Ðức Tin Trong Ðạo Phật
Thông Trí
--o0o--
           
            Tin là Tin, là chấp nhận, là sự thật, là việc lành, là mầu nhiệm, chớ không có lòng nghi. Như tin Phật, có nghĩa là chúng ta chấp nhận Ðức Phật là một đấng siêu nhiên, là một con người vĩ đại trong giữa đám người trần tục. Tin Tam Bảo, có nghĩa là chúng ta chấp nhận nơi Tam Bảo có đủ khả năng làm nơi nương tựa cho chúng ta. Ðến với Tam Bảo chúng ta sẽ không còn lo âu phiền muộn.
            Một người có đức tin, có lòng tin, sẽ làm cho các điều thiện tăng trưởng, và làm cho tâm trí của mình lắng trong, yên ổn, thanh cao. Như vậy. Lòng tin là một cội rễ lớn của sự tu hành, nhờ đó mà các pháp sanh ra nhiều đức lành, nên kêu là Tín Căn. Cũng kêu là Tín Căn Bổn, một trong năm căn:
            - Tín
            - Tấn
- Niệm
- Ðịnh
            - Tuệ
            Tín căn là lòng tin Tam Bảo, lòng tin Tứ Ðế ăn sâu trong tâm của chúng ta. Nhờ có Tín Căn chúng ta mới bền chí và vui lòng tu hành Lục Ðộ:
            - Bố Thí
            - Trì Giới
            - Nhẫn Nhục
            - Tinh Tấn
            - Thiền Ðịnh
            - Trí Tuệ.
            Như vậy đức tin là cội rễ. Cội rễ là đức tin. Người tu hành đạo Phật phải lấy đức tin làm cỗi rễ thì mới được vững chắc trên đường tiến hoá và thành tựu. Kinh Niết Bàn có nói:
            - Như ai có lòng tin đạo, thì lòng tin đạo ấy là Tín Căn Bổn nó có thể trợ tá đạo quả Bồ Ðề. Ðức Phật giảng một nền thánh đạo với chư Thanh Văn, Ngài Phân ra nhiều món diễn thuyết từ Tín căn cho tới tám Thánh Ðạo.
            Qua những nét căn bản trên chúng ta thấy Ðạo Phật chủ trương giác ngộ mang ánh sáng trí tuệ soi sáng trước nhất cho chính bản thân chúng ta, kế đến cho thế gian. Mọi sự mọi vật, mọi lẽ chân thật đều hiện bày dưới ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là chánh tín.
Ngược lại với những điều căn bản nói trên là mê hoặc làm mù quán người đời, đó là mê tín. Thấy rõ, biết đúng mới tin là sức mạnh vô biên khiến chúng ta thành công trên mọi lãnh vực. Thế nên trong Kinh Hoa Nghiêm có câu:
            - Tin là nguồn của Ðạo, là mẹ của mọi công đức. Tin hay nuôi lớn các gốc lành.
            Vì thế người tu học cần có lòng tin. Lòng tin theo quan điểm của Ðạo Phật có những lối tin Thanh Tịnh như:
01- Phải tin lời dạy trong Kinh rằng:
- Niệm Phật vãng sanh là chân thật. Do đó khi niệm Phật để cầu vãng sanh thì chắc chắn sẽ được vãng sanh, cầu an lạc sẽ được an lạc.
            02- Phải tin tâm mình là rộng lớn có đủ công đức thanh tịnh. Vì có đủ đức tánh thanh tịnh nên tâm có thể chấp nhận, và tu học theo đạo từ bi một cách dễ dàng.
            03- Phải tin cái lý nhơn quả nương nhau như hình với bóng, theo nhau chẳng rời. Do đó một việc làm nào, chắc chắn cũng phải có sự liên quan đến ân duyên nhân quả. Cho nên một sự kiện nào đó xảy ra chắc chắc phải có nguyên nhân, chớ không phải vô lý mà có.
            04- Phải tin rằng từ cái thân năm ấm của chúng ta cho đến vạn vật, trong các cõi thế giới từ xưa đến nay vốn không có thiệt, đều như hoa giữa hư không.
            05- Phải tin rằng ở cõi đời ngủ trược ác thế nầy, toàn là ác độc, dơ dáy, cho nên chúng ta không thể cư trú lâu dài.
