Thư Viện Chùa Dược Sư
PHẬT HỌC CƠ BẢN
 
SỐNG VỚI HAI TRUYỀN THỐNG
Nguyễn Duy Nhiên Phỏng dịch
---o0o---
            Ông Gil Frondal tu tập theo đạo Phật hơn hai mươi lăm năm, và đã hành trì theo cả hai truyền thống Bắc tông và Nam tông. Ông đã từng xuất gia và tu tập theo truyền thống thiền Tào Động của Suzuki Roshi, và được Truyền Pháp (dharma transmission) vào năm 1995. 
            Và ông cũng đã tu tập theo truyền thống Vipassana của Phật giáo Nguyên thuỷ, dưới sự hướng dẫn của ngài U Pandita. Từ năm 1990, Fronsdal trở thành vị thầy giáo thọ thường trú tại trung tâm thiền Insight Meditation Center tại Mid-Peninsula ở thành phố Redwood, California.
            Trong bài phỏng vấn dưới đây, ông Gil Frondal có chia sẻ về kinh nghiệm thực tập của mình theo hai truyền thống Zen và Vipassana. Ông nói về những khác biệt cũng như sự hỗ tương lẫn nhau của hai truyền thống này.  Và ông cũng chia sẻ những nhận xét của mình về vấn đề truyền dạy Phật pháp ở phương Tây, những đổi mới và sự khác biệt của Phật giáo Hoa kỳ. 
            Theo nhận xét của ông, người Tây phương cũng cần nên học hỏi thêm về truyền thống và văn hóa Phật giáo ở Á châu, vì nó có thể giúp cho sự tu học của họ được thêm phần sâu sắc.
            Xin gửi đến các bạn bài phỏng vấn đăng trên tạp chí Phật học Tricycle, ông Frondal chia sẻ về những kinh nghiệm thực tập của mình trong hai truyền thống Zen và Vipassana.
            Ít có người nào lại là vị thầy hướng dẫn thiền cho cả hai truyền thống Zen và Vipassana cùng một lúc.  Vì ông bắt đầu tu tập theo truyền thống Zen trước, nên ông có thể kể lại ông đã đến với pháp môn Zen như thế nào không?
            Tôi bắt đầu chú ý đến đạo Phật khi còn ở đại học, khi tôi đang theo học ngành Khoa học Môi Trường (environmental science). Trong thời gian ấy tôi quan tâm về vấn đề làm sao để đối phó lại với sự thoái hoá của môi trường, và tìm hiểu những đóng góp của chúng ta trong vấn đề này. 
            Việc này đã đưa tôi bước sâu vào những tư tưởng của Đông phương – nhất là của Trung hoa, đạo Lão – nó mang lại một mô hình hoàn toàn khác biệt về mối tương quan giữa con người với thiên nhiên.
            Tôi bắt đầu đọc những bài viết của Alan Watts và những sách về Phật giáo, và tôi cảm thấy rất phấn khởi, vì chúng dường như mang lại cho tôi những câu trả lời mới lạ. 
            Rồi một năm sau, tôi đọc được quyển Thiền Tâm Sơ Tâm của thiền sư Suzuki, và rất thích. Tôi cảm thấy như là nó trình bày một quan niệm sống mà tôi đang theo, mặc dù không hề ý thức đến. Và tôi cũng chú ý đến sự quan trọng của việc ngồi thiền mà quyển sách này nhấn mạnh. Mặc dù trong thời gian này tôi đã bỏ học đại học và đang sống trong một cộng đồng tâm linh, nhưng dường như chưa bao giờ ngồi thiền.
            Cũng chính ở nơi này mà tôi đã khám phá ra quyển Thiền Tâm Sơ Tâm.  Sau đó, khi vừa có dịp, tôi liền đi đến thiền viện San Francisco Zen Center của thiền sư Suzuki Roshi.  Nơi đây tôi học zazen, tức phương pháp ngồi thiền. Tôi rất thích lối thực tập zazen này và công phu rất chuyên cần. 
            Dần dà, tôi muốn mang phương pháp ngồi thiền ấy vào trong đời sống hằng ngày của mình. Từ đó tôi xuất gia và trở thành một tu sĩ, mỗi lúc tôi càng bước sâu hơn vào con đường của đạo Phật.
            - Thế thì còn ông bắt đầu thực tập pháp môn Vipassana như thế nào?
