức tốc tiến đánh Ngọc Hồi(phía bắc Hà Hồi 3km). Ðồn Ngọc Hồi từng là một trong những chốt kiên cố của giặc Thanh kiểm soát con đường thiên lý, vì vậy chúng tập trung nơi đây những đội quân tinh nhuệ, nhiều tướng cao cấp, Vua Quang Trung nhận rõ điều nầy, nên người đã trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ðêm mồng 3 Tết, trời tối đen như mực, quân Tây Sơn phải đốt đuốc. Ðàn voi trận gồm 80 con do vua Quang Trung dẫn đầu. Ðoàn tượng binh nầy được huấn luyện kỹ càng, tiến lui khớp nhịp với bộ binh.
 Quân Thanh ứng chiến bằng kỵ binh, nhưng ngựa thấy voi hoảng sợ rống lên rồi chạy tán loạn. Ðịch bị tan vỡ ngay hàng ngũ, vội rút vào cố thủ. Lũy của giặc có cắm chông sắt tua tủa. Ðạn trong đồn bắn ra như mưa. Quân Tây Sơn vẫn cảm tử tiến tới. Ðể ngăn tên đạn, quân ta đã chuẩn bị trước, lấy 60 tấm ván gỗ, cứ 3 tấm xếp lại thành một bó, ngoài phủ rơm nhào với bùn; rồi 10 người khiêng một bó đi trước, lưng giắt đoản đao, theo sau là 20 khinh binh tiến thành hàng chữ nhất. Quân Thanh đốt thuốc súng, bắn hỏa pháo, khói mù mịt bốc ra để theo gió Bắc thổi tới. Quân ta mờ mắt, không tiến được nữa và bắt đầu lâm vào thế bất lợi. Bỗng gió đổi hướng, khói lại thổi ngược về phía địch. Dưới ánh đuốc chập chờn đám quân có ván rơm liền lăn xả vào tiền tuyến, quăng ván xuống để đè lên chông sắt. Bọn có đoản đao ùa theo, lướt qua lằn đạn, phá cửa lũy tràn vào đồn như nước vỡ bờ.
Quân hai bên bắt đầu đánh cận chiến. Lớp nầy ngã, lớp kia xông tới. Sắt thép đụng nhau vang lên những tiếng lanh lảnh rợn người. Một thứ võ khí mới của quân Tây Sơn là súng hỏa hổ, rất lợi hại khi đánh gần. Súng nầy là một cây bương rỗng ruột, nhét đầy thuốc pháo ở trong, được xử dụng như súng phun lửa ngày nay. Mùi thịt cháy khét lẫn mùi thuốc súng và máu tanh nồng lộn mửa. Lửa đỏ rực cả góc trời. Lợi hại nhất vẫn là đàn voi xung kích. Chúng điên cuồng đạp chết biết bao địch quân.
Quân Thanh chịu không nổi, bỏ đồn chạy thoát thân. Bọn chúng lại rơi vào các máy ngầm, các hầm chông và những quả địa lôi do chính chúng gài đặt trước. Những tên sống sót, quần áo tả tơi, thân thể đầy máu chạy về phía những đồn lũy giặc ở phía Bắc. Chính đám tàn binh nầy làm cho quân giặc ở những đồn lũy khác sợ hãi và mất tinh thần chiến đấu.
Ðến sáng, đồn Ngọc Hồi thất thủ, hàng vạn quân Thanh bị tiêu diệt. Các đại tướng của chúng như: Trương Triều Long, Thượng Duy Thăng, Hứa Thế Hanh đều tử trận. Tàn quân giặc rút chạy về Ðầm Mực thì lại bị cánh quân của đô đốc Bảo đón sẳn tiêu diệt nốt. Ðoàn quân chiến thắng của ta hò reo tiến thẳng về Thăng Long. Trên đường tiến quân, hạ thêm hai đồn ở Văn Ðiển và Quỳnh Ðô một cách dễ dàng.
            Chiến thắng Ngọc Hồi Ðầm Mực mở đầu cho chiến thắng Ðống Ða. Chính trong lúc ấy một đạo quân của Ðô đốc Long cầm đầu theo kế hoạch đã tiến đến Khương Thượng, vây kín đồn binh của Sầm Nghi Ðống. Quân Thanh cầm cự, nhưng khi kiệt lực mà không có viện binh và đạn dược. Họ Sầm không chịu đầu hàng, chạy tới Ðống Ða nay là quận Ðống Ða, thuộc Hà Nội treo cổ tự vận trên cành đa trên núi Ốc tức Loa Sơn, nay tuy không còn vết tích nhưng trên bản đồ Hà Nội vẽ năm 1873 thì vẫn còn.