            06- Phải tin rằng các pháp do tâm tạo, ngoài tâm không có pháp. Do đó muốn tăng tiến các thiện pháp cũng phải trở về với tâm, và muốn tiêu diệt các ác pháp cũng phải trở về với tâm.
            07- Phải tin rằng nếu chúng ta cố gắng tu tập thì cái niệm lực của chúng ta thành tựu không thể nghĩ, không thể bàn.
Cách tin thanh tịnh nầy là lối tin đã qua sàng lý trí gạn lọc kỹ càng, cho nên niềm tin đó rất là vững chãi. Với lối tin thanh tịnh nầy sẽ làm cho tinh thần giác ngộ càng ngày càng tăng tiến thêm hơn. Vì vậy để cho niềm tin càng ngày càng thêm vững chãi, trong cuộc sống hiện thực, đối với những người sơ cơ học đạo, cũng cần phải loại bỏ một số niềm tin, mà cách tin đó được xã hội cho là không lành mạnh. Hay nói khác, đó là mê tín.
            Mê tín là lối tin mù quán khiến con người mất hết khả năng thông minh, mất hết tự chủ. Trong dân gian của xã hội Việt Nam chúng ta vẫn thường thấy những hình thức mê tín như là:
            - Lên đồng,
            - Lên cốt,
            - Cầu cơ .v..v..
            Ðó là những hiện tượng mê hoặc khủng khiếp. Bởi vì những người làm ông đồng bà cốt đều là những người sống trong trạng thái không bình thường. Chính bản thân họ đã mất hết khả năng tự chủ, họ bị sai xử bởi một ma lực huyền bí nào đó. Khi ma lực đó dựa vào họ liền lạm dụng danh hiệu thánh, những bậc vĩ nhân của thuở xưa, có khi mạo xưng danh hiệu Phật, Bồ Tát hay những vị thần tiên nào đó để đe dọa những người có niềm tin nhưng không được kiên cố, không được hướng dẫn đúng mức theo quan điểm lành mạnh của Phật pháp, nên họ khiếp đảm kính tin. Những người có niềm tin thiếu vững chải như vậy, họ không dám phê phán đó là tà hay chánh. Thế rồi, họ một mực dạ dạ vâng vâng để được thưởng ban phép lành. Họ bị gạt bằng những danh hảo trong cõi vô hình hoặc những bùa phép lạ, những huyền hoặc về quá khứ, vị lai. Từ đây họ sống bằng ảo vọng mơ huyền, mất hết lý trí thực tại. Một tôn giáo chân chính, một dân tộc văn minh không cho phép mê tín len lõi vào trong tín đồ mình, trong dân tộc mình. Do đó chúng ta phải có bổn phận khám phá và soi sáng những lối mê hoặc ấy.
Riêng về Phật Giáo trong Kinh đã dạy rõ khi chứng đến quả vị Phật, Bồ Tát, A La Hán đều có đầy đủ trí tuệ và thần thông... Vì thế Bồ Tát hay A La Hán muốn hoá độ những người có duyên, thì các Ngài liền dùng thần thông hiện giáo hoá, như Bồ Tát Quán Thế Âm, trong Phẩm Phổ Môn của Kinh Pháp Hoa chẳng hạn, không khi nào các bậc thánh đó lại phải dựa nhờ vào thân phàm tục khác làm việc giáo hoá. Như thế những ma lực tựa vào đồng cốt đều là sức của qủy thần. Vì sợ người đời không tin, nên chúng mạo xưng những danh hiệu cho to để gây uy tín. Biết rõ tính cách ma mị của chúng, Phật Tử chúng ta hãy lánh xa, tuyệt đối không được phụ hoạ với chúng. Có thế mới tỏ ra là người Phật Tử chân chánh.
            Có người hỏi:
- Nếu nói cầu nguyện theo lối đồng bóng là mê tín, dị đoan vậy thì sự cầu nguyện trong Ðạo Phật là Chánh Tín hay Mê Tín.