            Sau bảy năm tập thiền theo truyền thống Zen ở Hoa kỳ, tôi lại tiếp tục sang tu tập trong một thiền viện ở Nhật bản. Trong thời gian ở đây, tôi phải ra khỏi nước để xin lại hộ chiếu mới. Và tôi sang Thái lan. 
            Trong khi chờ đợi được cấp hộ chiếu mới, tôi đi đến một thiền viện ở ngoại ô Bangkok. Tôi tò mò muốn biết ở đây người ta hành thiền theo truyền thống Nguyên Thuỷ như thế nào. Tôi thực tập theo lời hướng dẫn của vị sư cả, và lúc đó lại ngay vào một khóa tu thiền tập Vipassana tích cực. 
            Vì lúc ấy hộ chiếu của tôi cũng phải mất ít nhất mười tuần mới xong, nên khóa tu im lặng Vipassana đầu tiên của tôi cũng kéo dài hết mười tuần. 
            Trong khóa tu ấy tôi có được một định lực rất mạnh, nó giúp tôi tiếp xúc được với cái mà tôi chỉ có thể diễn tả là những yếu tố cốt lõi của tâm mình, và nó thúc đẩy tôi muốn tiếp tục đi sâu hơn.  Một năm sau, tôi trở lại Thái lan và Miến điện, và tôi tinh chuyên tu tập theo truyền thống Vipassana thêm trong vòng một năm rưỡi.
            - Sau nhiều năm thực tập theo truyền thống Zen, khi đổi sang Vipassana ông nhận thấy như thế nào?
            Bản chất của Vipassana là chính niệm, hay là sự thực tập có mặt và ý thức rõ ràng với những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Thật ra chính niệm cũng là một phương thức mà ta có thể thực tập trong nhiều truyền thống khác nhau. Và trong khuôn khổ giáo lý của Vipassana mà tôi tiếp xúc ở Á châu thì đây là một pháp môn có mục tiêu rõ rệt. 
            Ngài U Pandita, vị thầy Miến điện của tôi, rất cứng rắn và cương quyết trong vấn đề đi đến Niết bàn, đạt được những tuệ giác và các quả vị tu chứng. Nếu như tôi là một thiền sinh mới, tôi chắc chắc là mình không thể nào sống sót được trong môi trường ấy đâu!  Có lẽ tôi sẽ bị mắc kẹt trong những hoài bão và sự tự phê phán của mình. 
            Nhưng nhờ năm tháng tu tập theo truyền thống Zen, tôi đã thực tập hoàn toàn chấp nhận những gì có mặt trong giây phút hiện tại. Tôi thích ứng rất mau và không dễ bị nản lòng. Trong khi vẫn cố gắng hết sức mình để theo sát lời hướng dẫn thực tập Vipassana, ngay khi ấy tôi vẫn thấy rằng, sự thực tập shikantaza, chỉ quản đả toạ, chỉ cần ngồi an nhiên thôi, cũng đã giúp ích cho tôi rất nhiều.
            - Thực tập theo hai truyền thống khác nhau như vậy có mang lại một sự xung đột nào cho ông không?
            Lúc đầu tôi cũng hơi vất vả khi cố gắng phối hợp giữa một truyền thống Zen, chủ trương rằng tu chứng nhất như, thực hành với chứng ngộ là một, với lại truyền thống của Nguyên thuỷ, chủ trương rằng ta phải cố gắng tu tập bây giờ để đạt được sự chứng ngộ về sau. 
            Nhưng sau cùng, tôi khám phá ra rằng hai phương pháp này không những chúng hỗ tương cho nhau, mà còn được xem như là hai mặt của cùng một đồng tiền. Thiền Tào Động dạy cho tôi chú ý đến bản chất thanh tịnh của mỗi giây phút hiện tại trong tiến trình ngồi thiền. Thiền Vipassana dạy cho tôi rằng, tiến trình ấy sẽ mang đến cho ta một sự tự do rộng lớn, mặc dù ta không hề xem đó làm một mục tiêu.
            Trong khi thực tập Vipassana tôi ý thức rằng, thái độ chấp nhận chính mình và những gì xảy ra trong giây phút hiện tại, mà tôi học từ Zen, tự nó cũng là một tác ý cho sự giải thoát. Hiểu vậy, tôi thấy mình không cần phải đặt một mục tiêu để cố gắng buông bỏ những chướng ngại cho tác ý tự nhiên ấy. 