Tưởng cũng cần nên biết, tên Ðống Ða không phải là tên độc quyền cho gò nầy. Vào thế kỷ thứ 18 khu nầy có nhiều cây đa mọc, được gọi chung là xứ đổng đống đa. Theo Lê Quý Ðôn, năm 1771 đã chép trong Kiến Văn Tiểu Lục rằng xứ Ðống Ða là nơi thi võ đời Lê. Có điều là Ðống Ða đã trở thành di tích lịch sử từ khi có chiến thắng Xuân Kỷ Dậu. Nguyên là sau chiến dịch xuân Kỷ Dậu, xác giặc đầy đồng, đầy ngã. Người ta phải thu nhặc lại, xếp thành gò đống rồi phủ đất lên. Cả thảy 12 gò gọi là Kình Nghê Kinh Quán, tức là nơi chôn xác cá Kình, cá Nghê, tức là xác giặc. Sau đó đa mọc rậm rì trên những gò ấy. Nửa thế kỷ sau, khoảng 1851, nhân mở chợ Nam Ðồng, phải làm đường san đất, và thế là gặp nhiều hài cốt trước chưa thu lượm hết. Tổng Ðốc Hà Nội ra lệnh cho gom lại chôn ở một cái gò thuộc đất làng Nam Ðồng cho nên có thêm gò Kình Nghê Kinh Quán thứ 13, dân hai làng Nam Ðồng, Thịnh Quang còn đứng ra xây một ngôi Chùa trước gò nầy gọi là Chùa Ðồng Quang.
            Tới thời Pháp thuộc, cuối thế kỷ thứ 19 thực dân Pháp đem xứ Ðống Ða cho Hoàng Cao Khải làm Thái Ấp. Khải bắt dân san gò, lấp ao để xây dinh thự, chỉ còn lại cái gò thứ 13 nầy, ngày nay chúng ta gọi là gò Ðống Ða, một kỷ niệm của trận đại thắng giặc Thanh năm 1789, nơi chôn xác quân thù.
Nhắc lại việc tiến binh của Quang Trung Nguyễn Huệ, đạo quân do đô đốc Long (hay Mưu hay Ðông) chỉ huy, bất ngờ diệt đồn Ðống Ða, và tiếp tục đánh thọc sâu vào đại bản doanh của Tôn Sĩ Nghị ở cung Tây Long.
Trưa ngày mồng bốn Tết, Tôn Sĩ Nghị được tin các đồn lũy phía Nam và Tây Nam đã rơi vào tay quân Tây Sơn. Kỵ binh đi do thám về báo cáo thêm là quân Nam đang rầm rộ kéo vào các cửa Ô, có cả đàn voi trận hung ác dẫn đầu. Sự thất thủ của Hà Hồi, Ngọc Hồi và Ðống Ða làm cho Tôn Sĩ nghị hết sức bất ngờ, choáng váng và lâm vào thế hoàn toàn bất lực, sụp đổ. Với cả một lực lượng dự bị khá kỷ càng ở tổng hành dinh, nhưng viên chủ Soái quân Thanh vẫn mất tinh thần, không kịp đóng yên ngựa, cùng một số thân binh vượt cầu phao sông Nhị Hà, để tháo chạy trong hoảng loạn tan rã sang Bắc Ninh. Quân các doanh trại cũng chạy theo chủ tướng, xô đẩy nhau không chút gì là trật tự. Cầu phao bị đè nặng, chịu không nổi. Cầu sập, hàng vạn quân Tàu chết đuối. Trên đường tháo chạy đến Yên Thế, Phượng Nhãn, Lạng Giang, chúng lại rơi vào ổ phục kích của Ðô đốc Lộc một cánh quân khác của Tây Sơn chặn đánh, cộng với hai chục thớt voi xông ra giày đạp quân Thanh chết vô số kể.
Ngày Mồng 5 Tết Kỷ Dậu(1789), giờ Thân (độ 4 giờ chiều), vua Quang Trung cùng đại quân và 80 thớt voi tiến vào Thăng Long. Dân kinh đô bày hương án đón Ngài, họ mong quân giải phóng như đại hạn mong mưa, cả 36 phố phường Thăng Long như bừng lên trong ngày hội chiến thắng:
- Ðầy thành già trẻ mặt như hoa
Chen vai thích cánh cùng nhau nói
Cố đô vẫn thuộc núi sông ta.
