Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
Luận Giải Về
Pháp Thiền Quán Dzogchen
Tác giả : Gyatrul Rinpoche
Việt dịch: Nguyễn Hòa
--o0o--
 
Có lợi gì khi đi vào trạng thái an tịnh, cho phép tâm đứng yên trong tình trạng tự nhiên của bất động? Đó là vì chừng nào mà bạn có thể phát triển được sự tĩnh lặng của  tâm, bạn mới có thể kiểm soát hay chế ngự những vọng tưởng hư dối trong tâm trí. Chúng sẽ tiếp tục khởi lên và kiểm soát tâm. Cách duy nhất để đối phó và chấm dứt chuyện đó là đạt tới tâm tịch tĩnh . Khi đã hoàn tất điều đó thì cũng đạt được các thần thông như thiên nhãn thông, tha tâm thông, túc mệnh thông.
Ai khi đã có thể thực hiện được tâm tĩnh lặng thì không còn bị khuất phục bởi những tham luyến do  tiếp xúc, sinh hoạt   thường ngày với thế gian.  Tâm sẽ tự động xa rời những tham luyến, quyến rũ của cuộc sống luân hồi, vì tâm an tịnh   là sự  thể nghiệm niềm thỏa mãn và  hoan lạc trong tâm trí, siêu tuyệt hơn những hấp dẫn tầm thường của cảm thọ phiền toáị.  Khi tâm đã  an tịnh thì mới có thể  được hướng vào việc tập trung không xao lãng trong một thời gian thật dài. Sự an tịnh trong tâm sẽ quét sạch các vọng tưởng, vì chúng không thể khởi lên khi hành giả đang ở trong trạng thái quân bình của Định Chỉ. Người nào đã đạt được tâm thanh tịnh cũng tự nhiên có được tâm từ bi khi họ thấy chúng sinh đang vướng mắc trong cảnh khốn khổ. Tâm từ bi chân chính sẽ khởi lên khi họ bắt đầu nhận thức rõ cái tính Không nằm trong mọi mặt của thực tại.
Sự tĩnh lặng của tâm là sự chuẩn bị và cơ sở để tu đạt đến Tuệ giác. Hai pháp thiền quán này bổ túc cho nhau.  Sự thành công của việc phát triển tuệ giác tùy thuộc và sự thành công mà hành giả có được khi phát triển tâm an tịnh. Nếu bạn phát triển tâm thanh tịnh đến mức nào đó, thì rồi bạn sẽ thể nghiệm được tuệ giác ở  mức độ giới hạn nhất định. Tuy nhiên nếu bạn phát triển toàn vẹn tâm thanh tịnh, bạn sẽ có được tuệ giác tròn đầy. Do đó là trường hợp thực hiện được sự giác ngộ hoàn hảo. 
Bây giờ để thành đạt tâm tĩnh lặng, khởi đầu bạn nên tu tập ở chỗ vắng vẻ, dễ chịu. Điều quan trọng là bạn cảm thấy thoải mái và hài lòng với chỗ bạn chọn để thiền quán. Ngồi với tư thế thẳng trên chiếc gối dễ chịu. Tư thế có bảy ưu điểm của Phật Đại Nhật là lý tưởng. Ngoài ra, phải chắc là ngồi giữ sao cho xương sống  thẳng. Nếu bạn ngồi tréo chân thì theo tư thế hoa sen (kiết già), hay nếu bạn không thể ngồi như vậy thì  bạn có thể tréo chân lại, và nâng mông lên để cho lưng thẳng. Bằng không, bạn có thể ngồi thẳng lưng trên ghế. Giữ xương sống thẳng, bạn nên cúi đầu xuống một chút, cho càm hơi đưa vào để mắt có thể nhìn xuống chóp mũị Đặt đầu lưỡi hơi tự nhiên chạm lên nóc giọng để cho miệng đừng ngậm lại chặt quá hoặc há mở. Bàn tay và cánh tay để xuôi hai bên. Nếu bạn ngồi theo tư thế kiết già thì hai bàn tay đặt vào lòng. Còn nếu ngồi trên ghế thì có thể để tay xuôi tự nhiên. Để cho khẩu được tịnh, đừng nói chuyện, làm ra tiếng ồn, chỉ thở tự nhiên. Chỉ giữ cho yên lặng và tự nhiên, ngoài ra không phải làm gì khác.
Tư thế của tâm là tránh hồi tưởng chuyện quá khứ, dự đoán chuyện tương lai, và suy tư hay kiểm soát lúc hiện tại. Chỉ cho phép bạn được tự nhiên và thoải mái. Bất cứ điều gì khởi lên thì cứ cho phép chúng là như vậy, đừng thay đổi hay điều chỉnh."
Cho phép tâm bạn trong trạng thái tự nhiên" là điều nói dễ hơn làm. Lý do chánh là bởi vì từ vô lượng kiếp bạn đã tạo lập nên những bản năng thành thói quen, những ấn tượng tinh thần làm tâm bạn luôn chao động và chứa  đầy vô số thứ phát sinh ra khái niệm. Để được an tịnh bạn phải dùng đến phương pháp. Đây không có nghĩa là bạn nên thử kiểm soát tâm bằng cách hồi tưởng, dự đoán, hay thay đổi kinh nghiệm. Nhưng khi bắt đầu, bạn nên thử đặt tâm lên một vật (đề mục) để tâm có thể tập trung và chìm lắng xuống. Dùng đề mục để đặt tâm tương ứng với ba thân (tam thân). Bước thứ nhất là phương pháp Ứng Thân, thực hiện bằng cách dùng ảnh tượng của đức Thích Ca Mâu Ni hiện ra như ứng thân của Phật. Ấn tượng của Phật Thích Ca được đặt ngay trước mặt bạn để bạn có thể nhìn chăm chú một cách tự nhiên. Bước thứ hai là phương pháp Báo Thân, thực hiện bằng cách dùng ảnh tượng của Phật Đại Nhật hiện ra như Báo thân Phật. Bước thứ ba, là phương pháp Pháp Thân, được thực hiện bằng cách quán tưởng hình ảnh Phật Đại Nhật ở giữa trái tim. Một khi tâm được tĩnh lặng nhờ ba phương pháp này, bạn sẵn sàng tập cách an tịnh tâm mà không cần cách thiết kế nào hết. Nếu bạn không có bất cứ ảnh tượng nào của Phật, bạn cũng có thể tiến hành thực tập. Bạn có thể dùng hòn đá, cây gậy, cánh hoa, hay vật tự nhiên nào tìm thấy ở gần quanh bạn mà không phải tốn gì cả. Chỉ đơn giản thực tập thiền định với cái vật đó đang ở ngay trước mặt cũng y hệt như bạn tập với ảnh tượng.  Điều lý tưởng là khi vật đó rộng chừng bốn ngón tay khép lạị Tâm nên tập trung chuyên nhất trên vật đó, không để cho bị xao lãng. Trong khi  nhìn chăm chú và tâm tập trung lên ảnh tượng hay cái vật đó, bạn nên ý thức được tâm trí bạn đang làm gì. Không nên cố gắng làm nẩy sinh những hình ảnh sẽ có trong giai đoạn quán tưởng. Bạn chỉ đơn thuần  nhìn lên ảnh tượng với tâm tập trung chuyên nhất, và không làm gì khác.
--o0o--