            Và một trong những khó khăn tôi gặp phải trong thiền Zen là một thái độ tự mãn nguyện – một sự chấp nhận hơi dễ dãi và thoải mái. Thái độ ấy khiến tôi thiếu một sự thúc đẩy để cố gắng nhìn sâu hơn, để thấy rằng mình cũng vẫn còn nắm bắt và chống đối thực tại một cách rất vi tế.  Và thiền Vipassana, nhờ nhấn mạnh vào việc nhìn rõ những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại, giúp tôi thoát ra khỏi trạng thái tự mãn ấy.
            - Ông có mang những yếu tố của Zen vào phương pháp dạy Vipassana của mình không?
            Trong truyền thống Zen, tôi nhấn mạnh rằng mỗi giây phút ta thực tập chính niệm là mỗi giây phút toàn vẹn, tự chính nó là đầy đủ và hạnh phúc. Tôi khuyến khích các thiền sinh nên nhìn sâu hơn để nhận diện những gì đang ngăn chận không cho ta kinh nghiệm được điều ấy. 
            Tôi dạy họ rằng, cái cứu cánh phải được biểu hiện ngay trong cái phương tiện, tức sự thực tập của mình.  Nếu mục tiêu của ta là muốn được an lạc, thì sự thực tập của ta cũng phải có biểu hiện một chút an lạc nào đó.  Muốn có tâm từ, hãy thực tập tâm từ. Nếu muốn trở nên rộng lượng, hãy thực tập rộng lượng.  Nếu muốn có tự do, thì đừng để những hình thức thực tập hay sự chứng ngộ trở thành những đối tượng nắm bắt.
            - Có những yếu tố nào trong truyền thống Vipassana mà ông cảm thấy xung đột với mình không?
            Tôi hơi có chút vấn đề với giáo pháp về Tam Pháp Ấn trong truyền thống Nguyên thuỷ: vô thường, khổ và vô ngã.  Khi tu tập ở Thái lan và Miến điện, tôi hơi khó chịu về việc giáo pháp ấy được dùng như những giáo điều nền tảng trong hầu hết tất cả các bài pháp thoại. 
            Tôi hơi khó chịu khi cứ phải nghe đi nghe lại mãi về ba đặc tính này của sự sống vô thường, khổ và vô ngã. Tôi có cảm tưởng rằng chúng chỉ là những giáo điều hay quan điểm mà người ta chấp nhận, không phải vì họ có tuệ giác về chúng, mà là vì họ đã được dạy đi dạy lại như thế! Tôi không tin vào việc ta nên chấp nhận một giáo điều nào mà không phải bằng tuệ giác của chính mình.
            - Có phải ý ông nói là chấp nhận một quan điểm nào đó mà mình không hiểu thấu hết?
            Ý tôi nói tuệ giác không phải là một quan điểm. Vì tôi xuất thân từ truyền thống Zen nên tôi có một sự ngờ vực về các quan điểm. Trong truyền thống Zen chúng tôi phá đổ hết bất cứ một quan điểm nào ta áp đặt lên trên những kinh nghiệm của mình.
            - Ông có vấn đề gì với giáo pháp về Tam pháp ấn này?
            Tôi đã không thể nào hoàn toàn hiểu hết được. Lẽ dĩ nhiên, nếu chúng ta nhìn rõ ta sẽ thấy mọi vật đều vô thường. Những ngọn núi là vô thường, điều đó tôi chấp nhận được. Nhưng nếu bảo rằng những ngọn núi phải chịu khổ đau thì tôi thấy hơi khó hiểu. Và cho rằng những ngọn núi "không có một cái ngã" cũng không có nghĩa lý gì nhiều lắm đối với tôi. 
            Giáo pháp về tất cả đều vô thường, nếu ta phân tách và giải thích ra thì nó rất là dễ hiểu, nhưng tôi thấy dầu sao đó vẫn chỉ là một quan niệm suông, mà không có một chứng nghiệm cá nhân nào sâu sắc hết.
            Cuối cùng, tôi quyết định rằng mình chỉ có thể hiểu ba đặc tính ấy như là một sự diễn tả về tự tính của những kinh nghiệm của ta về thế giới chung quanh. Có rất nhiều vấn đề trong việc ta cho rằng mình biết thực tại thật sự là gì, và phải như thế nào. Tôi không nhìn thấy đạo Phật như là một hình thái mới của khoa Vật lý. Mà tôi thấy chính niệm phơi bày cho tôi thấy được mình đã nhận thức thế giới này như thế nào.
