LÂM TẾ CHÚC THÁNH
& TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI BÌNH THUẬN
Nhất Quán-Thích Đồng Trung
 
 CHƯƠNG II
 LÂM TẾ CHÚC THÁNH
PHÚ YÊN & TỔ ĐÌNH
PHÁP HỘI BÌNH THUẬN
 
          Trước hết là nói về Tổ Đình Pháp Hội. Tổ Đình Pháp Hội, Bình Thuận do thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ khai sơn vào năm 1967. Thiền sư sanh ngày 01 tháng 8 năm Tân Hợi (1911) tại làng Bình Hòa, xã An Dân, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. Vì thế khi nói về sự phát triển của thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh Phú Yên & Tổ Đình Pháp Hội, Bình Thuận là ta phải tìm hiểu về sự hình thành, truyền thừa của dòng Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên.
         A. THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÚC THÁNH TẠI PHÚ YÊN
          Tại Phú Yên, người truyền Phật Giáo vào trước tiên là Hòa thượng Tế Viên (4*) thuộc thiền phái Lâm Tế. Ngôi chùa đầu tiên ở Phú Yên được xây dựng vào giữa thế kỷ XVII là chùa Hội Tôn do Hòa thượng Tế Viên khai sáng và trụ trì. [Lịch sử Phú Yên từ thế kỉ XVII đến thế kỷ XVIII, tr 230]. Địa điểm chùa Hội Tôn ngày nay thuộc thôn Hội Tín, xã An Thạch, huyện Tuy An. Sau đó, chùa được dời qua thôn Diêm Điền gọi là chùa Cổ Lâm, thuộc xã An Ninh Tây, cách địa điểm cũ khoảng 300 mét. Trong suốt thế kỷ XVII - XVIII, sau chùa Hội Tôn ở Phú Yên có khoảng 20 ngôi chùa khác được xây dựng như chùa Châu Lâm (nay ở thôn Quảng Đức, xã An Thạch, Tuy An), chùa Long Quang (đường Nguyễn Công Trứ, thành phố Tuy Hòa), .....
          Trong số các đệ tử của thiền sư Tế Viên, có sư Liễu Quán quê làng Bạc Mã, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (nay là xã An Thạch, huyện Tuy An, Phú Yên). Thiền sư Liễu Quán đã khai sơn chùa Bảo Tịnh (nay tọa lạc ở đường Phan Đình Phùng, thành phố Tuy Hòa), có công Việt hóa thiền phái Lâm Tế, sáng lập nên thiền phái Lâm Tế Liễu Quán và làm cho thiền phái này phát triển mạnh mẽ ở Ðàng Trong. Sau khi thiền sư viên tịch, những đệ tử của thiền sư đã khai sơn nhiều ngôi chùa như ngài Tế Dũng lập chùa Bình Quang (phường 4, thành phố Tuy Hòa), ngài Tế Căn lập chùa Hồ Sơn (khu phố Ninh Tịnh 1, phường 9, thành phố Tuy Hòa), ngài Tế Ngạn sáng lập chùa Long Sơn (thôn An Nghiệp, xã Hòa Định, huyện Tuy Hòa), .... [Nguyễn Đình Chúc – Huệ Nguyễn, Lược sử Phất giáo và các chùa Phú Yên, tr 15].
          Cũng trong khoảng thế kỷ XVII - XVIII, thiền sư Minh Hải - Đắc Trí - Pháp Bảo (người Trung Quốc) đã sáng lập dòng thiền mới là thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam. Người đầu tiên truyền dòng Lâm Tế Chúc Thánh đến Phú Yên là thiền sư Pháp Chuyên - Diệu Nghiêm, đời 36 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Sau một thời gian hoằng pháp tại Phú Yên, thiền sư đã khai sơn chùa Từ Quang (còn gọi là chùa Đá Trắng, ở thôn Cần Lương, xã An Dân, Tuy An) vào năm 1797. Từ Tổ đình Từ Quang, các đệ tử của thiền sư Pháp Chuyên sau đó cũng khai sơn các chùa trong tỉnh như:
          - Chùa Khánh Sơn (thôn Phước Hậu, phường 9, thành phố Tuy Hòa);
          - Chùa Thượng Tiên Thọ Vân (thôn Thọ Vức, Hòa Kiến, thành phố Tuy Hòa);
          - Chùa Viên Quang (thôn Định Phong, xã An Nghiệp, Tuy An) .. v.v..
          Như vậy, suốt thế kỷ XVII – XVIII và kéo dài đến hết thế kỷ XIX, Phật giáo ở Phú Yên có sự đan xen nhiều tông phái. Tuy vậy, hầu hết các chùa ở Phú Yên đều theo thiền phái Lâm Tế và phân thành 2 dòng kệ: Lâm Tế Liễu Quán và Lâm Tế Chúc Thánh. Từ đó, dòng Chúc Thánh hưng thịnh tại Phú Yên và liên tục phát triển vào các tỉnh Ninh Thuận, Khánh Hòa, Bình Thuận và lan tỏa đến các tỉnh miền Nam và miền tây nam bộ như hiện nay.