Tính ra từ khi xuất quân ở Phú Xuân, 35 ngày chuẩn bị trên đường hành quân dài khoảng 500 km từ Phú Xuân đến Tam Ðiệp, và 5 ngày đêm tiến công tiêu diệt trên một tuyến phòng ngự dài khoảng 90 km từ Gián Khẩu đến Thăng Long tổng cộng là 40 ngày, quân Tây Sơn dưới sự lãnh đạo của Quang Trung đã đạt mực kỷ lục về tính thần tốc trong hành quân và chuẩn bị tiến công tiêu diệt địch. Kỳ công chiến tích trong cuộc giải phóng Thăng Long, người đời sau có ghi lại như thế nầy:
- Băng băng đuốc lửa rừng gươm giáo
Thế khí quân nam nước lũ tràn
Khuya tối mồng năm liên tiếp sáng
Hà Hồi thất thủ Ngọc Hồi tan
Ðoàn quân giải phóng tràn xô đến
Ngựa thét lừng mây súng nổ thành
Sĩ Nghị nửa đêm quên ấn tín
Mình không buông giáp chạy về Thanh
Một lũ quân tàn tranh theo chủ tướng
Qua sông cầu đổ, vía hồn kinh
Sông hồng ngập ngụa thây quân Mãn
Máu đổ trôi về tận Bắc kinh
Cờ Việt dựng lên lừng soái phủ
Quang Trung dừng ngựa giữa Thăng Long
Chiến bào khói súng pha đen xạm
Chiến thắng quân dân nức một lòng.
Nói tóm lại trong cuộc chiến thắng nầy, được ghi vài nét chính: Ðêm ba mươi Tết quân chủ lực Tây Sơn vượt sông đáy tiêu diệt tiền đồn của địch, mở đầu cuộc tiến công vây đồn Hạ Hồi, uy hiếp buộc địch đầu hàng. Ngày mồng ba Tết, mở trận quyết chiến ở đồn Ngọc Hồi. Bằng trận Ngọc Hồi, Ðầm Mục, quân Tây Sơn đã đập tan cứ điểm then chốt nhất của địch. Sau đó đồn Khương Thượng nhanh chóng bị tiêu diệt, tướng Sầm Nghi Ðống tự tử, Tôn Sĩ Nghi bỏ chạy. Trưa ngày mồng năm Tết Kỷ Dậu, Vua Quang Trung cùng tướng sĩ, chiến bào nhuộm đen khói súng tiến vào Thăng Long.
II- Gái Thuyền Quyên
            Cuộc hôn nhân giữa Ngọc Hân Công Chúa và người hùng áo vải đất Tây Sơn Nguyễn Huệ là một mối kỳ duyên. Lê Ngọc Hân cô công chúa thứ chín trong số các cô con gái Vua Lê Cảnh Hưng(1740-1786) đã trở thành một nhân vật lịch sử và văn học mà tên tuổi sẽ còn mãi bên cạnh tên tuổi Quang Trung Nguyễn Huệ, người có công khai thông nền thống nhất đất nước sau hơn 200 năm bị phân chia thời Trịnh Nguyễn, đánh tan 29 vạn quân Thanh xâm lược, giữ vững nền độc lập dân tộc, kiến lập vương triều Tây Sơn, tạo dựng một nền chính trị ngoại giao, một nền văn hóa mang dấu ấn riêng khá rõ ràng.
            Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí cùng một tài liệu khác thì công chúa Lê Ngọc Hân là con gái Lê Hiển Tông(tức Lê Duy Diêu, niên hiệu Cảnh Hưng) mẹ là Nguyễn Thị Huyền, quê làng Phù Ninh, huyện Từ  Sơ, Bắc Ninh. Ngọc Hân sinh năm 1770, nhan sắc xinh đẹp, được học hành chu đáo và có năng khiếu văn chương. Năm 1786, Nguyễn Huệ mang quan ra Bắc diệt Trịnh, tôn phò nhà Lê, đem lại sự nhất thống cho nhà Lê. Lần ra Bắc thứ nhất nầy, chàng trai Bình Ðịnh 34 tuổi Nguyễn Huệ đã cưới Công Chúa Ngọc Hân theo sự mai mối của Nguyễn Hữu Chỉnh nhằm một mưu đồ chính trị mà Nguyễn Huệ cũng đoán biết được ngay từ đầu, song vẫn vui sướng, và cho rằng việc mình lấy một cành vàng lá ngọc là mối duyên kỳ ngộ ngàn năm mới có. Từ một cuộc hôn nhân nhẩu nhiên khá bất ngờ, đối với cả Nguyễn Huệ lẫn Ngọc Hân, nhưng tình cảm hai người nhanh chóng trở nên gắn bó sâu nặng vô cùng. Lê Ngọc Hân sanh được hai người con. Năm Quang Trung qua đời, Ngọc Hân mới 22 tuổi.
