Nền Tảng Của Sự Yên Vui
Tịnh Nghiêm
--o0o--
 
Người có một cuộc sống vững chãi, không bị chi phối bởi những bon chen của dòng đời, thì người đó có một nền tảng của sự an vui, và như vậy trong cuộc đời:
- Dù ai nói ngã nó nghiêng
Thì ta vẫn vững như kiền ba chân.
Như chúng ta đã biết, mỗi con người sanh ra trong đời nầy đều do phước hoặc nghiệp khác nhau, do đó mà tâm và tánh của mỗi người cũng khác nhau, tuy nhiên Ðức Phật Ngài dạy:
- Muốn thay đổi tâm tánh của con người, chỉ có thể dùng một trong tám vạn bốn ngàn pháp môn thì cũng có thể giải quyết được những khổ nạn do tâm và nghiệp thức gây ra.
Đức Phật cũng lưu ý cho chúng ta rằng, việc uốn nắn, sửa đổi tâm của chúng ta là một công trình hết sức công phu, đồng thời cần đức tánh kiên nhẫn, và thực tập một thời gian lâu dài.
Pháp môn thực hành Thiền Toạ, Niệm Phật, Kinh Hành là một pháp môn có khả năng sửa đổi tâm tánh để tạo cho chúng ta có một nền tảng của sự an vui, mà qua đó chúng ta phải nghiêm trì Ba Vô Lậu Học.
A- Giới:
Muốn thực hành việc sửa đổi tâm tánh và nghiệp quả của mình, điều chánh yếu trước tiên là chúng ta nên tự khép mình vào khuôn khổ, theo thuật ngữ gọi là giới, hay đó là tự chúng ta giữ gìn các oai nghi tế hạnh, trước và trên hết là phải cẩn thận:
- Trong lời nói
- Hành động,
Là một người học Phật, chúng ta phải hiểu là giới luật trong Phật Giáo không phải là luật tắc đặt ra để áp chế cá nhân bất cứ ai, mà đây là những phương pháp nhằm giúp cá nhân chúng ta tự giữ gìn nghiệp miệng và nghiệp thân tức là phương cách giúp cho chúng ta tự giữ gìn tác phong của chúng ta. Hay nói cách khác, giới luật nhằm thanh lọc thân, miệng và ý, làm cho lời nói và hành động của chúng ta trở nên trong sạch, thanh cao. Thanh cao như sự phát lòng bày tỏ của một con người sẳn lòng tu sửa tâm tánh của mình:
- Ðệ tử hôm nay quỳ trước điện
Chí tâm đảnh lễ đức từ tôn
Ðã bao phen sanh tử dập dồn
Trôi lăn mãi trong vòng lục đạo
Thế Tôn đã đinh ninh dạy bảo
Mà con còn đắm đuối say mê
Mắt ưa xem huyển cảnh hằng ngày
Tai thích tiếng mật đường dua nịnh
Mũi quên ngửi mùi thơm bất tịnh
Lưỡi dệt thêu lắm chuyện gay go
Thân ham dùng gấm vóc se sua
Ý mơ tưởng bao la vũ trụ
Bởi lục dục lòng tham không đủ
Lấp che lần trí tuệ từ lâu
            Hôm nay mong giác ngộ hồi
            Tâm sám hối phơi bày tỏ rõ
            Nguyện tội ác từ nay dứt bỏ
            Chuyển sáu căn ra khỏi lầm mê
            Trước đài sen thành kính hướng về
            Tịnh tâm ý quy y tam Bảo
            Phật giới cấm chuyên trì chu đáo
            Dứt tận trừ cội rễ vô minh
            Chí phàm phu tự lực khó thành
            Cầu Ðại Giác Từ Bi gia hộ
            Dầu phải chịu muôn ngàn gian khổ
            Con dốc lòng vì đạo hy sinh
            Nương từ quang tìm đến lạc thành
Ðặng tự giác, giác tha viên mãn
Như vậy, sự tự đưa mình vào một khuôn phép, kỷ cương là tự đưa mình vào phương pháp tu tập để trau dồi đức hạnh, gọi là Ðiều Học Về Giới, Ðiều học về giới có ba:
- Chánh Ngữ,
- Chánh Nghiệp,
- Chánh mạng.