            - Như vậy thì ba đặc tính trong Tam pháp ấn ấy có những giá trị gì?
Khi sự thực tập Vipassana được sâu sắc, ba đặc tính ấy sẽ trở nên rất hiển nhiên. Nhưng chúng không phải là kiến thức, một sự hiểu biết mà ta áp đặt vào, chúng trở thành một kinh nghiệm rất rõ rệt và nổi bật.  Nó rất là trực tiếp và ngay trước mắt ta.  Và tuệ giác này sẽ có năng lực giúp tâm ta bớt đi những dính mắc. Khi ta kinh nghiệm được rằng, không có gì là lâu bền và cố định để nắm bắt, tâm ta sẽ dần dà không còn bị dính mắc nữa.
            - Ông có thể nói thêm về vấn đề quan điểm với lại tuệ giác không?
            Trong thời gian còn ở đại học, tôi thấy mình có khuynh hướng bám chặt vào những kiến thức và quan điểm, mà không hề mang chúng ra thử lại với những kinh nghiệm hoặc các chứng cớ khác. 
            Ở đại học UC Davis tôi theo khoa Nông học, một ngành chuyên môn về sự chăm sóc và quản lý cách trồng trọt và mùa màng. Là một người có chủ trương bảo vệ môi sinh rất mạnh, tôi có những quan điểm rất cứng rắn về vấn đề trồng trọt hữu cơ (organic farming) với lại lối trồng trọt theo cách bình thường. 
            Nhưng khi tôi có dịp học hỏi thêm về những môn khoa học của đất đai, mùa màng, và phân bón, tôi thấy rằng những quan điểm của tôi quá khái quát và sơ sài. Và có nhiều điều lại hoàn toàn rất là sai lầm. Vậy mà tôi đã bám chặt vào chúng như là một chân lý vậy. 
            Kinh nghiệm này đã giúp tôi trở nên thật sự biết khiêm tốn hơn. Vì vậy, khi bước chân vào học Phật, tôi cũng rất để ý và không muốn mình lại bị sa vào cái bẫy ấy. Tôi cũng thấy rằng, trong đạo người ta rất dễ có khuynh hướng đem suy diễn một cách tổng quát, và không chịu nhìn sâu sắc. Và tôi không muốn mình bị vướng vào lỗi lầm đó một lần nữa.
            - Và ông làm thế nào để tránh được việc ấy?
            Theo tôi thì học hỏi sâu sắc thêm về giáo lý và kinh điển có thể giúp mở rộng thêm phần tri thức của ta rất nhiều. Nó giúp tôi thấy được mình đang nắm giữ những quan điểm nào, tôi có những sự suy diễn nào về giáo lý, và bên dưới chúng là những giả định gì. 
            Tôi dựa trên thẩm quyền nào để cho rằng một điều nào đó là sự thật?  Những câu hỏi ấy xuất phát từ truyền thống Zen của tôi, trong đó ta không được bị mắc kẹt vào bất cứ một quan điểm nào.
            Khi hướng dẫn các thiền sinh, tôi cố gắng nhìn sâu xem họ đang nắm bắt vào một quan điểm nào. Quan điểm ấy có thích hợp không?  Và có phải đây là lúc để tôi có thể giúp họ thoát ra khỏi quan điểm ấy không?
            - Nhưng đôi khi ông cũng có một lối dạy có vẻ hơi dễ dãi quá. Như là khi tóm tắt giáo lý về Tứ Diệu Đế, ông viết "Sự có mặt của hạnh phúc, và nguyên nhân của hạnh phúc." Tại sao lại có công thức mới đó?  Nó có yếu ớt quá chăng?
            Công thức đó chắc chắn không phải là một định nghĩa dứt khoát của Tứ Diệu Đế. Nhưng kinh nghiệm của tôi thì đôi khi trong đạo Phật người ta hơi quá nghiêm trọng trong vấn đề tu tập. Đôi khi lại còn là hơi khắc khổ nữa. Họ cứ chú trọng tìm kiếm những dính mắc, những nắm bắt của mình và tìm mọi cách buông bỏ. Và sự tu tập của họ vì vậy mà cũng trở nên quá nặng nề. 
            Nếu ta có thể nhớ rằng hạnh phúc và an lạc cũng là một phần của sự tu tập, ta sẽ không bị sa vào chiếc bẫy ấy. Và sự tu tập của mình nhờ vậy cũng sẽ được dễ dàng hơn.