            Theo một số tài liệu ghi chép thì Lê Ngọc Hân để lại hai áng văng văn nôm là bài Ai Tư Vãn và bài văn tế vua Quang Trung. Riêng về bài văn tế vua Quang Trung có người nghi vấn không phải là văn của Lê Ngọc Hân mà do một người khác, có thể là Phan Huy Ích, thay bà viết để tế Quang Trung.
             Ai Tư Vãn là khúc ngâm khóc thương Quang Trung, dài 164 câu thể song thất lục bát, trong đó Lê Ngọc Hân giải bày những tình cảm yêu thương đối với Quang Trung và nổi đau xé triền miên của mình sau khi Quang Trung mất. Ðọc Ai Tư Vãn, chúng ta thấy một hình ảnh Quang Trung Nguyễn Huệ trong ký ức Ngọc Hân vô cùng đẹp đẽ:
            - Từ cờ thắm trõ vời cõi Bắc
            Nghĩa tô phù vằng vặc bóng dương.
            Và:
            - Mà nay áo vải cờ đào
            Giúp dân dựng nước biết bao công trình.
            Theo Hoàng Lê Nhất Thống Chí là tác phẩm đã khắc họa được một cách sinh động nhất chân dung Nguyễn Huệ Quang Trung. Nhưng có lẽ ít người biết trong bức thư gửi sang Trung Quốc biện bạch về việc xin cầu hôn của Vua Quang Trung với công chúa nhà Thanh, Ngô Thì Nhậm đã cho chúng ta hiểu thêm về Nguyễn Huệ, ngoài tài năng quân sự, chính trị kiệt suất, ông còn là người có kiến thức rộng rãi, một trí tuệ sắc sảo hơn đời:
            - Quốc vương là người thiên tư hiếu học, tuy trong chinh chiến gấp gáp, nhưng không quên bàn bạc đạo lý. Trong nghị luận thường ngày, Quốc Vương đạt được một cách thứ tự những cái nào mà sách vở đời trước chưa phát triển. Tôi thực nhờ được gần gủi, bơi lội trong kiến thức của Quốc Vương mà lĩnh hội được.
            Bên cạnh hình ảnh Nguyễn Huệ sống động và chi tiết trong văn xuôi. Chúng ta còn thấy hình ảnh Nguyễn Huệ trong Ai Tư Vãn là hình ảnh khái quát của thơ, nó kết đọng nhưng lại có sức lay động sâu xa. Một trăm sáu mươi bốn câu thơ Ai Tư Vãn dường như câu nào cũng thấm nước mắt của Lê Ngọc Hân, khi hồi tưởng về những ân tình đối với bà, và tôn thất nhà Lê, nổi bơ vơ mà mẹ con Lê Ngọc Hân phải chịu đựng sau khi Quang Trung không còn nữa. Quá khứ đẹp đẽ và hiện tại đau buồn cứ đan xen nhau ẩn hiện trong tâm trí bà:
            - Xưa sao gang tất gần chầu
            Trước phong nguyệt, trên lầu sinh ca.
            Giờ sao bổ cách xa đôi cõi
            Tin hàn huyên khôn hỏi thăm nhanh
            Nữa cung gẫy phím cầm lành
            Nỗi con côi cút nỗi mình bơ vơ
            Nghĩ nông nổi ngẫn ngơ đòi lúc
            Tiếng từ quy thêm dục lòng thương.