Ba yếu tố nầy là ba trong tám chi của Tám Chánh Ðạo hợp thành nhóm Giới.
Nếu có lúc một người có tâm phát nguyện làm một Phật Tử tại gia luôn luôn lúc nào cũng phải giữ giới, thì một người quyết tâm hành thiền lại càng phải nên giữ tối thiểu năm giới căn bản là:
1- Tránh xa sự sát sanh,
2- Tránh xa sự trộm cắp,
3- Tránh xa sự tà dâm,
4- Tránh xa sự vọng ngữ
5- Tránh xa sự dùng các chất say như:
- Rượu mạnh, ma túy, báo chí sách ..v..v...
Nghĩa là bất cứ phương diện nào có tính cách đầu độc tâm trí và gây nên tình trạng tâm thần buông lung phóng túng, không giác tỉnh là người Phật Tử tuyệt đối chúng ta phải tránh xa.
Ðể cho dễ dàng trong việc hành trì, từ ngữ Giới Luật, chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản hơn là Tính Phòng Ngự. Tính phòng ngự  là nền tảng vững chắc trong lối sống không những của người Phật Tử tại gia, xuất gia, mà đó cũng là căn bản của những ai muốn thực hiện công trình trau dồi tâm trí.
Người quyết tâm thực hành pháp môn Niệm Phật, Thiền Tọa, Kinh Hành hay gom tâm an trụ không thể thiếu tính phòng ngự, bởi vì ngoài việc không làm các điều ác, chúng ta còn phải làm điều thiện, nghĩa là chúng ta phải trau dồi:
- Ý muốn
- Giữ gìn giới đức,
- Phát triển tình thương
- Tế hạnh trang nghiêm.
Tất cả những yếu tố nầy hết sức cần thiết trong việc hổ trợ giới mà chúng ta gọi chung là giới hạnh hay tính phòng ngự. Cuộc sống có tỉnh giác và luôn luôn được phòng ngự sẽ bồi bổ, dưỡng nuôi đời sống tâm linh, giúp cho cuộc sống tâm linh càng ngày càng vững vàng trong việc an trụ và vắng lặng.
Người có chí nguyện thành đạt trạng thái tâm linh cao thượng nhất, không có con đường lựa chọn nào tốt hơn phương pháp thực hành pháp suy tư qua tính phòng ngự để thiêu đốt những dục vọng, là những chất liệu làm cho tâm chúng ta ô nhiễm. Chẳng hạn như chúng ta suy tư:
- Người khác có thể gây tổn thương, nhưng chúng ta không nên làm tổn thương bất cứ một ai.
- Người khác có thể gây sát sinh, nhưng chúng ta sẽ không sát sinh hại vật.
- Người khác có thể lấy một vật không phải của mình, nhưng chúng ta sẽ không lấy của nào không thuộc về sở hữu của chúng ta.
- Người khác có thể sống phóng túng lạng chạ, nhưng chúng ta sẽ giữ mình trong sạch,
- Người khác có thể nói lời
* Giả dối,
* Ðâm thọc
* Thô lổ,
* Nhảm nhí,
Nhưng chúng ta sẽ nói những lời:
* Ðem lại hòa hợp,
* Thuận thảo,
* Những lời nói vô hại,
* Những lời thanh nhã dịu hiền, đầy tình thương,
* Những lời làm đẹp dạ, đáng được ghi trong lòng, đúng lúc, đúng nơi,
* Những lời hữu ích.