            Ðể trả lời câu hỏi nầy, chúng ta có thể dựa theo quan điểm cầu nguyện của mỗi người:
            a- Mê Tín:
            Nếu chúng ta khẳng định rằng mọi sự cầu nguyện đều được toại nguyện đó là mê tín. Bởi vì nếu khẳng định sự cầu nguyện chắc chắc được toại nguyện, thì không cần nói đến nhân quả nghiệp báo. Còn như nếu mọi sự kiện xảy ra đều do nhân quả nghiệp báo, thì sự cầu nguyện không thể khẳng định chắc chắn là toại nguyện. Bởi vì trong cuộc đời có người tạo nghiệp lành dữ. Người tạo nghiệp lành, khi phước báo đến thì được như nguyện. Kẻ tạo nghiệp dữ khi nghiệp báo đến dù có nguyện cầu cũng khó thoát khỏi quả khổ. Do đó mà nếu khẳng định sự cầu nguyện là được như ý thì đó là người tin tưởng sai lầm không hợp lý, nên thuộc mê tín.
Ðể xác định những dữ kiện nầy, với tính các thuần túy theo tinh thần đạo Phật, đứng về chiều thời gian, vạn vật hiện tượng có trong vũ trụ nầy, không vật nào thoát ra ngoài nhân quả mà được hình thành. Trên từ tiến trình sinh diệt, quyết hẳn vạn vật từ nhân tiến đến quả, từ quả trở lại nhân. Nhân quả, quả nhân xoay vần không dứt. Ðó là hiện tượng sinh hoá trên cõi nhân gian. Nghiệm xét thấu đáo chúng ta không thấy có một vật gì không nhân mà có, ngẩu nhiên mà thành. Thấy rõ lý nhân quả chúng ta khéo chuyển cái xấu trở thành cái tốt, cái dở trở thành cái hay. Thấy rỏ lý nhân quả, chúng ta nắm chắc quyền tự chủ tạo dựng tương lai tốt đẹp cho chính mình. Lý nhân quả vừa là khoa học vừa là sức mạnh chuyển tiến của con người. Tìm hiểu tường tận lý nhân quả là người thông minh. Biết ứng dụng  nhân quả là con người tiến bộ. Khảo sát theo nhân quả là lý luận chặc chẻ, là hiểu biết thấu đáo. Cho nên nghiệm xét lý nhân quả tường tận rồi chúng ta tin tưởng là chánh tín.
            Ðứng về mặt không gian, thời gian thì vạn vật trong vũ trụ đều do nhân duyên hợp thành. Không một vật nào do một đơn vị làm nên, mà phải nhiều đơn vị hợp lại mới thành hình. Chính vì thể mà lý nhân duyên thích ứng với tinh thần phân tích của khoa học ngày nay. Nếu sự vật do nhiều đơn vị thành một vật thể, người ta mới có thể phân tích ra nhiều đơn vị, nhiều loại. Nhỏ nhất như một nguyên tử, người ta phân tích trong đó có nhiều phần hợp thành, huống là những vật thể to tát. Do đó chúng ta thấy rõ lý nhân duyên trong nhà Phật nói là một lẽ thực, đúng với tinh thần khoa học hiện thời. Hiểu đươc Lý Nhân Duyên chúng ta phá tan cái chấp lầm vô nhân và nhất tâm. Hiểu được lý nhân duyên, chúng ta thấy rõ muôn vật trên thế gian có sự liên quan chằng chịt với nhau. Chúng ta không thể tách một cá thể đứng ngoài tập thể, một cá nhân đứng ngoài nhân loại. Ðây là lý do khiến dẹp được quan niệm cá nhân ích kỷ. Chúng ta tích cực xây dựng nên hạnh phúc chung cho nhân loại, không riêng của một cá nhân. Tin lý nhân duyên là tin bằng trí tuệ bằng khoa học cho nên chánh tín.
Nhận rõ Lý Nhân Quả, Lý Nhân Duyên là tác dụng của trí tuệ. Chính do nhận xét thấu đáo, phân tích rành mạch, khiến trí tuệ chúng ta càng ngày càng phát triển. Nếu một đối tượng trước mắt, chúng ta cứ thầm nhận là tự nhiên có nó, do tạo hoá làm nên, thế là còn gì phải nhận xét, phải phân tích. Cứ thế mãi, trí tuệ sẽ không thể nào bén nhạy được, đó là cái cớ khiến người ta lười thiếu suy xét, lâu ngày khiến cho tâm trí trở nên ù lỳ chai cứng. Người Phật Tử phải sống bằng trí tuệ, nên thấy rõ vạn vật sinh thành hoại diệt đều nằm trong hệ thống nhân quả, nhân duyên. Sự vật hiện có mà không do nhân quả, nhân duyên là phản lại lý luận, phản khoa học. Vì thế người chánh tín là người thực tế khoa học, nhận xét bằng trí tuệ.