            Nếu Chinh Phụ Ngâm là tác phẩm văn học đạt tới đỉnh cao học thuật trong việc mô tả tâm trạng cô quạnh của người phụ nữ xưa có chồng di chinh chiến xa, thì Ai Tư Vãn cũng là một khúc thơ tuyệt tác nói về nỗi cô đơn trống vắng mà người vợ phải đeo mang sau khi chồng chết. Nghệ thuật thơ song thất lục bát cũng như nghệ thuật xử dụng chữ nôm của Lê Ngọc Hân trong Ai Tư Vãn có thể nói không thua kém so với dịch phẩm kiệt tác Chinh Phụ Ngâm. Và đây là câu thơ khóc thương vô vọng của bà công chúa quả phụ Lê Ngọc Hân:
            - Trong Nam thấy nhạn xa lác đác
            Trông bắc thì ngàn bạc màu sương
            Nọ trông trời đất bốn phương
            Cõi tiên khơi thẳm biết đường nào đi.
            Chắc chắn Lê Ngọc Hân đã viết Ai Tư Vãn với tất cả tinh anh của mình. Văn phong nghệ thuật của Ai Tư Vãn in rõ dấu ấn văn phong nghệ thuật của một thời đại.
            III- Ðặc Tính Thiên Tài & Tình Cảm Sâu Sắc Của Quang Trung Nguyễn Huệ
a- Nguyễn Huệ Nhà Chiến Lược
Một trong những chiến lược nổi tiếng đó là đã vận dụng mọi khả năng của mọi tầng lớp người để đạt mục tiêu chiến thắng. Có thể nói đại thắng xuân Kỷ Dậu 1789 và lá cờ màu hoa đào bay phất phới trên bầu trời Thăng Long, là một trong những vũ công hiển hách nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Ðó là chiến thắng tiêu biểu cho đỉnh cao của sự phát triển và thắng lợi của phong trào Tây Sơn, được tạo nên bằng sức mạnh quật khởi của nông dân, kết hợp với sức mạnh yêu nước và đoàn kết của cả dân tộc. Trong hàng ngũ quân đội Tây Sơn lập nên vũ công mùa xuân đó có những người đã tham gia dấy nghĩa từ Tây Sơn, có những người con em dân tộc Tây Nguyên chuộng tự do phóng khoáng, có những người dân tộc của khắp mọi miền đất nước đã tự nguyện đứng dưới lá cờ đỏ màu hoa đào của Tây Sơn, có những nhà trí thức như Ngô Thì Nhậm, Nguyễn Thiếp.... những võ quan cũ của chính quyền Lê Trịnh như: Ðặng Tiến Ðông... những tướng soái Tây Sơn đã dày dạn chiến trận như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết.... trong hàng ngũ của quân đội Tây Sơn với quyết tâm và ý chí:
- Ðánh cho nó chích luân bất phản
Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn
Ðánh cho sử tri nam quốc anh hùng chi hữu chủ
Với ý chí sắc đá vì nước vì dân, nên được nhân dân hết lòng giúp đỡ. Và như chúng ta đã biết, trên đường hành quân chiến đấu của quân Tây Sơn, nhân dân đã cho con em mình gia nhập nghĩa quân, đã tiếp tế lương thực, giúp các phương tiện vượt sông... Nhất là nhân dân các làng xã quanh Thăng Long đã giúp quân Tây Sơn bí mật dấu quân ém sát đồn giặc, góp ván gỗ làm mộc công phá đồn Ngọc Hồi, đã phối họp làm trận rồng lửa trong trận diệt đồn Ðống Ða.
Ðó là chiến thắng của nghệ thuật tuyệt vời của Quang Trung Nguyễn Huệ mà qua đó chúng ta thấy, nhờ có tôi luyện từ ngày 18 tuổi theo Nguyễn Nhạc khởi nghĩa(1771), trải qua biết bao nhiêu trận từ Phú Yên(1775), trận Rạch Gầm, Xoài Mút(1785), trận đánh Phú Xuân(1786) và cuối cùng là trận đánh giải phóng Thăng Long(1789) nên Quang Trung đã trưởng thành và đã trở thành một anh hùng uy danh lừng lẫy, một thống soái thiên tài ở vào tuổi 36. Bằng lối đánh thần tốc và một thế trận lợi hại kết hợp tiến công chính diện mãnh liệt với những mũi thọc sâu vào lòng địch. Quang Trung chỉ với số quân 10 vạn, nhưng đã đặt tôn Sĩ Nghị và 29 vạn quân Thanh vào thế hoàn toàn bị động, bất ngờ đi từ thất bại nầy đến thất bại khác và cuối cùng phải chấp nhận sự thảm hại tháo chạy trong hoảng loạn. Ðại thắng Xuân Kỷ Dậu 1789 ngoài việc biểu thị tập trung thiên tài quân sự của Quang Trung Nguyễn Huệ, còn là chiến thắng của lòng nhân đạo và tinh thần hiếu hòa. Ngay sau khi giải phóng Thăng Long Quang Trung đã ra lệnh chiêu nạp và nuôi dưỡng tất cả tù binh và hàng binh Thanh, lại sai thu nhặt xác giặc trên các chiến trường chôn thành 12 gò đống và lập đàn cúng tế. Bài văn tế biểu thị tấm lòng khoan dung độ lượng của người chiến thắng:
- Nay ta sai thu nhặt xương cốt chôn vùi
Bảo lập đàn bên sông cúng tế
Lòng ta thương chẳng kể người phương Bắc
Xuất của kho mà đắp điếm đống xương khô
Hồn các ngươi không vơ vẩn trời nam, hãy lên đường mà quay về hương chi
Nay kính ngưỡng ta đây là chủ chan chứa lòng thành
Mong sao đáp lại đạo trời dạt dào lẽ sống.
