Tình Không Biên Giới
Thông Ðức
--o0o--
 
Muốn có một cuộc sống hạnh phúc lâu dài, thì chúng ta phải phát triển, và hiểu cho tường tận ý nghĩa và mục đích của sự thương yêu, và đồng thời phải xét cho kỹ về bản chất của từng loại thương yêu. Lẽ tất nhiên cuộc đời rất cần sự thương yêu, nhưng không phải thứ thương yêu:
- Dựa trên căn bản của dục vọng
- Ðam mê và vướng mắc,
- Của phân biệt và kỳ thị.
Bởi vì đức Phật đã từng dạy:
- Tình dục và luyến ái là cội nguồn của bao điều phiền não.
Sở dĩ người đời thường nói tới tình thương giữa cha mẹ và con cái, giữa chồng và vợ, giữa những người trong cùng họ hàng, cùng thân tộc, cùng giai cấp hoặc cùng quốc gia tại vì tình thương đó dựa vào ý niệm tôi, và của tôi, cho nên bản chất của nó còn vướng mắc và phân biệt.
Người đời chỉ muốn thương yêu cha của mình, thương chồng của mình, thương vợ của mình, thương con của mình, thương cháu của mình, thương họ hàng của mình, thương đất nước của mình nên còn vướng mắc và phân biệt. Vì vướng mắc cho nên lo lắng về những bất trắc có thể xảy ra dù chúng chưa xảy đến.
Vướng mắc và phân biệt đều là những nguyên nhân đau khổ, đau khổ cho mình và cho người.
Phân biệt cho nên có thái độ kỳ thị, hờ hững và ghét bỏ đối với những người mình không thương, và có tâm phân biệt:
- Tình đồng chí: Tức là muốn nói đến những người có chung với mình một lập trường, một chí hướng, dù là chí hướng đó tự lợi hay lợi tha cũng thế. Bởi vì tình đồng chí chỉ biết những người cùng một chí hướng, một chủ nghĩa hay một đảng phái.
- Tình Ðồng Chủng: Là những người cùng chung một quốc gia, một màu da, một truyền thống ngôn ngữ tập quán. Ðôi khi vì tình đồng chủng con người có thể nhẫn tâm tàn sát những người vô tội, vì những người nầy không cùng một chủng loại với mình. Người da trắng có cảm tình riêng với người da trắng, người da đen có cảm tình riêng với người da đen, và người da vàng có cảm tình riêng với người da vàng ... Lắm lúc để chứng minh rằng dân tộc mình thông minh hơn dân tộc khác, cho nên con người không ngần ngại dùng những phương tiện tàn ác như gây chiến tranh, dội bom nhả đạn, tiêu hũy hằng triệu sanh linh. Cùng một quốc gia cũng có những tâm trạng hẹp hòi, vì thế có người cũng đã hợp lại từng nhóm để gây nên cái mà chúng gọi là tình huynh đệ giữa những người cùng một giai cấp xã hội, một thứ tình thương chỉ nằm vỏn vẹn trong một phạm vi nhỏ hẹp của một nhóm người có quyền thế để đàn áp một hạng người khác.
- Tình Ðồng Hương: Là những người chung một xứ sở. Ðôi khi vì tình đồng hương mà con người có thể bênh vực bao che lỗi lầm một cách mù quáng.
- Tình Ðồng Một Tôn Giáo: Là sự hiểu biết hẹp hòi, cái gọi là tình đồng đạo, thứ tình nầy cũng đã có không biết bao nhiêu đầu người đã rơi, bao nhiêu vĩ nhân đã bị tù tội, bạc đãi. Bởi vì tình đồng đạo, sự hiểu biết hẹp hòi, mà không biết bao nhiêu người đã phải bị thiêu sống một cách tàn nhẫn chỉ vì cái tội thành thật nói lên ý tưởng của mình. Cũng bởi vì tình đồng đạo cho nên có không biết bao nhiêu hành động ác độc, bao nhiêu chiến tranh tàn khốc đã làm hoen ố lịch sử nhân loại, cũng vì sự hẹp hòi của tình đồng đạo. Cho đến thế kỷ thứ 21 nầy, vậy mà nhân loại còn chứng kiến những vụ xô xát, chửi bới bôi nhọ lẫn nhau mà nguyên nhân chỉ vì người theo tôn giáo nầy không ép buộc được những người khác tư tưởng cùng theo một khuynh hướng như mình. Người chủ trương giáo hội nọ, không ép buộc được những người theo giáo hội kia cùng về với mình, hoặc những người không theo giáo hội nào đứng chung lập trường theo kiểu giáo hội của mình muốn. Con người ghen ghét nhau, thù hận nhau, chém giết nhau, chửi bới, bôi bác nhau chỉ vì không sống chung với nhau dưới một nhãn hiệu. Thật sự mà nói, nếu vì không đồng lập trường, tín ngưỡng mà những người khác tôn giáo, khác giáo hội không thể coi nhau là anh chị em trong một đại gia đình, thì sứ mạng của tất cả cảc vị giáo chủ, các vị lãnh đạo tinh thần trên thế giới nầy phải nhận lãnh một phần lớn trách nhiệm nếu không muốn nói họ đã thảm bại một cách chua cay trong đường lối và sự chủ trương của họ.
