PHẬT GIÁO VIỆT NAM

(QUẢNG NGHIÊM TỰ)
 
Trên miền Bắc nước ta có hai ngôi chùa mang tên chùa Trăm Gian: một ở Hà Bắc, một ở Hà Tây. Cả hai ngôi chùa đều nằm trên đỉnh núi, có những sắc thái kiến trúc và phong cảnh độc đáo. Riêng chùa Trăm Gian ở Hà Tây thì gắn liền với truyền thuyết về một vị cao tăng tên là Nguyễn Lữ (hoặc Nhữ) hiệu là Bình An, quê ở Bối Khê, huyện Thanh Oai, Hà Tây, được người đời gọi là đức Thánh Bối.
Truyền thuyết kể rằng vào đời Trần, ở làng Bối Khê có một người phụ nữ nằm mộng thấy đức Phật giáng sinh, rồi có mang, sinh ra một con trai. Năm lên 6 tuổi, cha mẹ mất, người con phải đi chăn trâu, nhưng rất mộ đạo Phật, thường làm bàn thờ cúng lễ. Đến năm 9 tuổi, người con trai ấy bỏ nhà vào tu ở chùa Đại Bi trong làng. Lên 15 tuổi, đi vân du khắp nơi, đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương, huyện Hoài Đức, Hà Tây ngày nay, thấy cảnh đẹp, Người xin yết kiến và theo học kinh kệ với vị trưởng lão tu tại ngôi chùa trên núi. Mười năm học đạo, người thanh niên đó hiểu thấu mọi phép linh thông. Vua Trần nghe tiếng, sắc phong là Hòa Thượng, đặt đạo hiệu là Đức Minh rồi mời về tu ở chùa trong kinh đô.
Sau khi vị trưởng lão ở chùa Tiên Lữ viên tịch, Hòa Thượng Đức Minh xin về làng dựng ngôi chùa mới. Tương truyền rằng Ngài có phép hóa cỗ bàn cơm chay, thợ xây chùa ăn mãi không hết. Khi chùa dựng xong, Hòa thượng mang guốc gỗ đi qua đi lại trên kèo như đi trên mặt đất, ai nấy đều bái phục vái lạy phép thần thông của Ngài. Năm 95 tuổi, Ngài ngồi vào một cái khám gỗ, từ biệt đệ tử rồi siêu thoát. Một trăm ngày sau, đệ tử mở cửa khám, kim quang Ngài bay mùi thơm nức, ngào ngạt gần xa. Dân làng và đệ tử xây tháp để gìn giữ kim thân và tôn thờ là đức Thánh Bối.
Sách Lĩnh Nam chích quái cũng có ghi sự tích đức Thánh Bối có thể làm mưa, gọi gió. Truyền thuyết còn kể rằng vào đầu thế kỷ XV, quân Minh xâm lược nước ta, có một toán giặc nghe nói chùa Tiên Lữ rất thiêng, bèn phóng hỏa đốt chùa, phá tượng. Đức Thánh Bối nổi giận hóa phép làm ra một trận mưa kéo dài ba ngày ba đêm, nước đỏ như máu, dâng cao tới ba thước dìm chết hết lũ giặc bạo ngược kia. Sau đó một đám mây năm sắc hiện lên nền trời, cuộc sống thanh bình trở lại, ngôi chùa vẫn nguyên như cũ. Dân làng quanh năm hương khói, mỗi khi gặp đại hạn, làm lễ cầu mưa tại chùa, rất được linh ứng. Các triều vua sau đều phong đức Thánh Bối là "Thượng đẳng tối linh Đại Thánh".
Trên đây là sự tích chùa Trăm Gian ở làng Tiên Lữ, còn có tên là Quảng Nghiêm Tự. Nhiều tài liệu ghi rằng chùa được lập năm 1185 đời vua Lý Cao Tông. Đây vốn là ngôi chùa một gian hai trái nằm trên một quả núi cao 50m gọi là núi Mã, xung quanh có nhiều cây cổ thụ tuổi khoảng vài thế kỷ như trám, trắc, thông, tàn lá xòe rộng tỏa bóng mát che rợp mái chùa.
Qua nhiều lần trùng tu, ngôi chùa hiện nay bao gồm ba cụm kiến trúc chính, với tất cả 104 gian.
Cụm thứ nhất ở lối ra vào gồm có hai trụ cột cao với hai quán ở hai bên, trước đây là nơi đánh cờ người trong ngày hội. Tiếp đó là nhà Giá Ngự nhìn ra hồ sen, nơi đặt kiệu Thánh để xem trò múa rối nước.
Cụm thứ hai nằm trên một độ cao hơn một trăm bậc gạch xây. Tại đây có gác chuông cao 2 tầng 8 mái tách hẳn lên phía trước mang dấu ấn nghệ thuật kiến trúc và chạm khắc thế kỷ XVI - XVII. Quả chuông đúc năm 1794 có khắc một bài minh của Phan Huy Ích.
Muốn lên cụm thứ ba, phải leo 25 bậc đá xanh đến sân trên, rồi lại leo 9 bậc đá có lan can chạm hình rồng cuộn khúc. Đây là chùa chính gồm nhà bái đường, tòa thiêu hương, thượng điện, hai dãy hành lang, nhà tổ và lầu trống. Chùa có 3 gian thờ chính: gian thờ Phật; gian thờ Thánh; gian thờ Quan Âm, gia đình Đô đốc Đặng Tiến Đông, một tướng lĩnh của vua Quang Trung, là người có công trùng tu ngôi chùa.
Trong 153 pho tượng ở chùa mà hầu hết làm bằng gỗ, đáng chú ý nhất về mặt lịch sử là tượng Đô đốc Đặng Tiến Đông và tượng đức Thánh Bối, cốt đan bằng mây, ngoài bọc vải sơn, đặt trong khám gỗ. Ngoài ra, tượng Tuyết Sơn, tượng Quan Âm, bộ Thập bát La-hán? cũng là những công trình điêu khắc độc đáo.
--o0o--