Hướng Tâm Về Chánh Niệm
Tâm Hòa
--o0o--
 
Nói đến việc Hướng tâm về chánh niệm là muốn nói đến việc thực hành Bốn Niệm Xứ. Thực hành Bốn Niệm Xứ không có nghĩa chỉ thuần túy đến việc nghiên cứu, suy nghĩ, nghe những bài giảng hay luận bàn về Bốn Niệm Xứ. Bốn Niệm Xứ hay Bốn Pháp Quán Niệm nầy cần phải được thực hành, bằng cách quán sát chánh niệm theo bốn phương pháp:
1- Niệm Thân
Là niệm trên các chuyển biến hay các giác quan của Thân. chẳng hạn như:
- Thở, chúng ta thở vào chúng ta biết chúng ta đang thở vào, thở ra.... Thở ngắn, thở dài....
Cứ như thế chúng ta an trú trong sự quán niệm thân thể nơi thân thể. Hoặc là quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta an trú trong quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình hủy diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn hủy diệt nơi thân thể. Cũng tương tự như khi:
- Ði, đứng, nằm, ngồi...
Cứ như thế mà chúng ta an trú trong sự quán niệm thân thể nơi thân thể. Hoặc là quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta an trú trong quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình hủy diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn hủy diệt nơi thân thể.
- Chúng ta quán niệm chính thân thể nầy từ gót chân trở lên và từ đỉnh tóc trở xuống, bao bọc bởi một lớp da và chứa đầy nhiều loại bất tịnh như: Tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mạc, lá lách, phổi, ruột, phân, mật, đàm, mủ, mồ hôi, mở, nước mật, nước bọt, nước ở các khớp xương, nước tiểu...
- Hoặc chúng ta ý thức sự có mặt của thân thể đó, và như vậy chúng ta an trú một cách tự do, không bị bất cứ một thứ gì trong cuộc đời làm vướng bận...
- Yếu tố tạo nên chính thân thể ấy: Trong thân thể nầy có yếu tố đất, nước, gió lửa .....
- Lại ví như khi thấy một xác chết bị liệng vào bãi tha ma, đã được một ngày, hai ngày, ba ngày, sình lên, thối nát ra....chính thân thể của chúng ta cũng sẽ như vậy...
Cứ như thế chúng ta an trú trong sự quá niệm thân thể nơi thân thể. Hoặc là quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta an trú trong quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình hủy diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn hủy diệt nơi thân thể.
2- Niệm Thọ
Là quán niệm cảm thọ nơi cảm thọ. Mỗi khi có một cảm thọ khoái lạc, thì chúng ta ý thức rằng:
- Chúng ta đang có một cảm thọ khoái lạc.
Mỗi khi có một cảm thọ khổ đau, chúng ta ý thức rằng:
- Chúng ta đang có một cảm thọ khổ đau.
Cũng tương tự như vậy, mỗi khi chúng ta có một cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau, chúng ta biết rằng ta đang có một cảm thọ không khoái lạc cũng không khổ đau. Khi chúng ta đang có khoái lạc về tinh thần thì chúng ta biết chúng ta đang có khoái lạc về tinh thần, khi chúng ta đang có khổ đau về tinh thần thì chúng ta biết chúng ta đang khổ đau về tinh thần.
Khi chúng ta đang có một cảm thọ về tinh thần cũng không khoái lạc mà cũng không khổ đau, thì chúng ta ý thức được rằng chúng ta đang có một cảm thọ về tinh thần cũng không khoái lạc mà cũng không khổ đau.
Khi chúng ta đang có khoái lạc về vật chất thì chúng ta biết chúng ta có những khoái lạc về vật chất. Khi chúng ta đang có khổ đau về vật chất thì chúng ta biết chúng ta có những khổ đau về vật chất.
Khi chúng ta đang có một cảm thọ về vật chất cũng không khoái lạc mà cũng không khổ đau, thì chúng ta ý thức được rằng chúng ta đang có một cảm thọ về vật chất cũng không khoái lạc mà cũng không khổ đau.
Cứ như thế chúng ta an trú trong sự quá niệm thân thể nơi thân thể. Hoặc là quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta an trú trong quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình hủy diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn hủy diệt nơi thân thể.
3- Niệm Tâm
Là pháp quán niệm tâm thức trên tâm thức. Mỗi khi nội tâm có:
- Tham dục chúng ta ý thức được nội tâm có tham dục. Khi nội tâm không có tham dục, chúng ta biết nội tâm không có tham dục.