B. HỆ THỐNG TRUYỀN THỪA PHÁP PHÁI CHÚC THÁNH TẠI PHÚ YÊN & TỔ ĐÌNH PHÁP HỘI BÌNH THUẬN
Hệ thống truyền thừa pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Phú Yên trãi qua 9 đời trên 250 năm.
1. TỔ SƯ THƯỢNG MINH HẠ HẢI, TỰ ĐẮC TRÍ, HIỆU PHÁP BẢO (1670 – 1740), LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 34, KHAI SƠN CHÙA SẮC TỨ CHÚC THÁNH, QUẢNG NAM. LÀ SƠ TỔ KHAI SÁNG DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH (5*).
2. TỔ SƯ THƯỢNG THIỆT HẠ DINH, TỰ CHÁNH HIỂN, HIỆU ÂN TRIÊM (1712 – 1796), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 35, KHAI SƠN TRỤ TRÌ CHÙA SẮC TỨ PHƯỚC LÂM, QUẢNG NAM, LA ĐỆ NHỊ TỔ DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
Tổ thế danh Lê Hiển, sinh năm Nhâm Thìn (1712) tại xã bến đền, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam(nay là xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, Quảng Nam). Tương truyền, mẹ Ngài một đêm nằm mộng thấy con trâu chọc sừng chui vào bụng, bà bắt đầu mang thai. Từ khi mang thai, bà nhàm chán ăn những thức ăn thịt cá, chỉ dùng toàn chay tịnh, sau đó sinh ra Ngài. Từ khi lọt lòng mẹ Ngài chỉ ăn chay. Mẹ có cho ăn mặn thì Ngài từ chối. Biết con có duyên với cửa thiền nên khi vừa tròn 10 tuổi, cha mẹ đã đưa Ngài đến chùa Chúc Thánh thọ giáo với tổ Minh Hải – Đắc Trí - Pháp Bảo. Đến năm 20 tuổi, Ngài đươc tổ Minh Hải cho tho giới cụ túc với pháp danh Thiệt Dinh, tự Chánh Hiền, hiệu Ân Triêm, nối pháp đời 35 dòng Lâm Tế Chánh Tông, thế hệ thứ 2 pháp phái Chúc Thánh.
Với sự ấn chứng của Bổn sư, cũng như sự nổ lực tự thân, không bao lâu hương thơm giới hạnh của Ngài lan tỏa khắp nơi và đồ chúng theo về tu học càng ngày càng đông.
Ngài viên tịch vào ngày 24 tháng 4 năm Bính Thìn (1796), thọ 85 tuổi. Đồ chúng xây Bảo tháp tại phía tây nam chùa Phước Lâm để phụng thờ linh cốt của Ngài.
Hơn 70 năm tu hành và hoằng dương chánh pháp, Ngài đã kế thừa nghiệp tổ, thắp sáng ngọn đèn chánh pháp, làm cho Phật Giáo Quảng Nam ngày một hưng thịnh. Ngài đã đào tạo một thế hệ thừa kế như các Ngài Pháp Ấn - Tường Quang - Quảng Độ (trú trì chùa Phước Lâm, Hội An và Viên Tôn tại Bình Sơn, Quảng Ngài), Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm (khai sơn chùa Từ Quang, Phú Yên) ….    
3. TỔ SƯ PHÁP CHUYÊN - LUẬT TRUYỀN - DIỆU NGHIÊM (1726 – 1798), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 36, THẾ HỆ THỨ 3, DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH
Thiền sư Diệu Nghiêm sinh quán thôn Cổ Tháp, xã Hoa Châu, phủ Thăng Hoa nay là Thăng Bình tỉnh Quảng Nam. Tổ tông thiền sư người Nghệ An, phủ Thừa Tuyên cha Trần Văn Hiếu, mẹ họ Nguyễn.
Thiền sư sinh vào giờ thìn ngày mồng 2 tháng 4, năm Bính Ngọ (1726). Lên 9 tuổi thiền sư học chữ Nho. Bẩm tính thông minh xuất chúng, ba ông thầy dạy đều khen thiền sư học giỏi. Năm 15 tuổi lên kinh đô học và năm 18 tuổi (Ất Hợi - 1755) thiền sư đậu tú tài. Do một nhân duyên thù thắng, tổ giác ngộ về cuộc đời vô thường, nên Tổ đến chùa Phước Lâm, huyện Diên Phước (nay là thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam xin xuất gia và được tổ Thiệt Dinh – Chánh Hiển - Ân Triêm nhận làm đệ tử. Hành điệu một thời gian, ngày 19 tháng 2 năm Ất Sửu (1745), nhân ngày khánh đản đức Quán Thế Âm Bồ Tát, tổ thỉnh cầu tổ Ân Triêm thế phát xuất gia và được ban cho pháp danh là Pháp Chuyên, tự Luật Truyền, nối pháp đời 36 Lâm Tế Chánh Tông, thế hệ thứ 3 dòng Lâm Tế Chúc Thánh. Đến tháng 3, ngài đến chùa Bảo Lâm thọ cụ túc giới với thiền sư Hải Điện. Từ đó, ngài tinh cần tu học nên bổn sư hài lòng phú pháp hiệu là Diệu Nghiêm.