            Thâm đạt nhân quả, nhân duyên, người ấy sẽ nhận lấy trách nhiệm nên hư, hay dỡ tốt xấu đều do mình. Mình là chủ động gây thành nhân tốt, tạo ra mọi duyên lành. Mọi duyên không được tốt lành là do mình không chịu gây tạo nhân lành, đây là lỗi tại mình. Biết như vậy chúng ta không nên trốn tránh không kêu than, trái lại can đảm chấp nhận để rồi xoay chuyển. Bởi nhận rõ nhân quả nhân duyên, chúng ta xét một sự kiện xảy ra tốt xấu, phát xuất từ nhân nào, hội đủ nhân duyên gì mới xảy ra như thế. Thế thì dù việc dở việc hay, chúng ta đều thấy rõ không lầm. Chúng ta nổ lực cố gắng tạo điều kiện để chuyển đổi nó. Chịu trách nhiệm để thông qua, đó là tinh thần của người Chánh Tín.
            Biết rõ dỡ, hay do mình, quả thực mình là chủ nhân của mọi sự thành bại. Ðau khổ, chính mình là người tạo ra. Ngày mai tươi sáng, ngày mai tối tăm, ta là người chủ động. Do hiểu thấu lý nhơn quả nhân duyên, con người sẽ cố gắng chuyển đổi, vươn lên trong mọi lãnh vực. Một dân tộc có đức tự tin, không bao giờ cam chịu khuất phục, chậm tiến. Có tự tín là có một sức mạnh phi thường. Có tự tín, sự tu hành mới không thối chuyển.
            b- Chánh Tín:
            Chúng ta chỉ xem tinh thần cầu nguyện là một sự chúc lành là chánh tín. Chẳng hạn vì quý kính cha mẹ, quý kính người thân, chúng ta hằng cầu nguyện cho những vị ấy được an lành, trường thọ. Tuy nhiên có được như nguyện hay không là còn tùy thuộc phước duyên dày mỏng của những vị ấy. Mặc dù không được như nguyện, cũng nói lên được lòng hiếu thảo chân thành của chúng ta, cũng như hiếu kính đối với những người trưởng thượng. Trong phong tục Việt Nam cứ mỗi độ xuân về, mọi người thường chúc nhau, trong đó chúng ta thấy những bạn bè, thân hữu, đầu năm mọi người chúc lành cho nhau. Những lời chúc lành nầy không hẳn là sẽ thực hiện được, nhưng cũng nói lên được lòng quý mến nhau và mong muốn cho người thân của chúng ta có được niềm cao sang phước lạc.
            Trong số đức tin của người Phật Tử chúng ta có truyền thống cầu nguyện. Nếu là cho những người quá cố thì gọi là cầu siêu, và cho người hiện tiền được tai qua nạn khỏi, nghiệp chướng tiêu trừ thì gọi là cầu an. Chúng ta phải hiểu rằng sự cầu nguyện cũng có nghĩa là đem năng lực của mỗi người cộng lại để hồi hướng cho một gia đình, một cộng đồng, một tổ chức, và lớn hơn là quê hương đất nước.
Sự cầu nguyện có một ý nghĩa rất là mầu nhiệm rất là sâu xa, nếu chúng ta biết ý nghĩa là biết học hỏi, biết thực tập, thì ý nghĩa cầu nguyện như một sự tu học, một công trình tích lũy công đức và hồi hướng, nó không mang tính cách tín ngưỡng thuần tuý, mà nó mang một ý nghĩa của tình thương và sự tụ hội tích luỹ tình thương để hồi hướng năng lực thương yêu đó để cho người còn, kẻ mất, người xa, kẻ gần từ cá nhân, đến gia đình cho đến tập thể được an vui.