Thật sự mà nói, có tính cách vượt thoát lên trên những thứ tình cảm tầm thường, chỉ có một thứ tình thương duy nhất mà mọi người đang khao khát đó là lòng từ bi. Bởi vì:
- Từ là thứ tình thương có thể đem đến sự an vui cho người khác.
- Bi là thứ tình thương không có điều kiện, có thể làm vơi đi những đau khổ của người khác.
Từ và Bi là thứ tình thương không có điều kiện, không bắt buộc và không đòi hỏi bất cứ một sự đền đáp nào. Loại tình thương nầy không giống như tình thương yêu thiên về xác thịt như vợ mến chồng, chồng mến vợ, cũng không phải sự luyến ái giữa cha mẹ thương yêu triều mến con, con trìu mến cha mẹ.
Nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cần tình thương yêu gia đình, nhưng bên cạnh tình thương yêu gia đình, chúng ta còn có thể thương yêu mọi chúng sanh vạn loại hữu tình, có thể vượt khỏi phạm vi gia đình, và biên giới hữu hạn để có thể thương yêu và chăm sóc cho tất cả đồng bào, đồng loại khác trong một làng, một quốc gia... như là thương yêu và chăm sóc cho chính con của mình.
Nếu chúng ta làm được như vậy thì tình thương hạn hẹp trở thành tình thương rộng lớn, và đột nhiên tất cả mọi người khắp nơi trong các xóm các làng, trong một nước đều trở thành thân thuộc của chúng ta. Ðó đích thực là tâm từ bi.
Ðây không phải là một điều quá lý tưởng, mà là một điều con người khi biết hiểu và thương thì có thể làm được, nhất là con người có tâm lượng từ bi và trong tay có những phương tiện đầy đủ.
Nếu chúng ta phát được những nguyện lớn thì chúng ta chắc chắn làm được điều nầy.
Theo tinh thần đức Phật dạy, không có gì ngăn cản chúng ta thương yêu những người khác trong các xóm làng khác, khắp mọi nơi như thân thuộc của chúng ta, dù những người nầy không nằm trong làng xóm của chúng ta.
Thành thật mà nói tình luyến ái giữa những người thân yêu là lẽ thường, là một sự tự nhiên. Thế gian không tồn tại được nếu không có tình thương. Nhưng tình thương luyến ái nầy luôn luôn ích kỷ, hẹp hòi, nên không sánh được với tâm từ là tình thương đồng đều đối với tất cả chúng sanh trong vũ trụ bao la.
Do đó tâm từ không đồng nghĩa với tình thương ích kỷ. Như thế nếu còn phân biệt anh Bắc, tôi Nam, chị Đông, em Tây thì không thể nào thương được người bà con hàng xóm láng giềng.
Nghĩa là tình thương phải bao la không phải là tình thương riêng biệt đối với người láng giềng, cũng không phải tình thương trong tình huynh đệ, mà là bao trùm khắp cả chúng sanh, không từ bỏ một sinh linh nào, trong đó có cây cỏ, cầm thú, những người bạn xấu số của chúng ta, cũng cần nhiều đến sự giúp đỡ và ban bố tình thương của chúng ta.
Khi đã thực tập được tình thương yêu mọi loài, mọi người như những người thân thuộc của chính mình được rồi thì có thể loại bỏ được những tình thương yêu hạn hẹp như:
- Dựa trên căn bản của dục vọng
- Ðam mê và vướng mắc,
- Của phân biệt và kỳ thị.
- Tình Ðồng Hương
- Tình Ðồng Một Tôn Giáo
- Tình đồng chí
- Tình Ðồng Chủng ...
Quả thật như vậy, sự đoàn kết và an ổn của mọi gia đình, đoàn thể, giáo hội, quốc gia không phải được tạo nên bởi sự tham sân đố kỵ, và cách hành xử bốc đồng của chính bản thân mình, để rồi đem vung vải bừa bãi lên mình người khác. Chúng ta phải có ý thức, phải biết rằng sự gắn bó tình gia đình, tình đời, tình đạo, tình quê hương xứ sở, nếp sống hoà bình và thịnh vượng lâu dài của một mái ấm gia đình, một đoàn thể, một giáo hội, một quốc gia chỉ có thể được xây dựng trên sự hòa hiếu giữa các con tim biết thương yêu và hiểu biết, cùng hướng về một mục đích hòa bình an lạc chung.