- Người khác có thể tham lam, nhưng chúng ta sẽ không tham lam,
- Người khác có thể có tâm xiên vẹo, nhưng chúng ta giữ tâm ngay thẳng, và chúng ta sẽ luôn luôn:
* Tinh tiến,
* Cao thượng,
* Chân thật,
* Chánh trực,
* An hoà,
* Thanh khiết,
* Tri túc,
* Quảng đại, và luôn luôn chân thành.
Chúng ta sẽ chuyên cần chú niệm và trau dồi trí tuệ để luôn luôn hoàn toàn, và sống tỉnh thức trong giây phút hiện tại.
Thực hành được những điều nầy như vậy chúng ta sẽ không hành động một cách nô lệ, như những người không biết suy tư, hoặc không muốn suy tư.
Như thế, giới hay tính phòng ngự mà đức Phật đặt ra không phải là những điều răn cấm tiêu cực, mà rõ ràng xác định cho chúng ta một định hướng tốt đẹp, một con đường toàn hảo trong công cuộc xây đắp những ý chí dõng mảnh, nhằm tạo an lành và hạnh phúc cho chính bản thân của chúng ta và cho nhân loại.
Quả thật như vậy, nếu bất cứ những ai trong chúng ta biết tôn trọng những nguyên tắc căn bản của giới luật, thì tự thân của chúng ta có thể tạo dựng một xã hội một nề nếp sinh hoạt an toàn, bằng sự thể hiện tính:
- Hoà hợp,
- Nhất trí,
- Ðiều hòa,
- Thuận thảo, và
- Sự hiểu biết lẫn nhau giữa con người và con người.
B- Ðịnh
Nếu chúng ta thực hành Giới đức tinh nghiêm, thì căn bản nầy sẽ giúp cho chúng ta trau dồi Tâm Ðịnh không mấy khó khăn, đó là ba chi cuối cùng của Tám Chánh Ðạo:
- Chánh Tinh Tấn,
- Chánh Niệm,
- Chánh Ðịnh,
Theo kinh nghiệm của chư tôn thiền đức, một khi chúng ta có sự tiến bộ trong việc tu trì giới đức, thì sự tiến bộ đó sẽ giúp chúng ta tư duy sâu sắc về việc thực hành pháp trau dồi tâm trí một cách tích cực. Lúc đó chúng ta có thể ngồi ở bất cứ nơi nào, và cũng có thể tập trung tư tưởng một cách dễ dàng. Những nơi ngồi có thể là:
- Trong một tịnh thất,
- Dưới một cội cây,
- Hay ngoài trời, hoặc một nơi thích hợp nào khác.
Quả thật, Đối với những người sơ cơ học đạo, trong những khung cảnh trang nghiêm thanh tịnh như thế, chúng ta sẽ dễ chú tâm vào đề mục Niệm Phật, Thiền Toạ và Kinh Hành, đó cũng là cách tạo điều kiện không ngừng sự tinh tấn của chúng ta. Nhờ thế mà chúng ta gội rửa mọi bợn nhơ trong tâm, rồi dần dần loại bỏ các chướng ngại của tinh thần, và cuối cùng chúng ta có thể gom tâm an trụ vào một điểm.
C- Tuệ:
Một khi tâm đã định ở một mức cao độ, đó chính là phương tiện để đạt tới trí tuệ. Trạng thái nầy được diễn tả qua hai khía cạnh thuộc hai chi đầu tiên của Tám Chánh Ðạo đó là:
- Chánh kiến
- Chánh tư duy,
Như vậy Giới, Ðịnh, Tuệ mà trong kinh được Ðức Phật thường nhắc nhở và khuyến khích các thánh đệ tử phải để tâm tới và thực hành là ba điều học hay ba phương pháp tu tập cao quý. Tuy nhiên, không có điều học nào trong ba điều nầy tự nó có thể đứng riêng rẽ, mà tất cả đều phải nương tựa và nhau để phát sanh và là phương tiện để đi đến mục tiêu giải thoát.