Trên phương diện hành trì, thiền sư siêng năng tụng chú Đại bi, và hành trì Kinh Hoa Nghiêm, xem kinh thơ, đọc giải thuyết Tam Tạng... tổ giữ chức Tri Tạng tại bổn tự 5 năm. ... Sau đó thiền sư nhận lời mời ông Tang Chánh Niệm đến Tuy La Lâm giảng thuyết Kinh Địa Tạng Quy Nguyên, ở đây 3 tuần lễ thiền sư giáo hóa số người qui kính Tam Bảo hơn 100 người.
Thiền sư cùng với thiền sư Bảo Viên - Thần Thông khắc bản công cứ đại trường kinh Di Đà và 10 tập Liên Hoa Thăng Duyên giáo hóa qui tịnh độ, kết thiện duyên qui tịnh độ hơn 30 người. Khi vào Qui Nhơn, thiền sư đến chùa Linh Phong xứ Dũng Tuyền, cất riêng am để tả kinh Pháp Hoa, bằng chữ vàng một bộ, kinh Kim cang Hồng Danh mỗi thứ một quyển, lấy máu tả một bộ Kinh Pháp Hoa, lấy mực viết một tiểu bổn cộng tất cả là 10 bộ, Tam thiên kinh 5 bộ. Cứ như thế hằng đêm Tổ Sư tọa thiền tụng kinh Pháp Hoa, ban ngày thì Tổ Sư tả kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Kim Cang.
Năm Mậu Thân thiền sư vào Phú Yên ngụ chùa Trùng Quang huyện Sông Cầu với thiền sư Khánh Thông đại sư. Thời gian chưa bao lâu thiền sư Khánh Thông tịch, thiền sư đến chùa Bảo Sơn Thiên Hải nay thuộc xã An Ninh Đông huyện Tuy An thuyết Long Thư Tịnh Độ một tuần lễ rồi trở về ở chùa Trùng Quang 2 năm...
Tháng Giêng năm Tân Hợi (1791), Hòa Thượng Bình An mời thiền sư đến chân núi Một, thuyết kinh Địa Tạng 5 ngày (địa phận thôn Hà Yến xã An Thạch huyện Tuy An). Sau đó đến am Khánh Sơn (phía nam núi Chóp Chài) ngụ tại đây.
Năm 1792 thiền sư về lại chùa Bảo Sơn Thiên Hải. Qua năm sau tức là năm 1793 thiền sư được mời đến xứ Đồng Nai (gần chợ Đèo) thuyết kinh Bát Nhã. Thuyết kinh xong thiền sư trở về lại Phú Yên, trong dịp dạo đến xã Xuân Đài núi Bạch Thạch thấy nơi này nước chảy quanh phía trước, có núi bao bọc phía sau, đất bằng rộng rãi, bèn dựng thảo am ở đấy để dịch kinh Hoa Nghiêm. Đến tháng 2 nhuận năm Ất Mão (1795) thiền sư mời thập phương tăng đến thuyết kinh Địa Tạng 7 ngày. Ngày 21 tháng 7 Bính Thìn 1796, đệ tử am Khánh Sơn thỉnh thiền sư đến khai đàn thuyết giới và mời thiền sư Hoa Nghiêm, Quang Huy, Đức Lâm, Thiên  Mãn, Đại Chúng đến khai đàn. Tăng ni thọ giới 200 người và thuyết Địa Tạng kinh 10 ngày.
Đến năm Đinh Tỵ (1797) thiền sư kiến lập chùa Từ Quang trên núi Bạch Thạch (Đá Trắng), thuộc thôn Cần Lương, xã An Dân, huyện Tuy An.
Có thể nói, khắp các tỉnh Đàng Trong từ Thừa Thiên vào đến Phú Yên rồi tận Đồng Nai, nơi nào cũng có dấu chân của hoằng hóa của Ngài đặt chân đến và cũng đều thấm nhuần pháp vị. Và cũng từ đó dòng thiền Lâm Tế Chúc Thánh mới thực sự bén rễ và phát triển mạnh tại tỉnh Phú Yên.
Khi biết cơ duyên của mình ở chốn Ta Bà đã trọn, Ngài nhóm họp đồ chúng và đọc kệ phú pháp rằng:
          - Lai nhi vị tăng lai
Khứ nhi vị tằng khứ
Khứ lai bổn như như
Như như hoàn lại khứ
Dịch nghĩa:
- Đến mà chưa từng đến
Đi mà chưa từng đi
Đi đến vốn như vậy
Như vầy lại đến đi.
Ngài an nhiên thị tịch vào ngày 17 tháng 6 năm Mậu Ngọ (1798), trụ thế 73 năm, trải qua 53 năm tu học và hoằng hóa. Sau khi thiền sư viên tịch, đệ tử trưởng tử của Ngài là thiền sư Toàn Thể - Vi Lương – Linh Nguyên thừa kế nối truyền pháp phái.