b- Nguyễn Huệ Nhà Chính Trị Ðại Tài
Nguyễn Huệ còn là nhà chính trị sáng suốt. Từ mục tiêu trước mắt của phong trào nông dân là đánh đổ chế độ áp bức Trịnh Nguyễn, Nguyễn Huệ đã vươn mình lên nhận thức được nhiệm vụ dân tộc thống nhất đất nước và đánh đuổi ngoại xâm. Ông phê phán tội ác chia đôi đất nước:
            - Mỗi họ tự ý gây dựng bờ cõi riêng mình, kỷ cương, trời đất một phen đổ nát không dựng lên được.
            Về mặt đối ngoại Nguyễn Huệ rất khôn khéo trong cách ứng xử với bọn phong kiến phương Bắc tuy đã:
            - Ðánh cho nó chích luân bất phản
            Ðánh cho nó phiến giáp bất hoàn.
            Nhưng sau chiến thắng, Nguyễn Huệ vẫn chủ động cầu hòa, bề ngoài xin thần thuộc để dập tắt ý đồ phục thù của quân nhà Thanh, và buộc chúng phải chính thức công nhận Quang Trung làm quốc vương từ bỏ dã tâm thu nạp bọn lưu vong phản quốc lấy cớ xâm lượt nước ta lần nữa. Ðó là lý do mà sau khi cuộc chiến kết thúc thắng lợi, Quang Trung đã giao cho Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích dùng mọi biện pháp ngoại giao mềm mỏng và tích cực để nhanh chóng lập lại quan hệ hòa hiếu với nhà Thanh. Do vậy chỉ trong vòng nửa năm, hai bên đã thông sứ bộ và sau đó, quan hệ bang giao và buôn bán giữa hai nước đã được khôi phục. Hoài bảo lớn lao nhất của Quang Trung phản ánh ước vọng của dân tộc ta là được sống trong độc lập, và thanh bình để xây dựng đất nước.
Về mặt đối nội cùng năm 1789 khi cuộc khán chiến vừa kết thúc, Quang Trung đã ban bố Chiếu Khuyến Nông Dân nhằm phục hồi dân phiêu tán, khai khẩn ruộng đất bỏ hoang. Ðồng thời ra lệnh bãi bỏ nhiều thứ thuế công thương nghiệp nặng nề trước đây, mở rộng việc buôn bán làm ăn cho thương nhân, và thủ công quan hệ buôn bán với nước ngoài cũng được mở mang.
            Quang Trung cũng ra sức xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc, ban bố chiếu lập học, khuyến khích các xã mở trường học. Tiếng nói dân tộc được coi trọng. Quang Trung muốn đưa chữ nôm lên địa vị chữ chính thức của quốc gia. Lập Viện Sùng Chính để dịch sách chữ Hán ra chữ Nôm. Các văn kiện của nhà nước dần dần được viết bằng chữ nôm.
Nhờ vào năng khiếu thiên tài trị nước, bên cạnh Quang Trung có những nhân tài trong nước ủng hộ về võ tướng có: Trần Quang Diệu, Vũ Văn Dũng, Ðặng Tiến Ðông, Ngô Văn Sở... Khi ra Thăng Long Nguyễn Huệ thu phục được Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Nguyễn Thế Lịch, Ðoàn Nguyễn Tuấn, La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp... là những kẻ sĩ đất bắc thực tài, biết thời thế. Ở Phú Xuân Nguyễn Huệ được sự cộng tác hết lòng của Trần Văn Kỷ một bậc danh sĩ nổi tiếng ở Ðàng Trong, người có công lớn giúp Nguyễn Huệ tổ chức bộ máy cai trị nước nhà.