            - Trong thời đại ngày nay, mọi người từ các giám đốc doanh nghiệp cho đến những nhân vật chơi thể thao, nhận thấy thực tập chính niệm – hay thiền quán – mang lại cho họ nhiều lợi ích.  Và thường thì chữ đạo Phật lại hoàn toàn bị loại bỏ ra ngoài sự thực tập ấy.  Ông thấy điều ấy có một sự nguy hại nào không?  Ví dụ, có gì ngăn chặn một vị giám đốc một doanh nghiệp, CEO, thực tập chính niệm như là một phương tiện giúp gia tăng lợi nhuận cho mình, thay vì một mục tiêu đạo đức hay từ bi nào khác?
            Thật ra tôi cũng không chắc phải trả lời câu ấy như thế nào, nhưng ta hãy nhìn nó dưới khía cạnh này: đối với tôi thì thiền Vipassana và thực tập chính niệm là một pháp môn rất mạnh mẽ và hiệu quả. Tôi rất vui khi thấy chúng đã giúp ích cho mọi người tùy theo nhu cầu của họ. Có rất nhiều người không quan tâm đến đạo Phật và họ cũng không đi theo con đường Bát Chính Đạo. Tôi cũng không có ý muốn cải đổi họ. 
            Điều mà tôi muốn làm đây là mang sự thực tập của đạo Phật đến với tất cả mọi người, mọi tầng lớp và giới thiệu sự ích lợi của nó có thể áp dụng cho mọi giới khác nhau.
            Tôi thực tập theo tinh thần bồ tát trong truyền thống Zen: nguyện làm vơi bớt khổ đau của tất cả mọi người. Tôi không bao giờ từ chối bất cứ một ai đến với trung tâm của chúng tôi và muốn tiếp nhận những gì tôi có thể giúp được, như là: thiền tập, Phật pháp, một nơi ngồi thiền và một cộng đồng thực tập chung với nhau. 
            Có người dành hết cả cuộc đời mình cho sự thực tập Phật pháp. Có người tham dự những khóa thiều nhiều ngày, nhiều tháng, và họ còn đi sang Á châu để xuất gia trở thành tu sĩ.  Một bên thì trung tâm của chúng tôi luôn chú tâm và hỗ trợ cho những người này. Và một bên kia là cố gắng giúp đở cho những người trong các tầng lớp khác của xã hội. 
            Họ là những người có những cuộc sống căng thẳng, có những khó khăn đối phó với cuộc sống, và rồi họ tình cờ có dịp tìm đến trung tâm của chúng tôi. Và tôi rất hoan hỷ vì đã trao cho họ những phương thức thực tập mà có thể giúp ích được cho họ. 
            Họ không nhất thiết phải trở thành những Phật tử. Nếu như họ chỉ muốn sống hạnh phúc hơn, tôi sẽ cố gắng giúp họ. Tôi cố gắng gặp họ trong hoàn cảnh của chính họ. 
            Người ta có thể than phiền về một thứ "Đạo Phật nhẹ nhàng" (Buddhism lite), nhưng tôi có niềm tin vào sự thực tập. Tôi có rất nhiều niềm tin vào trái tim của người khác. Tôi tin rằng trong chúng ta bao giờ cũng có một xung lực cố hữu, lúc nào cũng muốn đẩy ta đến giải thoát và một tình thương lớn. 
            Và khi ta giúp người khác một cách chân chính, những tính thiện ấy tự chúng sẽ biểu hiện ra. Tôi không cần bắt họ phải quy y hoặc khuyến khích họ đi theo một chiều hướng nào đó. Cách hay nhất là ta gặp họ ngay trong chính hoàn cảnh của họ. 
            Nếu sự thực tập của họ quá vị kỷ, không chóng thì chày họ cũng sẽ bỏ cuộc hoặc nhận thấy được những giới hạn của sự vị kỷ ấy. Đến một lúc nào đó, ta không thể nào chỉ thực tập riêng cho chính mình được. Động cơ thúc đẩy chúng ta trên con đường tu tập, một phần cũng là vì tình thương đối với kẻ khác nữa.
            - Ông thấy có vấn đề gì khi ta bắt đầu tu tập bằng ngồi thiền, như là Vipassana, thay vì là với những thực tập cơ bản như là học giáo lý, tụng kinh, tập nghi lễ trước hết hay chăng?