4. TỔ SƯ TÒAN THỂ - VI LƯƠNG – LINH NGUYÊN (1765 – 1844), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾCHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 37, THẾ HỆ THỨ 4 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
Thiền sư tộc tánh họ Nguyễn, sinh tháng 5 năm Ất Dậu (1765) tại tỉnh Phú Yên. Thân phụ là cụ ông Nguyễn Quang Thác, pháp danh Quảng Tích và thân mẫu là cụ bà Lê Thị Thêm, pháp danh Toàn Mãn.
Ngài xuất gia với tổ Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm nên được bổn sư ban cho pháp danh Toàn Thể, tự Vi Lương, hiệu Linh Nguyên, nối pháp đời 37 Lâm Tế Chánh Tông, thế hệ thứ 4 pháp phái Lâm Tế Chúc Thánh. Trong hàng đệ tử đắc pháp, Ngài là người xuất sắc nhất nên được tổ Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm chọn làm trưởng pháp tử.
Năm Mậu Ngọ (1798), tổ Diệu Nghiêm viên tịch, Ngài được tông môn cung cử làm trú trì chùa Từ Quang, tiếp tục phát huy sự nghiệp bổn sư để lại. Ngài có công biên lại sự tích của tổ Pháp Chuyên - Luật Truyền - Diệu Nghiêm thiền sư nhân do sự tích chí.
Năm Canh Ngọ (1810), thể theo lời yêu cầu của bổn đạo, Ngài ra Bình Định khai sơn chùa Long Tường tại thôn Lương Quang, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước. Từ đây cuộc đời hành đạo của Ngài chia hai, lúc ở Phú Yên, khi ra Bình Định. Tại chùa Long Tường, thiền sư có hai đệ tử thừa kế là Chương Hương - Chí Thăng và Chương Tân - Tông Chí - Chánh Nhân. Ngài là người kiến văn quảng bác, tinh thông Phật lý nên tất cả các kinh sách của tổ Diệu Nghiêm đều được Ngài khắc bản lưu truyền, cũng như hướng dẫn cho các thiền sư khác khắc kinh. Từ đó phong trào học Phật phát triển mạnh toàn tỉnh Phú Yên và có ảnh hưởng rất lớn đến các tỉnh lân cận, nên thu hút chư tăng các nơi về tu học rất đông. Từ đó, chùa Từ Quang trở thành trung tâm đào tạo tăng tài cho tỉnh Phú Yên nói riêng và các tỉnh miền Trung nói chung từ thế kỷ XVIII đến đầu thế kỷ XX.
Vào giờ mùi ngày mồng 3 tháng 3 năm Giáp Thìn (1844), thiền sư Toàn Thể - Vi Lương – Linh Nguyên viên tịch, hưởng thọ 80 tuổi. Bảo tháp Ngài được môn đồ kiến lập tại chùa Từ Quang trên núi Bạch Thạch. Sau khi thiền sư viên tịch, đệ tử của Ngài là Chương Niệm – Tông Trực - Quảng Giác thừa kế nối truyền pháp phái.
5. TỔ SƯ CHƯƠNG NIỆM – TÔNG TRỰC - QUẢNG GIÁC (1808 – 1875), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 38, THẾ HỆ THỨ 5 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
Tổ trụ trì chùa Từ Quang năm 1844 cho đến ngày viện tịch, khai sáng chùa Thiên Trường, và chỉ có một môn đệ duy nhất đó là thiền sư Huệ Viễn được thừa kế trú trì, nối truyền pháp phái.
6. TỔ SƯ ẤN TỪ - TỔ ĐỨC - HUỆ VIỄN, NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 39, THẾ HỆ THỨ 6 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
Tổ sư thượng Ấn hạ Từ tự Tổ Đức hiệu Huệ Viễn nối truyền pháp Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 39, thừa kế trú trì chùa Từ Quang - Đá Trắng, Phú Yên.
Cuộc đời và sự hành đạo của tổ chưa bao lâu thì ngài viên tịch sớm. Từ khi tổ Ấn Từ - Tổ Đức - Huệ Viễn viên tịch, chùa không có người thừa kế nên trong tông môn đã cung thỉnh:

- TỔ SƯ ẤN THIÊN - TỔ HÒA - HUỆ NHÃN (1850 – 1888), NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 39, THẾ HỆ THỨ 6 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH

 Tổ Sư Ấn Thiên - Tổ Hòa - Huệ Nhãn (1850 – 1888) là tổ thứ 3 của chùa Phước Sơn xã Xuân Sơn - Đồng Xuân từ năm 1874 cho đến ngày viên tịch, đồng thời kiêm nhiệm trú trì làm tổ thứ 5 của chùa Từ Quang. Trong thời gian kiêm nhiệm chùa Từ Quang, thiền sư vận động mở con đường vào chùa chiều ngang 3m50, chiều dài độ 500m. Từ cổng chùa đến Quốc Lộ I, đường dốc có độ chênh cao, lát đá tảng thu nhặt từ các vùng quanh chùa. Đó là công trình đòi hỏi đóng góp lớn lao, biểu hiện đức độ của bậc danh tăng mới thực hiện được.