Khi dân làng Văn Chương (Hà Nội) xin dựng lại bia tiến sĩ ở Văn Miếu, Quang Trung tự tay phê vào lá đơn như sau:
            - Nay mai dựng lại nước nhà
            Bia nghè lại dựng trên tòa muôn gian.
            Nhưng tiếc thay, khi đất nước đang trên bước chuyển mình đầy triển vọng thì ngày 16 tháng 09 năm 1792 Quang trung đột ngột từ trần, lúc đó ông mới 39 tuổi.
c- Quang Trung Nguyễn Huệ & Cánh Hoa Ðào Thăng Long
Như chúng ta đã biết, Thăng Long(Hà Nội) là nơi xứ sở của Ðào Bích, đào phai. Những nơi khác như Sa Pa, Chi Lăng cũng là quê hương của hoa đào miền bắc. Hoa Ðào ra hoa trong dịp Tết Nguyên Ðán. Mùa Xuân những rừng đào Sa Pa, Chi Lăng ngút ngàn, nặng trỉu trái đào thơm.
            Ðúng vào xuân thì phong cảnh rất đẹp, là mùa của những loài hoa mơ, hoa mận, hoa đào khoe sắc. Chợ họp đông vui cũng vào thời điểm nầy. Nếu bạn là người đến đây để tìm hiểu về đào, thì bạn sẽ thấy hoa đào vây quanh bạn, trên cao và dưới thấp, ven đường và trong vườn.
            Trong những địa phương quê hương của hoa đào, có những vườn đào do địa hình tự nhiên, có mảnh mặt bằng như chiếu trải, có mảnh bám vào sườn non cao dần lên. Những mảnh vườn ấy cây lên lớp lớp mùa hoa là một tấm thảm hồng thắm khổng lồ phủ từ trên xuống, có thể rung rinh như sóng gợn nếu gió thổi đều. Lạc vào mảnh vườn ấy, bạn có cảm giác lạc vào vườn đào tiên.
            Ðào cũng có nhiều loại, có những loại đào hoa, có những loại đào quả. Loại đào quả có loại quả to, mùi thơm, vị ngọt man mát giống như lê miền xuôi. Có loại hơi nhọn không giống quả đào thường, khẽ nếm đã ngon rồi. Về cuối mùa có đào vàng, màu cùi vàng nhạt hơi xôm xốp, khi bổ ra thì cùi và hạt dễ tách rời ăn giòn.
Trong các loại đào, người ta vẫn ca ngợi đào Mèo. Loại nầy quả to, da đỏ ửng tự nhiên. Có điều hơi lạ, có quả nặng đến ba hoặc bốn lạng. Nếm thử một múi thấy hơi chua chua, cái chua thanh nhẹ rất dễ hợp với khẩu vị các cô thiếu nữ.
Từ xưa hoa đào đã đi vào thi ca, làm rung động lòng người. Trong tác phẩm Truyện Kiều, Nguyễn Du đã nhiều lần đã nói đến Hoa Ðào. Một lần đại thi hào đã viết:
            - Hoa đào năm trước còn cười gió Ðông
            Ðó là nhà thơ đã nhắc đến điển tích văn học về một mối tình tương tư, say đắm của Thôi Hộ với một cô gái vườn đào, tác giả của bài thơ nổi tiếng đã viết:
            - Tích niên kim nhật thử môn chung
            Nhân diện đào hoa tương ánh hồng
            Nhân diện bất tri hà xứ khứ
            Ðào hoa y cựu tiếu đông phong.
            Nghĩa là:
            - Cửa đây năm ngoái cũng ngày nầy
            Má phấn, hoa đào đỏ hây hây
            Má phấn giờ đâu? đâu vắng tá
            Hoa đào còn bởn gió xuân đây.
            Mùa đào nở còn là mùa chợ vui, chợ họp dưới bầu trời hoa đào, cái khung cảnh đẹp ấy khó mà quên được, nhất là phiên chợ kéo dài, để cho du khách có thể ngắm các cô gái ngồi chụm vào nhau như những chùm hoa đào. Nơi đây hoa đào vốn đã đẹp, mà người tỏ tình trong phiên chợ lại càng đẹp hơn....          
Thăng Long: Hoa và người, Thăng Long hoa và chợ.