Nếu một con người thực sự muốn cho người khác quý trọng tư cách của mình, thì chính bản thân của mình cũng phải giữ gìn làm sao cho tâm ý nhu hòa, và cũng biết tĩnh thức để những người chung quanh không vì mình mà tạo nghiệp nhân xấu xa. Chính sách ngoại giao để kết hợp với một người khác tư tưởng đứng chung vào hàng ngũ của mình phải thực sự đi theo con đường hiểu biết và tâm từ bi thì chúng ta mới có thể làm được chuyện nầy.
            Trong đạo lý giác ngộ, thương yêu phải đi đôi với hiểu biết, thương yêu chính là hiểu biết. Nếu không hiểu biết thì không thể thương yêu. Vợ chồng không hiểu biết nhau thì không thể thương yêu nhau ..... Muốn cho người nào hạnh phúc thì mình phải tìm hiểu cho được những ước vọng và những khổ đau của chính người ấy. Hiểu được rồi thì mình mới làm mọi cách để cho người ấy bớt khổ đau và có hạnh phúc. Như vậy mới gọi là tình thương chân thật. Còn nếu mình chỉ muốn người kia làm theo ý mình và không biết gì đến những khó khăn và những nhu cầu chân thực của người ấy thì đó không phải là tình thương. Ðó là ước muốn chiếm hữu hoặc để thỏa mãn ý nguyện của mình, cho dù là ý nguyện muốn người kia sung sướng. Nếu chúng ta thật sự thấu hiểu những khó khăn và những ước vọng của từng hoàn cảnh thì chúng ta sẽ thực sự thương yêu họ.
Mọi người ai cũng có những đau khổ và những ước vọng riêng tư. Nếu chúng ta thực sự thấu hiểu những đau khổ và những ước vọng của họ, chúng ta có thể làm cho họ sung sướng, thì từ đó mặc dù chúng ta không có điều kiện nào cả, nhưng họ sẽ suốt đời trung thành với ta. Và khi mọi người được sung sướng và an lạc thì chính chúng ta cũng sẽ được sung sướng và an lạc. Ðó là ý nghĩa thương yêu trong đạo lý tĩnh thức.
Vì thế chữ tình theo tinh thần của đạo phật là thứ tình thương yêu êm dịu nó vượt hẳn trên các thứ tình hẹp hòi, ích kỷ. Phạm vi chữ tình nầy là một thứ tình thương không bờ bến, không biên cương, không hạn định, không điều kiện. Không có một loại kỳ thị nào. Tình thương nầy phải xem tất cả chúng sanh là bạn hữu khắp nơi trên thế gian như anh em một nhà, mà theo thuật ngữ của người Trung Hoa thường nói:
- Tứ hải giai huynh đệ
Nghĩa là:
- Mọi người trên thế giới đều là anh em một nhà
Như vậy tinh thần từ bi người được thương không phải chỉ là cha mẹ ta, vợ ta, con ta, huyết thống ta, giai cấp ta, quốc gia ta, mà kẻ được thương là tất cả mọi người và mọi loài. Trong đạo từ bi không có phân biệt ta và không ta, của ta và không của ta. Thiếu tinh thần Từ Bi thì cuộc đời sẽ khô khan, khổ đau và buồn chán. Có Từ Bi cuộc đời sẽ an lạc, hạnh phúc và vui tươi. Loại tình nầy tựa hồ như ánh mặt trời bao trùm vạn vật, thân cũng như sơ, bạn cũng như thù, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn, nam nữ, hư hèn hay đạo đức, người hay thú vật. Trong lịch sử nhân loại từ cổ chí kim, chúng ta chỉ thấy một con người có loại tình cao thượng đó là Ðức Phật. Ngài luôn luôn cố gắng tạo an lành cho tất cả chúng sanh, và chỉ thấy những gì tốt đẹp nơi mọi người và không khi nào nhìn cái xấu xa hư hỏng của một ai. Vì thế Ngài đối xử với những người ganh tỵ, oán ghét Ngài và những người âm mưu ám hại Ngài cũng giống như những người quý trọng tôn kính ngài không khác. Ðể chứng minh điều đó chúng ta thấy tình thương của đức Phật đối với Rahula không có chút gì khác với Ðề Bà Ðạt Ða, tình thương bao la rộng rãi đồng đều đối với chính mình cũng như đối với những người thân cận, những người không quen biết, và những người có ác cảm với Ngài. Trong chiều hướng tu tập đạo giải thoát, nếu cá nhân chúng ta thực hiện được tâm từ đến mức độ tột cùng như thế sẽ thấy mình hòa đồng với tất cả chúng sanh, không còn sự khác biệt giữa mình và người, cái gọi là ta hay tự ngã lần lần mở rộng lan tràn cùng khắp càn khôn vạn vật. Mọi sự chia rẻ đều tiêu tan, biến mất như đám sương mờ trong nắng sáng.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Ngay Trong Kiếp Sống Nầy
- Tự Ðiển Phật Học
- Nẻo Vào Thiền Học
-- o0o --