Ngoài việc mở đường nói trên, thời gian này, thiền sư còn đào tạo được danh tăng có tiếng tăm. Danh tăng đó là hoàng tử dòng Tuy Lý Vương, nhân vào Phú Yên tỵ nạn tại làng An Thổ, cách chùa Từ Quang không quá 3km. Ông Hoàng này thường đến chùa thăm viếng và tìm hiểu Phật pháp. Qua 10 năm theo thầy học đạo, ông công tử Nguyễn Phúc Ưng Đỗ đã thấm nhuần pháp Phật và xin xuất gia trở thành vị tỳ kheo, và được bổn sư Ấn Thiên - Tổ Hòa - Huệ Nhãn ban cho pháp danh là Chơn Tâm, tự Đạo Tánh, hiệu Pháp Thân.
Ngày trở về Thuận Hóa thiền sư Pháp Thân lập ngôi tự viện, lấy hiệu là Phước Huệ (chữ Phước là chữ đầu hiệu chùa bổn sư trụ trì Phước Sơn và chữ Huệ là chữ đầu đạo hiệu của bổn sư Huệ Nhãn). Chùa Phước Huệ tọa lạc tại thôn Vĩ Dạ cách kinh thành Huế 5km, chùa này đến nay vẫn còn tồn tại.
Sau ngày kiến tạo ngôi chùa Phước Huệ, tỳ kheo Pháp Thân hằng năm thường cung thỉnh bổn sư Huệ Nhãn và các huynh đệ đồng môn ra Huế thăm chùa. Trong số đó có các vị Pháp Tạng, Pháp Lâm, Pháp Hỷ, Pháp Ngãi, Pháp Ngữ... Mỗi năm viếng thăm, Thiền sư Ấn Thiên - Tổ Hòa - Huệ Nhãn cùng các môn đồ ở lại vài ba tháng để hoằng truyền chánh pháp, làm rạng danh cho giới Tăng Già Phú Yên.
Có thể nói, thiền sư Huệ Nhãn là danh tăng đức độ cao siêu, đương thời được chư sơn và tín đồ Phật tử trong tỉnh Phú Yên sùng kính mến mộ.
Trong một lần ra kinh đô thuyết pháp, thiền sư  Ấn Thiên - Tổ Hòa - Huệ Nhãn bị đắm thuyền và viên tịch vào ngày 5 tháng 4 tại Bồng Sơn, Bình Định năm 1888.
7. TỔ SƯ CHƠN TÍN - ĐẠO THÀNH – PHÁP HỶ, NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 40, THẾ HỆ THỨ 7 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
       Thiền sư húy Chơn Tín tự Đạo Thành, hiệu Pháp Hỷ, tổ đời thứ 40 phái Lâm Tế, sinh quán tại Phú Yên là đệ tử của tổ Ấn Chánh - Tổ Tông - Huệ Minh. Tổ Huệ Minh là trụ trì tổ đình Bảo Sơn thuộc xã An Thạch huyện Tuy An. Thiền sư Pháp Hỷ nguyên là trụ trì tổ đình Linh Sơn thuộc xã An Thạch, sau ngày tổ Huệ Nhãn viên tịch, Hội đồng chư sơn tỉnh cung thỉnh thiền sư Chơn Tín - Đạo Thành - Pháp Hỷ kiêm nhiệm trụ trì và là tổ đời thứ 6 tổ đình Từ Quang. Thiền sư rất uyên thâm giáo lý Phật, tinh thông Nho giáo, là vị pháp sư nổi tiếng nhất thời bấy giờ, là thầy của nhiều vị Hòa Thượng hữu danh thuộc thế hệ kế thừa. Chính Hòa Thượng Phước Huệ là trụ trù tổ đình Thập Tháp Di Đà tại Bình Định nghe danh thiền sư, nên đã cùng với thiền sư Phổ Huệ vào tham cứu 3 năm, đến khi xong bộ kinh Lăng Nghiêm trực chỉ mới trở lại Bình Định.
Trong thời gian trụ trì tại tổ đình Từ Quang, thiền sư đã khai giới đàn để truyền giới pháp cho chư giới tử từ Thừa Thiên trở vào đàng trong. Số giới tử về thọ giới rất đông, đặc biệt có nhiều thiền sư sau này trở thành lãnh đạo cao cấp của giáo hội như Hòa Thượng Tăng Thống Thích Tịnh Khiết.