Ðã hàng bao nhiêu thế kỷ trước cũng đã có nhiều người đến Thăng Long để ngắm hoa đào, lúc ra về còn mua đào và không thể quên mùa hoa xuân ấy, thì một Quang Trung Nguyễn Huệ cũng vậy. Nhưng đối với Quang Trung Nguyễn Huệ, như chúng ta đã biết từ buổi ban đầu, việc khơi dậy phong trào Tây Sơn là do sự nghèo đói của nông dân dưới ách thống trị của đám quan liêu phong kiến, nhưng sau đó Quang Trung Nguyễn Huệ, đã biết chuyển hướng đời mình và đã hy hiến tâm hồn, cuộc đời của mình trong lá cờ đỏ màu hoa đào cho dân tộc, quốc gia đại sự:
- Mà nay áo vãi cờ đào
            Giúp dân dựng nước xiết bao công trình.
                                  (Ai Tư Vãn-Lê Ngọc Hân)
Ðến khi đại thắng mùa xuân Kỷ Dậu 1789. Ngày Mồng 5 Tết Kỷ Dậu vua Quang Trung cùng đại quân và 80 thớt voi tiến vào Thăng Long. Dân kinh đô bày hương án đón Ngài, cả 36 phố phường Thăng Long như bừng lên trong ngày hội chiến thắng:
- Ðầy thành già trẻ mặt như hoa
Trong mùa xuân Kỷ Dậu, đại thắng quân Thanh, sau khi chiêu an bá tánh, sắp xếp người trông coi Bắc Hà, Vua Quang Trung đã mang cành đào từ Thăng Long vào Phú Xuân tặng công chúa Lê Ngọc Hân để báo tin vui. Tuy là một cành đào nhưng gói ghém biết bao ân tình đã được chứa chan trong sương gió lạnh lùng, đồng thời cũng tô đậm ngoài tiền tuyến khói lửa điêu linh của người con trai trong thời loạn, luôn nghĩ đến người em nhỏ hậu phương. Nhưng đặc biệt người con trai thời loạn nầy lại là ông Vua luôn nghĩ đến một hoàng hậu diệu hiền dễ thương nơi hậu cung. Trong khi đó không có được bao nhiêu người làm tròn trách nhiệm của người con trai khi quê hương còn đắm chìm trong cơn khói lửa:
- Xin hiểu tình yêu
Trong thời chiến chinh nầy
Mấy người mơ ước cho tròn
Càng khổ càng đau
Thì tình yêu càng sâu
Khi dắt nhau đi về bến
Ngăn cách bây giờ
Cho mai mốt sum vầy
Không thấy thẹn cùng sông núi
Vì đời khổ đau
Anh góp một phần xương máu
Ðôi cánh tay nầy,
Anh hiến trọn cho tình quê.....
Như vậy một Quang Trung Nguyễn Huệ, đối với quê hương thì sẳn lòng kê vai gánh vác, đối với người thương thì nghĩa nặng tình sâu. Có thể nói Quang Trung Nguyễn Huệ, là một con người trọn vẹn và đã thỏa mãn cả hai phương diện:
- Người tình và quê hương.
Qua chiến dịch giải phóng Thăng Long mùa xuân năm Kỷ Dậu, nếu các bạn là những chàng trai hùng trong hàng ngũ của phong trào nông dân Tây Sơn vào thuở đó, thì trong tâm tư của các bạn ghi nhận những gì? Có lẽ phải nói đấy là kỷ niệm của chuyến hành quân trên đường dài thiên lý, một cuộc hành quân vô tiền khoáng hậu, một chiến tích vẽ vang mà những người con trai kiêu hùng đã một thời hy hiến đời mình cho tổ quốc, mà ngàn đời trong lịch sử vẫn mãi mãi xanh tươi.
Cho dù thời gian có qua nhanh, triều đại có thay đổi, nhưng khi nhắc đến Quang Trung Nguyễn Huệ, cành đào Thăng Long, và đoàn quân tinh nhuệ cùng những người cộng sự của ông.... thì người đời sau coi tất cả đều là những hình ảnh đẹp, và mãi mãi còn đọng đôi giọt trong tâm hồn của du khách bốn phương mỗi khi về viếng thăm Thăng Long.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Tổ Hợp Văn Hóa Việt Nam
- Chân Dung Văn Hóa Việt Nam
- Tập San Dược Sư
- Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư
- Văn Hóa Luy Lâu & Kinh Dương Vương
-- o0o --