            Không có gì là sai trật với việc chúng ta bắt đầu sự tu tập bằng thực tập ngồi thiền. Nhưng ta sẽ khó giữ cho sự thực tập ấy được lâu bền nếu ta không có được những sự hỗ trợ khác. 
            Theo truyền thống thì sự thực tập Vipassana phải có sự ủng hộ và bảo vệ của giới luật, cộng đồng, nghi lễ, và những sự thực tập khác như là quán tâm từ, thiền định.  Người ta cũng thường tổ chức những ngày hội vui hoặc nghi thức hành lễ, mà mục đích là để mang cộng đồng tu học lại với nhau, để thiết lập một môi trường nương tựa lẫn nhau.  Và nó cũng nhắc nhở rằng, ta không phải thực tập cho riêng chính mình, mà còn là cho những người chung quanh nữa.
            Tôi thấy phong trào Vipassana ở Hoa kỳ có một khuyết điểm là nó chưa có được một tăng thân vững mạnh đủ, và vì vậy mà có một số hành giả trở nên quá vị kỷ trong sự thực tập của mình. Thực tập nương tựa vào cộng đồng, vào tăng thân, và theo truyền thống, có thể giúp ta sửa đổi được khiếm khuyết này.
            - Ông có thể cho một ví dụ về một sự đổi mới nào trong đường lối tu tập đạo Phật ở Hoa kỳ, và ông nghĩ nó có giúp ích gì không?
            Một ví dụ là phong trào Vipassana ở Hoa kỳ ngày nay thường hay nhấn mạnh về sự "tương quan kết nối" (interconnected) trong giáo lý về vô ngã, anatta.  Ý niệm này thường được nhấn mạnh nhiều đến nỗi người ta có thể hiểu lầm rằng, giác ngộ được lý tương-quan-kết-nối này là mục tiêu rốt ráo của đạo Phật. 
            Sự thật không phải vậy! Thật ra thì đó chỉ là một sự nhấn mạnh riêng cho người Hoa kỳ.  Theo tôi nghĩ, ý thức về sự nối-liền này được đưa ra như là một liều thuốc giải độc cho chủ nghĩa cá nhân (individualism) của chúng ta, và giúp chữa trị những khổ đau do sự chia cắt ấy gây nên.
            Đối với những người Phật tử ở Á châu, đặc biệt là ở Ấn độ và Đông Nam Á, những giáo lý này rất xa lạ đối với họ. Và có lẽ nó cũng không mang lại một ích lợi gì nhiều, vì ở Á châu họ không có chủ nghĩa cá nhân. 
            Trong kinh điển Pali, sự tương quan liên kết (interconnectedness) không được xem như là một giá trị tuyệt đối. Sự giải thoát của ta không hề tùy thuộc vào một thế giới nối-liền nhau. 
            Ở chỗ này, hiểu được truyền thống và thế giới quan của Á châu, giúp ta thấy rõ được sự khác biệt trong sự truyền dạy ở Tây phương. Và khi nhận thấy được sự khác biệt ấy rồi, chúng ta có thể tự hỏi tại sao lại có sự khác biệt ấy. Chúng ta nhấn mạnh lý tương quan với ý nghĩa gì đây?  Tại sao nó lại quan trọng đến như vậy?  Chúng ta cũng có thể hỏi rằng, sự nhấn mạnh này của chúng ta có đúng với nền tảng giáo lý phật pháp hay không?
            Mỗi người sẽ có một câu trả lời khác nhau.  Có người cho rằng sự quan trọng hóa lý tương quan là một sự sai lạc của giáo pháp, dharma; người khác cho rằng nó là một sự cải tiến của giáo pháp.  Có một quan điểm cho rằng, đó là một sự truyền đạt chính xác của đạo Phật áp dụng rất thích hợp cho văn hóa Tây phương.  Hoặc là nó làm sáng tỏ thêm những khía cạnh trong Phật pháp mà vô tình đã bị chìm khuất ở Á châu.
            Tôi không quan tâm đến vấn đề ta nên đồng ý theo quan điểm nào, có lẽ mỗi quan điểm đều có phần đúng.  Tôi chỉ muốn hiểu cho sâu sắc truyền thống Phật giáo ở Á châu, để ta đừng tự đánh lừa mình, cho rằng những gì ta đang giảng dạy và tu tập ở đây là cách Phật giáo đã và đang được hành trì từ xưa đến nay.