Sự cầu nguyện có một linh ứng, lợi ích rất là sâu xa, nếu người cầu nguyện, có tâm trong sạch, có cảm nghĩ trong sạch, có cái lợi đọc tụng khởi sướng trong sạch, có nghĩa là người cầu nguyện tự nơi cái thân của mình, từ lời nói, ý nghĩ của mình đều trong sạch, và càng nhiều người bao nhiêu, thì sự trong sạch đó càng tạo thêm một năng lực, năng lực đó có thể hồi hướng cho bất cứ ai cũng được. Người chết mà chưa siêu thì được siêu thoát về cõi lành, người sống bị đau ốm bị tai nạn có thể nhẹ và lành bệnh, tai qua nạn khỏi.
Khi chúng ta hiểu, chúng ta có kinh nghiệm thì sự cầu nguyện như là một phép lạ, như là một nguyên tắc làm cho chúng ta có nhiều niềm vui, hạnh phúc và làm cho những người đang vướng mắc, đang đau khổ cởi bỏ sự vướng mắt đau khổ đó, và an vui.
Chúng ta thấy năng lượng của sức mạnh ý chí và cầu nguyện, nếu một người có giới đức thanh tịnh. Một người có thiền quán, khả năng cầu nguyện của người đó chia sẻ với những người bệnh, người đang bị tai nạn. Theo tinh thần của Kinh Ðịa Tạng nói rằng:
- Cầu nguyện như vậy chỉ chia sẻ cho người mất có ba phần.
Kỳ thực người có năng lực lớn thì chia mấy mươi phần cũng được. Ðiều nầy giống như một nhà tỷ phú nói là cho ba phần của mấy trăm tỷ cũng đã nhiều, và như thế người được nhận của cũng đủ giàu sang. Cũng vậy sự cầu nguyện của một người có giới đức thanh tịnh nhờ vậy cho nên lành bệnh. Người không siêu thoát cũng được siêu thoát. Người bị tai nạn nghiệp, báo oan gia chửa hoài không lành thì được lành. Cho nên thế lực của sự cầu nguyện rất lớn đối với một người tu hành, năng lực đó nó càng lớn hơn là đối với đại chúng. Nói là đại chúng là trong đó có nhiều Thầy, nhiều Phật Tử cư sĩ tại gia, cũng có sức tu học. Người nào cũng có sự thanh tịnh, người nào cũng có đức từ bi, người nào cũng có đức hiếu sinh, sự cầu nguyện đó có thể cảm động đến những vong thức vô hình và chuyển hoá những niềm đau nổi khổ của những người chưa có được siêu được siêu thoát, một cách rất là dễ dàng.
Tiếng tụng Kinh lạ lùng lắm, có những ngôi Chùa, Tăng Ni đông đảo người bệnh chỉ nằm trong căn phòng các Ôn các Thầy tụng Kinh. Nghe xong là lành bệnh chứ không cần chữa gì hết. Nghe tiếng tụng Kinh là đánh thức dậy cả một linh hồn, thức dậy cả những sự mê muội. Thức dậy tất cả những năng lực, ngủ chìm trong con người mang thân năm ấm. Và khi thức dậy rồi tự nhiên những tế bào, bộ phận trong cơ thể tự chửa lấy và bình an tức là chửa bệnh bằng cảm giác, bằng âm thanh. Những cách chữa bệnh nầy là những bệnh nan y, mà đối với các vị tu hành đạo cao đức trọng đều có thể chửa được bằng năng lượng. Ðó là lý do vì sao mà mỗi khi cầu siêu cho người qua đời, hay cầu an cho người còn, người bị bệnh bị tai nạn, thường tới những chỗ Chư Tăng tu tập, tới những Ðạo Tràng thanh tịnh, tới những Tu Viện, bởi vì người ta nghĩ rằng chỉ có những người tu mới có nhiều năng lực, cho nên chuyển hoá được những nổi khổ của những người bệnh,  người chết được siêu thoát. Ðiều nầy đức Phật đã nói rõ ở trong Kinh Pháp Hoa Phẩm Phổ Môn:
- Chúng sanh nào mà gặp những tai bay hoạ gởi, chỉ cần tâm thành niệm danh hiệu Ðức Quán Thế Âm thì người đó sẽ được như ý nguyện.