Chính thiền sư Chơn Tín – Đạo Thành - Pháp Hỷ đã xây dựng Hòa Thượng Phước Huệ trụ trì chùa Thập Tháp Di Đà ở Bình Định mà sau này thành Tăng cang Quốc Sư. Thiền sư cũng đã ra Huế giảng kinh cho các lớp thiền sư ở chùa Trúc Lâm trong ấy có Hòa Thượng Viên Thành chùa Tra Am, bổn sư Hòa Thượng Trí Phủ; Hòa Thượng Tăng Thống Tịnh Khiết, lớp thứ hai là Hòa Thượng Mật Thể, Mật Nguyện, Mật Hiển, Trí Thủ, Phúc Hộ. Và lớp thứ ba có thiền sư Thiện Hoa, Thiện Hòa, Trí Tịnh, Bát Nhã …. Thiền sư còn giảng kinh cho cư sĩ Lê Đình Thám, cư sĩ Diệu Không và cho mẹ vua Bảo Đại nữa.
          Sau khi tổ Chơn Tín - Đạo Thành – Pháp Hỷ viên tịch, thừa kế trụ trì tổ đình Từ Quang là đệ thất tổ húy Chơn Thật, tự Đạo Thông, hiệu Pháp Ngãi.
          TỔ SƯ CHƠN THẬT - ĐẠO THÔNG – PHÁP NGÃI, NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 40, THẾ HỆ THỨ 7 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
          Tổ sinh quán tại Phú Yên, là đệ tử của tổ sư thượng Ấn hạ Thiên tự Tổ Hòa hiệu Huệ Nhãn là một vị danh tăng thời bấy giờ, các huynh đệ đồng môn của ngài là Chơn Kiêm - Pháp Lâm, Pháp Tạng, Pháp Hỷ, Pháp Ngữ. Khi thừa kế trụ trì, tổ đã thực hiện theo phương châm của Tổ Bách trượng:
          - Nhất nhựt bất tác, nhất nhật bất thực
          Vì thế tổ đã thành lập nông thiền tại tổ đình, có mua trâu bò, và nông cụ để canh tác, nhưng tổ đã viên sớm nên công trình dang dỡ. 
8. TỔ SƯ NHƯ HƯƠNG – HÒA QUANG – HÒA PHƯỚC (1894 – 1971), TRÚ TRÌ CHÙA THIÊN LONG, NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 41, THẾ HỆ THỨ 8 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH.
Trãi qua những cuộc chiến tranh, bom đạn tàn phá những ngôi chùa cổ kính khắp cả toàn quốc nói chung, và nói riêng là những chùa đậm nét lịch sử tại tỉnh Phú Yên. Vì thế việc tìm hiểu về tiểu sử cũng như những hành trạng của chư tổ trước đây rất khó khăn. Cho nên, khi nói về thiền sư Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước chúng tôi biết rất ít về Ngài. Tuy nhiên, vào tháng 07 năm 2022, lần trở về thăm lại quê hương, thăm lại Chùa của Thầy Tổ, may mắn gặp lại Thượng Tọa Thích Đồng Tâm. Qua sự trao đổi chúng tôi được biết thêm về một ít nữa về Tổ Sư Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước.
Thật sự xa thì xa tận chân trời góc biển, mà gần thì ngay trước mắt thế mà tôi không biết. Tôi nói như vậy, là vì vị Sư Ông mà tôi thường nặn mụn ngày xưa cho Ngài khi có thì giờ, lúc đó lắng nghe Sư Ông nói đạo lý từ giờ nầy qua giờ kia chính là Sư Ông hay Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước thế mà tôi không biết tên Sư Ông. Thật sự thì lúc đó tôi còn là một chú tiểu để chóp nên không dám hỏi tên Sư Ông, nhưng nói đúng hơn, vừa không dám hỏi, mà vừa là không có nhu cầu nên cũng không cần biết tên để làm gì. Cho đến mấy chục năm sau, khi có nhu cầu, tìm hiểu mới biết tên Sư Ông ngày xưa tôi đã từng nặn mục đen trên mặt chính là là Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước.
Theo Thượng Tọa Thích Đồng Tâm, tri sự Tổ Đình Pháp Hội, Bình Thuận cho biết, Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước chính là thân phụ của Tổ Sư  Chơn Thật - Đạo Thông – Pháp Ngãi, và là đệ tử của Tổ Sư Chơn Tín - Đạo Thành - Pháp Hỷ. Tổ Sư Chơn Thật - Đạo Thông – Pháp Ngãi lại là huynh đệ thúc bá đồng môn với Tổ Sư Chơn Tín - Đạo Thành – Pháp Hỷ. Như vậy nếu nói theo sự quan hệ trong đạo thì Tổ Sư Chơn Thật - Đạo Thông – Pháp Ngãi là sư thúc của Sư Tổ Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước. Nhưng nói theo vai vế ngoài thế gian thì Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước là cha của Tổ Sư Chơn Thật - Đạo Thông – Pháp Ngãi.
Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước đã từng đậu cử nhân Cổ Hán Học, cho nên chữ nho của Ngài viết rất đẹp. Vào năm 1966, hoặc có thể Tổ Sư đã bắt đầu viết trước đó, Ngài đã viết lên trên vách Chùa Pháp Bửu Đường, Bình Tuy ngày xưa, nay là Tỉnh Bình Thuận, không biết đó là Chú Đại Bi hay Chú Bát Nhã, nét chữ rất đẹp và rất linh động. Theo thời gian năm tháng, thời cuộc đổi thay, Chùa Pháp Bửu Đường, có lẽ cũng phải thay đổi, và như vậy những dòng chữ của Sư Ông chắc cũng không còn.  
Đến đây chúng ta biết những liên hệ sư đồ giữa Tổ Sư Chơn Tín - Đạo Thành - Pháp Hỷ, Chơn Thật - Đạo Thông - Pháp Ngãi và Tổ Sư Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước như thế nào rồi, đó là lý do giải thích tại sao 3 linh vị Thiền Tổ đang thờ tại Tổ Đình Pháp Hội, Bình Thuận có ghi
* Lâm Tế chánh tông đời 40 Chơn Thật - Đạo Thông - Pháp Ngãi Hòa Thượng.
* Lâm Tế Chánh Tông đời 41 Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước Hòa Thượng
* Lâm Tế Chánh Tông đời 42 Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ Hòa Thượng
Sơ lược về chùa Thiên Long,  nơi mà Tổ Sư Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước trụ trì. Chùa Thiên Long (6*) nguyên là chùa Thiên Đức và chùa Long Đức sát nhập, lấy hai chữ đầu của mỗi chùa đặt tên: Thiên Long. Chùa tọa lạc tại thôn Phú Long - xã An Mỹ - huyện Tuy An.
Đứng trên đường quốc lộ nhìn xuống hướng đông cách chừng hơn cây số thấy một tòa nhà ngói nơi đồng ruộng sát lũy tre bìa làng Phú Long. Đó là ngôi chùa Thiên Long. Khách theo đường xã lộ đến chợ Hòa Đa (Bầu Súng cũ) rẽ phải chừng 300m là đến chùa.
Chùa Thiên Đức trước kia tọa lạc vùng núi Đá Chồng dưới chân dãy Trường Sơn thuộc thôn Phú Long - xã An Mỹ, giáp ranh An Thọ, là ngôi chùa lá mái có nhà Đông, nhà Tây rất bề thế khang trang. Chùa khai sáng vào thời nào và vị tổ khai sơn là ai thì không biết được. Tất cả long vị đều bị cháy trong thời gian chiến tranh. Hiện nay khu vực chùa vắng vẻ điêu tàn, nền chỉ còn là gò đất, hai ngôi cổ tháp đã sập đổ và một ngôi nằm nghiêng vì bị đào bới.
Chùa Long Đức cũng không khác số phận của chùa Thiên Đức, là ngôi chùa làng do phật tử xây dựng từ thời Pháp thuộc. Biết là thời pháp thuộc nhưng cũng không biết chính xác là năm nào. Ban đầu mái tranh vách đất xây cất trên diện tích vườn chùa khoảng mẫu ta. 
Năm 1863 – 1864 (7*) chư phật tử và tín đồ mộ đạo xin phép chính quyền sát nhập hai chùa Thiên Đức  và Chùa Long Đức thành Chùa Thiên Long, và dời địa điểm đến giữa đồng Đá Ràn cách quốc lộ khoảng 150m về phía tây và xây chùa ngói khang trang. Do chùa nằm giữa đồng nên bị tình nghi và máy bay đến thả bom sập đổ. Tuổi thọ của chùa chỉ vỏn vẹn ba năm. Chư Phật Tư xa gần lại tiếp tục gầy dựng trở lại, nhưng rồi theo thời gian chùa cũng xuống cấp. Đến năm 1938 Thiền Sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ trùng tu lại. Do vì chùa nằm giữa đồng nên trong thời kỳ chiến tranh chùa bị tình nghi và máy bay đến thả bom sập đổ sau ngày trùng tu không lâu. Pháp cổ vật của chùa còn mỗi một đại hồng chung, nguyên là của chùa Thiên Đức, đúc vào năm Quý Dậu (1933). Còn bao nhiêu tiểu sử, hành trạng của chư tổ, pháp khí cổ vật khác hoặc thất lạc, hoặc tiêu hủy trong chiến tranh. Sau đó chùa lại xây dựng lại nhưng rồi vào đêm 20-9-1966, chùa bị kẻ gian cắp mất 3 tượng Phật lâu đời bằng đồng trong đó có tượng A Di Đà cao 0m40, nặng trên 50 kg và dáng tượng ngồi. 
Năm 1995 tín đồ Phật tử (8*) được phép tái thiết lại ngôi chùa ngói theo lối cổ lầu trông xinh xắn duyên dáng. Sau một năm xây dựng, ngày 15 tháng 11 năm Bính Tý (1996) lễ an vị Phật Thế Tôn được cử hành trước sụ vui mừng của tín đồ phật tử và đồng bào.