- Sân hận chúng ta biết nội tâm có sân hận..
- Si mê... không si mê
- Tâm thức của chúng ta tán lọan.... tâm thức của chúng ta không tán lọan...
- Tâm thức của chúng ta khoáng đạt... tâm thức của chúng ta trở nên hạn hẹp...
- Tâm thức của chúng ta đạt tới cao nhất... tâm thức của mình không đạt đến cao nhất....
- Tâm thức của chúng ta có định... tâm thức của mình không có định...
- Tâm thức của chúng ta giải thoát... không giải thoát...
Cứ như thế chúng ta an trú trong sự quán niệm thân thể nơi thân thể. Hoặc là quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta an trú trong quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình hủy diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn hủy diệt nơi thân thể.
4- Niệm Pháp
Hay còn gọi là đối tượng tâm thức nơi đối tượng tâm thức. Chẳng hạn như:
- Khi có ái dục, chúng ta ý thức rằng chúng ta có ái dục. Khi không có ái dục, chúng ta ý thức được rằng chúng ta không có ái dục. Khi một ái dục chưa sanh nay bắt đầu sanh, chúng ta ý thức được sự sanh khởi đó. Khi ái dục đã sinh đang được khử diệt, chúng ta ý thức được sự khử diệt và không còn tái sanh nửa, chúng ta cũng ý thức được điều đó. Tương tự cũng như thế:
- Sân hận..
- Mê muội và buồn ngủ...
- Giao động bất an...
- Nghi ngờ...
Cứ như thế chúng ta an trú trong sự quán niệm thân thể nơi thân thể. Hoặc là quán niệm bên trong, hoặc quán niệm bên ngoài hoặc quán niệm cả bên trong lẫn bên ngoài. Chúng ta an trú trong quá trình sinh khởi nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình hủy diệt nơi thân thể, hoặc quán niệm cả quá trình sinh khởi lẫn hủy diệt nơi thân thể.
Thực hành Bốn Niệm Xứ trên là phương cách hướng tâm về Chánh Niệm. Tuy nhiên để cho dễ hiểu, Chánh Niệm có thể hiểu theo nghĩa là tâm tiến đến đối tượng và bao phủ đối tượng toàn diện, xuyên thấu vào trong đối tượng không thiếu sót một phần nào. Nhưng ở đây, để giản dị chúng ta dùng chữ Chánh Niệm có nghĩa là:
- Không Hời Hợt Bên Ngoài
- Ðừng Bỏ Ðối Tượng Ngoài Sự Quán Sát Của Mình 
- Tiếp Xúc Với Hiện Tại
            1- Không Hời Hợt Bên Ngoài
            Ðặc tính của chánh niệm là không hời hợt bên ngoài. Như trong một căn nhà tối, chắc chắn chúng ta sẽ không thấy gì khác ngoài bóng đen, nhưng khi thắp đèn sáng lên chúng ta sẽ thấy rõ từng những vật nhỏ. Cũng vậy, mọi vật đều hiện hữu, nhưng có lúc chúng ta không thấy chỉ vì chúng ta không để ý, hoặc để ý một cách hời hợt, phần lớn là để cho tâm hồn truy phóng không chủ động. Ðặc tính của chánh niệm là không phóng tâm, có nghĩa là chánh niệm phải luôn luôn có mặt và gắn liền với đối tượng. Tâm có gắn liền với đối tượng thì chánh niệm sẽ đưa tâm chìm sâu vào đối tượng một cách tuyệt đối.
            Khi hành thiền thường thì chúng ta theo dõi hơi thở ra vào để làm đề mục theo dõi. Chúng ta cố gắng tập trung tâm ý theo dõi vào đề mục để tâm không trược khỏi đề mục và chìm sâu vào tiến trình theo dõi hơi thở. Khi tâm để ý theo dõi suốt tiến trình nầy, chúng ta sẽ thấy được bản chất thực sự của từng biến chuyển trong cơ thể lẫn ngoại cảnh.
2- Ðừng Ðể Tâm Xa Rời Ðối Tượng Của Mình 
            Chức năng của chánh niệm là giữ đối tượng luôn luôn ở trong tầm quan sát của mình. Không quên, cũng không để tâm vượt ra ngoài đối tượng. Khi chánh niệm có mặt thì đối tượng sẽ được ghi nhận không bị quên hay thiếu sót. Ðể tránh sự theo dõi hời hợt bề mặt, và để cho đối tượng được quán sát một cách kỷ càng, chúng ta phải hiểu và thực hành khía cạnh thứ ba của chánh niệm, đó là yếu tố hiển bày. Khi yếu tố hiển bày được phát triển sẽ kéo theo hai yếu tố trên, đó là Ðặc Tính và Chức Năng. Sự hiển bày chính của chánh niệm là tâm trực diện với đề mục, mặt đối mặt với đề mục.