            Tác dụng nầy, ý nghĩa nầy năng lực nầy sẽ giúp cho không những người qua đời không thôi, mà ngay những người hiện tiền cũng cảm thấy có nhiều hạnh phúc khi được ăn một bửa cơm rất là thanh tịnh, rất là yên lặng, rất là hoà bình với quý Thầy, và chư Phật Tử, đại chúng tu học... Nhất là được ăn bửa cơm sau thời cầu nguyện Kinh Phổ Môn tức là bản Kinh nói về hạnh nguyện của Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát thì còn gì quý giá cho bằng.
            Như vậy cầu nguyện có nghĩa là tâm ý của chúng ta hướng tới một mục tiêu, là mang tới cho người nào đó một sự trọn lành. Người có lòng thương thì lòng thương càng lớn thêm, người có trí tuệ thì trí tuệ càng sâu thêm, đạo hạnh mình có sự tươi mát, thì sự tươi mát đó trở nên sâu sắc hơn, lớn hơn kỳ vị hơn.
Cầu nguyện là chúng ta dùng năng lượng đó cho người kia, ban cho người kia, đọc tên tuổi người kia làm cho họ được thừa hưởng như một món quà tinh thần. Do đó người nào có:
- Giới thanh tịnh, như không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm... không làm những điều xấu ác gọi là giới thanh tịnh.
- Ðức thanh tịnh là người đó, hằng ngày nói những lời nói dễ thương. Lời xây dựng lời mà không tác hại đến ai, không làm đau khổ đến người khác, dù cho một cảm giác nhỏ, người đó gọi là đức thanh tịnh, đây là nói đến con người có lòng từ bi. Khi nói ra điều gì là lợi ích của người khác, và không vì lợi dưỡng và cá tình hẹp hòi của mình để làm cho người khác đau khổ bằng lời nói gọi là đức thanh tịnh.
- Tánh Thanh tịnh tức là người đó thường ngày ngồi thiền, lễ Phật làm điều lành, tránh điều dữ và thường ngày có hành trì công phu bái sám thì người đó có tánh thanh tịnh, hiển lộ được Phật tánh.
            Người nào mà có giới thanh tịnh, đức thanh tịnh, tánh thanh tịnh, một khi người đó cầu nguyện cho bất cứ người nào, thì người nào đó cũng đều thừa hưởng rất là lớn. Vì vậy một lời cầu nguyện của đức Phật của Chư Tổ, của các vị Tăng tu hành tinh tấn, nó có tác dụng rất lớn cho người nghe, và cho những thân nhân mà mình muốn quý Thầy hồi hướng. Do vậy việc cúng dường trai tăng, việc cúng dường tịnh tài, việc bảo trợ Chùa để phát triển mỗi ngày lớn hơn, làm cho đạo tràng ngày càng thêm khang trang để nhiều người về có chỗ tu tập tụng Kinh bái Sám... Tất cả những cái đó gọi là làm phước, cúng dường. Và người nào biết cúng dường cũng có trong phần gọi là giới thanh tịnh, tức là người có tâm ngưỡng mộ Phật Pháp cho nên cúng dường. Ðức thanh tịnh vì hiểu được Phật pháp cho nên sống dễ thương và hiền lành, và tánh thanh tịnh, nếu chúng ta biết tu thiền, biết quán chiếu, theo sự chỉ dẫn của các Thầy, trong các khoá tu và trong những khi tu tập hằng ngày thì có đức tánh thanh tịnh.
Bên cạnh mục đích hướng tới cho những người thân của mình, người tu Phật chúng ta còn cầu nguyện với mục đích phá tan tâm niệm vị kỷ của mình, cho nên bất cứ một Phật sự nào, chúng ta cũng đều hồi hướng nguyện cầu cho tất cả chúng sanh đều thành Phật đạo. Mới nghe qua dường như những lời cầu nguyên suông không thể thực hiện được. Tuy nhiên trên tinh thần phá ngã, cứ lập tới lập lui mãi, trong tâm niệm vì tất cả chúng sanh khiến người ta quên hẳn bản ngã riêng tư của mình. Mọi việc làm đều không phải vì mình, không được lợi ích riêng cho mình, mà phải vì nhân loại, vì tất cả chúng sanh. Hằng ngày cứ huân tập mãi tâm niệm nầy, đến một lúc nào đó, chúng ta không còn thấy bản ngã riêng, đồng hoá giữa mình và chúng sanh không khác. Thế là chúng ta phá được chấp ngã và phát tâm đại bi, xem mọi khổ vui của người như của chính mình.