Ngôi chùa Thiên Long trãi qua nhiều tang thương thăng trầm, bao nhiêu bia ký, di tích, mộc bản về chùa đều bị tiêu hủy, đó là lý do tại sao ta không biết nhiều về hành trạng của chư thiền tổ trước đây, cũng như là Tổ Sư Như Hương - Hòa Quang - Hòa Phước. Tuy nhiên, theo diễn tiến những điều kiện cần thiết để hình thành Chùa Thiên Long, tuy ta không biết chính xác vị đại sư nào trước đây là trụ trì của hai Chùa Thiên Đức và Chùa Long Đức, nhưng ta biết được năm 1863 – 1864 hai Chùa Thiên Đức và Chùa Long Đức sáp nhập lại để trở thành một ngôi Chùa Thiên Long, và có lẽ là Tổ Sư Như Minh – Thiền Đức là người khởi xướng, tức là người Khai Sơn Chùa Thiên Long và là đệ nhất trụ trì. Tổ Như Hương, Hòa Quang – Hòa Phước là người trùng hưng và là đệ nhị trụ trì, nên trong linh vị của hai vị Tổ Sư thờ tại Tổ Đình Pháp Hội có ghi:
          - TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHẤT THẾ, KHAI SƠN THIÊN LONG TỰ, HIỆU NHƯ MINH, THƯỢNG THIỀN HẠ ĐỨC GIÁC LINH, SANH NĂM BÍNH THÌN (1866), TỊCH NGÀY 05 THÁNG 10 NĂM ?
          - TỪ LÂM TẾ CHÁNH TÔNG TỨ THẬP NHẤT THẾ TRÙNG HƯNG THIÊN LONG TỰ, HIỆU NHƯ HƯƠNG, THƯỢNG HÒA HẠ PHƯỚC GIÁC LINH SANH NĂM GIÁP NGỌ (1894), TỊCH NGÀY 26 THÁNG 3 NĂM 1971
Theo tiểu Sử của Tổ Sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ ta thấy ngày 08 tháng 02 năm Mậu Ngọ tức là năm 1918, Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước là trụ trì Chùa Thiên Long đã làm lễ xuất gia cho chú bé Bùi Vạn An lúc đó mới 7 tuổi, sau nầy là một Thiền Sư nổi tiếng đó là Thị Lạc - Hành Thiện – Hưng Từ. Cho đến năm 1938 Tổ Sư Thị Lạc - Hành Thiện – Hưng Từ trùng tu lại Chùa Thiên Long, tức là 20 năm sau vị sư trẻ tuổi tài ba nầy đã bắt đầu gánh vác phật sự thay cho Thầy mình là Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước.
Căn cứ vào những diễn tiến nầy, cho ta biết Tổ Sư Như Minh - Thiền Đức là người đã khai sơn Chùa Thiên Long, và sau đó Ngài đương kim đệ nhất trụ trì. Sau Tổ Sư Như Minh - Thiền Đức là Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước tiếp tục trùng hưng Chùa Thiên Long và đã hành đạo tại ngôi Già Lam nầy một thời gian tương đối rất lâu. Cho đến khi cuộc nội chiến bắt đầu bùng nổ vào những năm 1960 trở đi, và cuộc chiến càng ngày trở nên khốc liệt, những bom, đạn tàn phá những làng mạc miền quê, khắp cả miền Nam Việt Nam nói chung, nói riêng tại tỉnh Phú Yên, trong đó có những ngôi Chùa cổ kính đã được chư Thiện Nam Tín Nữ suốt đời xây dựng cũng bị tàn phá nặng nề, ngôi Chùa Thiên Long cũng không thoát khỏi số kiếp đó. Thế là không biết từ năm nào, Tổ Sư Như Hương – Hòa Quang – Hòa Phước phải cùng đệ tử đắc ý của Ngài là Tổ Sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ vào Nam hành đạo, và hoằng pháp tại Chùa Pháp Bửu Đường, ngày xưa thuộc Tỉnh Bình Tuy, nay là Tỉnh Bình Thuận. Đến năm 1967 Tổ Sư Thị Lạc – Hành Thiện – Hưng Từ khai sáng Tổ Đình Pháp Hội, Bình Thuận tại đây ngày 26 tháng 03 năm Tân Hợi 1971 Ngài đã an nhiên thị tịch, hưởng thọ 77 tuổi(?). Đệ tử đắc ý của Ngài nối truyền pháp phái đó là thiền sư Thị Lạc - Hành Thiện - Hưng Từ.   
          9. TỔ SƯ THỊ LẠC -  HÀNH THIỆN - HƯNG TỪ (1911 - 1991) NỐI TRUYỀN PHÁP PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 42, THẾ HỆ THỨ 9 DÒNG LÂM TẾ CHÚC THÁNH, TỔ KHAI SƠN TỔ ĐÌNH PHÁP  HỘI BÌNH THUẬN
Và là:
-  ĐỆ TAM TỔ CỦA CHÙA MINH SƠN ( CHÙA HANH MINH ĐỨC): THIỀN PHÁI LÂM TẾ CHÁNH TÔNG ĐỜI THỨ 42,  HÚY THỊ LẠC -  HÀNH THIỆN - HƯNG TỪ.
--o0o--
"