            3- Tiếp Xúc Với Hiện Tại
            Giống như chúng ta đang đi trên đường, gặp một khách bộ hành đi ngược chiều về hướng chúng ta, sự ngược chiều nầy làm cho chúng ta chú ý, và nhận thấy người đi đường ấy một cách rõ ràng. Cũng  vậy, khi chúng ta hành thiền, tâm phải đối diện với đề mục một cách rõ ràng như vậy. Chỉ khi nào chúng ta, tiếp xúc với hiện tại, đối diện trực tiếp với đề mục thì chánh niệm mới thực sự phát sinh.
Trong khi hành thiền, chúng ta cũng phải áp dụng phương pháp tương tự, nếu sắt bén hơn thì càng tốt để theo dõi đối tượng quan sát. Chỉ khi nào chúng ta nhìn một cách kỷ càng tinh tế thì chúng ta mới có thể hiểu được bản chất thực sự của đối tượng.
            Chẳng hạn như khi nhìn khuôn mặt ai lần đầu, chúng ta chỉ nhìn thoáng qua, nhìn một cách tổng quát, cho nên chúng ta chỉ thấy một cách tổng quát. Nếu nhìn kỷ hơn, chúng ta sẽ thấy rõ những chi tiết như: Lông mày, mắt, môi... ngay cả cái thẹo lớn thẹo nhỏ cũng thấy.
Cũng vậy khi theo dõi hơi thở, lúc đầu, chúng ta nhìn một cách tổng quát các tiến trình của chúng, ban đầu chúng ta chỉ đưa tâm theo dõi hơi thở nối nhau ra vào. Về sau chúng ta chú ý kỷ hơn, và những chi tiết sẽ tự nó hiển bày mà không cần đến sự cố gắng của chúng ta. Chúng ta sẽ ghi nhận những cảm giác khác nhau sinh rồi diệt, như sự căng thẳng, áp lực, nóng lạnh, chuyển động ....
            Khi chúng ta liên tục theo dõi, tiếp xúc, đối mặt với đề mục, sự tinh tấn của chúng ta sẽ trổ quả. Chánh niệm sẽ trở nên tích cực hơn và gắn chặt hơn vào đối tượng quán sát không bị bỏ sót, không lãng quên, không phóng tâm. Lúc tâm chánh niệm như thế thì phiền não không thể xen vào được. Nếu chánh niệm được duy trì một thời gian dài, chúng ta sẽ khám phá ra một sự trong sáng kỳ diệu của tâm.
            Bảo vệ tâm khỏi bị phiền não tấn công là khía cạnh thứ hai của sự biểu hiện chánh niệm. Khi chánh niệm kiên trì và liên tục tích cực thì trí tuệ sẽ phát sinh và chúng ta sẽ thấy rõ bản chất của thân và tâm. Không những chúng ta thấy được sự sinh diệt của cảm giác mà còn thấy rõ những đặc tính riêng biệt của nhiều hiện tượng danh sắc diễn ra bên trong. Khi chánh niệm có mặt thì lúc đó:
            - Thiền sinh có thể ghi nhận trực tiếp là các hiện tượng danh sắc, hay thân và tâm, tất cả đều đau khổ. Ðiều nầy được ghi rõ trong kinh điển và chúng ta có thể kiểm chứng qua kinh nghiệm trực tiếp của chúng ta.
             - Thiền sinh ghi nhận tham ái là gốc của khổ đau. Khi tham ái không còn thì nguồn gốc của khổ đau sẽ tan biến.
            - Sự chấm dứt khổ đau sẽ được thấy rõ khi si mê và các phiền não khác đều dừng nghỉ biến mất. Khi chánh niệm hay trí tuệ có mặt chúng ta sẽ thấy tất cả sự vật đều xảy ra tạm thời, từ khoảnh khắc nầy sang khoảnh khắc khác.
            - Biết rõ dùng phương pháp nào để diệt khổ đau.