            Nếu như ta chấp nhận một cái ngã tương quan liên kết này (interconnected self), thì có phải chăng cái ngã tương quan ấy cũng vẫn cần được xem xét lại như cái ngã cá nhân (individual self) chăng?
            Tôi hy vọng là như vậy!  Cho rằng cái ngã ấy là một với tất cả vạn hữu hay là "cái ngã không độc lập" thì nó vẫn là một ý niệm về cái ngã.  Người ta rất dễ chấp vào một kinh nghiệp sâu sắc nào đó như là mục tiêu của sự tu tập, hoặc liên kết kinh nghiệm ấy với lại một ý niệm về cái Tôi. 
            Nhận diện được sự liên kết mật thiết giữa mọi sự sống là một cảm nhận rất mãnh liệt.  Nhưng nếu ta cho đó là cứu cánh là ta đã tự dối lừa mình, vì sự giải thoát phải vượt ra hết mọi những kinh nghiệm nào còn điều kiện.  Chứng nghiệm được sự tương quan giữa mọi vật là một kinh nghiệm rất kỳ diệu, nhưng dầu sao thì nó vẫn còn bị điều kiện. 
            Một lời dạy trong đạo Phật là bất cứ một quan điểm nào mà ta có về tự tính của cái ngã, cho dù là cái ngã độc lập hay tương quan, thì vẫn chỉ là một ý niệm mà thôi, chưa phải là sự giải thoát rốt ráo. 
            Vì vậy mà tôi thường hay nhấn mạnh về sự thực tập chính niệm, một cái nhìn thẳm thấu không biện luận, thay vì là những suy tư và phân tách.  Ta phải thực tập một chính niệm không suy diễn, bằng một kinh nghiệm trực tiếp.
            - Ông có lạc quan về tương lai của Phật giáo ở Hoa kỳ chăng?
            Có chứ!  Tôi rất lạc quan khi tôi nghĩ đến những cộng đồng tu học đang mỗi lúc một bành trướng. Tôi cũng rất phấn khởi khi thấy những hành giả từ nhiều truyền thống khác nhau có thể trao đổi và học hỏi lẫn nhau. Và dù vậy, tuy chúng ta học hỏi lẫn nhau, nhưng tôi hy vọng rằng chúng ta cũng sẽ giữ cho các truyền thống vẫn được riêng biệt. 
            Tôi là vị thầy của hai truyền thống Zen và Vipassana, và tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta đừng bao giờ pha trộn hai truyền thống lại và làm thành một.  Mỗi cái có một nét đơn nhất và cá biệt. Chúng bắt nguồn từ những thế giới quan khác nhau. 
            Mỗi truyền thống có những tuệ giác và đường lối khác nhau về giáo pháp. Tôi mong muốn những truyền thống cùng có mặt hoà hài với nhau, trở thành những tấm gương soi lẫn nhau, để giúp ta đi sâu hơn vào truyền thống của chính mình.
            - Nhưng ông là một ví dụ rất cụ thể của một người Tây phương được tiếp xúc và hành trì nhiều hơn là một truyền thống của đạo Phật.  Và có thể nào ta tránh được khỏi vấn đề chúng ảnh hưởng và nhồi nắn lẫn nhau chăng?
            Tôi rất hoan hỷ với sự ảnh hưởng bỡi hai truyền thống của mình.  Nhưng tôi không hề muốn những truyền thống hoà nhập chung lại với nhau thành một hình thức hỗn hợp, không rõ ràng. 
            Là một vị thầy của hai truyền thống, tôi bao giờ cũng rất cẩn thận về việc duy trì sự khác biệt ấy. Đối với người chỉ theo một truyền thống thì họ có thể dễ dàng áp dụng và vay mượn từ những truyền thống khác mà không có gì lo ngại hết. Nhưng tôi thì phải quan tâm, vì tôi không muốn biến Vipassana thành một hình thái mới của Zen, cũng như biến Zen thành một hình thái mới của Vipassana. 
            Chúng có những sự khác biệt và tôi tôn trọng sự khác biệt ấy.  Và tôi cũng rất biết ơn là nhờ ở cả hai truyền thống mà tôi thấy mình được trở nên giàu có hơn.
            Nguyễn Duy Nhiên phỏng dịch
            (Hoằng Pháp)
            10-31-2008 07:23:55
--o0o--