Nói một cách khác, chúng ta không thể thực hành riêng rẽ một trong ba điều học nào và bỏ qua hai điều kia. Cũng như cái đảnh ba chân, đứng vững là nhờ ba chân đầy đủ. Nếu có một cái chân sụm gảy thì tất cả đều ngã quỵ. Cùng thế ấy, chúng ta không thể thực hành Ðịnh mà không cần có sự hổ trợ của Giới và Tuệ.
Cả ba: Giới, Ðịnh Huệ cả ba nâng đỡ lẫn nhau.
Qua những sự kiện căn bản thiết thực, chúng ta thấy, giới đức hay tác phong trong sạch sẽ giúp chúng ta cũng cố tâm định. Như thế tâm mà định là nhờ sự hổ trợ của giới, tạo được nhiều thành quả tốt đẹp, đem lại nhiều lợi ích và phát huy trí tuệ. Nhờ có trí tuệ chúng ta phá tan lớp mây mờ si mê bao phủ sự vật, thấy đời sống đúng như thực tại của đời sống, tức là thấy dời sống và tất cả những gì liên quan đến đời sống đều phát sanh rồi hoại diệt.
Nói tóm lại, là người học Phật, nếu chúng ta sớm ý thức và thực hành đều đặng ba vô lậu học như thế thì dầu dần chúng ta có thể gội rửa được:
- Mọi bợn nhơ,
- Tận diệt mọi ô nhiễm
- Thành đạt giải thoát.
Kết quả của sự thực hành nầy sẽ giúp cho chúng ta tự chứng nghiệm được sự chấm dứt mọi hành động của ba căn bất thiện, là nguồn gốc của mọi tội khổ đó là:
- Tham
- Sân
- Si,
Ba tên giặc cướp nầy từ lâu đã xâm chiếm vào tâm trí của chúng ta, và dẫn dắt chúng ta đi vào con đường sanh tử luân hồi nghiệp báo. Ba tên giặc cướp nầy chắc chắn sẽ được loại bỏ và diệt trừ tận gốc rễ bằng cách chúng ta phải tinh cần xử dụng triệt để ba điều học, bởi vì:
- Giới dùng để diệt trừ Tham
- Ðịnh dùng để diệt trừ Sân
- Tuệ dùng để diệt trừ Si
Với sự thanh lọc toàn vẹn cuối cùng nầy chúng ta sẽ đạt đến trạng thái an lạc của Niết Bàn, vắng lặng vượt ra ngoài mọi phạm vi của:
- Ngôn ngữ,
- Sự vững chắc không thể lay chuyển của tư tưởng,
- Sự tự do vượt ra ngoài mọi hành động không chánh niệm,
Lúc đó chúng ta đã và đang sống trong nền tảng của sự an vui, một nền tảng châu toàn và bền vững, vinh quang rực rỡ không thể phai lạt trong hạnh phúc của một con người có tâm tự tại, giải thoát, an lạc toàn hảo, sâu xa huyền diệu và thanh khiết. Lúc đó chắc chắc sẽ không có bất cứ một ai, hay bất luận điều gì có thể làm thối chuyển tâm chúng ta trong việc thành đạt chân lý cao thượng nầy.
Ðó là nền tảng của an vui, là ngôi vị cao cả nhất của đời sống tu học, là thành quả quý báu nhất được kết tinh từ những ngày, tháng, năm tu tập. Do nhờ thành quả nầy mà mọi hiện tượng sanh già bệnh chết đều chấm dứt không còn nữa, và lúc đó đời sống thánh thiện cũng  được trãi dài trong cuộc sống hiện thực, vì tất cả những gì cần phải làm đã được chúng ta thực hiện, cho nên không còn điều gì trên thế gian làm cho chúng ta bận tâm nữa.
 
Tài Liệu Tham Khảo:
- Ðức Phật Và Phật Pháp
- Phật Pháp Yếu Nghĩa
- Phật Giáo Thánh Kinh
- Cây Giác Ngộ
 
-- o0o --