            Như vậy Chánh niệm là một phần của tâm chứa đựng trí tuệ, quán thấu chân tướng của sự vật. Nó là một phần của trí tuệ giác ngộ. Nó có mặt trong tâm của những nguời đã hiểu rõ:
- Thế nào là cội nguồn của đau khổ
- Nguyên nhân gây ra đau khổ
- Ý chí cần phải diệt khổ
- Phương pháp diệt trừ khổ đau.
            Ðược gọi là hướng tâm về chánh niệm, thì như vậy trước sau gì chánh niệm cũng là yếu tố cần thiết, vậy thì muốn có chánh niệm thì chúng ta phải tìm ở đâu?
Nguyên nhân đầu tiên để có chánh niệm không gì khác hơn là chính bản thân mỗi người phải phát khởi chánh niệm. Có hai loại chánh niệm:
            - Chánh niệm của người mới hành trì, loại chánh niệm nầy thuộc về sơ cơ vào đạo nên còn yếu.
- Chánh niệm của người có nhiều kinh nghiệm hành thiền thì mạnh mẽ hơn.
Chính sự chánh niệm mạnh mẽ nầy giúp đạo quả phát sinh. Thật vậy, phát triển chánh niệm là tạo nên một cái trớn, giây phút chánh niệm đầu tiên sẽ tạo nên giây phút chánh niệm tiếp theo.
            Yếu tố giúp cho chánh niệm phát triển và trở nên mạnh mẽ cho đến khi nó xứng đáng được mang danh hiệu là trợ Bồ Ðề.
            a- Tỉnh Giác.
            Chữ giác tỉnh ở đây có nghĩa chính xác, trọn vẹn, dùng mọi năng lực của tâm để quán sát. Chúng ta phải áp dụng chánh niệm và tỉnh giác, nghĩa là ghi nhớ và biết mình trong khi theo dõi ghi nhận đề mục chính là sự theo dõi hơi thở và các đề mục khác như đau nhức, nghe, suy nghĩ, ... Trong khi đi, đứng hay, nằm ngồi, hay làm các động tác khác như co duỗi tay, ngẩng đầu, cúi đầu, quay trước, quay sau... chúng ta cũng phải biết áp dụng chánh niệm, và tỉnh giác.
            b- Tránh Xa Những Người Thiếu Vững Chãi
            Nếu chúng ta để hết tâm vào việc thực hành chánh niệm, nhưng có người không chánh niệm đến nói chuyện quấy rầy chúng ta, thì sự chánh niệm của chúng ta sẽ không bao giờ có, mà ngay cả những gì mà chúng ta có cũng mất luôn. Vì vậy phải lìa những người thiếu vững chãi
            c- Thân Cận Với Người Chánh Niệm
            Gần gủi với những người có chánh niệm sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong công cuộc phát khởi và duy trì chánh niệm, đó cũng là sự khích lệ lớn lao. Thân cận với những người có chánh niệm, không những chúng ta có thể vững chánh niệm của mình mà còn giúp chúng ta phát triển và đào sâu chánh niệm thêm hơn.
            Như thế Hướng Tâm Về Chánh Niệm có nghĩa là đặt chánh niệm lên hàng đầu, ưu tiên cho chánh niệm. Luôn luôn nhắc nhở tâm trở về với chánh niệm trong mọi lúc, mọi hoàn cảnh. Ðiều nầy rất quan trọng, tạo nên thói quên không lơ là đãng trí hay quên. Chúng ta nên cố gắng chánh niệm càng nhiều càng tốt, tránh mọi hoạt động không đưa đến chánh niệm càng xa càng tốt.
Nói tóm lại, là một con người học Phật chúng ta chỉ có một việc để làm đó là luôn luôn chánh niệm về những gì đang xảy ra trong hiện tại. Trong một khóa thiền tích cực, chúng ta phải xếp qua một bên mọi tương quan với xã hội bên ngoài. Không viết hay đọc, ngay cả đọc kinh điển.
Môi trường sống chung quanh và thức ăn cũng đóng một vai trò hết sức quan trọng trong việc phát khởi và duy trì chánh niệm, vì thế lúc ăn chúng ta nên thận trọng không rơi vào những thói quen thất niệm như trước đây, hãy xét thử thời gian địa điểm và số lượng thực phẩm chúng ta ăn có thích nghi cho việc thực hành chánh niệm hay không. Nếu không hãy điều chỉnh để có thể kịp thời tạo cho cơ thể những điều kiện tốt trong việc duy trì chánh niệm.
 
Tài Liệu Tham Khảo
- Pháp Hành Thiền Trong Phật Giáo
- Ngay trong Kiếp Sống Nầy
- Tứ Niệm Xứ
-- o0o --