Hiểu được sự cầu nguyện và ứng dụng cầu nguyện như vậy quả thực là chánh tín.
            Nói tóm lại, việc tu tập và nguyện cầu, không những mình tu tập cho mình, cầu nguyện cho mình, làm cho mình an ổn hạnh phúc mà mình còn đem năng lực đó cho vợ, cho chồng, cho con, cho ba mẹ, cho người còn kẻ mất, người xa kẻ gần đều được lợi lạc. Vì vậy cầu nguyện là một phép tu, cầu nguyện là một sự tích tụ năng lực, cầu nguyện là một nguyên tắc, mà tất cả các giới bình dân trí thức đều thực tập được hết. Vì chúng ta không hiểu ý nghĩa nầy, cho nên có nhiều người cho rằng:
- Tụng Kinh cầu nguyện, cầu siêu, cầu an, cúng sao giải hạn có tính cách tín ngưỡng thuần tuý, và có tính cánh thiếu khoa học.
Kỳ thực khi mà chúng ta chưa có cảm được, chưa có thấy được những năng lực của sự cầu nguyện, thì chúng ta coi đó như là những việc làm không tưởng, mê tín dị đoan. Nhưng khi hiểu một cách sâu sắc rồi thì chúng ta sẽ thấy việc cầu nguyện cũng là một phương pháp thiền quán, cầu nguyện là cái phép lạ ở trong các tôn giáo, và cầu nguyện là một phương pháp rất là giản dị, rất là bình thường mà bất cứ người có học, người không có học, người sang kẻ hèn, người trí thức, đều có thể làm được điều đó cho bản thân mình, cho thân nhân mình, cho quyến thuộc của mình, cho người còn kẻ mất đều lợi lạc. Ðó là lý do tại sao người Phật Tử chúng ta tin tưởng tuyệt đối vào năng lực của sự cầu nguyện
Kết Luận:
            Mê Tín và Chánh Kiến là hai con đường tối sáng khác nhau. Nếu đi bên tối là không thấy bên sáng, nếu đi bên sáng là không thấy bên tối. Ðạo Phật chủ trương Chánh Tín, không bao giờ chấp nhận mê tín. Do vì nhân duyên truyền Ðạo, đôi khi người đời chỉ nhìn vào khía cạnh phương tiện, đối với những người không thông lý Ðạo, cho nên hiểu lầm đạo Phật là đạo mê tín.
Phải biết rằng, bản chất của đạo Phật là trí tuệ, là giác ngộ, thì làm sao dung nạp được mê tín. Nếu người ta thấy trong chùa chiền hiện nay còn những hiện tượng mê tín, mà vội phê bình đạo Phật là đạo mê tín thì có lẽ hơi vội vã, thiếu suy tư. Ðây là những oan tình của đạo Phật. Tất cả những Kinh Phật không có nói những việc mê tín, chẳng qua vì muốn hằng thuận với chúng sanh:
- Phật pháp không rời thế gian pháp
            Vì thế mới có những phương tiện được khai mở để thích hợp với hoàn cảnh xã hội, cho nên mới bày vẽ để tùy thuận chúng sanh. Ðến một lúc nào đó con người đã hiểu thấu được giáo lý nhiệm mầu của Ðức Phật, thì những phương tiện đó cũng không còn nữa, mà lúc bấy giờ tinh thần của đạo Phật sẽ về với vị trí uyên nguyên của nó tự thuở ban đầu, như tinh thần Nhất Phật Thừa của Kinh Pháp Hoa mà đức Phật đã từng nhắc nhở cho các hàng môn đệ của Ngài.
 
            Tài Liệu Tham Khảo
            - Kinh Pháp Hoa Diễn Giảng
            - Phật Học Quần Nghi
            - Khóa Hư Lục
            - Phật Học Phổ Thông
            - Phật Pháp Yếu Nghĩa
            - Con Ðường Chuyển Hoá
-- o0o --